Gặp Em Dưới Mưa Xuân

Chương 1:




Cho dù năm anh trai và một chị gái có suy nghĩ gì thì vị trí của Phạm Tiểu Đa trong gia đình luôn rất đặc biệt, kể từ lúc sinh ra đã như vậy.
Từ lúc sinh ra cho tới năm hai mươi mốt tuổi, Phạm Tiểu Đa luôn rất thuận lợi. Đến lúc học đại học thì học đại học, đến lúc đi làm thì đi làm. Cũng giống như bao nhiêu người cùng tuổi khác, giã từ trường đại học bước chân ra xã hội, cô mới thực sự bắt đầu cuộc sống.
Mọi người trong gia đình cảm thấy như thế rất tốt, một đứa bé oe oe cất tiếng khóc chào đời hôm nào cuối cùng cũng đã lớn lên một cách yên ổn. Còn nữa, sau khi đi làm có thể độc lập về kinh tế, nhưng mọi người trong gia đình vẫn cảm thấy cần phải tính tới bước tiếp theo cho cuộc đời của cô, đó là tìm một người bạn trai.
Hai ông bà Phạm tình cảm rất yêu thương gắn bó, sau khi về hưu, cả năm không hỏi han gì đến việc nhà mà cứ đi du lịch khắp mọi miền tổ quốc. Một hôm, hai ông bà tới Lệ Giang, thấy dòng suối róc rách chảy trước cửa mọi nhà, chợt nhớ đến đường phố mà hồi nhỏ họ đã sống. Bà Phạm nhìn những quán rượu lớn nhỏ cổ kính và những tiệm cà phê xinh xắn, bèn nảy ra ý định sẽ mở một cửa hàng như vậy. Ông Phạm thì cảm thấy phong cảnh của Lệ Giang rất đẹp, người đến du lịch đông tấp nập, chuyện trò rôm rả, thân thiết chẳng khác gì hàng xóm.
Thế là hai ông bà mở một quán cà phê ở Lệ Giang. Khách không đông lắm nhưng cũng không ít. Hằng ngày, du khách từ muôn phương uống cà phê do bà Phạm pha, ăn bánh do bà làm, tấm tắc ngợi khen, còn ông Phạm thì nhiệt tình đón tiếp, thêm vào mấy câu hài hước. Những người hay đến lâu dần thành quen cũng gọi ông bà là bố Phạm - mẹ Phạm, đến cả những người không quen khi tới quán nghe thấy thế cũng gọi theo như vậy.
Những tình cảm thân thiết ấy khiến hai ông bà thích thú cười tít mắt, cảm thấy so với cuộc sống ở thành phố A ngày ngày ở nhà trông chờ con cháu về ăn cơm thú vị hơn rất nhiều, vì vậy ông bà quyết định ở lại Lệ Giang.
Hai ông bà không ở nhà, nên mọi chuyện trong gia đình đều do anh Cả và chị Hai trong nhà họ Phạm lo liệu. Họ suốt ngày đem “thánh chỉ”của bố mẹ ra để lo lắng cho tương lai của Tiểu Đa.
Nói đến đây, có lẽ cần phải nhắc đến các thành viên trong gia đình ông bà Phạm. Ông Phạm rất nỗ lực, bà Phạm cũng không chịu thua kém. Trong khoảng thời gian từ thập niên sáu mươi đến thập niên bảy mươi, hai ông bà đã hoàn thành hai lần kế hoạch năm năm, đẻ liền một mạch sáu đứa con, năm trai, một gái.
Người con cả Phạm Triết Thiên, từ năm tám tuổi đã trở thành một ông Phạm thứ hai, mở trừng mắt nhìn từng đứa trẻ đỏ hỏn lần lượt làm chật góc nhà, rồi đứa nào đứa nấy đều kéo vạt áo gọi anh ngay từ khi biết nói, điều đó đã khiến cho Phạm Triết Thiên lập tức hiểu được hàm nghĩa chân thực của câu “anh cả như cha” lúc mới tám tuổi.
Người con thứ hai là Phạm Triết Cầm, ít hơn anh cả Phạm Triết Thiên hai tuổi, khi lên tám cô đã gánh vác một phần trách nhiệm của mẹ, cùng với anh Cả đảm đương công việc trong nhà.
