Dệt Kén

Chương 56: Chuyện đời bố mẹ




Lê Đường ra nước ngoài không bao lâu, Tưởng Lâu nhận được thư từ Trương Chiêu Nguyệt.
Thư bằng giấy gửi đến trường cấp ba huyện, giáo viên chủ nhiệm giao cho Tưởng Lâu.
Cũng chính lúc đó Tưởng Lâu mới biết, tuy thành tích của hắn xuất sắc nhưng ảnh hưởng từ vụ việc phát thanh quá xấu, sau khi bị trường Trung học Số 1 Tự Thành đuổi học thì đáng lẽ không có trường nào chịu nhận, Trương Chiêu Nguyệt cố gắng dàn xếp ổn thoả các bên mới khiến trường cấp ba huyện miễn cưỡng nhận hắn vào học.
Trong thư Trương Chiêu Nguyệt kể cho hắn chuyện quá khứ, dù sử dụng câu từ ngắn gọn nhất cũng viết hết năm trang giấy.
Hóa ra Trương Chiêu Nguyệt không phải sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố cô, tức ông ngoại Tưởng Lâu từng là người buôn trà có tiếng tại Tự Thành, từ nhỏ Trương Chiêu Nguyệt đã ăn sung mặc sướng, không biết nỗi khổ ở đời.
Đến năm ba đại học, một ngày nọ cô nhận được điện thoại từ nhà báo gia đình có chuyện, bảo cô nhanh chóng quay về. Lúc Trương Chiêu Nguyệt về đến nhà, quan tài của bố mẹ đã được đưa đến nhà tang lễ, họ hàng trong nhà nói bố mẹ cô mất do tai nạn xe ngoài ý muốn, tài xế gây chuyện đã bị bắt.
Trương Chiêu Nguyệt đau buồn, đồng thời nhạy bén nhận ra điểm vô lý.
Từ khi việc làm ăn mở rộng, bố cô thường giúp đỡ anh em trong nhà và sắp xếp họ làm việc tại công ty. Nhưng anh em của ông ham ăn lười làm, có chút khôn vặt cũng không đặt vào đường ngay, nay biển thủ công quỹ mai lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ.
Từ lâu đã có người nhắc bố Trương Chiêu Nguyệt cảnh giác với hai người anh em của ông, nhưng ông tốt bụng khoan dung, cảm thấy họ chỉ hám cái lợi nhất thời, khiển trách là được chứ không cần làm đến mức Trạng chết Chúa cũng băng hà. Nhưng cách xử lý của ông lại khiến anh em thầm bất mãn, cho rằng ông không nhớ tình nghĩa từ thuở hàn vi đến giờ, hơn hết là xem nhẹ tình cảm anh em, làm họ mất hết mặt mũi với toàn thể công ty.
Thù hận hình thành từ đó. Tuy hiểu biết về khúc mắc bên trong có hạn, song Trương Chiêu Nguyệt nhớ rõ trước khi cô đi học đại học xa nhà, quan hệ giữa bố và chú bác đã rất căng thẳng, hở ra là cãi vã ở công ty vì bất đồng ý kiến, thậm chí về sau còn phát triển tới nông nỗi chạm mặt là phớt lờ nhau.
Mà chú bác là cổ đông lớn nhất của công ty ngoài bố Trương Chiêu Nguyệt, sau khi bố mất ai sẽ trở thành người nắm quyền công ty đã không cần nghi ngờ.
Vả lại vụ tai nạn xe xảy ra quá kỳ lạ. Theo lời trợ lý của bố, hôm ấy ông và mẹ lái xe đi sau khi nhận được một cuộc điện thoại, bình thường họ rất ít đi con đường này, sao lại trùng hợp tới nỗi nửa đường có một chiếc xe tải nhảy ra đâm trúng xe họ?
Hơn nữa tài xế gây chuyện xong không giẫm phanh cũng không bỏ trốn, giống như đã biết hôm nay sẽ đâm người, lúc bị cảnh sát bắt thì bình tĩnh hỏi: "Đã chết chưa?"
Rõ ràng là sát thủ được thuê.
