Để Làm Hà Ngọc Hối Hận

Chương 17: Món khoai lang khô tuổi già




Chờ rửa bát xong, bà ngoại đưa Nữu Nữu quay lại phòng ông ngoại.
Ông ngoại đã ăn uống no đủ khép hờ đôi mắt, nằm ở trên giường, ánh dương ấm áp sau giờ trưa làm người ta mơ màng sắp ngủ.
Bà ngoại lấy khăn tay đã thấm ướt lau miệng cho ông.
“Muốn nghe kể chuyện.” Ông ngoại mơ màng lầu bầu một câu.
Bà ngoại buồn cười nhìn ông và đứa cháu gái nhỏ nửa bước không rời mình.
Hai ông cháu chẳng khác gì nhau, đều là những người mê kể chuyện.
Nữu Nữu tự giác về phòng mình, ôm cái gối nhỏ của con bé tới, đặt lên trên giường.
Ông ngoại ngủ một bên, Nữu Nữu ngủ một bên, bà ngoại nằm ở giữa.
“Bà ngoại, bao giờ ngủ trưa dậy, con cũng muốn đi mua khoai lang khô với ông bà ạ.”
“Được thôi,” bà ngoại nhẹ nhàng phe phẩy chiếc quạt hương bồ, quạt gió cho cô cháu nhỏ: “Để bà ngẫm lại, chuyện của bà cháu mình kể đến đâu rồi nhỉ?”
“Kể đến đoạn Khương Minh Trân 6 tuổi, Hà Ngọc phải về quê ạ. Trước khi cậu ta về, Khương Minh Trân bị cậu ta ghét, còn bị cứt chim rớt vào đầu, bạn ý nói với Hà Ngọc là ‘Khà Khọt, cậu nhất định sẽ hối hận’.” Nữu Nữu nhớ rất rõ ràng, lập tức tìm được điểm dừng của lần trước.
“Ừ, sau đó Khương Minh Trân liền bắt đầu nghĩ cách, phải làm sao mới khiến cậu ta hối hận được.”
“Cách gì ạ?” Nữu Nữu trợn to mắt, tập trung tinh thần lắng nghe.
“Không phải cậu ta chê bà xấu xí, tính tình khó ưa, vĩnh viễn sẽ không cưới bà sao? Kế hoạch của bà là, dùng sắc đẹp để khiến Hà Ngọc điên đảo, đang lúc cậu ta u mê bà đến độ không phải bà thì không cưới, bà sẽ gả cho người khác. Hà Ngọc khóc lóc thảm thiết chìm trong điên loạn, rồi sẽ nhớ nhung bà suốt đời.”
Khi bà ngoại kể đến đây, mặt bà chun hết lại.
Nếu như ông ngoại đang nhắm mắt không cong môi lên, thì bà còn duy trì được trạng thái khoe khoang như vậy.
“Bà ngoại, ông ngoại đang cười bà đấy.” Nữu Nữu quan sát được cảnh này, lập tức mách ngay.
“Cười cái gì mà cười,” Gương mặt già ửng đỏ, bà ngoại ho nhẹ nói: “Em đang rất là nghiêm túc đấy, có được không.”
“Mới nãy ông ngoại bảo con, Hà Ngọc không hối hận đâu.” Nữu Nữu tiếp tục bổ đao.
Bà ngoại đưa tay véo mặt ông ngoại, véo đến độ ông ngoại kêu “Au au” đầy đau đớn……
Xả hết cục tức xong, bà quay lại kể tiếp câu chuyện.
“Kế hoạch này theo ý bà thì khá là khả thi, chỉ mỗi tội có 2 điều.”
Bà ngoại bẻ đầu ngón tay, giọng nói vang vang.
“Trên ván đấu cuộc đời, bộ bài Hà Ngọc rút được càng lúc càng đẹp.”
“Thứ hai, bà càng lớn lại càng xấu.”
“Phì.” Tiếng thứ nhất là tiếng cười của Nữu Nữu.
“Phì.” Tiếng thứ hai là tiếng cười của ông ngoại.
“Au au……” Mặt ông ngoại lại bị nhéo.
