Khương Đào tỉnh lại trong đêm tối, gắng gượng đứng dậy uống một chén thuốc lạnh băng xong, hai mắt nàng vô thần nhìn chằm chằm nóc nhà, thở dài.
Nàng lại mơ thấy chuyện đời trước.
Chính xác mà nói, nàng đã sống qua hai đời.
Kiếp đầu tiên nàng là một cô gái sinh hoạt bình thường ở hiện đại, do bệnh miễn dịch bẩm sinh hiếm thấy và cả bệnh tim bẩm sinh nên vừa ra đời đã được đưa vào phòng vô trùng.
Nhưng may mắn gia cảnh nàng giàu có mà cha mẹ nàng lấy danh nghĩa sáng lập quỹ để chi trả tiền chữa bệnh cho nàng. Sau này nàng lớn hơn một chút, cha mẹ thẳng tay mua một tòa nhà để cho nàng chữa bệnh, cùng với rất nhiều nhân viên điều dưỡng ưu tú.
Nhưng cha mẹ đối xử với nàng như vậy cũng có giới hạn, có lẽ là biết bệnh của nàng khó có thể chữa khỏi, không chừng ngày nào đó sẽ không còn, nếu có tình cảm sâu đậm với nàng, đến khi ấy chắc chắn sẽ đau thấu tim gan, không bằng lạnh lùng với nàng một ít, mai này tới lúc ấy cũng không quá đau khổ.
Do đó, khi ấy Khương Đào nhìn thấy nhiều nhất chính là bác sĩ tư nhân và các y tá, cha mẹ và anh em trong nhà có thể gặp một lần một tháng đã chẳng dễ dàng gì rồi.
Nàng cảm thấy chính mình vẫn rất lạc quan, ở viện điều dưỡng tuy rằng nhàm chán nhưng nàng vẫn siêng năng học tập, ảo tưởng rằng sau này y học tiến bộ hơn bây giờ thì nàng có thể ra khỏi phòng bệnh vô trùng, sinh hoạt như một người bình thường.
Nhưng rốt cuộc đó cũng chỉ là hy vọng xa vời, nàng còn chưa có tới tuổi thành niên đã phải bước tới cánh cửa sinh tử.
Khi đó Khương Đào mới phát hiện chính mình không cam lòng...
Đây mà gọi là sống ư? Có gì khác so với cái xác không hồn đâu chứ! Ông trời cũng quá bất công với nàng!
Tuy rằng lòng đầy phẫn uất nhưng trước lúc chết, Khương Đào vẫn lựa chọn tận dụng hết khả năng của bản thân báo đáp cho xã hội, lập di chúc hy vọng sau khi mình chết, dùng danh nghĩa của mình tiếp tục cứu chữa cho một số người mắc những căn bệnh hiếm thấy.
Không biết có phải vì đã làm được chuyện tốt hay không mà sau khi chấm dứt đời trước thì ý thức nàng không hề tiêu tán, quay về cổ đại.
Đây là kiếp trước của nàng.
Vẫn như cũ, kiếp trước gia cảnh nhà nàng vô cùng hiển hách, nàng là đích nữ hầu môn, tuy rằng kim tôn ngọc quý nhưng mẫu thân của nàng mất sớm, qua hai năm, phụ thân cưới một thê tử mới trẻ tuổi xinh đẹp.
Khi nàng xuyên qua, nguyên thân cũng chỉ tầm bảy, tám tuổi, kế mẫu vào cửa được ba, bốn năm, tuy chưa từng khắt khe với nàng nhưng cũng không quá thân thiết với nàng. Sau khi kế mẫu giúp hầu phủ khai chi tán diệp, liên tiếp sinh hạ hai nhi tử, ba nữ nhi, bà ta nhìn nàng không thuận mắt rồi.
Phụ thân của nguyên thân không để ý tới việc trong nhà, đương gia chủ mẫu rõ ràng không thích nàng, hạ nhân trên dưới chẳng có ai đối xử tốt với nàng, cuộc sống của tiểu Khương Đào thật sự không tốt lắm.
