Đầu Cành Treo Một Mảnh Trăng Xanh

Chương 10: Thập tử nhất sinh




Dân gian thường gọi tháng bảy âm lịch hằng năm là tháng "cô hồn", người ta quan niệm rằng vào tháng này quỷ môn quan sẽ rộng mở, ma quỷ quay lại trần thế. Những linh hồn có tâm nguyện chưa hoàn thành sẽ tìm đến thân nhân báo mộng để người thân ở đời hóa giải khúc mắc giúp họ sớm ngày đầu thai chuyển thế. Vì vậy lên ngày mười lăm tháng bảy còn có tên gọi khác là ngày "xá tội vong nhân". Vào những ngày này con cháu kiêng kỵ nhất là đi đêm, nếu chẳng may bị ma quỷ dẫn lối vào nhầm cửa quỷ thì cho dù là thần tiên hạ phàm cũng chẳng thể cứu nổi. Xui xẻo làm sao bà Hoài lại chuyển dạ sinh con vào đúng ngày này.
Chiều hôm ấy, khi vừa dọn xong mâm cơm cúng tổ tiên bà Hoài bỗng cảm thấy đau bụng dữ dội. Mẹ ông Nhân vốn có kinh nghiệm trong việc này lên lập tức nhận ra con dâu mình sắp sinh. Bà lẩm bẩm vài tiếng "xúi quẩy" rồi vội giục con trai đi mời bà đỡ.
Éo le thay dân làng Thượng ngại nhất là việc dính dáng tới tâm linh, vừa nghe nói có người sắp sinh liền tìm cớ thoái thác. Ai nấy đều nói đứa trẻ sinh vào ngày này là điềm cực hung, nói không chừng người đỡ đẻ cho nó sẽ bị vận rủi đeo bám đến tan cửa nát nhà. Ông Nhân nghe vậy thì giận lắm nhưng cũng chẳng thể làm được gì, lúc này tính mạng của vợ con mới là điều quan trọng nhất. May sao nhờ có sự giúp đỡ của Cẩm Tú ông mà mời được một bà đỡ ở làng bên đến giúp.
Lúc cả hai vừa về đến nhà cũng là lúc bà Hoài vỡ ối. Bà đỡ thấy vậy vội giục mọi người chuẩn bị phòng sinh, bà Hoài được đưa vào gian trong, mẹ chồng cũng vào giúp đỡ chỉ có ông Nhân là đứng ở ngoài sốt ruột chờ đợi. Một canh giờ trôi qua mà vẫn chưa thấy ai trở ra chỉ có tiếng hét đầy đau đớn phát ra từ căn phòng vang vọng trong đêm khuya tĩnh mịch.
Khác hẳn với không khí bên ngoài trong phòng lúc này rất căng thẳng, bà đỡ lấy tay lau đi mấy giọt mồ hôi trên trán hốt hoảng nói:
"Sao lại thế này? Rặn đi đừng dừng lại không chết cả mẹ lẫn con bây giờ!"
Mẹ ông nhân nghe vậy cũng hoảng loạn, tay chân luống cuống hết cả lên.
"Có chuyện gì thế? Cháu tôi nó làm sao?"
Bà đỡ vừa thọc tay xuống tấm chăn đang che lấy phần hạ bộ của bà Hoài vừa đáp:
"T.h.a.i nhi không quay đầu, nếu cứ thế này thì chưa kịp sinh đã ngạt chết mất!"
Nói rồi bà ta lại dùng sức như muốn cưỡng ép lôi đứa nhỏ ra vậy, bà Hoài thống khổ thét lên một tiếng sau đó máu tươi ồ ạt chảy ra từ thân dưới của bà dọa cho bà đỡ kinh hồn bạt vía. Trong phút chốc căn phòng trở lên yên tĩnh lạ thường, bà Hoài bất tỉnh, cái thai vẫn còn nằm trong bụng mẹ.
***
Từ chập tối dân làng Thượng đã lập một đàn lễ ngay chỗ cái miếu nhỏ nơi gốc đa, lễ tuy không lớn nhưng đầy đủ, hương cháy vượng đến tận khi trời tối hẳn mới thôi. Làng này có một tục rất lạ, phàm là đồ cúng ở miếu thờ thì không được phép mang về vì thế nên không cần thiết phải cử người ở lại trông cũng chẳng ai có đủ can đảm mà ở lại nơi đó.
