Đi Xuyên Hà Nội

Chương 22: Xướng Ca Vô Loài




Theo quan niệm của Nho giáo, xã hội phong kiến chỉ có bốn nghề, xếp theo thứ tự là “Sĩ, Nông, Công, Thương”. Sĩ tức là tầng lớp có học, nói theo kiểu ngày nay là bọn “đầu to, mắt cận” thi đỗ được bổ làm quan. Nông là làm ruộng, một nghề cơ bản trong xã hội truyền thống nên có câu “Dĩ nông vi bản”. Công là nghề thủ công, sản xuất ra đồ dùng phục vụ đời sống và Thương nghĩa là buôn bán, tầng lớp trung gian giữa nông, công, nhờ có họ mà lúa gạo, hoa quả, vải, tơ, giấy, sơn ta, đồng, thiếc... được luân chuyển từ vùng này đến vùng kia. Nông dân chiếm số đông trong xã hội phong kiến, họ làm ra lúa gạo, thứ lương thực chính nuôi sống con người, chẳng có đạo nào bằng đạo dạ dày thế nên mới có câu ca dao “Nhất Sĩ nhì Nông/Hết gạo chạy rông/Nhất Nông nhì Sĩ”. Còn bọn hát xướng không thuộc bốn nghề trên nên bị xếp vào loại vô loài (loại).
Những trò hát xướng, dân vũ xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ thứ III, thời thuộc Ngô. Sách Tam Quốc chí, Ngô thư (quyển 8) Truyện Tiết Tổng chép: “Thái thú Cửu Chân (vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh) là Đan Manh vì bố vợ là Chu Kim làm chủ tiệc rượu mời quan lại. Khi rượu đã say tấu nhạc làm vui. Công tào là Phạm Hâm đứng lên múa kéo Kim đứng dậy cùng múa”. Đời nhà Đinh người được tôn là tổ sư của hát chèo là Ưu bà Phạm thị Trân. Đến nhà Lý thì chèo, tuồng, hai loại hình diễn xướng đã phát triển và hai loại hình này có chịu tác động từ kinh kịch Trung Hoa và âm nhạc của Chiêm Thành hay không và nếu có thì ở mức nào là câu chuyện cần có nghiên cứu kỹ lưỡng. Lý Thái Tông (1066-1128) là ông vua yêu thích nghệ thuật. Thái Tông đã cho mở rộng và nâng cao múa rối nước và rối cạn, làm sân khấu Rùa vàng ở dưới sông và bờ đê sông Nhị cho dân xem. Ông cũng bày đèn Hội Quảng chiếu mùa xuân, dựng đài Chuông tiên mùa thu, dựng Vũ đình trên xe đẩy cho cung nữ nhạc ca công múa hát, tấu nhạc ở trên, trong cung đình, ngoài cửa thành trên sân chùa để vua quan và dân chúng cùng thưởng ngoạn. Đến Lý Nhân Tông, ông vua này còn am hiểu nhạc Chiêm Thành, nhạc Trung Hoa, soạn cả khúc nhạc cho đám ca công tấu nên có thể gọi ông là nhạc sĩ. Từ thời Đinh đến Lý, diễn xướng, dân vũ được thiên thời địa lợi nhân hòa nhưng gần cuối đời Trần, dù Đại Việt có chữ viết, có chủ quyền nhưng hát xướng bị coi rẻ khi triều đình lấy Nho làm quốc giáo, lấy tư tưởng Nho làm tư tưởng chính thống, coi thường các sáng tạo dân gian.
