Dưới Tán Ô Ngâm Khúc Ly Biệt

Chương 4:




Ngày 10 tháng 8 năm 1897
Ta lo lắm, chỉ sợ trong khi chúng ta cật lực tìm kiếm thì Hạnh Trân đã bỏ mạng ở xó xỉnh nào rồi. Dựa theo manh mối mà Ngạn Khanh cung cấp, ta đi dò la các hàng quán lân cận. Ai cũng bày vẻ sợ hãi khi ta nhắc đến tin đồn ở tri huyện. Nhưng ta cũng nghe được rằng, trước đây, có rất nhiều cô nương trạc tuổi ta và Hạnh Trân đã bỏ mạng ở mảnh đất dữ.
Có khi nào người ta gặp hôm qua cũng chính là một trong số các cô nương đó? Chỉ nghĩ vậy thôi mà ta đã sởn gai ốc. Ta quay lại tìm Thái, chợt nhận ra hắn đã biến mất. Không có hắn, nỗi bất an trong ta ngày một lớn. Ta không thể tin bất cứ ai trong tri huyện này.
Trưa hôm ấy, phu nhân mời ta ở lại dùng cơm. Ta hơi dè chừng nhưng cũng gật đầu đi theo. Trong tất cả người xuất hiện tại tri huyện này, ta cảm thấy yên tâm về phu nhân nhất. Bà trông không có vẻ như muốn dọa nạt ta hay làm gì đó tệ hơn, dù rằng cảm giác bà muốn đuổi ta đi vẫn lớn dần theo thời gian.
Tri huyện đã ra ngoài từ sáng. Ta chợt nhận ra ngày mai đã là Rằm theo Âm lịch. Có lẽ ông ta định “mời người về xử lí” như đã bàn bạc với phu nhân trước đó.
– Cô nương xin đừng khách sáo. Hạ Mỹ, phải không nhỉ?
Ta gật đầu, cẩn thận cầm đũa. Lúc ngẩng lên, ta thấy tay phu nhân đang hơi run, có lẽ bà bị lạnh. Ta khách khí mời bà dùng cơm, nhưng bà chỉ gật mà không cầm đũa.
Chuyện Hạnh Trân mất tích làm ta ăn cũng không ngon, nuốt cũng chẳng trôi, khoang miệng dường như đắng ngắt. Ta biết, tri huyện cũng đã tạm dừng việc tìm kiếm. Dù rằng đó không phải trách nhiệm của ông ta, nhưng ông ta cũng chẳng mấy mặn mà khi ngỏ ý muốn giúp chị em ta.
Vốn dĩ ta muốn hỏi dò phu nhân về cái chết của các cô nương trước đó. Nhưng trông gương mặt ảo não kia của bà, ta thà hỏi tên trời đánh Ngạn Khanh kia còn thoải mái hơn.
Đang lúc cần thì chàng ta lại xuất hiện. Ta hiểu chàng ta đang rất muốn kết liễu tri huyện nên hầu như khi nào cũng lảng vảng quanh đây. Lần này, ta vào thẳng vấn đề:
– Kể ta nghe về các cô nương đã chết.
Ngạn Khanh thoắt ẩn thoắt hiện như ma, biến mất khỏi mái nhà và đến trước cửa phòng ta. Không thấy ai qua lại nên ta yên tâm để chàng ta bước vào.
Trước đó, chàng ta hỏi:
– Đố cô phòng này rộng bao nhiêu bước chân?
Ta chau mày:
– Sao ta biết được?
– Muốn biết thì phải đo.
Ta miễn cưỡng chạy ra khỏi cửa. Căn phòng này, theo độ dài bàn chân ta thì vào khoảng 50 bước. Ta đưa đáp án cho Ngạn Khanh. Chẳng biết từ khi nào chàng ta đã pha xong ấm trà. Vừa nhâm nhi, chàng ta vừa nói:
– Đo tiếp trong phòng đi.
– Thì bằng 50 bước. Sao phải đo? – Ta cáu lên.
Chàng ta nhún vai. Ta không cách nào phản kháng, liền làm theo. Cho đến bước chân thứ bốn mươi tám, mũi chân ta đã chạm bờ tường.
– Không thể nào!
– Nếu cô còn nghi ngờ thì hãy làm vậy với tất cả căn phòng khác. Chúng đều hụt đi hai bước chân.
