Đều Tại Vầng Trăng Gây Họa

Chương 62:




Nam Thành bước vào những ngày cuối tháng mười, cũng là cuối thu, thời tiết giá rét và mù sương, tiếng ve và ếch kêu dần biến mất, những tán cây đã bắt đầu rụng lá.
Trong lớp học, giáo viên Ngữ Văn đang trả bài thi tháng.
Vì cửa sổ đóng chặt nên tiếng gió không truyền vào được, làm cho tiếng xoạt xoạt của những tờ giấy thi trở nên rất rõ ràng giữa bầu không khí yên tĩnh trong phòng học.Thời tiết tuy đang khá lạnh, nhưng tâm trạng của các học sinh lớp 11 lại rất căng thẳng và hồi hộp, ai cũng đang mang trong mình tâm trạng “Gió hiu hắt thổi, sông Dịch lạnh, tráng sĩ một đi không trở về”.(*)
(*Hai câu trong bài “Dịch thủy ca”, hai câu này Kinh Kha hát khi từ biệt Cao Tiệm Ly lên đường hành thích vua Tần là Doanh Chính. Cuộc chia tay diễn ra bên bờ sông Dịch.)
Giáo viên Văn đã hơn 60 tuổi, đi qua hơn nửa đời người, nhưng nhìn vẫn rất có khí chất, đã dạy Văn được hơn 30 năm, khi khuyên bảo hay dạy dỗ các học sinh, ông không bao giờ nói năng thô lỗ, nhưng vẫn có thể khiến cho các học sinh hiểu ra và ý thức được việc mình làm.
Lớp 11 phân khoa làm cho công việc của các giáo viên cũng nhiều thêm, thầy Vũ dạy Văn này vừa mới xong việc ở khoa mình đã phải vội vàng chạy đến ban tự nhiên khối 11 để lên lớp.
Ông là một người khá nghiêm khắc trong chuyện dạy học, hơn nửa đời người của ông đã giành cho nghề giáo, thật sự ông không thể chấp nhận bất cứ một chi tiết sai sót nào dù chỉ là một hạt cát, mà lần này thành tích thi tháng lần đầu tiên của lớp 11 khiến cho ông rất không hài lòng.
Trong chuyện này, người khiến cho ông nổi giận chính là Chu Tự Hằng.
Bài thi được trả theo thứ tự xếp hạng, đứng thứ nhất không nghi ngờ gì chính là Mạnh Bồng Bồng, còn đứng cuối, cũng không nghi ngờ gì, chính là Chu Tự Hằng.
Thầy Ngữ Văn trầm giọng nói: “Chu Tự Hằng, 77 điểm.”
Chu Tự Hằng đứng dậy đi đến trước bục giảng, yên lặng chờ thầy khiển trách.
“Em có biết điểm trung bình môn Văn của lớp là bao nhiêu không?” Thầy Vũ nhíu mày nói.
“Em biết.” Chu Tự Hằng gật đầu đáp, “107 điểm.”
Bài thi không khó lắm, chỉ tập trung vào những kiến thức cơ bản, ngay cả Bạch Dương cũng được đến 110 điểm.
“Thế mà điểm của em lại thấp hơn hẳn 30 điểm!” Thầy Vũ đập tay vào bài thi của Chu Tự Hằng, chỉ vào số điểm màu đỏ rực bên trên, “một mình em đã làm tụt đi bao nhiêu điểm trung bình của lớp có biết không hả?”
Điểm điểm điểm, chính là vận mệnh của các học sinh.
30 điểm này cũng đủ làm cho Chu Tự Hằng chết đi sống lại 30 lần rồi.
Thầy Vũ thấp hơn Chu Tự Hằng rất nhiều, nhưng khí thế lại áp đảo.
Chu Tự Hằng cúi thấp đầu, không nói gì.
“Em đọc lại đề bài cho tôi, anh chị hãy phân tích và trình bày cảm nhận của mình về hai câu đã được truyền lại cho đời sau trong bài ‘Đằng Vương Các tự’ của Vương Bột: Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc.”(*) Ông đọc lại đề bài một lần, “Vậy mà em viết cái gì đây? Đề bài yêu cầu phân tích và cảm thụ, còn em thì sao? Em chỉ viết cho tôi đúng một câu.”
