Đoạt Hồn Kỳ

Chương 54: Quần ma tán đởm kinh hồn




Bắc kiếm Phổ Côn ức lên rằng:
- Độc chỉ Thôi Bác! Ngươi khi người...
Tiếng quá còn chưa buột khỏi miệng, bỗng cảm thấy có một vật gì bay tọt ngay vào mồm, thế đến rất mạnh, không những khiến cho Phổ Côn bị rụng mấy chiếc răng, mà toàn thân phải loạng choạng lùi về sau vài bước, may nhờ Tư Đồ Cống phía sau đỡ lại mới đứng vững bộ lại, máu miệng ứa ra, Phổ Côn nhổ phì vật trong miệng, chỉ là nắm lá của cánh hoa đã viên tròn lại.
Sự kinh hồn táng phách này còn hơn hẳn vụ giao tranh với Độc Ma vừa rồi, tuy vẫn vờ bình tĩnh, nhưng không ho he thêm gì nữa. Phía Độc Ma thấy tình thế có vẻ không thuận lợi cho mình, càng biết Độc chỉ Thôi Bác này danh bất hư truyền, mới xuất hiện mà đã ngang nhiên hiếm hẳn ưu thế, Độc Ma len lén tính lo chuồn nhẹ cho yên thân. Nhưng Độc chỉ Thôi Bác đã lên tiếng:
- Sáu tên nam nữ bên kia hãy khoan đi đã. Ta có chuyện còn thanh toán với các người!
Bên phía Độc Ma đành đứng im hết lại, Độc chỉ Thôi Bác lạnh lùng liếc nhìn ngay vào mặt Đinh Hủy và Đinh Phá, hai tên Tam hung và Tứ hung trong Phi Các ma cung này bất giác rùng mình ớn lạnh. Chỉ nghe tiếng Độc chỉ Thôi Bác cất tiếng rằng:
- Độc chỉ Thôi Bác ta ít khi xuất hiện trên giang hồ, nhưng chưa nay vẫn ân oán phân minh rõ ràng, tuy ta không thích nhúng tay vào các chuyện phiền phức, nhưng một khi ta đã nhúng tay vào can dự, bất luận là một chuyện gì luôn luôn ta đều làm cho có thủy có chung làm triệt để đến cùng mới thôi. - Ngừng một chập Độc chỉ Thôi Bác như hoài cảm chuyện gì xa xăm vậy, chỉ nghe vị kỳ nhân nói: - Ta còn nhớ mười năm về trước, khi mà ta bắt đầu ẩn cư, trong giang hồ yên tịnh, quân tà ác biến tích, các đạo khấu lục lâm cũng biết an thân thủ phận, và trên giang hồ đã xuất hiện nhiều kẻ hiệp sĩ chánh nhân, và lực lượng của họ đã dư sức để đối phó và đàn áp lũ quân hại người đấy vì thế ta yên tâm ẩn cư trong thâm sơn cùng cốc!... Nhưng trong mười mấy năm gần đây, những biến đổi trong giang hồ đã xảy ra ngoài sức tưởng tượng của ta, những cảnh tre già măng mọc các người có lòng hiệp nghĩa thi nhau tạ thế, khiến nỗi một đám bại loại nhân dịp gây cơn sóng gió phong ba, những tổ chức tà ác đua nhau xuất hiện giang hồ... Nay ngước mắt nhìn giang hồ, đã bị bọn vô loại gây nên biết bao sóng gió hôi tanh, kinh thiên động địa, các người đã sẵn những võ công quỉ dị trên mình, không biết đem ra hành hiệp tế thế, trái lại đã đi ngược lại đường lối chính nghĩa, kết đảng nhóm bè gây những chuyện thị phi hiểm ác thâm độc, tàn sát những dị kỷ, rõ thật không biết công lý và chánh nghĩa là đâu nữa, ngang nhiên chà đạp sinh linh, thật uổng sinh làm người, so với cầm thú còn không bằng... - Độc chỉ Thôi Bác nói đến đây vì quá xúc động, bất giác nổi cơn ho kinh khủng! Thấy vậy, cả phía Độc Ma lẫn đến Phổ Côn, Hoàng Kha, Vân Cư Sĩ đều nao nao tính ra tay thình lình!
Nhưng chỉ thấy Độc chỉ Thôi Bác nuốt ngay một đóa hoa màu đỏ, cơn ho lập tức ngừng ngay, mắt lại liếc nhìn mọi người một lượt, toàn đám lại khiếp vía không ai đám tỏ ý lỗ mãng về hành động của mình.
Thôi Bác lại tiếp tục lên tiếng:
- Hôm nay ta lại đây, chẳng qua là muốn công bình dứt khoát với các người một việc thứ nhất: là vụ con gái Ngọc điệp Châu Phụng là Thanh điệp Châu Sách và Hồng điệp Châu Chu, cả hai chị em đã lại tìm ta khóc lóc là chỉ chứng Bạch điệp Châu Ni đã bị thầy trò Độc Ma trên Vô ảnh phong bắt đi, ngoài ra còn có cả Nam bút Gia Cát Dật trong - Càn Khôn Ngũ Tuyệt và một vị thiếu niên Thượng Quan Linh cùng nhị cô nương của Thanh Thông Hội cũng bị giam hãm trong Vô ảnh Phong, và xin ta lập tức ra tay cứu nguy. Ngay lúc đó ta đã phái Đại Hắc (tên chim ưng) đi cứu, nhưng sau khi Đại Hắc về, mới hay là Thượng Quan Linh và Liễu cô nương thoát nạn, và Gia Cát Dật cùng với một thiếu nữ khác được Đại Hắc cứu ra khỏi Ma Cung, nhưng còn phần Châu Ni thì đã bị hy sinh...
Độc chỉ Thôi Bác bỗng im bặt, không khí nặng nhọc bao phủ mọi người. Thình lình, Thôi Bác lên tiếng hỏi:
- Độc Ma! Vụ này do ai gây nên.
Độc Ma không chịu lép thế, hiên ngang nhìn nhận rằng:
- Quả đúng là có chuyện như thế,- con bé Châu Ni do tiểu đồ Đinh Hãm bắt về, nhưng về sau nó tự tỉnh giác và cắn lưỡi chết. Chuyện như thế, trong Phi Các tiên cung thường xảy ra như cơm bữa, nếu nhà ngươi tính nhúng tay vào vũng nước đục này, xin cứ việc cho biết cao kiến. Độc Ma ta không hề rụt rè đâu!
Độc chỉ Thôi Bác nổi giận đùng đùng rằng: - Hừ? Ngươi còn tính già mồm hả? Ta hẹn cho nhà ngươi hai tháng trời, bắt ngay tên nhị đồ đệ của ngươi phải tự quyết tự tử để tạ tội của nó, còn không ta quyết không dung tha nó....
Độc Ma lên tiếng: - Chà! Khẩu khí hống hách quá! Nhưng ta không thèm nghe! Nếu ngươi có giỏi thì cứ lên thử phi Các tiên cung của ta! Chừng ấy sẽ biết ai lợi hại ngay!
Dứt lời, vung tay ra lệnh cho cho liễn xa đi nhanh, Độc chỉ Thôi Bác cả giận, miệng hét lên một tiếng sáo rít tai, con chim ưng bay thẳng đuổi theo.
