Đạo Mộ Bút Ký

Chương 12: Hồi tưởng của lão Bàn Mã




Editor: Tống Mặt Than
Beta: thieudieututai

Sau đó, tôi và lão Bàn Mã nói qua lại hơn ba tiếng đồng hồ, tôi không ngừng đưa ra câu hỏi, đặt vấn đề; một mặt muốn lý giải xem đang có chuyện gì xảy ra, mặt khắc lại cố gắng dò xét cho ra cái bí mật ghê gớm ấy.
Nội dung cuộc nói chuyện hết sức tản mạn, ông già nói và A Quý phiên dịch, có khi còn phải hỗ trợ giải thích cho nhau để nhận thức được vài vấn đề, nói chung là vô cùng tốn thời gian. Hơn nữa ông già cũng không có thái độ hợp tác với tôi, hoặc cũng có lẽ là do A Quý phiên dịch chênh lệch ít nhiều nữa, vì vậy mà sau khi nói xong trong đầu tôi vẫn hoàn toàn là những mảnh ghép vụn vặt.
Thời gian đoàn Văn Cẩm đi vào núi không rõ lắm, đại khái là khoảng năm 1976, ông già không thể nhớ chính xác ra thời điểm đó là khi nào.
Lúc đó người dẫn đầu chính là Văn Cẩm, nhưng lúc tôi lấy ra bức ảnh chụp Tây Sa đưa cho lão già nhìn, lão cũng không phân biệt được những người khác. Thời gian đã quá lâu rồi, người lại đông nữa, với lại hoàn cảnh lúc đó tất cả mọi người đều có cùng một kiểu tóc, một trang phục. Lão chỉ nhớ duy nhất một người là trưởng đoàn, điều này kể ra cũng vô cùng hợp lý.
Tình hình lúc trước không có gì lạ, ngày đó nơi này là vùng biên giới nên thường xuyên có mâu thuẫn xảy ra, trong thôn xuất hiện người bên quân đội là điều quá bình thường. Phải biết là vào sau những năm 1978, toàn bộ khu vực này hầu như đều có quân giải phóng. Đường trên núi phần lớn đều do thời kỳ kháng chiến mở ra, bộ đội muốn vào được trong núi đều phải có người dẫn đường, với họ đó được coi là một nhiệm vụ quân sự.
Bàn Mã cầm tiền phụ cấp bộ đội, lúc đó lão vẫn đang là một người trung niên tráng kiện, khi săn thú, một mình lão có thể đi vào rất sâu trong rừng, vì vậy Bàn Mã chính là lựa chọn thích hợp nhất cho vai trò dẫn đường.
Bọn họ ở tới sáng sớm hôm sau thì xuất phát, nhiệm vụ của quân đội lão không tiện hỏi tỉ mỉ tường tận, chỉ biết là đưa những bộ đội này tới ngọn núi Dương Giác, sau đó liền theo chân bộ đội đi tiếp. Bao nhiêu tâm tư lão đều đặt hết vào từng bước chân dọc đường, núi Dương Giác lão đi cũng không nhiều, nhất định phải đảm bảo được có thể trở về an toàn.
Thời gian bọn họ đi tương đối dài, phải mất một đêm ở lại trong núi, mới tới được hồ nước.
Nơi đó Bàn Mã đã từng đến một lần, lúc đó lão ba mốt tuổi, lão cưới vợ nên muốn săn mấy con hoẵng đem về biếu ông thông gia. Năm ấy trong núi rất bất ổn, dã thú đều trốn tiệt vào sâu trong rừng. Lão mang theo một con chó săn thẳng tiến vào núi nên tìm được nơi này, thấy cái hồ liền ở bên hồ mai phục một ngày, săn trúng con lợn rừng. Sau đó lão không còn quay lại lần nào nữa.
Hồ nước tự nhiên này không hề có tên, có lẽ ngoại trừ Bàn Mã ra người trong thôn cũng không thể biết trong núi còn tồn tại một hồ nước như thế. Đây là một cái hồ chết (ao tù), không có khe suối, bên dưới có thông với nơi nào không thì không biết, người bên quân đội hạ trại ngay bên hồ, sau đó nhiệm vụ của lão Bàn Mã coi như đã hoàn thành.
Kế tiếp, lão được giao trọng trách vài ngày lại vào tiếp tế lương thực cho binh sĩ một lần, trợ cấp của bộ đội rất đầy đủ, đó là lí do khiến mỗi lần lão vào núi chỉ phải mang theo một ít gạo hoặc là muối ăn. Chuyện kỳ quái mà A Quý kể cũng diễn ra từ đây. Trong lúc đó không ai biết được tiểu đoàn đó đóng quân ở đây để nhằm mục đích gì.
Suốt quá trình đưa lương, Bàn Mã thực sự rất tò mò, nhưng lão cũng biết vào thời điểm như vậy mà rình trộm những người này thì sẽ phải trả cái giá rất đắt, đó là nguyên nhân mà lão phải nhịn lại lòng hiếu kỳ của mình. Sau đó một thời gian, đội ngũ này bắt đầu vận chuyển những chiếc rương, ước chừng hơn ba mươi cái, mỗi rương đều có kích thước nhỏ, bộ đội cẩn thận khuân nó ra ngoài.
Lão rất tò mò, từng nghĩ thó một cái đem về, nhưng bị một bộ đội khéo léo ngăn lại. Người bộ đội đó làm như vật trong rương này rất nguy hiểm, lão già tìm cơ hội để cầm ngắm một cái, chỉ thấy nhấc lên hết sức nặng, không biết bên trong là cái gì.
Tôi nghe tới đó, trong đầu cũng hình dung ra một chút ấn tượng, loại rương cỡ như vậy được gọi là “rương thu nạp“*, tên khác là rương đồ cổ, là thứ mà đội khảo cổ dùng để lưu giữ những mảnh văn vật khai quật được. Những rương như thế đều phải được đánh số vô cùng nghiêm ngặt, có lớn có nhỏ, nhưng đa số đều có cỡ nhỏ. ( Khai quật hiện vật khảo cổ thường nặng, hòm chịu được trọng lượng tương đối, hơn nữa cũng thích hợp với việc vận chuyển.)
Bàn Mã vô cùng kỳ quái, bởi vì xung quanh hồ không có nơi nào đặc biệt, vậy rương này là từ đâu tới?
Có điều là lão liền phát hiện ra điều gì đó không đúng ở đây, bởi vì tiếp tục tiến vào trong núi một thời gian, những chiếc hòm này tỏa ra một mùi rất kỳ quái, không những cực kỳ khó ngửi mà còn không thể hình dung ra được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.