Độc Bộ Thiên Hạ - Thanh Xuyên Hoàng Thái Cực

Chương 45: Bỏ trốn




Mồng mười tháng Giêng, không chỉ Đa Nhĩ Cổn và Hào Cách cùng dẫn quân cánh tả đại thắng, từ dãy Trường Sơn đi đến Nam Hán để hội hợp mà cả đám người Đỗ Độ, Khổng Hữu Đức, Thượng Khả Hỉ và Cảnh Trọng Minh cũng chuyển xe pháo và lương thực đến gộp lại với đại quân.
Sức mạnh của quân Thanh càng tăng lên, Hoàng Thái Cực sai người dựng đại pháo Hồng Di, không ngừng bắn phá vào thành Nam Hán Sơn, đám người Lý Tông bị nhốt bên trong, không đủ lương thực, chẳng biết làm sao đành sai sứ giả tiến đến trình thư hàm của Quốc vương.
Sự ngoan cố đều đã không còn, khuất phục gọi Hoàng Thái Cực là “Hoàng đế”, có thể thấy Lý Tông cũng đã thừa nhận việc xưng đế của Hoàng Thái Cực, chỉ là trong thư vẫn chưa nói lời đầu hàng.
Bởi vì cơ thể tôi yếu ớt, nghe theo lời thầy thuốc nhất định phải ở trên giường nghỉ ngơi điều dưỡng, vì lo cho thai nhi trong bụng, tôi không dám làm điều xằng bậy, Hàn Ứng Khuê bảo tôi làm gì tôi đều làm nấy, không hề cãi lại, chỉ cầu trời cao thương xót, có thể cho tôi may mắn bảo vệ đứa bé không dễ có được này…
Nhưng cuộc sống trong quân gian khổ, người thường khó tưởng tượng được. Sinh hoạt hằng ngày của tôi không thể để cho đám đàn ông thị vệ hay Hàn Ứng Khê đó hầu hạ được, mà Hoàng Thái Cực lại bận rộn việc quân, dù chàng lo cho sức khoẻ của tôi, có lòng săn sóc nhưng cũng chẳng có thời gian rảnh rỗi.
Tôi vuốt ve cái bụng bằng phẳng đã có chút nhô ra, cảm giác như bản thân béo lên, đã có thêm một cái bụng nữa rồi. Tôi vui mừng, nằm trên giường có nề nếp được mấy ngày chợt nghe thấy đám người Đa Nhĩ Cổn vâng lệnh dẫn khoảng ba vạn quân quân cánh tả cùng với hơn tám mươi thuyền chiến lớn nhỏ tấn công đến đảo Giang Hoa.
Đa Nhĩ Cổn quả nhiên rất dũng mãnh, ngày mười tám khi mặt trời vừa ló cho đến ngày hai mươi đã tới được bến đảo Giang Hoa, vẻn vẹn chỉ một ngày đã có tin chiến thắng truyền về, quân Thanh đã chiếm được đảo Giang Hoa, bắt được một Vương phi, hai Vương tử, một Các thần* một Thị lang cùng với vô số vợ con gia quyến của đám quần thần.
*Bầy tôi trong nội các, hay gọi là Đại học sĩ.
Hoàng Thái Cực cố ý muốn chấm dứt chiến tranh thật nhanh quả thật chẳng từ thủ đoạn nào, tàn nhẫn dùng đám nữ quyến ấy làm công cụ ép buộc đám người Lý Tông phải đầu hàng.
Lý Tông và văn võ bá quan không tin, ngày hai mươi sáu, đám sứ thần Hồng Thuỵ Phượng của Triều Tiên ra khỏi thành tới doanh trại của quân Thanh trả thư, Hoàng Thái Cực lệnh cho Anh Nga Nhĩ Đại nhận lá thư viết tay của đại quân Triều Tiên. Hồng Thuỵ Phượng kinh hãi, ngày thứ hai trở về thành, chưa được nửa đã nghe thấy trên thành Nam Hán Sơn thoáng truyền ra tiếng gáo khóc thê lương thảm thiết.
Tiếng khóc làm hỗn loạn lòng người, đặc biệt đến nửa đêm càng rõ ràng hơn, thôi thúc lòng người đứt ruột đứt gan theo. Đêm ấy tôi gặp ác mộng hoảng sợ liên tục giãy giụa, Hoàng Thái Cực ôm chặt tôi không ngừng nhỏ nhẹ dỗ dành, lúc bấy giờ tôi ướt đẫm mồ hôi mới vô thức thiếp đi.