Vốn dĩ do hạ nhân chậm trễ, vào mùa đông năm nọ, Khương Đào rơi xuống hồ dẫn tới bệnh tật triền miên, sau đó kế mẫu thẳng tay nhốt nàng vào trong viện, không cho nàng bước ra khỏi cửa viện nửa bước.
Nàng chỉ có cái danh nghĩa đích trưởng nữ của hầu phủ, còn lại ở nhà thì làm người vô hình.
Khương Đào thật vất vả mới sống lại một lần, đương nhiên không có khả năng tùy ý để kế mẫu ức hiếp mình như vậy.
Nhưng đáng giận là, hầu môn Khương Đào vẫn là một con ma ốm!
Bẩm sinh vốn gầy yếu đã đành, từ mùa đông năm đó rơi vào trong hồ, nàng mắc bệnh phổi rất nghiêm trọng. Thời gian trôi qua bệnh của nàng không những không có chuyển biến tốt đẹp mà ngược lại còn từ từ nặng thêm.
Đừng nói tranh đấu với kế mẫu, chỉ là răn dạy hạ nhân tới muộn hai câu cũng khiến nàng ho nghiêng trời lệch đất, choáng váng đầu óc.
Không chú ý một chút là mấy ngày không xuống được giường.
Khương Đào cũng không dám lấy tính mạng của mình ra để đùa giỡn, chỉ có thể vừa dưỡng bệnh vừa nghĩ cách.
Kế mẫu kia không cho nàng ra khỏi cửa nhưng cũng không để tên tuổi của nàng bị chôn vùi như thế. Cho nên ngay từ đầu kế mẫu nói là cho nàng dưỡng bệnh, qua hai năm lại mời người tới dạy nàng thêu thùa, nói với người ngoài rằng nàng chuyên tâm học hành, không tiện ra ngoài.
Nhưng kế mẫu của nàng tuyệt không ngờ tới, ở phương diện này, Khương Dào rất có thiên phú, hơn nữa nàng kiên nhẫn và cẩn thận hơn rất nhiều so với người thường, học qua tầm năm năm, sư phụ dạy nàng đã đưa ra đánh giá "Trò giỏi hơn thầy".
Sau này, có sư phụ giúp đỡ, đưa tác phẩm của Khương Đào trình tới trong cung.
Sư phụ nàng vốn là muốn đưa tác phẩm kia tới cho một tiểu quý nhân nào đó ở trong cung. Không cần biết là phi tần phẩm cấp gì, chỉ cần có thể ở ngự tiền ngẫu nhiên khen Khương Đào một câu. Kế mẫu cũng sẽ không dám hạnh họe với Khương Đào như vậy nữa.
Khá trùng hợp, đồ thêu kia không biết thế nào lại tới trước mặt Thái Hậu, lập tức nhận được sự ưu ái của Thái Hậu.
Sau khi biết là Khương Đào thêu, Thái Hậu còn phái thái giám tự mình tới hầu phủ một chuyến, truyền khẩu dụ Thái Hậu khen nàng.
Được chính miệng Thái Hậu khen ngợi, sư phụ Khương Đào thật sự thấy vui thay cho nàng, nghĩ đúng lúc nhân dịp này sẽ cho Khương Đào một cọc hôn nhân vừa ý, không bao giờ phải nhẫn nhịn kế mẫu kia nữa.
Nhưng các nàng lại chẳng ngờ được rằng, thủ đoạn của kế mẫu kia rất lợi hại, không đợi chuyện này lan truyền ra đã lấy khí thế sét đánh không kịp che tai đính hôn cho Khương Đào.
Việc hôn nhân của Khương Đào do phụ thân và kế mẫu làm chủ, sau đó thanh danh của nàng có tốt tới đâu cũng vô dụng.
Ngay lúc đó, Khương Đào không hiểu loanh quanh lòng vòng, nghe phụ thân nói đối phương là một người nổi tiếng có tài, gia thế trong sạch cũng không có cảm xúc gì, chỉ muốn mau chóng rời khỏi nhà, chia tay với cái mùi vị nhàm chán của cuộc sống lúc này... Không nghĩ tới, còn chưa xem mặt thì nhà chồng nàng lại đổi người, thành hậu duệ quý tộc hoàng thất mà nàng nghĩ cũng không dám nghĩ.
Đó vốn là người tương đối trong sạch mà kế mẫu đính hôn cho muội muội.
