Độc Bộ Thiên Hạ - Thanh Xuyên Hoàng Thái Cực

Chương 35: Sinh nhật




Cuối cùng thì Hoàng Thái Cực cũng lấy mạng Đại Thiện, chẳng những vậy còn trả lại số nhân khẩu mười Ngưu Lục của chàng cùng nhân khẩu hai Ngưu Lục bị phạt của Tát Cáp Liêm, danh hiệu Đại Hoà Thạc Bối lặc cũng tiếp tục được giữ lại, chỉ phạt răn đe ngân lượng với ngựa.
Cuối cùng trận chiến vô cùng kịch liệt và hung hiểm cũng không giải quyết được gì, Đại Thiện bình an vô sự. Nhưng dư âm của nó thì vẫn chưa lắng xuống, Mãng Cổ Tế thuộc Chính Lam kỳ bị đả kích nghiêm trọng, mồng tám hôm đó Tam Cách cách bị giáng xuống làm thứ dân, đến khuya mồng mười tháng hai năm Thiên Thông thứ chín, người em trai ruột của Mãng Cổ Tế là Thập tứ Bối lặc, kỳ chủ Chính Lam Kỳ bất ngờ qua đời chẳng rõ nguyên do, cái chết của hắn ta lại giống hệt với Mãng Cổ Nhĩ Thái của ba năm trước.
Đối với loại chuyện mờ ám này, mọi người đều tự hiểu chẳng ai dám rêu rao gì, Lễ bộ Thừa chính Tát Cáp Liêm theo lệ phát tang, hết thẩy đều tiến hành rất thuận lời, không nhìn ra có gì bất ổn.
Mười ba tháng mười, sáng sớm rời giường tôi có nhìn thoáng qua cái bàn dưới cửa sổ trong Noãn các, thanh chặn giấy hình rồng bằng mã não hồng ngọc đang đè lên một tờ giấy Tuyên thành, lúc lại gần, tôi thấy ai đã dùng chữ Khải viết ra bốn chữ Hán đầy sống động – Mãn Hán một nhà.
Tôi cầm lấy tờ giấy mỏng manh xem xét cẩn thận, chỉ thấy trên giấy là nét bút cứng cáp, bừng bừng khí thế.
Đang cảm khái chợt thấy Ô Ương hổn hển chạy vào, hai má trở nên đỏ ửng nói: “Chủ… chủ tử! Mau lên, mau đến lâu Tường Phượng đi!”.
Tôi kinh ngạc liếc cô bé quan sát: “Để làm gì?”
Ô Ương phấn khởi nói: “Mới vừa rồi trên điện, Đại Hãn đã tuyên chỉ, chiêu cáo thiên hạ, đổi tên tộc Nữ Chân thành ‘Mãn Châu’, sau sẽ tự xưng là Hãn của Mãn Châu quốc…”
Tôi thoáng lỏng tay, tờ giấy mong toanh nhẹ bay xuống đất, nển trắng chữ đen vô cùng tương phản.
“Ha ha… ha…” Tôi không nhịn được cười rộ lên.
Thì ra là vậy sao!
Mãn Châu… Mãn Thanh… Mãn Hán một nhà!
“Chủ tử, ngài bị sao vậy? Trung cung Phúc tấn bọn họ đều đã vội vã chạy đến lầu Tường Phượng rồi kìa.”
“Biết rồi.” Tôi xoay người nhặt tờ giấy lên, tâm trạng nặng nề suốt mấy ngày liền nay đã được khai sáng, tôi mỉm cười cầm lấy bút lông sói, nhúng phân nửa mực, tại chỗ trống cạnh “Mãn Hán một nhà”, tôi cẩn thận bổ sung thêm hai chữ – Đại Thanh.
“Ha ha!”. Tôi ném bút lông xuống, cười to khoái chí, không để ý đến vẻ mặt như gặp ma của Ô Ương mà chỉ vịn vai cô bé cười ra nước mắt.
Mãn Châu – Tộc Mãn Châu!
Đại Thanh – Triều đại nhà Thanh!
