Đại Hán Phi Ca

Chương 101: Phiên ngoại:Hoàng Lương dịch tỉnh - Nam Kha kinh mộng




Chân trời góc bể có ngày về?
Tí tách… tí tách…
Âm thanh như tiếng suối róc rách từ xa xăm vọng đến.
Ý thức của tôi mơ mơ hồ hồ rồi dần trở nên rõ ràng hơn, nhưng đầu óc vẫn một mảng trắng xóa, trống hoác.
Một tiếng động nhỏ vang lên, đầu truyền đến cảm giác đau buốt, mí mắt nặng trịch cố nhướng, tầm nhìn mờ ảo dần hội tụ lại nơi máy điện tâm đồ đang lóe sáng.
Tôi muốn quay đầu lại nhưng nhận ra đang được bịt bằng mặt nạ dưỡng khí nặng nề, rồi một ống dẫn được luồn trong mũi và miệng tôi, dòng chất lỏng lạnh lẽo tí tách từng giọt trên chai chậm rãi chảy vào cơ thể tôi.
Những thứ trước mắt này khiến cho suy nghĩ của tôi tạm ngừng một giây ngắn ngủi, đây là bệnh viện…
Bệnh viện, vì sao cái từ này nhảy ra trong đầu mà lại xa lạ đến vậy, cứ ngỡ đã cách rất xa, rất xa rồi.
Toàn thân tê cứng đau nhức làm tôi không thoải mái cử động được nên gần như không chú ý là bên cạnh vẫn luôn có y tá túc trực.
Cái nút trên đầu giường được nhấn xuống, bệnh nhân đã tỉnh!
Gần như là đồng thời, ngoài cửa lập tức có người xồng xộc xông vào, cơ thể vẫn được võ trang đầy mình của tôi lập tức được ai đó ôm chầm lấy.
“Tiểu Dao… cậu hù chết chúng tớ rồi!” Người đang đè trên mình tôi khóc nức nở, còn những người đứng quanh giường bệnh thì mắt phiếm hồng.
Tôi phải mất một lúc lâu mới có thể nhận ra bọn họ.
Bác sĩ kiểm tra toàn diện xong thì tháo mặt nạ dưỡng khí trên mặt tôi xuống, thay vào bằng dây dẫn khí đơn giản.
“Bệnh nhân mới tỉnh lại từ hôn mê nên vẫn cần theo dõi nghiêm ngặt, tạm thời không thể rời khỏi ICU, người nhà đừng ở lại lâu quá, tránh ảnh hưởng đến cảm xúc và tình trạng phục hồi của bệnh nhân…”
Bác sĩ bình tĩnh dặn dò, tôi vẫn xuất thần ngóng nhìn xung quanh, tại sao mọi thứ lại như quen như lạ thế này?
Mãi một lúc lâu sau, tôi mới chậm rãi mở miệng, “Ba, mẹ…”
“Con bé này… Con nói xem, làm sao mà con… Sao mà không để người ta bớt lo thế hở…” Mẹ tôi không khống chế được cảm xúc, cứ không ngừng vỗ lưng tôi, nước mắt rơi ướt cả bộ đồ bệnh nhân rộng thùng thình của tôi.
“Tiểu Dao tỉnh lại thì không sao nữa rồi. Không sao nữa rồi, bác sĩ nói không được làm con bé xúc động, đừng khóc nữa…”
Ba tôi tuy nói vậy nhưng mắt mũi vẫn đỏ bừng.
“Ba… con bị làm sao vậy?”
Nhìn hai mái đầu bạc mà hốc mắt tôi nóng lên, không kiềm được nước mắt.
Hóa ra tôi đã hôn mê suốt bảy ngày trong bệnh viện.
Mẹ tôi nói, đêm đó bỗng nhiên nhận được điện thoại, đầu bên khóc lóc nói tôi đã ngất xỉu, hôn mê bất tỉnh, được Trình Văn lái xe đưa đến bệnh viện ở huyện Tửu Tuyền.
Đến khi họ lo lắng tới nơi thì thấy tôi đã hôn mê nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Bác sĩ nói bệnh tình của tôi rất quái lạ, không có dấu hiệu phát bệnh, cũng không có tiền sử bệnh, ngoài hôn mê thì kết quả kiểm tra hết thảy đều hoàn toàn bình thường.
