Đạo Mộ Bút Ký

Chương 27: Bóng ma trong mưa




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Editor:Ala Ju
Beta: Thanh Du
*****
Mấy bóng người kia cũng đung đưa, khi thì xuất hiện, chốc chốc lại biến mất trong màn mưa. Họ nhòm ngó như những hồn ma, vừa nhìn đã biết không có ý tốt, hình như đang quan sát chúng tôi hết sức chăm chú, lay động tùy thời khiến người ta không rét mà run.
Ý niệm đầu tiên lóe lên trong tâm trí tôi chính là phỏng đoán trước đó: trong thôn có người đang lén lút ngăn cản, đến bây giờ rốt cuộc họ cũng động thủ, muốn chặn giết chúng tôi tại đây.
Loạn rồi! Một bên là Bàn Mã, một bên là đội ngũ đông đảo muốn chặn giết, chó má! Mẹ kiếp chết chắc rồi!
Tôi nhìn lướt qua một vòng, phát hiện nơi này có chừng bảy người, không biết bọn họ muốn làm gì cơ chứ? Đây gọi là mai phục ở chỗ này sao?
Tôi lau mặt một cái cho hết nước mưa, nhưng mưa lớn thoắt cái đã rơi đầy mí mắt. Những bóng người kia vẫn mơ mơ hồ hồ không thấy rõ, không biết họ mang theo vũ khí gì.
Tôi cũng không nhìn rõ vẻ mặt của Bàn Mã, bởi hai bên vẫn duy trì khoảng cách. Chỉ thấy lão khựng lại một chút, rồi đột nhiên đâm bổ vào một cái bóng trong số đó.
Mới đầu tôi sợ hết hồn, nhưng ngay sau đó đã hiểu ra lão nghĩ gì: lão coi mấy cái bóng này là những người kia!
Trong hoàn cảnh này thì dẫu là ai cũng không thể ung dung mai phục hay chặn giết người khác được, cho nên thay vì chờ cho đối phương nhìn rõ tình thế, chi bằng lập tức nhào tới. Như thế mấy người này sẽ rơi vào hoàn cảnh hỗn loạn, chỉ cần họ rối trí một chút sẽ không thể phân biệt được đâu là địch đâu là bạn, cho lão cơ hội mà lợi dụng.
Tôi không biết chuyện này với tôi là tốt hay xấu, mà hiện giờ cũng không nghĩ nhiều được như thế, lập tức chạy theo sau lão. Bọn họ vây kín chúng tôi, Bàn Mã một khi đánh nhau với bọn họ nhất sẽ có sơ hở cho tôi thừa cơ trốn thoát.
Không thể quay lại lều trú mưa, nếu những người này đã chờ ở đây từ sớm thì chẳng biết tình hình của mấy người A Quý và Muộn Du Bình ra sao rồi. Bản lĩnh của Muộn Du Bình và Bàn Tử dù có cao cường đến đâu thì mỗi người chỉ có một cây súng cũng đi đời nhà ma rồi, huống hồ còn bị A Quý và Vân Thái liên lụy.
Chạy trên bãi đá vừa trơn lại vừa lởm chởm này không khác nào diễn xiếc, mới chạy được mấy mét đầu gối đã bầm dập. Tôi bám theo Bàn Mã đang nhào vào một cái bóng phía trước, nhưng vì khoảng cách thay đổi nên những cái bóng vây quanh bốn bề đều không dễ nhìn ra, cũng không thấy rõ động tác của bọn họ.
Bàn Mã đâm thẳng vào cái bóng kia, dao trong tay cắt ngang màn mưa, không thể nhận ra động tác ấy lại là của một ông lão tám mươi tuổi.
Lạ một nỗi, cái bóng vẫn đứng trơ trơ ra, dường như không hề để ý đến đòn tấn công ác liệt ấy.