Việt sử thông giám cương mục chép: “Thời nhà Trần đời vua Dụ Tông năm thứ 12 (1369) có người anh cả là Cung Túc Vương Nguyên Dục khi xem vợ chồng người phường chèo tên là Dương Khương diễn tích Tây vương mẫu dâng quả bàn đào, Nguyên Dục mê vợ Dương Khương trẻ đẹp hát hay đã cưỡng ép làm vợ trong khi nàng đang mang thai. Sau khi nàng sinh con trai đã nhận đứa bé là con mình đặt tên là Trần Nhật Lễ”. Là vua ắt có quyền nhưng đến mức lấy vợ con hát khi đang mang thai, tước quyền làm bố của người khác thì quá đáng hết chỗ nói. Đến triều Lê, các vua đối xử với con hát còn tệ hơn, theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1462 vua Lê Thánh Tông quy định: “Nhà phường chèo con hát và những kẻ phản nghịch ngụy quan, có tiếng xấu bản thân và con cháu không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người khác làm hộ thì trị tội theo luật”. Lê Thánh Tông đưa ra 24 huấn điều, theo Việt sử thông giám cương mụcđiều 1 ghi: “Cha mẹ dạy con phải đúng khuôn phép hợp với lẽ phải: Con trai, con gái đều dạy cho có nghề nghiệp, không được buông tuồng đắm đuối vào cờ bạc, rượu chè, tập nghề hát xướng để hại đến phong tục”. Còn điều 16 ghi: “Khi hát chèo, lúc hội hè trai gái đến chơi xem không được đứng ngồi lẫn lộn để ngăn ngừa thói dâm ô”, đúng với quan niệm Nho giáo “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Tuy nhiên huấn điều chưa thể khống chế được hát xướng dân gian, ít lâu sau Lê Thánh Tông lại ban sắc lệnh, Việt sử thông giám cương mục chép: “Phàm ai là người lương thiện mới chuẩn y cho nộp thóc và trao cho quan tước, nếu là kẻ ác nghịch, trộm cướp, xui nguyên, giục bị, hào cường ngỗ ngược và phường chèo con hát thì bản thân họ và con cháu họ không được dự”. Không chỉ huấn điều, sắc lệnh mà ngay trong Lê triều hình luật cũng quy định: “Con trai nhà xướng ca không được dự thi, con gái không được lấy nhà quyền quý, quan chức lấy con gái nhà xướng ca làm vợ, làm thiếp bị phạt đánh 70 trượng và biếm ba tư, con cháu nhà quan chức lấy con gái nhà xướng ca cũng bị phạt đánh 60 trượng và nhất thiết bắt ly dị”.
Vì những quan điểm khắt khe ấy mà Đào Duy Từ (1572-1634) có cha làm nghề ca hát nên ông không được thi dưới triều vua Lê chúa Trịnh. Bất bình, ông bỏ vào Nam gây dựng sự nghiệp. Nhận ra ông là nhân tài nên chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã trọng dụng, phong tước Lộc Khê Hầu; được vua Minh Mạng truy tặng là bậc khai quốc công thần, cho thờ tại Thái Miếu. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ viết: “Từ khi bà Trương Quốc mẫu, người Như Kinh là kẻ hát xướng được tuyển vào cung hầu Tần Quang Vương sinh ra Trịnh Nhân Vương (Trịnh Cương), Biện trưởng cung, người Á Lữ sau lại đắc sủng với Nhân Vương nên các họ về giáo phường mới được kể bằng hàng với các họ lương gia. Sau này các họ nhà đại khoa hiển hoạn cũng thường có dòng họ hát xướng mà phát đạt lên nên những kẻ sĩ phu cũng giao du tự nhiên và rồi những nhà hát xướng cũng quên hẳn thế hệ nhà mình từ đâu mà ra. Xem đó thì biết thế vận phong tục mỗi ngày một khác”.
