Núi Tử Đạm ở thị trấn Hoa Bắc, cùng với ba ngọn núi khác là Lũng Hoắc ở vùng Tây Giang, Lương Thao ở ngoại ô Bỉ Thố, Báo A Mân ở châu thổ Lĩnh Kỳ, hợp thành Tứ Đại Cấm Sơn.
Trong bốn ngọn núi này thì Tử Đạm là núi nhỏ nhất. Tuy không phải là núi lớn nhưng lại nổi tiếng bởi ẩn chứa nhiều kỳ trân dị thảo, thu hút nhiều người mang giấc mộng đổi đời kéo đến. Có lời đồn rằng trên núi có loại nhân sâm to lớn, to gần bằng một đứa trẻ sáu tuổi, chân rễ mọc dài ra tới vài thước, toàn thân toát ra màu tím, gọi là Tử Vương Sâm.
Thứ sâm này có lúc hiện ra hình người đi dạo loanh quanh ở chân núi, vô tình bị trông thấy, có kẻ bạo gan đuổi theo, vào tới trong núi thì cây sâm biến mất, người đuổi theo cũng không thấy trở ra. Ai nhát gan thì chỉ dám đứng nhìn rồi kể lại cho người khác.
Lời kể lan truyền như nước lũ, cuối cùng phóng đại đến mức ai sở hữu được Tử Vương Sâm thì có thể xưng bá thiên hạ, làm vương làm tướng, còn không thì bán đi có thể đổi về được một gia tài ngồi ăn núi lở đến mấy đời cũng không hết. Khiến cho không biết bao nhiêu người muốn có giấc mơ thiên hạ hoặc của cải vàng son tìm đến.
Chỉ có điều người vào núi thì nhiều, nhưng người ra khỏi núi chỉ đếm được trên đầu ngón tay, hơn nữa nếu có sống sót trở ra thì thứ còn lại cũng chỉ là thân tàn ma dại, tóc tai rũ rượi, máu me vương vãi, thần trí điên loạn. Từ đó, dân gian đồn đại trong các ngọn núi này có yêu ma quỷ quái, phanh thây xẻ thịt bất cứ ai xâm phạm lãnh thổ của chúng.
Tử Đạm dần trở thành ngọn núi cấm, chứa đầy kỳ bí và huyền hoặc.
Khu vực xung quanh núi Tử Đạm là rừng thưa hoang vắng, nơi có dân cư sinh sống gần nhất là thôn Hoa Cúc, những kẻ tìm báu vật đều đến đây làm nơi dừng chân, vì thế cho thuê phòng trọ và buôn bán những vật dụng phục vụ cho việc đi rừng, leo núi đem lại một phần thu nhập không nhỏ cho dân cư ở đây.
Cuối thôn Hoa Cúc có hai ngôi nhà nằm kế nhau, một căn để trống cho thuê, căn kia là nơi chủ nhân sinh sống.
Chủ nhân của cả hai căn nhà là một cô gái trẻ, khuôn mặt xinh xắn đáng yêu. Có điều cô gái ít khi mỉm cười nên nét đáng yêu dường như bị khuất sau vẻ lạnh lùng, băng giá. Cô gái đang ngồi chế tác một hình nhân nhỏ nhắn bằng gỗ vừa ngân nga hát hai câu quen thuộc trong bài “Tìm một chữ để thay thế”:
Em muốn hái hai ngôi sao trên bầu trời kia
Đặt vào đôi mắt anh để anh trông thấy em.
