Giang Hồ Tam Nữ Hiệp

Chương 42: Gửi con cho gian nho tướng quân nghĩ xa Mượn đao giết gian tặc hiệp sĩ thấy cơ




Hàn Trọng Sơn bổ xuống một trợ, Độc Long Tôn Giả phất ống tay áo, quát: “Thật vô sĩ!” cây tị vân trợ của Hàn Trọng Sơn bị y phất một cái lệch qua một bên, thất kinh, thầm nhủ: “Công lực của kẻ này quả nhiên hơn hẳn ta”. Độc Long Tôn Giả phất ống tay áo mà không đánh bay được cây tị vân trợ của y, cũng hơi thất kinh thầm nhủ: “Té ra Lữ Tứ Nương gặp nhiều cường địch thế này, chả trách nào đã bị vây”.
Công lực giữa Hàn Trọng Sơn và Cáp Bố Đà tương đương nhau, tại sao Cáp Bố Đà vừa chạm mặt lại thất thủ mà Hàn Trọng Sơn tuy bị trúng đòn nhưng vẫn không ngã xuống? Đó là bởi vì Cáp Bố Đà từ bên ngoài sáng vào bóng tối, có nghĩa là Độc Long Tôn Giả ở nơi sáng còn y ở nơi tối, mà Cáp Bố Đà lại chưa biết bản lĩnh của Độc Long Tôn Giả, phòng bị không chu toàn cho nên bất ngờ trúng một đòn cầm nã của Độc Long Tôn Giả. Còn Hàn Trọng Sơn nấp ở ngoài cửa động ám toán, có nghĩa là y ở ngoài sáng còn Độc Long Tôn Giả ở trong bóng tối, y biết kẻ địch bản lĩnh cao cường, chưa liệu thắng đã nghĩ thất bại, bổ xuống một trợ, người lập tức thoái lui cho nên không thua liểng xiểng như Cáp Bố Đà.
Nhưng vừa mới giao thủ, mạnh yếu đã rõ, Hàn Trọng Sơn không dám chống địch, vội vàng rút trợ thoái lui. Độc Long Tôn Giả cười ha hả, nói: “Lữ nữ hiệp, Lữ nữ hiệp!” Lữ Tứ Nương đang giằng co với Ngạch Âm Hòa Bố trong rừng, nghe tiếng gọi của Độc Long Tôn Giả thì phấn chấn tinh thần, đâm xoạt xoạt mấy kiếm vào những chỗ yếu hại của Ngạch Âm Hòa Bố, Ngạch Âm Hòa Bố tách qua một bên, Lữ Tứ Nương lập tức phóng ra, Ngạch Âm Hòa Bố vội vàng đuổi theo ra đến bên ngoài, đã thấy Côn Điện Thượng Nhân và Độc Long Tôn Giả sắp động thủ với nhau.
Té ra Côn Điện Thượng Nhân một mình đánh ba người Cam Phụng Trì, Đường Hiểu Lan và Lý Trị mãi mà không hạ được, Cáp Bố Đà và Hàn Trọng Sơn lại chạy đến, kéo y đi đối phó cường địch. Côn Điện Thượng Nhân lập tức rút lui quay đầu chặn địch, chỉ thấy Độc Long Tôn Giả đầu tóc rối bời tựa như dã nhân, Côn Điện Thượng Nhân rất ngạc nhiên, thầm nhủ: “Ở đâu lại chui ra một tên dã nhân thế này?”
Độc Long Tôn Giả thấy Lữ Tứ Nương chạy ra, kêu lên một tiếng mừng rỡ, Cam Phụng Trì và Lữ Tứ Nương cũng kêu: “Độc Long Tôn Giả!” lúc này Phùng Lâm mới hiểu ra, nàng đã nghe Phùng Anh kể chuyện ở Xà đảo, rõ ràng Độc Long Tôn Giả tưởng nàng là Phùng Anh! Ngạch Âm Hòa Bố chạy ra, nghe tên Độc Long Tôn Giả, bất giác ngạc nhiên. Y vào cung trước sư huynh, ngày nọ nghe Ung Chính bảo Song ma đi mời Độc Long Tôn Giả, bởi vậy mới biết tên ông ta, bất giác kêu: “Hoàng thượng cho mời ngươi, ngươi không đến thì thôi, tại sao lại giúp bọn phản tặc phạm thượng?”
Y vừa nói xong, Độc Long Tôn Giả đã nổi giận, một năm nay y trở lại trung thổ, nghe rất nhiều chuyện bạo ngược của Ung Chính, cả giận quát: “Hừ, té ra ngươi là ưng khuyển cho Hoàng đế!” rồi y bẻ một cành cây phóng về phía Ngạch Âm Hòa Bố, Côn Điện Thượng Nhân nhảy vọt qua, vung tay hớt cành cây, buông giọng cười lớn nói: “Té ra ngươi là Độc Long Tôn Giả, công phu của ngươi đúng là bất phàm, nào, chúng ta tỉ thí với nhau!” thế rồi hai chưởng ôm lại, dùng thế thái sơn áp đỉnh đẩy về phía Độc Long Tôn Giả.
Độc Long Tôn Giả bung hai chưởng chặn lại, hai bên đều cảm thấy một luồng lực đạo mạnh mẽ vô cùng đẩy về phía mình, không ai dám biến chiêu rút tay. Bốn chưởng chạm nhau dính sát ngay tại trận, bốn mắt nhìn nhau tựa như hai con gà trống, chẳng ai hơn ai.
Bọn Cam Phụng Trì cũng nhảy ra khỏi vòng chiến, nhìn Độc Long Tôn Giả và Côn Điện Thượng Nhân ác đấu. Đường Hiểu Lan chạy đến bên cạnh Lữ Tứ Nương, khẽ nói lời đáp tạ. Lữ Tứ Nương thấy chàng bình an, rất mừng rỡ nói: “Đệ đã khỏe, ta rất yên tâm”. Phùng Anh cũng chạy đến, đứng sát bên Đường Hiểu Lan khẽ nói lời đáp tạ Lữ Tứ Nương, Lữ Tứ Nương thấy hai người thân mật như thế, nghĩ đến Thẩm Tại Khoan không biết sống chết thế nào, trong lòng bẽ bàng, khẽ nói: “Cần gì phải đáp tạ? Hãy xem Độc Long tiền bối đấu với tên kia thế nào đã!”
Lúc này bọn lính bao vây khu vườn cũng đã quay trở lại, đứng phía sau Côn Điện Thượng Nhân. Độc Long Tôn Giả và Côn Điện Thượng Nhân vẫn giằng co nhau, hai bên đổ mồ hôi như mưa, nhưng chẳng ai nhúc nhích. Các cao thủ đứng ở đấy đều không khỏi kinh tâm động phách, biết cuộc tỉ thí chân lực nội gia này không phải tầm thường, nếu chỉ hơi sơ suất thì không chết cũng bị thương, so với đấu đao đấu kiếm còn nguy hiểm hơn nhiều.