Lo xong hậu sự cho bố mẹ, Trương Chiêu Nguyệt muốn điều tra kỹ lưỡng sự việc nhưng luôn vấp phải trắc trở, ngay cả người trợ lý từng sẵn lòng đứng ra làm chứng cũng nói năng thận trọng, không muốn cung cấp thêm bất cứ manh mối nào về chuyện này.
Trương Chiêu Nguyệt không biết làm sao đành điều tra từ chỗ mình có thể. Cô đến đội xe nơi tài xế gây chuyện làm việc để nghe ngóng, song các tài xế xe tải đều bận phần việc của mình, không ai quen thân với tài xế gây chuyện, cũng không ai chịu tốn thời gian giúp một cô gái "lật lại bản án".
Cũng tại đây Trương Chiêu Nguyệt đã quen bố Tưởng Lâu, Tưởng Phương Tù.
Khác với cái tên nho nhã, Tưởng Phương Tù là một thanh niên trung hậu khỏe khoắn, ngày bé không thích học hành, gia đình cũng không quan tâm nên học xong trường dạy nghề thì thi bằng lái xe, bắt đầu chạy xe hàng cỡ nhỏ, chỉ trong hai năm đã thi được bằng B lái xe cỡ lớn.
Lần đầu Trương Chiêu Nguyệt đến đội xe, anh đã để ý người con gái mặc váy, cao gầy xinh đẹp này. Anh biết mình và cô là người ở hai thế giới, không dám tùy tiện tiếp cận mà chỉ dám nhìn trộm từ xa.
Hai người nảy sinh tiếp xúc trong một ngày Trương Chiêu Nguyệt lại tới đội xe hỏi thăm chuyện liên quan đến thủ phạm, cô vấp ổ gà trước cổng rồi bị ngã, đúng lúc một chiếc xe mất lái tông về phía cô, Tưởng Phương Tù không kịp nghĩ đã lao ra, cố hết sức lôi cô đến chỗ an toàn.
Sự việc ngoài ý muốn khiến Tưởng Phương Tù bị thương ở chân phải nằm viện, Trương Chiêu Nguyệt đến bệnh viện thăm anh, vừa khóc vừa nói mình không cố ý, Tưởng Phương Tù không trách cô chút nào, chỉ cảm thấy người con gái này sao khóc cũng đẹp thế chứ.
Trương Chiêu Nguyệt trình báo cảnh sát việc mình suýt bị "diệt khẩu", song cảnh sát lấy lý do không đủ bằng chứng để không điều tra, năm lần bảy lượt đòi chú bác trong nhà giải thích cũng bị đuổi ra ngoài.
Thời gian đó cô vô cùng sa sút, suốt ngày ôm bức ảnh chụp với bố mẹ lấy nước mắt rửa mặt, muốn đòi lại công bằng cho bố mẹ nhưng nỗi khổ lực bất tòng tâm khiến cô suy sụp hoàn toàn, gần như mất niềm tin vào cuộc sống.
Trong thư gửi Tưởng Lâu, cô gọi khoảng thời gian ấy là "giai đoạn mông lung ngây ngô dại dột".
Cô bắt đầu trốn tránh, không quay lại trường học tiếp, đảo lộn toàn bộ kế hoạch tương lai, cầm tài sản bố mẹ để lại ngày ngày ra vào các chỗ ăn chơi như vũ trường, uống say khướt chẳng rõ ngày đêm.
Một lần cô uống đến mức đau dạ dày, ngồi xổm trước cửa quán bar nôn thốc nôn tháo, có đám thanh niên lêu lổng bên đường quấy rối cô, chính Tưởng Phương Tù đã bất thình lình nhảy ra cứu cô.
Trương Chiêu Nguyệt hỏi sao giờ này lại xuất hiện ở đây, Tưởng Phương Tù mặc đồng phục chỗ làm giản dị cười ngại: "Đồng nghiệp tặng hai vé xem phim, muốn hỏi em có thời gian đi xem với tôi không."
Chiều hôm sau, Trương Chiêu Nguyệt và Tưởng Phương Tù đến rạp chiếu phim xem bộ phim Hollywood Titanic mới công chiếu.
Thời điểm đó Tự Thành chỉ có một rạp chiếu phim, đây lại là phim bom tấn đắt khách, các rạp chiếu phim trên toàn quốc đều tranh vé sứt đầu mẻ trán, vậy nên Trương Chiêu Nguyệt không hề tin Tưởng Phương Tù được đồng nghiệp tặng vé.
