Mùa hè ở thành phố thì nóng là chính, đi trang trại chơi thế nhưng lại khá thích hợp, thêm cả thời gian rảnh rỗi nữa nên không cần nghĩ nhiều, Ôn Chước Ngôn lập tức đồng ý. Sáng thứ sáu tan học lúc 11h30, mười một giờ Ôn Chước Ngôn đã từ cửa sổ thấy một chiếc BMW đang đi về phía trường nhưng lại không nhìn được biển số xe. Không bao lâu đã có tin nhắn gửi tới, nói là người ta đang ở cổng chính rồi.
Lần này hắn lại mặc một chiếc áo phông hồng tím ngắn tay, trên mặt là một cặp kính râm. Ôn Chước Ngôn thấy cũng không ngạc nhiên, thậm chí còn cảm giác hắn bôi gel tóc lên trông lại càng đẹp trai.
Trước khi lên xe, cậu nhìn về phía băng ghế phía sau dò xét.
Nhiếp Hàn Sơn nhìn hiểu, cười nói: "Đi hai người một xe có sợ không?"
Thấy tâm trạng đối phương có vẻ khá hơn so với lúc gặp ở bệnh viện, cậu cũng thấy vui hơn.
Vốn dĩ lái xe mất hai giờ, nhưng theo lời khuyên của Ôn Chước Ngôn, xe đi đường vòng để còn ăn thử món thịt bò hầm nổi tiếng ở phố cổ phía Tây Bắc, kéo thời gian hơn nửa giờ. Nhiếp Hàn Sơn rất hài lòng với món mì hầm, nhịn không được nói: "Anh ở đây tám năm trời mà còn không bằng em ở có ba năm nữa. Không lẽ ba năm này em đều dùng để kiếm chỗ ăn?"
Ôn Chước Ngôn cười nói: "Vậy anh dứt khoát đi theo em đi."
Nhiếp Hàn Sơn khịt mũi, đáy mắt vẫn ánh lên ý cười. Thật ra hắn đeo kính râm trông rất dễ nhìn, mấu chốt là sống mũi cao thẳng, cặp môi no đủ, lại chỉ lộ ra nửa phần gương mặt cương nghị, thành ra trông khá lá ngầu.
Đi hết đường cao tốc, xe rẽ phải ở ngã ba, lái vào con đường nhựa cũ đầy ổ gà. Nhiếp Hàn Sơn dặn Ôn Chước Ngôn thắt dây an toàn. Đi qua một đoạn gập ghềnh, mặt đường bắt đầu khấm khá hơn chút, hắn lại quay đầu nhìn cậu, tuỳ tay sờ lên trán cậu một cái, sau đó hạ thấp nhiệt độ điều hoà trong xe.
Ôn Chước Ngôn quả thực vui tới mức có chút nóng trong người nhưng lại không phát hiện bản thân đã vã mồ hôi.
Mặt đường bắt đầu êm ái rồi, hai bên cũng dần hiện lên những ngôi nhà gỗ nhỏ thấp nối tiếp nhau. Những bức tường ố vàng thấp thoáng trong cảnh sông núi, rừng rậm. Sau đó, bên phải đường bắt đầu xuất hiện một cánh đồng nho rộng lớn đang vào mùa, đâu đâu cũng thấy những chùm quả to căng mọng, chen lấn giữa cành lá. Những cánh đồng nho cứ thế mà nối dài theo chiều dọc con đường thẳng tắp, phảng phất như không có tận cùng.
Xe bỗng nhiên rẽ trái, chui qua một cánh cổng sắt lớn rồi lao vào bãi đậu xe lộ thiên.
Kẹp xe giữa một chiếc Buick và một chiếc xe van, Nhiếp Hàn Sơn tắt máy, gỡ kính râm xuống rồi đặt lên sống mũi của Ôn Chước Ngôn: "Xuống xe."
Nơi này nói đúng ra phải là một toà trang viên.
Ôn Chước Ngôn đi theo Nhiếp Hàn Sơn ra khỏi bãi đậu xe, đi qua con đường chưa đến 100 mét, đến lối vào chính của trang viên. Như Ôn Chước Ngôn đã thấy trên đường, toàn bộ trang viên đều là ruộng nho, hình dạng dài và hẹp. Từ cửa chính đi vào, có một bãi cỏ nghỉ ngơi, ngoại vi có một vòng giàn nho và bộ bàn ghế gỗ được kê dưới giá. Xung quanh lúc này không có mấy ai, có lẽ là vì vẫn đang kẹt trong giờ làm việc. Sau bãi cỏ là một cái ao nhân tạo, với một vườn lê nhỏ hai bên và những toà nhà nằm thấp thoáng hai bên trái phải. Theo lời giải thích của Nhiếp Hàn Sơn, đó là những nhà hàng, địa điểm vui chơi giải trí và khách sạn lưu trú. Nhưng đích đến của họ không phải ở đây. Nhiếp Hàn Sơn đưa cậu đi gần hết một vòng quanh rìa trang viên, qua hết những cánh đồng nho để đến một trang trại nhỏ.
