Lần sau vẫn để 17L cho tôi thì tôi sẽ đãi cậu cà phê.
Một tuần sau đó, Trần Gia Dư cũng gặp Phương Hạo đôi ba lần trên kênh radio, mỗi lần đều sóng yên biển lặng. Có lẽ vì không trùng giờ cao điểm nên Trần Gia Dư cứ bay theo thứ tự, có xin gì mà Phương Hạo thấy được thì đều sẽ cấp phép.
Chỉ có tối thứ Sáu, không may gặp đúng hôm trời mưa. Hàng không cũng là một ngành phụ thuộc vào thời tiết để kiếm cơm. Phi công là vậy mà kiểm soát viên lại càng như thế. Cứ hôm nào thời tiết có chút biến động là công việc của bọn họ sẽ tăng lên gấp bội.
Tuy nhiên chút biến động này không làm khó được Phương Hạo. Anh vẫn cấp huấn lệnh một cách thuần thục, quan tâm tới mọi chuyến bay, nhắc nhở chuyện thời tiết rồi nhắc nhở về mức nhiên liệu, nói tóm lại là nhất hô bá ứng.
(nhất hô bá ứng: ý chỉ người có uy tín được mọi người nhất loạt tuân theo)
Sau khi Phương Hạo chỉ huy xong một tàu bay xếp trước tàu bay của Trần Gia Dư: “Air China 1560, Bắc Kinh Tiếp cận, radar nhận dạng tốt. Giữ độ cao 4500, điều chỉnh vận tốc 350. Dự kiến… hạ cánh hệ thống ILS đường cất hạ cánh 17R.”
Trần Gia Dư cầm bộ đàm, nói: “Ôi. Chào buổi tối, Bắc Kinh. Có thể xin đường cất hạ cánh 17L không. Đường cất hạ cánh 17L, Air China 1560.”
17L và 17R, đừng chỉ thấy khác một chữ, trên thực tế đây là hai đường cất hạ cánh vận hành theo hướng Bắc, chênh lệch một khoảng khá xa. Nếu hạ cánh trên đường băng 17R, chỉ riêng việc lăn vào vị trí đỗ tàu bay cũng đã tốn 25 phút.
Ba lần gần đây nhất Trần Gia Dư đều hạ cánh 17R nên anh muốn thử xin phép, song lúc đề nghị, anh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần bị từ chối rồi. Thời điểm hiện tại tuy không quá đông tàu bay nhưng tình hình thời tiết xấu, anh cứ bay theo thứ tự là đỡ phiền nhất cho bên Tiếp cận và Đài kiểm soát.
Phương Hạo nhìn thử: “Air China 1560… Chờ chút.”
Trần Gia Dư nghĩ thầm, nhẽ nào có hi vọng.
Một lúc sau, Phương Hạo gọi tàu bay xếp phía trước trên kênh radio: “China Southern 3788, tình hình mặt đất thế nào.”
Cơ trưởng hãng Nam Phương trả lời: “Đường cất hạ cánh có hơi đọng nước, nhưng tổng thể thì ổn. Có thể hạ cánh.”
Phương Hạo chuyển qua: “Air China 1560, 17R có nước đọng, với cả có chút xuôi chiều gió, hướng gió 160, vận tốc gió 5 m/s. Anh xem có được không.”
(Thông thường phi công đều thích hạ cánh ngược chiều gió vì hạ cánh ngược chiều gió sẽ có thể mượn sức gió để giảm tốc độ máy bay để máy bay sau khi tiếp đất sẽ trượt một đoạn ngắn hơn trên đường cất hạ cánh)
Trần Gia Dư nghe tình hình, quả thực là ở mấp mé giới hạn cho phép hạ cánh, thế nhưng cũng không vấn đề gì. Anh vội xác nhận: “Xác nhận tiếp nhận, Air China 1560.”