Trong Lịch sử tự nhiên, dân số và chính trị xứ Đàng Ngoài (Histoire naturelle civile et politique du Tonkin, Paris 1778), thầy tu Richard viết về diễn xướng ở kinh đô: “Những kẻ nhảy múa trên phố luôn là phụ nữ. Họ cũng hát và trong khi diễn thường xuyên bị ngắt lời bởi một anh hề, xem như kẻ pha trò của gánh hát”. Đoạn ghi chép của Richard về gánh hát chính là nghệ thuật chèo. Điều đó cho thấy cuối đời Lê, vua chúa chẳng cấm được con hát. Nhưng vì sao nhà Lê lại ghét con hát? Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Lê theo nhã nhạc, phẩm phục, tang lễ Trung Hoa nên cấm các điệu dân gian Lý Liên (Thanh Hóa gọi là Rí Ren), Lê Thánh Tông đã đuổi chèo ra khỏi cung đình vì “hay châm biếm người khác”. Sau này trong một bài viết, nhà nghiên cứu và biên khảo văn hóa dân gian Toan Ánh cho rằng trong diễn xướng có khi cha lại đóng con, con lại đóng vai cha hay vợ đóng vai mẹ, mọi thư lộn tùng phèo nên bị ghét và coi rẻ. Vua quan là tầng lớp có học, họ thừa biết đó chỉ là trò trên sân khấu. Thực chất họ sợ sức mạnh của diễn xướng, nhất là chèo vì từ khi ra đời cho đến nay, chèo luôn là vũ khí sắc bén châm chọc đám quan lại ngu dốt, chống lại những thói hư tật xấu trong xã hội thông qua các câu hát đầy ẩn dụ và đặc biệt là các vai hề.
Đến triều Nguyễn, Nho học như ngọn đèn cạn dầu trước gió, vua lập đội múa hát trong cung, bên ngoài hát xướng tự do nhưng thân phận con hát cũng chỉ là con rối mua vui cho thiên hạ. Bài thơ Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du chia sẻ với bi kịch của họ:
Người đẹp Long Thành
Họ tên không được biết
Riêng thạo đàn Nguyễn cầm
Dân trong thành gọi nàng là cô Cầm
Gảy khúc “Cung phụng” từ triều vua xưa
Một khúc đàn hay tuyệt từ trời đưa xuống thế gian.
Nhớ hồi trẻ tôi đã gặp nàng một lần
Bên hồ Giám trong một đêm yến tiệc
Tuổi cô cỡ hai mươi mốt
Áo hồng ánh lên khuôn mặt đẹp như hoa
Rượu đậm thêm nét mặt ngây thơ khả ái
Ngón tay lướt năm cung réo rắt
Tiếng khoan như gió thổi qua rừng thông
Thanh trong như đôi hạc kêu nơi xa xôi
Mạnh như sét đánh tan bia Tiến phúc
Sầu bi như Trang Tích lúc đau ốm ngâm rên tiếng Việt
Người nghe nàng say sưa không biết mệt
Trong khúc nhạc đại nội Trung Hòa.
Quan tướng nhà Tây say rượu nghiêng ngả
Lo vui chơi suốt đêm không nghỉ
Bên phải bên trái tranh nhau cho thưởng
Tiền bạc coi thường có nghĩa chi.
Vẻ hào hoa hơn bậc vương hầu
Giới trẻ nơi Ngũ Lăng không đáng kể
Dường như ba mươi sáu cung xuân
Nay Tràng An đã hun đúc được một báu vật vô giá.
Trong đầu nhớ lại đã hai mươi năm
Tây Sơn thua bại, tôi vào Nam
Long Thành gần mà cũng chẳng được thấy
Còn nói chi đến chuyện múa hát trong thành.
Nay Tuyên phủ sứ bày cuộc vui đãi tôi
Ca kỹ trẻ xinh cả một đám
Chỉ có một kẻ tóc hoa râm ngồi cuối phòng
Mặt xấu, sắc khô, người hơi nhỏ
Mày phờ phạc không điểm phấn tô son
Sao mà đoán được người này là đệ nhất danh ca một thời.
Điệu nhạc xưa làm ta thầm nhỏ lệ
Lắng tai nghe lòng càng đau xót
Tự nhiên nhớ lại hai mươi năm trước
Bên hồ Giám trong dạ tiệc ta đã thấy nàng
Thành quách đã chuyển, người cũng đổi thay
Nương dâu trở thành biển cả đã nhiều
Cơ nghiệp Tây Sơn cũng đà tiêu tán
Sót lại đây còn người múa ca.
