Đàn Lang

Chương 5: Hành Trình (Thượng)




Trong vòng vài năm, chỉ bằng vào tiền thưởng do chủ nhân ban cho mà muốn chuộc thân, còn đi mua đất thì đó chính là hoang tưởng, cho dù có là nô tỳ của phủ Hoàn đi chăng nữa.
Cho nên, tôi chỉ đành đi đường tắt.
Ví dụ như, bình thường Công tử nhận được rất nhiều bái thiệp, nhưng có đến hay không còn tùy thuộc vào tâm tình của hắn. Đám mộ giả muốn gặp Công tử ắt phải đến hỏi thăm hành tung của hắn. Thân là thị tỳ thiếp thân bên cạnh Công tử, không ai rõ ràng chuyện này hơn tôi. Những kẻ có khả năng tham dự du uyển, nhã hội không phải lắm tiền thì cũng có địa vị, trước nay vốn chẳng tiếc mấy đồng bạc lẻ, vì vậy mỗi lần bán tin tôi chỉ thu có hai trăm đồng, đã là vô cùng có lương tâm rồi.
Hoặc ví dụ như, tôi thường xuyên bói mệnh cho người ở trong phủ.
Cũng nhờ vào chuyện nằm mơ thấy thần tiên ban thuốc năm đó mà tôi ở trong mắt người khác xem như có vài phần thần thông. Vì vậy đám người đến nhờ tôi xem bát tự mệnh cách lúc nào cũng nhiều như nước chảy, nối liền không dứt. Cơ duyên đã vậy, tất nhiên là không thể bỏ qua.
Học theo thư sinh bốc phét rất dễ, tâm sự của đám nữ tỳ cũng không khó đoán. Mỗi người hai mươi đồng một lần xem, giá cả hợp lý, già trẻ như nhau không hề phân biệt.
Công tử tuy không biết tính toán của tôi nhưng hắn cũng không phải là người ngốc, bên cạnh có một kẻ lấy vơ vét tiền bạc làm đam mê, sao có thể không biết.
Hắn hỏi tôi vì sao lại thích tiền như vậy?
Tôi nói, Công tử không biết đấy thôi, khi còn bé nô tỳ thường xuyên bị bóng đè, không đêm nào được yên giấc, đã tìm biết bao nhiêu lương y cũng không có tác dụng. Sau này nô tỳ gặp được một cao nhân nói mệnh của nô tỳ bị khuyết, không đủ dương khí, thuốc thang tầm thường đều vô tác dụng, phải dùng “tiền dắt lưng” đặt ở dưới gối làm bạn mới có thể hóa giải được.
Công tử hỏi tôi, cái gì gọi là “tiền dắt lưng”?
Tôi nói, thường dân bách tính mang theo tiền, để đề phòng đánh rơi thường quấn lại rồi nhét vào trong cạp quần cho nên mới gọi là “tiền dắt lưng”. Tiền này là loại tiền cũ, đã qua tay vô số người, hấp thu đủ loại dương khí dồi dào cho nên mới trị được cái bệnh thâm niên kia của tôi.
Công tử lại hỏi, nếu thế thì có tiền rồi là được, sao còn phải kiếm thêm?
Tôi nói tiền này tuy có dương khí nhưng rốt cuộc cũng sẽ hao mòn, phải liên tục bổ sung mới được.
Công tử à một tiếng ra chiều đã hiểu, nhưng sau khi suy tư nửa ngày lại lắc đầu nói, như vậy chung quy cũng chẳng phải kế lâu dài, nếu như đến một ngày kia không có ai đến tìm tôi bói quẻ nữa thì tính như thế nào?
Tôi nói, Công tử không cần lo lắng, nô tỳ tự có biện pháp. Công tử đối đãi với nô tỳ tốt như vậy, cho dù có phải mất ngủ cả ngày thì nô tỳ cũng phải bảo vệ Công tử tử tế. (Hẳn là mất ngủ cả ngày(⁠◡⁠ ⁠ω⁠ ⁠◡⁠)
Công tử tuy ngoài mặt tỏ ra chán ghét cái vẻ nịnh bợ của tôi nhưng hiển nhiên là rất khoái được dỗ ngọt, bình thường cao hứng lên là lại thưởng tiền cho tôi.
Đáng tiếc, cho dù như vậy thì hắn cũng chẳng giúp được gì nhiều.