Trần Gia Dư không phải xếp hàng chờ, lại còn được hạ cánh ở đường băng gần nhất nên rất vui vẻ. Lúc nghe thấy Phương Hạo báo “Dịch vụ radar chấm dứt” và chuyển tàu bay của anh cho bên Đài kiểm soát, Trần Gia Dư không nhịn được, nhiều lời thêm một câu: “Đã rõ, Air China 1560. Cảm ơn sếp Phương chỉ huy nhé.”
Phương Hạo cầm micro: “Air China 1560…” Anh dường như cũng không biết nên nói gì, chỉ đành bảo: “Không có chuyện gì đừng chiếm dụng sóng vô tuyến.”
Phương Hạo nói thì nói vậy, đoạn đầu nghe cũng rất nghiêm túc nhưng giọng nói lúc sau lại dường như mang theo tiếng cười khe khẽ.
Trần Gia Dư vui vẻ tiếp nhận ý kiến: “Đâu có đâu, chỉ cảm ơn công việc cậu làm thôi mà, Air China 1560.”
Phương Hạo ấn nút mở micro nhưng không biết nói gì, lại âm thầm tắt đi.
Mấy cơ trưởng vẫn còn trên kênh radio hẳn đều đang cười. Cũng có không ít người hay lảm nhảm dăm ba câu trên kênh radio, đặc biệt hôm nào gặp được nữ kiểm soát viên có chất giọng hay thì mọi người sẽ đều nhốn nháo. Có điều, dám nói nhảm trong khoảng thời gian Phương Hạo giữ micro thì Trần Gia Dư có thể coi là người đầu tiên.
Sau cùng, Phương Hạo chỉ đành nói: “Không cần cảm ơn, là việc nên làm.”
Chiếc Boeing 737 của hãng Air China hạ cánh một cách vững vàng trên đường cất hạ cánh ướt nước, sau đó giảm tốc độ, chậm rãi lăn tới chỗ rẽ.
Sau khi Trần Gia Dư thoát khỏi tần số của Cơ sở tiếp cận, vì thấy bên anh được hạ cánh tại 17L nên những tàu bay sau đó cũng liên tiếp xin được hạ cánh 17L. Thế nhưng tàu bay của Air China hẵng còn chưa lăn xong, hơn nữa cũng đã có một tàu bay khác được xếp ngay sau nên Phương Hạo từ chối hết những lời đề nghị của bọn họ, vẫn chuyển hướng sang đường cất hạ cánh ban đầu.
Phương Hạo không hề biết rằng, trên tầng, Sở Di Nhu đang gọi bên Trần Gia Dư trên tần số của Đài kiểm soát: “Air China 1560, mấy anh…. lăn chậm quá đây. Lăn nhanh lên.”
Trần Gia Dư: “Đài kiểm soát, mặt đất đọng nước mà, bọn họ cố hết sức.”
Có giọng nói nghe giống giọng cơ trưởng hãng Đông Phương kháy: “Hãng hàng không Hoàng gia Trung Quốc đấy.”
Đây là một biệt hiệu đã có từ lâu. Air China là hãng hàng không quốc nội duy nhất được gắn cờ, được phân cho rất nhiều những chặng bay tốt nhất nên khó tránh phi hành đoàn lấy ra để đùa bỡn.
Bên Nam Phương nối tiếp: “Anh Gia à, xứng đáng với đãi ngộ này.”
Phương Hạo cũng tiếp lời – chuyện trước nay chưa từng xảy ra: “Đường cất cánh đọng nước, thuận chiều gió cũng tính là đãi ngộ tốt sao?” Sau đó anh lại nghiêm túc: “China Eastern 570, không phải nhiên liệu của mấy anh không đủ sao. Giờ 17L đang có gió, không hạ cánh được sẽ phải bay lại đấy, anh kiểm tra lượng nhiên liệu của mình đi.”
Cơ trưởng của hãng Đông Phương vội nói: “Không, không. Bắc Kinh, đề nghị xác nhận tôi vẫn tiếp cận đường cất hạ cánh 04. China Eastern 570.”
Phương Hạo khẳng định: “Chính xác, China Eastern 570.”
