Đừng Nhắc Em Nhớ Lại

Chương 2:




Tôi chỉ không ngờ sau này lại biến thành một màn hài kịch.
Tô Duyệt Sinh có việc phải đi Mỹ một chuyến, trước lúc đi còn cố tình hẹn tôi ăn cơm. Tôi đã mấy tháng không gặp anh ta, được gọi thì vừa mừng vừa lo, vội vàng thay quần áo rồi trang điểm chỉn chu để tới chỗ hẹn.
Lúc đang ăn Tô Duyệt Sinh cẩn thận giới thiệu tôi và Hướng Tịnh. Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn trắng trẻo, mềm mại như không xương của cô ấy, buột miệng nói: “Nghe danh đã lâu! Nghe danh đã lâu!”
Hướng Tịnh là một cô gái dịu dàng ít nói, thẹn quá chỉ cười. Tô Duyệt Sinh lườm tôi: “Nói vớ vẩn gì đấy?”
Tôi ngồi ngay ngắn, Tô đại thiếu gia gửi gắm Hướng Tịnh cho tôi, anh nói: “Nửa tháng nữa anh mới về, em ở đây để ý Tịnh Tịnh nhiều một chút.”
Tôi vỗ bàn đáp: “Không vấn đề!”
Hướng Tịnh chỉ cười nhẹ nhàng, Tô Duyệt Sinh lại cẩn thận dặn dò cô ấy không được ăn cay, không lại dễ đau dạ dày, rồi nếu có chuyện gì quan trọng phải gọi điện cho anh.
Mỹ nhân như ngọc, tôi cũng thích.
Tô Duyệt Sinh vừa đi tôi liền thành siêu bảo mẫu, sai người mỗi ngày đưa cơm canh đầy tình yêu đến trường, tránh cho cô ấy ăn phải đồ lạ bên ngoài. Mỗi cuối tuần đều điều xe đưa cô về nhà, thi thoảng Hướng Tịnh cũng nhắn tin cho tôi, phần lớn nội dung đều là: “Chị Trâu, em rất khỏe, vì luôn phải đi học nên không ra ngoài nhiều. Gần đây cũng không đau dạ dày, cơm canh và đồ ăn vặt chị gửi tới em đã nhận được rồi, cảm ơn chị!”
Tôi còn tưởng sẽ bình yên như vậy tới khi Tô Duyệt Sinh về, kết quả có ngày tôi còn chưa ngủ dậy thì đã có điện thoại Triệu Quân bắn tin: “Thất Xảo, bà Tô sắp đến, chuyến bay chiều nay, em phải đề phòng một chút.”
Tôi lập tức sợ tới mức tỉnh cả ngủ, vội bò dậy, hỏi: “Bà ta tới làm gì?”
Kỳ lạ là Triệu Quân ngừng một lát, xong mới nói cho tôi: “Em không biết? Trình Tử Lương đã về nước.”
Hình như tôi ngẩn người rất lâu, sau một hồi mới nghe thấy tiếng cười khô khốc của mình: “Thế à, vậy em phải tránh đi thôi.”
Trên thế gian này có vài người tôi không thể gặp, một là bà Tô, hai là Trình Tử Lương. Nhất là Trình Tử Lương, vừa nghe thấy tên anh ta tôi đã muốn bỏ chạy trối chết.
Mà trên thực tế tôi cũng chạy mất dạng, tôi nhanh chóng gấp đồ lên núi. Ban đầu nhà A Mãn ở nông thôn, sau này anh ta mới xây cho cha mẹ căn nhà ở trong núi. Đằng trước là sông trong vắt, đằng sau là núi xanh tươi, trong vườn trồng đầy nhãn và tỳ bà, đẹp không sao kể hết.
Trước đó tôi cũng từng vào núi với A Mãn, hái quả tỳ bà đầy vườn, chở cả thùng rau quả tươi về thành phố. Ở đó là thiên đường nên cứ có chuyện gì khó khăn là tôi lại trốn đến.
Tôi cũng không nói với A Mãn, tự mình đánh xe đi lên núi. Đang là mùa đẹp nhất trong năm, hai bên đường cao tốc là ruộng bậc thang, có người nông dân đang cày cấy, thi thoảng sẽ đi qua một hộ gia đình, trước nhà sau nhà đều là cây cối xanh um. Cả đường đi đều là phong cảnh đẹp, khắp nơi đều là màu xanh.
Ra khỏi đường cao tốc vẫn còn hai tiếng đường núi. Lúc tới nhà A Mãn thì trời đã là chiều muộn. Tôi nhìn làn khói lượn lờ ở hõm núi, lòng vui vẻ hẳn lên. Nhẹ nhàng điều khiển xe thể thao đi trên đường núi, mỗi lần cua gấp đều có chút phiêu. Đã nhiều năm rồi không có sự vui vẻ xa xỉ này, tuy đang chạy trốn nhưng trong quá trình chạy vẫn phải cố gắng làm mình vui vẻ một chút.
Cha mẹ A Mãn đều biết tôi, thấy tôi đến cũng không ngạc nhiên lắm. Thỉnh thoảng tôi cũng tự lái xe tới núi lấy rau quả. Họ đều là người đôn hậu, coi tôi như con nhà hàng xóm chứ hoàn toàn không phải là sếp của A Mãn mà lấy lòng. Vì tôi tới nên mẹ A Mãn vào vườn hái rau, nói là để xào với thịt cho tôi ăn. Tôi cùng bà rửa rau, sau đó nấu cơm.
Trong núi cực kỳ yên tĩnh, nhất là về đêm. Sao đầy trời xán lạn, ngẩng đầu là thấy. Chúng tôi ngồi trong sân buôn chuyện, mẹ A Mãn hái một đĩa to tỳ bà để tôi ăn, không ngừng chọn quả mềm cho tôi.
“A Mãn cũng sắp ba mươi rồi.” Bà hơi buồn phiền: “Mãi vẫn không thấy nó đưa bạn gái về. Trâu tiểu thư à, cô là lãnh đạo, lo giúp nó chút nhé.”
Suýt nữa tôi phun cả tỳ bà ra, khó khăn lắm mới nuốt xuống được, chỉ đành cười cười: “Được, được ạ. Cháu sẽ nghĩ cách giới thiệu cho anh ấy một cô gái tốt.”
Cả ngày bị gọi là Trâu tiểu thư, tổng giám đốc Trâu, đến A Mãn lúc khách sáo cũng gọi tôi một tiếng “chị Trâu”, tôi cũng quên béng đi thật ra tôi nhỏ tuổi hơn anh ta.
Buổi tối tôi ngủ rất sớm, cũng ngủ say đến kỳ lạ, chẳng mơ mộng gì hết. Sáng sớm, tôi bị tiếng chim chóc ríu rít trong khu rừng ở núi sau nhà đánh thức. Trời mới tờ mờ sáng, cửa sổ nhà A Mãn rất giản dị, chỉ là vải trắng thuần. Mẹ A Mãn là người chủ nhà cần cù, bà đã giặt nó sạch bong. Tôi nhìn qua rìa cửa sổ, thấy trời dần dần hửng sáng, tiếng chim cũng nhỏ dần, thay vào đó là con gà trống sau nhà cất tiếng, gáy ò ó o, đúng là một chiếc đồng hồ báo thức tốt gọi người ta rời giường.
Lúc Tô Duyệt Sinh gọi điện tới cho tôi, tôi đang hái đậu với mẹ A Mãn trong vườn rau. Mùa này đậu tằm ăn ngon nhất, xào lên vừa xốp vừa mềm, cho vào miệng như tan ra ngay. Thêm vài ngày nữa thì già mất, chỉ có thể bỏ thêm đồ gia vị để nấu thành đậu ngũ vị thôi. Tôi đang sung sướng hái đậu tằm vương sương sớm thì điện thoại kêu. Là điện thoại quốc tế của Tô Duyệt Sinh, tôi không dám không nghe. May mà công nghệ thông tin giờ phát triển, tín hiệu trong núi vẫn đầy ăm ắp, chất lượng cuộc gọi cực kỳ tốt. Tô Duyệt Sinh hỏi tôi đang ở đâu, tôi cũng không dám không nói thật.
Anh ta rất ngạc nhiên: “Một mình em chạy lên núi làm gì?”
Tôi thật thà nói với anh ấy: “Dì nhà anh đến, em nghĩ mình rảnh rỗi cũng không có việc gì làm nên vào núi hái chút rau cũng được.”Không thể gọi bà Tô là “bà Tô”, tôi nhớ rất rõ điều kiêng kị này.
Tô Duyệt Sinh chế nhạo tôi: “Hóa ra em chỉ có chút bản lĩnh đấy thôi à? Bà ta đã dọa em thành thế này?”