Thấm thoắt trăm năm có là bao
Cảm thương chuyện cũ dùng áo thấm nước mắt
Ta từ Nam trở lại, đầu bạc trắng
Trách làm sao được sắc đẹp cũng suy tàn.
Hai mắt trừng lên tưởng nhớ chuyện xưa
Thương cho đối mặt mà chẳng nhìn nhận ra nhau.
(Bản dịch nghĩa của nhà nghiên cứu Hán Nôm Mai Xuân Hải)
Và Nguyễn Du cũng mượn thân phận con hát ta thán đạo đức xã hội, phong tục hao mất. Để kiếm tiền, các gánh hát buộc phải lang bạt nay đây mai đó, tối ngủ nhờ cửa chùa, cửa đình, dựng lều góc chợ. Gặp năm loạn lạc, mất mùa thì miếng ăn bấp bênh, tương lai mờ mịt. Cũng từ triều Nguyễn, “Xướng ca vô loài” được hiểu theo một nghĩa khác, nguyên nhân là các ông trùm già lấy con hát trẻ. Có ông lấy cả mẹ lẫn con, con của mẹ con của con chung một bố chả biết xưng hô thế nào nên thiên hạ thích xem hát nhưng ghét họ làm lộn tùng phèo đạo đức xã hội.
Từ khi Pháp chiếm Hà Nội, và Hà Nội là thành phố nhượng địa năm 1888, dù lối sống phương Tây, văn minh phương Tây song dân thị thành cởi mở hơn nhưng Nho phong vốn đã cắm rễ trong xã hội không dễ gột bỏ. Thập niên 30 thế kỷ XX, Hà Nội có nhiều rạp hát và hai rạp Sán Nhiên Đài và Quảng Lạcthường diễn chèo, tuồng và cải lương. Dù hát hay, diễn giỏi nhưng họ vẫn bị gọi là “thằng”, “con” chả khác con sen, thằng xe: “Tẩu mã Tư Lung, hồi hùng Ba Tý, hát lý con Liên, đóng điên con Chín, thằng Tín pha trò, thằng Giò Tào Tháo”. Hay như Tản Đà, người nổi danh trong Nam ngoài Bắc, sống văn minh mà vẫn không thể tha thứ cho mẹ và em gái là đào hát. Trong bài Người ghét Tản Đà (in trong Tản Đà về tác gia và tác phẩm), Vũ Bằng viết: “Thân sinh ra Tản Đà tên là Nguyễn Danh Kế, làm tri huyện Nam Xương, rồi thăng lên làm tri phủ Xuân Trường (Lý Nhân), át sát Ninh Bình, ngự sử trong Kinh. Lúc làm tri phủ, cụ ra vào ca viện ở phố Hàng Thao, có gặp một cô đào hát hay đàn giỏi, lại có tài thơ văn phú lục. Cô ấy là đào Nghiêm. Cụ Nguyễn Danh Kế lấy đào Nghiêm làm vợ ba, tức là cô phủ Ba. Nguyễn Khắc Hiếu là con bà ba này. Lúc Nguyễn Khắc Hiếu còn nhỏ, bà mẹ đã nổi tiếng là một nữ sĩ thơ hay, thường hay xướng họa với nữ sĩ Nhàn Khanh. Đến khi cụ Nguyễn Danh Kế tạ thế, cô phủ Ba bỏ nhà, trở lại bình khang, để Nguyễn Khắc Hiếu lại cho bà cả và bà hai nuôi, chỉ đem theo người con gái, em ruột Nguyễn Khắc Hiếu tên là cô Trang. Điều này làm Tản Đà đau đớn, phần vì cho như thế là mẹ mình có tội với danh giá, phần vì bị các anh em mỉa mai, vì em gái thi sĩ bị xếp vào loại xướng ca vô loài”. Căm giận mẹ đến mức khi bà mất, ông vẫn không chịu nhìn mặt. Phó bảng Trần Tấn Bình đã làm bài thơ mỉa mai bà Nghiêm và cô Trang:
... Có phải cô Trang em Ấm Hiếu?