Anh cũng không để bụng, chỉ cần không sai trình tự thì anh không ngại mấy vị cơ trưởng mỉa mai vài câu. Chẳng qua, vậy ra trước giờ chỉ có mình anh là luôn để ý chuyện Trần Gia Dư được hưởng đặc quyền thôi sao?
Sau khi tan ca, Phương Hạo lấy điện thoại ra, phát hiện có ba tin nhắn Wechat.
Một tin nhắn là của Sở Di Nhu, rủ anh sau khi tan ca đi ăn lẩu que[1] ở gần sân bay. Hai người họ trực cùng ca nên tất nhiên cũng tan cùng giờ. Đúng lúc Phương Hạo đang đói, bèn trả lời cô “Ok”.
Một tin nhắn là của Cố Thuần, thương lượng về cuộc hẹn đi ăn tối thứ Bảy. Y gửi liên tiếp ba nhà hàng để anh chọn một. Phương Hạo thấy hơi nhức đầu. Bình thường anh không chống đối việc bị sắp đặt, có người chịu bỏ công sức thì anh bớt phải tốn sức. Thế nhưng hai người họ mới gặp có một lần, lúc trước anh ok là với hẹn đi ăn chứ không phải hẹn hò. Anh cảm thấy Cố Thuần có lẽ đã hiểu nhầm gì rồi.
Kéo tiếp xuống dưới, tin nhắn cuối cùng không ngờ lại là của Trần Gia Dư, là một tấm hình.
Phương Hạo không nhịn được, bèn nhấn vào, là một tin nhắn:「Hôm nay cảm ơn nhé.」
Bên dưới là một tấm hình. Không lâu sau khi Air China hạ cánh thì mưa tạnh. Bầu trời sau mưa quang đãng, sân bay Đại Hưng trong ánh hoàng hôn mang một vẻ đẹp kỳ ảo tựa chốn tiên cảnh. Tấm ảnh được Trần Gia Dư chụp từ buồng lái, còn mang một ngụ ý khác: Bên rìa ngoài sân đỗ tàu bay đằng trước chính là đường cất hạ cánh.
Dường như thấy vẫn chưa đủ, anh ta còn bổ sung thêm:「Phong cảnh ở đường 17L đẹp thật.」
Phương Hạo bấy giờ mới nhận ra ý đồ của anh ta, nhanh tay nhắn lại:「Phía sau có người mỉa mai bọn anh là Hãng hàng không Hoàng gia Trung Quốc đấy.」
Trần Gia Dư:「Ai cơ?」
Phương Hạo:「Không nêu chỉ danh, không nhớ nữa.」
Đương nhiên anh nhớ là cơ trưởng của chuyến MU570, nói không nhớ chỉ là để gạt Trần Gia Dư, anh không muốn gây thêm rắc rối.
Trần Gia Dư:「Lần sau vẫn để 17L cho tôi thì tôi sẽ đãi cậu cà phê.」
Phương Hạo thầm “ha ha” trong lòng. Quả nhiên chỉ chờ lúc này, Trần Gia Dư không được đãi ngộ đặc biệt thì không thoải mái sao. Thế nhưng lần này anh lại không ghét anh ta nổi, chỉ đành trả lời lấy lệ:「Thế phần của hôm nay thì sao?」
Trần Gia Dư rất hăng hái:「Cậu tan ca chưa? Giờ mời luôn.」
Năm phút sau, Phương Hạo tới Koza, vẫy tay với Trần Gia Dư: “Anh Gia.”
Trần Gia Dư đã đang gọi đồ rồi. Anh thực hiện lời hứa của mình, hỏi Phương Hạo: “Cậu uống gì? Cold brew?”
Trần Gia Dư vừa nói vừa lấy thẻ thành viên của Koza ra. Koza là một tiệm cà phê cách sân bay khá gần. Theo mấy tháng trải nghiệm của các kiểm soát viên, tiếp viên hàng không cũng như phi công thì cà phê tiệm bọn họ là ngon nhất.
“Sao anh biết tôi uống cold brew?”
