Diễn Trò

Chương 17: Nếu cậu thấy rất đau rất đau, vậy càng phải cười lên




Biên tập: Bột
Cận Tiêu tỉnh rượu rồi chỉ thấy toàn thân đau nhức, kẻ cầm đầu ngoài rượu ra thì có lẽ còn thêm người đàn ông sau lưng đang ôm lấy cô nữa. Ngày thường cậu Tư trông có vẻ chững trạc, trưởng thành nhưng những lúc ôm cô lại rất giống cậu bé con ôm gấu bông.  Những lưu luyến không muốn rời xa trong đó khiến người ta không thấy sắc tình mà lại có chút đáng yêu.
Có điều Cận Tiêu lại không rảnh bận tâm đến chút đáng yêu này, bởi cô uống trộm rượu của cậu Tư, lén đọc tập san của cậu Tư, chưa kể đến chuyện không ăn cà rốt nữa. Dù cậu Tư không giận đi chăng nữa, cô cũng thấy không thoải mái, phải làm gì đó mới được.
Sắc trời còn sớm thế này, cô cũng đã quyết tâm rồi. Cận Tiêu rón rén tách ra từ trong lòng cậu Tư, dù Nhan Trưng Bắc cũng buông ra đúng lúc nhưng lại chưa tỉnh mà vẫn đắm chìm trong mơ.
Trong mơ là anh năm mười hai tuổi đang theo người nhà lên chùa trên núi cầu phúc. Khi đó dì mới vừa được rước về, cha không rảnh để quan tâm đến anh. Anh khi đó đang trong độ tuổi dậy thì nhưng cha không thương mẹ không yêu, dù bên ngoài có vẻ lớn sớm và chín chắn nhưng trong lòng lại mang các loại cảm xúc xao động dâng trào và quấy phá không thôi.
Đó là khoảng thời gian không dễ vượt qua chút nào, về bản chất vẫn là nhóc con nhưng vì đột nhiên hiểu rất nhiều chuyện nên phải dùng tấm lòng của một cậu nhóc để đọ sức với bọn họ.
Lớn lên là một việc rất tàn khốc bởi mọi thứ sẽ đi từ con số không tới già dặn lõi đời, ngay cả kiên cường và quả quyết cũng được đánh đổi lần lượt từ những non nớt, yếu ớt, nhát gan thuở nhỏ và sự giá lạnh, tàn khốc vô tận của thế giới. Việc này cũng giống như đấm đá liên tiếp bằng tay không và rồi có luyện thành Thiết Sa Chưởng, khi nhìn lại những khổ luyện dài đằng đẵng kia thì lần đầu tiên, lần thứ hai vẫn đau đớn vô cùng.
Vì khi đó cậu Tư khó chịu trong lòng nên nhân lúc người lớn không ở đó đã chạy tới rừng trúc. Cậu Tư trong mơ nhìn thấy rừng trúc này mà cảm thấy quen mắt vô cùng, vì anh biết sau đó sẽ sinh ra rung động ở nơi đây nên cũng bước nhanh về phía sâu trong rừng trúc.
Cậu Tư gặp được một bé gái nhổ măng ở nơi đó thật. Khi đó anh bị anh cả bắt nạt, cha lại thấy việc vặt trong nhà quá phiền phức nên chỉ nói hai câu rồi mọi thứ lại trở về với cảnh thái bình giả tạo. Vì anh một thân một mình trong nhà như vậy nên mới rẫu rĩ không vui. Làm một đứa bé cô độc khác với làm một người trưởng thành cô độc, cùng lắm thì người khác chỉ nói bé con đáng thương, nhưng khi trưởng thành rồi sẽ phải chịu ánh mắt khinh bỉ của mọi người, như thể sự cô lập của anh là bất lực do chính mình tạo nên vậy.
Cậu Tư còn chưa trưởng thành nhưng cũng nghĩ có lẽ hướng đi sẽ là như vậy. Một mặt anh là dòng dõi quý tộc cao xa khó vời, là cậu chủ nhỏ cơm ngon áo đẹp, nhưng mặt khác lại phải chịu những nạt nộ mà đứa trẻ nhà bình thường không phải chịu.
Có lẽ đứa trẻ nhà bình thường bị đẩy một cái sẽ khóc đi tìm mẹ, nhưng năm đó anh cả biến nơi ở cũ của mẹ thành trường bắn, anh đi thuyết phục mà cha chỉ phất tay nói anh cả vài câu, sau đó cũng không có kết quả gì.
Phải chăng cha đã quên mẹ anh từ sớm rồi? Ở trong gia tộc lớn như thế này, mẹ không được yêu chiều sẽ tàn khốc vô cùng, càng chưa nói đến việc cha đã quên hẳn mẹ anh, cũng bởi vậy mà địa vị trong nhà của Nhan Trưng Bắc càng dư thừa hơn bao giờ hết. Có điều khi ra khỏi nhà, anh cả lại thích tỏ vẻ anh lớn trước mặt người ngoài, gặp người khác sẽ nói: “Đứa em này của tôi bị cha chiều hư thật rồi.”