Tiếp theo đó là sự ra đời của bốn người con, ông Phạm đành phải thực hiện kiểu quản lý quân sự, anh Cả và chị Hai tích cực đảm đương trách nhiệm của đội trưởng, sáng sớm hằng ngày đánh thức những đứa em ham ngủ, rồi xếp hàng xuống nhà bếp bê đồ ăn sáng. Anh Cả - chị Hai bê nồi cháo, bốn đứa em, hai đứa bê bánh bao, hai đứa bê thức ăn, chia nhau làm rất trật tự, đâu ra đấy, tạo thành cảnh tượng của một nhà ăn ở đơn vị mà ông Phạm trực thuộc.
Các đồng nghiệp trong đơn vị của ông Phạm nhìn thấy thế đỏ cả mắt: “Ông Phạm này, nhà anh đông con như thế, anh làm thế nào để chúng nghe lời vậy? Nhà tôi chỉ có hai đứa, ấy thế mà chúng cứ náo loạn lên, nhức hết cả đầu”.
Ông Phạm tự hào đáp: “Vì tôi có hai đứa con rất đảm đang, nên tôi không phải lo lắng gì cả”.
Đúng là ông bà Phạm ít phải lo lắng vì điều đó. Không giống như những nhà đông con khác suốt ngày cãi vã nhau, tranh giành đồ, làm cho bố mẹ đau đầu tới mức hối hận vì đã sinh ra những đồ quỷ phiền phức này.
Người con cả nhà ông Phạm thông minh, mưu lược, cô con gái thứ hai cẩn thận, chu đáo, hai anh em phối hợp với nhau rất ăn ý. Đến năm mười tuổi, có một lần hai ông bà Phạm đều phải đi công tác trong cả tháng trời, trước khi đi đưa cho người con lớn một trăm đồng để anh em ở nhà tiêu, đến khi ông bà về, người con thứ hai mang sổ ghi chép chi tiêu rất chi tiết ra đưa cho mẹ xem, còn đưa lại mẹ hơn hai mươi đồng. Kể từ lúc đó, quyền chi tiêu trong gia đình hoàn toàn được trao cho Phạm Triết Cầm.
Phạm Triết Thiên không chỉ là anh Cả trong gia đình, mà còn là người anh của cả bọn trẻ trong khu. Anh nói một là một, hai là hai, xử sự rất công bằng.
Có một lần, người con thứ ba là Phạm Triết Địa và người con thứ năm Phạm Triết Hòa cãi nhau vì một chuyện nhỏ. Phạm Triết Hòa đá anh một cái, Phạm Triết Địa tát em một cái, rồi cả hai cùng khóc toáng lên.
Anh Cả - Phạm Triết Thiên hỏi cậu em thứ năm: “Vì sao em khóc?”.
Phạm Triết Hòa đáp: “Anh Ba tát em làm em đau”.
Phạm Triết Thiên lại hỏi Phạm Triết Địa: “Vậy còn em, vì sao lại khóc?”.
Phạm Triết Địa sụt sịt: “Em Năm đá rất mạnh, đến giờ vẫn còn đau”.
Phạm Triết Thiên nghĩ một lúc, nói: “Thằng Năm, bây giờ em tát cho thằng Ba một cái, còn thằng Ba, em phải đứng yên, chờ khi thằng Năm đánh xong thì đá lại một cái, thằng Năm, em cố chịu nhé”.
Sau khi một người đá, một người tát xong, cả hai đều cảm thấy hả hê vì đã trả thù được đối phương và lại lập tức thân thiết như trước. Kể từ đó, hễ gặp những việc tương tự, Phạm Triết Thiên lại trở thành quan tòa, chưa có ai kêu ca, phàn nàn về cách phân xử của anh. Anh đã giữ vững ngôi vị trong nhà, có mặt anh, mấy đứa em không ai dám gây chuyện.
Có thể đấu lại được với Phạm Triết Thiên chỉ có Phạm Triết Cầm. Nếu không tính đến hai bố mẹ, lực lượng trong nhà chia ra làm hai thì phe của Phạm Triết Thiên có Phạm Triết Địa và Phạm Triết Hòa, phe của Phạm Triết Cầm có người em thứ tư và thứ sáu. Ba chọi ba, lực lượng coi như cân bằng, không bên nào động đến bên nào, mọi việc đều yên ổn.