Phương Hạo hơi bất ngờ, Trần Gia Dư đoán chuẩn quá. Thế nhưng anh bây giờ đã tan ca rồi nên không cần cà phê để kéo dài sự sống nữa. Phương Hạo đứng chọn trước menu một lúc lâu, cuối cùng chọn một ly matcha latte decaf vẽ hoa. Sau khi chọn xong, anh nói đùa: “Tôi phải chọn món đắt nhất, để bòn rút anh.”
Thật ra cũng chỉ chênh 20 tệ với 25 tệ, nhưng anh biết Trần Gia Dư không thiếu tiền nên nói rất tự tin.
“Cậu cứ chọn thoải mái. Nếu rẻ thì tôi lại canh cánh trong lòng ấy.” Quả nhiên, Trần Gia Dư nói, “Có muốn ăn chút bánh ngọt kiểu Pháp không?”
Phương Hạo lắc đầu bảo không cần rồi hỏi anh ta: “Đường cất hạ cánh 17L thích thế cơ à? Anh hạ cánh xuống 17R, lăn vào mất 25 phút rồi về thẳng nhà, so với hạ cách xuống 17L, lăn vào mất 15 phút rồi tốn 10 phút để thanh toán, chẳng phải cũng như nhau sao.” Phương Hạo bày ra dáng vẻ nghiêm túc tính toán thay Trần Gia Dư.
Trần Gia Dư chối: “Vừa nãy tôi lăn vào làm gì đến 15 phút.” Thế nhưng trong lòng thì nghĩ, tên nhóc này chắc cả đời chưa chiếm hời ai bao giờ.
Phương Hạo: “Anh tính bắt nạt tôi không nhìn thấy phải không. Di Nhu chê mấy anh lăn chậm đấy.”
Trần Gia Dư cười cười ra vẻ phóng khoáng. Bọn họ lại trò chuyện đôi ba cầu về lịch trực mấy tuần nay. Thật ra cũng chẳng phải chuyện gì quan trọng nhưng thoáng cái đã hơn mười phút trôi qua.
Lúc Sở Di Nhu tan ca từ tháp chỉ huy, cô xuống tầng tìm một vòng mà chẳng thấy Phương Hạo đâu, cuối cùng lại nhận được tin nhắn Wechat của anh kêu hẹn gặp ở Koza. Cô bèn đi tới Koza, và rồi nhìn thấy cảnh Phương Hạo cùng Trần Gia Dư ngồi dựa bên cạnh quầy bar đen của Koza nói chuyện.
Phương Hạo làm ca sáng nên mặc áo sơ mi đồng phục, bên ngoài khoác một chiếc áo len lông dê màu xám, kết hợp cùng quần Âu đen. Trần Gia Dư thì mặc đồng phục phi công cùng một chiếc áo khoác đen, cực kỳ bắt mắt. Koza được thiết kế theo phong cách quầy bar mở. Hai người bọn họ thò ra giữa đường như này, khiến bao nhiêu cô gái đi qua phải ngoái lại nhìn.
Phương Hạo nhìn thấy cô trước: “Ê, bên này.”
Sở Di Nhu nhìn thấy Trần Gia Dư thì hơi ngạc nhiên, chào hỏi: “Anh Gia.” Sau đó cô nói với Phương Hạo: “Chờ anh cả nửa ngày rồi đó. Em cứ tưởng anh bị sếp gọi đi cơ.”
Tâm trạng Phương Hạo xem ra thật sự rất tốt. Anh hất cằm về phía Trần Gia Dư: “Kìa, cầu vai bốn vạch, có được tính là sếp không.”
Trần Gia Dư được Phương Hạo nói vậy thì trong lòng rất hí hửng, dù anh biết cậu chỉ nói đùa. Anh thản nhiên lật ngược lại: “Nào dám, nào dám. Lúc bay bên trên, hai vị mới là sếp của tôi.”
Phương Hạo mỉm cười không đáp.
Trần Gia Dư hỏi anh: “Hai người đi ăn tối à?”
