Giang Hồ Tam Nữ Hiệp

Chương 5: Thiết Chưởng Thần Đạn danh sư truyền tuyệt kỹ Tình yêu nảy nở ngọc nữ giả hờn ghen




Mười ngón tay cứ như móc câu, kiếm quang tựa như tia lửa, Liễu Tiên Khai rõ ràng đã nhìn thấy Bát Tý Thần Ma chụp vào be sườn của nàng thiếu nữ, không biết thế nào mà đột nhiên y gầm lên một tiếng phóng vọt người lên cao hơn một trượng, lướt ra ngoài. Thân pháp của y vẫn còn lanh lẹ, tựa như không phải bị thương, ông ta không đoán được tại sao y đã sắp đắc thủ mà lại thối lui! Khi nhìn lại nàng thiếu nữ, chỉ thấy nàng nắm kiếm quyết trên tay trái, tay phải cầm cây bảo kiếm chỉa xéo về phía trước, sắc mặt ngưng trọng, nhìn Tát Thiên Thích đăm đăm tựa như rất căng thẳng. Tát Thiên Thích vung hai tay, ánh mắt quắc lên, nhìn nàng thiếu nữ, không ai dám nhúc nhích. Liễu Tiên Khai rất lấy làm lạ.
Liễu Tiên Khai không biết rằng, trong khoảnh khắc như điện xẹt lúc nãy, cả hai bên đã giao nhau mấy chiêu, Bát Tý Thần Ma Tát Thiên Thích chụp tới một trảo, đoán rằng thế nào cũng trúng, nào ngờ móng tay chỉ chạm vào gấu áo của nàng. Nàng thiếu nữ không hề nhúc nhích, chỉ hóp ngực thu bụng, giả sử móng tay của Tát Thiên Thích dài hơn nửa tấc thì có thể dồn lực vào móng tay chụp vào ngực của nàng, nhưng cánh tay của Tát Thiên Thích đã vươn ra hết cỡ, chẳng thể nào dồn lực nữa nên hụt mất nửa tấc, mũi kiếm của nàng thiếu nữ cũng đã chém xéo tới. Tát Thiên Thích thấy trên đầu mát rượi, vội vàng trầm hai tay xuống đầu ngửa ra phía sau, khiến cho nàng ta chẳng thể nào đâm trúng thế là thoát khỏi hiểm nguy. Nhưng dù như thế, lọn tóc dài rối bời trên đầu cũng bị chém mất một mảng!
Nàng thiếu nữ cũng thầm kinh hãi, nàng tự tin Huyền Nữ kiếm pháp của mình đã đến mức xuất thần nhập hóa, không ngờ kẻ địch này có thể thoát được. Nàng thầm nhủ: “Bát Tý Thần Ma quả nhiên danh đồn không ngoa, chả trách nào sư phụ bảo mình phải để ý!”
Hai người đều tập trung tinh thần, tìm thời cơ đánh địch, cả hai bên đều không dám ra đòn trước. Một hồi sau, thiếu nữ chợt bật cười nói: “Tiếp nào!” trong khoảng thời gian chỉ một chớp mắt, Tát Thiên Thích phóng vọt lên, mười ngón tay chụp xuống, y muốn nhân lúc nàng thiếu nữ phân tâm mà đánh ngã nàng. Không ngờ nàng thiếu nữ chỉ muốn dụ y ra đòn trước, nàng đã sớm phòng bị, cây bảo kiếm vung lên, múa thành một vòng tròn trên đỉnh đầu, Tát Thiên Thích vội vàng xoay người, hai bên chạm nhau một chiêu, Tát Thiên Thích lại hạ chân xuống đất, phát động thế tấn công, lúc này đòn thế của y còn hung hiểm hơn khi đại chiến với Quan Đông tứ hiệp nhiều, Liễu Tiên Khai thấy thế mà thầm thất kinh, nàng thiếu nữ thì khí định thần nhàn, kiếm quang loang loáng, tá áo phất phới. Trong lúc quần thảo kịch liệt mà nàng vẫn mỉm cười, kiếm chiêu chợt thay đổi, ánh hàn quang bắn ra xung quanh, lúc tụ lúc tán, trông chẳng hề hiểm hóc tí nào mà tựa như nước chảy mây bay, nhẹ nhàng như én liệng giữa mùa xuân! Té ra nàng thiếu nữ dụ y ra đòn trước sau đó mới hạ nhuệ khí của y, một lát sau Tát Thiên Thích đã bị nhốt trong luồng kiếm quang, phải liều mạng khổ đấu! Liễu Tiên Khai lúc đó mới thở phào, bình tĩnh trở lại thầm nhủ: “Kiếm pháp của đại ca đã là tuyệt kỹ hiếm có, hình như nàng thiếu nữ này còn hơn cả đại ca mình, không ngờ nàng tuổi tác còn trẻ mà lại luyện được đến mức này!” rồi chợt giật mình: “Đại ca bảo mình tránh lên Mang Sơn, chả lẽ có liên quan đến nàng thiếu nữ này”. Đang lúc suy nghĩ, từ xa lại vọng đến một tiếng hú quái dị!