Hoàn thị là gia tộc trăm năm lâu đời, gia phong cực kỳ nghiêm khắc. Con cháu chưa thành gia lập thất như Công tử, mọi sinh hoạt thường ngày đều do người trong phủ lo liệu, tiền tiêu vặt hàng tháng không nhiều. Mặc dù Công tử từ nhỏ đã được bề trên ban thưởng không ít, đồ quý chất chật kín mấy cái khố phòng. Nhưng khố phòng đều có quản sự riêng chuyên trông coi, bất luận vào món nào, ra món nào đều có sổ sách ghi lại.Vì vậy, muốn dựa vào tiền thưởng của Công tử để làm giàu chẳng khác nào si tâm vọng tưởng.
Tôi cũng không thể đi ăn trộm, nếu như bị phát hiện ra, để bảo vệ tính mạng thì chỉ có con đường đào tẩu. Mà tôi thì lại không muốn rời xa Công tử sớm như vậy, đó là hạ sách.
May mắn thay, Công tử ngoài tiền ra còn có danh tiếng.
Hắn là người cao cao tại thượng, thế nhân tuy hâm mộ nhưng không thể với tới. Công tử không thích giao thiệp, bình thường muốn gặp mặt hắn còn khó hơn cả vào hoàng cung, điều này khiến cho những vật liên quan đến hắn đều vô cùng có giá.
Ví dụ như, chữ viết tay.
Thầy dạy thư pháp của Công tử đều là danh gia, hắn lại “trò giỏi hơn thầy”. Chữ do chính tay hắn đề bút vô cùng ít ỏi, bởi vậy mà có tiền cũng khó mua được.
Đúng là lãng phí tài nguyên.
Dĩ nhiên tôi chẳng đời nào đi trộm chữ và tranh của Công tử mang đi bán. Danh sĩ có phong thái của danh sĩ, nếu để người khác biết được chắc chắn là bị chế nhạo. Có điều trên đời phàm chuyện gì cũng có cách của nó, ở chợ đen có nhà chuyên làm nghề mua bán chữ nháp, hầu hết đều là mua lại bản nháp luyện chữ của danh sĩ từ tay đám người hầu, tuy không đề tên nhưng người sành sỏi nhìn một cái là biết.
Người bình thường làm sao có thể câu kéo quan hệ với danh sĩ, muốn có bút tích thực lại càng khó hơn lên trời. Cho nên đám có tiền một chút thường đi mua bản chữ nháp. Kẻ say mê thì đem về mô phỏng, kẻ thích hư vinh thì chọn tấm đẹp một chút đem về treo tường, coi như là an ủi.
Công tử tuy là người phóng khoáng nhưng hắn ghét nhất là bị người khác nói là dựa vào ấm ân của phụ mẫu, chỉ có hư danh. Cho nên tôi nói với hắn, ở quê tôi, thanh niên độ tuổi như hắn sớm đã có thể tự kiếm sống bằng sức của mình, làm lụng nuôi dưỡng gia đình.
Hắn không phục nói – “Ta cũng có thể tự lập.”
Tôi hỏi vặn lại – “Công tử tự lập thế nào?”
Hắn suy nghĩ cả nửa ngày vẫn không đáp lại được.
Tôi thấy hắn rơi vào trầm tư liền dẫn dắt từng bước một – “Công tử có biết, một chữ của huynh ở chợ đen đáng giá bao nhiêu tiền không?”
Công tử lộ ra vẻ mơ hồ không hiểu – “Chữ? Chữ gì?”
Tôi cười, Công tử đúng là ngây thơ.
Hắn nghe tôi nói chuyện chữ nháp liền bừng tỉnh hiểu ra.
Hắn hỏi – “Vậy chữ của ta đáng giá mấy đồng?”
Tôi trả lời – “Cái này nô tỳ cũng không rõ lắm nhưng có điều nghe nói chữ của đại công tử An Khang hầu, một chữ to giá 200 đồng, chữ nhỏ mỗi chữ 50 đồng, có thể nói là có một không hai.”
Quả nhiên hệt như tôi đoán, Công tử lộ ra vẻ khinh bỉ.
“Nghê Sinh.” – Hắn nói – “Nàng cũng mang chữ của ta đi bán xem.”
Tôi kinh hãi – “Như vậy làm sao được? Công tử đừng so đo với người khác.”
