Đạo Mộ Bút Ký

Chương 14: Đó là một hồ ma




Edit: Tử Yển
Beta: Thanh Du
*****
Tôi kinh ngạc không hiểu câu nói này có ý gì, nhưng ngay sau đó Bàn Mã đã kể đầu đuôi câu chuyện, mới nghe vài câu toàn thân tôi đã lạnh toát, nhanh chóng hiểu rõ hoàn toàn lai lịch của mùi người chết. Nhưng chuyện này thật sự quá kinh khủng, nằm ngoài dự kiến của tôi, sau khi nghe xong, cảm giác đầu tiên của tôi không phải nghi hoặc mà là ghê tởm.
Tôi thật sự không thể ngờ lại có chuyện như thế xảy ra, cũng chẳng hiểu nổi mục đích của lão khi ấy, càng không tài nào tưởng tượng được lòng người thời đó sao lại ra nông nỗi này. Nếu điều Bàn Mã nói là thật thì thứ lão đang gánh không phải bí mật gì cả, mà là nghiệp chướng nặng nề.
Quá trình trước đó hoàn toàn giống như những gì Bàn Mã đã kể, vấn đề mấu chốt nằm ở cái lần lão vào núi rồi phát hiện ra đội khảo cổ biến mất.
Bàn Mã đã nói dối, lần ấy lão lên núi, đội khảo cổ không hề biến mất; hơn nữa lão cũng không đi một mình, mà còn dẫn theo bốn người anh em nữa. Họ vác đồ đạc giúp lão, như thế trên đường về họ còn có thể đi săn.
Giao lương thực xong họ vẫn chưa về ngay, bởi vì nán lại đó đến chập tối sẽ được ăn một bữa cơm trắng. Đối với họ thì đây quả là đãi ngộ của bậc vua chúa, thế nhưng đội khảo cổ không cho ở lại trong doanh địa, họ đành đứng bên ngoài tán phét mãi đến giờ cơm chiều.
Trong khoảng thời gian này, một trong số bốn người anh em của lão khi nhìn đồ tiếp tế quân dụng của đội khảo sát, đã nảy lòng tham.
Sự nghèo khó của Thập Vạn Đại Sơn hồi ấy, người bây giờ không tưởng tượng nổi đâu. Nhiều năm liền xung đột biên giới khiến muông thú trốn hết vào núi thẳm, lũ trẻ không có thịt mà ăn, chỉ có bông lúa với rau dại, thành ra đều suy dinh dưỡng cả. Cơm trắng với họ chẳng khác nào bánh kẹo, cho nên đồ tiếp tế của bộ đội trở nên quá sức hấp dẫn, mấy bao gạo đó phải ăn được cả năm.
Để thôn dân vận chuyển giúp thì nhất định sẽ bị ăn bớt dọc đường, nên bộ đội khi nhận lương thực đều phải cân lại, nếu phát hiện thiếu cũng không truy xét gì, nhưng lần sau sẽ đổi người khác. Người anh em kia tính chờ họ cân xong đi ngủ rồi sẽ lẻn vào xúc trộm vài bát, như thế không lo mất việc mà lại có thể mang lợi lộc về nhà.
Đây vốn là một việc hết sức đơn giản, Bàn Mã không đồng ý vì tay nghề lão tốt, gia cảnh cũng tạm ổn, chưa khổ đến nỗi để con cái chết đói, nhưng ba người kia đều động tâm.
Bàn Mã đành phải để họ đi còn mình đứng chờ bên ngoài, ai mà ngờ ba người vào rồi lại sinh chuyện chứ.
Trong góc lều chứa gạo, họ xúc trộm mỗi bao ba bát, lúc ra vừa hay lại đụng phải một tiểu binh vào đó kiểm tra. Tiểu binh lập tức giương súng, nhưng cậu ta không nhìn thấy một người nấp phía sau; trong tình thế cấp bách, người này thình lình đè tiểu binh xuống, rồi cả ba chụp bao gạo lên đầu cho cậu ta chết ngạt.
Giết người rồi, bọn họ sợ đứng tim. Tội giết người, đặc biệt là giết quân nhân sẽ bị xử bắn ngay tại chỗ, nếu để người ta phát hiện chắc chắc sẽ bị bắn thẳng tay. Họ vội chạy ra kể lại cho Bàn Mã, Bàn Mã liền nghĩ bụng ôi thôi hỏng bét rồi.
Chuyện này kiểu gì cũng dây đến lão, vì đội khảo sát mời lão, còn mấy người anh em là do lão nhờ đến giúp, toàn bộ trách nhiệm lão đều không thể trốn thoát. Hơn nữa vào thời điểm nhạy cảm này, dù lão chối mình không tham dự thì cũng chẳng ma nào tin.
Lão lập tức nghĩ ra một cách, phải lôi xác tiểu binh kia ra ngoài coi như mất tích, nếu không họ nhất định sẽ bị tra ra.
Họ lén quay về trả hết gạo, sau đó lôi cái xác tiểu binh ra khỏi lều, kết quả là chưa đi được bao xa đã bị người canh gác phát hiện. Đối phương đuổi theo hỏi họ đang làm gì, bọn Bàn Mã nhất thời chột dạ, để lộ thi thể, tay lính canh lập tức giương súng; nhưng kẻ trước đó đưa ra chủ ý ăn trộm đã chuẩn bị sẵn sàng, thình lình cắt đứt cổ người kia.
