Dì Ghẻ

Chương 40: Suy nghĩ thấu đáo..




Nam chăm chú nghe, chú Đại hỏi:
- - Chú biết cháu tuy giận nhưng trong lòng vẫn còn rất thương bố. Bằng chứng là khi biết chú là người làm bố cháu thành ra như thế cháu cũng đã rất tức giận phải không nào. Chú cũng biết cháu rất căm ghét bà Hường. Nhưng có điều này chú muốn cháu giúp, hiện tại tuy bố cháu đã không còn nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn chưa thể tỉnh lại. Điều đáng lo nhất bây giờ là với tính khí của bố cháu khi ông ấy tỉnh lại sẽ không thể chấp nhận việc mình đã mất đi một cánh tay…
Nam cứng đơ người khi nghe chú Đại nói vậy, nó nói với giọng run run:
- - Chú...chú bảo..sao cơ...Bố cháu bị...mất một cánh tay…? Sao chiều nay chú nói bố cháu...không sao mà..?
Chú Đại nhìn Nam khẽ lắc đầu buồn bã:
- - Ban đầu thì đúng là như thế, nhưng hôm qua lúc bố cháu tỉnh dậy có lẽ bị sốc tâm lý dẫn đến co giật, vết thương mới phẫu thuật lại bị rách ra. Và lần rách sau này các bác sỹ đã không thể nối lại được nữa do tổn thương quá nghiêm trọng. Tuy không phải cắt bỏ cánh tay nhưng cánh tay đó sau này cũng khó có thể cử động. Mọi chuyện tùy thuộc vào ý trời, chính vì vậy nếu tới đây bố cháu mà tỉnh lại vẫn tiếp tục làm như thế thì không chỉ cánh tay đâu mà cả tính mạng cũng khó giữ. Hai lần phẫu thuật trong vòng ba ngày với người khỏe mạnh cũng đã là kỳ tích rồi…
Nam mắt hơi đỏ, nhưng nó cố không khóc. Nó nhìn chú Đại hỏi:
- - Vậy cháu có thể làm được gì..?
Bà ngoại lúc này mới cất lời:
- - Chú Đại muốn cháu vào bệnh viện trông bố, tuy bố cháu trước giờ có lỗi nhưng nó cũng không phải dạng vô tình, vô nghĩa. Chỉ có điều thằng bố mày tin người quá mức thành ra để con mụ kia nó dắt mũi. Chứ nge chú Đại kể sau lần đánh cháu bố cháu cũng hối hận lắm, nhưng với cái tính sĩ hão nên không dám nói với ai. Cái này thì từ ngày ở với mẹ cháu đã như thế rồi. Bà cũng nghĩ cháu nên vào đó trông bố, nếu như nó có tỉnh lại mà thấy con ở đó chắc nó sẽ không làm gì dại dột đâu.
Chú Đại tiếp lời bà:
- - Chú cũng suy nghĩ mãi rồi, quả thật bây giờ chẳng có ai có thể giúp bố cháu vượt qua lần này ngoài hai anh em cháu. Đúng như bà ngoại nói, bố cháu là người như thế. Chú vốn đã biết cả hai bố con đều rất yêu quý nhau nhưng do hiểu lầm mà xảy ra cớ sự này, xã hội có câu cha mẹ có thể chết vì con cái. Còn lần này chú muốn cháu giúp bố cũng như là giúp bản thân chú một lần. Cháu có đồng ý không…?
Cả bà ngoại lẫn chú Đại đều nói những lời như thế, bản thân Nam cũng rất thương bố. Dù sao đi nữa hiện tại thì bố nó là ruột thịt duy nhất của hai anh em. Tuy năm nay mới 16-17 tuổi nhưng Nam có suy nghĩ khá chín chắn bởi cuộc đời của nó từ nhỏ cũng đã phải lăn lộn khó khăn hơn đám bạn cùng trang lứa về mặt tình cảm gia đình. Từ lâu nó đã biết tất cả mọi chuyện đều do một tay mụ Hường sắp đặt, nó chỉ giận bố nó một điều tại sao không nhận ra điều này. Nhưng khi nhìn bố nó nằm đó bất tỉnh nỗi giận đó dường như đã bay biến đi đâu hết. Nó nhìn chú Đại đáp:
- - Nhưng bà Hường không thích cháu vào đó, trưa nay bà cháu cháu còn không được vào thăm.
Chú Đại quả quyết:
- - Việc đó cháu không cần phải quan tâm, có chú ở đấy, hơn nữa còn ông bà trên kia cũng ở đó trông bố cháu. Bà ấy không dám giở giọng gì đâu. Mà có khi nếu bố cháu mà không tỉnh lại thì mụ đó cũng bỏ của chạy lấy người thôi. Chỉ cần cháu đồng ý thì mọi việc cứ để chú lo...Còn việc học chú sẽ chở cháu đến trường, trực tiếp xin phép cô giáo cho cháu nghỉ một thời gian. Biết là làm thế này là khó cho cháu, nhưng học hành tuy quan trọng nhưng có thể học cả đời còn đôi khi có những thứ mất đi cả đời có cố gắng cũng không lấy lại được.