Liễu Tiên Khai nghe rất rõ ràng, tiếng hú này là của Đại Lực Thần Ma Tát Thiên Đô, trong lòng thầm lo, nàng thiếu nữ chợt quát lên: “Trúng!” khi nhìn lại thì cuộc ác đấu đã phân thắng bại! Tát Thiên Thích nhảy ra khỏi trường, trên vai máu tuôn xối xả. Đường Hiểu Lan kêu lên: “Bảo y bỏ đứa trẻ trên lưng xuống!” tiếng kêu chưa dứt, Tát Thiên Đô đã xuất hiện ở nơi sườn núi.
Tát Thiên Thích thấy em mình tới, trong lòng cả mừng, chẳng màng đến vết thương lại nhảy bổ tới, Tát Thiên Đô thấy thế gầm lớn một tiếng, vội vàng vung quyền đến trợ công. Nàng thiếu nữ xỉa thanh kiếm tới phía trước, đâm thẳng tới Tát Thiên Đô, Tát Thiên Thích chụp trảo vào huyệt khí hải của nàng thiếu nữ, kiếm pháp của nàng thiếu nữ lanh lẹ vô cùng, mũi kiếm vung lên đã vạch một vết thương trên người Tát Thiên Đô, móng tay của Tát Thiên Thích vừa chạm vào tà áo, nàng thiếu nữ đã lách người thâu thanh kiếm lại, chém một chiêu Ô long quyện vĩ vào hai chân của Tát Thiên Thích. Tát Thiên Thích vung hai tay phóng vọt người lên, kêu: “Dùng thủ pháp mạnh!” hai ngày nay Tát Thiên Đô liên tục bị thương, y nổi cáu, hai chưởng liên tục bổ ra tựa như đá lớn mở núi, chùy sắt tạt vào đá. Nàng thiếu nữ không dám tiến tới gần, kiếm quang máy động, thừa cơ tấn công. Thân thủ của Tát Thiên Thích rất lanh lẹ, y lại chụp mười ngón tay tới, cả hai tên ma đầu tấn công ở hai bên trái phải, nhất thời chuyển khách làm chủ, vây nàng thiếu nữ vào ở giữa!
Công lực của Tát Thiên Thích vốn chẳng kém, vừa rồi không biết hư thực của kẻ địch, lao tới tấn công bừa nên trúng một kiếm, lúc này tấn công lần nữa, được Tát Thiên Đô yểm hộ, vận dụng Đại Lực Kim Cương thủ cướp thanh kiếm của nàng thiếu nữ, chưởng phong kêu lên vù vù, chưởng phong và kiếm phong dồn vào nhau, kiếm chiêu của nàng thiếu nữ cũng không còn chuẩn xác như trước. Rõ ràng nàng đã đâm trúng yếu huyệt của kẻ địch thế nhưng bị chưởng phong quét lệch ra, còn vuốt bén của Tát Thiên Thích lại đánh tới như điện chớp! Nàng thiếu nữ tuy hơn ở chỗ kiếm pháp lanh lẹ, chiêu số kỳ diệu nhưng luận về côn lực vẫn kém hơn Tát Thiên Thích một bậc, lúc này bị cả hai tên ma đầu tấn công, mỗi tên đều có võ công độc môn, bởi vậy uy lực tăng lên đâu chỉ một lần, nàng thiếu nữ buộc phải chuyển công làm thủ, kiếm pháp chợt thay đổi, quanh mình nàng đều có một màn hàn quang loang loáng. Cả ba người quần thảo với nhau dữ dội, hai tên ma đầu tuy chiếm được thượng phong nhưng nàng thiếu nữ cũng không kém, lúc này cả hai bên đánh nhau đến thắng bại khó phân!