(*Bản dịch của Đinh Vũ Ngọc: Ráng chiều cò lẻ cùng bay, nước thu xanh biếc chung màu trời xanh.)
“Ánh nắng chiều thật là đẹp! Vương Bột đã miêu tả rất xuất sắc.”
Lúc này bỗng có một học sinh không nhịn được mà bật cười, tiếp đó một vài học sinh khác cũng quay sang nhìn, cuối cùng cả lớp đều đồng loạt cười ầm lên.
Minh Nguyệt thì không có tâm trạng mà cười, cô bé mím môi nhìn Chu Tự Hằng đang đứng trước bục giảng.
Nếu là lúc trước thì Chu Tự Hằng nhất định sẽ cãi lại, thái độ thờ ơ không thèm quan tâm làm cho các thầy cô bó tay, nhưng bây giờ cậu lại không nói một lời, thậm chí nét mặt còn không hề tỏ ra mất kiên nhẫn.
Chỉ yên lặng cúi thấp đầu, nghe thầy dạy bảo.
Thấy thái độ của cậu rất đúng mực, lại thành thật lắng nghe, cho nên thầy Vũ cũng không làm khó cậu, chỉ nhìn đi nhìn lại bài thi của cậu vài lần rồi nói: “Quay về nhớ đọc kĩ lại sách, cố gắng ghi nhớ bài.”
Chu Tự Hằng gật đầu, nhận lấy bài thi, nghiêm túc đáp: “Em biết rồi, cảm ơn thầy.”
Trả xong bài thi, thầy Vũ lại cầm phấn viết lên tấm bảng đen, ông có nhiều kinh nghiệm nên luôn đưa ra được rất nhiều những dẫn chứng phong phú, khiến cho các học sinh có tinh thần chăm chú lắng nghe.
Mà Chu Tự Hằng lúc này còn tập trung nghe giảng hơn cả những học sinh khác nữa, thậm chí cậu còn ghi chép cẩn thận lại vào vở ghi.Dạo này cậu thay đổi quá nhiều, làm cho Bạch Dương phải mở to con mắt vì kinh ngạc, cảm thấy đại ca của mình hình như đã bị ai đó nhập vào rồi.
“Đại ca, dạo này anh uống nhầm thuốc à?” Bạch Dương thầm thì, “Hay là…” Đầu óc có vấn đề?
Cái suy nghĩ thứ hai kia, Bạch Dương không dám nói ra.
Chu Tự Hằng chăm chú ghi chép, kiên nhẫn ghi lại những lỗi sai trong bài thi, ngay cả những lời giảng của thầy cậu cũng chép không thiếu một chữ, chữ của cậu rất đẹp, gọn gàng ngay ngắn giữa ô vuông.
Chu Tự Hằng không có tâm tư đâu mà quan tâm đến Bạch Dương, cậu cầm một quyển sách trên bàn Bạch Dương lên rồi đập vào đầu cậu ta.
Được! Lại đập đầu mình!
Đích thị là đại ca rồi!
Nhưng mà…đại ca tu tâm đổi tính, quyết tâm học giỏi rồi sao?
Vấn đề này Bạch Dương đã nghĩ nát óc mà vẫn không thể hiểu nổi, cậu gục mặt xuống bàn, cái cằm bị đè ép nổi lên mấy ngấn mỡ, trông như con chó Nhật vậy.
Ngay lập tức, một viên phấn bay tới đập trúng đầu Bạch Dương.
Bạch Dương như lâm vào trận địch, sợ hãi co rúm người lại, ngoan ngoãn cầm bút nghe giảng.
Chu Tự Hằng không cười cậu ta, vẫn nghiêm túc ngồi ngay ngắn, hai mắt sáng ngời chăm chú nhìn lên bảng.