Các chuyên gia hội chẩn chỉ có thể kết luận lập lờ nước đôi là không loại trừ bệnh tim, não đột phát, có lẽ sẽ tự tỉnh dậy, kết quả tệ nhất là trở thành người sống đời sống thực vật.
Mẹ tôi khóc mấy ngày liền, cơm nước không ăn, cả ngày ngồi chờ bên ngoài phòng, Mặc Mặc và Trình Văn cũng không ngừng canh giữ trong bệnh viện, hai người họ đến nay vẫn không thể hiểu nổi rốt cuộc đêm đó đã xảy ra chuyện gì.
Cuối cùng, đến chiều tối ngày thứ bảy, tôi tỉnh lại, tất cả đều là Mặc Mặc kể cho tôi nghe.
Nhưng đêm trước đó bảy ngày đã có chuyện gì xảy ra? Trí nhớ của tôi trống rỗng, cứ cố nhớ lại nhưng vẫn chỉ là khoảng không đáng sợ.
Tôi nhớ không nổi, trí nhớ của tôi về bảy ngày này cũng mờ nhạt giống sinh mệnh tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu bảy ngày này thì cuộc đời tôi đã không còn trọn vẹn, viên mãn được nữa.
Tỉnh lại nhưng như đã qua trăm ngàn năm, một cảm giác hoang mang vô tận ập đến, không ngừng dày vò tâm trí tôi.
Tôi hỏi bác sĩ, ông ta nói hôn mê lâu có thể khiến vỏ đại não tạo thành những tổn hại với mức độ khác nhau, còn trí nhớ bị mất thì là di chứng bình thường.
Ông ta còn nói, bệnh tôi không quá nghiêm trọng, trong bảy ngày hôn mê vốn cũng không tạo nên trí nhớ gì.
Có lẽ bác sĩ nói đúng, tôi chỉ là do bệnh nặng mới khỏi, cảm xúc không ổn định thôi.
Một tháng nằm viện cuối cùng cũng chấm dứt, dưới sự kiên quyết của tôi, tôi được về trường, tiếp tục việc học.
Cuộc sống gần như đã khôi phục sự an bình như trước, ánh nắng xuyên qua ô cửa kính tràn vào phòng học, loang loáng in dấu trên trang sách.
Tôi có thói quen ngồi ở hàng cuối cùng trong lớp, lẳng lặng nghe giảng bài, lẳng lặng ghi chú.
Trường học, nhà ăn, ký túc xá đã cấu thành toàn bộ cuộc sống của tôi.
Mặc Mặc nói tôi đã thay đổi, trở nên trầm mặc ít lời. Trình Văn nói, tôi đã thay đổi, trở nên tâm bình khí hòa.
Mọi thứ đều không thay đổi, thay đổi chỉ là bảy ngày khuyết thiếu của tôi mà thôi.
Rồi sau đó, tôi bắt đầu lặp đi lặp lại cùng một giấc mơ.
Một cô gái áo trắng hết lần này đến lần khác xuất hiện trong giấc mơ của tôi, cô ta nói, “Ngoài Thành Trường An, bên bờ sông Vị Thủy, đừng quên hẹn ước xưa…”
Nhưng mỗi lần tỉnh giấc lại tịnh không bóng người.
Tôi ngồi trên giường trong ký túc xá tối đen, qua rèm cửa sổ nhìn lên chòm sao sáng nhất trên bầu trời đêm mênh mông vô tận.
Giấc mơ kỳ quái này không ngừng khuấy động nội tâm bất an của tôi, khiến tôi không thể khống chế ý muốn tìm hiểu.
Đến một hôm, Trình Văn gọi tôi đến đoàn trường tham gia hoạt động, ở một góc sáng sủa của văn phòng, tôi lại lần nữa thấy được bức hình kia.
Kỳ Liên Sơn, ba chữ vừa xuất hiện trong đầu thì đột nhiên, cảm xúc mênh mông mãnh liệt ầm ầm kéo đến, rồi trở nên bình lặng.
Suy nghĩ như kéo xuyên thời không nhưng lại bị cứng rắn kéo về.