Trong sân nhỏ còn có một cái ao khác, so với cái trong trang viên vừa rồi thì diện tích này không đáng kể. Cái ao đối diện với cổng, Ôn Chước Ngôn ngẩng đầu nhìn ngôi nhà gỗ sơn màu ở bờ đối diện. Ở đó có một con chó tha mồi màu vàng buộc ở cổng. Nó nghe thấy tiếng động của hai người họ, sủa mấy cái, thấy không ai phản ứng thì lại nằm sấp xuống đánh một giấc. Bờ ao bên phải chính là đích đến của họ. Đập vào mắt là dãy nhà gỗ nhỏ, chúng im lìm, có cảm giác như không có khách ở. Trong sân có một cái bàn vuông nhỏ bằng gỗ, hai cái ghế mây và bốn cái ghế đẩu gỗ nhỏ dưới giàn nho, trên bàn có trà thảo mộc, hạt dưa, đậu phộng và các món tráng miệng nhỏ. Ngồi ở bàn là hai nam hai nữ. Quan Hạc ngồi trên chiếc ghế đẩu thấp cầm cần câu thu gọn dây câu, bên cạnh có một cái xô thiếc và một lon mồi. Giải Tư vẫy tay ra hiệu với hai người, trên mặt y cũng là một cặp kính râm màu nâu, nhưng nhìn nhã nhặn hơn của Nhiếp Hàn Sơn nhiều. Hai cô nàng đang ngồi uống trà với Giải Tư — cô lớn hơn, đeo kính gọng vàng tên là Thư Ý, là đối tác làm thiết kế đồ họa của Giải Tư; cô còn lại thì trẻ hơn chút, mắt đào tinh tế, là vợ của Quan Hạc, tên Tào Hiểu Linh. Giải Tư và Nhiếp Hàn Sơn đều gọi cô là cô giáo Tiểu Tào, hiện đang là giáo viên mầm non.
Xem ra bọn họ đã đợi rất lâu, Ôn Chước Ngôn liên tục xin lỗi. Hai người phụ nữ đều nói không sao cả.
Quan Hạc nói với Nhiếp Hàn Sơn: "Cái thành phố này cũng đủ sâu cho ông đấy nhỉ?"
Nhiếp Hàn Sơn cười trộm, chợt thò tay vỗ vỗ lưng Ôn Chước Ngôn, ý bảo cậu vào căn nhà gỗ nhỏ phía sau để cất hành lý cùng hắn đi.
Tổng cộng có chính xác năm phòng ngủ. Vợ chồng người bảo vệ ở một, Quan Hạc và vợ anh ta ở một, còn lại ba phòng. Thư Ý thì chắc chắn cần một phòng ngủ riêng. Vấn đề nằm ở chỗ phải chia phòng cho ba người Nhiếp Hàn Sơn, Giải Tư và Ôn Chước Ngôn như thế nào. Hiển nhiên, Nhiếp Hàn Sơn đã quyết định từ lâu rồi. Ôn Chước Ngôn không ngờ đây lại là một trang trại đích thực như vậy – một căn phòng nhỏ hình vuông, tường hình như đã được sơn lại, không có hoa văn mà hoàn toàn là một màu trắng sữa. Cửa sổ đóng mở bằng nút bấm, có thanh sắt chia làm sáu mảnh kiểu cũ. Ngoài cửa sổ có ao, nhưng rộng hơn sân trong. Trong phòng có tổng cộng hai chiếc giường đơn bằng gỗ. Bộ khăn trải giường hoa màu đỏ và xanh lá cây thể hiện đúng phong thái của những năm 1960 và 1970. Ngoài ra còn một tủ quần áo sơn màu bằng gỗ gụ cạnh cửa, một bàn chạm khắc trước cửa sổ và một máy hát không có loa, trên mặt tủ trống rỗng có khung tranh không có hình. Cạnh giường ngoại trừ có ấm đun nước và chậu nước cũng chẳng còn gì khác.