Hai người cầm cự được nửa canh giờ, Côn Điện Thượng Nhân dần dần cảm thấy áp lực của đối phương gia tăng, người ngoài vẫn nhìn không ra, nhưng y biết nếu cứ tiếp tục đấu bằng chân lực, chắc chắn sẽ gặp bất hạnh. Y biết không thể đổi chiêu rút chưởng, trong lòng nảy ra một kế, đột nhiên cho một vẫy nước bọt vào mắt của Độc Long Tôn Giả. Độc Long Tôn Giả không biết y có chiêu này, bất giác cúi đầu né tránh, Côn Điện Thượng Nhân thừa lúc ông ta phân tâm đẩy hai chuởng về phía trước, đấm bình một quyền vào vai của Độc Long Tôn Giả. Độc Long Tôn Giả cả giận, trở tay quét một chưởng vào bụng dưới của Côn Điện Thượng Nhân, hai người đều kêu lớn nhảy vọt ra sau hơn một trượng, chỉ thấy một cái cây to đổ ầm xuống, bọn lính ở phía sau vội vàng né tránh. Té ra Côn Điện Thượng Nhân dùng xảo kế kém nội gia chân lực của Độc Long Tôn Giả, luồng lực ấy đã đánh gãy cái cây này.
Hai người đều đã luyện đến mức như mình đồng da sắt, mỗi bên trúng một đòn của đối phương, tuy đau nhưng chẳng hề chi. Độc Long Tôn Giả phẫn nộ vô cùng, nhảy vọt tới trước chụp xuống đầu Côn Điện Thượng Nhân. Côn Điện Thượng Nhân không dám tỉ thí chân lực nữa, y cúi đầu né tránh, đột nhiên cứ chạy vòng vòng xung quanh Độc Long Tôn Giả. Trong chớp mắt, khắp rừng chỉ thấy toàn là bóng của Côn Điện Thượng Nhân.
Độc Long Tôn Giả chưa từng thấy lối đánh thế này, mắt cứ hoa lên. Đó là Mê Tông chưởng pháp của Hồng giáo Tây Tạng, nếu gặp phải những người khinh công tuyệt đỉnh như Lữ Tứ Nương, loại võ công này chẳng làm gì được họ. Nhưng Độc Long Tôn Giả lại không có sở trường về khinh công, thêm nữa sống ở ngoài hải đảo, kinh nghiệm đối địch không phong phú, chỉ có nội công thâm hậu. Thế là đã mắc lừa Côn Điện Thượng Nhân, Độc Long Tôn Giả cũng xoay theo y, chợt thấy có cảm giác hoa mắt, lại trúng thêm hai chưởng của Côn Điện Thượng Nhân, tuy có thể chống đỡ nỗi nhưng đau đến nỗi kêu lên oai oái.
Bọn Ngạch Âm Hòa Bố reo hò trợ oai. Lữ Tứ Nương nhíu mày, nhìn một hồi chợt kêu: “Lấy tĩnh chế động, triển chủ thành khách!”
Độc Long Tôn Giả đang bị Côn Điện Thượng Nhân đánh đến choáng váng, nghe Lữ Tứ Nương nhắc nhở rồi thầm nhủ: “Đúng thế, mình cần gì phải xoay vòng vòng theo y?” thế rồi thay đổi lối đánh, cứ đứng vững như núi chẳng hề nhúc nhích, một chưởng phía trước rồi một chưởng phía sau, Côn Điện Thượng Nhân lướt tới gần, Độc Long Tôn Giả liền vận nội lực vỗ vào y một chưởng. Võ công của Độc Long Tôn Giả đã đến hóa cảnh, ngưng thần đối địch lập tức đầu sáng mắt tỏ, mặc cho Mê Tông chưởng pháp của Côn Điện Thượng Nhân lợi hại đến mức nào, ông ta đều có thể nhìn vào thân hình của đối phương để tuỳ thời cơ mà ra đòn.
Nội lực của Côn Điện Thượng Nhân vốn không bằng Độc Long Tôn Giả, Mê Tông chưởng pháp không có hiệu quả, lập tức bản thân cảm thấy vất vả. Độc Long Tôn Giả đánh hết chưởng này đến chưởng khác, mỗi chưởng đều có uy lực mạnh mẽ, Côn Điện Thượng Nhân không dám áp tới gần, bị chưởng lực của ông ta chèn ép, hơi thở gấp gáp, thầm kêu lên không xong, nếu cứ tiếp tục như thế, địch chưa bại mà mình đã thua, tuyệt đối chẳng chiếm được tiện nghi.
Côn Điện Thượng Nhân nhíu mày, chưởng pháp lại thay đổi, chưởng trái cầm nã, chưởng phải phách huyệt, người vẫn xoay vòng vòng nhưng khi thấy có sơ hở thì dùng cầm nã thủ hóa giải thế công của kẻ địch, dùng thủ pháp phách huyệt uy hiếp kẻ địch. Côn Điện Thượng Nhân có mấy loại võ công độc môn, Độc Long Tôn Giả tuy công phu nội ngoại đã đến mức đăng phong tạo cực nhưng công phu bàng môn tả đạo lại kém xa Côn Điện Thượng Nhân, ông ta thấy Côn Điện Thượng Nhân toàn đánh vào những yếu huyệt của mình, cũng thất kinh, một mặt vận khí bế huyệt, một mặt thủ kỹ cự địch, bởi vậy uy thế của chưởng lực dần dần yếu hẳn. Côn Điện Thượng Nhân vừa công vừa thủ, thế là cả hai bên lại đánh ngang tay.
Đường Hiểu Lan thấy thế lo lắng, bàn với Lữ Tứ Nương: “Công phu thực sự của Độc Long Tôn Giả hơn hẳn tên yêu tăng này, nhưng trái lại bị yêu tăng chế ngự, thật là kỳ lạ”. Phùng Lâm chen vào nói: “Tên yêu tăng ấy dùng công phu phách huyệt, cũng rất lợi hại. Độc Long Tôn Giả không biết ứng phó, cũng chỉ có thể đánh ngang tay với y”. Đường Hiểu Lan lắc đầu, nói: “Muội không thấy chưởng lực của ông ta dần dần yếu đi hay sao? Cứ đánh mãi chỉ e hỏng mất”. Lữ Tứ Nương cười nói: “Chưa chắc. Độc Long Tôn Giả tuy phân tâm, chưởng lực dần yếu; nhưng tên yêu tăng vì đồng thời thi triển ba loại võ công, Mê Tông chưởng pháp của y cũng không còn lợi hại như trước. Tính ra Độc Long Tôn Giả chắc sẽ không thua”.
Bọn Lữ Tứ Nương trò chuyện tuy không lớn, nhưng Độc Long Tôn Giả lại nghe rõ ràng, ông ta ngầm để ý, cho nên trong lòng chợt hiểu ra. Chưởng thất thay đổi, chân bước vào phương vị Ngũ hành Bát quái, đột nhiên tấn công gấp tới. Côn Điện Thượng Nhân vốn dùng Cầm Nã thủ, phách huyệt pháp phối hợp với thân pháp phiêu hốt của Mê Tông chưởng để khắc chế Độc Long Tôn Giả, nhưng Độc Long Tôn Giả có nội công vốn cao hơn y, thủ pháp phách huyệt chỉ có thể uy hiếp chứ không dồn kẻ địch vào chỗ chết; cầm nã thủ chỉ ứng phó với phi long chưởng của Độc Long Tôn Giả chứ không thể thủ thắng. Còn thân pháp Mê Tông chưởng lại bị Độc Long Tôn Giả phá vỡ, Độc Long Tôn Giả không kiên trì phòng thủ, cũng không tấn công bừa bãi, bước vào phương vị ngũ hành bát quái, tinh thần đương nhiên không mê loạn. Thế là uy lực của Độc Long Tôn Giả tăng lên, đòn nào cũng có uy lực. Chỉ thấy ông ta bước vào vị Khảm, qua phương Ly, quét vù một chưởng, Côn Điện Thượng Nhân lắc lư người, xoay nửa vòng, trở tay vỗ vào huyệt Kỳ Môn của kẻ địch, Độc Long Tôn Giả từ phương ly nhảy vọt qua vị tấn, hai chưởng hợp lại rồi phân ra, quát: “Trúng!” chiêu này được gọi là Song Long Nhập Hải, đó chính là tuyệt chiêu sát thủ của Độc Long Tôn Giả.