“Cái gì mà so đo với không so đo.” – Công tử nói – “Không phải nàng nói có người mua về làm bảng chữ mẫu sao? Đó là vì sở học, là đại thiện.”
Thế là tôi chẳng còn cách nào khác, chỉ đành tận hết bổn phận đem đống chữ nháp của hắn mang ra khỏi phủ. Chỗ chuyên mua bán loại mặt hàng này ở chợ đen, tôi đã sớm đi nghe ngóng từ lâu, giá cả nhẹ nhàng cũng phải năm trăm đồng một chữ.
Tôi trở về đem chuyện này bẩm báo với Công tử, hắn nghe xong trên mặt không khỏi lộ ra vẻ đắc ý.
“Tài vật chỉ là thứ nhỏ nhoi, không đáng để nhắc đến.” – Hắn dửng dưng nói.
Cứ như vậy, Công tử xem như ngầm cho phép hành vi buôn bán của tôi.
Nhưng dẫu sao hắn cũng là con nhà quyền quý, mười ngón tay chưa từng dính bùn, nào biết được đạo lý đầu cơ tích trữ.
Mỗi một bản chữ nháp hắn viết đều do tôi thu dọn cho nên chuyện năm trăm đồng một chữ chỉ là giá chào bán, bắt đầu từ những lần sau chưa lần nào thấp quá một ngàn đồng.
Tiếc là dê bị vặt lông nhiều lần chung quy cũng có ngày thành tinh khôn ra.
Công tử thế mà lại dùng chuyện này để bắt bí tôi, đúng là có tiền đồ.
Sau cùng, tôi vẫn đồng ý với hắn.
Tất nhiên ngoại trừ tiền, còn có nguyên nhân khác.
Đầu tiên, chuyện này đã trở thành tâm ma của hắn, lần này không được đi Tây Bắc, lần sau ắt sẽ đòi đi chỗ khác.
Thứ hai, tôi nghe nói, phụ thân của Thẩm Xung, Thẩm Diên cũng đã xin hoàng thượng ban cho chàng chức quan Lục sự.
Thẩm Xung là đứa con nối dòng duy nhất của Thẩm Diên. Nghe nói Thẩm Thái hậu thật ra không mấy vừa lòng về chuyện này nhưng Thẩm Diên vẫn khăng khăng với ý kiến của mình.
Thứ nhất, Thẩm Diên vẫn luôn ôm kỳ vọng rất lớn vào Thẩm Xung, chắc chắn sẽ không để cho chàng chỉ quanh quẩn ở cái chức tiến sĩ nhỏ nhoi. Mà muốn vươn đến chỗ cao nhất định phải có công huân.
Thứ hai, Lục sự là văn chức. Tuy không phải là chức vị gì lớn nhưng lại là chức quan trọng, dù là công lao gì thì cũng không quá kém. Hơn nữa, Lục sự chỉ cần ở trong lều chủ tướng nghe lệnh, đừng nói binh đao, có khi cả mưa cũng không đến mặt. Đối với những con cháu quý tộc muốn yên ổn kiếm chút công huân mà nói chính là loại chức quan lý tưởng.
Sau khi nghe được tin tức này, tôi liền giống như Công tử, bắt đầu hừng hực ý chí đền nợ nước.
Nếu như kịp thì Công tử và Thẩm Xung nhất định sẽ lên đường cùng nhau. Từ Lạc Dương đến Hà Tây, nhanh thì hai mươi ngày, chậm thì mất một hai tháng. Chưa bàn đến chuyện được sớm chiều ở chung với người trong lòng, nói không chừng gặp lúc nguy cấp, một nữ tử yếu đuối như tôi, nhất thời không tìm được Công tử, chỉ có thể dựa dẫm vào Thẩm Xung. Ở nơi đồng không mông quạnh, cô nam quả nữ… Khụ khụ!
Hai ngày sau, ngay trong tiệc cung yến, Công tử quỳ xuống trước mặt thánh thượng bày tỏ mong ước được tòng quân báo quốc. Mặt rồng vui sướng, vô cùng tán thưởng trước thái độ này của Công tử.
Lạc Dương là nơi mà tin đồn lan truyền với tốc độ dữ dội nhất, đặc biệt là đối với nhân vật như Công tử. Khi Chủ công và Đại trưởng công chúa ở phủ nghe được tin tức này thì bên ngoài mọi người đều đã đồn ầm cả lên.