Chàng ta ngồi đủ lâu trên mái nhà để biết, tri huyện này, căn phòng nào cũng có một đường hầm. Hơn nữa, chúng đều thông nhau.
– Ta đã quan sát phòng cô. Dưới sàn không có lối đi.
– Vậy là… – Ta dần ngộ ra điều gì.
– Giữa các bức tường tồn tại một lối đi.
Ngạn Khanh lại gần ta, gõ nhẹ lên bề mặt bức tường. Tiếng “lốc cốc” vang lên khiến ta liên tưởng đến những cánh cửa bí mật ngụy trang dưới dạng những bức tường.
Ta sốt sắng:
– Chắc chắn Hạnh Trân nằm ở trong này. Ta phải đi tìm ngay.
Ngay lúc bàn tay ta đang mò mẫm tìm lối xâm nhập vào đường hầm thì Ngạn Khanh đã vội cản ta lại:
– Chỉ cần cô bước vào thì người tiếp theo gặp nạn sẽ là cô.
Trái tim ta đau như muốn nhảy ra ngoài. Run rẩy, ta quay sang nắm lấy cổ tay chàng ta:
– Nếu không thì làm sao ta có thể cứu được Hạnh Trân đây?
Ngạn Khanh khựng lại, dè dặt trông xuống bàn tay ta. Ta vội rụt tay về, vô thức cắn môi đến chảy máu. Đến bây giờ ta phải tự vấn xem, cớ gì ta lại nhờ vả gia chủ Dạ Phong đằng đằng sát khí trước mặt đi tìm em gái giúp mình.
– Mà thôi. Ta đoán ngươi chẳng bao giờ giúp ta đâu.
Ta khoát tay, lững thững đến bên bàn uống nước. Đột nhiên, một vật màu đen dài lọt vào tầm mắt ta. Ta khẽ khom người, với tay nắm lấy. Một lọn tóc. Hai mắt ta đột nhiên mở to.
– Không lẽ…?
Ngạn Khanh từ đâu bước tới, đón lấy vật chứng từ tay ta. Chàng ta chỉ cười xòa:
– Hôm nay là ngày mấy?
– 13 Âm lịch. – Ta đáp, bỗng chốc cảm thấy khó hiểu.
– Tạm thời, họ sẽ để im cho em cô. Hãy ở đây thêm một ngày nữa. Giờ này ngày mai, ta sẽ có mặt ở đây.
Chàng ta nhấc bổng chiếc ô lên, ngang nhiên rời khỏi phòng.
– Ngươi đồng ý giúp ta ư? Vậy bây giờ ta phải làm gì?
Ta nói vọng ra nhưng không một tiếng đáp lại. Chàng ta đã đi mất hút.
Tối đó, ta đến tìm gặp Thái. Ta không muốn để mình chết mòn trong sự tò mò lâu hơn nữa. Những ngày chúng ta tách ra để điều tra, hẳn hắn cũng đã có cho mình rất nhiều suy tính.
– Không giấu gì chị, bấy lâu nay em vẫn điều tra. – Thái nhàn nhã mời ta vào phòng. Ta tiến hành đo đạc như trước, nhận thấy căn phòng này cũng hụt mất hai bước chân.
– Vậy mà em không nói gì với ta.
Ta ngồi phịch xuống, chưa vội nói hết ra với Thái.
– Chỉ có vậy thì chứng cứ chúng ta điều tra ra được mới độc lập và khách quan.
Ta còn ngơ ngác chưa hiểu thì đã nghe hắn nói:
– Hai đứa trẻ thực ra không phải con ruột của phu nhân. Nếu chị để ý, chúng chẳng có nét gì giống bà ta cả.
Ta chau mày, đảo mắt như xem thường suy luận của hắn:
– Chỉ không giống thôi thì chưa thể kết luận được điều gì.
– Người ta nói bà bị vô sinh. Chị không thắc mắc vì sao bà và tri huyện, dù rằng tuổi đã cao nhưng con vẫn còn bé ư?
Cả tri huyện và phu nhân đều đã ngoài năm mươi, song ta chưa từng quan tâm đến chuyện mà Thái đề cập.