Trong quyền phong chưởng ảnh, Côn Điện Thượng Nhân kêu lớn một tiếng, Đường Hiểu Lan đang định reo lên, không ngờ trong khoảnh khắc điện chớp lửa sẹt, lại nghe thêm bình một tiếng, Độc Long Tôn Giả ôm bụng gập người, lảo đảo tựa như muốn ngã xuống. Lữ Tứ Nương kêu: “Không xong!” Phùng Lâm kêu hoảng: “Rắn, rắn!” chỉ trong chớp mắt, Côn Điện Thượng Nhân kêu lớn, Độc Long Tôn Giả chợt vươn eo lao bổ về phía trước đánh ra một quyền khiến y ngã sầm xuống!
Té ra Côn Điện Thượng Nhân biết không thể nào né tránh đòn tấn công song chưởng của kẻ địch, thế là đánh liều xoay người đưa lưng tiếp hai chưởng, trở tay vỗ một cái trúng vào huyệt Đương Môn trước ngực của Độc Long Tôn Giả. Huyệt Đương Môn là một trong những tử huyệt của con người, Côn Điện Thượng Nhân liệu rằng ông ta không chết cũng bị trọng thương.
Nào ngờ Độc Long Tôn Giả giấu trong người một ống sắt, trong ống sắt có nuôi hai con rắn độc nhất, hai con rắn này Độc Long Tôn Giả dùng để chữa bệnh hủi. Côn Điện Thượng Nhân vỗ một chưởng, cái ống sắt vỡ ra, hai con rắn bay ra cắn vào hai chân mày của Côn Điện Thượng Nhân. Côn Điện Thượng Nhân tuy lập tức bóp chết hai con rắn độc nhưng sau khi bị chấn thương bởi nội lực, lại bị rắn cắn, dẫu mình đồng da sắt cũng chẳng cầm cự nỗi, trong khoảnh khắc mắt tóe đom đóm. Độc Long Tôn Giả đã sớm vận khí bế huyệt, lại nhờ có ống sắt cản lại nên ông ta không bị thương nặng. Ông ta huýt một hơi, vung tay đấm ra một quyền, khiến Côn Điện Thượng Nhân vỡ xương quai hàm ngã xuống đất chết tốt.
Độc Long Tôn Giả cúi người nhìn, thấy hai con rắn độc đã chết, đùng đùng cả giận, thuận tay giở một gốc cây lớn, quét về phía bọn Hàn Trọng Sơn. Bọn Hàn Trọng Sơn thấy Côn Điện Thượng Nhân bị ông ta đánh chế, sợ đến nỗi hồn bay phách tán, hè nhau tháo chạy. Chỉ khổ là bọn lính bản lĩnh thấp kém, bị Độc Long Tôn Giả hét một tiếng lăn cù cù xuống sườn núi, Lữ Tứ Nương kêu: “Tôn giả, hãy tha cho bọn chúng!”
Độc Long Tôn Giả nghe thế, lập tức ngừng tay, ném cái cây xuống, khom người chào nàng.
Lữ Tứ Nương khom người nói: “Tôn giả không cần nhiều lễ”. Độc Long Tôn Giả chảy nước mắt nói: “Trước đây tôi một mình sống ở Xà đảo, thù hận người đời, nếu không nhờ cô nương và Cam đại hiệp chỉ điểm, không biết đã tạo ra bao nhiêu oan nghiệt. Người sinh tôi ra là cha mẹ, người hiểu tôi là bằng hữu. Tôi thật không thể nào báo đáp ân tình của các vị”. Phùng Anh nói: “Ông giúp chúng tôi đánh chết tên yêu tăng, chúng tôi đã cảm kích không nguôi”. Phùng Lâm và Phùng Anh đứng song song nhau, Độc Long Tôn Giả phát hiện họ y hệt nhau thì rất ngạc nhiên. Phùng Anh cười nói: “Đây là muội muội của tôi”. Phùng Lâm ngạc nhiên hỏi: “Tôn giả, hai con rắn độc của ông lợi hại đến thế, tại sao không thả nó ra từ sớm, chẳng phải đỡ mất sức hơn hay không?”
Độc Long Tôn Giả mặt chợt biến sắc, rồi thở dài nói: “Tôi nghe lời dạy của Lữ nữ hiệp, thề không dùng rắn độc hại người, chỉ dùng để cứu người, tên này đáng vỡ ống sắt, chọc giận bọn chúng là tự tìm đường chết, tên này chết cũng không tiếc, nhưng tôi mất hai trợ thủ đắc lực”. Phùng Lâm ngạc nhiên hỏi: “Sao chúng có thể là trợ thủ đắc lực của ông?” Độc Long Tôn Giả tiếp tục nói: “Một năm qua tôi cứu được không ít người bệnh hủi. Lúc đầu tôi muốn đưa người bệnh về Xà đảo, sau đó mới thấy làm thế phí công. Bởi vậy mới mang hai trợ thủ này đến, mỗi khi chữa trị cho người bệnh, tôi chích máu của bọn chúng ra dùng, sau đó cho chúng uống thuốc, trong vòng mấy ngày đã có thể hồi phục”. Phùng Anh nghe thế, bất giác trong lòng dấy lên nỗi cảm thái.
Phùng Anh nhớ lại ngày ấy khi ở Xà đảo, Lữ Tứ Nương dùng thiên niên chi thảo của Ngư Xác cứu Độc Long Tôn Giả, mà thiên niên chi thảo là nàng muốn dùng cứu Đường Hiểu Lan, lúc đó nàng thấy không vui. Nhưng giờ nhìn lại, Lữ Tứ Nương làm thế rất đúng. Họ chỉ cứu một mình ông ta, nhưng cũng cứu nhiều người bệnh hủi. Bởi vậy Phùng Anh càng hiểu sâu hơn hai chữ “hiệp nghĩa”.
Độc Long Tôn Giả lại nói: “Trên đời nay tuy có không ít người bị bệnh hủi, nhưng cũng không nhiều lắm. Đại khái mỗi huyện chỉ có tám người mười người. Tôi mang theo hai trợ thủ này đã đủ dùng. Nhưng đáng tiếc bọn chúng chết oan trong tay tên yêu tăng”. Lý Trị hỏi: “Rắn độc bình thường có dùng được không? Ngoại trừ máu rắn còn dùng thuốc gì nữa, cách dùng thế nào?” Độc Long Tôn Giả nói: “Rắn độc bình thường tuy dùng được, nhưng kém xa hai con rắn độc của tôi, vả lại tôi cũng không rãnh đi khắp nơi tìm rắn độc”. Thế rồi nói bài thuốc và cách dùng của ông ta, Lý Trị nhớ kỹ trong lòng. Ngoại trừ Tị sương hoa chị có ở Xà đảo, những thứ thuốc khác đều không hiếm, vả lại vị thuốc này chắc có thể thay bằng thứ khác. Độc Long Tôn Giả lại nói: “Trợ thủ của tôi đã chết, tôi phải quay về Xà đảo đem theo nhiều trợ thủ và thuốc đến đây”. Lữ Tứ Nương chấp tay nói: “Lành thay, lành thay! Tôn giả đã thay đổi suy nghĩ, thật là có ích cho đời”. Độc Long Tôn Giả nói: “Đó cũng nhờ nữ hiệp chỉ điểm”. Chợt nhớ mình phải đưa hai người bị bệnh hủi trở về nhà, cao từ với Lữ Tứ Nương: “Tôi không biết nói những lời khách sáo, tôi chỉ có thể cố gắng chữa trị cho người bệnh để báo đáp ơn ngày trước của các vị”. Lữ Tứ Nương gật đầu mỉm cưởi: “Thế là rất tốt!” mọi người dõi theo bóng dáng của Độc Long Tôn Giả, ai nấy đều khen.
