Gả Thay

Chương 3:




Chuyện phiếm xong, Ngọc Trâm thu dọn bát đũa ra ngoài rửa, Oánh Nguyệt buổi sáng chịu tội nhưng may mà hơn nửa ngày còn lại thuộc về bản thân nàng, nàng vừa tìm được quyển du ký mới muốn xem, bèn đá đôi giày thêu, lên giường dựa cả người bên cửa sổ, ngửi hương mực, vô cùng hạnh phúc mở trang đầu tiên.
Sách là nàng nhờ đệ đệ của Đỗ Quyên làm việc ở ngoại viện mua về, nàng không thể ra ngoài nên rất thích xem đủ loại du ký khắp đại giang nam bắc này, chút tiền tháng còm cõi của nàng đều tiêu cả vào nó. Đỗ Quyên có lòng muốn khuyên nàng mua son phấn, trâm vòng mới về trang điểm chưng diện, nhưng rồi lại nghĩ, cửa còn không ra được thì chưng diện cho ai xem? Thế là ỉu xìu bỏ qua.
Buổi trưa không cần đến chỗ Từ đại phu nhân, theo kế hoạch của Oánh Nguyệt, nàng có thể xem sách nửa ngày rồi ngủ một giấc, dậy sẽ đi dạo một vòng xem hoa nàng trồng có gì thay đổi không, kế đó sẽ về phòng lấy giấy cắt làm thẻ chặn sách___toàn bộ tiền của nàng đều tiêu vào sách nên mấy thứ lặt vặt này không có tiền mua, sau đó nàng lại đọc sách tiếp, đến buổi chiều sẽ tới chỗ Từ đại phu nhân chịu đựng.
Thời gian trong khuê phòng kỳ thực vừa đơn điệu cô quạnh vừa tẻ nhạt, nhưng Oánh Nguyệt đã quen, nàng dọn ra ở một mình trong viện này từ rất sớm, hồi đầu Từ đại phu nhân có cho nàng một bà vú theo thông lệ, nhưng bà vú khôn khéo hơn Ngọc Trâm và Đỗ Quyên, ráng chịu đựng trong tiểu viện không có tí béo bở nào, lại dễ bị người ta lãng quên này suốt hai năm, sau đó lấy lý do Oánh Nguyệt đã lớn để được điều ra ngoài, từ đó về sau bên cạnh Oánh Nguyệt chỉ còn hai nha hoàn chẳng lớn hơn nàng là bao.
Không ai dạy dỗ nàng, nàng cứ thế ngơ ngác trưởng thành, tự tìm cách sống cho riêng mình, tìm chuyện gì thích thú để làm cho trôi qua những tháng ngày chẳng biết nên làm gì, còn về có đúng hay không thì có ai chỉ bảo nàng đâu___chẳng hạn như dùng hết số tiền ít ỏi để mua sách, với tuổi tác đang chờ gả của nàng thì đây hiển nhiên là tiêu tiền không đúng chỗ.
Đỗ Quyên mang cái ghế con tới, ngồi cạnh lò sưởi cuối giường thêu một chiếc khăn tay, mắt nhìn chăm chú một hồi hơi ê, bèn ngửa mặt lên nhìn Oánh Nguyệt xem nàng cần gì không, tiện thể để mắt dịu lại.
Oánh Nguyệt đọc sách rất nhập tâm, không cần gì cả, khuôn mặt thanh tú trắng mịn hơi cúi xuống, vừa dịu dàng vừa ngoan ngoãn, còn toát lên chút ngây thơ vô tội.
Đỗ Quyên nhìn một lát, bỗng sinh ra cảm xúc tự hào từ đáy lòng: đại tiểu thư được nuôi kim tôn ngọc quý, phí tiền phí gạo đủ để đúc người vàng, cũng chỉ trông như vậy; còn mình và Ngọc Trâm, hai nha hoàn túng thiếu, xài một văn tiền cũng phải tính toán chi li, thế mà tiểu thư được nuôi ra cũng không hề kém cạnh, làn da trắng trẻo mịn màng phơn phớt hồng đào, sống mũi xinh xinh, môi như cánh hoa mềm mại, khẽ cắn lại càng rung động lòng người__ớ.
Đỗ Quyên hoàn hồn, lên tiếng ngăn cản:
– Tiểu thư, không được cắn, môi khô phải thoa son.
Nói rồi, nàng buông việc thêu thùa trong tay qua một bên, đứng dậy đi lấy một hộp tròn nhỏ tới, mở ra muốn thoa giúp Oánh Nguyệt.
Oánh Nguyệt hơi ngượng ngùng:
– Biết rồi, để ta tự làm.