Uất ức của anh lại khó kể cho người khác nghe được, mà dù có tìm được thì cũng sẽ không có ai tin một cậu chủ quần là áo lượt khóc lóc kể lể, hơn nữa họ còn coi đó là bất chợt già mồm. Mấy bé gái gặp chuyện buồn rầu sẽ tìm bạn mình kể một chút, chửi một chút, sau đó bạn sẽ bình luận một chút, chửi cùng một chút là qua chuyện. Nhưng khi đó cậu Tư không có bạn, uất ức và chật vật của anh cộng với sự giáo dục của cha đã biến anh trở thành một người đàn ông kiên cường và thu liễm chính mình. Giai đoạn từ cậu bé biến thành đàn ông này là lúc dở dở ương ương nhất. Trong lòng Nhan Trưng Bắc có một cậu bé chạy đến trước phần mộ của mẹ để khóc lóc kể lể, và cũng có cả một người đàn ông hạ quyết tâm tự lập tự cường.
Nhưng là con trai thì không được khóc lóc kể lể sao? Bàn cân của cậu Tư bắt đầu nghiêng về phía cậu bé, dù cậu bé yếu ớt và không có đầu óc nhưng lại được òa khóc nói ra tất cả, mà đó cũng là thuốc giải tốt nhất. Cậu Tư vừa nghĩ vậy thì đã đỏ mắt, khóe miệng cũng rũ xuống, phút chốc sau nước mắt đã lã chã, nhưng rồi lại đột nhiên cứng đờ.
Lúc này cậu Tư đang ở trong rừng trúc yên tĩnh tưởng chừng như không có người, nhưng đột nhiên lại có một cô bé đi nhổ măng tiến vào. Cô bé như cũng kinh ngạc khi gặp được cậu Tư, bởi ánh mắt kia như hoảng hốt hơn cả cậu nữa.
Khi ấy biểu cảm của cậu Tư kỳ lạ vô cùng, cậu vừa muốn để cảm xúc vỡ òa lại vừa hoang mang và lúng túng đờ người ở nơi đó vì nhìn thấy cô bé kia. Con trai không được khóc trước mặt con gái, nếu không sẽ bị nói rằng giống con gái, từ tiểu học cậu đã học được một nguyên tắc như vậy đấy.
Cậu quệt khóe miệng rồi ra sức kiềm nước mắt lại, nhưng như vậy trông còn buồn cười hơn nhiều. Cô bé kia cũng dần bình tĩnh lại và không nói gì, sau đó chỉ cúi đầu nhìn chỗ măng kia mà không cười cậu.
Khi đó cậu bé mười hai tuổi cảm thấy lúng túng và xấu hổ vô cùng, cậu suýt nữa đã vắt chân lên cổ chạy mất nhưng cô bé kia bỗng mở miệng.
“Nếu cậu thấy rất đau rất đau, vậy càng phải cười lên.” Cô bé vẫn còn cầm măng mới nhổ trên tay, lúc đó cô ngẩng đầu nhìn cậu bằng vẻ chững trạc và nghiêm túc: “Người khác thấy cậu cười rồi sẽ không quan tâm đến cậu nữa, sau đó cậu muốn khóc lén thế nào cũng không ai thấy được.”
Cô nói như bản thân rất có kinh nghiệm vậy, sau đó lại phủi bùn đất trên tay và đi lên lau nước mắt giúp cậu Tư. Dường như cậu Tư thuở nhỏ đã nói tay cô bẩn nên tránh đi, nhưng cậu Tư trong mơ mang trí nhớ và cảm xúc của người trưởng thành lại đưa mặt cho cô lau. Trên tay cô bé có hơi thở tươi mát, có lẽ đó là mùi măng, có lẽ là mùi bùn đất hoặc là hương Xuân. Cậu Tư thậm chí còn cảm thấy ánh nắng chiều ngày đó soi sáng tới cõi lòng lúc này của mình, sau rồi lại không nhịn được mà cất lời hỏi cô bé kia: “Em còn nhớ anh không?”
Anh khi trưởng thành lạc về cảnh trong mơ nên chỉ là một giỏ trúc đựng măng thôi cũng khiến anh mong chờ không thôi. Vì khó lắm mới được lạc về khung cảnh này nên cậu Tư rất muốn hỏi rốt cuộc em có còn nhớ anh không? Giấc mơ này liên quan tới những giao ước và hứa hẹn, hơn nữa cũng rất khó có được nên khiến anh căng thẳng tới mức siết chặt nắm đấm. Cô bé trong giấc mơ chỉ cười nhàn nhạt với anh, lúm đồng tiền của cô tựa như tia nắng đầu tiên chiếu xuống mặt hồ sau cơn mưa rào, mỗi một gợn sóng chứa ánh sáng đều khiến lòng cậu Tư ấm áp mà thấp thỏm không thôi.