“Bộ bài Hà Ngọc rút được càng lúc càng đẹp là sao ạ?” Không hiểu được phép so sánh của bà ngoại, Nữu Nữu giơ tay đặt câu hỏi.
“Hừm, cái này phải nói thế nào đây nhỉ.”
Bà ngoại băn khoăn làm sao mới khiến con bé hiểu được.
“Ví dụ như một người vừa sinh ra đã là công chúa, thân thể khỏe mạnh, xinh xắn đẹp đẽ, gia đình hòa thuận, chúng ta có thể nói, cô ta cầm được một bộ bài tốt. Cuộc đời cô ta vừa mở màn đã có điều kiện tương đối tốt, những điều kiện này có thể giúp tương lai của cô ta thoải mái hơn, để cô ta có thể thực hiện lý tưởng của mình, trải qua một cuộc đời hạnh phúc.
“Còn Hà Ngọc ấy à, khi cậu ta còn nhỏ, bộ bài trên tay cậu ta không tốt, có nghĩa là, cậu ấy có được điều kiện không tốt. Bố qua đời do sự cố ở công trường, mẹ là vú em, họ đến từ nông thôn, gia cảnh bần cùng. Vì muốn đòi lại khoản bồi thường tai nạn lao động, cậu ấy và mẹ phải quay về quê, lần này phải đi rất nhiều năm, mất cả công việc vú em.”
Được giải thích thế này, Nữu Nữu cảm thấy nó đã hiểu rõ rồi.
Nhưng con bé lại rất khiếp sợ: “Hà Ngọc đi mất nhiều năm ạ? Không phải cậu ta nói cùng lắm 1-2 tháng sau sẽ về sao?”
“Đây không phải là chuyện mà cậu ấy và mẹ cậu ấy có thể khống chế được. Họ nghĩ bụng, nhận được khoản bồi thường rồi, họ sẽ tiếp tục quay về làm thuê ở nhà họ Khương. Nhưng thực tế là, muốn đòi số tiền kia không dễ như thế. Đây không phải là lần đầu tiên công trường nơi bố của Hà Ngọc làm việc xảy ra sự cố. Những công nhân bị khất nợ tiền lương, những công nhân yêu cầu tiền bồi thường, không chỉ có mỗi mình nhà họ. Để đòi được tiền, mẹ Hà Ngọc phải đi cùng đám công nhân này, họ hàng này, đi làm loạn ở nhà ông chủ, bãi công ở công trường. Họ náo loạn mấy tháng ròng mà chả đòi được lấy một cắc. Một năm sau, công trường quá thời hạn, ông chủ bỏ trốn luôn, họ bắt đầu làm theo trình tự pháp lý, tìm luật sư, lên toà án, đưa ra bằng chứng, kiện chủ thầu…… Đòi quyền lợi là một quá trình vô cùng dài dòng, cầm phải phí rất nhiều tâm sức và tiền tài.”
Bà ngoại xoa xoa đầu Nữu Nữu: “Có phải con nghe mà ngớ hết ra rồi không?”
Đúng là thế thật, những lời này làm Nữu Nữu thấy liu riu buồn ngủ.
Những thứ mà con bé nghe lọt chỉ có: Mẹ con Hà Ngọc rất khó đòi được tiền, ông chủ của công trường là kẻ xấu.
“Tóm lại, bởi vì chuyện nhà, mấy năm đầu tiểu học Hà Ngọc không đi được học, phải ở rịt mãi dưới quê. Còn tại sao bà lại nói bộ bài cậu ấy rút được càng lúc càng đẹp thì……
“Về sau, Hà Ngọc tự học một thời gian, dựa vào sự thông minh tài trí của mình để nhảy thẳng lên lớp 4. Sau đó không lâu, vụ kiện của họ thắng lợi, thuận lợi đòi được khoản tiền bồi thường lao động của bố cậu ấy về. Khi đó họ hàng nhà Hà Ngọc đang buôn bán quần áo, kêu nhà Hà Ngọc góp cổ phần vào, dùng tiền đấy để kiếm chút lời. Về sau, mẹ cậu ấy thuê luôn một cửa hàng mặt đường ở dưới quê, mở tiệm bán quần áo……”
Nữu Nữu quen với cách kể chậm rãi thuật lại tình tiết câu chuyện trước đây của bà ngoại hơn.