Nam nhìn bé Hạnh, nó vẫn chưa yên tâm. Chú Đại biêt ý nói tiếp:
- - Cháu yên tâm, chú sẽ đưa đón bé Hạnh đi học, chú cũng sẽ ở lại đây đến khi nào bố cháu khỏe lại chú mới đi.
Mọi thứ đã được chú Đại tính toán đâu vào đấy, Nam vốn cũng muốn vào thăm bố nên không ngần ngại nó nhìn bà ngoại với chú Đại trả lời:
- - Dạ vâng, vậy cháu sẽ vào bệnh viện trông bố.
Cả bà lẫn chú Đại đều gật đầu. Bà ngoại khẽ cười rồi nói:
- - Cháu bà ngoan lắm, đúng không uổng công ông bà nuôi nấng bao năm nay. Biết nghĩ như thế là tốt, thằng này lớn thật rồi.
Chú Đại cũng cười lớn, dường như ngày hôm nay quyết định sáng suốt nhất của chú Đại là đi ra nhà bà ngoại lúc sáng. Ở ngôi nhà cũ kỹ này không ngờ lại chứa đựng những điều kỳ lạ, những sự cảm thông ấm áp mà bất cứ ai đến đây cũng cảm nhận được. Từ đó chú Đại đã đưa ra những quyết định hoàn toàn đúng đắn. Nam hỏi:
- - Vậy giờ cháu có phải đi luôn không ạ…?
Chú Đại gật đầu:
- - Ừ có, cháu lấy mấy bộ quần áo rồi chú chở đi luôn. Chịu khó một chút vậy nhé….Cảm ơn cháu.
Bà ngoại đứng dậy lấy cho Nam cái balo rồi xếp cho Nam mấy bộ quần áo vào đó. Xong xuôi hai chú cháu chào bà đi ra cổng. Khổ thân con bé Hạnh đang ngồi học bỗng dưng thấy anh cầm balo đi thì nó chạy theo òa khóc:
- - Hu hu hu anh đi đâu đấy...cho em...theo với..
Nam phải nói đi học tối nó mới không theo nữa, nhưng cứ đứng trong nhà thút thít nhìn anh với chú Đại bước ra cổng. Bà ngoại cứ phải dỗ rồi nịnh là anh Nam đi về mua bánh kẹo cho thì nó mới nín. Chú Đại chở Nam vào bệnh viện, lên đến nơi trong phòng chỉ có bố mẹ chú Đại vẫn đang ngồi đó, cả hai cũng khá mệt mỏi vì cả ngày hôm nay đi lại nhiều. Vào phòng Nam lễ phép chào:
- - Cháu chào ông bà…
Bố mẹ chú Đại quay lại khá bất ngờ:
- - Ơ Nam à, cháu đến thăm bố hả...Đúng rồi phải thế chứ…
Chú Đại đỡ balo cho Nam rồi nói với bố mẹ:
- - Con đón cháu nó vào đây trông anh Tuấn luôn, như thế nào thì bố mẹ cũng biết rồi đấy. Giờ chỉ có các con anh ấy mới giúp anh ấy bình tĩnh được thôi. Sáng thì ông bà trông còn tối đêm thì để con trông. Lát bố lấy xe con chạy về nhà anh Tuấn mà ngủ, ở đây có hai chú cháu con rồi. Sáng mai ông bà hãy vào…
Bố mẹ chú Đại nghe thế thấy hợp lý cũng đồng ý luôn. Bố chú Đại nhìn Nam cười:
- - Công nhận càng nhìn càng giống bố, đàn ông là phải biết bỏ qua những chuyện không vui cháu ạ. Khi nào bố tỉnh dậy ông sẽ bắt bố mày chở cả nhà đi chơi một chuyến.
Nam cười cười cũng không biết nói gì, mẹ chú Đại đứng lên bảo chú Đại:
- - Nhớ trông thằng Tuấn cẩn thận nhé, có gì phải gọi bác sỹ ngay đấy. Ban nãy bác sỹ cũng có qua thăm nói gia đình yên tâm vì hiện tại cũng không có gì đáng ngại nhưng mẹ chỉ sợ nó tỉnh dậy lại như lúc chiều thì chết.
Chú Đại nhìn mẹ nói:
- - Thế nên con mới đón cháu Nam vào đây. Thôi bố mẹ về đi..
Nam chào hai ông bà, bố mẹ chú Đại cũng chào Nam:
- - Vậy ông bà về nhé, mai ăn gì để bà vào bà mua cho nào…
Chú Đại ngắt lời mẹ:
- - Thôi con ở đây mai ông bà cứ vào là hai chú cháu con còn ra trường cháu Nam xin phép cho nó nghỉ học ít ngày.