Nhưng những câu hát tiếp theo lại có nội dung khác hẳn, tuy là vẫn giữ được giai điệu ban đầu:
Em muốn nhặt vài nhành cây trôi trên sông
Gắn vào làm chân tay anh để cùng nhau nắm tay đi dạo dưới mưa
Em muốn gom một ít lá cây rừng
Làm áo ấm đắp lên tấm lưng trần lạnh giá
Em muốn may một cái bao tay thật dày
Để cầm chặt vào cán dao, rút nó ra khỏi tim anh…
Khắc xong hình nhân, cô gái xếp nó lên một cái giá nhiều tầng cũng đã chất đầy hình nhân như thế. Không biết cô gái đã mất bao nhiêu thời gian để khắc xong cả mấy trăm hình nhân như vậy, nhưng phải thừa nhận đây là một kỳ công rất lớn. Mấy trăm hình nhân này mỗi con một kiểu, mô phỏng lại những hình dạng tiêu biểu và đặc trưng nghề nghiệp của con người, có nam có nữ, có giả có trẻ, có thư sinh đọc sách, có tướng quân ngự đao, có con bệnh nằm liệt giường, có lực sĩ cử tạ trăm cân… nhưng tất cả chúng đều không có mắt.
Hình nhân vừa mới hoàn thành có dáng dấp tựa một kiếm sĩ phong trần, khoác áo chéo lưng, tay vác một thanh cự kiếm to tướng trên vai. Cô bắc thang leo lên, xếp nó vào hàng thứ năm từ trên đếm xuống.
Cái giá để hình nhân này chia tất cả thành mười tầng.
Tầng trên cùng chỉ có một hình nhân mang dáng dấp của cao tăng đắc đạo, hàng mi dài phủ xuống hai bên mặt, mình khoác cà sa, một tay cầm thiền trượng, tay kia bắt thành Vô Úy thủ ấn.
Tầng thứ hai là một cặp hình nhân với dáng dấp và trang phục nổi bật của hoàng tộc. Một hình nhân là Vương đội mão Cửu Long, thân khoác hoàng bào thêu hình lưỡng long chầu nhật. Hình nhân kia là Hậu đội mão Cửu Phụng, thân khoác bào đoàn phượng.
Tầng thứ ba là hình nhân của tầng lớp tri thức như trạng nguyên, tú tài, thầy đồ, thư sinh…
Tầng thứ tư là hình nhân của tầng lớp thương nhân, từ kẻ bán hàng rong ngoài chợ cho đến tài phú dong buồm qua biển lớn.
Tầng thứ năm là hình nhân của tầng lớp võ sĩ, quân tướng, cung thủ, đao khách…
Tầng thứ sáu, bảy, tám là hình nhân các loại nghề trong xã hội.
Tầng thứ chín là hình nhân các loại động vật, từ muông thú trên cạn, chim chóc bay trên trời, cho đến kình ngạc dưới nước.
Tầng thứ mười cuối cùng là hình nhân yêu ma quỷ quái nhe nanh múa vuốt, thè lưỡi trợn mắt.
Xếp hình nhân kiếm khách vào chỗ xong xuôi, cô lấy chổi lông quét bụi hết một lượt từ trên xuống dưới. Quét tới giữa chừng, cô thấy vài con nhện đang giăng tơ trên giá gỗ, trùm lên luôn cả mấy cái hình nhân ở cuối góc.
Cô trầm ngâm một lúc rồi quyết định cứ để mặc kệ như thế, tuy loài nhện thường gắn liền với các điển tích quỷ quái do hình dạng của nó, nhưng trong cuộc sống hằng ngày thì nhện là loài vật báo điềm lành, nhện tụ một chỗ nghĩa là có điều tốt sắp đến, hơn nữa nhện giăng tơ còn bắt bớt ruồi muỗi trong nhà.
Những màng tơ đã bị nhện bỏ đi thì đúng là nên quét dọn để giữ sinh khí sạch sẽ trong nhà cửa, nhưng đối với màng tơ mà nhện đang dệt hoặc đang ở, nếu phá đi sẽ hủy mất điềm lành.
Cô bỏ qua mấy con nhện, tiếp tục quét xuống phía dưới, lại nghe tiếng hỷ thước kêu mấy tiếng. Tiếng kêu của loài chim đuôi dài này thường là điềm báo sắp có khách đến. Cô tự nhủ: “Không lẽ là có khách đến thuê phòng?” Nghĩ vậy nên sau khi quét dọn xong, cô lấy bốn cái đèn dầu, mang qua căn nhà bên kia.