Đồng thời cô nhận ra tấm lòng của Tưởng Phương Tù.
Trương Chiêu Nguyệt viết trong thư: Mẹ lợi dụng bố con, coi anh ấy là cảng chắn gió trốn tránh hiện thực, hoặc có lẽ là cọng rơm cứu mẹ khỏi vũng lầy. Nhưng khoảnh khắc nhận lời cầu hôn của anh ấy, không phải mẹ chưa từng nghĩ cứ sống giản đơn và ổn định như thế đến hết đời.
Tưởng Phương Tù và Trương Chiêu Nguyệt đăng ký kết hôn vào mùa thu năm 98, sau đám cưới cả hai trải qua ngày tháng êm đềm tươi đẹp. Họ cùng sửa lại ngôi nhà nhỏ dưới chân núi, quét sơn mới cho vật dụng gỗ đã cũ, lau cửa sổ kính sạch bong kin kít, lát đá hoa với hoa văn phức tạp theo sở thích của Trương Chiêu Nguyệt.
Họ mua một chiếc tivi và đầu DVD tại chợ đồ cũ, khi Tưởng Phương Tù không đi làm, hai người cùng làm ổ trong nhà xem đĩa lậu thuê ở tiệm, từ Huyền thoại 1900 đến Cuộc sống tươi đẹp, sau đó lại quay về bộ phim "định tình" Titanic, xem đi xem lại đến mức đầu đĩa không đọc nổi nữa.
Chẳng mấy mà Trương Chiêu Nguyệt phát hiện có thai, Tưởng Phương Tù vô cùng phấn khởi, vừa tăng khối lượng công việc vừa dành toàn bộ thời gian rảnh cho vợ, làm việc từ sáng sớm tới tối mịt vì gia đình cũng cam tâm tình nguyện.
Họ đặt tên cho đứa con chưa chào đời. Chữ "Lâu" có vẻ thường thấy nhưng thực tế lấy từ "Sơn ngoại thanh sơn lâu ngoại lâu", nơi họ ở gần núi, ngụ ý chứng kiến phong cảnh rộng lớn hơn bên ngoài núi non, mong mỏi Tưởng Lâu có thể trở thành "Lâu" ngoài "lâu", tự mình đi ngắm nhìn thế giới ngoài kia. [1]
[1] "Sơn ngoại thanh sơn lâu ngoại lâu" thuộc bài thơ "Đề Lâm An để" của Lâm Thăng, dịch thơ "Núi biếc trập trùng lầu nối lầu". (Bản dịch của Thi Viện)
Nhưng cái tên đặt cho con không hề chứa đựng khát khao của người mẹ ư? Sau khi tất cả quay về vẻ bình yên vốn có, Trương Chiêu Nguyệt bắt đầu thường xuyên nhớ nhung phồn hoa nơi thủ đô, nhớ việc học dang dở, nhớ tương lai vốn nên rực rỡ như sao trời.
Sinh Tưởng Lâu xong cô ở nhà chăm con cả ngày, càng lúc càng có ảo giác bị vây hãm trong thành phố nhỏ Tự Thành mưa dầm rả rích, cuộc sống không có hy vọng khiến cô cực kỳ chán nản, cảm giác hoang mang cũng tự nhiên trỗi dậy.
Cô bắt đầu cân nhắc chuyện quay lại thủ đô học tiếp, may thay Tưởng Phương Tù luôn ủng hộ việc cô muốn làm vô điều kiện, anh chủ động nhận trách nhiệm chăm sóc con, thậm chí còn cho Trương Chiêu Nguyệt tiền mình dành dụm bấy lâu, bảo cô đừng lo lắng.
Trương Chiêu Nguyệt bèn quay về thủ đô khi Tưởng Lâu vừa tròn một tuổi.
Tuy nhiên không có bố mẹ chu cấp, con đường học tập ở thủ đô của Trương Chiêu Nguyệt vô cùng trầy trật. Vất vả lắm cô mới trụ được đến khi tốt nghiệp đại học, muốn đào tạo sâu thì cần rất nhiều tiền.