Hôm sau tỉnh giác, cảm giác dưới thân ẩm ướt lạ thường, tôi run bần bật sờ vào thử, trên đầu ngón tay đã nhuộm một màu đỏ sẫm. Tôi tối tăm mặt mày, nghiến chặt răng rồi ngã ra bất tỉnh nhân sự.
“Du Nhiên… Du Nhiên…”.
“Nương nương! Tỉnh dậy đi… Hoàng thượng, nếu nương nương vẫn hôm mê không tỉnh lại như thế, e là sẽ gây hại không ít với thai nhi trong bụng… tiểu nhân bất tài, chỉ sợ không giữ được…”.
Trong lúc mê man tôi liền run rẩy, kích động gượng mở mí mắt, choáng váng rên rỉ đầy yếu ớt: “Xin chàng… bảo vệ… con của em…”.
“Du Nhiên!”. Hoàng Thái Cực điên cuồng kêu gào, vẻ mặt tràn đầy đau đớn, “Nàng quan trọng hơn đứa bé…”.
“Không…”. Tôi lã chã rơi lệ, nghẹn ngào nói, “Em muốn con chúng mình…”. Tôi run rẩy túm lấy ống tay áo của chàng, nỗi đau đớn tê dại từ từ dâng lên tận đáy lòng, “Em đã mong chờ biết bao lâu… chàng biết rõ em đã mong nó biết bao lâu… em muốn đứa bé này!”. Tôi đau thương khôn xiết, nước mắt giàn giụa nhìn chàng, “Em muốn đứa bé này…”.
“Được!”. Chàng hít một hơi, giọng đầy nghẹn ngào, không nén nổi bi thương ôm tôi vào trong lòng, “Chúng ta đã có đứa bé này rồi! Dù có mất hết tất cả ta cũng sẽ bảo vệ mẹ con nàng… vì nàng, trong thiên hạ này không có chuyện gì mà Hoàng Thái Cực ta không làm được!”.
Vào lúc này, Quốc vương Lý Tông của Triều Tiên trình thư đầu hàng, xưng Hoàng Thái Cực là Hoàng đế, còn Triều Tiên là tiểu bang, bản thân là bề tôi.
Hoàng Thái Cực ra sắc dụ với Lý Tông, đề ra tổng cộng mười bảy điều kiện để chấp nhận lời đầu hàng.
Cơ thể tôi ngày càng sa sút, điều kiện chữa bệnh trong quân quá kém, nhóm quân y khi rời đi chỉ mang theo một ít thảo dược phòng để chữa trị mấy vết thương ngoài, với tình trạng thai khí không ổn định, liên tục xuất huyết như tôi thì dù Hàn Ứng Khê có là thầy thuốc chuyên phụ khoa đi nữa thì cũng không có thuốc nào giữ nổi thai.
Tôi không rõ Hàn Ứng Khê đã nói gì với Hoàng Thái Cực, chỉ là hai ngày này sắc mặt Hoàng Thái Cực càng khó coi, mỗi lần gặp tôi, ánh mắt chàng đều toát lên vẻ đau đớn đến tuyệt vọng và bất lực, ánh mắt như thế làm lòng tôi lạnh đi, như sống không bằng chết.
Ngày ba mười, giờ Thìn, Lý Tông cởi long bào, mặc bộ đồ xanh, dẫn dắt quần thần ra khỏi cổng Tây đi đến đàn đầu hàng ở Tam Điền Độ ở bờ Đông sông Hán, dâng sắc ấn do nhà Minh ban tặng.
Tôi yếu ớt ngồi trên chiếc ghế dựa mềm mại phía sau Hoàng Thái Cực, toàn thân khoác một chiếc áo lông chồn trắng muốt, dưới cơn gió lạnh đang thét gào, Lý Tông run rẩy dẫn theo ba đứa con của mình, bưng sắc ấn đi từng bước đến đàn đầu hàng.
Đàn tế có chín bậc thang, Hoàng Thái Cực ngồi đưa mặt về phía Nam, ô vàng đều giương mở; cờ lớn cùng binh giáp; mấy vạn tinh binh giàn trận vây quanh; tiếng nhạc cổ vũ vang dội khắp chốn.