Thời gian trôi đi như bay, chẳng mấy chốc Phạm Triết Thiên đã mười tám tuổi, Phạm Triết Cầm cũng trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, rực rỡ như hoa. Bốn người em, nhất loạt hơn kém nhau một tuổi: Phạm Triết Địa mười bốn, Phạm Triết Nhân mười ba, Phạm Triết Hòa mười hai, Phạm Triết Lạc mười một.
Ông bà Phạm lấy bốn từ Thiên, Địa, Nhân, Hòa đặt tên cho bốn đứa con trai, không ngờ lại có thêm một đứa con trai nữa, ông Phạm vui vẻ cười khà khà và nói: “Thế này vậy, đặt tên cho thằng thứ sáu là Lạc, kỳ lạc dung dung, dung dung hòa lạc[1]”.
[1] Kỳ lạc dung dung, dung dung hòa lạc: Mọi người sum họp, vui sướng biết bao.
Cứ tưởng rằng nhà ông bà Phạm không thêm người nữa, nào ngờ, bà Phạm vừa qua tuổi bốn mươi lại có bầu. Lúc đó, cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch vừa qua hai năm, cũng là khi vừa bước sang năm Tám mươi. Hai ông bà nhìn nhau, quyết định, cho dù bị bãi quan chịu tội cũng phải giữ lại “sau tám mươi”, nói theo cách nói của bà Phạm thì: Thời đại nào thì nhà mình cũng không để trống.
Thế là, bà Phạm tiếp tục sinh thêm một cô con gái nữa.
Ông Phạm rất vui: “Không ngờ bảo đao của tôi vẫn chưa già, lại có thêm thất tiên nữ”.
Bà Phạm thấy mình già rồi mà vẫn đẻ được cô con gái nên không nén được niềm vui: “Ông Phạm này, hồi chúng ta mới cưới nhau…”. Sự ra đời của cô con gái làm bà nhớ đến những ngày mới kết hôn vô cùng ngọt ngào.
Hai ông bà đều cảm thấy có một niềm hạnh phúc lớn lao trước sự ra đời của cô con gái.
Nhưng sáu người con của ông bà thì mỗi đứa có một suy nghĩ riêng.
Bốn đứa con trai trên dưới mười tuổi, đều cảm thấy sau nhiều năm làm đại đầu binh giờ cũng đã có lối thoát.
Anh Cả nhìn cô em bé bỏng, bụng nghĩ thầm: Phải bồi dưỡng lòng trung thành cho nó ngay từ lúc còn nhỏ, nhất định không để nó trở thành một đứa không dễ đối phó như Phạm Triết Cầm.
Chị Hai thầm tính, nếu như nó về phe mình, thì đầu phiếu của Phạm Triết Thiên rõ ràng là không lợi thế.
Mắt của sáu con người ấy cùng đảo theo cô bé đỏ hỏn trên giường, thế rồi đột nhiên nghe “oe” một tiếng, cô bé ngoác cái miệng tí xíu ra khóc. Cái miệng bé xíu ấy với đôi môi như những cánh hoa cứ mở ra rồi khép lại, mở ra rồi lại khép lại, khiến cả nhà họ Phạm giật mình và đồng thời cảm thấy một tình thương yêu dâng trào, khiến không ai muốn cô bé phải chịu một chút xíu ấm ức nào.
Anh Cả, chị Hai ra lệnh, bốn đại đầu binh nhất tề hành động. Lấy nước nóng, xúc bình, pha sữa, thử độ ấm. Anh Cả giằng lấy bình sữa đã pha xong, chị Hai không chịu thua, nhẹ nhàng bế cô em gái lên, hai người phối hợp cho cô em gái ăn ngụm sữa đầu tiên.
Ông bà Phạm nhìn nhau cười, cảm động tới mức suýt nữa nước mắt vòng quanh.
Nhưng đến khi đặt tên thì lại thấy khó khăn. Ý kiến của mọi người rất khác nhau, ai cũng nhao nhao đưa ra ý kiến. Đây là lần đầu tiên ý kiến của anh Cả Phạm Triết Thiên không được mọi người nghe, và cũng là lần đầu tiên mệnh lệnh của chị Hai Phạm Triết Cầm vô hiệu. Ông Phạm bất lực, cuối cùng nói: “Gọi là Tiểu Đa đi, nó là đứa con gái mà ông Trời cho thêm nhà ta”.