Người xinh xinh yểu điệu con nhà.
Vì vương đâu lấy nợ tài hoa,
Bắt luân lạc, trời già âu cũng độc!
Cha án sát, anh thời đốc học,
Nền đỉnh chung bỗng chốc hóa truân chuyên.
Cất chén quỳnh nhớ bạn đồng niên,
Giục lòng khách bên đèn sa nước mắt.
Nhớ bạn, thấy em, như thấy mặt,
Dừng roi chầu lặng ngắt một hồi.
Đời người đến thế thì thôi,
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi.
Hoa xuân em giữ lấy thì...
Sau 1954, ca trù bị cấm, nó bị cho là sản phẩm của chế độ phong kiến dù nhiều người biết rõ thời trước đào hát khác hẳn với đào rượu, đào hát chỉ hát cho khách nghe. Tết Nhâm Dần 1962, qua gợi ý của một cán bộ, Sở Văn hóa Hà Nội đã tổ chức chương trình ca trù tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Có một khách mời đặc biệt trong đêm diễn đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ca trù được giải oan.
Chế độ mới coi ca hát là một nghề, gọi văn nghệ sĩ là chiến sĩ. Cho lập các đội múa hát quốc doanh trả lương và tiền thanh sắc. Ưu ái nhất là tân nhạc vì hiệu quả của nó trong tuyên truyền nhanh và mạnh hơn các thể loại khác, dễ nghe, dễ nhớ, trẻ con, người lớn đều hát được. Có một vụ án về “xướng ca” xảy ra tại Hà Nội cách nay nửa thế kỷ. Cuốn Lịch sử truyền thống công an quận Hoàn Kiếm 1944-2005 viết: “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, Phan Thắng Toán và một số phần tử xấu tụ tập tuyên truyền văn hóa phẩm có nội dung xấu đồi trụy... Ngày 27-3-1968, công an bắt ba tên cầm đầu Phan Thắng Toán (tức Toán xồm), Nguyễn văn Đắc (tức Đắc sọ), Nguyễn văn Lộc (tức Lộc vàng). Ngày 3-6-1968 bắt tiếp Trần văn Thành (tức Thành voi), Hà Trung Tôn (tức Vi Tân Dậu), Lê văn Trung, sau đó bắt tiếp Phạm văn Ngọ (tức Ngọ dòi), Lý Long Hòa (tức Lầy Lòng Và). Trong ba ngày 6, 7, 8-1-1971, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử...”. Phan Thắng Toán bị kết án 15 năm tù và tước quyền công dân 5 năm, Nguyễn văn Lộc tù 10 năm. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, người chụp bức ảnh Phan Thắng Toán ngồi gục đầu ở vỉa hè phố Tô Hiến Thành, cho biết có vẻ Toán xồm là con lai Tây vì tóc xoăn, mắt sâu, mũi cao. Ông Toán xồm chết năm 1994. Theo bài phỏng vấn Nguyễn văn Lộc của tác giả Từ Nữ Triệu Vương đăng trên tạp chí Mốt và Cuộc sống, thì Nguyễn văn Lộc ra tù năm 1981 sau đó cưới vợ. Ông Lộc cũng khẳng định hồi đó ông chỉ hát các bài hát của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong, Văn Cao... Cuối những năm 1990, ông Khắc Huề thuê sân khấu của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo) làm nơi chuyên hát các ca khúc tiền chiến và Nguyễn văn Lộc được ông Huề mời đến hát ca khúc của Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong..., những ca khúc ông đã từng hát trước khi bị bắt.
Bây giờ ca sĩ nổi tiếng không chỉ kiếm được nhiều tiền mà còn là “con mồi” cho các trang mạng câu view. Tuy nhiên nhiều gia đình cũng không muốn con cái theo nghề xướng ca hoặc lấy vợ lấy chồng văn nghệ sĩ vì “lăng nhăng và không chung thủy”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.