Anh Nga Nhĩ Đại ở trước làm người dẫn đường cho vua tôi Triều Tiên, dẫn đến phía ngoài đàn tế, quần thần làm lễ ba quỳ chín khấu, lát sau lại dẫn đến dưới đàn, tiếp tục ba quỳ chín khấu, Hoàng Thái Cực ngồi ở trên cười lạnh một tiếng: “Du Nhiên, nàng nhìn kìa, lúc này coi hắn ta có ngạo mạn nổi nữa không?”.
Tôi biết chàng đang nhắc đến chuyện nhục nhã trong lễ đăng cơ, hiện giờ cẩn thận ngẫm lại, không khỏi thổn thức cảm khái. Sứ thần bất khuất kết quả cũng đổi lấy sự nhục nhã của quân vương, không biết lúc này trong lòng Lý Tông có cảm giác như thế nào.
Dưới sự dẫn dắt của Anh Nga Nhĩ Đại, cha con Lý Tông chậm rãi bước lên bậc thang, tôi thấy vẻ mặt hắn ta hốc hác nhợt nhạt, tấm áo xanh bị gió thổi tốc bay góc bào càng toát lên một vẻ thảm đạm khiến người ta cảm thấy quạnh hiu.
Hoàng Thái Cực lệnh cho Lý Tông ngồi bên trái, sau đó là mấy vị Hoà Thạc thân vương, Đa La quận vương, Đa La Bối lặc của Đại Thanh, bên dưới nữa là tới người con trai lớn cả của Lý Tông. Phía bên phải cũng là Hoà Thạc thân vương, Đa La quận vương, Đa La Bối lặc ngồi theo thứ tự, tiếp sau đó là con trai thứ hai và thứ ba của Lý Tông, sau nữa là các vương của Mông Cổ. Đại thần Triều Tiên ngồi ở xó Đông trên đàn tế, bề tôi bị bắt ở đảo Giang Hoa thì ngồi ở xó Tây dưới đàn.
Không bao lâu sau bắt đầu mở tiệc, trong buổi tiệc biểu diễn kỹ thuật bắn cung. Tôi ngồi sau Hoàng Thái Cực, vẫn luôn cảm thấy bên trái có một ánh mắt lạnh thấu xương cứ dán vào người mình, nhưng mỗi lần ngẩng đầu lên nhìn, ánh mắt đó lại lập tức mất tăm không dấu vết.
Đến khi tiệc xong, Hoàng Thái Cực lệnh cho Anh Nga Nhĩ Đại ban thưởng một bộ áo bào từ lông chồn đen, một con ngựa trắng có yên được chạm khắc hoa văn, lại thưởng áo bào da chồn cho đám thế tử và đại thần. Sau khi ban thưởng xong xuôi, lại hạ lệnh để vua tôi Triều Tiên được gặp lại thê thiếp bị bắt của mình, trong chốc lát, người thân gặp lại nhau trên đàn tế, ai nấy đều khóc lóc.
Tiếng khóc thê lương, tôi nghe thấy cũng chua xót muốn rơi lệ theo. Nhưng vào lúc này, sau khi Hoàng Thái Cực bật dậy nói nhỏ vào tai của hai người Anh Nga Nhĩ Đại và Mã Phúc Tháp thì xoay người bước về phía tôi.
Tôi giương mắt nhìn chàng đầy kinh ngạc, chàng mỉm cười, cúi đầu ôm tôi vào trong lòng: “Du Nhiên… ta đưa nàng về nhà nhé!”.
“Về nhà?”.
“Ừ, về nhà… con cũng sẽ về cùng chúng ta!”.
Mồng một tháng hai năm Sùng Đức thứ hai, Hoàng Thái Cực thu hoạch được cả người, thú lẫn của cải của đảo Giang Hoa, thưởng cho tướng lĩnh của các kỳ, đồng thời tuyên bố quân chủ lực của nhà Thanh sẽ khải hoàn trở về.