Cô bé lại quay đầu đi đào măng, giọng nói cũng không bị ảnh hưởng chút nào: “Cậu nói gì vậy, đây là lần đầu chúng ta gặp nhau mà.”
Dường như giọng nói này cũng là câu trả lời từ đáy lòng của cậu Tư. Anh tỉnh dậy từ giấc mơ mà buồn bực một cách vô cớ, khi bất giác nhìn trong lòng lại không thấy bóng người đâu, sau lại thấy đây như một loại điềm báo vậy.
Chỉ cần trên đời này vẫn còn chút mưu cầu của con người, thì loại buồn vô cớ này cũng là chuyện cơm bữa mà thôi. Cậu Tư khi còn nhỏ được người ta xem tướng nói rằng anh là thần tiên lịch kiếp, đáng lý phải làm những việc không giống như người thường. Nhưng có là thần tiên ung dung tự tại thì khi bước vào giới hồng trần vẫn như tiến vào nơi có muôn vàn sợi dây chăng lối, có sợi dây duyên phận, có sợi dây mầm tai họa, có sợi dây lộ trình, lại có sợi dây khiến con người ta trượt chân. Người Hoa thường nói mỗi sợi dây kia giống như mối quan hệ phức tạp giữa người với người, mà chắc chắn trong quá trình giao thoa tình cảm này, một cái liếc mắt, một cái nhếch miệng đều là manh mối, là bằng chứng, là từng tia từng sợi kết thành mạng lưới nhân gian.
Có lẽ cậu Tư và Cận Tiêu có khác biệt, hơn nữa sợi dây giữa bọn họ cũng do anh khăng khăng kéo tới. Cậu Tư còn nghĩ liệu thế giới anh đem đến cho cô có tăng thêm nhiều quấy quả và phiền phức hay không, nhưng Cận Tiêu có thật sự phiền chán hay không thì cậu Tư lại không biết được.
Lúc cô động tình sẽ đáng yêu vô cùng, nhưng không phải lúc nào cô cũng động tình với anh. Lúc cô làm nũng cũng ngọt ngào vô cùng, nhưng đâu phải mỗi lúc làm nũng đều là thật lòng? Con hát diễn kịch trên sân khấu còn có người cổ vũ, nhưng dù thế nào thì những điều không thật lòng như thế vẫn khiến người ta nghi ngờ.
Có điều cậu Tư lại muốn thấy rõ, dù chỉ là một chút thật lòng thôi cũng tốt rồi.
Anh nghĩ đến những việc này rồi đột nhiên nhớ ra Cận Tiêu say rượu đêm qua, vì non nửa chai Vodka kia mà lúc lên cầu thang anh có thuận miệng nói câu: “Em uống cũng không tệ, người bình thường đã ngất lịm từ lâu rồi.”
Khi đó Cận Tiêu trong lòng anh cười hì hì vài tiếng, sau đó chuếnh choáng nói: “Uống rượu ấm bụng. Cậu không biết đâu, trong lòng khó chịu tới chết lặng thì nơi không thoải mái lại là bụng đây này.”
“Em khó chịu chuyện gì.” Khi đó cậu Tư cho là cô bị bắt nạt nên vội vàng dò hỏi chuyện của Sài thị: “Nhà em lại gửi thư đến sao?”
Giọng của anh trầm ổn và mang theo chu đáo thỏa đáng, nhưng khi đó Cận Tiêu say nên lại cho là anh coi thường gia đình mình. Cô im lặng một lúc rồi nhẹ nhàng nói: “Cậu tốt vô cùng, cũng không tốt vô cùng.”
Nói cho cùng thì lựa chọn khó khăn nhất chính là tốt vô cùng và không tốt vô cùng. Cậu dạy em yêu chân thành như thiêu thân lao đầu vào lửa, nhưng cũng đem đến bất an khiến em có thêm nhiều khổ đau. Có điều cậu Tư không nghe ra những cảm mến trong đó, anh nghe mà chỉ thấy mình vô cùng không tốt. Sau đó nữa cô lại đưa tay đếm phù hiệu khiến anh phải nín thở, kiên nhẫn gấp một trăm hai mươi nghìn lần.
Lại về sau nữa thì càng không thể trách anh được, quân tử không động tay động chân thì ai động nữa đây? (1)
(1) Câu đúng ở đây là 坐怀不乱真君子– Tọa hoài không loạn chân quân tử, có nghĩa (người đẹp) trong lòng mà không loạn mới là quân tử chân chính, nhưng tác giả đảo thứ tự của các chữ đi để viết một câu có ý nghĩa ngược lại.
Cậu Tư nhìn ánh nắng xuyên qua rèm cửa mà khẽ thở hắt ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.