Ngay tại thời điểm nàng lo sợ hoang mang, còn chưa kịp xác nhận đối phương là ai, bên ngoài đã xảy ra chuyện lớn - ngoại thích mưu phản, Thái Tử bị giam cầm trong Đông Cung. Nàng nghe nói người ta cũng bị liên lụy.
Cùng ngày nghe được tin tức, hầu phủ dường như đã chuẩn bị từ sớm, để một chiếc xe ngựa đơn sơ đưa nàng tới am ni cô ở ngoại ô.
Hóa ra, bọn họ đã nghe được tiếng gió từ lâu, tuy không dám hành động thiếu suy nghĩ nhưng lại chuyển mối hôn sự kia từ người muội muội tới trên người nàng, để nàng chắn tai ương thay cho muội muội.
Khương Đào có khổ không thể nói, nghĩ tới sau này nàng và hầu phủ chẳng còn quan hệ gì, cũng coi như Khương Đào trả lại ơn dưỡng dục cho hầu phủ.
Thân thể nàng vẫn không khỏe như trước nhưng kỹ năng thêu thùa vẫn còn, hơn nữa trụ trì am ni cô hiền lành, không những giúp nàng bán đồ thêu mà khi nghe nói nàng đi cứu tế cô nhi ở phụ cận cũng ra sức góp một phần không nhỏ.
Nhưng cuộc sống như vậy cũng không kéo dài lâu, thiên tử tức giận tuy chưa dính tới tiểu cô nương chưa biết mặt này nhưng người mà nàng được làm mai lại đắc tội với rất nhiều người, vì thế nửa năm sau, một mồi lửa lớn vô cùng kỳ quặc quét qua sương phòng của Khương Đào.
Trước khi chết, nàng nghĩ, người ta chỉ sống hết một đời nhưng phong phú nhiều màu, nàng sống qua hai đời nhưng phần lớn toàn đau ốm liên miên, uổng phí một kiếp sống như trước ấy...
Nàng nghĩ nếu có chút may mắn, kiếp sau hãy nghèo.
Khổ mấy cũng không sợ nhưng nàng muốn có một thân thể khỏe mạnh! Có câu thân thể khỏe mạnh là nguồn gốc của hạnh phúc, đúng là tiêu chuẩn vàng thứ nhất từ xưa tới nay!
Nhưng ý thức nàng về sau cũng chẳng tiêu tan mà sống vất vưởng qua ngày trong am ni cô.
Mà gọn lửa lớn trong đêm ấy cũng thật kỳ quặc, chỉ thiêu chết nàng còn căn phòng lại chẳng làm sao.
Khương Đào thư thái, ngày ngày nghe kinh niệm Phật, thường xuyên đi lại tự do trên đỉnh núi, trừ việc mọi người không thấy nàng, nói chuyện với nàng, cũng không làm được việc nàng thích nhất là thêu thùa khiến nàng cảm thấy có chút tịch mịch, hình như cũng không khác gì mấy. Thậm chí so với trước kia còn tốt hơn, dù sao lúc trước nàng bị bệnh tật quấn thân, nào giống hiện tại thong dong thoải mái, thân thể nhẹ nhàng.
Vốn tưởng rằng ngày tháng sẽ trôi qua như vậy, Khương Đào không ngờ rằng chính mình còn có thể gặp lại người quen.
Đó là một ngày xuân trời trong nắng ấm, một phụ nhân búi tóc vân cao (vân cao kế) thường thấy, quần áo hoa lệ được một đống hạ nhân chúng tinh củng nguyệt (sao vây quanh trăng- nghĩa là được mọi người vây quanh), bước vào am ni cô.
Dường như là trong nháy mắt, Khương Đào đã nhận ra phụ nhân trẻ tuổi kia là muội muội do kế mẫu sinh - Khương Huyên.
Chỉ là cảnh đời đổi dời, tiểu cô nương năm đó nhỏ hơn mình rất nhiều, nay lại trưởng thành như vậy, còn là thê tử của người ta.
Khương Huyên cho hạ nhân lui xuống, quỳ xuống trước tượng Phật, đúng lúc quỳ ngay trước mặt Khương Đào.