– Cách đây mười năm, cả hai từng mời rất nhiều đại phu về chữa trị nhưng đều không có kết quả. Chỉ trong vòng năm năm trở lại đây, trong tri huyện bất ngờ xuất hiện hai đứa trẻ không rõ lai lịch. Mà những người xung quanh cũng chưa từng thấy phu nhân mang nặng bao giờ.
Hai mắt ta tròn xoe:
– Không lẽ là bắt cóc?
Thái lắc đầu:
– Không. Chúng không là con của phu nhân, nhưng chắc chắn là cốt nhục của tri huyện.
– Hai đứa trẻ bao nhiêu tuổi rồi? – Ta hỏi, nhưng trong đầu đã bắt đầu nhẩm tính. Bọn chúng, đứa lớn đã bảy tuổi, đứa nhỏ sang năm là tròn sáu tuổi.
– Một đứa bảy, một đứa xấp xỉ sáu.
– Vậy mẹ của bọn nhỏ là ai?
Thái trả lời, hắn không biết. Không ai biết cả. Nhưng nếu không phải là phu nhân thì sẽ còn là ai được nữa?
Đến lượt ta. Ta chỉ cho Thái phát hiện của Ngạn Khanh. Hắn không khỏi bàng hoàng, bật ngay dậy:
– Tất cả phòng đều có đường hầm sao?
Chúng ta nhanh chóng nhớ về giấc mơ kì quái của những đêm về trước.
– Ta tìm thấy một lọn tóc dưới giường mình. Vậy có lẽ trò ma quỷ chỉ là do người làm ra.
– Chị gặp ác mộng vào canh mấy?
– Canh hai.
– Em là canh ba. Vậy chỉ có một người vẫn luôn dọa nạt chúng ta.
Chúng ta nghĩ ngay đến phu nhân. Nhưng suy nghĩ ấy nhanh chóng bị ta gạt phắt đi:
– Không thể nào. Phu nhân sẽ không làm ra những chuyện như vậy.
– Có thể, bà ấy chỉ muốn bảo vệ chúng ta khỏi kẻ thù ác. – Hai mắt Thái bừng sáng. Và chúng ta đều biết, kẻ thù ác ấy là ai.
***Ngày 11 tháng 8 năm 1897
Ta ngủ quên ở phòng Thái. Khi tỉnh dậy, ta phát hiện tấm áo của hắn đang nằm ngay ngắn trên bờ vai ta. Thái ít khi tỏ ra là mình quan tâm đến người chị này, dù cho những lần ta bị phạt, hắn đều cùng Đình Quyết và Hạnh Trân xin xỏ sư phụ không ngớt.
Đêm qua, Thái có kể ta nghe về một nghi thức lạ thường xuyên xảy ra trong chính tri huyện này. Ngày 15 Âm lịch hàng tháng, tri huyện sẽ mời thầy cúng từ Đồng Sơn xa xôi về để làm lễ. Lão thầy sẽ dùng máu vẩy khắp các ngõ ngách, khấn vái đủ kiểu, dán hàng trăm các loại bùa chú trong nhà. Nghe nói trong khoảng thời gian này, cả phủ kín như bưng, không ai xâm nhập mà cũng không ai thoát ra được.
Lí do vì sao nghi lễ này diễn ra thì phải đến hôm nay Thái đi tìm hiểu về mới biết được. Còn ta, ta có nhiệm vụ phải theo dõi mọi động tĩnh của tri huyện và phu nhân. Ngay sau khi tỉnh dậy, ta lập tức chạy đi thám thính.
Tri huyện đang cùng các thị vệ áp giải đoàn tù nhân ra cổng để tiến về Bạch Dương. Chỉ có mười tù nhân, và tất cả đều là nữ. Ai cũng bị đánh đến bầm giập, hai chân thê thảm lết từng bước về phía trước. Cứ mỗi lần tri huyện sán đến, bọn họ lại tự động né sang bên.
Hôm nay, phu nhân cũng có những vết thương tương tự như các nữ tù nhân. Ta khéo léo dò hỏi, bà chỉ bảo không may trượt chân đập đầu vào thành giường. Nhưng ta cho rằng, tri huyện đã làm gì đó tệ hại với bà.