Tiết tấu bây giờ nhanh quá, bộ não nhỏ của con bé theo không kịp, loạn thành một đống hồ nhão. Giọng bà ngoại tựa như một cái thìa đang quấy hồ nhão, thi thoảng con bé hiểu được một tí thì đầu óc tỉnh táo hơn một tẹo, nhưng chẳng mấy, đám hồ nhão lại ùa đến, ý thức của con bé lại chìm nghỉm xuống dưới.
Con bé ngáp một cái, làn gió mát lạnh từ chiếc quạt hương bồ phả vào người, chỗ cạnh nó lún xuống, bà ngoại cũng nằm xuống.
Từng cơn gió phe phất, và giọng nói thủ thỉ của bà ngoại, cùng đưa Nữu Nữu tiến vào giấc ngủ.
“Hà Ngọc lên đến cấp 2, được giáo viên phát hiện ra tài năng hội họa, nên đề cử tranh của cậu ấy đi dự thi. Tên nhóc này mới thi một lần đã giành được giải thưởng lớn ngay, được đài truyền hình phỏng vấn trong lễ trao giải. Lúc lên đến cấp 3, cậu ta tốt người tốt nết, học hành tấn tới, nhà cũng dư dả, thậm chí còn có người muốn giúp đỡ cậu ấy mở triển lãm tranh.
“Hồi nhỏ cậu ấy đã thông minh lanh lợi, vả lại, càng lớn, cậu ta lại càng may mắn. Cậu ta chính là kiểu thế này, nếu như bà và cậu ấy đi mua đồ uống với nhau, bà sẽ rút phải ‘Chúc bạn may mắn lần sau ’, còn cậu ta toàn rút được ‘Tặng thêm chai nữa’, kiểu người may mắn như thế đấy.”
Nữu Nữu ngủ rồi.
Bà ngoại lén lút nhìn ra đằng sau, ông lão cũng ngủ rồi.
“Thật sự khoa trương lắm ấy, cậu ấy đi bộ mà còn rất hay nhặt được tiền, cậu ta ấy à……”
Bà ngoại nhắm mắt lại, giọng kể dần trở nên mơ hồ. Không biết kể đến câu nào, giọng kể tắt ngấm.
Một buổi chiều buồn ngủ và ngon giấc.
Tán cây sum suê ngoài cửa sổ che đi ánh nắng gay gắt, đến cả gió cũng không quấy rầy.
Gió lướt qua ngọn cây, không kinh động lá cây, không xáo động giấc mộng đẹp, mau chóng lướt đi chỗ khác.
……
Bên cạnh có tiếng ngáy rất nhỏ, Nữu Nữu mơ màng mở mắt ra, nó cảm nhận được cơn gió mát phả lên mặt mình.
Bà ngoại còn đang ngủ, tay bà đặt trên bụng con bé, che chở cho con bé.
Người quạt gió là ông ngoại. Ông dịch người mình lên một ít, dựa vào ván giường, nằm với một tư thế nhìn không được chắc chắn lắm, phe phẩy quạt cho con bé và bà ngoại.
Nữu Nữu há mồm, định gọi bà ngoại dậy.
Ông ngoại mím môi, lắc đầu với con bé.
Cái tay duy nhất còn hoạt động được kia nắm cây quạt hương bồ, ông thu nó về sát miệng mình, làm dáng suỵt.
Bà ngoại đang ngủ ngon lành, có lẽ ông không muốn đánh thức bà.
Ông phẩy tay kêu Nữu Nữu nằm xuống.
Nữu Nữu ngoan ngoãn nằm về chỗ, nó rúc mình vào cạnh bà ngoại, hưởng thụ làn gió mát ông ngoại quạt cho.
Cả nhà con bé hình như đều ngủ ngáy, Nữu Nữu di truyền từ mẹ, mẹ nói mẹ di truyền của bà ngoại.
Tiếng ngáy lúc ngủ của bà ngoại khác với giọng nói bình thường của bà. Bà ngoại nói tiếng phổ thông tiêu chuẩn, là một trưởng bối vừa kiên nhẫn vừa hiền hòa. Còn bà ngoại ngáy ngủ, thì lại như một con heo con ụt ịt ngốc nghếch.