Ngoài dự đoán mọi người, Khương Huyên cũng không có kỳ nguyện gì gửi gắm Phật tổ, chỉ giống như đang hàn huyên, nói: "Tỷ tỷ, chớp mắt tỷ đã đi được ba năm rồi. Các lão nhân đều nói, nếu người chết rời thế gian mà còn quyến luyến, hồn phách nhiều nhất cũng lưu lại nơi này ba năm. Không biết hiện tại tỷ đã đầu thai hay còn lưu luyến tại nhân thế..."
Giọng Khương Huyên bình đạm, giống như chuyện nàng nói đều không liên quan tới nàng.
Khương Đào nghe xong trong lòng không khỏi có chút ấm áp, nàng và muội muội này vốn không tiếp xúc nhiều, vốn tưởng sau khi chết, thế gian này chẳng còn ai nhớ tới mình, không ngờ là muội muội mình không có cảm tình gì còn nhớ mình.
Không để Khương Đào nghĩ nhiều, Khương Huyên bỗng nhiên cười rộ lên, "Mặc kệ như nào, dù sao tỷ tỷ đã chết. Phụ thân đã quên tỷ tỷ, mẫu thân sống càng thêm thoải mái, hiện giờ cô nương con vợ cả trong phủ chỉ có mình ta, ta cũng trở thành phu nhân Trạng Nguyên... Tỷ tỷ không còn, thật là quá tốt".
Khương Huyên cười tươi, mặt cũng giãn ra, chỉ có thể nói khuôn mặt thanh tú nhiễm lên một sắc thái khác thường.
Nàng cười nói: "Tỷ tỷ thay ta đi tìm cái chết, thật là quá tốt".
Lúc này Khương Đào mới biết Khương Huyên tới am ni cô hoang vắng này vốn không phải nhớ tới mình mà là tới khoe khoang thị uy.
Nhớ tới khi nàng còn sống, chưa bao giờ tranh đoạt cái gì với hai mẹ con họ, thậm chí còn bởi vì thân thể suy nhược phải chịu đủ tủi nhục.
Hồ đồ thế thân cho muội muội ở cọc hôn sự kia, kết quả nàng cũng đã chết, Khương Huyên còn muốn nàng không được yên ổn?!
Khương Đào tức giận vươn tay về phía Khương Huyên nhưng nàng chỉ là một sợi u hồn, đến vạt áo Khương Huyên cũng không đụng được vào.
Cuối cùng, Khương Huyên thắp ba nén hương trước tượng Phật, cười nhẹ, lẩm bẩm nói: "Có cơ hội hy vọng tỷ tỷ có thể sớm ngày đầu thai, tìm muội muội báo thù".
Ba nén hương cháy hết. Khương Đào đang phẫn uất liền thấy trước mắt tối sầm, lại trợn mắt, nàng đã biến thành nữ nhi nông gia Khương Đào.
Nhớ lại từ lúc tới nơi này, Khương Đào lại thở dài một hơi.
Than, hận không thể đem phẫn uất trong lòng xả hết ra ngoài.
Thật sự không phải vì nàng sống tới ba đời rồi còn không thỏa mãn mà là cái cô nương trùng họ tên này cũng quá thảm.
Nàng ấy vốn là nữ nhi của tú tài Khương gia. Nhưng trời giáng tai kiếp, phụ mẫu mất hết trong một tai nạn.
Này cũng chưa tính, nhà ngoại của nàng còn nói cha mẹ Khương Đào là do nàng khắc chết.
Tin đồn kia cũng không phải vô căn cứ, sau khi nàng ra đời không lâu, một thuật sĩ tha phương đã cho nàng một lời phán.
Lời đó nói mệnh cách Khương Đào vô cùng kỳ lạ, có tướng sát mệnh chết yểu nhưng lại ẩn ẩn có mệnh cách đại phú đại quý.
Điều ấy nói ra cũng lạ, một người lại có hai loại mệnh cách.
Nhưng dù là mệnh cách nào, đều không phải thứ nhà bình thường chấp nhận được, sẽ mang đến tai họa cho người nhà.
Thuật sĩ bèn khuyên cha mẹ Khương Đào mang nàng tới am ni cô nuôi, chờ đến khi nàng qua mười sáu tuổi thì có thể đón về.