Ta chắc chắn tri huyện không phải là người tốt. Nghĩ đến đây, ta càng thêm hối hận vì đã ngăn cản Ngạn Khanh giết ông ta vào đêm hôm ấy. Nếu không, Hạnh Trân cũng đã không mất tích, mà phu nhân chắc cũng sẽ không cần phải sống với kẻ tệ bạc kia thêm một ngày nào nữa.
Cho đến bây giờ, ta vẫn chưa thể đoán ra bí mật đằng sau cái chết của các cô nương và cả lí do vì sao Hạnh Trân mất tích. Nhưng khi lục đi lục lại trí nhớ của mình, ta đưa đến một kết luận rằng phu nhân đích thị là người đã giở trò ma quỷ với cả ta và Thái nhiều đêm trước. Lí do đêm qua chúng ta còn yên giấc là vì ta và Thái ở chung một phòng và Thái đã thức trắng đêm qua.
Nhân lúc cả tri huyện và phu nhân không để ý, ta lén quay về phòng, tìm mọi cách để xâm nhập vào hệ thống đường hầm. Sau một hồi loay hoay, ta đã gỡ được hai tấm ván ra ngoài, để lộ một lỗ nhỏ vừa đủ cho ta đi vào. Ta đinh ninh Hạnh Trân bị nhốt ở đây nên xông thẳng vào mà chẳng hề nghĩ ngợi.
Hạ Mỹ ta luôn tin, đường hầm giữa các phòng sẽ đồng quy tại một mật thất lớn nằm ở dưới mặt đất. Nào ngờ, lòng vòng cả hơn nửa canh, ta đã về lại điểm xuất phát. Điều này chứng tỏ, đường hầm này chỉ có công dụng di chuyển, hoàn toàn không dùng để chứa người.
Nếu vậy, Hạnh Trân còn có thể ở đâu được?
Vào lúc ta thoát khỏi đường hầm thì Thái cũng xuất hiện. Ở bậu cửa sổ đang mở toang, Ngạn Khanh cũng đang ngồi đung đưa. Trong một khoảnh khắc, cả ba chúng ta đều vô cùng ngỡ ngàng. Thế rồi, Thái mau chóng rút dao, chĩa thẳng về phía Ngạn Khanh.
– Gia chủ Dạ Phong, sao ngươi dám bén mảng đến đây?
– Thái, dừng tay! – Ta lao ra.
Dù Ngạn Khanh là người gặp nguy nhưng ta lại vô cùng sốt sắng. Bởi ta biết Thái rất căm thù chàng ta. Có lẽ lí do chính là vì chàng ta đã giết Thái phó và cả Trung úy, nên Thái mặc định chàng ta là người xấu.
Ta tước con dao nhỏ từ tay Thái, hai tay đặt lên vai như muốn xoa dịu cơn giận dữ đang sục sôi trong lòng hắn. Hậm hực, hắn ngồi xuống bàn uống nước, làm một hơi hết sạch chén trà.
Ngạn Khanh rời bỏ vị trí, từ tốn đến bên ta. Chàng ta như thể muốn trêu tức Thái, còn ngồi ngay đối diện hắn. Cả hai nhìn nhau bằng những cặp mắt sắc lẹm như dao lam, cảm tưởng như có thể chém chết đối phương bất cứ lúc nào. Nhưng ta không đủ kiên nhẫn để xem hết màn đấu mắt của hai vị nam nhân.
Dần dà, ta cũng ngồi xuống giữa họ, chủ động thông báo:
– Hạnh Trân không có ở đường hầm.
Trái ngược với kỳ vọng của ta, không ai có vẻ ngạc nhiên trước sự thật này. Thái còn nói thêm rằng:
– Em ấy vẫn ở trong tri huyện này.
Thì ra bọn họ đều đã biết nhưng quyết định giấu ta. Ta không giấu nổi bực bội, đập mạnh tay xuống mặt bàn:
– Chuyện quan trọng như vậy mà không nói.
– Ta định nói, nhưng cô đâu cho ta cơ hội. – Ngạn Khanh khẽ cười, cẩn thận rót nước mời ta.
– Em cũng đang định nói. – Thái không vừa, nói.
– Đêm nay đã là Rằm rồi, tóm lại hai người có chịu nói ta nghe hay không? – Dù không nhìn gương nhưng ta biết đôi mày ta đã chau lại đến mức suýt va vào nhau rồi.
Thái là người mở lời:
– Được. Em sẽ bắt đầu từ khi chúng ta có mặt tại đây.