Liễu Tiên Khai ngưng thần xem chiến, đang lúc căng thẳng chợt nghe Đường Hiểu Lan rên rỉ khổ sở, hai mắt khép hờ, da mặt bầm đen, chắc là độc khí trong người đã lan tỏa ra! Liễu Tiên Khai kinh hoảng, chẳng màng đến cuộc ác đấu nữa, vội vàng xé áo ngực của Đường Hiểu Lan ra, dùng đá vạch một vết thương nặn máu cho chàng. Đường Hiểu Lan thở phì phò, khẽ nói: “Liễu đại hiệp cứ mặc tôi, chạy cho mau!” Liễu Tiên Khai nói: “Đừng nghĩ càn, ngươi không chết được đâu, chúng ta đi!” rồi kẹp Đường Hiểu Lan định nhảy xuống núi, chợt nghe hai tên ma đầu hú lên một tiếng, kiếm pháp của nàng thiếu nữ đã tán loạn, Liễu Tiên Khai bất giác chần chừ, thầm nhủ: “Nàng thiếu nữ này có lòng tốt rút kiếm tương trợ, chặn hai tên ma đầu cho mình, làm sao mình có thể bỏ nàng mà đi?” thế rồi định đặt Đường Hiểu Lan xuống, lại thấy chàng ta nhắm tịt mắt, mạch đập rất yếu, chỉ lo rằng nếu mình giúp nàng thiếu nữ, chưa thắng mà Đường Hiểu Lan đã hết cứu! Trong nhất thời không biết quyết định thế nào. Cả hai tên ma đầu càng đánh càng dữ, quát tháo rầm trời, Liễu Tiên Khai nghiến răng nói: “Phải lấy đạo nghĩa giang hồ làm đầu, thà mất mạng chứ không mất danh! Mong nhà ngươi cát nhân thiên tướng, gặp được may mắn”. Rồi đặt Đường Hiểu Lan xuống một bên, phóng người xuống núi.
Vừa chay được mấy bước, trên không trung vọng lại tiếng chim kêu, từ trong những rặng cây um tùm, chim bay ra ào ào. Liễu Tiên Khai bất giác chưng hửng, lòng thầm nhủ loài quái điểu nào mà lại ghê gớm đến thế? Trong chớp mắt trên đầu kêu lên vù vù, hai con chim đại bàng một trắng một đen giang rộng cánh bay lướt qua. Hai tên ma đầu hú lên một tiếng quái dị nhảy vọt ra khỏi trường. Ngay lúc này, bên cạnh dòng thác xuất hiện thêm một người, đó là một lão ni cụt tay! Liễu Tiên Khai đang chăm chú nhìn hai con chim đại bàng, chẳng hề biết lão ni ấy xuất hiện từ khi nào.
Độc tý thần ni bước tới mấy bước, lớn giọng nói: “Đồ nhi, vẫn chưa xong ư?” cả hai tên ma đầu đột nhiên xoay người tháo chạy, ném lại một câu: “Độc tí lão ni, có gan đến đảo Miêu Ưng tìm bọn ta!” lão ni hừ một tiếng, nói: “Bọn các ngươi chờ đấy, sẽ có người đến giở sào huyệt của các ngươi, nhưng trước tiên các ngươi phải để lại một món đồ!” rồi bà ta chúm môi thổi một tiếng, hai con đại bàng bay lướt qua, chỉ trong chớp mắt lại bay ngược trở về đậu xuống hai vai của lão ni cụt tay, miệng còn ngậm khăn trùm đầu của hai tên ma đầu. Nàng thiếu nữ chạy lên, vuốt ve hai con chim đại bàng, chợt nũng nịu nói: “Sao không bảo tiểu bạch và tiểu hắc mổ bọn chúng?” lão ni cười nói: “Con cũng đã thử mấy chiêu với bọn chúng, chả lẽ không biết bọn chúng lợi hại đến mức nào? Tiểu bạch và tiểu hắc làm sao có thể mổ được bọn chúng? Chẳng qua bọn chúng sợ thanh oai của ta, không dám đả thương đả thương tiểu bạch và tiểu hắc!” nàng thiếu nữ lại mỉm cười: “Sư phụ, kiếm pháp của con thế nào, có thể xuất đạo chưa?” lão ni nói: “Kiếm pháp của con còn giỏi hơn các sư huynh, nhưng kẻ thù của con còn lợi hại hơn hai tên ma đầu hàng trăm vạn lần! Giờ đây con chỉ mới học được bảy tám phần hỏa hầu, luyện thêm vài năm, hai tên ma đầu chẳng phải là đối thủ của con! Lúc đó có thể trả thù được hay không phải xem vận may của con”. Nói xong thì chậm rãi bước về phía Liễu Tiên Khai, cười nói: “Thầy trò chúng ta chỉ mãi nói chuyện, quên bẵng cả quý khách đến đây!”