Tài sản của bố mẹ đã dùng hết từ lâu, ngay cả tiền Tưởng Phương Tù cho cũng hết, Trương Chiêu Nguyệt không thể không bắt đầu vừa học vừa làm, bưng bê rửa bát kiếm tiền chậm, các công việc như gia sư lại cạnh tranh khốc liệt, về sau cô bạn cùng ký túc xá giới thiệu cho cô một công việc bán thời gian, nói là đón khách ở vũ trường nhưng thực chất là gái nhảy, hát hò nhảy nhót với đám ông chủ giàu có, mời rượu để trích phần trăm.
Mới đầu Trương Chiêu Nguyệt cũng từng giằng xé, cảm thấy nghề này nước sâu, lo đặt một chân vào thì không thể quay đầu. Sau đó lại nghĩ sen mọc từ bùn mà chẳng hôi tanh, cô chỉ cần giữ mình trong sạch, thế là không e dè mặc lên người bộ sườn xám bước vào vũ trường.
Đầu năm 2000 mọi ngành nghề trong nước đều phát triển mạnh mẽ, đó là thời đại hoàng kim ở muôn nơi. Hầu hết các ông chủ hay tới vũ trường đều làm giàu từ công thương nghiệp, trong đó không thiếu đàn ông phong độ ngời ngời lại chi tiền hào phóng.
Lê Viễn Sơn là một trong số đó.
Gã trẻ tuổi, đẹp trai, kinh doanh bất động sản lên như diều gặp gió, đám con gái trong vũ trường đều muốn ngồi với gã nhưng gã chỉ vừa ý Trương Chiêu Nguyệt, nói cô thông minh khéo léo.
Thông minh khéo léo gì không biết, Trương Chiêu Nguyệt viết trong thư: Chẳng qua anh ta cảm thấy mẹ đến từ thành phố nhỏ, thiếu kiến thức còn không cha không mẹ, dễ khống chế mà thôi.
Lê Viễn Sơn thường xuyên lui tới vũ trường, lần nào cũng gọi Trương Chiêu Nguyệt. Lúc ở bên nhau cả hai nói chuyện nhiều nhất là về con cái.
Có lẽ để tranh thủ ấn tượng tốt, khi đó Lê Viễn Sơn không bộc lộ bản chất, sau khi uống nửa chai rượu thường than vãn con trai gã số khổ, vừa ra đời đã không có mẹ, cũng không biết sau này phải làm sao.
Bộ dạng ấy cực kỳ giống một người cha hiền.
Mà Trương Chiêu Nguyệt cũng bày tỏ nỗi nhớ con trai ở quê nhà xa xôi, uống ngà ngà say thì cũng không kìm được kể cho gã quá khứ khốn đốn của gia đình.
Một ngày nọ Lê Viễn Sơn nói với Trương Chiêu Nguyệt, gã đã hỏi thăm về ân oán giữa bố cô và chú bác cô, người trong giới đều biết mối bất hòa và nội tình trong đó nhưng không ai dám phanh phui.
Trương Chiêu Nguyệt hỏi gã nói vậy là có ý gì, gã nhìn cô cười: "Lẽ nào em không muốn trả thù sao?"
Sao lại không muốn chứ? Hai nhà chú bác chiếm việc kinh doanh bố cô gầy dựng, hại cô lưu lạc đến bước đường này, cô nằm mơ cũng muốn tự tay đưa họ lên đoạn đầu đài.
Có điều Trương Chiêu Nguyệt đã không còn là cô học sinh trong sáng trong tháp ngà, từ lâu cô đã biết xã hội này tuân theo quy luật trao đổi ngang giá, sẽ chẳng có ai chìa tay cứu giúp cô mà không cần đền đáp.
Quả nhiên Lê Viễn Sơn đưa ra điều kiện trao đổi: "Làm mẹ của con anh đến năm nó hai mươi tuổi."
Trương Chiêu Nguyệt cảm thấy chuyện này quá ngược đời, làm gì có ai tìm mẹ cho con ở vũ trường? Hơn nữa với điều kiện của Lê Viễn Sơn thì cưới vợ nữa không hề khó.
Vậy nên mới đầu cô không đồng ý, cho đến một ngày kia Lê Viễn Sơn cho cô xem ảnh con trai.
Lê Viễn Sơn nói với cô đến giờ đứa bé cũng chưa có tên, cứ gọi bé con bé con suốt, bác giúp việc chăm sóc không chu đáo làm ngày nào con cũng khóc, uống sữa bột thì nôn trớ, chắc chắn là nhớ mẹ rồi.