Sở Di Nhu có chút ngượng ngùng. Trần Gia Dư cao như vậy, vai rộng eo thon, ở ngoài mười mấy tiếng đồng hồ mà vẫn giữ được kiểu tóc, cộng thêm đôi mắt to hai mí, sống mũi cao của anh, thật sự đẹp trai vô cùng. Anh chỉ nhìn Sở Di Nhu ở khoảng cách gần có hai phút cũng khiến mặt cô đỏ bừng.
Vì mấy người họ từng dùng bữa chung nên Sở Di Nhu bèn mời Trần Gia Dư: “Thế, anh Gia đi ăn cùng bọn em không?”
Trần Gia Dư nhìn đồng hồ. Anh rất muốn đồng ý nhưng cũng biết người ta chỉ khách sáo hỏi vậy thôi. Hơn nữa lát anh còn phải tới bệnh viện thăm mẹ nên bèn trả lời: “Tôi ăn lúc ở Thâm Quyến rồi. Hôm này còn có chút việc nên về trước đây. Lần sau tôi sẽ mời hai người nhé.”
Sở Di Nhu gật đầu, Phương Hạo cũng chào tạm biệt anh ta.
Sở Di Nhu thấy anh ta đi xa rồi, bèn thì thầm: “Quan hệ hiện tại hai người cũng không tệ nhỉ.”
Phương Hạo nhấm nháp ly matcha latte của mình, bảo: “Không đánh không quen.”
Sở Di Nhu than thở: “Em nào dám làm sếp của anh ta cơ chứ. Hôm nay anh không thấy đó thôi, anh ta với cậu cơ phó đúng là lăn như rùa bò.”
Phương Hạo phì cười: “Anh ta như này là được hời còn ra vẻ.”
- Chú thích:
- Funfact: Về đường cất hạ cánh
Nếu nhìn bên góc phải của tấm hình sẽ thấy một cái mũi tên với chữ “N”, đây là mũi tên chỉ hướng Bắc chuẩn. Hai đầu đường cất hạ cánh 17L và 17R gần như nằm chĩa về hướng Bắc, đó là lý do vì sao trong truyện tác giả có đề cập tới 02 đường băng này vận hành theo hướng Bắc.
– Về cách đặt tên đường cất hạ cánh:
Các đường bằng trên thế giới đều được thống nhất đánh số từ 01 – 36. Con số này được căn cứ theo hướng của đường băng và được làm tròn lên. Ví dụ, đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài có hướng thực là 107˚, vậy nên khi làm tròn lên và bỏ đi số cuối, ta được đường cất hạ cánh 11.
Tất cả các đường cất hạ cánh đều có hai đầu, hai đầu này luôn chênh nhau một góc 180˚, vậy nên số của hai đầu đường cất hạ cánh sẽ luôn hơn kém nhau 18 đơn vị. Ví dụ sân bay Nội Bài là đường cất hạ cánh 11/29; sân bay Đại Hưng là đường cất hạ cánh 17/35. Khi cất cánh từ đầu nào hoặc hạ cánh tới đầu nào thì sẽ nêu rõ tên đầu đó.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp sân bay có 02 đường cất hạ cánh được xây dựng song song, có chung hướng. Vậy để phân biệt, người ta sẽ dùng các chữ “L” và “R” để chỉ vị trí tương ứng ở phía bên trái (left) hay phải (right). Để xác định được đường cất hạ cánh đó nằm bên trái hay bên phải thì ta xác định theo chiều hạ cánh, khi máy bay bay tới để hạ cánh từ một bên đầu đường băng, đường băng nào nằm bên phải sẽ được đặt tên là “R”, bên trái sẽ được đặt tên là “L”. Trong trường hợp có 03 đường cất hạ cánh song song thì đường ở giữa sẽ dùng chữ “C” (center).
Đường cất hạ cánh 17L của sân bay Đại Hưng có tên đầy đủ là “Đường cất hạ cánh 17L/35R”, tương tự là “Đường cất hạ cánh 17R/35L”