Tôi không hé răng. Tô Duyệt Sinh biết năm đó tôi đã chịu không ít khổ đau dưới tay bà ta, mà chuyện anh ta thích nhất chính là đối lập với mẹ kế của mình, đây cũng là lý do năm đó anh cứu tôi. Nếu không tôi đã thối rữa ở chỗ nào rồi. Người nhà họ Tô ai ai cũng kỳ quặc, xưa nay Tô Duyệt Sinh chưa từng thừa nhận bà Tô cũng là người nhà họ, nhưng bà Tô là người tôi cũng không chọc vào được.
Tôi báo cáo với Tô Duyệt Sinh rằng Hướng Tịnh rất tốt, tuy tôi đi vắng nhưng đã giao việc cho A Mãn. A Mãn làm thì chắc Tô Duyệt Sinh cũng yên tâm. Quả nhiên, anh ta rất hài lòng với sự sắp xếp của tôi vì anh không nói thêm lời nào nữa, chỉ bảo: “Khoảng thứ năm tuần sau anh mới về được.”
Tô Duyệt Sinh rất hiếm khi nói với người khác hành tung của mình, tôi nghe mà vừa vui vừa sợ, mất nửa giây sau mới hiểu ra, tất nhiên không phải anh muốn nói cho tôi, vậy là tôi vội vàng đáp: “Em sẽ nói với Hướng Tịnh.”
Dường như tâm trạng anh rất vui, còn nói thêm vài câu với tôi rồi mới cúp máy.
Tôi cứ tưởng mình còn ở được mấy ngày trong núi, ai ngờ đến chiều lại có chuyện, Hướng Tịnh bị taxi đâm ở ngay cổng trường. A Mãn gọi điện thoại báo, tôi lập tức lái xe chạy về thành phố.
Lúc về tới thành phố thì đúng giờ cao điểm. Thời tiết ngột ngạt, mây đen khắp trời, bao trùm cả thành phố như muốn vỡ ra thành rừng mưa nặng hạt. Có lẽ sẽ mưa một trận to. Mới sáu bảy giờ mà trời âm u như nửa đêm. Xe bật đèn sáng trưng, nhích lên từng chút một. Trên chiếc cầu vượt là một nhánh sông ngoằn nghèo.
Tôi đi xe mui trần, khói xe cũng hít nhiều hơn so với người khác, lại lo trời mưa nên cả đường cứ thấp tha thấp thỏm. Khó khăn lắm mới chạy được đến bệnh viện thì ga-ra dưới lòng đất đã đầy ắp, không còn chỗ đỗ xe. Tôi nài nỉ bảo vệ một hồi lâu, cuối cùng anh ta mới để tôi đỗ trộm vào khu đỗ xe của nhân viên, bác sỹ. Anh chỉ một chỗ rồi nói: “Đây là chỗ của xe chủ nhiệm, mấy ngày nay ông ấy đi họp nước ngoài nên mới tạm để cô đỗ một lát.”
Tôi nói cảm ơn liên hồi, sau đó chạy nhanh về khu cấp cứu.
Tô Duyệt Sinh từng nói khéo tôi, rằng tôi là cô gái duy nhất anh ta từng gặp mà có thể chạy như bay trên đôi cao gót chục phân. Tôi cười nói: “Người con gái đi đôi 10 phân ai cũng có thể chạy như bay, chẳng qua là họ phải giả vờ duyên dáng trước mặt anh mà thôi. Em không cần giả vờ, vì vậy anh mới thấy.”
Vừa vào khu cấp cứu liền thấy một đám bệnh nhân xếp hàng chờ thang máy, tôi nhìn độ dài của hàng, quyết định thôi tự mình leo cầu thang thoát hiểm vậy, dù sao cũng chỉ có bảy tầng.
Lúc leo đến tầng thứ hai thì chợt nghe “ầm” một tiếng, tia chớp gần như ở ngay bên cạnh, chiếu vào từ cửa sổ cầu thang làm tôi giật cả mình. Mưa bắt đầu rơi lộp độp. Trời đã tối đen từ lâu, tiếng sấm nối tiếp nhau vang lên. Nơi này vốn là lối thoát hiểm nên bình thường ít người qua lại, lúc này càng vắng vẻ, chỉ có mình tôi. Ở cầu thang xa xa mới có một cái đèn tự động bật bởi âm thanh. Do tiếng sấm đì đùng nên tất cả các đèn đều sáng rồi tắt, tắt rồi lại sáng. Các đèn được lắp ở chỗ rẽ, xa thật là xa. Ánh sáng đèn lại cực kỳ mờ nhạt làm tôi nhớ đến một bộ phim kinh dị. Tôi đè xuống sự sợ hãi trong lòng, bắt đầu hát. Lúc tôi sợ tôi đều hát, có lẽ là thói quen từ nhỏ. Ngày nhỏ mẹ tôi thường bận bịu chuyện ở thẩm mỹ viện, thường nhốt tôi một mình trong phòng, tôi ngủ tới nửa đêm tỉnh dậy, sợ gần chết, thế nên hay hát để chính mình ngủ tiếp. Hiện tại vẫn còn cái tật cũ, sợ sấm, cực kỳ sợ, vì vậy tôi hát.