Lần đầu tiên Trương Chiêu Nguyệt đến nhà họ Lê, lần đầu tiên gặp em bé Lê Đường, đứa bé nhỏ xíu đang quơ tay quấy khóc trong lòng bác giúp việc vừa trông thấy cô thì nín khóc, mở đôi mắt ầng ậng nước nhìn cô chăm chú.
Nghe nói đứa bé chào đời vào mùa thu tháng mười, Trương Chiêu Nguyệt nghĩ ngay đến một loài hoa nhỏ xinh đẹp lộng lẫy.
Cô đề nghị: "Chi bằng đặt tên là Lê Đường đi, Đường trong thu hải đường."
Trong thư Trương Chiêu Nguyệt thừa nhận, cô đồng ý điều kiện trao đổi của Lê Viễn Sơn một phần là vì nhớ nhung cuộc sống sung túc, cô sinh ra trong gia đình giàu có, cảm giác thiếu tiền thật sự không dễ chịu. Tất nhiên cô cũng muốn trả thù chú bác, cô biết rõ với năng lực của Tưởng Phương Tù, e rằng cả đời cũng chỉ có thể trơ mắt nhìn họ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Nhưng không thể phủ nhận khi đó cô dao động có một phần nguyên nhân là vì thương hại Lê Đường, hơn hết là cảm giác trách nhiệm khó giải thích nảy sinh vì được bé con chọn trúng từ ánh mắt đầu tiên.
Cô nhận lời Lê Viễn Sơn, chấm dứt quan hệ vợ chồng với Tưởng Phương Tù, đồng thời lấy của Lê Viễn Sơn một số tiền lớn dùng làm trợ cấp nuôi dưỡng thanh toán một lần lúc ly hôn, mong rằng có thể đảm bảo chi phí học tập và sinh hoạt của Tưởng Lâu sau này.
Trước đó Tưởng Phương Tù từng cố gắng níu kéo, tuy nhiên Trương Chiêu Nguyệt đã quyết dứt áo ra đi, khi anh biết Trương Chiêu Nguyệt sắp gả cho một ông chủ lớn giàu có, có thể cho Trương Chiêu Nguyệt cuộc sống sung sướng thì tự thuyết phục bản thân buông tay, để người con gái trong lòng theo đuổi cuộc đời mà cô muốn.
Nhưng người hèn mọn, thấp cổ bé họng đến đâu chăng nữa cũng ôm chút ít hy vọng.
Sau khi nhận được giấy ly hôn, tiễn Trương Chiêu Nguyệt rời Tự Thành, Tưởng Phương Tù bế Tưởng Lâu mới hai tuổi trong lòng gượng cười nói: "Nếu nhớ bố con anh thì cứ về bất cứ lúc nào. Nhưng đừng lâu quá, anh sợ con không nhớ mặt mẹ, nhiều nhất mười năm, bố con anh vẫn ở ngôi nhà dưới chân núi chờ em... Mười năm chắc là đủ rồi chứ?"
Đọc đến đây Tưởng Lâu mới biết, "ước hẹn mười năm" mà bố nói không phải lời nói dối bịa ra để gạt trẻ con.
Có điều khi ấy Trương Chiêu Nguyệt chưa đồng ý. Cô chỉ nhìn chiếc nhẫn Tưởng Phương Tù vẫn đeo trên tay dù đã ly hôn, vừa khóc sướt mướt vừa xin lỗi.
Khi đó cô quá trẻ, quá tin vào sức mạnh vật chất, những tưởng trói buộc tình cảm dễ dàng cắt đứt và vứt bỏ. Cô nghĩ có số tiền ấy thì hai bố con bị cô bỏ rơi sẽ sống rất tốt, Tưởng Phương Tù không cần tiếp tục chạy xe đêm, không cần tiết kiệm phí trông trẻ để Tưởng Lâu thơ dại ở nhà một mình.