Trong chưa đầy mười giây, chúng tôi đã lao đến sát sạt cái bóng kia, mũi dao của Bàn Mã đổi chiều, chẳng những không chém lên mà còn khựng lại. Kế đó lão hét thảm một tiếng, dao rớt xuống đất, người bắt đầu điên cuồng lùi lại, rồi vấp phải tảng đá ngã sóng xoài.
Tôi từ bên cạnh bước tới nhìn, chân tướng của cái bóng hóa ra lại là một bộ xương khô đứng thẳng! Trên người bộ xương là quân trang và vũ trang đã mục nát thành những miếng vải đen, lưng đeo súng tiểu liên đã rỉ sét.
Da đầu tôi tê đi, lập tức lùi lại một bước, thầm nghĩ cái đệt! Mẹ nó đây là cái của nợ gì? Lẽ nào những người chết kia thật sự bơi từ dưới nước lên bờ?
Tôi có khả năng chịu đựng cú sốc tâm lý tốt hơn Bàn Mã rất nhiều, khi mưa đột ngột trút xuống tôi đã để ý thấy bộ xương khô kia chỉ dùng cành cây chống đỡ, sau lưng có một cái giá làm bằng củi.
Nơi này sao lại có người chết? Bọn họ tìm thấy thi thể dưới đáy hồ?
Tôi rùng mình ớn lạnh, nhìn kỹ mớ hài cốt kia thì thấy quả nhiên không sai. Phán đoán dựa vào quần áo và vũ trang bị nước ăn mòn, thì đây nhất địnhlà một người lính, xem ra giả thiết của tôi không sai.
Cái quái gì vậy? Nhát ma người ta à? Hay là Bàn Tử giở trò đùa dai?
Lão Bàn Mã khiếp sợ vô cùng, khi tôi quay đầu lại nhìn thì lão đã mất hút, chạy đến chỗ con la vẫn không thấy lão đâu cả.
Đầu tôi đau muốn chết, nhìn đến những cái bóng khác thì phát hiện chúng đều là xác chết, tổng cộng có thể tìm ra bảy khối, những nơi khác có còn không thì chưa thể khẳng định được.
Trời đổ mưa tầm tã, tôi không tài nào tìm được Bàn Mã, nên đành chuẩn bị đi hội quân với A Quý trước, báo cho họ biết nơi này còn có người khác.
Mấy con la có vẻ sợ những xác chết này, xua đuổi thế nào cũng không thèm nhúc nhích. Tôi đành phải cột chúng vào tảng đá, sau đó đi vòng qua mấy xác chết, đi thẳng về phía căn lều trú mưa trước mặt.
Lều trú mưa rõ ràng đã được gia cố, giữa cơn mưa lớn vẫn sừng sững không đổ, tôi vừa bước vào liền cảm thấy bốn bề lập tức trở nên yên tĩnh, nhìn quanh một vòng không thấy họ đâu.
Tôi lại chửi thầm trong bụng, mưa to thế này chẳng lẽ còn xuống nước? Mẹ kiếp, hay là xảy ra chuyện gì rồi?
Trong căn lều chồng chất rất nhiều đồ đạc được vớt từ dưới nước lên. Trong hai tuần tôi đi vắng, thành quả của Bàn Tử và Muộn Du Bình cũng thật ấn tượng.
Trong đống đồ này, những thứ bằng kim loại đều đã gỉ nát. Tôi thấy có ấm nước, súng trường súng lục, kính viễn vọng, chủy thủ dao bầu, đều là trang bị vũ khí thời đó, đúng là mang đậm không khí chiến tranh. Ngoài ra còn có rất nhiều đồ dùng hàng ngày như hộp bánh bích quy, cực kỳ chu đáo, cái gì cũng đủ, có lẽ nó được tìm thấy trong những vật thể lớn được vớt lên từ dưới đáy hồ.