Mẹ chú Đại lo lắng:
- - Thế nghỉ học thế nhà trường nó có cho lên lớp không..? Lại sao thì khổ cháu nó…
Chú Đại gắt vì mẹ nói nhiều quá:
- - Khổ thật, bố cháu nó còn nằm đây thì học hành nỗi gì. Mà cần gì mẹ phải lo lắng thế, ngày trước con cũng có học hành gì đâu. Học lắm đến lúc ra xã hội lại ngáo ngơ chẳng biết gì. Sau không lên được lớp ở nhà đi theo con còn hơn khối bọn học đại học giờ mang bằng về lót chuột chứ ham hố gì.
Mẹ chú Đại chửi:
- - Tiên sư mày chỉ giỏi nói….Mày làm sao thì làm đừng để cháu nó bị ảnh hưởng gì..
Bố chú Đại cũng hơi bực mình:
- - Bà lắm mồm thật, người ốm nằm kia còn không lo, lo học….Thôi đi về, đứng đây tí nữa mẹ con lại ầm ầm người ta đuổi thì nhục..
Thế là hai ông bà đưa nhau đi về, Nam cũng thấy nhà chú Đại ai cũng quan tâm cho bố Nam. Mẹ chú Đại cũng nói nhiều gần bằng bà ngoại, ngày trước bà ngoại cũng nói lắm về chuyện học hành lắm. Cứ thấy đi học về sớm là lại hỏi cho bằng được vì sợ cháu trốn học. Hôm nay nghe chú Đại nói thế nó cũng thấy vui vui, Nam tuy học không phải dạng dốt nhưng do từ bé đã phải làm những việc chân tay, thậm chí là cũng kiếm được tiền, thêm nữa hoàn cảnh gia đình cũng khá khó khăn nên nó cũng ít chú tâm vào học. Chả có lần nó muốn nghỉ học đi theo bạn làm hàn xì nhưng bị ông bà chửi cho một trận nhớ đời nên không dám nữa. Nhưng nó tâm niệm có học thì cũng chỉ cố hết lớp 12, lấy cái bằng cấp ba rồi đi làm.
Chứ tiền đâu mà mơ mộng học đại học với cao đẳng, nhìn bên ngoại có bà chị con bác học đại học 4-5 năm mà mỗi khi sang nhà bà ngoại là bà bác kêu như thét rạ:
- - Úi giời ôi, đại học không biết sau này ra có xin được việc không mà mỗi tháng gửi cho nó 2tr còn không đủ.
Bà ngoại thì ủng hộ việc học nên động viên:
- - Con cái học hành ấm thân mày kêu cái gì, con nhà người ta mơ học đại học không được. Nam sau này cố thi vào trường giống chị ấy cho nở mày nở mặt.
Nam khi đó nghe bà ngoại nói thì giật mình ;
- - Cháu không học đại học đâu, mà cháu học dốt thi sao được.
Nghĩ lại chuyện như thế Nam quay sang hỏi chú Đại:
- - Mà chú làm nghề gì vậy, có phải chú làm xã hội đen không..? Bác Dung cháu bảo thế….
Chú Đại giật mình quay lại nhìn Nam cười:
- - Ha Ha sao bác Dung lại bảo thế..
Nam khẽ trả lời:
- - Tại bác ấy nói trẻ như chú mà đã có oto xịn đi, xong lại lắm tiền, xăm trổ...Chỉ có làm xã hội đen mới được như thế.
Chú Đại nghe thế cười lớn hơn nhưng vội che miệng lại vì đang trong bệnh viện, chú Đại nói:
- - Không phải bộ dạng ai như chú cũng là xã hội đen đâu. Chú cũng buôn bán chân chính như người khác thôi. Nhưng những đồ chú buôn nó thuộc dạng hiếm và chỉ có người giàu mua được. Thêm nữa chú với bố cháu cũng có làm một vài mảng xã hội nhưng đó không phải công việc chính. Yên tâm sau này thích chú sẽ hướng dẫn, việc để đủ ăn thì không thiếu, cái chính là đầu óc có nhanh hay không..?
Câu trả lời của chú Đại cũng khá mơ hồ, Nam nghe cũng không hiểu lắm. Nhưng có lời bảo đám của chú Đại nó phần nào yên tâm vì nó cũng rất muốn đi làm và kiếm thật nhiều tiền để lo cho em gái cùng bà ngoại sau này….Cả tối hôm đó hai chú cháu hàn huyên tâm sự cũng khá nhiều. Thi thoảng cả chú Đại lẫn Nam đều nhìn sang giường ông Tuấn nằm và mong sao ông Tuấn có thể tỉnh lại thật nhanh. Cũng đã khuya, chú Đại mở tủ đựng đồ trong phòng lấy chăn gối ra sắp xếp trên bộ sofa rồi bảo Nam:
- - Ngủ đi sáng mai ông bà vào sớm chú sẽ chở ra trường xin nghỉ học.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.