Gió từ cây quạt hương bồ quấn theo mấy sợi tóc, xõa trên má bà ngoại.
Ông ngoại buông cây quạt, duỗi tay rất đỗi tự nhiên, vén những sợi tóc kia ra sau tai cho bà. Sau đó, ông vuốt ve mái đầu có rất nhiều sợi tóc bạc trắng của bà.
Nữu Nữu hiểu một chút, nhưng lại không hiểu được hết.
Con bé từng thấy trong TV, nam nữ chính thề non hẹn biển, oanh oanh liệt liệt, còn cả những cảnh mà mẹ nó che mắt nó đi, không cho nó xem kia nữa. Con bé biết những người như thế gọi là “yêu nhau”. Ngày nào con bé cũng thấy bà ngoại bón cơm cho ông ngoại, bà ngoại đổ bô nước tiểu, tắm rửa cho ông ngoại. Nó không bao giờ cảm thấy những chuyện bình thường vặt vãnh ấy là “yêu nhau”.
Mãi đến giờ phút này, Nữu Nữu thấy ánh mắt ông ngoại nhìn bà ngoại.
Tình yêu trong mắt ông tràn đầy, hấp háy lấp lánh như chứa ánh sao, ông ngoại đang mỉm cười. Khi ông ngoại vuốt ve đầu bà ngoại, động tác của ông nhẹ rất nhẹ, tựa như mơn trớn trân bảo của ông, một sợi lông vũ đậu trong trái tim ông.
Nữu Nữu vội vàng nhắm mắt lại, như lúc nó thấy diễn cảnh yêu đương trên TV vậy, không dám xem nhiều.
Ngủ tiếp một lát vậy, con bé an tâm nghĩ thầm: Câu chuyện của bà ngoại còn dài lắm, chưa kể xong được đâu. Chờ bà ngoại dậy rồi, cả nhà có thể ra ngoài mua khoai lang khô.
Ai dè Nữu Nữu ngủ tới tận 5 giờ chiều.
Lúc con bé thức dậy, ông mặt trời đã sắp xuống núi rồi.
Nghe thấy tiếng nồi áp suất đang đun thức ăn, Nữu Nữu lê dép chạy đến phòng khách.
Bà ngủ đã ngủ no một giấc trưa đang tràn trề năng lượng.
Bà cầm một chiếc dĩa cắm miếng táo đã gọt vỏ, đuổi theo ông ngoại, bắt ông ăn.
Mặt ông ngoại quay tới quay lui, miệng làu bàu: “Không ăn nữa, không thích ăn!”
“Sao mình lại không thích ăn táo được? Mình chưa nghe bao giờ ư, mỗi ngày một quả táo, bác sĩ không tới nhà.” Nhân lúc ông ngoại đang nói chuyện, bà nhét thẳng miếng táo vào miệng ông.
Ông ngoại bĩu môi, nhai nhai ra chiều không vui.
Họ đều đã thay quần áo để ra ngoài, xe lăn của ông ngoại cũng được đẩy ra. Nữu Nữu tiến lên, sốt ruột hỏi: “Ông bà đã đi mua khoai lang khô chưa ạ?”
“Ái chà, Nữu Nữu dậy rồi,” bà ngoại cười nói: “Chưa đi đâu, ông bà chờ con đấy. Muốn ăn táo không?”
Nữu Nữu há miệng, bà ngoại lập tức đút cho con bé một miếng táo. Hã𝓎 𝒕ìm đọc 𝒕rang chính ở _ TrùmTr u𝓎ện﹒V𝖭 _
“Mình xem, Nữu Nữu còn thích ăn táo hơn mình.”
Ông ngoại tự dùng chiếc nĩa nhỏ chọc vào miếng táo còn thừa trong bát, ăn hết luôn.
Bà ngoại hài lòng đứng lên, dắt Nữu Nữu.
“Đi thôi, chúng ta ra ngoài nào.”
Đi ra ngoài đường với ông bà ngoại, là một chuyện rất là ngầu.
Bởi vì có rất nhiều người đang nhìn ông ngoại, cho nên Nữu Nữu cảm thấy, họ chính là nhân vật chính của con phố này.
Đi ngang qua cây đại thụ đầu ngõ, đám người chơi mạt chược chào hỏi bà ngoại.