Tuy nhiên cô đã đánh giá thấp quyết tâm của một người đàn ông nhìn có vẻ nhu nhược vô năng nhưng yêu cô sâu sắc. Sau khi cô đi, Tưởng Phương Tù không chỉ không động đến số tiền đó mà còn cố gắng làm việc hơn, mỗi năm đều chuyển thêm tiền vào thẻ, nghĩ đến khi cô quay về, một nhà ba người có thể sống những ngày tháng tốt đẹp không lo cơm áo gạo tiền, Trương Chiêu Nguyệt có thể trở lại làm thiên kim nhà giàu được nâng niu chiều chuộng.
Mà ở thủ đô, kết hôn xong Lê Viễn Sơn dần bộc lộ bản chất. Gã kiêu căng tự phụ, ngang ngược đa nghi, luôn lo ngay ngáy lúc gã không có nhà Lê Đường bị ngược đãi nên lắp camera khắp nhà, giám sát nhất cử nhất động của Trương Chiêu Nguyệt và người giúp việc, lại còn không chấp nhận con trẻ ầm ĩ theo bản năng, Lê Đường vừa khóc là gã cáu kỉnh muốn vớ đồ đánh, còn nhốt Lê Đường xong nói hoa mỹ là cho con "học cách ngoan ngoãn".
Trương Chiêu Nguyệt từng khuyên gã đừng đối xử như vậy với trẻ con mà gã không nghe, Trương Chiêu Nguyệt đành che chở lúc Lê Đường bị đánh, đưa cơm cho Lê Đường khi cậu bị nhốt trong phòng tối, đêm đến thì lẻn vào ở với cậu và kể chuyện cho cậu nghe.
Về sau thậm chí Lê Viễn Sơn còn nghi ngờ Trương Chiêu Nguyệt có quan hệ tình cảm với bạn nam cùng trường, cộng thêm Lê Đường tuổi nhỏ sức khỏe yếu cần chăm sóc, Trương Chiêu Nguyệt bị ép dừng việc học giữa chừng.
Đến tận khi mọi chuyện ngã ngũ, Trương Chiêu Nguyệt mới hiểu tại sao Lê Viễn Sơn phải tốn tiền "mua" một người mẹ cho con mình chứ không phải cưới vợ khác, một là vợ mới cưới chưa chắc đã tốt với Lê Đường, dẫu sao bật tivi là có thể thấy tin tức pháp luật mẹ kế nghiêm khắc với con chồng, một tờ hợp đồng "quan hệ thuê mướn" còn bền chắc hơn.
Hai là "vợ cũ" của Lê Viễn Sơn quá mạnh mẽ, bởi vì có tất cả nên hoàn toàn không cần gì ở gã, ngay cả con cũng không thể ràng buộc cô, Lê Viễn Sơn cực kỳ ghét cảm giác bất lực ấy, chọn kiểu con gái chỉ ham tiền của gã như Trương Chiêu Nguyệt dễ kiểm soát hơn. Hơn nữa Trương Chiêu Nguyệt từng sinh con, có bản năng của người mẹ, đến khi đã vun đắp ra tình cảm thì tự nhiên sẽ sẵn lòng hy sinh cho Lê Đường.
Nhưng mặc Lê Viễn Sơn tính toán đủ đường, gã vẫn bỏ sót một điểm, đó là khi Trương Chiêu Nguyệt đứng trước sự mất cân bằng giữa được và mất, bắt đầu hối hận với lựa chọn ban đầu thì dĩ nhiên tình cảm với Lê Đường cũng xảy ra thay đổi.
Trương Chiêu Nguyệt từng oán giận khi bị bắt nghỉ học giữa chừng, cũng từng thấy phiền khi sáng sớm bế Lê Đường sốt cao không giảm vào bệnh viện... Cô không khỏi bắt đầu hoài niệm quãng thời gian đi học vô lo vô nghĩ, nhớ nhung con trai ruột cách hai nghìn kilomet.
Không biết nó sống có tốt không, có cao lên chưa? Có phải lúc ốm sốt cũng khóc gọi mẹ không?
Cán cân dao động, lần mất cân bằng nghiêm trọng nhất diễn ra vào năm Lê Đường năm tuổi.
Sau khi tái hôn, Trương Chiêu Nguyệt không quên mối thù giết cha giết mẹ, thi thoảng lại nhắc Lê Viễn Sơn giúp mình kiện ra tòa. Lê Viễn Sơn luôn mồm nói phải chờ thêm vì vẫn thiếu bằng chứng quan trọng, kéo dài một mạch hơn bốn năm.