Người thiếu sự chăm sóc nuôi dạy tỉ mỉ vẫn có thiếu sót, thói quen nhỏ này của Oánh Nguyệt không quá tốt, nàng không thích dùng son, ngày xuân khô hanh, môi bị khô, nàng sẽ cắn cho trơn, hai nha hoàn Đỗ Quyên, Ngọc Trâm không phát hiện, chờ sau này để ý thì thói quen đã thành hình, các nha hoàn có nhắc nhở đến đâu, hiệu quả vẫn hạn chế.
Đỗ Quyên oán trách nửa thật nửa giả:
– Tụi em nói mà tiểu thư không nghe, xem ra sau này phải để cô gia nói mới được.
Oánh Nguyệt không hiểu ý trêu ghẹo trong lời nàng ấy, giải thích:
– Ta nghe rồi mà.
Nàng thoa môi hồng hào cho nàng ấy xem.
Đỗ Quyên mềm nhũn, cười:
– Được được, em nói sai rồi.
Oánh Nguyệt trả hộp cho nàng ấy, Đỗ Quyên nhìn, chỉ còn lại chút xíu, thầm tính toán, tiểu thư dùng rất ít, không ai nhắc sẽ không nhớ dùng, chút xíu này tạm góp nhặt cũng chống đỡ được hai tháng, khi đó trời nóng lên, không cần dùng nữa, có thể tiết kiệm chút, khỏi phải nghĩ cách kiếm thêm một hộp mới.
Sau khi thở dài, Đỗ Quyên lại hơi xót xa, haiz, ba tiểu thư khác chưa bao giờ dùng mấy món thông thường này, đại tiểu thư thì không nói, nhưng nhị tiểu thư và tứ tiểu thư đều tự có di nương quan tâm chăm sóc mua đồ tốt cho dùng, chỉ có tiểu thư nhà nàng là phải tính toán chi li.
Khi Đỗ Quyên dẹp son môi quay lại thì tâm trạng đó đã không còn, những việc hàng ngày này, chỉ nghĩ tới rồi thôi.
Nàng ấy ngồi lại bên lò sưởi, vừa ở cùng Oánh Nguyệt vừa tiếp tục thêu khăn.
Nửa ngày nhàn hạ bất giác trôi qua, khi ánh hoàng hôn rạng rỡ băng qua cửa sổ, Oánh Nguyệt lại lần nữa ăn mặc chỉnh tề, tâm trạng hơi nặng nề bước ra ngoài.
Lần này Đỗ Quyên kiên quyết đòi đi cùng, Oánh Nguyệt dỗ nàng ấy:
– Không sao đâu, tối qua phu nhân cũng đâu làm gì ta, sáng sớm mới phạt.
Đỗ Quyên nói:
– Cho nên em đi theo tiểu thư cũng không sợ.
Ngọc Trâm phải ở lại, hiện trong tiểu viện chỉ có ba chủ tớ, phải lưu một người lại trông coi đèn đóm, làm mấy việc vặt đun trà chuẩn bị nước, nàng ấy tiễn đến cổng viện, đau lòng nói giúp:
– Biết tiểu thư thương tụi em nhưng nếu tụi em cứ mãi không đi, để một mình tiểu thư đi đi về về, phu nhân thấy thì tụi em làm gì ăn đây? Đến lúc đó chịu phạt mới nặng đấy.
Oánh Nguyệt nghĩ tới, sắc mặt liền thay đổi, vì trong nháy mắt nàng có thể tưởng tượng ra những lời Từ đại phu nhân sẽ nói, bèn gật đầu đồng ý.
Ra cổng viện, càng gần tới chính viện, bước chân nàng càng chậm, nàng rời khỏi tiểu viện của mình như ốc sên bị bắt ra khỏi vỏ, nụ cười trên mặt và sự hoạt bát trong ánh mắt đều dần dần biến mất, đến khi cuối cùng nhìn thấy phòng chính chính viện, nàng chỉ còn lại biểu cảm ngơ ngác cứng đờ.
Nàng thật sự sợ Từ đại phu nhân, bà là đích mẫu của nàng nhưng nàng chưa từng nhận được bất kỳ sự dịu dàng nào của mẫu thân từ bà, bà thao túng nàng từ viện này tới viện kia, tuy cùng ở một nhà nhưng trong tâm hồn non nớt trẻ thơ của nàng thuở nhỏ đã bước đầu có nhận thức về việc sống đầu đường xó chợ, rày đây mai đó, đối với người có thể chi phối cuộc đời nàng như vậy, nàng rất sợ, ngay cả lấy lòng nịnh nọt cũng không dám.