Dạo này cậu có thể giữ vững được thái độ học hành chăm chỉ suốt cả một ngày, và tình trạng đó đã tiếp diễn được gần một tháng nay rồi.
Sau hơn hai mươi ngày thay đổi, khối 11 vốn đang êm đềm bỗng dưng dậy sóng, từ học sinh đến các thầy cô, không ai là không bàn luận về việc Chu Tự Hằng tự nhiên thay đổi tính nết, và kết quả cho việc chăm chỉ học tập lần này đã được ghi nhận ở thứ tự xếp hạng trong lần thi tháng.
Chu Tự Hằng, đứng thứ 651 của khối.
Đối với lớp chuyên tự nhiên thì đây là thành tích quá bình thường, nhưng đây là Chu Tự Hằng, người đãtừng xếp thứ hai từ dưới lên.
Dường như cậu đã biến thành một con người hoàn toàn khác.
Nhưng cũng không hẳn vậy, vì ngày ngày cậu vẫn như thường lệ đèo Minh Nguyệt đi học, công khai nắm tay cô bé đi trong sân trường, giờ tự học buổi tối vẫn cầm theo một cốc trà sữa đu đủ nóng vào lớp, danh tiếng và sự oai phong vẫn được duy trì, không một ai dám đắc tội.
Minh Nguyệt ngồi làm lại bài đại số bị sai, nghĩ mãi mà vẫn không hiểu, Chu Tự Hằng đưa cho cô bé tờ giấy nháp của mình, trong đó đã ghi lại đầy đủ các bước tính toán theo công thức, mà cách làm của cậu vừa ngắn gọn lại vừa chi tiết hơn nhiều.
Giờ tự học buổi tối Minh Nguyệt và Bạch Dương sẽ đổi chỗ ngồi, trong lớp các học sinh đang cắm đầu vào học, xung quanh chỉ vang lên tiếng bút viết và tiếng lật trang sách.
Cực kì yên tĩnh.
Cũng bởi vì quá yên tĩnh nên lúc giảng bài cho Minh Nguyệt, Chu Tự Hằng phải nói cực nhỏ, khó khăn lắm Minh Nguyệt mới nghe được.
cô bé mơ mơ màng màng nghe cậu giảng, Chu Tự Hằng là một thầy giáo tốt, cực kì kiên nhẫn với Minh Nguyệt.
“anh thật là giỏi.” Minh Nguyệt khen cậu.
Trong ánh mắt của cô bé như cất giấu một ngôi sao sáng, Chu Tự Hằng xoa đầu cô bé, dịu dàng đáp: “Bài này anh cũng làm sai, phải nghe thầy giảng lại mới hiểu.” Cậu rất thật thà thừa nhận sai lầm của mình.
Minh Nguyệt mở to mắt nhìn Chu Tự Hằng.
Gương mặt của cậu cực kì đẹp, chỗ nào cũng như được tỉ mỉ tô vẽ mà thành, lười biếng liếc mắt một cái thôi trông cũng vô cùng phong lưu tuấn tú, đẹp đến ngây người.
Cậu thật sự đã thay đổi, thay đổi đến long trời lở đất.
Cậu đã chịu ghi chép bài, môn học nào cũng chăm chú ngồi nghe giảng, quyển sách nào cũng mở ra đọc rất kĩ, những quyển sách đã không còn bị cậu dùng làm vật trang trí trên bàn học hay để ném Bạch Dương nữa rồi.
Ngay cả giờ tự học buổi tối cậu cũng không bỏ, dường như cậu không còn cảm thấy buồn ngủ nữa, không còn thấy cậu ngủ trong lớp giết thời gian như trước, mà từng giây từng phút đối với cậu bây giờ đều vô cùng quý giá và ý nghĩa.
Cậu còn nộp cả vở bài tập nữa, lúc thầy chính trị lần đầu tiên xem vở bài tập của cậu, ông đã rất ngạc nhiên khi thấy chữ của Chu Tự Hằng rất đẹp và ngay ngắn.
Thậm chí cậu còn chủ động hỏi thầy Vật Lý những vấn đề mà mình không hiểu, chủ động đi hẳn lên bàn giáo viên để nghe cho rõ hơn.