Đêm tháng bảy âm thịnh dương suy, từ sớm đã có mấy con quỷ ngồi vắt vẻo ở đầu cành đa, một số khác lân la trước sân miếu tận hưởng đồ cúng mà con người cung phụng cho mình. Tiếng quỷ lúc khóc lúc cười nghe mà rợn cả tóc gáy.
Bỗng từ ngoài cổng làng vang lên tiếng bước chân, đám quỷ đột nhiên im lặng hàng loạt cặp mắt đỏ ngầu chăm chú nhìn theo hướng đó. Chỉ thấy từ trong bóng đêm bước ra một bà lão có dáng người thấp bé, tấm lưng gù cong xuống như con tôm. Một tay bà ta cầm đèn lồng giấy tay còn lại chống gậy trúc, ánh sáng lập lòe phát ra từ chiếc đèn hệt như một đốm lửa ma trơi giữa cánh đồng vắng trông quỷ dị vô cùng.
Khi đến gần cây đa gậy trúc trong tay bà liền gõ xuống nền đất vang lên tiếng "lộc cộc". Cứ mỗi một bước bà lại gõ một lần, cây gậy va chạm với mặt đường tạo ra một xung động vô hình làm cho lũ ma quỷ đang định tiếp cận đứng yên bất động. Bà lão già yếu cứ thế yên bình vượt qua gốc đa.
***
Ông Nhân đang đứng trong sân bỗng thấy bà đỡ đi ra từ trong phòng theo sau là mẹ ông, hai người dường như đang cãi cọ gì đó.
"Tôi không làm được nữa đâu người bất tỉnh rồi sớm muộn gì cũng mất mạng! Đáng ra tôi không lên tham của mà rước lấy cục nợ này vào người!"
Bà Trần giữ chặt lấy tay bà ta mà cầu xin:
"Xin hãy cứu lấy cháu tôi! Nó có tội tình gì đâu chứ trời ơi là trời!"
Bà đỡ vô cùng khó chịu đẩy mạnh bà ta ra rồi gấp gáp rời đi chẳng nhìn lấy ông Nhân dù chỉ một lần. Cảm thấy chuyện chẳng lành ông liền hỏi mẹ:
"Mẹ, vợ con sao rồi?"
Bà Trần òa khóc nức nở mà nói với con:
"Đừng nhắc đến nó nữa nó hại c.h.ế.t cháu mẹ rồi!"
Ông Nhân nghe vậy sững sờ một lúc rồi nhanh chóng chạy vào trong phòng. Bà Hoài lúc này đã ngất lịm trên giường, gương mặt vì mất máu quá nhiều giờ đã tái xanh trông chẳng khác nào cái xác. Bà trần nhìn con dâu thẫn thờ nói:
"Ngất khi sinh vô cùng nguy hiểm, đứa bé không những không được cứu mà người mẹ cũng sẽ vì thiếu máu mà mất mạng."
Ông Nhân không muốn tin đó là sự thật vừa lay vợ vừa khóc thảm thương. Đúng lúc này phía bên ngoài có người tiến vào, bà Trần quay đầu lại vừa trông rõ đó là ai thì mặt mũi đã tái mét sợ hãi còn hơn cả gặp ma nữa.
"Mẹ…mẹ sao lại đến đây?"
Người vừa tiến vào là một bà lão tuổi ngoài tám mươi, đầu tóc đã bạc trắng nhưng trên gương mặt nhất là ánh mắt vẫn còn vẻ minh mẫn lạ kỳ. Bà liếc mắt nhìn bà Trần rồi cất giọng quở trách:
"Sao? Ta đến cứu cháu dâu và chắt ta cũng không được à?"
Ông Nhân nghe thế hệt như túm được sợi dây cứu mạng ngừng khóc hỏi:
"Thật à bà? Bà cứu được vợ con sao?"
Bà cụ không đáp chỉ bước về phía chiếc giường bà Hoài nằm, quan sát cháu dâu một lát nét mặt bà thoáng hiện vẻ nghiêm trọng.
"Nó trúng ngải rồi phải mau giải. Nhanh! đưa nó lên gian trên chỗ bàn thờ tổ tiên!"

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.