Trên liễn xa cũng như dưới liễn xa, sáu người của Độc Ma vội ra sức chống đỡ, nhưng thấy con chim thần hung hăng mổ tứ tung, dữ dằn không thể tưởng, chỉ trong nháy mắt Đinh Phá và một hắc y đại hán bị chim ưng mổ trúng, tuy vết thương không nguy hiểm, nhưng cũng khiến cho người đau kêu ai ái lên!
Độc chỉ Thôi Bác lại huýt ngay một tiếng sáo, chim thần lập tức bay ngay về, Thôi Bác lên tiếng:
- Độc Ma! Ta mong nhà ngươi hãy sửa đổi hết bản tính lại, cố gắng mà trở nên một người hữu dụng trên giang hồ, nếu không có ngày hối hận không kịp đâu nhé!
Nhóm Độc Ma đâu còn ai dám lên tiếng nữa, ai nấy hấp tấp lo rời đi cho thật nhanh để khỏi rước thêm tai họa vào người!
Bên này! Cả bốn phái được chứng kiến một cảnh hãi hùng như thế, ai nấy quên cả việc đào tẩu của mình, và đương nhiên không ai còn dại gì để ra tay?
Độc chỉ Thôi Bác lên tiếng rằng:
- Gia Cát Dật và Liễu cô nương, tôi xin nhị vị cùng ra đây với Hầu Hạo công tử!
Hầu Hạo tuy ăn mặc quần áo của Phổ Kiên, tóc ngắn, thần sắc bơ phờ lúc này được Nam Bút và Liễu Mi lo hộ tống chàng đi ra khỏi đám đông. Bắc kiếm Phổ Côn thấy Nam bút Gia Cát Dật giờ lại dám công nhiên chống đối với phe mình, trong lòng không vui, lạnh lùng hừ lên một tiếng ống tay áo giơ ngay ra tính ngăn cản ngay lại. Nhưng Độc chỉ Thôi Bác đã tinh mắt nhận ngay ra và lên tiếng rằng:
- Bắc kiếm Phổ Côn! Mong rằng ngươi biết điều cho chút.
Câu nói ấy khiến cho Bắc kiếm Phổ Côn vô cùng sượng sùng, ống tay áo lúc này như bị cứng đơ lại chẳng lên mà cũng chẳng hạ xuống, không biết nên tính sao mới phải.
Thanh Thông bang chủ Liễu Khải không dám ngăn trở, còn Điểm Thương chưởng môn Hoàng Kha lại khiếp oai của Đoạn Trường Nhân, cũng không dám tỏ ý phản đối gì. Chỉ riêng phía Vân Cư Sĩ và Hải Không đại sư cùng với đám tăng lử của Cửu Thiên tự thì rối quýnh lên trong bụng, thấy tất cả bao nhiêu công phu khó nhọc và kế hoạch bấy nay đành bị phá sản. Sau khi thấy ba người ra khỏi vòng ngoài, Vân Cư Sĩ lạnh lùng cười lên mấy tiếng.
Thế là nhóm Cửu Thiên Tự ra tay trước, thiền trượng phất trần, kiếm đao binh khí tuốt hết ra và chạy lại vây kín lại. Còn Bắc kiếm Phổ Côn và Điểm Thương Phái cũng lo ngấm ngầm bổ vây ngay bên vòng ngoài, sẵn sàng ứng chiến. Còn Gia Cát Dật, Liễu Mi cẩn thận lo hộ vệ Hầu Hạo, chuẩn bị ứng phó mọi biến cố có thể xảy ra. Bỗng từ trên lưng chừng không trung tiếng chim ưng kêu trận chiến bổ nhào ngay xuống đám Cửu Thiên hòa thượng! Khí thế của nó vô cùng hung mãnh, hai cánh của nó quạt mạnh ra như làn sóng dữ dội, cả một cảnh rối loạn hiện ngay ra trong đám tăng lữ của Cửu Thiên Tự, Vân Cư Sĩ và Hải Không pháp sư thấy tình trạng quá nguy, vội cấp tốc định thần lo nghênh địch!
Vân Cư Sĩ chém mạnh ngay ra một kiếm, nhưng chim ưng đã ngang nhiên dùng mỏ của nó hất bật ngay thanh kiếm của Vân Cư Sĩ, chỉ thấy Cư sĩ bị loạng choạng đứng không vững, chớp mắt đã bị chim ưng dùng trảo bấu chặt ngang hông bay vọt thẳng lên!
Hải Không đại sư kinh hãi bay hồn, đang tính đào tẩu bỗng cảm thấy sau gáy một luồng gió lạnh ập tới chim ưng đã bay đến, Hải Không chưa kịp quay đầu lại cự địch, con chim tai ác dùng trảo quắp bay bổng lên không! Mọi người kinh hãi nhìn hai trảo của con chim thần đang quắp hai mạng người lơ lửng trên không, thế mà chim ưng vẫn chẳng hề tỏ ra mệt nhọc gì cả và càng lạ hơn nữa là tha hồ cho Vân Cư Sĩ và Hải Không dùng phất trần hay dùng kiếm chém đánh tưng bừng vào đùi của chim ưng, nhưng hắn vẫn điềm nhiên như không hề có chuyện gì xảy ra, trông cặp cẳng của nó như bằng chất sắt thép vậy. Và chim ưng cứ quắp chặt hai người bay lượn thành vòng tròn trên đỉnh đầu mọi người?
Tiếng gào thét của Vân Cư Sĩ và Hải Không đại sư và tha hồ họ đánh chém túi bụi vào chim ưng, nhưng lạ thay là chim thần không hề tỏ vẻ kinh sợ gì, khiến cho toàn đám người đứng bên dưới không khỏi hồi hộp kinh sợ trong lòng, con chim ưng to lớn này lại có bản lãnh phi thường đến thế! Ai nấy biến sắc hãi hùng! Không biết nên tính sao cho phải!
Trong khi đó mọi người chỉ nghe tiếng của Độc chỉ Thôi Bác rằng:
- Cùng các vị, con ưng này của ta tên gọi Đại Hắc, nó vốn còn có một bạn, nhưng nhỏ con hơn nó, tên gọi Nhị Hắc, chúng đã luôn luôn hầu cạnh bên người ta, Và chúng thân mật như hai anh em ruột vậy!
Ngừng một chập, Đoạn Trường Nhân lại cất cao giọng rằng: - Nhưng nay Nhị Hắc đã chết, loại chim ưng này vốn là một giống chim dị chủng ở hải ngoại, đao kiếm, thủy hỏa, cơ hàn đói lạnh, đều không thể nào làm gì chúng nổi, và tuổi thọ của chúng thường ít nhất là ba trăm năm trở lên, nếu không có chuyện mưu hại, tuyệt nhiên không làm sao có thể chết được?
Nhưng đáng giận thay cho đám tăng lữ của Cửu Thiên Tự, khi con Nhị Hắc của ta phụng mạng đến để đón Hầu Hạo, mà chính với đám tăng lữ cũng thừa biết là có hợp hết toàn lực để đối phó với con chim thần của ta cũng không sao cưỡng nổi nó, biết không phải địch thủ của nó, nên đã hèn dùng đến quỉ kế, chúng biết nhược điểm của con Nhị Hắc là thích trà rượu thơm ngon nên đã dùng trà thơm dụ dỗ đến nỗi khiến nó bị trúng độc mà chết. Nhưng con Nhị Hắc của ta vốn là giống Long tựu (loài chim rồng kên kên), theo cạnh ta lâu năm, nói thật ra võ công của nó, có thể ngạo thị (nhìn đời hách dịch) đương kim giang hồ? Vì sau khi nó bị trúng độc, vẫn còn có thể phát oai dọa chạy hết đám tăng lữ của Cửu Thiên Tự, bỏ chạy ngay trong đêm đó, đồng thời Nhị Hắc sợ ta không biết rõ nguyên do vụ này để trả thù cho nó, nên nó đành buông ngay cuộc truy cản địch thủ nên đã tìm một thân cây lớn trong Cửu Thiên Tự đậu lại để cho ta biết! Vậy các người thử nghĩ, một con linh điểu chính trực và trung thành với ta trong bao nhiêu năm trời như thế, nay phải chi bị người ta đánh chết đàng hoàng bằng lối giao tranh, ấy là tại nó không có bản lĩnh, nhưng khổ nỗi nó lại không chết oai hùng được thế, trái lại bị chết cạm bẫy mưu mô của quân gian hiểm. Như thế bảo ta không đau đớn tiếc cho cái chết của nó sao được?
Nay có con Đại Hắc đứng ra trả thù cho bạn nó thật, nhưng trong lòng ta cảm thấy buồn khổ vô cùng, ta đã truy niệm con Nhị Hắc theo ta lâu năm, tình nghĩa không khác nào như cha con, nay nó đã chết, dù cho giết hết bọn tăng trong Cửu Thiên Tự, vẫn không thể nào khiến cho con Nhị Hắc của ta sống lại được, mối hận này quả là một vết thương trầm nặng trong lòng ta...
Càng nói, Độc chỉ Thôi Bác càng thấy bi ai xúc động tâm hồn mình, âm thanh mỗi lúc một cao hẳn.
Mọi người càng hồi hộp kinh hãi! Thình lình vị cái thế kỳ nhân cất tiếng hét lên, không hẳn tiếng khóc, mà cũng chẳng ra tiếng cười, nhưng âm thanh đượm vẻ vô cùng bi ai, Liễu Mi và Gia Cát Dật cùng Hầu Hạo, ba người này như thông cảm nỗi lòng của vị cái thế kỳ nhân này lắm.
Thấy vậy mọi người càng hoảng sợ. Liễu Mi thầm nghĩ Thôi Bác hiệu xưng Độc Chỉ, Đoạn Trường Nhân, có lẽ xưa kia ông ta đã từng có một dĩ vãng quá đau buồn lâm ly, nên đã khiến vị đại anh hùng hiệp sĩ sinh ra một cơn bệnh bất trị, để đến nổi chỉ ỷ trông vào những hoa tiên miễn cưỡng duy trì mạng sống của mình.
Nhất là cuộc sống vô cùng buồn tẻ trên Mặc Phụ Sơn, quanh năm ngày tháng chỉ trông vào hai con linh điểu làm bạn, và chính loại chim này, chỉ có hạng cái thế kỳ nhân như Thôi Bác mới đủ tư cách nuôi nấng chúng nó. Nghĩ đến đây, Liễu Mi nhắm mắt tưởng tượng cảnh sống thanh nhàn của một người, với hai chim biết bao đẹp đẽ? Nay bỗng bị người ta dùng quỉ kế ám hại mất một con linh điểu như thế, bảo sao người ta không đau khổ cho được?
Ngước nhìn lên trên, càng khiến mọi người kinh hãi. Chỉ thấy con Đại Hắc hình như thông hiểu tiếng hét kỳ lạ của chủ nhân nó vậy, nó biết rằng chủ nhân nó đang truy điệu đồng bạn của nó đã chết, cũng kêu lên những tiếng ai oán như hòa nhịp theo với nỗi lòng buồn thảm của chủ nhân.
Nhưng dần dà thấy con linh điểu càng bay quanh càng nhanh, Vân Cư Sĩ và Hải Không đại sư bị nó quắp chặt dưới móng trào như diều hâu bắt gà con, thoạt đầu còn có thể kêu cứu inh ỏi, nhưng với đà bay quá nhanh ấy, chớp mắt tứ chi của hai người đã bị rũ hẳn xuống, không tiếng rên vang và cũng chẳng thấy cử động gì nữa?
Nhưng có một điều lạ là trên tay hai người vẫn nắm chặt binh khí, Hải Không chỉ tay cầm phất trần, Vân Cư Sĩ tay cầm kiếm. Ai nấy thấy vậy kinh hồn táng đởm, ngẩn người ngơ ngác, đưa mắt nhìn quanh nhau, không biết tính sao cho phải!
Bỗng nhiên, cũng chẳng biết là họ đã ngấm ngầm từ lúc nào, một tiếng hét vang lên, đám tăng lữ ầm ầm dùng ngay ám khí chia đánh nhanh ra thành hai mục tiêu chính: một về Độc chỉ Thôi Bác, một về phía linh điểu trên không trung!
Bên này Phổ Côn, Thanh Thông Bang, phái Điểm Thương và cả Liễu Mi, Hầu Hạo, Gia Cát Dật, ai nấy giật mình thất kinh, Gia Cát Dật và Liễu Mi tính ra tay ngăn cản mọi người, nhưng đã không kịp.
Ai nấy chỉ còn thấy những ám khí loang loáng bay nhanh như sao băng qua phía Độc chỉ Thôi Bác, nhưng khi những ánh sáng loang loáng ấy còn cách thân hình của Thôi Bác, đều thình lình bị biến vô tăm vô tích hết.
Riêng có phần Liễu Mi mắt tinh hơn ai hết, nàng kịp nhận thấy ống tay áo của Đoạn Trường Nhân khẽ động đậy, và tất cả những ám khí của tăng lữ Cửu Thiên Tự, như đã gặp sức nam châm thu hút ngay hết vào ống tay của ông ta. Ngay trong khi đó, bỗng hai tiếng hét rùng rợn vang hẳn lên đỉnh đầu mọi người.
Mọi người đưa mắt nhìn lên, ai nấy cũng bất giác phải nhắm mắt lại không dám nhìn cảnh tượng đang xảy ra! Họ chỉ thấy linh điểu khổng lồ ấy, chẳng thèm né tránh gì đến những ám khí đánh lên, mà trái lại nó đã co ngay hai trảo lên, dùng ngay hai người quắp trong móng ấy làm cái thuẫn để đỡ những ám khí của các tăng lữ đã phát ra.
Đám tăng Cửu Thiên Tự có nằm mơ cũng không ngờ rằng con linh điểu lại biết dùng lối đánh ấy để chống cự hiển hách như thế. Chỉ thấy ánh quang nhấp nhoáng, chớp mắt găm hết vào thân hai người, và gây nên hai tiếng thét rùng rợn của người đi vào cõi chết.
Trên thinh không, máu tươi đã nhỏ thành giọt xuống, dù cho hai người chưa chết ngay, nhưng cũng trọng thương khó cứu sống nổi.
Thình lình hai trảo của linh điểu cùng buông ngay ra, thân hình của Hải Không và Vân Cư Sĩ rớt ngay từ trên không xuống! Sau hai tiếng bịch bịch đám tăng lữ của Cửu Thiên Tự ào ào chạy nhanh ngay lại để xem thủ lãnh mình ra sao, nhưng chỉ thấy toàn thân hai người máu me lênh láng, những vết thương lại toàn nằm trong chỗ chí mạng cả, trông không cách gì cứu sống nữa!
Các tăng lừ kinh hãi tột độ. Vội đứng hết cả lên nhìn về phía Độc chỉ Thôi Bác, thấy con linh điểu Đại Hắc không biết đứng cạnh chủ nó từ bao giờ rồi. Hiện giờ trong đầu óc của đám tăng lữ, chỉ còn chứa vỏn vẹn một chữ: Chạy, nhưng khốn nỗi ai nấy đã bay hồn bạt vía, hai cẳng đã chùn hẳn, thì làm sao nhấc nổi để chạy! Và cũng trong đám tăng lữ ấy, có người vẫn còn thính mũi ngửi ra mùi khai khai, chứng tỏ đã có người quá sợ đến vãi nước tiểu...
Lúc này chỉ thấy Độc chỉ Thôi Bác từ từ giơ ống tay áo lên. Liễu Mi biết ngay, trong ống tay áo ấy toàn là những ám khí của đám tăng lữ đã phát ra lúc nãy để đánh lén vị kỳ nhân cái thế này, giờ đây chắc vị Đoạn Trường Nhân dùng lối vật hoàn cố chủ để trả đòn đây, nhưng khá lâu, vẫn không thấy Độc chỉ Thôi Bác ra tay phát ám khí.
Bỗng nhiên, ống tay áo của Thôi Bác buông hẳn ngay xuống thở một tiếng dài rằng:
- Hãy đi ngay! Và từ nay nên bỏ hết các tính tàn ác để ráng tu sao cho xứng danh đệ tử của cửa nhà Phật. Còn ai muốn hoàn tục, cũng phải ráng an phận thủ tánh làm người lương thiện chớ có gây sóng gió tai quái trên giang hồ mà hối không kịp. Phải biết rằng các người có trốn chân trời góc biển nào cũng không thoát khỏi con linh điểu Đại Hắc của ta? Vậy liệu hồn đó mà giữ xác!
Đám tăng như gặp Hoàng ân đại xá tội, vội hấp tấp thu nhặt tử thi Vân Cư Sĩ và Hải Không đại sư lo nhanh chân nhanh cẳng đi luôn một mạch không dám ngoảnh cổ nhìn lại sau!
Bắc kiếm Phổ Côn cùng với bộ hạ cũng chẳng từ rút đi luôn. Độc chỉ Thôi Bác chỉ nhìn họ thở dài, rồi đưa tay ấp vào ngực mình ngồi ngay xuống một phiến đá, con linh điểu lo đứng cạnh rỉa lông cánh của mình.
Hận Thư Sinh của phái Điểm Thương thấy tình trạng vậy, khẽ tiếng nói với Thanh Thông bang chủ Liễu Khải rằng:
- Liễu huynh! Tiểu đệ xin đi trước vậy? Xem ra chuyến này chúng mình đều bị lừa về tên Vân Cư Sĩ, thật ra không nên đến Nhữ Nam làm gì mới phải! Ân hận quá chừng!...
Thế là Hận Thư Sinh lại hiện ra bộ mặt buồn thiu như kẻ đưa ma, chậm chạp leo lên chiếc kiệu lộng lẫy của mình do các đệ tử của mình khiêng ra về.
Nhưng Hận Thư Sinh trước khi đi đã cáo biệt với hết thảy mọi người. Độc chỉ Thôi Bác cũng khách sáo mỉm cười nhẹ đưa tay chào!
Chỉ còn lại Thanh Thông bang chỗ Liễu Khải, cũng chẳng phải ông ta không muốn ra về ngay trong tình trạng này, nhưng chỉ vì chiếc Tiểu Đoạt Hồn Kỳ còn nằm nguyên trên tay của Độc chỉ Thôi Bác. Nhưng Liễu Khải khiếp oai của đối phương, không biết nên hành động ra sao mới phải, lẽ đương nhiên, theo ý thì Độc chỉ Thôi Bác không đời nào lại đi đoạt vật báu của mình như thế, nhưng Liễu Khải không biết nên dùng lời nói gì để đòi về cho khỏi mất lòng người ta?
Lão bang chủ đành lên tiếng khẽ gọi con gái mình:
- Liễu Mi con!
Liễu Mi vốn là cô gái tinh ranh tuyệt luân, làm gì mà nàng lại không đoán nổi tâm trạng của cha già, ngay lúc ấy nàng tươi cười lên tiếng trả lời cha già rằng:
- Thưa cha! Làm gì mà cha phải quýnh lên vội thế! Cây cờ vẫn còn nằm trong tay của Thôi Bác thúc thúc con tin rằng thúc thúc thế nào cũng hoàn lại cho cha mà!...
Liễu Mi quả là lanh trí tinh ranh thật, Nam bút Gia Cát Dật bất giác phải khen thầm: Hèn gì trong giang hồ đồn nói cô bé này thông minh tuyệt đỉnh không ai bằng.
Câu nói của Liễu Mi quả nhiên đã sinh ra hiệu lực Độc chỉ Thôi Bác từ từ trong mình lấy ra cây Tiểu Đoạt Hồn Kỳ, mỉm cười nhìn vào những chữ ghi trên cây cờ sau khi nhìn xong bỗng thu ngay nét cười của mình lại, thần sắc có vẻ vô cùng trịnh trọng!
Thấy vậy Thanh Thông bang chủ trống ngực đánh thình thịch biết ngay Độc chỉ Thôi Bác đang nghiên cứu mười tám chữ quái dị trên cây cờ... Liễu Khải lo và sợ vị kỳ nhân cái thế này nếu là biết được những ý nghĩa trên cây Tiểu Đoạt Hồn Kỳ thì võ công của người ta lại càng tiến thêm lên tuyệt đỉnh của tuyệt đỉnh mất! Nhưng lão anh hùng bất giác từ cười thầm trong bụng, thầm nghĩ: đừng nói đến bản thân của Thôi Bác làm gì, chỉ nội con linh điểu Đại Hắc của người ta, võ công đã hơn hẳn mình rồi, huống hồ là chủ nhân của nó là Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác, nay người ta đã là đương kim vô địch trong võ lâm ngày nay, đệ nhất tuyệt thủ trong thiên hạ, hà tất cần phải nghiên cứu gì vu vơ những chữ oái oăm trong cây cờ nhỏ đó làm gì? Nhưng bản tính của con nhà võ, đều biết rằng thiên ngoại hữu thiên (ngoài trời vẫn còn có trời) mà nhất là võ công càng không biên giới, cũng có lẽ Thôi Bác cũng không thoát khỏi định luật ấy, nhất lại không muốn người khác tham thấu những ý nghĩa trong văn tự ấy, để hòng củng cố địa vị độc bá đệ nhất kỳ nhân trong thiên hạ, không chừng vì ý nghĩa đó mà người ta dám ngang nhiên cướp đoạt luôn chiếc cờ báu của mình cũng nên!
Không nói là sắc mặt của Liễu Khải biến đổi bất thường, với ý nghĩ của mình, mà cả Liễu Mi và Gia Cát Dật cũng chăm chăm ngó theo hành động của Độc chỉ Thôi Bác!
Tuy trong lòng của Liễu Mi rất kính nể vị Thôi Bác này nhưng trong thâm tâm của cô nàng đã nghĩ: dù Độc chỉ Thôi Bác tốt đến mức nào đi nữa, cũng không thể nào đem so sánh với cha già của mình được!
Đương nhiên là Liễu Mi ngả về phía cha mình hơn, nàng mong chiếc cờ báu ấy vẫn thuộc về trong tay cha già mình. Đồng thời, cũng trong thâm tâm của nàng, ẩn hiện có một hình bóng, và địa vị của hình bóng cũng quan trọng không kém gì địa vị của cha già, thậm chí có thể hơn là khác, người ấy là ai? Dạ xin thưa ngay chính là chàng công tử Thượng Quan Linh của nàng ta, nếu chiếc cờ này mà Thượng Quan Linh được, và lại do chính chàng thông hiểu được những chữ nghĩa trên này trở thành đệ nhất cao thủ trong thiên hạ, như thế phải thích biết chừng nào! Vì dù sao chàng còn trẻ nhiều hơn cha già, và càng có thể hoàn thành những sự nghiệp vĩ đại của kiếp đời giang hồ hiệp sĩ...
Nhưng Liễu Mi đã chợt tỉnh ngay với những ý nghĩ quá mơ mộng của mình, người yêu đã quyên sinh tại Đại Ngũ Trì trên đỉnh Phòng Sơn, từ nay âm dương hai cõi xa nhau, những ý nghĩ của mình chẳng qua chỉ là ảo tưởng, và là thứ ảo tưởng không bao giờ thành hình được! Bất giác nước mắt nàng tuôn ra đầm đìa.
Thanh Thông bang chủ là người thứ nhất phát hiện con gái mình khóc, vội lên tiếng:
- Kìa con gái ngoan của cha! - Nói xong ôm choàng ngay lấy con gái vào lòng, lão bang chủ tưởng đâu con gái mình khóc vì chuyện chuyến cờ, nào hay đâu trong lòng cô con gái quí lại còn chuyện đau khổ thầm kín hơn nhiều. Được ôm trong lòng cha già Liễu Mi lại càng khóc thành tiếng!
Độc chỉ Thôi Bác bất giác cũng tỏ ra thái độ hiền hòa từ từ hỏi:
- Chuyện gì mà Liễu cô nương thương tâm như thế. Phải chăng vì cái này?
Nói xong cầm ngay chiếc cờ nhỏ, từ từ bước sang và giao ngay chiếc Tiểu Đoạt Hồn Kỳ ấy cho Thanh Thông bang chủ Liễu Khải.
Cử chỉ ấy, khiến cho mọi người kinh ngạc không ít và chính Gia Cát Dật và Hầu Hạo cũng tưởng đâu rằng Độc chỉ Thôi Bác sẽ chiếm làm của riêng, nay biết mình đã hiểu lầm. Độc chỉ Thôi Bác quả không hổ là người ngồi ghế thứ nhất trong vũ lâm, nhất là phong độ không tham lam, không ỷ tài ức hiếp, khiến thiên hạ khâm phục vô cùng. Giờ có đến Liễu Mi cũng phải ngừng tiếng khóc, nàng tròn xoe đôi mắt đứng nhìn sửng vị kỳ nhân cái thế trước mắt.
Thôi Bác mỉm cười hỏi rằng: - Thế không biết Liễu lão bang chủ đã thông hiểu nổi những kỳ văn trên cờ này chưa không biết?
Liễu Khải nghiễm nhiên trả lời rằng:
- Lão phu quá ngu muội, nên còn chưa am hiểu tí gì về những văn tự trên đồ là nghĩa gì, còn mong đại hiệp vui lòng chỉ giáo nhiều cho.
Độc chỉ Thôi Bác khẽ ngước đôi mày rằng:
- Theo tôi vừa rồi quan sát, trong mười tám chữ trên cây cờ ấy, rõ ràng có liên quan với những lời truyền tụng của thiên hạ trong giang hồ!
Mọi người nghe Thôi Bác sắp sửa thuật nói về lai lịch chiếc cờ Đoạt Hồn Kỳ nhỏ này, ai nấy chăm chú để lo theo dõi câu chuyện.
Tiếng Thôi Bác rằng: - Đời tôi rất thích nghiên cứu về loại cổ tự văn kiện, nên khi thấy những văn tự cổ lỗ trên cờ, trong bụng nổi hứng ngay nên không ngần ngại gì để nghiên cứu xem. Nhưng.sau khi tôi xem kỹ, phát giác tuy trong mười tám chữ này hơi giống loại chữ triện nhưng nó lại không ra lối chữ triện hẳn. Cũng không phải chữ giáp cốt (loại chữ khắc trên xương và mai rùa), mà cũng chẳng phải lối chữ chung đỉnh (lối chữ chạm trên chuông và đỉnh lư đồng). Nhưng ngượng quá! Tôi không làm sao biết nổi nó thuộc loại chữ gì, lẽ đương nhiên càng không hiểu ý nghĩa của nó.
Câu nói này của Độc chỉ Thôi Bác khiến cho mọi người thất vọng hẳn, Thanh Thông bang chủ vội hỏi:
- Nếu vậy, Thôi đại hiệp cỏ thể nhận được mười tám chữ này là thuộc thứ văn tự thông dụng của quốc gia nào không? Độc chỉ Thôi Bác rằng:
- Theo tôi đoán mười tám chữ ấy, rất có thể là loại cổ văn của nước Thân Độc đời xưa, và nước Thân Độc ấy chính là tên nước đời xưa của Thiên Trúc ngày nay, lại có tên là Hiền Đậu, theo sự ghi chép trong địa chí, nước ấy nằm về phía Nam của Trung Thổ, và phía Bắc của Hắc Thủy, giống người ở đây da ngăm đen. Những tăng lữ của cổ quốc Thân Độc được gọi là Bà La Môn, địa vị tuyệt cao được. người kính trọng, những kinh của họ tụng niệm, hoàn toàn giống hệt với những văn tự ghi trên cây cờ của Tiểu Đoạt Hồn Kỳ vậy!
Mọi người kinh ngạc không ít, nàng Liễu Mi cũng khá uyên bác về học vấn, nghe vậy bèn hỏi ngay:
- Thưa Thôi thúc thúc, nếu vậy có thể là lối Phạn văn (lối chữ Ấn Độ xưa) không chừng?
Độc chỉ Thôi Bác thấy mặt nàng Liễu Mi còn chưa ráo nước mắt, bèn cười nói rằng:
- Cũng có thể nói nó là lối Phạn văn, nhưng không phải là lối Phạn văn thông dụng ngày nay đâu, mà lại là một thứ Phạn văn cổ xưa, trong đương kim ngày nay chỉ trừ những đệ tử của Bà La Môn bên Thiên Trúc, may ra có thể biết lối chữ này, ngoài ra thật khó mà tìm được người am hiểu về lối cổ tự xưa trong đời này?
Nghe đến đây, Liễu Mi bất giác vui mừng đưa ngay cờ Tiểu Đoạt Hồn Kỳ lên chăm chú nhìn những chữ như giun rắn trên lá cờ. Thôi Bác thấy Liễu Mi vẫn còn u buồn, bèn cất tiếng hỏi rằng:
- Sao! Liễu cô nương hết buồn rồi chứ!
Nào ngờ câu hỏi này chạm đến nỗi lòng bi thảm của nàng, càng khiến nàng buông tiếng khóc sướt mướt không nguôi, khiến cho ai nấy ngạc nhiên lạ lùng.
Thôi Bác hình như đã tỏ vẻ mến thích Liễu Mi, bèn hỏi ngay Liễu Khải rằng:
- Không biết lệnh ái có chuyện gì mà bi ai đến thế!?
Nhưng Thanh Thông lão bang chủ cũng chẳng biết sao con gái mình lại khóc thảm thương như thế, càng không biết trả lời sao cho câu hỏi của người ta.
Bèn quay ngay sang phía con rằng:
- Này con gái cưng của cha, con có chuyện gì uất ức sao? Mau nói đi! Thôi đại hiệp đang hỏi con đấy, chóng ngoan!...
Độc chỉ Thôi Bác cũng hòa nhã rằng:
- Liễu cô nương, nếu cô có chuyện gì khó khăn, cứ nói rõ tôi nghe, thế nào tôi cũng tìm cách giúp cô!
Liễu Mi càng khóc thổn thức và nấc lên nói rằng:
- Người ấy... người ấy đã chết rồi...
Thanh Thông bang chủ ngơ ngác rằng:
- Ai! Con muốn nói ai đã chết?...
Liễu Mi không trả lời chỉ khóc nức nở.
Tiếng khóc Liễu Mi làm cho mọi người phải mủi lòng, ai nấy cố khuyên hỏi, Nam bút Gia Cát Dật cố trấn tĩnh tinh thần buồn rầu rằng:
- Kẻ chết chính là Thượng Quan Linh. Nó vốn là đồ đệ của tại hạ! Và cũng là bạn thân của Liễu cô nương...
Câu nói của Gia Cát Dật vừa thoát ra, Độc chỉ Thôi Bác và Thanh Thông bang chủ chưa cảm thấy có phản ứng gì, nhưng riêng Hầu Hạo, thình lình nhảy tung người lên, đưa tay ra nắm chặt ngay Nam bút Gia Cát Dật hấp tấp hỏi rằng:
- Thưa sư thúc! Ngài nói sao? Sư... sư đệ của con đã chết rồi. Có thật thế không?...
Gia Cát Dật biết cảm tình Hầu Hạo và Thượng Quan Linh rất khắn khít với nhau, còn thân hơn tình anh em ruột là khác, không ngờ câu nói này làm xúc động cho Hầu Hạo đến thế. Đến đây thầy trò của Gia Cát Dật không khỏi gợi lên những nỗi niềm nhớ thương, khiến cho Nam Bút nghẹn ngào không nói nên lời chỉ khẽ gật đầu trả lời câu hỏi của Hầu Hạo.
Hầu Hạo công lực chưa khôi phục, nay nghe hung tin của sư đệ mình như vậy, sự đau buồn uất hẳn lên, chàng lập tức chết giấc tại chỗ. Mọi người lo cuống lên cứu tỉnh Hầu Hạo, Liễu Mi thấy Hầu Hạo tình nghĩa sâu nặng như thế, càng xúc động khóc sướt mướt thêm không nguôi, Hầu Hạo từ từ tỉnh lại, Độc chỉ Thôi Bác khẽ lẩm bẩm rằng:
- Thôi đúng rồi! Chị em Châu Thị từng nói với ta về thiếu niên ấy, nhưng hắn chẳng đã cùng trốn thoát với Liễu cô nương tại Phi Các ma cung là gì?
Nam Bút lúc này nghe Thôi Bác lẩm bẩm một mình như vậy bèn cố cưỡng chế nỗi lòng bi ai của mình để thuật hết mọi tình hình của Liễu Mi và Thượng Quan Linh sau khi trốn khỏi Vô ảnh Phong, và cũng ngay đêm thoát nạn này, hai người bị chia tay. Thượng Quan Linh gặp phải kình địch và bị trúng Phủ Chưởng Hàn độc công, thương tích không thể nào cứu, và chính không muốn Liễu Mi phải thương tâm, nên đã lén đi tìm cái chết trong hoang vắng! Không ngờ giữa đường lại gặp bào muội của Hầu Hạo là Đông Phương Đình, lại nhận lời trọng thác của Song kiếm thư sinh Đông Phương Kiệt, nên phải tiếp tục hộ tống nàng Đông Phương Đình bôn ba trên dặm trường.
Độc chỉ Thôi Bác chăm chú nghe theo lời thuật của Gia Cát Dật, thần sắc càng lúc càng đăm chiêu, còn Hầu Hạo lại càng ngớ ngẩn giương tròn mắt ngó Nam Bút và nghe câu chuyện vẫn tiếp diễn ly kỳ.
Nam bút Gia Cát Dật tiếp tục kể: nào về sau Liễu Mi bí mật theo dõi hành tung của Thượng Quan Linh, và mấy lần ra tay trợ cứu ngấm ngầm trong cơn kịch nguy. Nhưng kết quả là bảy ngày sống thừa của Thượng Quan Linh đã hết, và chàng đã tỏ hết mọi sự thật cho Đông Phương Đình biết, đơn thân độc mã leo ngay lên Đại Ngũ Trì trên Phòng Sơn để tìm nơi chết thanh tao, đến chừng Liễu Mi hay tin lại cứu thì đã muộn...
Nam Bút vừa thuật hết chuyện, Hầu Hạo và Thôi Bác hình như hai người cùng phát tiếng lên hỏi cùng một lượt là: hiện nay nàng Đông Phương Đình ở đâu? Nam Bút lại thuật sơ về chuyện mình bắt gặp họ và cho biết nay Đông Phương Đình và Hạ Quyên cùng trọ tại một khách sạn trong thành Nhữ Châu.
Hầu Hạo tuy mừng là sắp sửa được thấy em gái ruột mình, nhưng khi nghĩ đến lời thuật của Gia Cát Dật, sư đệ Thượng Quan Linh, trong bảy ngày sống thừa ấy hết lòng bảo hộ cho em mình, mang vết thương nặng trên người mà vẫn tử chiến với địch, trong lòng càng cảm thương cho Thượng Quan Linh. Hầu Hạo lúc này chỉ biết gầm mặt xuống khóc như mưa về sư đệ của mình.
Độc chỉ Thôi Bác cũng đâm ra bàng hoàng, suy nghĩ một chập, mới lẩm bẩm rằng:
- Không biết rõ rằng thiếu niên này đã chết chưa?
Nam bút Gia Cát Dật và Thanh Thông bang chủ đều nghĩ thầm trong bụng rằng: vị Thôi Bác này quả là người kỳ lạ thật, đã gieo mình xuống một hồ nước mà đến lông ngỗng còn phải chìm như Đại Ngũ Trì trên Phòng Sơn, đâu lý còn toàn mạng cho được! Rõ lẩm cẩm.
Thôi Bác bỗng rằng:
- Thôi! Liễu cô nương và Hầu Hạo hãy tạm ngưng cơn bi ai lại đã, nước hồ của Đại Ngũ Trì tuy không thể nổi được lông ngỗng, nhưng không thể nào làm gì nổi đến Đại Hắc của ta, để ta phái ngay nó tới đó xem tình hình ra sao, nếu quả số mạng là người kiết nhân thiên tướng thế nào Thượng Quan công tử cũng không hề gì, và Đại Hắc thế nào cũng cứu ra được, còn nếu chẳng may...
Nói tới đây, Đoạn Trường Nhân đưa mắt nhìn mọi người, thấy cả đến Thanh Thông bang chủ Liễu Khải cũng rầu rĩ ngậm ngùi, Thôi Bác cũng động lòng, bèn rằng:
- Thật ra thì thiếu niên này tôi chưa hề được thấy mặt, nhưng đã là môn đệ của Gia Cát Dật, và bạn tốt của Liễu cô nương và Hầu Hạo, và cứ suy theo lời thuật lại của mọi người như thế, tình đời lận đận như thế, kể ra cũng đáng thương thật, nhất là tính tình lại chính hiệp nghĩa, quả là những mẫu người lý tưởng của chúng ta, chính đến ta đây cũng cảm thấy mến tiếc lắm... Nếu quả thật may mắn y còn sống trên trần gian này, và Đại Hắc đem được y về Mặc Phụ Sơn của ta, dẫu cho là độc thương đến mức nào đi nữa, ta cũng có thể chữa khỏi cho y. Theo ý ta nghĩ thì người hiền gặp lành, may ra còn nhiều hy vọng cứu, vậy chớ nên bi thương làm gì trong lúc này!
Dứt lời Độc chỉ Thôi Bác lẩm bẩm những tiếng lạ lùng với chim ưng một hồi, thình lình con chim ưng Đại Hắc tung mình bay vọt lên và biến dạng ngay trong đám mây.
Chim ưng bay khuất dạng xong, Độc chỉ Thôi Bác mới quay lại nói rằng:
- Giờ xin phiền Nam bút Gia Cát Dật dẫn lối để cho huynh muội Hầu Hạo tương phùng đoàn tụ với nhau.
Thế là cả đoàn người rời ngay khỏi núi mỏ đồng. Gia Cát Dật đi trước dẫn đường, Độc chỉ Thôi Bác lấy ra hai đóa hoa đỏ nuốt xong ung dung đi cùng với Liễu Khải, đôi bên trò chuyện có vẻ tương đắc hợp ý với nhau lắm!
Chẳng bao lâu, mọi người về đến thành, Gia Cát Dật đưa mọi người về ngay khách sạn. Hai nàng Đông Phương Đình và Hạ Quyên thấy Liễu Mi và Độc chỉ Thôi Bác về một cách yên ổn như thế, vui mừng quá đỗi. Nhất là Đông Phương Đình sau khi được Gia Cát Dật dẫn kiến cho biết anh ruột mình Hầu Hạo, thấy Hầu Hạo ăn mặc lôi thôi và đầu tóc bờm sờm như thế, chẳng kể sạch dơ gì, chạy qua ôm choàng anh mình vào lòng.
Hầu Hạo cũng còn mang máng nhớ được khuôn mặt của em gái mình, giờ đây được tương phùng, thật không khác nào như trong mộng, mừng tủi giao hòa, bất giác sung sướng chảy nước mắt!
Mọi người đều mừng vui cho anh em hai người trùng phùng gặp nhau. Giờ này đã vào giờ ngọ, Liễu Khải thấy danh nghĩa của vị bang chủ Thanh Thông Hội, ra lệnh cho các thủ hạ còn hợp sức với chủ quán lo dọn ngay cơm rượu để đãi khách. Sau khi chuẩn bị xong xuôi đâu đấy cả, thủ hạ Thanh Thông Hội bèn mở mọi người vào nhập tiệc. Độc chỉ Thôi Bác, Thanh Thông bang chủ Liễu Khải, Gia Cát Dật, Hầu Hạo, Liễu Mi, Hạ Quyên, Đông Phương Đình, Phích lịch nhị lang Sở Canh, và mấy vị hương chủ của Thanh Thông Hội cùng ngồi một bàn.
Trong cuộc tiệc ai nấy lo kính rượu mời Độc chỉ Thôi Bác và vị cái thế kỳ nhân cũng đáp lễ mời lại mọi người, nhưng khi mời đến lượt hai anh em Hầu Hạo, Thôi Bác đã tỏ ra cử chỉ miễn cường, khiến cho hai anh em hoảng lên, tưởng đâu mình đã có gì thất lễ với vị tiền bối kỳ nhân. Vì cả hai anh em Hầu Hạo đã từng bị uống nhầm thuốc độc xưa kia, khiến nỗi những chuyện thiếu thời đều quên hết, chẳng rõ thân thế của mình ra sao, tinh thần luôn bị dầy vò, bèn nhân ngay dịp này hỏi han với Độc chỉ Thôi Bác cho rõ lai lịch thân thế của hai anh em.
Không ngờ hai anh em vừa đưa vấn đề ra hỏi, nét mặt Thôi Bác bỗng ảm đạm ngay, và cho biết rằng: trong đương kim ngày nay, những người biết được thân thế của hai anh em, duy chỉ có bốn nhân vật hiệp nghĩa trong giang hồ biết mà thôi, một vị là liệt danh trong nhóm Càn Khôn Ngũ Tuyệt là Tây đạo Thiên Si, cũng tức là thầy của Hầu Hạo, còn hai người nữa là cha con họ Đông Phương, tức là nghĩa phụ nuôi nấng cô em, họ cũng biết rõ thân thế của hai anh em, và vị chót nữa là Độc chỉ Thôi Bác.
Và cả trong bốn người đều phụ trách cùng một sứ mạng như nhau, nghĩa là phải tìm hết cách để bảo vệ hai anh em này, và trong số bốn người ấy, trách nhiệm của Độc chỉ Thôi Bác là trọng đại hơn hết, nhưng vì trong những năm gần đây buồn rầu về tâm tình, nên ẩn cư tại Mặc Phụ Sơn. Tuy biết rõ hai anh em đã có nơi dung thân, nhưng lại không chịu tìm kiếm ngay, và phía bên cha con họ Đông Phương bị lộ tung tích, và bị dồn dập vì các uy hiếp đưa đến, kết quả là Đông Phương Tường bị chết, và Đông Phương Kiệt lo sứ mạng bao vệ em gái về miền Nam, nhưng kết quả cũng lại bị hy sinh tại dọc đường. Và sự hy sinh này chính là do lỗi sơ ý của Thôi Bác mà nên nông nỗi, cho nên trong lòng Độc chỉ Thôi Bác cảm thấy hối hận vô cùng!
Về lai lịch thân thế của hai anh em, theo lời Thôi Bác, thì hai anh em này có liên can mật thiết đến một bí mật rất lớn, và chính Thiên Si đạo trưởng cũng không tiết lộ chuyện này, và cả cha con Đông Phương Tường khi nhắm mắt cũng chưa nói rõ ra, và nay cả đến Thôi Bác cũng cảm thấy thời cơ chưa tiện lợi, tạm thời không tiết lộ ra là thượng sách hơn hết!
Nhưng Đông Phương Đình đã đề nghị ra một lời thỉnh cầu: tuy vẫn chưa biết rõ về nguồn gốc lai lịch thân thế của mình, nhưng ít nhất họ thật thụ của hai anh em cũng nên cho biết, chứ ai lại mang tiếng anh em ruột mà anh thì Hầu Hạo em lại Đông Phương Đình nghe sao cho ổn!
Thôi Bác sau khi trầm ngâm suy nghĩ một chập, vẫn cho rằng đừng biết rõ trong lúc này vội, cứ tạm dùng theo tên cũ cái đã. Thôi Bác cũng cho hay là hiện chị em Châu Thị Nhị Điệp vẫn còn ở trên Mặc Phụ sơn, và bây giờ tạm đưa Hầu Hạo và Đông Phương Đình về núi đã, chờ cho Đại Hắc về báo tin xem sao rồi định liệu. Đồng thời an ủi Liễu Mi cứ yên trí cùng với cha già về Lạc Thủy đã rồi chờ tin tức sau, và đương nhiên Thôi Bác sẽ sai Đại Hắc báo tin nhanh cho. Còn phần Gia Cát Dật phải lo đưa nàng Hạ Quyên về ngay quê nhà của nàng, thế là sau buổi tiệc vui vẻ, ai nấy lo chia tay tạm biệt nhau, Liễu Mi buồn hơn ai hết, nàng lủi thủi theo cha già lên đường về Lạc Thủy.
Đây xin quay về câu chuyện của tuyệt đỉnh trên Đại Ngũ Trì của tỉnh Ngạc Tây (phía Tây của tỉnh Hồ Bắc)!
Sau khi Thượng Quan Linh gieo mình nhảy xuống hồ nước của Đại Ngũ Trì, chàng cũng thấy toàn thân mình cứ chìm dần xuống mãi... nước lạnh buốt xương, khó chịu vô cùng, chàng nghĩ làm sao mình có thể mau mau chết đuối thì hay biết chừng nào, không thì vết thương Phủ Chưởng Hàn tái phát thì mình làm sao chịu nổi sự đau đớn của nó! Chàng vẫn cảm thấy mình đang bị chìm xuống nhưng quái lạ, hình như Đại Ngũ Trì này không đáy hay sao?
Và cũng chính do sức buốt lạnh ấy đã kích thích trí giác của chàng, nên Thượng Quan Linh càng kinh ngạc lạ lùng, sao từ nãy giờ mà mình vẫn còn chưa bị chết đuối kìa? Chuyện gì quái lạ thế nhỉ?...
Nhưng lập tức Thượng Quan Linh tìm ngay ra nguyên nhân - đó là vì chất nước ở đây quá lạ lùng, nhẹ hơn cả một chất dầu thường, và trơn mướt lạ lùng, rõ ràng là toàn thân mình đều nằm trong lòng nước, nhưng lạ cái là chất nước này lại không chui vào tai mắt mũi để khiến cho mình bị ngộp thở hay sặc mà chết đuối, trái lại vẫn thở hít được như trên bờ mới lạ! Đi tìm cái chết mà cũng khó khăn thật! Trong lòng Thượng Quan Linh vô cùng kinh lạ với sự kiện trước mắt mình.
Chẳng biết là được bao lâu nữa, chàng biết mình đã chìm hẳn tới đáy trì, Thượng Quan Linh nhìn kỹ đáy trì nhẵn trong như được lót bằng ngọc thạch vậy, trông cũng na ná như lối kiến trúc trên Phi Các ma cung trong Vô ảnh Phong vậy, trơn tru sạch sẽ, không cặn bẩn gì.
Thượng Quan Linh bèn lững thững đi ngơ ngơ dưới đáy trì nhẵn nhụi như mặt cẩm thạch ấy, trong bụng cũng không khỏi tức cười, sao ông trời lại khéo sinh ra cái quái trì lạ lùng này, người tự tử lại ngang nhiên không bị chết đuối, thôi thì mặc kệ, không chết đuối cũng chẳng sao, có lẽ tại mình không có số chết về nghiệp nước chăng? Định mạng đã ghi mạng mình phải chết về Phủ Chưởng Hàn! Đành chịu vậy, trước sau gì mà chẳng chết! Và hãy can đảm chờ cái chết quằn quại đưa đến vậy!
Nghĩ vậy, Thượng Quan Linh bỗng lại cảm thấy tâm hồn mình thư thái dễ chịu lạ lùng, chàng nghĩ mình được chết vào một nơi thủy cung tiên như thế này còn gì sung sướng hơn, và chẳng ai tìm ra được xác mình, như thế hay biết mấy! Thật là một cỗ quan tài lý tưởng nhất trần gian!
Nhưng hơi tiếc cái sức lạnh buốt khó chịu, và chàng nhẩm tính thời gian, cơn độc phát ra để đưa hồn mình vào thế giới khác cũng còn một đoạn thời gian tương đối nữa, lúc này thân đứng dưới đáy trì, vừa lạnh, trong mình thật khó chịu vô cùng. Thượng Quan Linh đành lần theo ven đáy trì bước đi khơi khơi, đi được một quãng, bỗng phát hiện một cái cửa lớn ngay tại vách trì. Hai tấm cửa lại như bằng ngọc thạch. Giữa hai cánh cửa lại có hai khoen tròn bằng vàng chói lên, trông vô cùng thích mắt.
Thượng Quan Linh thầm nghĩ, sao lại lắm cảnh lạ lùng thế này? Nhưng thây kệ! Mình cứ đẩy bừa thử cửa bằng ngọc thạch này vào trong xem có gì lạ. Chàng đưa tay đẩy, cửa mở ngay, chàng vừa bước vào, cánh cửa lập tức tự động đóng ngay lại như cũ! Thượng Quan Linh cảm thấy trong mình hơi ấm áp: nhưng lạ hơn nữa là ở nơi đây lại không có lấy một giọt nước nào, xung quanh người không khí có vẻ khô ráo trong sạch.
Một mùi thơm thoang thoảng đã đưa ngay vào khứu giác chàng Thượng Quan Linh. Chàng càng đâm ra háo kỳ, bước men theo mùi thơm đi tới...
Dần dà chàng nhận ra trong đây là một ngôi thạch thất lớn, chỉ cách nhau có mỗi một cánh cửa, ấy thế mà bên này lại không có lấy một giọt nước, ngoài sự có không khí ra lại còn có cả ánh sáng nữa, sau khi Thượng Quan Linh tỉ mỉ quan sát, phát giác trong những bức vách ở đây đều có chất lân tinh, óng ánh phát ra sức sáng như thế. Nhưng thấy ngôi thạch thất dài thành hình chữ nhật này thông suốt ra mãi tít đằng xa, trên vách ngoài những hình người được chạm trổ tinh vi ra, không còn thấy vật gì khác nữa, dưới nền toàn là đá màu trắng phát sáng hẳn, trơn nhẵn vô số kể, nhìn kỹ thì toàn bằng đá cẩm thạch thượng thặng cả.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.