Cam Phụng Trì hỏi Lữ Tứ Nương tại sao bị vây đánh? Lữ Tứ Nương nói: “Muội có một việc, mong thất ca đoán dùm”. Cam Phụng Trì nói: “Bát muội thông minh hơn người, ngư huynh kém xa chẳng bằng. Không biết bát muội có chuyện gì không thể quyết đoán?” Lữ Tứ Nương kể lại chuyện mấy ngày hôm nay, nói: “Muội không đoán được đầu của Thẩm Tại Khoan là thật hay giả? Huynh bảo muội có nên quay về Tiên Hà lĩnh xem thử hay không?” Cam Phụng Trì nghĩ ngợi rồi nói: “Bát muội cũng không thể đoán là thật hay giả, huynh càng không thể. Mấy ngày hôm nay chúng tôi bận cứu Hiểu Lan, không ngờ trong kinh lại xảy ra chuyện lớn đến thế. Nhưng chuyện này đã chấn động bốn phương, chắc có manh mối, chi bằng chúng ta trở về Tây Sơn rồi sẽ điều tra. Giờ đây muội trở về Tiên Hà lĩnh cũng vô ích”. Lữ Tứ Nương thầm nhủ: “Nếu Tại Khoan thực đã chết, trở về Tiên Hà lĩnh cũng càng thêm đau lòng; nếu chưa chết, về muộn mấy ngày cũng chẳng hề gì”, thế là mới gật đều chấp nhận.
Cam Phụng Trì lại nói với chị em Phùng Anh: “Sau trận chiến này, triều đình đã chú ý đến Bát Đạt lĩnh, có thể sẽ nghi ngờ chúng ta tụ tập ở nơi này. Chi bằng cứ mời lệnh Đường và lệnh ngoại tổ đến Tây Sơn”. Đường Hiểu Lan cũng muốn gặp sư tẩu, nên đi cùng chị em Phùng Anh. Phùng Anh lại nói: “Chúng ta còn có thể thuận đường đến Nam Khẩu xem y án của Diệp Thọ Thường để lại, nay đã biết muội muội là hậu nhân của Vô Cực phái, vậy y án theo lẽ thuộc về muội muội”. Phùng Lâm nhìn Lý Trị mỉm cười nói: “ca ca ngốc, huynh đã yên lòng rồi chứ! Muội sẽ tặng cho huynh tất cả y án của Diệp Thọ Thường, huynh lấy cái gì đáp tạ muội!” Lý Trị cười hì hì nói: “Trong y án ấy lại thêm một cách chữa bệnh hủi. Huynh cứ bắt chước chư Độc Long Tôn Giả, chữa nhiều người bệnh để đáp tạ muội”. Chàng ta nói chưa xong, chợt thấy Cam Phụng Trì biến sắc.
Lữ Tứ Nương ngưng thần lắng nghe, chợt nhảy lên cao nhìn ra xa. Mọi người đều thất kinh, Cam Phụng Trì nói: “Từ xa có quân mã di chuyển, chả lẽ Ung Chính hưng sư động binh vì chúng ta?”
Mọi người chạy lên đỉnh núi nhìn xa, chỉ thấy trên con đường cái quan ở chân núi, quân mã xếp thành hai hàng dài dằng dặc, cờ bay phấp phới. Cam Phụng Trì nói: “Đây là đại quân, chắc không phải đối phó với chúng ta”. Lữ Tứ Nương nói: “Chúng ta hãy đi đường núi trở về để khỏi đụng đầu với đại quân”. Rồi căn dặn bọn Phùng Anh cẩn thận. Cam Phụng Trì nói: “Xem ra nhánh quân này có đến mấy vạn, đi đến đâu sẽ gây chấn động đến đó. Song các quan địa phương chắc chắn sẽ ra nghênh đoán đại quân, các người đi vòng đường núi, trái lại không ai để ý”.
Lữ Tứ Nương và Cam Phụng Trì đi một đường, Hiểu Lan đi cùng tỉ muội Phùng Anh.
Hai người Cam Lữ trở về ngôi chùa của Lãnh Thiền, chỉ thấy bọn Hầu Tam Biến đang lo lắng chờ đợi. Hầu Tam Biến vừa thấy Cam Phụng Trì trở về, lập tức hỏi: “Các người có thấy đại quân của Niên Canh Nghiêu không?” Ngư Xác cũng hỏi: “Tỉ muội Phùng Anh thế nào? Có bị Niên Canh Nghiêu bắt không?” Lữ Tứ Nương nói: “Họ đi rước thân mẫu của họ”. Cam Phụng Trì nghe nói là đại quân của Niên Canh Nghiêu, ngạc nhiên nói: “Té ra là y, sao y đem nhiều quân đến thế?”
Hầu Tam Biến đáp: “Niên Canh Nghiêu quan vận hanh thông, trong vòng một năm đã dẹp loạn ở Thanh Hải. Hoàng đế phong cho y là nhất đẳng công, ngoại trừ hoàng thất, người khác họ không phong vương, bởi vậy đối với người Hán phong hiệu nhất đẳng công đã là vinh dự to lớn nhất. Hoàng đế lại ban cho y một tòa phủ đệ, bảo y ban sư hồi triều, tiếp nhận phong tước. Nghe nói Niên Canh Nghiêu không chịu trở về, khi làm tổng đốc hai vùng Thiểm Tây và Cam Túc. Tổng đốc Cam Thiểm làm sao bằng tước nhất đẳng công, không biết y có ý gì?” Cam Phụng Trì nói: “Đó là bởi Niên Canh Nghiêu thông minh! Xem ra y không muốn trả lại binh quyền”. Hầu Tam Biến nói: “Cũng chưa nghe Hoàng thượng bảo tước binh quyền của y”. Cam Phụng Trì thầm nhủ: “Uổng cho ông làm thị vệ bao nhiêu năm, vẫn không biết Hoàng đế độc ác, giờ đây Niên Canh Nghiêu đang đắc thế, làm sao có thể đột nhiên tước binh quyền của y”. Hầu Tam Biến lại nói: “Nghe nói Hoàng đế lại chấp nhận cho y làm tổng đốc Cam Thiểm, lại phong cho cha y là Niên Hà Linh làm nhất đẳng công, lại thêm tước thái phó. Bảo y ban sư về kinh, sau đó mới trở về Cam Thiểm. Lão già Niên Hà Linh tự nhiên được phong chức thái phó, đã vào kinh sư trước, ở trong công phủ. Bởi vậy Niên Canh Nghiêu cũng chỉ đánh ban sư hồi triều”.