Phạm Tiểu Đa cuối cùng đã có tên chính thức.
Kể từ khi Phạm Tiểu Đa hai tuổi, ông bà Phạm quanh năm đi công tác ở nơi xa, cả năm ở nhà chưa tới hai tháng. Mọi chuyện trong gia đình đều giao lại cho anh Cả và chị Hai cai quản, trước khi đi còn dặn hai đứa con lớn dù thế nào cũng phải chăm sóc Tiểu Đa cho thật tốt.
Tiểu Đa còn nhỏ, nên được gửi cho bà Trần hàng xóm trông, đến khi anh chị tan học thì mới đón về nhà. Mỗi lần nhìn thấy anh Cả đến đón, Tiểu Đa rất vui, cô bé có thể được cưỡi lên cổ anh về nhà. Nhìn thấy chị Hai, Tiểu Đa cũng rất vui, cô bé có thể được ăn quà vặt trên đường về nhà.
Cho dù năm anh trai và một chị gái có suy nghĩ gì thì vị trí của Tiểu Đa trong gia đình luôn rất đặc biệt, kể từ lúc sinh ra đã như vậy, miệng cô đã nhỏ, nhưng nếu có món gì ngon thì sáu người, mỗi người sẽ cho cô một miếng, cô cũng có được sáu phần. Một ngày cô ít cười với ai một lần, thì người ấy sẽ cảm thấy rất ngượng trước mặt năm người còn lại.
Vẫn là anh Cả giữ gia pháp, chị Hai quản tài chính, nhưng đối tượng phục vụ thì lại trở thành Tiểu Đa.
Phạm Triết Lạc cùng với trẻ con trong khu ra đồng bắt ong mật, Tiểu Đa mới năm tuổi, nắm tay anh đi theo xem bọn trẻ lấy mật. Phạm Triết Lạc dùng cái nhíp của y tế kẹp đít con ong đang lấy mật trên hoa cải dầu, đứa bé bên cạnh thì dùng con dao nhỏ cắt viên phấn hoa vàng rực trên chân sau của con ong.
Phạm Triết Lạc bảo em: “Mật ong ngọt mà em uống được làm từ cái này đấy”. Lấy hết mật xong, Phạm Triết Lạc nhả chiếc nhíp thả con ong ra.
Tiểu Đa rất hiếu kỳ, nhìn thấy một con ong vừa đỗ xuống cây cải bên cạnh, liền đưa tay ra sờ. Thế là bị con ong đốt vào mu bàn tay, khiến bàn tay lập tức sưng tướng, đau đến mức không nén được khóc ré lên.
Phạm Triết Hòa hồn bay phách lạc, túm vội lấy tay em, hết thổi rồi lại xoa, Tiểu Đa càng đau dữ hơn, nước mắt cứ tuôn ra đầm đìa. Phạm Triết Lạc cuống quýt cõng em chạy về nhà, lấy muối i-ốt rồi dầu giải nhiệt bôi vào, bôi xong hỏi em: “Còn đau nữa không?”.
Tiểu Đa vừa khóc vừa gật đầu, cảm giác bàn tay rát như lửa đốt.
Đúng lúc đó Phạm Triết Thiên đi làm về, vừa bước vào cửa nhìn thấy Tiểu Đa nước mắt nước mũi đầy mặt, khuôn mặt bé xíu lem nhem đất cát, còn Phạm Triết Lạc mặt mũi đỏ bừng, chiếc bàn bên cạnh đặt mấy lọ thuốc. Thấy vậy Phạm Triết Thiên tức giận, bước vội tới nơi, sau khi hỏi tình hình, lạnh lùng nói: “Thằng Sáu, em ra quỳ ở ngoài ban công, anh đưa Tiểu Đa tới trạm xá”.
Phạm Triết Lạc cầu xin: “Để em cùng đi với anh, khi nào về em sẽ quỳ”.
Phạm Triết Thiên gầm lên: “Em mà còn nói thêm câu nào, sau này anh sẽ không cho em chơi với Tiểu Đa nữa!”.