Trước mặt bọn nha hoàn, nàng biểu hiện không sao cả, còn bảo Đỗ Quyên không cần theo tới, kỳ thực ám ảnh tuổi thơ lưu lại vẫn bao phủ nàng cho tới bây giờ, lúc bình thường Từ đại phu nhân xem nàng như cái bóng mà lãng quên còn đỡ, nhưng bây giờ bà không vui, hỉ nộ thất thường, muốn tìm người trút giận, thì nỗi ám ảnh trong lòng nàng lại quay về.
Tối qua Từ đại phu nhân không bới móc lỗi nàng, nhưng ai biết hôm nay thế nào___
Hôm nay cũng không.
Vận may của Oánh Nguyệt không tồi, cuối cùng nàng bước tới chính viện thì chỉ có Kim Linh ra đuổi:
– Phu nhân có việc, các tiểu thư cứ về viện của mình dùng cơm.
Oánh Nguyệt mừng rơn, đáp “dạ”.
Tích Nguyệt đến muộn hơn nàng tiến lên, quan tâm hỏi nhiều thêm một câu:
– Nghe nói đại tỷ tỷ về rồi, hình như sức khỏe không được tốt, tụi con nên vào thăm, không biết có tiện không?
Kim Linh nói:
– Chính là vì đại tiểu thư đấy, đại tiểu thư hơi bị cảm lạnh, phu nhân bận mời thầy lo thuốc, các tiểu thư cứ về đi, chuyện thăm hỏi để mai hẵng tính.
Kim Linh đã nói vậy, các nàng không thể nói gì nữa, Tích Nguyệt lui lại, mang theo nha hoàn xoay người rời đi.
Oánh Nguyệt như được đại xá, kiềm chế tâm trạng nhảy nhót xoay người cất bước, nhỏ giọng nói với Đỗ Quyên:
– Chúng ta vừa khéo vòng tới nhà bếp, mang cơm canh về luôn.
Đỗ Quyên cũng thấy vui, mỉm cười gật đầu.
So với hai chủ tớ chỉ biết cười ngây ngô thì Tích Nguyệt đi phía trước ra dáng hơn nhiều. Dáng nàng ấy cao gầy, sống lưng thẳng, bước chân hơi chậm, đợi Oánh Nguyệt tới thì môi đỏ khẽ mở:
– Chỉ có chút tiền đồ đó.
Oánh Nguyệt:
– …
Nàng cẩn thận nói:
– Nhị tỷ tỷ.
Tích Nguyệt thấy nàng như vậy thì không giận, giơ tay chọt trán nàng:
– Bây giờ muội vui nhưng sáng mai thì sao? Tỷ cho muội hay, đại tỷ tỷ bệnh rồi, tâm trạng phu nhân chỉ có càng kém hơn thôi.
Mặt Oánh Nguyệt ủ rũ:
– __Dạ.
Đi được hai bước, nàng nhăn mặt ỉu xìu nói với Đỗ Quyên:
– Về lấy cái áo choàng xanh của ta ra, sáng mai ta khoác nhiều thêm một cái.
Đỗ Quyên lo lắng gật đầu.
Nha hoàn Cúc Anh đi theo Tích Nguyệt phì cười ra tiếng.
Tích Nguyệt nhịn một lát cũng cười:
– Được rồi, nha đầu ngốc, muội không biết nhìn sắc mặt Kim Linh à? Nàng ta trông giống sốt ruột cuống cuồng lắm sao?
Hai chủ tớ bị dọa nhìn nhau nhớ lại, tìm được đáp án từ vẻ mặt nhau, Oánh Nguyệt sực tỉnh:
– Đúng nhỉ, chẳng lẽ đại tỷ tỷ không bệnh?
Bên môi Tích Nguyệt tràn ra ý cười:
– Cái này thì tỷ không biết. Tỷ chỉ biết, không những Kim Linh lạ mà các hạ nhân theo đại tỷ tỷ ra ngoài càng lạ, chủ nhân bị cảm mà các hạ nhân khi về chẳng ai lo lắng hốt hoảng, ngược lại lại giống như mới đánh thắng trận, ai nấy đều tươi roi rói__ha, bệnh này khiến người ta hình dung không nổi à.
Oánh Nguyệt có quá ít người bên cạnh nên tin tức luôn luôn lạc hậu, Tích Nguyệt thì khác, tuy cùng là thứ nữ nhưng có và không có mẹ đẻ bên cạnh khác nhau rất lớn, Oánh Nguyệt chưa từng nghe tin Vọng Nguyệt bị cảm khi về phủ trong khi Tích Nguyệt ngay cả chỗ kỳ lạ trong chuyện này cũng đã nghe ngóng xong.
Về mặt này, Oánh Nguyệt biểu hiện không lanh lợi nhưng không phải ngốc, nàng vì thiếu thông tin nên không tránh khỏi khiếm khuyết, bây giờ Tích Nguyệt chỉ ra, nàng liền hiểu ngay, kinh ngạc mở to mắt:
– Vậy là đại tỷ tỷ__được toại nguyện rồi?