Lữ Tứ Nương đang lo chuyện Thẩm Tại Khoan, hỏi: “Tên Niên Canh Nghiêu này đầy dã tâm, làm lắm chuyện bất nghĩa sẽ tự chôn mình, chúng ta đừng nói đến y nữa. Hầu tiên sinh có biết chuyện Nghiêm Hồng Quỳ và Thẩm Tại Khoan bị hại không?” Hầu Tam Biến nói: “Việc này có liên quan đến Niên Canh Nghiêu”. Lữ Tứ Nương ngạc nhiên nói: “Niên Canh Nghiêu đang cầm binh ở ngoài, sao có liên quan đến y?”
Hầu Tam Biến trả lời: “Nữ hiệp không biết đó thôi, chuyện này cũng vì Tăng Tịnh mà ra”. Lữ Tứ Nương nói: “Tăng Tịnh? Chả lẽ Tăng lão tiên sinh cũng bị hại ư?” Tăng Tịnh bình sinh không phục nhất là Lữ Lưu Lương, khi Lữ Lưu Lương còn sống y không được gặp, nhưng sau khi Lữ Lưu Lương chết đã đến nhà họ Lữ xin sách, tự nhận là đệ tử của Lữ Lưu Lương, rất thân thiết với bọn Nghiêm Hồng Quỳ và Thẩm Tại Khoan. Hầu Tam Biến nói: “Tăng lão tiên sinh đã bị bắt, nhưng không bị hại, giờ đây y ở trong quân của Niên Canh Nghiêu”.
Lữ Tứ Nương ngạc nhiên nói: “Sao lại thế?” Hầu Tam Biến nói: “Tăng tiên sinh có diệu kế, sai học trò của mình là Trương Hy đến thuyết phục phó thủ của Niên Canh Nghiêu là Nhạc Chung Kỳ”. Cam Phụng Trì bật cười, Hầu Tam Biến nói: “Vì thế Tăng Tịnh viết một phong mật hàm bảo Trương Hy cầm đi, bảo rằng họ Nhạc là kẻ thù đời đời của người Kim, con em họ Nhạc không nên làm đại tướng cho hồ lỗ, tuy Nhạc Chung Kỳ cùng ông ta mật mưu dấy binh. Nhạc Chung Kỳ giả vờ chấp nhận, dụ Tăng Tịnh đến, buộc phải khai ra những người cùng phe!” Lữ Tứ Nương vội vàng hỏi: “Có khai hay không?” Hầu Tam Biến nói: “Tôi cũng không biết điều này. Chỉ biết rằng sau khi Nhạc Chung Kỳ bắt được Tăng Tịnh, liền lập tức dâng sớ tâu lên, vì thế phong ba nổi dậy, triều đình bắt di đảng của Lữ Lưu Lương khắp nơi. Trước khi Tăng Tịnh bị giải về kinh, Nghiêm Hồng Quỳ và Thẩm Tại Khoan đã bị bắt đến kinh thành xử trảm”. Lữ Tứ Nương chấn động trong lòng, hỏi: “Vậy Thẩm Tại Khoan có thật bị xử trảm không?” Hầu Tam Biến nói: “Làm sao không thật, Hoàng đế đã ra chỉ dụ, treo đều của họ lên cửu môn!” Lữ Tứ Nương nghe xong, thấy Hầu Tam Biến cũng chỉ biết như mình, liền bảo: “Tôi đã thấy chỉ dụ này, nhưng trong đó không nhắc đến Tăng Tịnh”. Hầu Tam Biến nói: “Chả lẽ phải đợi Niên Canh Nghiêu áp giải Tăng Tịnh về kinh rồi mới xử lý sau”.
Cam Phụng Trì cúi đầu suy nghĩ, chợt nói: “Để ta đến chỗ Niên Canh Nghiêu xem thử”. Lữ Tứ Nương nói: “Thất ca đừng mạo hiểm”. Cam Phụng Trì nói: “Muội nỡ nhẫn tâm nhìn thấy đệ tử của gia gia muội bị hại hết cả sao?” Lữ Tứ Nương nói: “Tăng lão tiên sinh đạo đức văn chương lừng danh thiên hạ, chắc là ông ta không đến nỗi khuất phục cung khai”. Cam Phụng Trì nói: “Tuy là nói thế nhưng không thể không đề phòng. Muội muốn đi xem thử ông ta có khai ra hay không, nếu có danh sách đã đưa lên cho Ung Chính hay chưa? Nếu thực, huynh không tin Tăng Tịnh lắm. Năm xưa ông ta cực lực chủ trương sách động các tướng lĩnh người Hán trong quân Thanh để mưu đồ phục quốc. Các này tuy không vững chắc, nhưng đã gửi gắm hết tất cả hy vọng vào, làm thế chỉ là liều lĩnh mà thôi”. Lữ Tứ Nương giật mình, nghĩ mình sinh trưởng trong nhà thư hương, đã quá coi trọng người đọc sách, quên đi nhược điểm yếu ớt của họ. Nhưng nàng vẫn không tin Tăng Tịnh sẽ khuất phục trước oai thế của kẻ địch, chỉ nói: “Như thế đi xem thử cũng được. Nhưng làm sao có thể trà trộn vào?” Cam Phụng Trì cười nói: “Huynh tự có cách. Nhưng huynh cần một trợ thủ, đợi Hiểu Lan về rồi tính tiếp”. Nói xong đã tự đi sắp xếp.
Tối đến, Đường Hiểu Lan và tỉ muội Phùng Anh quả nhiên đã rước bọn Quảng Luyện Hà quay về. Lãnh Thiền sắp xếp nơi ăn chốn ở cho họ xong, Lữ Tứ Nương gọi Đường Hiểu Lan đến bàn bạc với Cam Phụng Trì, Cam Phụng Trì nói: “Ta đã điều tra rõ ràng, lần này Niên Canh Nghiêu đã đem hai mươi vạn quân về đây! Mỗi ngày chỉ đi được sáu mươi dặm đường. Bốn ngày nữa bọn chúng mới về kinh, Hiểu Lan, đệ có dám cùng ta đi dò thám hay không?”
Đường Hiểu Lan nói: “Sao lại không dám! Đệ đã từng ở trong quân của Dận Đề nên hiểu rõ tình hình quân doanh”. Cam Phụng Trì nói: “Chính vì thế cho nên ta muốn đệ đi cùng. Ta đoán ngày mai bọn chúng sẽ đến Phòng Sơn, quân địa phương Phòng Sơn sẽ sai dân phu giết dê mổ lợn cho bọn chúng, chúng ta cải trang thành dân phu, lúc đó sẽ tìm cơ hội”.
Đường Hiểu Lan và Cam Phụng Trì cải trang thành dân phu, sáng hôm sau lẻn đến trước doanh trại, quả nhiên đã tìm được một tiểu đầu mục trong bang hội Giang Nam, tên gọi Hàn Thất, y đang làm một chức quản sự của hỏa đầu quan. Đại quân có mấy trăm hỏa đầu quân chuyên phụ trách lo chuyện cơm nước, vừa khéo Hàn Thất chuyên lo chuyện cơm nước cho thân binh của Niên Canh Nghiêu, bởi vậy đang ở trong trại chủ soái. Thế là hai người Cam Đường trở thành hai tên hỏa đầu quân, lẻn vào trong trại.