Chủ công giận dữ, khiển trách Công tử một trận. Đại trưởng công chúa thì đích thân tiến cung diện thánh, cầu vua thu hồi mệnh lệnh. Nhưng lần này kim thượng lại không bị thuyết phục, ngược lại còn khen Công tử là tấm gương sáng cho con em quý tộc, cảnh cáo Đại trưởng công chúa không được phép ngăn cản.
Thấy ván đã đóng thuyền không thể xoay chuyển, phủ Hoàn không còn cách nào khác đành phải bắt đầu thu xếp cho chuyến đi Tây Bắc của Công tử
Đối với một người đi tòng quân mà nói thì những thứ mà phủ Hoàn chuẩn bị cho Công tử có thể nó là vô cùng xa hoa. Ngựa xe vật dụng đều đầy đủ, còn có hơn mười người đi theo hầu hạ, từ trù sư cho đến hộ vệ đều không thiếu một ai.
Giấc mộng một người một kiếm tung hoành thiên nhai của Công tử sao có thể để cho một đống kẻ bưng trà rót nước làm cho thêm phiền được? Tất nhiên là hắn không chịu. Sau mấy lần đấu tranh, Chủ công và Đại trưởng công chúa cuối cùng cũng chịu nhượng bộ, cắt giảm xuống còn năm đứa tùy tùng, một đứa hầu hạ bên cạnh là Thanh Huyền, bốn người còn lại là bốn thanh niên cao to vạm vỡ làm hầu nam kiêm thị vệ.
Thanh Huyền nửa đắc ý nửa cảm thông nói với tôi – “Nghê Sinh, nữ tử không thể tòng quân, cô không thể đi theo công tử rồi.”
Tôi cười khẩy, không thèm trả lời hắn.
Tôi đã có thể bày ra cái kế này thì tất nhiên không đời nào chịu ngoan ngoãn ở lại trong phủ.
Ngày hôm sau, nữ quan bên cạnh Đại trưởng công chúa là Lý thị đến tìm tôi hỏi về vấn đề mắt trái của bà ta vì sao cứ máy suốt, rốt cuộc là hung cát thế nào?
Ngay đêm hôm đó, Triệu quản sự trong phủ liền tìm đến, bảo tôi thu dọn đồ đạc chuẩn bị cùng xuất chinh với công tử.
Thanh Huyền trợn mắt nhìn tôi, hệt như tôi vừa làm ra trò gì gian trá.
Đúng là oan hơn Thị Kính, chẳng qua tôi chỉ bói miễn phí cho Lý thị một quẻ, tiện thể trò chuyện một chút về mấy chuyện kỳ lạ ở quê tôi. Ví dụ như trước đây cạnh nhà tôi có một nông dân tòng quân trở về, hắn thường xuyên kể cho chúng tôi nghe về các loại kiểu chết trên chiến trường.
Dĩ nhiên, Lý thị không chỉ hám lợi mà còn vô cùng lắm mồm. Chuyện gì được kể lại qua mồm bà ta đều như thể tận mắt chứng kiến, lại còn thêm mắm dặm muối, cái này tôi không quản được.
Vì vậy thân là kẻ chắn nạn cho Công tử, tôi lại một lần nữa được Đại trưởng công chúa coi trọng.
Còn về vấn đề nam hay nữ, thì thực ra rất ít người biết được tôi là phận nữ.
Người như Công tử, bình thường không thể thiếu xã giao. Mà nhóm nhân sĩ phong nhã đương triều không thịnh hành mốt mang theo tỳ nữ xinh đẹp ra cửa, thứ bọn họ ưu ái là nam đồng tuấn tú cơ. Cho nên từ khi nhập phủ tới nay tôi vẫn luôn đóng giả nam trang khi ra ngoài.