Cuối cùng đã sắp đến rồi… Hoàng Thái Cực của tôi, cuối cùng đã tiến một bước mang tính lịch sử để hướng đến mục tiêu là khai quốc xưng đế rồi!
Chàng sẽ trở thành vị hoàng đế đầu tiên sáng lập ra triều đại nhà Thanh!
Chàng sẽ – ghi danh sử “Thanh”!
Tháng mười một năm Thiên Thông thứ chín, Hoàng Thái Cực ra lệnh cho Ngạch Triết theo hầu mẹ là Tô Thái đến sống tại Tôn Đảo Tập Nhĩ Cáp.
Đầu tháng mười hai, chư vị Bối lặc, đại thần đưa ra một nghị quyết, phái bốn người là Ba Khắc Thập Hi Phúc, Cương Lâm, La Thạc và Lãng Kỳ Sung Ngạch của Văn quán làm đại biểu, tâu sớ lên Hoàng Thái Cực, viết rằng: “Nay con trai của Lâm Đan là Ngạch Nhĩ Khắc Khổng Quả Nhĩ Ngạch Triết cùng với bộ chúng đều đã đầu hàng, lại lấy được Ngọc tỷ truyền quốc đã bị các đế vương tranh đoạt qua bao đời, thật có thể thấy rõ rằng trời cao đang phù hộ chúng ta.
*Một cơ quan do Hoàng Thái Cực lập ra trước khi Mãn Thanh nhập quan, là nòng cốt giúp hoàng đế xử lý việc triều chính. Về sau Hoàng Thái Cực sửa Văn quán thành Nội tam viện, tức 3 viện: Viện Nội quốc sử, viện Nội Bí thư và viện Nội hoằng văn. Nay xin trân trọng ân trên, sớm định tôn hiệu.”
Ngày ấy sổ gấp được dâng lên, Hoàng Thái Cực liền từ chối, tiện tay để tấu chương ở trong thư phòng trên lầu Tường Phượng. Mọi người đều cho rằng Hãn của nước Mãn Châu đang giở trò cũ, dùng lại kế lạc mềm buột chặt giống khi xưa lúc xưng Hãn, vì thế đều tấu dâng khẩn cầu Hoàng Thái Cực định hiệu xưng đế, nhưng Hoàng Thái Cực vẫn không đồng ý, chúng nhân ai nấy đều hoài nghi.”
Một ngày nọ nhân lúc tinh thần phấn khởi, tôi liền dẫn Tam Cách cách, Tứ Cách cách, Ngũ Cách cách, Lục Cách cách và Thất Cách cách cùng một đoàn ma ma nhũ mẫu, cung nữ thái giám ra bãi đất trống ngoài lầu Tường Phương đắp người tuyết và chơi ném tuyết.
Đang chơi vui vẻ vô cùng, bỗng nhiên đám nô tài vây quanh tự động hô lên, tôi híp mắt lại nhìn đã trông thấy Tát Cáp Liêm đang vội vàng đi đến, tôi tinh mắt liếc thấy thứ mỏng mỏng màu sẫm bị kẹp dưới cánh tay hắn chính là bản tấu chương.
Tát Cáp Liêm không ngờ được tôi lại dám ngang nhiên dẫn người rời Hậu cung ra ngoài lầu Tường Phượng chơi, dưới sự sửng sốt, hắn đứng tại chỗ tựa hồ đang do dự nên tiến lên hành lễ hay làm bộ như không thấy.
Tôi “phì” cười, không chờ hắn lựa chọn đã đi trước gọi: “Nếu Tát Cáp Liêm Bối lặc muốn đến dâng sổ nữa thì vẫn xin là hãy cầm về đi.”
Sắc mặt Tát Cáp Liêm vàng như nến, vẻ ngoài tiều tuỵ, ốm yếu tựa như đang có bệnh trong người.
Hắn chợt nhướng mày, muốn nói lại thôi.
Tôi biết hắn đang phản cảm việc tôi can thiệp vào triều chính, vì thể cũng không để ý thêm, hét ra lệnh nhóm ma ma nhũ mẫu tự đưa Cách cách về Hậu cung trước.