Ở thôn Hoa Cúc này có một nhà trọ lớn tên là Phụng Lai. Bình thường đó là nơi cho những kẻ phiêu bạt thám hiểm ở trọ, nhưng thỉnh thoảng có những đợt người kéo đến ồ ạt khiến Phụng Lai hết phòng thì những nhà trọ nhỏ lẻ khác mới có cơ hội đón khách. Hoặc giả có những vị khách không muốn chốn ồn ào ở Phụng Lai thì sẽ kiếm những nhà trọ khác bên ngoài.
Dạo này không phải là dịp cao điểm, nếu có khách đến thuê phòng thì có lẽ là khách thích sự yên tĩnh.
Căn phòng để cho thuê này quả thật là nơi rất yên tĩnh.
Nếu như khách thuê không la hét vào ban đêm.
Giữa hai căn nhà có lối đi lát đá, nối thông hai mảnh vườn lại với nhau. Cô bước đi chậm trên lối đi phủ đầy rêu xanh, mấy lần suýt trượt ngã. Bước lên hiên nhà, cô đặt mấy thứ cầm theo xuống bên cạnh, lấy chìa khóa tra vào ổ khóa đã có chút rỉ sét, chật vật một hồi rồi ổ khóa cũng mở “tách” một cái.
Cô có chút ngập ngừng khi đặt tay lên nắm cửa, nhưng rồi cũng vẫn kéo cánh cửa từ từ mở ra, bản lề khô dầu kêu rít lên ken két, một mùi ẩm mốc xộc vào mũi. Ánh sáng mặt trời từ bên ngoài chiếu vào bên trong là phòng khách với nội thất đơn giản. Ở giữa phòng là bộ bàn ghế bằng gỗ màu nâu sậm, phủ một lớp bụi mỏng.
Phía trên mặt bàn một khoảng, cách vài gang tay, có một đôi chân trần đung đưa nhè nhẹ. Một dòng máu đỏ trôi theo hướng bàn chân rũ, nhỏ từng giọt xuống dưới, nhưng không chạm vào mặt bàn mà cứ thế biến mất vào hư không. Cô tránh nhìn vào đôi chân đó, mặc dù trong lòng tự hỏi vì sao lúc nào nó cũng cứ đung đưa mãi như vậy.
Cô băng ngang qua một bên, mở chốt và đẩy hai cánh cửa sổ mở rộng ra. Ánh sáng mặt trời ùa vào khiến đôi chân và thân người gắn liền với nó biến mất.
Cô biết đây gọi là Tàn Ảnh Quỷ Hiện, một hiện tượng không phải là quá hiếm gặp. Ở nơi xảy ra những cái chết oan khuất, đau đớn, tạo ra oán niệm chất chứa không thể tiêu tan, oán niệm này có thể khắc ghi hình ảnh tử vong tại hiện trường, gặp ánh sáng sẽ biến mất, nhưng trong bóng tối chập choạng lại hiện ra. Thứ tàn ảnh này không gây nguy hiểm vì không có thực thể tà quái, chỉ có điều nó có thể dọa một người đứng tim mà chết.
Sau khi đi một vòng mở hết các cửa sổ, cô dọn dẹp sơ qua cho căn nhà sạch sẽ một chút, chuẩn bị giường chiếu sẵn nhưng vẫn chưa trải ra, mà đợi đến khi chắc chắn có khách tới thì mới dọn ra cho khách thấy. Cô lại chuẩn bị bốn cái đèn dầu lớn, châm đầy dầu, đặt ở bốn góc bàn. Với độ sáng của bốn ngọn đèn này thì vào ban đêm, thứ tàn ảnh kia cũng không thể hiện ra, vấn đề chỉ là khách thuê có chịu nghe lời cô để giữ sáng mấy ngọn đèn này hay không mà thôi.
Mãi đến chiều mới có khách đến, lúc này cô đang ngồi trong nhà thì có người lạ bước qua vườn, đặt chân lên mái hiên, đưa tay gõ lên cánh cửa gỗ.