Vào lúc Phương đại thiếu gia như một thanh kiếm sắc lơ lửng trên đầu, có thể đâm xuống bất kỳ lúc nào thì không còn chuyện gì khác khiến Từ đại phu nhân và Từ Vọng Nguyệt cùng giãn mặt mày ra nữa____tuy trước mắt chỉ thấy vẻ mặt của hạ nhân, nhưng rất nhiều lúc phản ứng của hạ nhân chính là cảm xúc của chủ nhân, nếu Từ Vọng Nguyệt thật sự có gì đó không tốt thì hạ nhân theo nàng ấy ra ngoài ai nấy đều sẽ như đại họa lâm đầu, khóc còn không kịp chứ ở đó mà cười.
– Chắc vậy.
Tích Nguyệt ậm ờ, nhưng thần thái thì rất chắc chắn, khóe môi nhướng lên mỉa mai:
– Cuối cùng vẫn để tỷ ấy làm được.
Oánh Nguyệt thở phào nhẹ nhõm, nàng không nghĩ gì khác, chỉ đơn giản nghĩ là mình sắp có những ngày dễ chịu mà thôi. Không ngờ cái thở phào này lọt hết vào tai Tích Nguyệt.
Vẻ mặt Tích Nguyệt cứng đờ, khuôn mặt thanh tú vặn vẹo trừng Oánh Nguyệt:
– ____Nha đầu ngốc, nói với muội những lời này đúng là đàn gảy tai trâu!
Oánh Nguyệt cũng hiểu mình biểu hiện giống kẻ phản bội, bèn vội cười nịnh nọt:
– Nhị tỷ tỷ, muội không có ý đó, muội chỉ là bị phu nhân phạt sợ thôi.
Nghĩ một chút, nàng lại lặng lẽ bổ sung:
– Muội mừng thay nhị tỷ tỷ.
Tích Nguyệt chỉ lớn hơn nàng một tuổi nhưng chín chắn hơn rất nhiều, là một đại cô nương đích thực, nghe vậy gò má ửng hồng:
– Tỷ thì có gì đáng vui chứ? Hừ.
Cúc Anh theo bên cạnh bật cười, nhỏ giọng:
– Tam tiểu thư nói cũng không sai, nếu đại tiểu thư thành công thì đối với tiểu thư cũng không phải chuyện xấu.
Đại tiểu thư mà cứ dây dưa lần lữa mãi mới đáng lo.
Tích Nguyệt cười lạnh:
– Đâu dễ vậy chứ. Hôn ước trên người đại tỷ tỷ vẫn còn đó, trước kia lúc có thể từ hôn thì không từ hôn, bây giờ mà từ hôn, chẳng lẽ Bình Giang bá phủ dễ ức hiếp thế à? Làm to chuyện thì bất kể đại tỷ tỷ quấn lấy Long Xương hầu phủ thế nào, người ta còn cần tỷ ấy chắc? Hầu môn cao quý như vậy muốn kiểu cô nương tốt nào lại chẳng có, cần bám dính lấy đại tỷ tỷ sao?
Vì Từ Vọng Nguyệt được voi đòi tiên mà Từ Tích Nguyệt bị làm lỡ dở đến mười bảy tuổi, chỉ riêng việc này đã đủ để nàng sinh ra vô số oán khí với trưởng tỷ rồi.
Nhưng nàng nói câu nào cũng có lý, Từ Vọng Nguyệt cách chân chính toại nguyện còn một quãng đường dài, mà Bình Giang bá phủ chính là tòa núi lớn cản đường ấy, có thể dời nó đi hay không, dời thế nào, đều là vấn đề, hơi bất cẩn tí là thanh danh của Từ Vọng Nguyệt sẽ đi tong.
Nghĩ tới đây, tâm trạng Tích Nguyệt lại tốt lên, nụ cười của nàng pha lẫn niềm vui trên nỗi đau người khác, chỉ có Cúc Anh là sầu lo:
– Tiểu thư, nếu thanh danh đại tiểu thư vì chuyện này mà hỏng thì tiểu thư cũng___
Đều là người một nhà, chẳng ai trốn được. Không chỉ Tích Nguyệt mà Oánh Nguyệt cũng chẳng được gì tốt, chỉ có Kiều Nguyệt còn nhỏ tuổi mới bị ảnh hưởng ít.
Tích Nguyệt nghiến răng:
– Vậy cũng phải làm hỏng tỷ ấy!
Giữa chân mày nàng hiện ra chút không cam lòng:
– Phu nhân và đại tỷ tỷ bây giờ chắc đều hài lòng đẹp ý rồi chứ…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.