Nghĩ đến mình không có hàng nóng phòng thân, tôi nhặt lên một lưỡi lê ba cạnh kiểu 56 (*), lưỡi lê này rất nổi tiếng nhưng thời bấy giờ thật ra cũng không hay được dùng. Dù sao cho đến những năm 1980 thì vũ khí cá nhân cũng có hỏa lực rất mạnh, bình thường chỉ thời điểm thi hành nhiệm vụ đặc thù mới dùng đến lưỡi lê. Chiến đấu trong rừng, người Việt Nam cũng sẽ không đấu lưỡi lê với anh.
Do nguyên liệu chế tạo tốt nên lưỡi lê cũng không hư hỏng quá nhiều, tôi nghe nói trên loại dao này thường tẩm độc nên rất cẩn thận trở tay cầm, nghĩ xem nên làm gì tiếp theo. Má! Sao lúc nào cũng phải sống chung với mưa lớn, gọi thì không nghe, nhìn cũng không rõ.
Nghĩ bụng mình ở trong lều lại trở thành mục tiêu quá lớn, không khéo Bàn Mã sẽ tìm đến truy sát, tôi lại lao vào cơn mưa, chạy đến ven hồ xem A Quý và mọi người có ở đó không.
Đi đi lại lại vài vòng, chợt thấy có người đứng gần mép nước đang kéo bè gỗ lên bờ, tôi xông tới thì nhận ra bóng lưng mỏng manh đang kéo bè đó là A Quý.
Thấy tôi xuất hiện trước mặt, anh ta ngây người, sắc mặt trắng tái thấy ghê.
“Sao chỉ có một mình anh? Mọi người đâu cả rồi?” Tôi hỏi.
Anh ta ngơ ngác đứng dại ra trong nước, cứ thế nhìn tôi chằm chằm, tôi hỏi lại lần thứ hai vẫn không hề phản ứng.
Tôi nhìn bè gỗ, vốn đinh ninh A Quý mới đi từ dưới hồ lên, chửi thầm mẹ kiếp mấy người này điên cả rồi, mưa sầm sập như thế còn ở đó mà vớt đồ! Nhưng sau đó lại thấy không ổn, nếu là như thế thì tại sao anh ta lại tự tay kéo bè trở về? Lẽ ra anh ta phải ngồi trên bờ chờ mấy người kia mới đúng chứ. Bơi trong mưa lớn rất nguy hiểm, huống chi mực nước đã dâng lên cao chừng ấy.
Mà vẻ mặt A Quý lại càng không ổn.
Tôi đến gần vài bước muốn hỏi lại cho rõ ràng, nhưng càng đến gần lại càng nhận rõ sự bất thường. Trông A Quý đờ đẫn cứ như vừa gặp chuyện gì khiến anh ta chịu kích thích cực độ, đến nỗi hồn lìa khỏi xác.
Tôi tiến lên tát cho anh ta một cái rồi gào lên: “Đã xảy ra chuyện gì?”
Lần này anh ta mới phản ứng, chớp mắt lệ đã rơi đầy mặt, mếu máo nói: “Họ… bọn họ chết cả rồi!”
Chết rồi?
Đầu óc tôi ong lên, làm sao có thể?
A Quý nói xong câu đó thì hoàn toàn suy sụp, gần như loạng choạng gục xuống xuống mặt nước. Tôi đành phải đỡ anh ta lên dìu vào trong lều trước đã, rồi đến chỗ con la cầm mấy bình rượu gạo rót xuống, bấy giờ anh ta mới từ từ thả lỏng, nhưng tâm tình vẫn còn rất mụ mị, nói năng lẫn lộn.
Tôi vừa nghe vừa sắp xếp lại, cuối cùng cũng thông ở đây đã xảy ra chuyện gì.
———————————–
(*) Lưỡi lê ba cạnh là cái này, kiểu 56 tức là kiểu ra đời vào năm 1956.
Lưỡi lê ba cạnh


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.