Liễu Tiên Khai vừa kinh vừa mừng, không ngờ rằng gặp được vị lão ni cụt tay trên Mang Sơn. Vị lão ni này kiếm pháp trác tuyệt, có điều ít đấu với người khác, gần ba mươi năm nay không ai biết tung tích của bà ta. Theo các bậc tiền bối trong võ lâm kể lại, bà ta vốn là con gái của Hoàng đế Sùng Trinh, vị vua cuối cùng của triều Minh tên gọi Trường Bình công chúa, khi Sấm vương vào kinh, Sùng Trinh thắt cổ chết ở Môi Sơn, trước khi chết sợ Trường Bình công chúa bị làm nhục nên dùng kiếm chém đứt một tay của bà, Trường Bình công chúa nằm rên rỉ trong vũng máu, Sùng Trinh ném kiếm than rằng: “Ai bảo con sinh trong hoàng gia!” nhờ vậy Trường Bình công chúa mới được giữ mạng. Sau khi Sấm vương vào cung đã ưu đãi hoàng gia, thấy Trường Bình công chúa thê thảm như thế, than rằng: “Sao tàn nhẫn như thế?” rồi bảo cung nữ đỡ bà về cung chữa trị. Chuyện này không chỉ là truyền thuyết trong võ lâm mà còn có sử sách ghi lại. Về sau này không ai biết làm thế nào mà Trường Bình công chúa xuất cung học được võ nghệ cao cường, lập ra một môn phái riêng.
Liễu Tiên Khai tính lại triều Thanh đã nhập quan được hơn sáu mươi năm, không ngờ bà ta vẫn còn sống, vội vàng thi lễ. Lão ni cụt tay nói: “Quan Đông tứ hiệp, hào hiệp trượng nghĩa, danh đồn không ngoa!” rồi chỉ Đường Hiểu Lan nói: “Ắt hẳn y đã trúng độc trảo của Bát Tý Thần Ma!” Liễu Tiên Khai nói: “Mong thần ni giải cứu!” Độc tý thần ni chỉ khẽ gật đầu. Liễu Tiên Khai đỡ Đường Hiểu Lan đứng dậy, khẽ nói bên tai chàng: “Không sao rồi, hai tên ma đầu đã bỏ chạy”. Đường Hiểu Lan khẽ mở mắt, hạ giọng hỏi: “Có đoạt lại được điệt nữ của tôi không?”
Liễu Tiên Khai nói: “Đã bị y bắt đi!” Đường Hiểu Lan trợn hai mắt rồi ngất đi. Độc tý thần ni nói: “Là ta sơ suất, chỉ muốn xem Oanh nhi thử chiêu, không ngờ tên ma đầu ấy cướp đứa bé”. Liễu Tiên Khai nói: “Ơn cứu mạng không dám quên!” lão ni cụt tay nói: “Ngươi hãy theo ta, lát nữa sẽ còn vài vị bằng hữu của ngươi”. Liễu Tiên Khai nhớ lại, ở Hà Nam, ngoại trừ Dương Trọng Anh, mình chẳng có bằng hữu nào cả, trong lòng lấy làm lạ.
Không biết bao lâu, Đường Hiểu Lan dần dần tỉnh dậy, chỉ cảm thấy mùi u hương xông vào mũi, mở mắt ra nhìn, chẳng thấy bóng dáng Liễu Tiên Khai đâu, còn chàng thì nằm trong một căn phòng, căn phòng được bày biện rất thanh nhã, chàng chