Đừng Nói Một Ai

Chương 24:





<tbody></tbody>
Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là Washington Square Park. Đúng là phải bốn giờ nữa tôi mới nên có mặt ở đó. Nhưng mặc cho những cuộc gọi khẩn cấp, hôm nay tôi nghỉ. Tự do như một chú chim, như Lynyrd Shynyrd sẽ hát - và chú chim này muốn bay xuống Washington Square Park.
Tôi đang trên đường ra khỏi phòng khám thì máy nhắn tin lại một lần nữa réo cái bài hát bi ai của nó. Tôi thở dài và xem số. Số di động Hester Crimstein. Và nó được đánh dấu khẩn cấp.
Không thể là tin tốt lành.
Trong một lúc, tôi cân nhắc không gọi lại - chỉ tiếp tục bay - nhưng có chuyện gì nhỉ? Tôi quay về phòng khám. Cửa đóng, và cái cần màu đỏ được gạt lên. Điều đó có nghĩa là một bác sĩ khác đang sử dụng phòng.
Tôi xuống cầu thang, rẽ trái và tìm thấy một phòng trống ở khu sản - phụ khoa của phòng khám. Tôi thấy mình như một tay trinh thám trong doanh trại kẻ thù. Căn phòng sáng lóa lên bởi quá nhiều kim loại. Được vây quanh bởi bàn đạp chân và những dụng cụ trông rất khiếp như từ thời trung cổ, tôi quay số điện thoại.
Hester Crimstein không buồn nói xin chào: “Beck, chúng ta gặp rắc rối lớn. Cậu đang ở đâu?”
“Tôi ở phòng khám. Có chuyện gì thế?”
“Trả lời cho tôi một câu hỏi,” Hester Crimstein nói. “Lần cuối cùng cậu gặp Rebecca Schayes là khi nào?”
Tim tôi bắt đầu thình thịch chầm chậm. “Hôm qua. Sao?”
“Và trước đó?”
“Cách đây tám năm.”
Crimstein buông một câu chửi thề.
“Chuyện gì thế?” tôi hỏi.
“Rebecca Schayes bị giết tối qua trong studio của cô ta. Kẻ nào đó đã bắn hai phát vào đầu cô ta.”
Cảm giác bị chìm đi, như giây phút trước khi bạn rơi vào giấc ngủ. Chân tôi run run. Tôi ngồi thụp xuống một cái ghế đẩu. “Ôi Chúa ơi...”
“Beck, nghe tôi nói này. Nghe thật kỹ.”
Tôi nhớ Rebecca ngày hôm qua trông như thế nào.
“Tối qua cậu ở đâu?”
Tôi bỏ điện thoại ra và hít vài hơi. Chết. Rebecca chết rồi. Kỳ quặc là tôi vẫn cứ nhìn thấy mái tóc đẹp óng lên của cô. Tôi nghĩ đến chồng cô. Tôi nghĩ đến đêm tối sẽ mang đến những gì, nằm trên giường, hồi tưởng mái tóc kia thường xõa trên gối như thế nào.
“Beck?”
“Ở nhà,” tôi nói. “Tôi ở nhà với Shauna.”
“Và sau đó?”
“Tôi đi dạo.”
“Ở đâu?”
“Quanh quanh.”
“Quanh quanh là đâu?”
Tôi không trả lời.
“Nghe tôi này, Beck, được không? Họ tìm thấy vũ khí giết người trong nhà cậu.”
Tôi nghe những lời đó, nhưng ý nghĩa của chúng gặp rắc rối trong quá trình chạy đến não tôi. Căn phòng đột nhiên trở nên ngột ngạt. Không có cửa sổ. Thật khó thở.
“Cậu nghe tôi chứ?”
“Có,” tôi nói. Rồi, hơi hơi hiểu ra, tôi nói, “Không thể thế được.”
“Nghe này, chúng ta không có thời giờ cho chuyện đó bây giờ. Cậu sắp bị bắt. Tôi đã nói chuyện với Phó phòng công tố quận. Lão ta là một thằng ngu, nhưng lão ta đồng ý để cậu tự thú.”
“Bị bắt?”
“Chịu khó một chút, Beck.”
“Tôi không làm gì cả.”
“Chuyện đó ngay giây phút này không quan trọng. Họ sẽ bắt giam cậu. Họ sẽ buộc tội cậu. Rồi chúng tôi sẽ bảo lãnh cho cậu ra. Tôi đang trên đường tới phòng khám đây. Để đón cậu. Ngồi yên đó. Đừng nói bất cứ điều gì với bất cứ ai, cậu nghe tôi chứ? Không nói với cảnh sát, với bọn FBI, với anh bạn mới quen trong phòng tạm giam. Cậu hiểu chứ?”
Ánh mắt tôi va vào cái đồng hồ trên bàn khám. Hai giờ hơn một chút. Washington Square. Tôi nghĩ đến Washington Square. “Tôi không thể bị bắt, Hester ạ.”
“Sẽ ổn thôi.”
“Bao lâu?” tôi nói.
“Cái gì bao lâu?”
“Đến khi tôi được bảo lãnh ra.”
“Không nói chắc được. Tôi nghĩ bảo lãnh ngay lập tức thì sẽ không có vấn đề gì. Cậu không có tiền án tiền sự. Cậu là một thanh niên đáng kính trọng trong cộng đồng, gia đình cơ bản và có các mối quan hệ. Cậu có lẽ sẽ phải nộp hộ chiếu...”
“Nhưng bao lâu?”
“Bao lâu cho đến lúc nào, Beck? Tôi không hiểu.”
“Cho đến khi tôi được ra ngoài.”
“Nghe này, tôi sẽ cố thúc họ, được chứ? Nhưng thậm chí nếu họ làm gấp - và tôi không nói họ sẽ thế - họ vẫn phải gửi dấu vân tay cậu đến Albany. Quy tắc là thế. Và nếu chúng ta may mắn - ý tôi là cực kỳ may mắn - chúng tôi có thể đưa cậu ra trước nửa đêm.”
Nửa đêm?
Nỗi sợ hãi quấn lấy ngực tôi như những đai thép. Ở tù có nghĩa là lỡ cuộc gặp tại Washington Square Park. Mối liên hệ của tôi với Elizabeth mỏng manh quá mức, như những sợi dây thủy tinh Venetian. Nếu tôi không có mặt tại Washington Square lúc năm giờ...
“Không được,” tôi nói.
“Sao cơ?”
“Bà phải trì hoãn họ lại, Hester. Để họ bắt tôi vào ngày mai.”
“Cậu đang đùa, phải không? Nghe này, họ có thể đã ở đó rồi đấy, đang theo dõi cậu.”
Tôi thò đầu ra khỏi cửa và nhìn xuống hành lang. Tôi chỉ có thể nhìn thấy một phần cái bàn lễ tân từ góc này, góc gần bên phải, nhưng thế là đủ.
Có hai cảnh sát, có thể nhiều hơn.
“Ôi Chúa ơi,” tôi nói, rút lại vào phòng.
“Beck?”
“Tôi không thể vào tù,” tôi nói lại một lần nữa. “Không phải hôm nay.”
“Đừng có làm tôi điên lên bây giờ, Beck, được chứ? Hãy chỉ ở yên đó. Đừng đi đâu, đừng nói chuyện, đừng làm bất cứ thứ gì. Ngồi tại văn phòng cậu và đợi. Tôi đang trên đường đến rồi.”
Bà ta gác máy.
Rebecca chết rồi. Họ nghĩ tôi giết cô. Dĩ nhiên là thật lố bịch, nhưng phải có một mối liên quan. Tôi đến gặp cô ngày hôm qua lần đầu tiên sau tám năm. Ngay đêm đó cô chết.
Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra ở đây thế này?
Tôi mở cửa và thò đầu ra. Cảnh sát đang không nhìn về phía tôi. Tôi lẻn ra và bắt đầu đi dọc hành lang. Có một lối ra khẩn cấp ở phía sau. Tôi có thể lẻn ra bằng lối đó. Tôi có thể đi đến Washington Square Park.
Chuyện này là thực ư? Tôi đang chạy trốn cảnh sát ư?
Tôi không biết. Nhưng khi đến cửa, tôi mạo hiểm nhìn lại phía sau. Một cảnh sát phát hiện được tôi. Anh ta chỉ tay rồi vội đi về phía tôi.
Tôi đẩy cửa mở và vắt chân lên cổ chạy.
Tôi không thể tin được chuyện này. Tôi đang chạy trốn cảnh sát.
Cửa ra sập mạnh vào một con phố tối đen ngay phía sau phòng khám. Phố này tôi không rành. Nghe có vẻ lạ nhưng khu này không thuộc về tôi. Tôi đến, tôi làm việc, tôi đi về. Tôi giam mình trong một không gian không cửa sổ, nhược người đi vì thiếu ánh nắng như con cú khắc khổ nào đó. Một khu nhà song song với chỗ tôi làm việc và tôi hoàn toàn xa lạ trong địa phận này.
Tôi rẽ phải không vì lý do cụ thể nào. Phía sau, tôi nghe tiếng cửa bị đẩy ra.
“Đứng lại! Cảnh sát đây!”
Họ thực sự hét lên thế. Tôi không đứng lại. Họ có bắn không nhỉ? Tôi ngờ là không. Họ chẳng dám đâu, nếu xét tới tất cả những hậu quả khi bắn một người không có vũ khí đang chạy trốn. Không phải là họ không thể làm vậy - ở đâu khác chứ trong khu này thì không - nhưng không chắc lắm đâu.
Không có nhiều người ở trong khu phố này lắm, nhưng những người ở đó chỉ hơi để ý tới tôi theo kiểu một tên đang chạy ngang qua, quan tâm hời hợt. Tôi tiếp tục chạy. Thế giới xung quanh băng qua trong một lớp mờ mờ. Tôi chạy hết tốc lực qua một gã trông nguy hiểm với một con chó trông nguy hiểm. Người già ngồi ở góc phố và than vãn về tháng ngày. Phụ nữ xách quá nhiều túi. Trẻ con lẽ ra phải đến trường thì lại vạ vật dựa vào bất cứ cái gì có thể dựa, đứa sau trông tệ hơn đứa trước.
Tôi, tôi đang chạy trốn cảnh sát.
Trí óc tôi gặp khó khăn khi tiêu hóa những chuyện này. Chân tôi tê dại, nhưng hình ảnh Elizabeth nhìn vào cái camera kia vẫn cứ đẩy tôi về phía trước, kích thích tôi dữ dội hơn.
Tôi đang thở quá gấp.
Bạn đã nghe đến chất adrenaline, cái cách nó kích thích bạn và cho bạn sức mạnh phi thường, nhưng có một mặt trái khác. Nó kích thích quá mức, vượt quá tầm kiểm soát. Nó làm các giác quan của bạn tăng lên đến mức mất khả năng điều khiển một bộ phận nào đó. Bạn phải đè nén nội lực xuống, nếu không nó sẽ nuốt trọn bạn.
Tôi chạy vào một ngõ nhỏ - họ luôn làm thế trên TV - nhưng nó là một cái ngõ cụt bị chặn bởi một đống thùng đựng rác Dumpster hôi thối nhất trên cái hành tinh này. Mùi hôi thối khiến tôi lồng lên như một con ngựa. Vào thời, có lẽ thời gian LaGuardia làm thị trưởng, những thứ Dumpster này có khi màu xanh lá cây. Ngày nay, tất cả những gì còn lại là gỉ sắt. Ở nhiều chỗ, gỉ sắt ăn mòn kim loại, tạo cơ hội thuận tiện cho lũ chuột tràn vào như nước cống chảy trên một đường ống.
Tôi tìm lối ra, một cánh cửa hay một thứ gì đó, nhưng không có gì. Hoàn toàn không có cửa sau. Tôi nghĩ đến chuyện đập vỡ một cái cửa sổ để lấy lối đi, nhưng tất cả những cửa thấp đều bị đóng chấn song.
Lối thoát duy nhất chính là lối tôi vừa vào - chỗ mà tay cảnh sát kiểu gì cũng sẽ nhìn thấy tôi.
Tôi bị mắc kẹt.
Tôi nhìn trái, phải và rồi, đủ kỳ quặc, tôi nhìn lên.
Lối thoát hiểm khi có hỏa hoạn.
Có vài cái thang trên đầu tôi. Tiếp tục khai thác nguồn adrenaline trong người, tôi nhảy lên bằng tất cả sức lực, vươn hai tay thật cao, và ngã đập mông xuống đất. Tôi làm lại lần nữa. Thậm chí không đến gần nổi. Cái thang ở cao quá.
Giờ sao đây?
Có lẽ tôi đã kéo một cái thùng Dumpster lại theo cách gì đó, đứng lên, và nhảy lại lần nữa. Nhưng nắp mấy cái thùng Dumpster kia bị ăn mòn sạch rồi. Ngay cả khi tôi đứng lên trên đống rác thì vẫn thấp quá.
Tôi hít thở và cố nghĩ. Cái mùi hôi thối khó chịu đang chiếm lấy tôi; nó bò lê bò lết vào mũi tôi và dường như làm tổ luôn ở đó. Tôi đi dịch lại phía đầu con ngõ.
Tiếng bộ đàm. Như thứ bạn nghe thấy từ bộ đàm cảnh sát.
Tôi ngay lập tức áp sát lưng vào tường lắng nghe.
Trốn. Phải trốn.
Tiếng bộ đàm to hơn. Tôi nghe những giọng nói. Cảnh sát đến gần. Tôi bị lộ hoàn toàn. Tôi áp chặt người hơn vào tường, như thể là sẽ có ích. Như thể họ sẽ rẽ qua góc phố và nhầm tôi với một bức phù điêu.
Còi báo động làm vỡ tan không gian yên tĩnh.
Còi báo động tìm tôi.
Những tiếng bước chân. Họ rõ ràng đang đến gần.
Chỉ một chỗ trốn duy nhất.
Tôi nhanh chóng tìm ngay cái thùng Dumpster nào ít thối nhất, nhắm mắt lại và nhảy vào trong.
Sữa chua. Sữa rất chua. Đó là mùi đầu tiên choảng tôi. Nhưng không phải thứ duy nhất. Thứ gì đó gần giống với chất nôn mửa còn tệ hơn. Tôi đang ngồi trong nó. Thứ gì đó ướt và thối rữa. Nó đang dính vào tôi. Cổ họng tôi quyết định phản ứng bằng cách muốn ọe ra. Bụng tôi quặn lên muốn nôn.
Tôi nghe tiếng ai đó chạy tới đầu con ngõ. Tôi cúi thấp người.
Một con chuột bò qua chân tôi.
Tôi suýt hét lên, nhưng thứ gì đó trong tiềm thức giữ giọng tôi lại trong cuống họng. Chúa ơi, thế này không thực chút nào. Tôi nín thở. Chỉ được mỗi một lúc. Tôi cố thở bằng miệng, nhưng tôi bắt đầu ọe ra. Tôi gí áo sơ mi lên mũi và miệng. Thế khá hơn, nhưng không nhiều lắm.
Hết tiếng bộ đàm. Rồi hết những bước chân. Tôi lừa được họ rồi ư? Nếu được thế, sẽ không lâu lắm. Thêm nhiều tiếng còi báo động của cảnh sát, hòa âm với những tiếng khác, một điệu rhapsody buồn bã thực thụ. Cảnh sát sẽ có thêm lực lượng hỗ trợ bây giờ. Sẽ có người nhanh chóng quay lại thôi. Họ sẽ kiểm tra con ngõ. Rồi sao?
Tôi bám chặt vào vành cái thùng Dumpster kéo mình ra ngoài. Gỉ sắt cắt vào lòng bàn tay. Tôi vội đưa tay lên miệng. Chảy máu. Tay bác sĩ nhi khoa trong tôi ngay lập tức cảnh báo nguy cơ bị uốn ván; phần còn lại trong tôi nhận thấy bị uốn ván là mối bận tâm thấp nhất trong những lo lắng của tôi.
Tôi lắng nghe.
Không có tiếng bước chân. Không có tiếng rè rè của bộ đàm. Còi báo động rền rĩ, nhưng tôi đã mong đợi gì cơ chứ? Thêm lực lượng hỗ trợ. Một tên giết người đang chạy rông trong thành phố đầy công lý của chúng ta. Những người tốt sẽ lũ lượt kéo ra ngoài. Họ sẽ niêm phong khu vực và rà soát từng ngóc ngách một.
Tôi đã chạy được bao xa?
Tôi không biết được. Nhưng tôi biết một điều. Tôi phải tiếp tục di chuyển. Tôi phải tạo ra khoảng cách giữa phòng khám và con người tôi.
Việc đó có nghĩa là ra khỏi con ngõ này.