Ôn Chước Ngôn có chút trở tay không kịp. Dựa vào kinh nghiệm mấy nay tiếp xúc với Nhiếp Hàn Sơn, cậu cứ nghĩ mình sẽ ở khách sạn trong trang viên.
Hai người cất đồ xong, Quan Hạc cũng đã cất dây câu còn hai người phụ nữ kia thì đang xách theo bao to.
Thấy Giải Tư bảo là họ muốn đi hái mận.
Vườn mận ở trên sườn đồi phía sau ngôi làng, cách đó chưa đến 20 phút đi bộ. Ông chủ tiếp đãi Quan Hạc cực kỳ ân cần, những người liên quan cũng được hưởng sái. Từ lúc vào vườn, Nhiếp Hàn Sơn đã bắt đầu bận rộn chụp ảnh cho các cô, mà Giải Tư thì lại vẫn luôn ở cạnh Ôn Chước Ngôn.
Nhắc tới dinh thự vừa rồi, Giải Tư thích ý tươi cười: "Thế nào? Lão Quan tự mình làm đấy."
Sau một hồi giải thích, cậu mới biết trang viên vốn là sản nghiệp bên nhà ngoại của Quan Hạc. Sau này Quan Hạc mua lại chỗ này, làm một sân trong độc lập như một khu nghỉ mát mùa hè của riêng mình. Sân nằm tách biệt với trang viên và được một cặp vợ chồng địa phương mà Quan Hạc thuê trông nom. Vùng này mát mẻ dễ chịu, phần lớn đều là vườn trái cây, ở góc Tây Bắc của ngôi làng còn có cả một đầm sen nữa. Nhìn tổng thể, ngoài giải trí, ruộng nho của trang viên còn có thêm trái cây tươi hái trên sườn đồi. Mà nếu muốn cưỡi ngựa, Quan Hạc cũng có thể dẫn theo hai con ngựa nuôi của mình tới đây, thi thoảng anh ta cũng dùng hoạt động giải trí này để tiếp đãi khách quý, tạo dựng quan hệ.
"Cậu ta cũng rất chăm đi chơi. Leo cả núi Everest, năm ngoái còn theo gió đi về hướng Tây đến Lhasa để thanh tẩy tâm hồn."
"Núi Everest?" Ôn Chước Ngôn nói, "Quan ca thực đỉnh."
Giải Tư cười nói: "Sau khi từ Lhasa trở về, cậu ta làm loạn một hồi, xong xin nghỉ nửa tháng không ra ngoài, thề không bao giờ tới Tây Tạng nữa. Lão Nhiếp giờ vẫn nghĩ đây là trò lừa đảo."
Ôn Chước Ngôn sửng sốt, rồi cười rộ.
Bảo sao trang trại này không mấy khi được ở, kiểu gì cũng phải nhờ một vị nông dân nguyên nước nguyên vị trông coi hộ.
"Lão Quan chẳng phải chính là như vậy sao. Hai năm trước kéo Tào Hiểu Linh đi Bhutan xong về dỗ mất một tháng. Cả tháng đó còn chẳng được bò lên giường." (Editor bất lực vì không hiểu lắm nội dung của cuộc hội thoại này)
Giọng nói từ sau lưng truyền tới, hai người quay đầu lại mới thấy ra là Thư Ý. Ôn Chước Ngôn gọi một tiếng "Thư tỷ". Thư Ý ừ một cái rồi nhìn vào trong túi, lựa lựa một hồi bèn moi ra mấy quả: "Còn chưa có chín nữa. Như này không được rồi thầy Giải ạ, thầy vẫn còn làm thầy đấy."
Giải Tư cười nói: "Con không chê mẹ xấu."
Ôn Chước Ngôn quay về phía Thư Ý, vẻ mặt đứng đắn nói: "Cho hỏi nữ hiệp còn cần môn đồ không?"
Phản bội hết sức gãy gọn, Giải Tư nghẹn họng trân trối.
Thư Ý bị cậu chọc cho cười, "Bạn nhỏ này thật thú vị nha."
Ôn Chước Ngôn nói: "Thư tỷ cũng rất thú vị. Thú thật, mới vừa rồi em còn hơi sợ chị."
Thư Ý mở to mắt, cố ý cường điệu: "Trông chị giống nữ quái lắm sao?"
Ôn Chước Ngôn giả bộ suy tư, híp mắt lại đánh giá cô: "Là ma nữ chứ nhỉ? Nhiếp Tiểu Thiến bản Vương Tổ Hiền."
Thư Ý trừng mắt nhìn.