Mồng hai tháng hai, quân Đại Thanh chia thành bốn tuyến, một tuyến dẫn theo vợ chồng thế tử Triều Tiên làm con tin và cả những người thân thuộc rút lui khỏi đường lớn; một tuyến băng qua Thiết Lĩnh, rời khỏi đường Hàm Kính và lùi đến bến sông Mãn; một tuyến từ bên phải đường núi Kinh Kì đi đến đường Bình An, thành Xương và Bích Đồng… vượt sông Áp Lục rồi rút khỏi thượng du; một tuyến sẽ đi thuyền từ Hán Giang ra biển, đoạt lấy thuyền bè ven biển dưới sự dẫn dắt của Thạc Thác, Khổng Hữu Đức, Cảnh Trọng Minh…, bọn họ cùng dẫn đầu sư thuyền của Triều Tiên mang theo đại pháo Hồng Di rồi tấn công đến đảo Bì.
Vì để mau chóng về Thịnh Kinh, Hoàng Thái Cực đã đặc biệt lệnh cho Đa Nhĩ Cổ và Đỗ Độ dẫn đại quân Mãn, Mông, Hán cùng với những người bị bắt đi chậm phía sau, còn chàng với tôi thì thúc ngựa không dừng vó trở về nhà dưới sự bảo hộ của thị vệ Chính Hoàng kỳ.
Về nhà… một lựa chọn gấp gáp đến nhường nào!
Điều này đồng nghĩa với việc Hoàng Thái Cực sẽ đành phải từ bỏ những lợi ích có thể đạt được từ lần xuất chinh này, là một Hoàng đế đích thân tới tuyến đầu làm gương cho binh sĩ nhưng vào thời điểm thắng lợi cuối cùng lại không có trách nhiệm mà giao một đống tình hình rối rắm cho Đa Nhĩ Cổn – người em trai mà chàng yêu thương nhất, đồng thời cũng là đối thủ mà chàng luôn phòng bị!
Vì tôi, chàng không thể không giao hết mọi quyền xử lý cho Đa Nhĩ Cổn! Thậm chí còn bất chấp chẳng màn đến việc đánh chiếm đảo Bì quan trọng đó, không chút ngần ngại rút khỏi biên giới Triều Tiên!
Tất cả những việc này, chỉ vì tôi… chỉ vì tôi!
“Xin lỗi…”.
“Nàng có gì phải xin lỗi ta?”. Chàng cười, nơi khoé mắt khi cười lên lộ ra những nếp nhăn nhạt, càng toát lên vẻ tang thương và chín chắn.
Tôi vuốt ve khoé mắt chàng, đôi mắt cay xoè: “Là em làm liên luỵ tới chàng…”.
Chàng bình tĩnh nhìn tôi, trong mắt dần hiện lên tình cảm dịu dàng: “Nàng chưa bao giờ liên luỵ ta điều gì cả, là ta nợ nàng quá nhiều”.
“Hoàng Thái Cực…”.
“Có”.
“Cầu xin chàng một chuyện”.
“Được”.
“Dân chúng Triều Tiên vô tội, coi như là chàng tích phúc cho đứa bé, đừng để binh lính cướp bóc quấy phá dân chúng nữa nhé”.
Chàng bỗng cúi đầu, đưa môi hôn lên trán tôi, thở dài: “Được! Du Nhiên của chúng ta hiền lành nhất, trời cao chắc chắn sẽ phù hộ đứa bé này. Mọi tội danh giết chóc cứ để một mình ta gánh là được, nếu ông trời có trách phạt chỉ cần giáng tội lên một mình Hoàng Thái Cực ta…”.
Tôi lập tức che miệng chàng, run rẩy nói: “Đừng nói bậy… chúng ta là vợ chồng đồng lòng, phúc cùng hưởng, hoạ cùng chia, đời này kiếp này, không xa không rời!”.
Mồng bốn hôm đó, trên đường trở về, Hoàng Thái Cực đã lập tức hạ thánh chỉ truyền đến cho tướng lĩnh các tuyến quân: “Binh lính các ngươi dù là người Mãn Châu, Mông Cổ hay người Hán đều bị cấm cướp bóc của dân chúng đầu hàng, kẻ không tuân theo sẽ bị các quan võ, kỵ binh dũng mãnh, Lĩnh thôi* trừng phạt. Kẻ cướp bóc sẽ bị xử phạt nặng nề, kẻ cầm đầu sẽ bị chém đầu thị chúng”.
*Các chức quan võ dự khuyết trong cơ cấu Bát Kỳ Tá lĩnh, không có phẩm trật, số lượng hay thay đổi theo thời kỳ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.