“Sắp đến Tết rồi kìa.” Tôi ngẩng đầu nhìn trời, không trung một màu xanh trong veo, một vài đám mây trắng lướt qua toà cung điện trên không, “Tát Cáp Liêm Bối lặc thật là bận bịu công việc quá.”
Đôi mắt Tát Cáp Liêm ngời sáng, dương như đã tỉnh ngộ được điều gì đó, khoé miệng nứt nẻ khẽ nhếch lên, lộ ra một chút thân thiết và lấy lòng: “Nên làm mà, vì để san sẻ cùng Đại Hãn, lứa ta nên tận trung chức trách mới phải.”
Tôi ảm đạm cười, hắn hạ mình nghe lấy lời tôi nói, có thể thấy đây cũng là một người thông minh.
“Vậy sổ gấp…” Hắn khẽ hắng vài tiếng, thuận tiện đưa sổ gấp cho tôi.
Tôi vẫn chưa đưa tay nhận, trái lại nghiêng người né đi, thật thật giả giả cười nói: “Việc triều chính, ta cũng có hiểu đâu.” Giả vờ ra vẻ ngây thơ đơn thuần, hỏi lại hắn, “Thật muốn được thỉnh giáo Bối lặc, sổ con này là ai đệ trình vậy? Ta thấy Đại Hãn thường để sổ gấp lại trên bàn, đến nỗi giờ đã chất thành chồng dày cộm, nhưng lại chưa thấy chàng liếc mắt nhìn tới lần nào ấy chứ…”
“Đây là sổ gấp của Bối lặc cùng đại thần của Mãn Châu chúng ta cầu xinh Đại Hãn lập quốc xưng đế.”
“Ôi chao, Đại Hãn đã muốn làm Đại Kim Hãn mà, sao lại cần lập quốc gì đó nữa vậy?” Tôi cười khúc khích, Tát Cáp Liêm bị tôi cười đến mức chẳng hiểu mô tê gì, hoang mang nhìn tôi chằm chằm.
Tôi vươn ngón trỏ phải nhẹ nhàng chỉ vào phong bì của bản tấu chương hắn đang cầm, vừa chỉ vừa vô tư cười nói: “Đại Hãn sớm đã là vua một nước rồi mà, nay đổi thành nước Mãn Châu bình mới rượu cũ thì có gì thú vị đâu…” Tôi thấy Tát Cáp Liêm rùng mình, trong đôi mắt vốn ảm đạm chợt lộ vẻ kỳ dị, thế là bèn nói tiếp, “Thêm nữa, lời người khác vốn đáng sợ, ai biết trong mấy cuốn sổ này có ai thật lòng hay đang giả dối đâu?”
Tát Cáp Liêm giật mình.
Tôi hé miệng cười: “Thôi không quấy rầy Bối lặc gia làm việc nữa, công vụ vẫn quan trọng hơn.”
“À, phải… phải.” Cuối cùng Tát Cáp Liêm cũng bừng tỉnh khỏi cơn khiếp sợ, hất tay áp cúi chào, cung kính nói, “Cung tiễn Phúc tấn.”
Tôi không tiếp tục dong dài, cảm thấy thoả mãn xoay người bước lên bậc thang lầu Tường Phượng.
Hôm sau, Tát Cáp Liêm lại cử bốn người Hi Phúc dâng tấu chương trình báo lên Hoàng Thái Cực, nói rằng: “Xin chư Bối lặc thề phải tu bổ bản thân, Hãn sẽ chấp nhận tôn hiệu. Ngọc tỷ đã có, các bộ đều phụ, đấy đã là ý trời. Không biết ơn trên, từ chối tôn hiệu, e rằng sẽ bị trời cao khiển trách.”
Hoàng Thái Cực bình tĩnh nhận lấy sổ gấp, lúc này không tỏ vẻ cự tuyệt thẳng thừng nữa.