Cha mẹ Khương Đào không nỡ, hơn nữa phụ thân Khương Đào là người đọc sách, tuy rằng có tâm kính sợ quỷ thần nhưng không mê tín mù quáng. Bởi vậy không làm theo lời đề nghị của thuật sĩ mà nuôi Khương Đào ở nhà.
Mười lăm năm sau, Khương gia vẫn luôn thái bình.
Người trong thôn biết về lời tiên đoán không ít nhưng cũng không quá để ý.
Mãi cho tới không lâu trước đây, vào cái đêm trước khi sinh thần Khương Đào mười sáu tuổi, cha mẹ nàng vì đi tìm một cọc hôn sự tốt cho nàng, trên đường về lại gặp tai nạn ngoài ý muốn, cả hai cùng chết.
Việc này cùng với tính toán của vị thuật sĩ năm đó phán Khương Đào có mệnh cô sát khắc thân mới chính thức bị đồn ra ngoài.
Người nhà họ Khương cũng nóng nảy, sợ nàng lại khắc những người nhà khác nên chờ tang sự cha mẹ Khương Đào xong xuôi bèn muốn đính hôn cho nàng. Tuy rằng Khương Đào muốn giữ đạo hiếu ba năm mới xuất giá nhưng tốt xấu cũng đính hôn trước, dẫu là một nhà khác họ cũng là khắc nhà khác!
Người nhà họ Khương tính toán rõ rành rành nhưng những người khác cũng chẳng ngu, không ai dám tới gánh cái rủi ro này.
Nữ nhi nông gia Khương Đào chợt mất đi phụ mẫu, người ngoài lại đồn đãi vớ vẩn không ngừng, còn ngẫu nhiên nghe thấy người nhà họ Khương muốn hứa gả lung tung cho nàng, tức thì nàng lên cơn sốt cao.
Một lần bệnh là bệnh hết nửa tháng, hóa ra Khương Đào kia đã mất đổi thành Khương Đào hiện tại.
Sau khi Khương Đào tỉnh lại phát hiện cơ thể này vô cùng yếu ớt, cách cái chết chỉ có một sợi chỉ, đừng nói tới đứng dậy xuống giường, nói chuyện cũng vô cùng khó khăn. Nàng khóc không ra nước mắt, sao nàng vẫn còn dính tới bệnh tật vậy? Nhưng chuyện đối mặt này cũng coi như cưỡi xe nhẹ đi đường quen - dù sao cũng sống qua hai đời, nhiều năm bị bệnh như vậy, sóng to gió lớn nào chưa từng thấy qua?!
Vừa sống lại nàng đã phải chịu đựng cơ thể chỗ nào cũng bất ổn, uống xong chén thuốc đắng rớt nước mắt của thẩm thẩm, lại ép chính mình ăn một đống cơm đậu thô, thêm một chiếc màn thầu lạnh ngắt, không rơi một hạt nào.
Sống lại được đúng là kỳ tích mà.
Sau đó.
Khương Đào cảm thấy người nhà nguyên thân có lẽ chẳng ngờ sẽ thấy cục diện như này.
Giống hệt như bây giờ, nửa đêm nàng tỉnh lại, trong phòng không có ai chăm sóc, ngay cả một ít than cũng không có, thuốc mới uống suýt đóng thành băng, chiếc chăn không dày mấy kia còn cứng hơn cả sắt.
Chắc bọn họ cũng giống hầu phủ ở đời trước đều mong nàng chết đi?
Nhưng bọn họ muốn nàng chết, nàng sẽ phải chết sao?
Môi Khương Đào nhếch lên một nụ cười châm chọc, đâu có dễ dàng như vậy!
Chút tâm hự của edit: 25/08/22, bây giờ mới có thời gian đi beta lại sau một quãng thời gian đi tôi luyện kỹ năng edit, giờ tôi nhận ra lúc tôi edit chương này ngáo chó lắm nhé, nhưng mà vì không check raw được do còn đang edit nhiều thứ nên tui chỉ chỉnh lại đôi số chỗ để câu văn mượt mà, không mất nghĩa nhé. Xin cảm ơn các đồng đạo rất nhiều!