Trường An, Vị Thủy… Tôi cẩn thận viết lại những chữ đó xuống trang sách, những ký tự xa lạ phảng phất như đang vẫy gọi tôi.
Giấc mơ cứ lặp đi lặp lại, tra tấn tôi gần mấy tháng trời, tôi ngày càng muốn khẩn cấp tìm kiếm con đường chỉ dẫn giữa u mê tăm tối.
Mùa hè đã đến, tôi về nhà chuẩn bị hành lý xong rồi ghé vào bàn học ngủ gục.
Bấy giờ, tôi nhìn thấy khuôn mặt của cô gái áo trắng kia cũng chính là tôi.
“Cô rốt cục là ai?” Tôi hỏi trong giấc mơ.
Cô ta nhanh nhẹn xoay người, chỉ để lại hai chữ: Mậu Lăng.
Tỉnh giấc, trong căn phòng ngập tràn ánh sáng, tôi lại run rẩy toát mồ hôi.
Vội vàng mở laptop, đánh xuống hai chữ Mậu Lăng, từ ngữ phản chiếu trong đáy mắt.
Hán Vũ Đế Kiến Nguyên năm thứ hai, Vũ Đế Lưu Triệt lúc này xây dựng lăng, năm thứ 87 trước công nguyên, Vũ Đế sau khi an táng…
Trường An, Vị Thủy, Hán Vũ Đế…
Cảm xúc tù đọng trong lòng càng nặng nề, tôi không muốn đợi nữa, không thể đợi nữa, đáp án sắp được làm sáng tỏ.
Vào hè, tôi không lập tức lên đường về nhà mà mua vé xe lửa lên miền Bắc, mục đích là Thiểm Tây Tây An.
Bên ngoài xe lửa khung cảnh vùn vụt thay đổi, bên trong là tâm tình bồn chồn bất an.
Mậu Lăng ở thành phố Tây An hưng bình phía Tây Bắc, cầm bản đồ, tôi bước lên xe buýt đến thôn Mậu Lăng.
Triền núi dốc cao, đi mấy km mới thấy một tấm bia đá lớn.
Mậu Lăng, Hán Vũ Đế Lưu Triệt chi mộ.
Chẳng biết tại sao, chỉ nhìn vài chữ đã khiến tôi không thể bình tĩnh.
Mậu Lăng là lăng mộ được bảo tồn hoàn hảo nhất của đế vương cổ đại cho tới nay, kích thước rộng lớn, toàn bộ táng phẩm có thể ganh đua cao thấp với Ly Sơn Thủy Hoàng lăng.
Không tính ngọn núi hùng vĩ trải dài ngàn dặm, trên mảnh đất này cũng đã mai táng biết bao bậc vương hầu tiếng tăm lừng lẫy.
Trong đó nổi bật nhất là mộ của Hán hiếu Vũ Hoàng đế.
Chuyện xưa chôn dấu ngàn năm, ngay dưới kia, tấm bia đá được soạn khắc đã từ từ vạch trần bức họa lịch sử, dẫn dắt tôi tiến vào cái niên đại hào hùng xa xưa ấy.
Vị Thủy kiều biên bất kiến nhân,
Ma sa cao trủng ngọa kì lân.
Thiên thu vạn cổ công danh cốt,
Hóa tác hàm dương nguyên thượng trần.

Dân bản xứ nói, ngôi mộ được bảo tồn hoàn hảo nhất phải là mộ của Tây Hán Phiêu Kỵ tướng quân và Hiếu Vũ Hoàng hậu Lý phu nhân.
Tôi nhìn ngọn núi phía xa mà suy nghĩ trôi miêm man, nghe hai cái tên xa lạ này lại có loại rung động như xa cách nghìn trùng nay gặp lại.
Dẫm trên nền cát vàng, mộ của Hoắc Khứ Bệnh đứng sừng sững dưới ánh chiều tà, lăng mộ kéo dài theo hình dạng của Kỳ Liên Sơn.
Có lẽ bị ánh sáng đâm đau mà nước mắt ấm nóng không ngừng lăn dài trên má, vì sao trong một chớp mắt đó, tôi không tài nào nhúc nhích được, quay nhìn ngọn núi một lúc lâu vẫn không thể bình tĩnh, dường như đã từ rất lâu về trước, người này đã dung hòa vào máu thịt tôi.