Niên Canh Nghiêu trị quân rất nghiêm, Cam Phụng Trì không thể lẻn vào hổ trướng. Sau canh ba, chỉ nghe trong quân doanh đã có tiếng tập trận. Cam Phụng Trì thở dài: “Niên Canh Nghiêu đúng là có tài đại tướng, đáng tiếc cam lòng làm việc cho Ung Chính”. Hàn Thất khẽ nói: “Các người có biết kẻ thổi tù và canh đêm ngoài trại Niên Canh Nghiêu là ai không?” Cam Phụng Trì nói: “Chỉ là người đánh canh mà cũng là cao thủ sao?” Hàn Thất nói: “Người này võ công không cao nhưng lại là một quan lớn”. Đường Hiểu Lan nói: “Quan lớn gì?” Hàn Thất nói: “Y là Quân môn đề đốc Phú Sơn. Lần này Niên Canh Nghiêu đem cả vợ con đến, trên đường đã ra oai làm phúc, khoa trương quyền lực của mình, chúng tôi đều cười y làm thế để cho vợ mình xem. Chẳng hạn người thổi tù và canh đêm, lúc đầu là tì tướng trong quân, sau đó dùng đến phó tướng, đêm nay sắp tới kinh thành, đã dùng đến đề đốc quân môn”. Đường Hiểu Lan thè lưỡi nói: “Đề đốc quân môn ngang hàng với Tuần phủ, Hoàng đế cũng không dám dùng canh đêm. Niên Canh Nghiêu lộng quyền như thế, không sợ Hoàng đế trách tội sao?” Hàn Thất nói: “Giờ đây Niên đại soái công cao hơn chủ, ai dám làm gì y. Đề đốc quân môn này lại là một người Mãn!”
Đường Hiểu Lan hỏi: “Niên Canh Nghiêu lấy vợ từ khi nào?” Hàn Thất trả lời: “Trên đường tây chinh đã lấy vợ. Niên Canh Nghiêu có tính cách xấu, mỗi khi đến một địa phương, không những buộc quan địa phương ra nghênh đón, y còn bắt thê tử tỉ muội con cái người ta ra chào. Tây Đinh có một phiên vương Mông Cổ tên gọi Tạng Cổ Thất Tín, có một người con gái tên là Giai Đặc cách cách, xinh đẹp như hoa. Phiên vương Mông Cỗ dắt con gái ra bái kiến, Niên Canh Nghiêu thích liền giữ nàng lại. Tạng Cổ Thất Tín chẳng làm gì được, chỉ đành tặng cho y làm vợ. Triều đình vốn có lệ không cho phép đại tướng dắt thê tử xuất chinh, y cũng mặc”.
Cam Phụng Trì không rãnh nghe y nói chuyện dong dài, lại bàn với Đường Hiểu Lan giả thành canh phu để dò thám trại của Niên Canh Nghiêu. Hàn Thất nói: “Cam đại ca cẩn thận”. Cam Phụng Trì nói: “Sẽ không liên lụy đến các ngươi”. Bên ngoại hổ trướng của Niên Canh Nghiêu có ba lớp trại phòng hộ, hai người Cam Đường mạo hiểm đến lớp trại thứ nhất.
Niên Canh Nghiêu trị quân rất nghiêm, việc điều động thủ hạ rất có phép tắc. Bọn canh phu chợt thấy có thêm hai người mới, tuy lấy làm lạ nhưng không muốn gây thêm chuyện cho nên không dám lên tiếng. Đường Hiểu Lan đã biết quy củ trong quân, cố ý bảo rằng đại quân đã về gần kinh đô, cho nên phải tăng thêm người canh đêm. Bọn canh phu bên ngoài bình thường rất nhát gan, lại biết Niên Canh Nghiêu tính tình kỳ quặc, cả đề đốc quân môn cũng dám sai đi đánh canh, nói không chừng hai người này cũng là võ quan nên không dám hỏi nhiều.
Cam Phụng Trì đi hai vòng, chẳng thấy ai cả thì nói với Đường Hiểu Lan: “Đệ đứng ở đây canh chừng, để huynh vào hổ trướng của Niên Canh Nghiêu”. Nói rồi vọt người một cái phóng lên đỉnh trại. Chỉ trong chốc lát Cam Phụng Trì đã đến đỉnh trại của Niên Canh Nghiêu.
Trong trại tĩnh lặng, Cam Phụng Trì đang tìm cách dò chuyện của Tăng Tịnh, chợt nghe bên dưới có giọng nói trong trẽo: “Canh mấy rồi?” Niên Canh Nghiêu trả lời: “canh bốn!” bên ngoài vang lên tiếng tù và, giọng nói trong trẽo ấy lại bảo: “Đêm nay đến lượt ai canh đêm?” Niên Canh Nghiêu nói: “Hảo cách cách của ta ơi, nói ra nàng sẽ sợ chết khiếp, đó chính là Phú Sơn đề đốc! Nàng thấy nàng có phước biết bao! Có đề đốc quân môn canh cửa cho nàng!” Giai Đặc cách cách dẫu môi, nói: “Thiếp không tin, sao lại có đề đốc canh đêm?” Niên Canh Nghiêu nói: “Chính ta đã bảo y canh đêm, y nào dám không nghe!” Giai Đặc cách cách nói: “Thiếp vẫn không tin, chàng làm gì lớn gan đến thế?” Niên Canh Nghiêu nói: “Được, nàng không tin ta gọi y vào cho nàng xem!” rồi y đốt đèn lên, bảo thân binh gọi người đánh canh bên ngoài vào.
Cam Phụng Trì vội vàng nấp vào góc trại, một hồi sau, nghe thân binh dắt một người vào trong trại. Giai Đặc cách cách cười hì hì, chợt nghe Niên Canh Nghiêu quát: “Ngươi là ai?” Cam Phụng Trì thất kinh, thầm nhủ: “Kẻ này chắc chắn không phải là Phú Sơn đề đốc”.
Người ấy run giọng nói: “Tôi là Lưu tham tướng dưới trướng đề đốc quân môn Phú Sơn”. Niên Canh Nghiêu quát: “Phú đề đốc đi đâu rồi?” người ấy biết chuyện không xong, vội vàng quỳ xuống: “Phú đề đốc vì có chuyện gấp, đã quay về trại một lúc, bảo tỳ tướng tạm thời thay thế”. Thực ra Phú Sơn là đề đốc quân môn, nếu để thuộc hạ thấy mình làm những chuyện thấp hèn thật không hay, cho nên ra lệnh cho một tham tướng thay thế, tưởng rằng Niên Canh Nghiêu không đích thân đến tra xét.
Nào ngờ hôm nay Niên Canh Nghiêu lại tra hỏi, nghe tên tham tướng nói thế, cười lạnh một tiếng rồi nói: “Phú Sơn thật lớn gan, y dám không giữ quân lệnh, chém hết tất cả cho ta!” nói vừa xong, đã có đao phủ thủ tiến vào kéo tên tham tướng ấy ra, một hồi sau đem vào hai cái đầu đầy máu, Niên Canh Nghiêu cười nói: “Cách cách, nàng đã thấy rõ rồi đấy, đây có phải là đề đốc Phú Sơn không?” Giai Đặc cách cách che mặt nói: “Trông ghớm chết, thiếp không muốn xem, đem ra ngoài đi!” Niên Canh Nghiêu phẫy tay, bảo tên thân binh đem hai cái đầu ra ngoài.
