Đông Quân – Cửu Yến

Chương 1:




Mùa xuân năm nay dường như đến rất muộn, đã tháng Ba rồi mà nhân gian vẫn chìm trong cảnh băng giá ngàn dặm.
Con người dưới cõi trần chịu đựng đến tháng Sáu, mới chờ được đến lúc tuyết tan, nhưng ngay sau đó lại bất ngờ không kịp đề phòng mà vào hạ luôn.
Sang năm thứ hai, năm thứ ba cũng vẫn vậy.
Lúc này con người mới hậu tri hậu giác nhận ra, thần mùa xuân hình như không muốn quan tâm đến nhân gian nữa, vì thế rối rít đốt hương lên, thông qua làn hương khói bay lên bầu trời mà truyền đạt thỉnh cầu của bản thân.
Sau lần thứ ba thiên địa gặp kiếp nạn, thông linh trận bị phá hủy, vì thế bận rộn nhất phải kể đến là tộc Tam Thanh.
Tam Thanh tức chim Tam Thanh*, là sứ giả đưa tin mà Tây Vương Mẫu nuôi, bọn chúng có tốc độ bay cực nhanh, huyết mạch đặc thù có thể khiến chúng xuyên qua tất cả bình phong ngăn trở, hoàn toàn không gặp trở ngại gì trong Lục giới.
*gốc 三青鸟 Tam Thanh Điểu: Theo người xưa thì Tam Thanh Điểu linh vật của Tây Vương Mẫu dùng để truyền tin hoặc báo hiệu sự giáng lâm của bà. Tam Thanh Điểu có thể phát sáng vào ban đêm, giọng hót của tam thanh điểu vừa thanh thót vừa rúng động lòng người, tiền thân của Tam Thanh Điểu chính là phượng hoạng ban đầu là ác điểu sau đó từ từ thay đổi trở thành vật cát tường. Tam Thanh Điểu đầu đỏ mắt đen gồm có 3: Đại Li, Tiểu Li và một con là Thanh Điểu.
Đến nay, chỉ cần là chim Tam Thanh đã mở linh trí thì đều ít nhiều được phân công đi làm việc.
Và thế là, một con Tam Thanh còn chưa mọc lông đuôi đeo trên người một túi vải chứa gần mười phong thư, cứ vậy xuất hiện trên Đông Hải. Có lẽ do túi vải quá nặng, mỗi khi bay lên được ba trượng* là nó lại rơi xuống một đoạn, sau đó sẽ gắng sức vỗ đôi cánh nhỏ tiếp tục bay về phía trước.
*một trượng khoảng 3.33 mét, ba trượng khoảng 9.99 mét
Chặng đường vốn chỉ mất nửa ngày, nhưng do trên biển bỗng xuất hiện sương mù làm chim Tam Thanh bị mất phương hướng, cuối cùng chuyến đi kéo dài suốt tận ba ngày.
Đợi đến khi nó theo mùi hương trên thư giấy bay ra khỏi lớp sương mù dày đặc thì mới phát hiện mình đã đi tới ranh giới chốn Bồng Lai.
Mặt biển vốn gió êm sóng lặng giờ phút này lại dậy sóng, màu biển tối như mực, bên trong ẩn chứa một sức mạnh khiến nó sợ hãi.
“Kẻ nào tự tiện xông vào Bồng Lai?” Thanh âm tựa sấm chợt vang lên, con Tam Thanh này vốn vẫn chỉ là chim non, chưa từng thấy cảnh đời, bị dọa đến quên cả bay, rơi thẳng xuống dưới.
Lúc này bỗng có một bàn tay thon dài đưa ra, vững vàng đỡ lấy nó, hơi thở giống với mùi hương trên thư giấy truyền tới, rất ôn hòa.
Chim Tam Thanh cố nén sợ hãi với vật ẩn núp dưới mặt biển kia, lén ngước mắt lên, đối diện với một đôi mắt dịu dàng quyến luyến. Nó cảm giác được vị kia đang dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng vuốt lông chim bị xù lên của mình, lấy dũng khí nói nhỏ: “Thần quân Thần quân, ngài có thư.”
Nó chỉ cảm thấy cổ nhẹ bẫng, nhìn đôi mày đẹp đẽ kia hơi nhíu lại dưới ánh chớp tiếng sấm, nghe vị Thần quân không biết tên họ kia thở dài một tiếng, một bàn tay khác xách túi vải vốn treo trên người nó: “Còn nhỏ thế này sao đã đi đưa thư rồi?”
Nhóc Tam Thanh tròn đến nỗi không tìm thấy cổ đâu kiêu ngạo ưỡn ngực lên: “Có nhỏ hơn nữa thì cũng có thể đi đưa thư được.”
Nó nhìn ống tay áo Thần quân kia vung lên, một phong thư bay ra khỏi túi vải, mở ra trôi lơ lửng trước mặt bọn họ.
Nhóc Tam thanh vểnh mông vùi đầu vào lòng bàn tay Thần quân, tự giác không nhìn tin tức trong thư. Vị Thần quân kia nhét nó vào trong vạt áo, gảy nhẹ mỏ nó một cái, giọng nói bất đắc dĩ: “Đây là thư thần mùa hạ Chúc Dung viết cho thần mùa thu Nhục Thu, toàn bộ trong đó đều là mắng thần mùa xuân không rõ tung tích. Nhưng ngươi bay ngược hướng rồi, nơi này là Bồng lai, mà thần mùa thu ở phía Tây.”
Nhóc Tam thanh bỗng chốc ỉu xìu, vừa dè dặt hỏi danh hiệu của hắn vừa nghĩ trong đầu: Xong rồi xong rồi xong rồi, lần đầu đi đưa thư mà lại sai mất rồi.
Kết quả Thần quân kia dịu dàng nói: “Ta chính là thần mùa xuân mà bọn họ mắng.”
Nhóc Tam thanh: …
Nó chỉ cảm thấy hai mắt tối sầm lại, thanh danh của chim Tam Thanh sợ rằng bị nó làm hỏng rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.