Trên bia mộ là tế văn phức tạp, tôi vuốt lên những hình hài chạm trổ, lòng bàn tay ram ráp như đang được nghe tiếng thì thầm trò chuyện.
Tôi lại lần nữa lượn quanh, không nỡ rời đi.
Đến khi mặt trời đã hoàn toàn khuất dưới chân núi, màn đêm lặng lẽ buông xuống.
Tôi tìm một khách sạn nhỏ ngủ lại, ông chủ là người đàn ông Tây Bắc hào sảng, buổi chiều, đám du khách chúng tôi cùng ngồi trong sân nghe ông ta kể đủ loại điển cố.
Ông ta nói, nửa năm trước vào một đêm mùa đông, ông ta tận mắt chứng kiến một hiện tượng thiên văn trăm năm khó gặp.
Thiên Lang tinh chợt hiện, Bắc Đẩu Thất Tinh liên hợp, sấm sét vang dội rồi chỉ chốc lát sau, đằng chân trời lại an tĩnh.
Hôm sau, khi chớp vừa đánh xuống, người ta khai quật được một miếng ngọc hiếm thấy thời Tây Hán, theo chuyên gia xem xét, đúng là vật phẩm trang sức thời Hán Vũ Đế, xác nhận là ngọc trâm phi tần dùng, chất liệu là văn ngọc thượng hạng, cây trâm đã được bảo tồn trong bảo tàng Mậu Lăng.
Tôi chống má yên lặng nghe, giọng nói của người đàn ông sang sảng như bão cát Mạc Bắc không ngừng cuốn tung mịt mù.
Mỗi chữ ông ta nói đều làm tôi miên man bất định, không thể kiềm chế.
Đêm nay, tôi nằm trong căn phòng xa lạ ngủ đặc biệt ngon giấc, như kẻ lãng du đã lâu nay được trở lại quê cũ.
Hôm sau, tôi đón xe buýt đến thăm bảo tàng Mậu Lăng.
Trước mắt là những cổ vật bằng ngọc đào được, thể hiện trăm năm phồn thịnh huy hoàng của Đại Hán.
Ở một góc đông nam của căn phòng triển lãm thứ hai, tôi đã phát hiện trâm bạch ngọc, tôi dựa vào cửa kính thất thần nhìn chăm chú.
Trâm Bàn Long Văn Ngọc… Cái tên bật thốt ra, dù trên miếng giấy chỉ viết bốn chữ ngọc trâm Tây Hán.
Vì sao lại quen thuộc đến thế, tựa như nó đã thuộc về tôi từ ngàn năm trước.
Tiếng thuyết minh của hướng dẫn viên du lịch vang lên, “Tương truyền, Hán Vũ Đế độc sủng Lý phu nhân, dùng trâm của nàng gãi đầu, đến nỗi nữ nhân trong hậu cung đều bắt chước đeo trang sức bằng ngọc, để lại giai thoại khuynh quốc khuynh thành thiên cổ…”
Khuynh quốc khuynh thành… Trâm ngọc gãi đầu… Đầu óc tôi đã không thể bình tĩnh được nữa, từng đợt sóng ầm ầm dộng vào làm toàn thân tôi run rẩy.
Những hình ảnh mơ hồ đứt quãng thoát ra, hiện lên, tôi ôm đầu ngồi bệt xuống đất, bên tai quanh quẩn giọng nói: “Lý phu nhân chết bệnh, Vũ Đế đau khổ bi thương, làm một bài phú điệu Lý phu nhân …
Tôi chạy vụt ra ngoài, đón xe quay về Mậu Lăng.
Tôi chạy miết, đến sườn núi phía sau Mậu Lăng, một nấm mồ tròn nhỏ hiện ra trước mắt.
Trên tấm bia có khắc: Tây Hán Hiếu Vũ Hoàng Hậu Lý thị.
Tôi dựa vào tấm bia loang lổ, máu toàn thân nghịch chuyển như bị trăm ngàn con ngựa vụt qua, cuốn tung bụi mù.
Hồng trần tan tác, tôi như thấy được bóng người thiếu nữ váy xanh đang lả lướt đến gần.
Tôi ngơ ngẩn lê bước, trong lòng lúc tỏ lúc mờ, đờ đẫn rời khỏi mộ Lý phu nhân.