“Đưa bạn già và cháu gái ra ngoài dạo đấy à?”
“Đúng rồi,” bà ngoại đáp các bà các cô: “Ông nhà tôi muốn mời hai bà cháu tôi ăn khoai lang khô đấy.”
“Thế thì hay quá.”
“Đúng vậy,” bà ngoại lặp lại: “Hay biết bao!”
Nữu Nữu nghĩ, bà ngoại nhất định cũng cảm thấy chuyện đi ra ngoài cùng ông ngoại và con bé rất là ngầu.
Lưng bà ngoại ưỡn rất thẳng, bà đẩy ông ngoại, nơi này đi một chút, chỗ kia dạo một tẹo, dường như muốn khoe khoang cho cả phố là họ đang ra ngoài chơi.
Ông ngoại cũng cười nhiều hơn ở nhà.
Hai già một trẻ vui vẻ đi đến chợ bán thức ăn, tới quầy hàng bán khoai lang khô.
“Chủ quán, cho tôi mua hết chỗ khoai lang khô của quán cậu.” Ông ngoại móc ra số tiền mình đã chuẩn bị, kêu chủ quán tới lấy hàng.
Bà ngoại che tay ông lại, chặn ông ngay trước khi trả tiền.
“Không được không được, sao lại mua hết? Thế thì nhiều quá.”
“Mình thích ăn mà, cứ để ăn dần.” Ông kêu chủ quán tiếp tục gói khoai.
Bà ngoại lắc đầu: “Ăn không hết nhiều vậy đâu, để lâu lại hỏng.”
“Bà ơi, khoai lang khô không dễ hỏng đâu ạ,” người bán rong bỏ khoai đầy một túi nilon chỉ trong chớp mắt, bỏ lên cân để cân: “Khoai lang khô nhà cháu ngoài cứng, trong mềm, ngon lắm ạ, bà cứ ăn thử là biết liền.”
“Ôi, đừng mua nhiều thế, lần sau mình mua tiếp cho em cũng được mà……” Bà ngoại chọt chọt ông ngoại.
“Chủ quán, vậy chúng tôi mua túi đấy là đủ rồi.” Cuối cùng ông ngoại cũng nhượng bộ.
Một túi cũng vẫn nhiều lắm.
Mua nhiều quá, bà ngoại lại thấy không vui.
Bà đẩy ông ngoại về nhà, ông ngoại để một túi tướng khoai lang khô trên đùi.
Bà ngoại ngắm nghía túi khoai lang khô rất nhiều lần, ông ngoại hỏi bà ăn không, bà lại bảo không ăn.
“Nữu Nữu có ăn không nào? Món khoai lang khô này chắc phải ngon lắm đấy, còn phủ đường bên ngoài nữa này.”
Ông ngoại đổi mục tiêu, hỏi đứa con nít quỷ hám ăn nhà ông bà.
Nữu Nữu thì chắc chắn sẽ ăn rồi.
Bà ngoại không nói một lời, đẩy xe lăn vô cùng chuyên chú.
Nhìn cô cháu nhỏ ăn đến mức sung sướng, bà vẫn không có hứng thú.
Ông ngoại cúi đầu, dường như bỗng nhiên phát hiện một thứ gì rất kì diệu trong túi, “Ồ” một tiếng.
“Miếng khoai lang khô này……”
Theo lời ông, bà ngoại nhìn về phía chiếc túi.
“Lớp đường phủ ngoài nhiều nhất, đẹp nhất, không thể cho Nữu Nữu được, phải để lại cho Minh Trân của anh.”
Bà ngoại không giữ oai nổi nữa, bị ông chọc cười.
“Đưa đây xem nào.” Bà duỗi tay với ông.
Thật sự lâu lắm rồi bà không ăn khoai lang khô.
Ngửi thấy hương thơm thoang thoảng ngọt lành trước kia, bà ngoại cắn một miếng to.
“Cái này!”
Bà mở to mắt, nhai chóp chép, tựa như vẫn là cô bé con 5 tuổi ngày xưa.
“Ngọt quá ngon quá đi mất!”
Ông bật cười.
Gió đêm buổi về nhà hôm ấy, là dịu dàng nhất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.