Cuối cùng Trương Chiêu Nguyệt không chờ nổi nữa, chạy đến công ty Lê Viễn Sơn tìm người phụ trách đội pháp lý hỏi tiến triển vụ án, ai ngờ người đó đầy vẻ hoang mang, đáp rằng chưa từng nghe về vụ án này.
Vụ án đã được kết luận là sự cố ngoài ý muốn, hy vọng lật lại bản án rất mong manh.
Lê Viễn Sơn lừa cô.
Khi ấy Trương Chiêu Nguyệt sắp tức phát điên, cảm thấy mấy năm nay mình như con ngốc không hay biết gì, trong cơn kích động đã một mình trở về ngồi nhà dưới chân núi ở Tự Thành.
Sự việc sau đó hoàn toàn mất kiểm soát... Lê Đường tìm tới nơi, chạy theo Trương Chiêu Nguyệt ra đường cái, Tưởng Phương Tù biết vợ về nhà thì vội vàng lái xe về, tránh Lê Đường băng qua đường cái mà phanh gấp dẫn đến chết tại chỗ.
Mà Tưởng Lâu, mới nãy còn chìm trong niềm vui mẹ về lại bất ngờ chứng kiến cái chết thảm của bố.
Hôm ấy là ngày thứ hai sau sinh nhật bảy tuổi của hắn, cũng là cơn ác mộng trong suốt nhiều năm tháng sau này, là nguồn gốc nỗi hận thù trong hắn, là vực sâu không đáy hắn chẳng cách nào thoát ra được.
Trương Chiêu Nguyệt nói trong thư: Mẹ từng trách ông trời cố tình trêu ngươi, coi số phận người trần là trò đùa. Mẹ cũng từng trách Lê Đường, dù khi ấy thằng bé mới năm tuổi, cái tuổi không hiểu gì, nó chỉ muốn tìm mẹ mà thôi.
Sau này mới biết người mẹ nên hận nhất là chính mình, hận mình lập trường không vững, chuyện đã quyết định xong lại hối hận, nhẫn tâm nhưng không nhẫn tâm đến cùng, để rồi thành ra cục diện đau thương thế này.
Nhưng trách đi trách lại, hận mình đến chết đi được cũng có thể làm sao?
Trên đời luôn có vô vàn ngõ cụt chờ người ta đâm đầu vào, quá nhiều việc phải đến nông nỗi không thể cứu vãn mới hiểu.
Khi hiểu ra cũng tức là đã đánh mất hoàn toàn.
Trương Chiêu Nguyệt còn ràng buộc hợp đồng nên không thể không trở lại nhà họ Lê, làm vợ của Lê Viễn Sơn, mẹ của Lê Đường. Cô không thể không đẩy Tưởng Lâu ra một lần nữa, bảo hắn quay về, cứ coi như chưa từng có người mẹ là mình.
Hơn mười năm trôi qua, tình cảm Trương Chiêu Nguyệt dành cho Lê Đường nhiều lần thay đổi, mối quan hệ phức tạp xen lẫn quá nhiều nội dung, họ cũng không thù oán nhau tới nỗi trở thành kẻ thù, cũng không thể nào làm mẹ con bình thường.
Sau sự việc phát thanh, cô mất rất nhiều thời gian để suy nghĩ, ép mình bình tĩnh không tiếp tục xúc động đưa ra bất cứ quyết định nào, kết luận cuối cùng là muốn chăm sóc cậu.
Không phải không biết khúc mắc chồng chất nhiều năm không thể dễ dàng tiêu tan, vì vậy cô không mong được tha thứ, chỉ muốn bù đắp cho cậu trong khả năng của mình.
Bây giờ đã trải qua quá nhiều chuyện, đối với hành vi trả thù của Tưởng Lâu, Trương Chiêu Nguyệt không đưa ra bất cứ đánh giá nào dựa trên góc độ người lớn, càng không chỉ trích xằng bậy.
Cô hiểu mình là kẻ đầu sỏ nên hoàn toàn không có tư cách.