Nhưng trái tim lại như có một mãnh lực níu kéo, không thể rời đi…
Tôi mịt mờ vòng qua sườn núi, bất tri bất giác lại đến trước mộ Hoắc Khứ Bệnh, đến tột cùng là vì sao, chính tôi cũng không nói rõ được.
Đang thẫn thờ thì bỗng từ xa thấy một chiếc xe thể thao màu trắng đang lướt đến.
Cơn gió cuốn lên, tôi tránh không kịp, bất lực ôm đầu.
Hồi lâu sau, cảm giác bị đụng phải vẫn chưa xuất hiện, đến khi tôi chậm rãi mở mắt ra, thấy cửa xe mở ra, một bóng người cao lớn từ trên bước xuống.
Anh đưa lưng về phía sáng khiến tôi không thấy rõ diện mạo, chỉ có thể nghe được giọng nói trong trẻo, mọi âm thanh như dừng lại.
Anh vươn tay ra cho tôi, “Có làm cô bị thương không?”
Khoảnh khắc ấy, tôi đã thấy rõ được mặt anh, bờ môi mỏng hơi nhếch lộ ra hai chiếc răng khểnh, con ngươi lấp lánh sáng.
Chỉ một thoáng, thời gian xoay vần như đang quay về buổi chiều ngập tràn hương hoa, cánh hoa đào rực rỡ nở rộ đầy trời, lấp đầy ngày hè sáng lạn.
Tôi không biết giờ phút này trên mặt đã đầm đìa nước mắt.
Một giấc mộng mây khói, cuộc đời đã trôi qua ngàn năm…
Là tiếng ai dịu dàng trong hồi ức, nụ cười kia vẫn đắm say như xưa.
Anh lại nói, “Có làm cô bị thương không?”
Chìm trong nụ cười rạng rỡ ấm áp như ngày xuân của anh, tôi chậm rãi đặt tay vào lòng bàn tay anh.
Tôi cuối cùng đã hiểu, trăm ngàn năm chờ đợi, chỉ dành cho giây phút gặp lại anh đây.
Sẽ không bao giờ xa cách nữa.
Hết.
Cảm xúc truyệnDao Ca của tôi đã ra đi như thế đấy! Suốt chặng đường không đủ dài mà cũng chẳng hề ngắn nàng đã đi qua, tôi ngóng trông từng chút từng chút, cho đến tận khi nàng nhắm mắt xuôi tay tôi vẫn không tài nào thôi day dứt về tuổi xuân, khát vọng và tình yêu của nàng.
Nàng đến với thế giới 2000 năm trước này với một trái tim thanh khiết, vô tư và ra đi dưới cả trời não nề luyến tiếc. Có ai bảo rằng biết trước định mệnh là tốt đâu? Nàng không chỉ nắm rõ định mệnh của người khác mà còn biết trước những quả đắng đang chờ mình. Nàng không có vẻ thông minh, can đảm và bất cần của người nắm trong tay quyền điều khiển như những cô gái đến từ tương lai mà tôi đã đọc. Một phần ba đoạn đầu truyện được Phồn Hoa dùng những nét phác thảo sơ sài để khắc họa quãng đời tươi đẹp nhất của Dao Ca – quãng đời đơn thuần chân thật như chính tâm hồn nàng vậy. Khi mới bắt tay dịch truyện, tôi không hứng thú với đoạn đầu vì nó nhàn nhạt, rề rà mà Dao Ca ngoài nhan sắc ra cũng chẳng có gì đặc biệt. Nhưng khi nàng chính tay rạch mặt hủy dung đã thật sự khơi động cảm xúc của tôi. Dù có trốn tránh nhưng chuyện cần đến ắt sẽ đến. Dao Ca trở về quá khứ không phải là một nhân vật hư cấu để tạo ra một diễm tình truyện lãng mạn như mơ với khuôn sáo lọ lem hoàng tử. Nàng, Lý Dao Ca, bị buộc vào bánh xe lịch sử như một nút thắt vốn có và không cách nào cự tuyệt.