Phạm Triết Lạc lập tức chấp hành gia pháp, quỳ ngay xuống trước ban công. Mấy người anh, bất kể là ai, sau khi về nhà hỏi rõ tình hình xong đều vội vàng chạy đi. Phạm Triết Lạc quỳ một mình ở ban công không nén được bèn khóc thút thít. Cậu rất muốn chạy đi xem em gái thế nào nhưng không dám.
Đến khi mấy anh em bế Tiểu Đa về nhà, ngồi xuống bàn ăn cơm, Phạm Triết Thiên vẫn không bảo Phạm Triết Lạc đứng dậy. Tiểu Đa thấy thế, trèo xuống khỏi ghế, kéo anh trai lên.
Đây là lần đầu tiên một người trong nhà họ Phạm bất chấp gia pháp tỏ sự đồng cảm với người chịu phạt, nhưng không có ai lên tiếng phản đối.
Phạm Triết Cầm mong mãi mới thấy có người thách thức với quyền uy của Phạm Triết Thiên nên cứ im lặng quan sát.
Phạm Triết Thiên không nỡ lòng quở trách Tiểu Đa, Phạm Triết Địa, Phạm Triết Nhân, Phạm Triết Hòa thì cứ đưa mắt nhìn nhau, ánh mắt đều toát lên câu nói: Lần này Tiểu Đa ra tay nên không bị làm sao, nếu sau này hễ mắc lỗi đã có Tiểu Đa là kim bài miễn chết cho rồi.
Như vậy, Tiểu Đa kéo Phạm Triết Lạc đến bàn ăn cơm. Cô bé gắp thức ăn cho anh trai với vẻ sợ sệt, Phạm Triết Lạc cảm động tới mức trong bụng thề suốt đời này sẽ không bao giờ để em gái bị tổn thương. Thực ra, Tiểu Đa sợ rằng anh trai bị phạt, lần sau sẽ không dám đưa mình đi chơi nữa.
Nhìn thấy ánh mắt lạ lùng của mấy người anh khác, Tiểu Đa thông minh gắp cho mỗi anh một miếng thức ăn.
Tiếng cười đã trở lại với bàn ăn cơm. Vị trí của Tiểu Đa trong gia đình một lần nữa được củng cố thêm.
Phạm Tiểu Đa đã lớn lên thuận lợi trong sự che chở của các anh chị trong gia đình như vậy. Đi làm chưa được hai tháng, Phạm Triết Thiên và Phạm Triết Cầm theo thánh chỉ của thái thượng hoàng giúp Phạm Tiểu Đa tìm bạn trai.
Anh Cả và chị Hai thấy rằng, bây giờ Phạm Tiểu Đa đã đi làm, đã đến lúc có bạn trai. Nhưng tìm đâu ra người xứng với Phạm Tiểu Đa bây giờ?
Trong mắt của Phạm Triết Thiên, thì tướng mạo bạn trai của Phạm Tiểu Đa ít nhất cũng không được kém mình và bốn người em trai.
Trong con mắt của Phạm Triết Cầm, bạn trai của Phạm Tiểu Đa phải là người dịu dàng, cẩn thận như mình.
Hai người đã vẽ ra khuôn mặt của một chàng trai, rồi điền nội dung vào đó: Hình thức đẹp trai, tính tình tốt, gia đình trong sạch, sự nghiệp phải có thành tích.
Sau khi vẽ xong, hai người thấy rất khó khăn.
Phạm Triết Thiên từ tốn nói: “Người nhiều thì thêm sức mạnh, gọi mấy đứa nhóc đến để cùng bàn bạc”.
Đến khi có mặt đủ sáu người, trên bức vẽ bạn trai của Phạm Tiểu Đa có thêm mấy nội dung: Phải hài hước, dí dỏm, phải biết nấu ăn ngon. Và điều quan trọng nhất là người ấy phải yêu Tiểu Đa, tình cảm không được ít hơn những người trong gia đình họ Phạm.
Cuối cùng, Phạm Triết Cầm quyết định: “Từ bây giờ, các cậu phải phát động các đồng nghiệp, bạn bè của mình cùng tìm. Bất cứ một ai phù hợp cũng không bỏ qua”.
Phạm Triết Thiên đồng ý: “Đúng, phải giăng lưới khắp nơi, bắt bằng được cá”.
Tất cả đều bỏ phiếu thông qua.
Nhưng, họ đã quên mất một điều là: Không hỏi ý kiến của Phạm Tiểu Đa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.