Nhưng với tư cách là người từng trải cũng từng lún sâu vào vũng lầy thù hận, cô nêu lên quan điểm của mình: Điều đáng buồn của việc trả thù là nó không cách nào thay đổi quá khứ nhưng có thể hủy hoại tương lai, một người càng đeo đẳng suy nghĩ trả thù thì càng làm bản thân tổn thương sâu sắc. Tất nhiên nếu con lựa chọn tiếp tục trả thù mẹ, mẹ sẽ ở đây chờ con, lần này mẹ sẽ không trốn tránh.
Nếu con chọn buông bỏ thù hận, để vết thương này lành, mẹ cũng mong ngày sau con có thể làm việc con thật sự muốn làm, hy vọng con thật sự được vui vẻ.
Mẹ đã không kịp nữa rồi, nhưng cuộc đời của các con vừa mới bắt đầu.
Tưởng Lâu biết "các con" ở đây là hắn và ai, cũng biết dù tự cảm thấy bản thân không đủ tư cách, ý Trương Chiêu Nguyệt muốn thể hiện là ngầm đồng ý.
Ngầm đồng ý hắn từ bỏ, cũng ngầm đồng ý hắn níu kéo người đã đánh mất.
Mà hiện tại người này đang nằm bên cạnh hắn, duỗi tay là có thể chạm đến, nhưng hắn không dám tùy tiện đưa tay ra, sợ cậu mỏng manh như thủy tinh chạm vào là lại biến mất.
Hắn trần thuật những điều có thể kể được Trương Chiêu Nguyệt viết trong thư, Lê Đường mím môi nghiêm túc lắng nghe toàn bộ, câu nói đầu tiên không phải "hóa ra anh biết chuyện em và anh không phải anh em ruột như thế", cũng không phải "hóa ra bà ấy vẫn yêu em hơn em tưởng", càng không phải "bây giờ anh còn muốn trả thù không", mà là...
"Không phải em không muốn gặp anh."
Cậu trả lời cho câu "dù không muốn gặp anh" Tưởng Lâu đã nói lúc mới đầu.
Và còn: "Trong thư có nhắc đến chuyện anh bị bạn học trường cấp ba huyện... cô lập không?"
Tưởng Lâu bần thần, trong phút chốc không biết nên trả lời câu nào trước.
Hắn nhận được thư khi vừa từ bệnh viện về trường sau khi bị quây đánh. Trong thư Trương Chiêu Nguyệt đề cập cô mới từ Anh về, hiện tại tình trạng của Lê Đường ổn định, đã bắt đầu lên lớp học.
Cho nên việc Trương Chiêu Nguyệt không lập tức biết sự việc xảy ra ở trường cấp ba huyện cũng không lạ.
"Không." Tưởng Lâu vẫn trả lời câu hỏi thứ hai trước: "Cấp ba huyện quản lý theo hình thức nội trú khép kín, người ngoài rất khó biết tình hình trong trường."
Lãnh đạo trường cấp ba huyện cũng không muốn phụ huynh biết việc này nên tất nhiên giấu được thì giấu.
Nhưng Lê Đường không chấp nhận cái cớ này: "Thế bạn học ở Trung học Số 1 Tự Thành biết kiểu gì?"
Cậu vô thức khẽ dẩu môi: "... Vẫn là thiếu quan tâm anh thôi."
Tưởng Lâu lại ngẩn người, một phần vì sự thiên vị quá rõ ràng trong giọng điệu của Lê Đường, một phần vì cử chỉ nhỏ chỉ xuất hiện khi cậu đang bất mãn mà bảy năm qua không được thấy.
Rồi hắn chậm chạp xoay mặt sang hướng khác.
"Buồn ngủ à?" Lê Đường hỏi.
Tưởng Lâu không buồn ngủ nhưng vẫn gật đầu.
Hắn không dám quay lại, sợ bị ánh sáng hắt vào qua ô cửa sổ vạch trần vẻ mờ mịt trong mắt mình.
Nói về ngốc thì ai có thể ngốc hơn người bên cạnh?
Sao có thể xót xa, bênh vực người từng muốn "giết" mình cơ chứ?
Hơn hết là hắn sợ mình không thể kiềm chế, không chỉ muốn lặng lẽ chạm vào cậu khi cậu ngủ mà còn muốn giống như bảy năm trước, nhân lúc cậu tỉnh táo, nhân lúc đáy mắt cậu phản chiếu hình bóng mình mà bưng mặt cậu đặt môi hôn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.