Hắn đứng dậy, không quên liếc nhìn Ngạn Khanh một cái.
Chúng ta ở đây cũng đã được bốn ngày bốn đêm. Kể từ canh hai rạng sáng ngày 8 tháng 7, tức ngày 11 Âm lịch, ta và Hạnh Trân đã tá túc trong căn phòng này.
– Đêm đầu, chị nói chị gặp ác mộng, phải không? Em cũng như vậy. Nhưng chúng ta đều đã biết, em luôn gặp ác mộng sau chị một canh. Vấn đề là chúng ta đã biết, người dọa ma chúng ta là phu nhân. Bà ta men theo đường hầm giữa các bức tường để giở trò ma quỷ, hòng đuổi chúng ta ra khỏi tri huyện. Nhưng chị thử nghĩ mà xem, tại sao chúng ta lại không nhận ra việc mình bị giở trò? Có phải chăng khi gặp nó, chúng ta đã nhìn không rõ?
Ta hiểu ý Thái. Ngay lập tức, ánh mắt ta dừng lại ngay trên lư hương đang treo lủng lẳng trước cửa phòng.
– Có phải là do lư hương kia? – Ta vô thức trỏ vào đồ vật. Cả ba cùng nhìn theo.
– Đúng. Nhưng cho em hỏi, vì sao chị lại đốt hương?
Ta bắt đầu lục lại trí nhớ.
– Ngày đầu tiên đến đây, căn phòng này có mùi rất tanh. Thế nên ta mới…
Ta ngừng lại, trợn tròn mắt nhìn hắn.
– Đúng vậy, phòng em có hẳn một con chuột chết. Thế nên, chúng ta mới phải đốt hương. Đó là sắp xếp của người muốn đuổi chúng ta đi.
Sau khi kiểm tra ta phát hiện, lư hương chứa một loại tạp chất có thể gây ảo giác cho người sử dụng. Mùi hương của nó rất đặc trưng, ta vừa ngửi đã nhận ra ngay.
– Với việc dọa ma và cả chất gây ảo giác, phu nhân chỉ muốn chúng ta rời đi ngay vào sáng hôm sau. – Đoạn, Thái nói.
– Nhưng chính tri huyện đã ngỏ ý muốn giữ chúng ta ở lại. – Ta tiếp lời.
– Là bởi vì ngay từ đầu, ông ta đã ngó đến Hạnh Trân rồi.
Hắn nói, ta mới để ý ánh mắt có phần bất thường của tri huyện vào bữa sáng sau đêm tri huyện bị tấn công.
– Càng vậy, phu nhân càng phải đuổi chúng ta đi nhanh. Nhưng không kịp. Hạnh Trân đã biến mất. – Thái vừa nói vừa quan sát biểu hiện của ta.
Hắn phỏng đoán, chính tri huyện cũng đã men theo lối hầm để đến được phòng chúng ta. Nhân lúc Hạnh Trân còn đang sốt mê sốt mệt, ông ta đã bế cô về phòng riêng của mình.
– Trong lúc ông ta ra sức giúp chúng ta truy tìm Hạnh Trân thì phu nhân đã phát hiện ra bí mật này.
– Vậy sao bà vẫn dọa nạt chúng ta? – Ta đảo mắt.
– Vì bà ta sợ, người tiếp theo bị bắt là chị.
Nghe đến đây, ta dần nhận ra vấn đề nằm ở việc các cô nương luôn là đối tượng mà tri huyện săn đón. Bữa sáng hôm ấy, không chỉ có Hạnh Trân mới nhận được sự săn sóc nhiệt tình của tri huyện, mà còn cả ta nữa.
Chợt, ta nhớ về biểu hiện của các nữ tù nhân vào sáng hôm nay. Có lẽ, ai cũng đã từng bị tri huyện quấy rối một lần. Nghĩ vậy, cả người ta lại run rẩy không ngớt.
– Tri huyện này nổi tiếng đam mê tửu sắc. Ông ta đã lợi dụng không biết bao nhiêu nữ tử để thỏa mãn mình. Chị nghĩ xem. Vì sao phu nhân không thể hoài thai lại có đến hai đứa con với tri huyện? Đó chẳng qua để che mắt người đời mà thôi. Vốn dĩ, hai đứa trẻ đều là còn của hai nữ tử khác đã từng bị ông ta quấy rối. Em đoán phu nhân không nỡ bỏ rơi chúng nên mới nhận về nuôi mà thôi.