Cam Phụng Trì thấy Niên Canh Nghiêu tàn nhẫn như thế, rất lấy làm tức giận. Bên ngoài trướng lại có người vào báo: “Lục tướng quân cầu kiến!” Niên Canh Nghiêu nói: “Cho vào!” người này tên gọi Lục Hổ Thần, là đại tướng tâm phúc của Niên Canh Nghiêu, cũng là một đề đốc, sau khi hành lễ liền hỏi: “Phú đề đốc đâu?” Niên Canh Nghiêu nói: “Đã bị ta giết!” Lục Hổ Thần cả kinh, chạy đến nói: “Xin đại soái lắng nghe, chúng ta tác chiến, toàn nhờ vào lòng quân, lòng quân tan rã, muôn phần nguy hiểm, nay đại soái vô cớ giết chết Phú đề đốc, lưu tham tướng, há chẳng phải đã khiến quân sĩ nhục chí hay sao. Vả lại nếu Hoàng thượng biết cũng không hay lắm”. Lục Hổ Thần chỉ có ý tốt can ngăn, nào ngờ Niên Canh Nghiêu nghe xong thì nổi giận đùng đùng: “Nay ta giúp Hoàng thượng bình định giang sơn, dù Hoàng thượng gặp ta cũng phải nể ba phần, ngươi là cái thá gì mà dám xúi giục thuộc hạ phản đối ta? Đao phủ thủ, đem ra chém cho ta!” Lục Hổ Thần hồn bay phách tán, kêu lớn oan uổng. Cũng chính vì mạng y chưa dứt, Nhạc Chung Kỳ nghe Phú Sơn bị giết nên vội vàng chạy tới, vừa vặn gặp lúc Lục Hổ Thần bị kéo ra ngoài, hỏi nguyên cớ mới bảo đao phủ thủ ngừng tay, vào trướng xin xỏ với Niên Canh Nghiêu, Cam Phụng Trì nằm phục trên trướng, nhưng hai người này nói quá nhỏ nên chẳng nghe rõ. Một hồi sau, chỉ nghe Niên Canh Nghiêu truyền lệnh: “Nể mặt Nhạc tướng quân, tha cho tên ấy một lần. Nhưng tội chết có thể miễn, tội sống khó tha, ra lệnh đánh năm mươi hèo, phạt thay Phú Sơn canh ba đêm!” sau khi truyền lệnh, bên ngoài lại nghe tiếng bốp bốp, Lục Hổ Thần phải cố nén đau nói tạ ơn.
Sau một hồi ồn ào, bên ngoài đã đánh canh năm. Niên Canh Nghiêu kéo Nhạc Chung Kỳ ra khỏi doanh trại, chợt hỏi: “Tăng Tịnh có còn ở trong trại của ngươi không?”“Vâng, đại soái”. Niên Canh Nghiêu cười nói: “Lần này ngươi làm rất tốt, Hoàng thượng sẽ thưởng cho ngươi”. Nhạc Chung Kỳ thấy dựng tóc gáy, vội vàng nói: “Toàn nhờ đại soái nâng đỡ” “Ngày mai ngươi hãy đưa y đến chỗ ta”.: “Vâng, đại soái”. Niên Canh Nghiêu đưa Nhạc Chung Kỳ ra ngoài, trở về trướng ngủ tiếp. Cam Phụng Trì thấy trời sắp sáng nên vội vàng bỏ đi.
Đêm nay Cam Phụng Trì đã biết tung tích của Tăng Tịnh. Nhưng trong quân canh phòng nghiêm ngặt, ban ngày không thể dò thám, hành quân thêm một ngày, tối đến đã tới Lư Câu Kiều ngoài kinh thành Bắc Kinh, hôm sau sẽ vào kinh. Đại quân đóng trại ở gần Lư Câu Kiều. Đến tối Cam Phụng Trì và Đường Hiểu Lan lại dò thám doanh trại của Niên Canh Nghiêu.
Đêm nay khác hẳn đêm trước, chỉ có một mình Lục Hổ Thần bên ngoài thổi tù và canh đêm, chẳng có thêm một tên lính nào. Chỉ có ở nơi liên tiếp giữa trại ngoài với hổ trướng có một số binh lính tuần tra. Trong trại vẫn thắp đèn, Cam Phụng Trì nấp trên trại, có thể thấy bóng Niên Canh Nghiêu đang đi qua đi lại bên dưới. Một hồi sau thân binh dắt vào một người, đó chính là Tăng Tịnh. Niên Canh Nghiêu nói: “Ngươi ra ngoài căn dặn, không cho phép ai bước vào hổ trướng”. Tên thân binh vâng một tiếng rồi vội vàng chạy ra.
Niên Canh Nghiêu ngồi trên chiếc ghế bọc da hổ, cười lạnh nói: “Tăng lão đầu, ngươi có biết Nghiêm Hồng Quỳ và Thẩm Tại Khoan đã bị xử trảm, đầu treo ở cửu môn không?” Tăng Tịnh im thin thít. Cam Phụng Trì thầm mắng: “Đúng là vô tích sự, kém xa Thẩm Tại Khoan!”
Niên Canh Nghiêu đảo mắt, cười lạnh nói: “Theo lẽ mà nói, tội danh của ngươi cũng bị chém đến cửu tộc!” Tăng Tịnh ấp úng nói: “Toàn nhờ đại soái khai ân”. “Vậy phải coi bản thân ngươi!” “Mong đại soái chỉ thị”. Niên Canh Nghiêu nghiêm mặt, nói: “Hoàng thượng muốn ngươi lấy công chuộc tội!” “Chẳng phải tôi đã khai Nghiêm Hồng Quỳ và Thẩm Tại Khoan rồi sao?” “Hai người này là truyền nhân đắc ý của Lữ Lưu Lương, thiên hạ đều biết, cần gì ngươi phải nói!” Tăng Tịnh biện bạch: “Nhưng Thẩm Tại Khoan ẩn cư trên đỉnh Tiên Hà lĩnh, chẳng ai biết chuyện này”. Cam Phụng Trì nghe thế, vừa kinh vừa giận.
Niên Canh Nghiêu mỉm cười rồi nói: “Coi như đó là một công lao của ngươi, nhưng chỉ có chút công lao này không thể chuộc tội của ngươi. Hoàng thượng muốn ngươi khai những người khác ra nữa”. “Người tin theo học thuyết của Lữ Lưu Lương không tính xuể, tôi cũng chẳng biết hết”. “Chỉ cần ngươi có thể nói những kẻ đầu não ở các nơi là được”. “Hàng Châu có Xa Đỉnh Phong, Ôn Châu có Tôn Thất Dụng, Thanh Châu có Châu Kính Hưng, Tương Thành có Hoàng Bổ Am...” “Còn nữa không?” Tăng Tịnh lại nói mấy cái tên nữa, Niên Canh Nghiêu vừa nghe đã nhớ.
Tăng Tịnh khai xong, Niên Canh Nghiêu cười ha hả: “Tăng lão đầu, ngươi có muốn làm quan không?” Tăng Tịnh mặt tái nhợt, dập đầu nói: “Cầu mong đại soái khai ân, ngàn vạn lần đừng buộc tôi làm quan!” Niên Canh Nghiêu ngạc nhiên nói: “Tại sao?” “Tôi làm quan, người trong thiên hạ đều biết tôi bán bạn cầu vinh. Lúc đó thanh danh mấy mươi năm của tiểu lão đã trôi theo dòng nước”. Cam Phụng Trì phẫn nộ vô cùng, lại thầm mắng mấy tiếng.