Sau đó các quan Hán là: Bảo Thừa, Trữ Hoàn Ngã, Phạm Văn Trình, La Tú Cẩm, Lương Chính Đại, Tề Quốc Nho và Dương Phương Hưng cũng dâng lên tấu chương, bày tỏ nỗi lòng, hy vọng Hoàng Thái Cực sẽ thuận theo ý trời, hoà hợp lòng dân, nhận tôn hiệu, định quốc chính.
Vấn đề giữa tộc Mãn Châu và tộc Hán đều đã giải quyết, tiếp đến chỉ còn sót lại Mông Cổ.
Đảo mắt đã gần đến cuối năm, Tát Cáp Liêm bôn ba đây đó cuối cùng cũng bệnh liệt giường, không thể đi lại. Nhưng dưới sự đề ra của hắn, chư Bối lặc đều bắt đầu bận rộn tự mình viết lời thề lên sổ gấp để biểu trưng lòng trung thành của bản thân.
Hai mươi sáu tháng mười hai, vào lúc mọi người đang bận rộn dâng lời thề, đầy tớ Lãnh Tăng Cơ tố cáo Mãng Cổ Nhĩ Thái và Đức Cách Loại khi còn sống đã cấu kết với nhóm người của Mãng Cổ Tế hòng mưu phản.
Sau đó Hoàng Thái Cực ra lệnh tra rõ, quả nhiên đã lục soát được trong nhà của Mãng Cổ Nhĩ Tháo có mười thẻ tín bài, trên khắc “Kim quốc Hoàng đế chi ấn”. Chồng của Mãng Cổ Tế là Toả Nặc Mộc Đỗ Lăng thấy tình hình không ổn, liền chủ động đầu thú, biến mình từ kẻ đồng phạm thành “bằng chứng” cung cấp cho Lãnh Tăng Cơ tố giác, khai rằng từng cùng Mãng Cổ Tế thề với Mãng Cổ Nhĩ Thái, trước mặt thì nguyện trung với Đại Hãn, nhưng sau lưng trái lại thì giúp đỡ Mãng Cổ Nhĩ Thái.
Nhân chứng vật chứng đều có đủ, không ai không tin.
Cả nước trở nên xôn xao.
Văn võ cả triều biết rõ Mãng Cổ Nhĩ Thái và Đức Cách Loại đột ngột chết đi, chứng cứ hiện giờ chẳng qua cũng chỉ là “chết không đối chứng”, không ai dám ra mặt lên tiếng dù chỉ một câu, chỉ im lặng nhìn đám con cháu của Phú Sát thị Cổn Đại lần lượt sa lưới, chắc hẳn bọn họ cũng cảm thấy một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ, hồi hộp và sợ hãi.
Với lòng dạ và tâm kế của Hoàng Thái Cực muốn mượn chuyện của mình dẫn dắt mọi người sang một hướng khác để giết chết một hai người, thật là quá dễ dàng.
Chọn thời điểm mọi người đang chuẩn bị phát lời thề để thực hiện, cuối cùng cũng gợi lên được hiệu quả của việc giết gà doạ khỉ.
Mọi người ai cũng kinh sợ mà thành khẩn viết lời thề, không dám lỗ mãng qua loa nữa.
Nếu nói trước kia tôi vừa yêu vừa xót Hoàng Thái Cực thì đến bây giờ, chẳng biết tình cảm đó từ khi nào đã chuyển thành kính sợ.
Mãi cho đến giờ khắc này tôi mới thật sự nhận thức được Thanh Thái Tông đáng sợ đến nhường nào.
Nếu… nếu không phải vì tôi, vậy Đại Thiện sẽ ra sao?
Chỉ sợ vận mệnh của Đại Thiện còn thảm hại hơn kết cục của đám người Mãng Cổ Tế!
Tội mưu nghịch của Mãng Cổ Tế nhanh chóng được định xuống, vị Tam Cách cách ngang ngược và kiêu ngạo cuối cùng lại dấn vào một con đường không thể quay đầu với thân phận một thường dân.