Câu hỏi luôn khiến tôi đau đáu xuyên suốt mạch truyện là, liệu Dao Ca có từng yêu Lưu Triệt? Tôi tin là có, dù chỉ một chút. Nàng quá cô đơn, quá tuyệt vọng. Cuộc sống không dám nghĩ đến ngày mai và những loay hoay quanh quẩn tìm lối thoát khi mà Hoắc Khứ Bệnh – người nàng yêu nhất – lại luôn xa nhiều gần ít. Trái tim con người bằng máu thịt chứ nào phải gỗ đá. Có những khi tôi chắc chắn Dao Ca đã dao động trước Lưu Triệt, không phải tình yêu nàng dành cho Hoắc Khứ Bệnh đã phai nhạt mà chỉ đơn giản là trong một thoáng nào đó, nàng mệt mỏi rồi, chùn chân trước hiện thực nghiệt ngã rồi, nàng cần lắm một bờ vai, một vòng ngực rộng lớn có thể che mưa chắn bão cho nàng. Chỉ có điều, Lưu Triệt lòng mang thiên hạ, mà thiên hạ thì mênh mông vô tận lại chẳng có nơi thuộc về nàng.
“Ai nói đời người như một vở kịch? Kịch cũng sẽ có ngày hết, nhưng đời người lại như một giấc mộng dài, đến khi tỉnh lại đã là cái chết.” (Dao Ca)
Nàng cũng từng chân thành muốn sống cùng Lưu Triệt, gạt bỏ quá khứ, cùng nhau trải qua những tháng ngày ngắn ngủi còn lại vì hài tử của họ. Còn tình cảm Lưu Triệt dành cho Dao Ca rốt cuộc là thế nào ư? Đó là một loại ân sủng tự ái phi ái tự tình phi tình, không giống như ân sủng từ trên trời rơi xuống, cũng không phải dạng moi móc tâm can ra để chứng minh, chỉ như thuỷ ngân sâu thâm khó dò khó đoán, khi thì lạnh lùng như gần như xa, khi thì ôn nhu yêu thương che chở, khi thì phóng túng vô song phong lưu vô hạn, khi thì thâm tình triền miên lặng lẽ trông mong, có lúc nồng nhiệt thân mật hơn cả ái nhân đang say men tình, có lúc lại đoan chính khắt khe hơn cả sư tôn nghiêm lệ nhất.
Nhưng khi Lưu Triệt ban rượu độc ép nàng hủy thai thì tôi biết, tất cả đã hết. Tâm nàng chết, cho dù sau này hắn có hối hận, cố chấp giành lại nàng và ước ao được chuộc tội thì tôi vẫn không còn hy vọng Dao Ca sẽ sống hạnh phúc với hắn được nữa.
Tôi nói quá nhiều về Lưu Triệt rồi, ừ, tôi thích nhân vật quang lâm thiên hạ này. Hắn mạnh mẽ, gai góc, đa diện và đủ nhẫn tâm. Nhưng tôi lại mong Dao Ca của tôi được trở về bên Hoắc Khứ Bệnh – người nam tử đã trao nàng cả trái tim ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Hoắc Khứ Bệnh là nhân vật tôi yêu thương nhất trong cả câu chuyện, chắc vì nụ cười trong trẻo rạng ngời của người thiếu niên, hoặc vì quả đu đủ héo khô chàng luôn mang theo bên mình cho đến tận lúc lìa đời.
Dù thế nào, cả ba nhân vật: Dao Ca – Lưu Triệt – Hoắc Khứ Bệnh đều không thể ngăn được bánh xe lịch sử đi đến trạm dừng của nó. Truyện khép lại với những yêu hận quấn quýt khó phân. Dao Ca vẫn thường nói “Chẳng có ai là không thể sống nếu thiếu ai.” Nhưng tuổi thanh xuân và tình yêu của nàng đã chìm sâu dưới lòng sông Vị Thủy cuồn cuộn sóng, đã héo khô dưới chân thành Trường An hoa lệ phù phiếm và hòa cùng gió bay tới đại mạc xa xôi, lưu luyến dưới gót chân người thiếu nữ đang vì tướng quân giáp bạc hiến vũ…
“Theo dòng Trường Giang cuồn cuộn sóng, vạch trần ký ức phủ bụi mờ, giữa giấc mộng xưa cũ chốn phồn hoa, tìm kiếm bóng hình ai.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.