Niên Canh Nghiêu nói: “Được, ta sẽ cho Hoàng thượng biết tâm ý của ngươi. Ngươi không làm quan càng tốt!” sau đó Ung Chính quả nhiên không xử phạt Tăng Tịnh và Trương Hy. Vụ án Lữ Lưu Lương là loại án lớn nổi tiếng thời Thanh, rất nhiều người bị liên lụy, cả người in sách cho Lữ Lưu Lương cũng bị giam vào ngục hoặc xử tử, trái lại hai người Tăng Tịnh và Trương Hy phát động mưu loạn mà lại bình an, người đời sau đều lấy làm lạ, không biết trong đó có nguyên cớ.
Tăng Tịnh nói xong, cẩn thận nhìn sắc mặt của Niên Canh Nghiêu. Niên Canh Nghiêu chợt cười ha hả: “Tăng lão tiên sinh đúng là khác hẳn người thường, xin nhận Niên mỗ một lạy!” Tăng Tịnh thất kinh, tránh ra nói: “Làm thế chẳng khác nào giết lão!” Niên Canh Nghiêu đè y xuống ghế, lạy ba lạy rồi nói: “Tăng lão tiên sinh, lạy này là tôi thay tiểu nhi hành lễ bái sư. Hoàng thượng đã thứ tội cho ông, ông có thể sống nốt tuổi già ở chốn núi rừng, nhưng xin hãy dắt con tôi đi theo”. Tăng Tịnh lúng túng, Niên Canh Nghiêu nói: “Đại trượng phu nói chắc một lời, tôi có thể thay thế Hoàng thượng quyết định trước, ngày mai sẽ sai người dắt tiểu nhi đến đi cùng ông. Nhưng ông phải nhớ rằng, không được nói với người khác là con trai của tôi, nếu không dù tôi không truy cứu cũng sẽ tự có người lấy thủ cấp của ông!” Tăng Tịnh sợ đến nỗi toát mồ hôi lạnh, nói: “Nhận được ân sâu của đại soái, tôi nào dám tiếc lộ”.
Té ra Niên Canh Nghiêu mưu tính sâu sa, y nào không biết Ung Chính rất giỏi tâm cơ, tuy mình nắm trọng binh, Hoàng đế không dám hại mình nhưng y cũng phải đề phòng. Từ lúc có con, y tìm trăm phương ngàn kế sắp xếp cho con của mình đi ở hậu lộ, nhưng từ đầu đến cuối vẫn không biết gửi con cho ai. Đêm nay y thấy cách hành sự của Tăng Tịnh, trong lòng thầm mừng, nghĩ bụng: “Gửi con cho y là tốt nhất. Hoàng thượng vừa không nghi mình gửi con cho y, những kẻ phản Thanh trên giang hồ đối với mình đều tưởng Tăng Tịnh là người của bọn chúng, càng không nghi ngờ y che giấu cho con trai của mình. Y lại sợ chết, mình phái tâm phúc đi theo y, y càng không dám bắt lỗi đối với con của mình”.
Cam Phụng Trì lại không đoán được y của Niên Canh Nghiêu, rất lấy làm lạ. Đang suy nghĩ, chợt một bóng người ở ngoài trướng thoáng lên, chàng định thần nhìn lại thì ra đó là Đổng Cự Xuyên. Đổng Cự Xuyên vâng lệnh Ung Chính theo Niên Canh Nghiêu xuất kinh, lại âm thầm giám sát y. Y biết Niên Canh Nghiêu gọi Tăng Tịnh nên cũng nổi lòng nghi ngờ, nhưng không dám đến trại của Niên Canh Nghiêu nghe ngóng như Cam Phụng Trì, chỉ dám đứng từ xa, không ngờ dưới ánh trăng mờ ảo, lại phát hiện trên trướng của Niên Canh Nghiêu có một người, y chợt nảy ra một ý, thầm nhủ: “Dù y có phải là thích khách hay không, mình mượn cớ bắt thích khách đến xem thử”. Thế rồi lập tức thi triển khinh công âm thầm lướt tới.
Nào ngờ Cam Phụng Trì vẫn giả vờ nằm im. Đợi Đổng Cự Xuyên lên đến nóc trại, chợt xé nóc trại, kêu: “Có thích khách!” rồi đột nhiên phóng ra quét ngang một chưởng, Đổng Cự Xuyên bị chưởng phong dồn tới, chân đứng không vững nên rơi xuống đất. Bọn lính canh vội vàng nhảy vào, Niên Canh Nghiêu cũng nghe tiếng chạy ra, Cam Phụng Trì đã lướt ra hai lớp trại, cùng Đường Hiểu Lan âm thầm lẻn về trại hỏa đầu quân.
Niên Canh Nghiêu vừa thấy Đổng Cự Xuyên, lập tức biến sắc. Đổng Cự Xuyên nói: “Tiểu nhân đến bắt thích khách”. Niên Canh Nghiêu nói: “Thích khách đâu?” Đổng Cự Xuyên nói: “Đã chạy rồi!” Niên Canh Nghiêu hỏi: “Tại sao ngươi không la lên?” Đổng Cự Xuyên trả lời: “Là thích khách la lên trước!” Niên Canh Nghiêu cười lạnh, nói: “Trong quân toàn là tâm phúc của ta, sao lại có thích khách? Trong thiên hạ nào có loại thích khách lớn gan, dám la lên trước như thế? Đây rõ ràng là thị vệ của ta đã phát hiện ra ngươi, tưởng là thích khách nên la lên”. Có vài tên lính thích tranh công, vội vàng nói: “Đúng thế, chúng tôi không ngờ là Đổng đại gia”. Đổng Cự Xuyên mặt tái xanh, vội vàng phân trần. Niên Canh Nghiêu cười lạnh nói: “Ta không bảo ngươi canh đêm, tại sao nửa đêm ngươi lại đi ra tuần tra. Quần áo của ngươi chỉnh tề, chả lẽ ngươi đã biết có thích khách?” Lúc này Đổng Cự Xuyên lo lắng, định viện cớ bảo đi điều tra, không nghĩ đến điều này, không thể nào thanh minh được, chỉ đành kêu oan uổng. Niên Canh Nghiêu cười lạnh: “Dù ngươi không phải là thích khách, nhưng vào trại riêng của ta cũng có lòng không tốt. Đao phủ thủ, chém y!” Đổng Cự Xuyên không thể phân trần, cũng không kháng cự, dù y xảo quyệt như hồ ly nhưng rút cuộc vẫn chết bởi đao của Niên Canh Nghiêu.
Cam Phụng Trì biết Đổng Cự Xuyên mất mạng, cùng Đường Hiểu Lan vỗ tay mà cười. Đường Hiểu Lan nói: “Năm xưa Đổng Cự Xuyên ngầm hạ độc thủ, khiến Thẩm Tại Khoan tàn phế, nay bị quả báo như thế, Lữ tỉ tỉ mà biết chắc chắn sẽ rất mừng”.
Sau đêm ấy, Cam Phụng Trì không thể nào ra khỏi quân doanh, chỉ đành theo đại quân tiến vào thành. Đến ngoài thành Bắc Kinh, chợt nghe ba tiếng pháo nổ, có người trong quân báo: “Hoàng thượng đích thân ra thành”.
Chính là:
Tướng quân đánh trận ban sư hồi triều, chính lúc quân vương nổi lòng nghi!
Muốn biết sau đó thế nào, mời sang hồi sau sẽ rõ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.