Gần như không hề suy xét, bọn họ cứ như bị tẩu hỏa nhập ma mà giết hai người liền. Bàn Mã thầm nghĩ toi đời rồi, lão đề nghị trốn đi, nhưng tay giết người kia lại nổi điên nói đã giết hai người rồi, giết hai là giết mà giết sạch cũng là giết, nếu để họ trở về báo cáo lên quân đoàn thì chúng ta phải trốn trên núi cả đời. Chi bằng giết hết cho xong, rồi cứ nói là không thấy họ đâu nữa, mọi người chắc clão sẽ tưởng là người Việt Nam làm.
Đây là sự kích động bất ngờ xảy đến trong bầu không khí quỷ dị. Đội khảo sát không đông, hiện giờ phần lớn đều ngủ say không biết trời trăng gì nữa, nghĩ đến số gạo trắng và súng tiểu liên, cùng chuyện xảy ra sau đó, ngay cả Bàn Mã cũng không thể kiềm chế tạp niệm nổi lên trong lòng.
Chuyện xảy ra sau đó thật ghê tởm, họ cầm súng tiểu liên và dao găm lần lượt lẻn vào từng lều, dùng thắt lưng siết chết bằng sạch những người bên trong.
Giết người xong họ ném xác xuống hồ rồi đem giấu hết súng ống đạn dược lẫn vật tư, lén lút vác gạo và thức ăn về thôn, giấu dưới gầm giường, cùng hẹn nhau quyết giữ bí mật này đến chết.
Khi đó Bàn Mã chột dạ, tính tới tính lui rồi bắt đầu lan truyền khắp thôn câu chuyện đội khảo cổ mất tích một cách kỳ lạ, chuẩn bị sẵn đường lui. Bởi dạo đó thường xảy ra xung đột biên cảnh, nếu có một đoàn người mất tích ở biên giới Việt Nam thì thường bị đổ cho đặc công Việt Nam làm.
Mấy người họ cứ đinh ninh mình không làm gì sơ hở, ai ngờ đây lại là khởi đầu cho một cơn ác mộng.
Ba ngày sau, Bàn Mã làm bộ muốn đi đưa lương thực, nhân cơ hội quay lại ven hồ, định đến chỗ kia lục tìm mấy món đồ đáng giá. Chuyện điên khùng đêm đó khiến lão vẫn còn e ngại vùng giữa hồ, nên ban đầu chỉ dám đứng từ xa nhìn lại. Đáng sợ làm sao, lão lại trông thấy ven hồ xuất hiện một doanh địa, mà còn có người hoạt động nữa chứ.
Có một đội quân khác? Thi thể đã bị phát hiện? Lão sởn da gà, mất một lúc lâu mới bình tĩnh lại, cho đến khi gắng gượng lấy dũng khí đi vào doanh địa, lão lại trố mắt đứng nhìn: đội khảo sát trước kia ấy thế mà lại xuất hiện ngay trước mặt lão.
Bàn Mã hoàn toàn không hiểu nổi cảm giác của mình lúc này, cũng không thể xác định rõ rốt cuộc là chuyện gì đang xảy ra. Nhìn những bóng người lướt qua trong doanh địa, lão cữ ngỡ mình đang rơi vào ảo ảnh. Họ dường như không hề hay biết trước kia đã xảy ra chuyện gì, rối rít chào hỏi lão.
Lão còn tưởng mình đang nằm mơ, tự véo mấy cái mới phát hiện ra đây là thật. Những gương mặt ấy tuy không quen lắm, nhưng đều đã gặp trong đội khảo cổ kia; thậm chí lão còn thấy mấy người bị chính tay mình siết cổ đang đứng đó chuyện trò vui vẻ.
Lão hoảng hốt chạy về thôn, hồn bay phách lạc, vội vàng kể lại mọi chuyện với mấy người kia. Cả đám quay lại xem thì thấy quả nhiên là thế, ai nấy đều hoảng sợ, suy nghĩ xem chuyện này rốt cuộc là sao. Lẽ nào đó là một hồ ma có thể hồi sinh người chết?
Nhưng bọn họ đều sống sờ sờ, không giống cương thi chút xíu nào.
Bàn Mã nghĩ mãi mà không ra. Người trong thôn rất mê tín, cứ đinh ninh đây nhất định là do sơn thần hồ quỷ tác quái, sợ đến mất vía. Bàn Mã suy tính hồi lâu mới dám lấy hết dũng khí trở lại bên hồ đưa lương thực cho họ nhân tiện ướm hỏi chuyện hôm ấy, nhưng mọi người đều nói không có việc gì, biểu cảm vẫn như bình thường.
Ngày hôm ấy giống như đã bị lật sang trang, thiên thần đã xóa bỏ mọi việc xảy ra trong ngày đó. Hoặc là, mấy kẻ thủ ác đều đã mơ cùng một giấc mơ, họ căn bản không hề giết người.
Bàn Mã không phải là người dễ chịu thua, lão không tin mình nằm mơ, nhưng nghĩ mãi mà không thông được. Sau đó lão vẫn luôn chú ý đến nhóm người này, muốn biết bọn họ rốt cuộc là người hay quỷ? Nhưng dù có quan sát kỹ lưỡng đến đâu, lão cũng không thấy mảy may sơ hở.
Điểm duy nhất khiến lão cảm thấy kỳ quặc là, lão ngửi thấy trên người họ xuất hiện một thứ mùi lạ mà trước kia không có.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.