Mẹ của ta gọi là Lý Thị Hoa, con của một sĩ phu nghèo khó. Ông ngoại ta tính cách thanh cao, chán ghét chốn quan trường mưu mô tranh đấu, đỗ thám hoa một năm, liền quay gót về quê, làm một thân sĩ phu nhàn tản, mở một lớp dạy học tứ thư, ngũ kinh. Cuộc sống tuy không sung túc nhưng vẫn no đủ, nuôi dạy con cái rất có quy củ, nề nếp. Mẹ ta là một chân tài nữ, cầm kì thi họa, văn thơ kinh sử không cần bàn cãi, một bụng thi thư chân chính, lại thấu tình đạt lý. Tuy gia cảnh bần hàn, nhưng cũng có nhiều con buôn, kẻ sĩ đến đánh tiếng xin rước nàng về làm vợ. Ai ngờ đâu, trời không thương kẻ nghèo hèn, ông ngoại ta mắc phải một cơn bạo bệnh, của cải trong nhà dần theo cái đau cái yếu của ông mà bán ra ngoài, bên dưới mẹ ta vẫn còn hai đứa em trai cần thu xếp, bà ngoại ta túng quẫn chẳng biết làm sao, ngày ngày đều ôm chăn mà khóc.Cuối cùng, năm đó chính là tri phủ Sa Lệnh - Huỳnh Văn Hậu chìa tay ra cứu vớt, nguyện chi ra bạc vàng cứu người, chỉ mong có thể rước được con gái ông về phủ. Ông ngoại ta lúc đó thà chết cũng không cho mẹ ta làm lẽ, bởi ông biết, chính thứ khác biệt, nhà quan cũng là chốn thâm sâu nham hiểm, sao có thể để con vì mình mà vào chốn địa ngục đó. Nhưng nàng Thị Hoa vì chữ hiếu với cha, nàng thương mẹ già, em thơ đành chôn chân vào nhà quan, làm vợ lẽ hèn mọn. Thế là đèn hoa, kèn trống, tài nữ một vùng gả vào nhà quan làm dì nhỏ.Sống mười năm, dì Hoa sinh cho quan ông một trai, một gái. Năm đầu, vốn là tài nữ, bà không chịu cúi đầu, tranh đấu cùng năm cô sáu dì nhà quan lớn, giành giật quan ông từ tay quan bà, tạo ra một hồi sóng gió. Đến lúc bị người hãm hại, mất đi đứa con gái đầu lòng, dì liền biết kinh hoàng chốn hung hiểm thâm sâu này, liền thu người, sống lầm lũi, an phận. Quan ông đến phòng bà, nếu hỏi bà "nàng đối với chuyện này có suy nghĩ gì" bà sẽ cúi đầu mà tâu "bẩm ông, em ngu dốt không có được suy nghĩ gì hay ho" quan ông hỏi "nàng đối với chuyện đó có kiến nghị gì" bà liền sợ hãi nói "thưa ông, em sao dám có kiến nghị gì chuyện bên ngoài". Dần dà, vẻ khúm núm sợ sệt của bà làm quan ông chán ghét, hóa ra tài nữ vang danh cũng chỉ có vậy. Chỉ có ta là biết, mẹ ta đối với những chuyện đó đều có kiến giải, đều có quan điểm, nhưng bà sợ quyền sợ thế, sợ ông yêu thích mình sẽ rước họa vào thân, liền quyết trở nên đần độn, lầm lũi sống qua ngày. Nếu như ông đến phòng dì Nga bà ta sẽ kể cho ông nghe một loạt chuyện tiếu lâm, chọc cho ông vui vẻ không ngừng, nếu ông đến phòng dì Hằng, bà ấy cũng sẽ ỏng ẻn thủ thỉ, làm cho ông một hồi vui sướng, nếu như ông đến phòng bà cả, bà ấy sẽ dứt khoác nói ra cái hay, cái lợi, cái thiệt hơn, đưa ra kiến nghị giúp ông gỡ rối tơ lòng, vậy ông đến phòng mẹ ta để làm gì? Ở nơi này, quan ông là tôn quý nhất, người được quan ông trọng dụng mới có mặt mũi, đầy tớ nhìn phần này mà nịnh nọt lấy lòng, kẻ không được yêu thích như mẹ con ta họ sao có thể để vào mắt. Mùa đông có chăn đắp đã là đủ, nào dám so chăn dày mỏng.Tâm nguyện lớn nhất của mẹ ta, chính là mong ta được gả vào một nhà chồng tốt, em trai ta học hành thành tài. Đối với bà cả, không mong bà có thể yêu thích chúng ta, chỉ mong bà đừng ghét bỏ là được. Bà cả, theo lời mẹ, không phải là người xấu, chỉ là bà quá uy quyền, khiến người đứng trước mặt đều run sợ. Bà là con gái duy nhất của tri châu Hóa, được chiều chuộng mà lớn lên, năm đó tri châu nhìn trúng tú tài Văn Hậu không tầm thường, ắc làm nên việc lớn nên đem cô con gái duy nhất gả cho. Người chỉ cần không động đến quyền lợi của bà, danh tiếng của phủ Huỳnh thì đều có thể bình an mà sống.Một năm sau, ta có thêm một em gái, dì Hằng sinh cho ông một cô, gọi là Khánh Chi, tình cảm với quan ông lại được tăng thêm một bậc. Trong phủ Huỳnh, ngoài uy quyền của bà cả, dì Hằng là người trẻ tuổi nhất, lại được ông yêu thích, đối đãi của dì so với bà cả phải là một chín một mười. Thân phận của dì tạm coi là cao quý, cha của dì là một châu phán nhưng bị vướng vào án tham ô, tan cửa nát nhà, đành phải bỏ lại con gái làm lẽ cho người. Dì là được gả vào sau mẹ của ta. Bên trên dì còn có dì Nga, là bạn thanh mai trúc mã với ông từ nhỏ, nhưng gia thế suy sút, đành nương nhờ nơi ông. Nhiều năm trước dì Nga có mang lại bị sự cố dẫn đến sảy thai, thầy lang nói, dì không còn khả năng sinh con nữa.Quan ông giao hết thảy mọi sự quản gia cho bà cả, không cần biết các nàng đánh đấu ra sao, chỉ cần trước mặt ông giữ một bộ mặt gia đình hòa thuận, làm ông vui vẻ là được, bức màng giả tạo mỏng manh này duy trì qua năm tháng, không có ai ngu dại mà chọc tay xé thủng. Nhà quan nào không có năm thê bảy thiếp tranh đấu, điều này cũng chính là điều đám đàn ông yêu thích, có cảm tưởng như mình trở thành đấng ông chồng quan trọng, các nàng thay nhau lấy lòng, thay nhau giành giật. Thế nhưng vẫn phải làm bộ làm tịch hòa thuận yêu thương, bà cả khoan dung, dì nhỏ lễ phép.