Ta bần thần nhìn lên xà ngang, nơi dải lụa trắng đang nằm vắt vẻo. Chỉ nghĩ đến việc từng có cô nương nào uất ức phải tự vẫn để rửa oan mà ta không thể bình tĩnh được. Biết đâu nếu còn chậm trễ, người tiếp theo ta nhìn thấy trên dải lụa đó lại chính là Hạnh Trân thì sao?
– Vậy ông ta bắt các cô nương chỉ để thỏa mãn mình thôi ư? Thật đáng ghê tởm! – Ta nghiến răng.
– Không hoàn toàn là vậy. Hàng tháng, ông ta và phu nhân đều phải tổ chức một nghi thức hiến tế. Em không biết nó hoạt động ra sao, nhưng chắc chắn phải cần đến máu.
– Máu động vật ư? – Ta hỏi.
– Không. Máu trinh nữ.
Đến đây thì mọi chuyện đã rõ phân mười. Hạnh Trân bé nhỏ của ta đang sắp sửa bị người ta cắt cổ lấy máu. Ta không kìm được, vội đứng dậy. Song ngay lúc ta chuẩn bị rời phòng, Ngạn Khanh đã níu tay ta lại.
– Cô đi mà không biết em gái mình bị giam ở đâu ư?
Phải rồi, ta đã quá nóng vội.
– Ngươi nói xem, là ở đâu?
Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, Ngạn Khanh vẫn một mực giữ thái độ ung dung từ tốn. Chàng ta lại gần ô cửa dẫn vào đường hầm, chậm rãi đáp:
– Khá khen cho các đệ tử Lĩnh Hỏa cốc, đoán được tám phần kế hoạch của tri huyện.
Thái chau mày khó hiểu:
– Còn phần nào thiếu sót sao?
Chàng ta cười xòa:
– Thân phận mẹ của hai đứa trẻ, có lẽ cậu chưa từng nghĩ đến phải không?
Ngạn Khanh bỏ ngỏ câu hỏi, tiếp tục phân tích:
– Hiến tế trinh nữ là một trong những nghi lễ cổ xưa ở vùng Đồng Sơn. Mục đích duy nhất chính là để xoa dịu những oan hồn các cô nương đã từng chết ở tri huyện này. Máu của trinh nữ sẽ được rải khắp mọi ngóc ngách, tháng nào cũng vậy. Nếu không, toàn bộ những người sống trong phủ sớm muộn gì cũng hóa điên.
– Vậy làm sao để biết cô nương ấy bị giữ ở đâu? – Ta sốt sắng.
– Ở nơi đã từng có người chết.
Nghe đến đây, Thái đột ngột lên tiếng:
– Ở cái giếng lấy nước.
Ta chao đảo chực ngã. Không ngờ ta từng lấy nước ở nơi từng có người chết. Nhưng quan trọng hơn chính là Hạnh Trân đang mắc kẹt ở đó. Nếu không phải vì ta, cô có lẽ đang nô đùa tung tăng ở cốc chứ không đời nào nằm im ở một xó như thế. Tất cả là tại ta. Tại ta không biết lượng sức mình, tùy hứng đuổi theo Ngạn Khanh nên mới xảy ra cơ sự này.
Ta ôm đầu, khuỵu xuống giữa sàn. Ngay lúc ấy, chỉ có Ngạn Khanh kịp đỡ ta. Chàng cũng quỳ xuống theo ta, hai bàn tay ấm áp đặt lên bắp tay. Chàng cũng hiểu vì sao ta lại gục ngã.
– Hạ Mỹ, đứng dậy. – Lần đầu tiên chàng gọi tên ta. Trong một khoảnh khắc, giọng nói ấm áp của chàng đã thật sự khiến trái tim ta tan chảy. Ta ngẩng lên. Ngạn Khanh khẽ dìu ta dậy. Ta nhanh chóng ý thức được vị thế của hai chúng ta: Một đệ tử chính phái đang được Đệ nhất sát thủ cẩn thận nâng đỡ. Song, ta không nghĩ nhiều được đến thế. Chỉ biết, người đang kề bên ta mới ân cần làm sao.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.