Tôi cũng không ngại chuyện xuất chinh, ngày trước mỗi lần Công tử trở về Tiêu quận hoặc đến ấp phong của Đại trưởng công chúa đều có tôi theo cùng. Chuyện bất tiện duy nhất khi đi xa chẳng qua chỉ là mấy chuyện linh tinh như tắm rửa hay vệ sinh mà thôi. Vả lại khác với người hầu thông thường, là tỳ nữ thiếp thân bên cạnh Công tử luôn có rất nhiều ưu đãi. Ví dụ như sát cạnh chỗ ở của Công tử nhất định phải có một gian phòng ngoài, hoặc là dựng tạm một cái lều nhỏ, không phải việc gì lớn lao. Người ngoài nhìn vào sẽ chỉ cho rằng đó là quy củ của Công tử danh môn, biết thì biết đấy nhưng không thể trách. Còn về nguyệt sự, chỗ có lợi nhất khi làm nô tỳ cho Công tử đó là thường xuyên được ban thường, mà phần thưởng này đa phần đều là vải vóc rẻ tiền, chỉ cần mang theo hai cuộn là dùng thỏa.
Đám thị tỳ trong phủ sau khi biết chuyện tôi phải theo Công tử xuất chinh, lúc nhìn tôi đều mang theo vẻ “đời này từ biệt tại đây”.
Lúc Huệ Phong đến tạm biệt tôi còn hỏi – “Cô không sợ hả?”
Tôi nói – “Sợ gì cơ?”
“Tất nhiên là chuyện binh đao rồi.” – Huệ Phong ưu tư nói – “Những kẻ đó đều là mãng phu, cô chỉ là một nữ tử yếu đuối, cũng không biết đánh nhau, lỡ như…”
Tôi trả lời – “Yên tâm đi, hộ vệ sẽ bảo vệ tôi.”
Huệ Phong – “Đám hộ vệ đó là để bảo vệ cho Công tử nhà cô…“
Tôi nói – “Nhưng Công tử nhà tôi phải dựa vào tôi bảo mệnh, cho nên mạng tôi càng không thể mất.”
Huệ Phong ngẫm nghĩ một hồi, cũng cảm thấy có lý.
“Nghê Sinh.” – Huệ Phong nắm lấy tay tôi – “Nếu như Công tử nhà tôi vẫn ở Hà Tây, cô cứ yên tâm mà ở lại bên ngài ấy. Công tử nhà cô cứ giao cho tôi hầu hạ, tôi tất không phụ cô.”
Tôi suy nghĩ một chút, cảm thấy như thế cũng được.
Kỳ thực nếu nói tôi không có tí tẹo nào lo lắng đến an nguy thì đó là nói dối, có điều tôi cũng có thứ để tránh tai họa. Đó là một viên ngọc châu được tôi dùng tơ mảnh xuyên qua, đeo ở trên cổ. Viên ngọc châu này vô cùng đặc biệt, bề mặt trắng thuần như mỡ dê, ở giữa lại xuất hiện một đốm đỏ son, tôi chưa từng nhìn thấy viên ngọc nào như vậy. Nghe nói loại ngọc này gọi là huyết ngọc, tuy nghe có vẻ hiếm lạ nhưng rất ít người biết đến nó, cũng chẳng đáng mấy đồng.
Ngọc châu là do tổ phụ tặng cho tôi, nói là ngọc này có thể chắn tai trừ tà, phù hộ bình an. Tôi vô cùng thích, vẫn luôn đeo ở bên người, quả nhiên là an lành sống đến tận bây giờ.
Công tử vẫn luôn cảm thấy cái vòng ngọc của tôi quá đơn điệu, khi vui vẻ sẽ ban cho tôi vài món trang sức xinh đẹp. Mỗi lần như thế tôi đều mừng rỡ nhận lấy, sau đó cẩn thận cất đi dự định sau này sẽ mang đi bán, còn vòng ngọc vẫn đeo trên cổ như trước. Nó là vật duy nhất mà tổ phụ để lại, ở trong mắt tôi thứ gì cũng không bằng được.
Sự tình đến nước này, tất thảy đều trong nằm trong dự tính.
Tôi và Công tử cũng đã có giao hẹn từ trước cho nên khi hắn nghe được tin này không hề tỏ ra kinh ngạc, chỉ dặn dò tôi thu dọn hành lý cho cẩn thận.
“Nghê Sinh.” – Trước khi xuất phát, Công tử vừa nghịch thanh bảo đao đẹp đẽ mới ra lò của mình vừa khí phách nói – “Nếu như gặp nguy hiểm, nàng cứ trốn ở phía sau ta, ta tuyệt đối không cần nàng chết thay.”
Tôi cười cười, dáng vẻ nịnh nọt nói – “Đa tạ Công tử, mạng của nô tỳ đều dựa cả vào Công tử.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.