Tôi trườn về phía đầu ngõ một lần nữa. Vẫn không có tiếng bước chân hay tiếng bộ đàm. Dấu hiệu tốt. Tôi cố nghĩ trong một lúc. Chạy trốn là một kế hoạch vĩ đại, nhưng có một đích đến sẽ làm kế hoạch đó thậm chí còn hoàn hảo hơn. Vẫn đi về hướng Đông, tôi quyết định, mặc cho như thế có nghĩa là đi vào những khu dân cư ít an toàn hơn nhiều. Tôi nhớ nhìn thấy những đường ray tàu hỏa ở trên mặt đất.
Tàu điện ngầm.
Đó sẽ là thứ đưa tôi ra khỏi đây. Tất cả những gì tôi phải làm là lên một cái tàu, chuyển vài ga đột ngột, và tôi có thể chắc chắn biến mất được. Nhưng lối vào ga gần nhất là ở đâu?
Tôi đang cố nhớ lại bản đồ tàu điện ngầm trong đầu thì một tay cảnh sát rẽ vào ngõ.
Anh ta trông quá trẻ, quá sáng sủa, sạch sẽ và mặt đỏ hồng. Tay áo sơ mi màu xanh được xắn lên gọn gàng, hai garo trên bắp tay căng phồng. Anh ta giật nảy mình khi nhìn thấy tôi - ngạc nhiên khi thấy tôi như tôi ngạc nhiên khi thấy anh ta.
Cả hai bọn tôi sững người lại. Nhưng anh ta sững lại lâu hơn một phần giây.
Nếu tôi tấn công anh ta như một võ sĩ quyền anh hay cao thủ kung-fu, tôi chắc hẳn xơi tái đối thủ ngay khi chúng xuất hiện. Nhưng tôi không làm thế. Tôi hoảng sợ. Tôi bị nỗi sợ thuần túy chế ngự.
Tôi đứng thẳng người dậy trước anh ta.
Hàm nghiến chặt, tôi cúi đầu và nhắm vào bụng anh ta, lao tới như rocket. Elizabeth chơi tennis. Nàng từng bảo tôi khi đối thủ của bạn ở ngay chỗ lưới, tốt nhất thường là quật quả bóng ngay vào bụng họ bởi vì anh ta hay cô ta sẽ không biết di chuyển đằng nào. Bạn khiến thời gian phản ứng của họ chậm lại.
Đó là thứ xảy ra tại đây.
Cơ thể tôi lao sầm vào anh ta. Tôi túm chặt lấy vai anh ta như một con khỉ đu mình lên hàng rào. Bọn tôi loạng choạng vật nhau. Tôi thu gối lên và đè lên ngực anh ta. Hàm tôi vẫn nghiến chặt, đỉnh đầu tôi ở dưới hàm của tay cảnh sát trẻ.
Chúng tôi ngã xuống đất đánh uỵch một cái.
Tôi nghe một tiếng rắc. Một cơn đau nhói lan xuống từ chỗ sọ tôi đập vào hàm anh ta. Tay cảnh sát trẻ kêu lên khe khẽ “pluuu”. Không khí thoát ra khỏi phổi anh ta. Hàm anh ta, tôi nghĩ, đã bị vỡ. Nỗi hoảng loạn chạy trốn bây giờ được kiểm soát hoàn toàn. Tôi trườn xuống khỏi người anh ta như thể anh ta là một cái dùi cui điện.
Tôi đã tấn công một nhân viên cảnh sát.
Không có thời gian chăm chú vào chuyện đó. Tôi chỉ muốn chạy xa khỏi anh ta. Tôi cố đứng lên, toan quay đi và chạy thì thấy anh ta bám vào mắt cá chân mình. Tôi nhìn xuống và ánh mắt bọn tôi gặp nhau.
Anh ta đang trong cơn đau đớn. Đau đớn do tôi gây ra.
Tôi giữ thăng bằng và đá một phát. Chân nhằm vào sườn anh ta. Lần này anh ta kêu lên tiếng “pluuuu” rền rĩ. Máu chảy nhỏ giọt từ miệng anh ta. Tôi không thể tin mình đang làm cái gì. Tôi đá anh ta phát nữa. Chỉ đủ mạnh để anh ta buông tay ra. Tôi được tự do.
Và rồi tôi chạy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.