Tôi không biết tôi hát sai nhịp sai lời những gì, leo cầu thang khiến tôi thở không ra hơi, hổn hà hổn hển, tất nhiên hát sẽ không hay. Lúc sắp leo đến tầng năm thì chợt thấy trên cầu thang có một người đang ngồi. Đúng lúc này tiếng sấm mất dần, đèn không sáng nữa. Tôi chỉ nhìn được một bóng mờ mờ trong tối, dường như là một người đang ngồi đấy. Tôi to gan ho một tiếng, đèn vẫn không sáng. Tôi vỗ tay vào nhau, đèn cũng không sáng, có lẽ cháy rồi. Đúng lúc này, bên ngoài có một tia chớp phá tan bóng đêm, trong giây phút cầu thang sáng lên bởi nó, dường như tôi nhìn thấy một khuôn mặt quen thuộc.
“Gió là em, mưa là em, gió mưa bão bùng đều là em.”
Ban đầu Trương Ái Linh viết về Hồ Lan Thành: “Anh ngồi một mình trên sô pha, trong phòng yên lặng như tờ, bên ngoài mưa gió bão bùng, đầy khắp núi đồi đều là ngày hôm nay.” Lúc đó tôi còn là một thiếu nữ văn vẻ, học thuộc lòng mấy câu này. Có hôm trời mưa to gió lớn, Trình Tử Lương ở sân bay, chuyến bay bị hủy. Hai chúng tôi cách nhau hơn một nghìn km, không thể gặp gỡ. Sau khi gọi điện lại nhắn tin, tôi đánh từng chữ này gửi sang, anh trả lời tin nhắn của tôi, chính là mười ba chữ này.
Tia chớp đã tắt từ lâu, tiếng sấm ầm ầm, đèn vẫn không chịu sáng như trước. Trên cầu thang là một mảng tối tăm. Tôi rất khinh thường chính mình, đều đã qua lâu thế rồi mà vẫn còn cảm thấy có người giống Trình Tử Lương. Lúc mới chia tay anh ấy, có lúc sẽ thấy trên đường có người cực kỳ giống anh, rồi tôi liền nhìn trộm thêm vài lần. Tình cảm thiếu nữ lãng mạn như thơ ca, huống chi là mối tình đầu.
Có người nói mối tình đầu khó quên, tôi nghĩ đây cũng là một kiểu như tình cảm chim non vậy. Lần đầu tiên yêu, đau là đau, thương là thương, ngọt là ngọt, chua là chua. Trên mạng có tấm ảnh rất nổi, một bà lão bán cam, bên cạnh bày một tấm biển có chữ xiêu vẹo, viết rằng: “Ngọt hơn tình đầu.”
Dân mạng đều cười, được mấy mối tình đầu chỉ thuần túy là ngọt?
Người đàn ông trông giống Trình Tử Lương này cũng khá kỳ quái, một mình ngồi ở cầu thang, lẽ nào có chuyện gì đau lòng? Nghe nói ở bệnh viện có rất nhiều người nhảy lầu. Cửa sổ đều được hàn hết lại, chỉ mở được một độ cực kỳ có hạn. Chẳng lẽ người này là bệnh nhân hoặc là người nhà, có chuyện luẩn quẩn trong lòng nên mới ngồi ở đây?
Tôi vừa nghĩ linh tinh vừa tiếp tục đi tới. Đang nghĩ không biết có nên lắm chuyện đi khuyên anh ta? Bước từng bậc một, lại leo mấy chục bước nữa là đến tầng bảy rồi.
Tôi lại bước lên một bậc, người nọ đột nhiên gọi một tiếng rõ ràng: “Thất Xảo?”
Tôi ngẩn người.
Ngoài cửa sổ sấm chớp lóe lên, tiếng mưa ào ào. Anh cũng đờ người nơi đó, không nhúc nhích.
Một lúc lâu sau anh mới nói: “Là em thật sao?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.