Cô nghe tiếng gõ cửa thì nhìn qua khung cửa sổ bên cạnh, thấy người gõ cửa là một nam nhân trạc ba mươi tuổi, to cao, vạm vỡ.
Trong lòng cảm thấy có chút lo lắng, nhưng nhìn mặt nam nhân sáng sủa, hơn nữa vẫn đang là ban ngày, cô ngập ngừng một chút rồi cũng mở hé cửa. Nam nhân lên tiếng: “Tôi hỏi thăm biết rằng chủ nhà này cho thuê ngôi nhà bên kia, cô là chủ nhà?”
“Quả nhiên mấy con nhện và con hỷ tước không lừa mình.” Nghĩ vậy rồi cô mở rộng cửa, gật đầu: “Phải, anh thuê cho mấy người?”
“Một mình tôi thôi.”
“Anh muốn thuê trong bao lâu?”
“Khoảng vài tháng.”
Cô nghĩ thầm: “Ở được một tuần đã là may.” Nhưng cũng như những người trước, cô buộc phải ra điều kiện thu tiền thuê trước, chứ không đến lúc khách thuê bỏ chạy thì sẽ chẳng có đồng nào.
“Anh phải trả trước hai tháng, nếu giữa chừng bỏ đi thì không trả lại tiền.”
“Tiền thuê bao nhiêu một tháng?”
Cô nói ra một con số. Nam nhân lấy từ trong ba lô ra một số tiền lớn, đếm đúng số tiền thuê hai tháng rồi đưa cho cô.
Thấy người này mang theo số tiền lớn, cô lo ngại: “Anh… Anh không làm gì phi pháp chứ?”
Nam nhân phì cười: “Không, không đâu, cô đừng lo.”
Cô nhận tiền rồi dẫn người khách qua căn nhà cho thuê bên cạnh. Lần này cô đi ra khỏi nhà mình rồi vòng qua căn bên kia, dẫn khách vào bằng cửa trước chứ không dùng lối đi tắt giữa hai nhà.
Căn nhà cho thuê này được xây bằng gạch xanh rất vững chắc, cây cối trong vườn đã lâu không được chăm sóc mọc um tùm, rêu xanh phủ đầy trên lối đi bằng đá.
Cuối góc vườn phía sau mọc một cây đàn hương rất cao, cao bằng tòa nhà ba tầng lầu, tán cây sum suê tỏa thành hình tròn. Dân gian vẫn cho rằng, các loại cây mang âm khí nặng luôn sẽ có tổng thể các tán cây tạo thành khối cầu tròn nhìn từ mọi góc độ.
Vị khách vừa theo sau vừa hỏi: “Cô tên là gì?”
Cô gái đáp: “Tôi là Ngọc Ngân.”
“Tên đẹp đấy.”
“Còn anh tên gì?”
“Tôi là Lữ Thuần Dương.”
Lúc này căn nhà đã trở nên sạch sẽ tươm tất, không gian sáng sủa. Ngọc Ngân dẫn vị khách đi một vòng, giới thiệu quanh nhà, chỉ vào phòng ngủ: “Giường chiếu đã chuẩn bị xong rồi, anh chỉ việc trải ra là nằm được.”
“Cảm ơn.”
“Có cần tôi nấu ăn cho luôn không? Giá cả bình dân thôi.”
“Làm phiền cô vậy.”
“Còn một điều này nữa, không được hỏi lý do, nhưng nhất định phải ghi nhớ.”
Lữ Thuần Dương có chút ngạc nhiên: “Là điều gì vậy?”
Ngọc Ngân chỉ vào cái bàn ở phòng khách: “Lúc nào cũng phải giữ cho phòng khách này sáng sủa, ban ngày thì mở cửa sổ, ban đêm thì phải thắp sáng bốn ngọn đèn dầu này, không được để tắt.”
“Để tắt đèn thì có quỷ đến à?”
“Không sợ quỷ đến, chỉ sợ người đi thôi.” Nói xong Ngọc Ngân thắp sáng bốn ngọn đèn rồi quay bước về lại căn nhà bên kia.