Chu Tự Hằng, một người đã từng rất ngông cuồng, lúc nào cũng quái đản, thờ ơ lạnh nhạt với mọi thứ, lúc lại cợt nhả huýt sáo, như thể tất cả những ngọn núi cao đều bị cậu giẫm nát dưới chân vậy, vô cùng kiêu ngạo.
Mà giờ đây, cậu đã biết cúi đầu thừa nhận khuyết điểm, nói với Minh Nguyệt “Bài này anh cũng làm sai.”
Cảm giác như có một cơn mưa xuân tưới mát vào thế giới của Chu Tự Hằng, làm cho hoa nở chim bay, vạn vật hồi sinh, mọi điều đều trở nên tốt đẹp hơn.
Minh Nguyệt phải mất một lúc lâu mới hoàn hồn.
Chu Tự Hằng tiếp tục xem lại bài thi Ngữ Văn, trước mặt còn mở sẵn quyển sách Văn rồi.
[Ánh nắng chiều thật là đẹp, Vương Bột đã miêu tả rất xuất sắc.] Câu cảm nhận của cậu trở thành trò cười cho cả lớp, nhưng cậu không hề thấy giận, rất nghiêm túc mở sách ngồi tham khảo đáp án chuẩn.
Thầy Vũ dạy Văn không hề biết rằng, số điểm 77 lần này có ý nghĩa như thế nào đối với Chu Tự Hằng.
Ở lần thi tháng trước, điểm Văn của cậu còn chưa được nổi 60 điểm, bài duy nhất mà cậu làm được là ở phần đề tự chọn, còn lần này, Chu Tự Hằng đã làm hết sức có thể, viết một bài văn đủ 800 chữ khônghơn không kém.
“anh đang học thuộc lòng à?” Minh Nguyệt chọc nhẹ vào tay cậu.
Chu Tự Hằng cười gật đầu: “anh đang học bài ‘Đoản ca hành’.” (*) Cậu không giỏi môn Văn lắm, khôngthể phân tích cảm thụ được, nhưng nếu học thuộc lòng thì sẽ lấy được điểm phần chép chính tả, cho nên cậu phải thật cố gắng.
(*Đoản ca hành là tên một khúc nhạc phủ, thuộc Tương hoạ ca. Tào Tháo có hai bài, đây là bài thứ hai, thể hiện tráng chí và ý nguyện cầu hiền tài. – Từ thivien.net)
“anh thấy bài này rất hay.” Chu Tự Hằng bắt được ngón tay cô bé, lại được đà nắm tay cô bé khôngbuông.
“Vậy có thể nói là Tào Tháo cũng rất xuất sắc.” Minh Nguyệt nghiêm túc nói với cậu, nhưng ngay sau đó lại làm mặt quỷ.
“Cũng có vẻ đúng.” Chu Tự Hằng suy nghĩ một chút rồi cũng thành thật trả lời.
Bộ dạng nghiêm túc của cậu nhìn rất đáng yêu, Minh Nguyệt nhìn mà ngây người, cúi đầu nói tiếp: “Trong bài này anh thích nhất là câu nào? Có phải câu ‘Đối tửu đương ca, nhân sinh kỷ hà, thí như triêu lộ, khứ nhật khổ đa’ không?” (*)
(*Bản dịch nghĩa từ thivien.net: Trước chén rượu nên hát ca, bởi vì đời người có được bao lâu, tựa như sương sớm, những ngày đã qua sầu khổ biết bao nhiêu.)
một người kiêu ngạo như Chu Tự Hằng, chắc là sẽ thích câu này.
Nhưng cậu lại không gật đầu mà chỉ im lặng, chốc lát sau lại nghiêng đầu, gằn từng chữ nói: “anh thích câu ‘Minh minh như nguyệt, hà thì khả xuyết’.”
Vầng trăng sáng kia, đến lúc nào mới hái được đây?
Gương mặt Minh Nguyệt bừng lên sắc hoa đào, cô bé trả lời cậu: “Lúc nào cũng được.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.