Ôn Chước Ngôn nói: "Cực kỳ xinh đẹp."
Thư Ý cười đến hai vai run lên, quay qua Giải Tư khen một câu "trò giỏi hơn thầy".
Thấy trên hai người có chút dấu hiệu, Ôn Chước Ngôn suy xét xem có nên rút lui không, tranh thủ đi xem Tào Hiểu Linh và Nhiếp Hàn Sơn luôn. Nhưng đến lúc cậu nhìn tới thì lại thấy Quan Hạc đang bận trước bận sau theo đuôi vợ, mà Nhiếp Hàn Sơn lúc này đã tiếp nhận công việc của Quan Hạc, đi xuống giàn che để nói chuyện trên trời dưới biển với ông chủ.
Thư Ý lại tiếp tục đề tài bị gián đoạn trước đó. Trên phương diện đam mê, sở thích, Quan Hạc và Nhiếp Hàn Sơn có rất nhiều điểm khác nhau. Nhiếp Hàn Sơn thật ra rất ít khi đến đây. Hắn vốn lớn lên ở vùng sông quê, vậy nên chẳng có đam mê gì mấy với nông thôn. Ôn Chước Ngôn có thể hiểu ý tứ của cô. Bạn bè giúp đỡ lẫn nhau, thay Nhiếp Hàn Sơn nói tốt mấy câu. Đại khái là tất cả mọi người có mặt ở đây hôm nay đều rõ quan hệ giữa cậu và Nhiếp Hàn Sơn.
Khoảng tầm nửa tiếng sau, Nhiếp Hàn Sơn mới qua đây.
Hắn đặt một cái chày bên cạnh Ôn Chước Ngôn. Giải Tư và Thư Ý lập tức đi chỗ khác. Tầm này mặt trời đã ngả về tây. Túi nilon trong tay Ôn Chước Ngôn mới chỉ đầy đáy — phần lớn đều đã gửi vào túi to của Thư Ý rồi. Nhiếp Hàn Sơn cầm chiếc túi trên tay thử ước lượng rồi bật cười. Ôn Chước Ngôn không nói lời nào, cúi đầu đi hái trái cây. Nhưng cậu vừa vươn tay ra lại đột ngột bị tóm lại. Đủ thứ nổ tung trong đầu cậu, lại chỉ thấy Nhiếp Sơn chỉ tay vào thân cây. Một con sâu xanh bò ra.
Nhiếp Hàn Sơn không để cậu phải làm nữa, chỉ phân phó cậu lấy túi qua, hắn hái rồi cậu đón.
Ôn Chước Ngôn giúp hắn để mắt tới cành khô, thỉnh thoảng lại giúp hái mấy quả: "Bên này còn có vườn cây nào khác không anh?"
"Còn có vườn đào nhưng mà hơi xa chỗ này, chơi ở đây là được rồi." Từ hai nhánh khô cao phía trên, Nhiếp Hàn Sơn hái xuống hai quả rồi đặt trên tay xem kỹ, lựa được một quả rồi đưa cho cậu, "Ăn thử đi. Không có phun thuốc đâu."
Ôn Chước Ngôn lưỡng lự một chút rồi cúi đầu cắn một ngụm. Quả vào miệng chua nhưng không chát, nước cốt đậm đà, ngọt thanh, ngon hơn bất cứ loại nào mua ở tiệm hoa quả.
"Ngon lắm." Cậu liếm môi, ngẩng đầu nhìn Nhiếp Hàn Sơn, phát hiện đối phương đang hơi bất ngờ.
Tình cờ lại thấy Quan Hạc đang dán vào Tào Hiểu Linh cách đó không xa, hai người đang mỉm cười nhìn về phía bên này, mới nhận ra vừa rồi hình như có hiểu lầm — chẳng lẽ là muốn cậu cầm lấy rồi mới ăn?
Không đợi cậu kịp cứu chữa, Nhiếp Hàn Sơn đã cười, dùng đầu ngón tay khẽ xoay quả mận, ý bảo cậu lại cắn thêm ngụm nữa đi.
Ôn Chước Ngôn cúi đầu không khách khí cắn một miếng lớn, cuối cùng còn liếm một cái lên đầu ngón tay hắn.
Cậu có thể cảm giác lão hồ ly này hơi mất cảnh giác, ngón tay dường như co rút một chút.
Sau đó Ôn Chước Ngôn tự mình cầm mận ăn sạch. Có điều Nhiếp Hàn Sơn cũng không cho cậu ăn thêm, sợ cậu bị đau bụng.