Cùng bị xử tử còn có ba người con của Mãng Cổ Nhĩ Thái, người con trai của Phú Sát thị Cổn Đại với chồng trước, cũng chính là anh trai cùng mẹ khác cha với Mãng Cổ Nhĩ Thái là Ngang A Lạp, người con thứ mười sáu của Cổn Đại với Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Phí Dương Cổ, cùng với hơn một ngàn tướng sĩ Chính Lam kỳ.
Máu tươi tràn ngập bầu trời thành Thượng Kinh, đây là một cuộc đấu đá chính trị tàn khốc nhất từ lúc Đại Kim lập quốc tới này, cũng là thủ đoạn phải thi hành nhằm quét đường chuẩn bị bước lên vương vị của Hoàng Thái Cực.
Binh quyền của Chính Lam kỳ vì thế đã chính thức nằm trong tay Hoàng Thái Cực.
Hai mươi tám tháng mười hai, sau khi Hoàng Thái Cực xem hết lời thề mới hạ chỉ nói: “Đại Bối Lặc đã tuổi cao, có thể miễn thề. Tát Cáp Liêm thì tạm gác lại lời thề, đợi lành bệnh hẵng tiếp tục. Chư Bối lặc còn lại, không cần phải viết câu gì mà ‘Tuyệt đối không làm chuyện phản nghịch’, chỉ cần viết ‘Từ nay về sau, có lòng trung thành, nỗ lực làm việc, có việc quan trọng cần bàn bạc, chớ cấu kết với quan viên nhàn rỗi và kẻ ti tiện bỉ ổi’, lấy lời đó thề là được. Nếu lật lọng, nói không giữ lời, không quan tâm đến quốc gia ắt sẽ bị trời phạt. Mãng Cổ Nhĩ Thái và Đức Cách Loại là những kẻ tà nghịch, trời đã trừng phạt, có thể lấy mà làm gương. Nếu chư vị Bối lặc bằng mặt không bằng lòng, nảy sinh suy nghĩ dối gian, ắt cũng có lúc bị khiển trách!”.
Đại Thiện nhất quyết không muốn nhận miễn thề, vì thế vào buổi trưa hôm ấy, mọi người đều tề tụ đông đủ, thắp hương thề thốt.
Tôi lặng lẽ tránh cách đó không xa nhìn trộm, chỉ thấy một loạt thần tử đang quỳ trong màn tuyết trắng xoá.
Đại Thiện dẫn đầu quỳ gối phía trước, nhìn trời thề: “Đại Thiện thề với trời đất, từ nay về sau, nếu không thể giữ vững lòng trung thành, tận tâm tận lực, hoặc lời nói và hành vi mưu nghịch gây rối như Mãng Cổ Nhĩ Thái và Đức Cách Loại, ắt sẽ bị trời đất khiển trách, khiến Đại Thiện không được chết tử tế. Nếu con cháu có mưu đồ gây rối quốc gia như Mãng Cổ Nhĩ Thái và Đức Cách Loại, tuy Đại Thiện đã nghe nhưng không báo với Đại Hãn, Đại Thiện cũng không được chết tử tế. Phàm là chuyện quan trọng cơ mật đã bàn bạc với Đại Hãn, nếu nói lại với thê thiếp hay người ngoài thì cũng sẽ bị trời đất khiển trách, khiến Đại Thiện không được chết tử tế… Đại Thiện nhất định sẽ dốc hết công sức, nguyện trung thành với bề trên!”.
Lời thề của chàng thản nhiên ngân vang trong không khí lạnh buốt, vẻ bất lực cùng bi ai của năm tháng bể dâu nay đã khắc lên trên khuôn mặt tái nhợt và tiều tuỵ ấy. Hai mắt chàng trống rỗng mà mênh mông, đã không còn tìm thấy dấu vết trong veo khi đó nữa. Người thiếu niên lạnh nhạt và ôn hoà vẫn luôn tồn tại trong kí ức của tôi đã lặng lẽ đi mất, còn sót lại trước mắt, chỉ là một cái xác vô hồn mà thôi.
Nước mắt thấm ướt cổ áo, từng giọt đều là đau lòng.
Tôi đã phụ chàng ấy quá nhiều rồi, đã khiến chàng ấy mệt nhọc cả đời rồi!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.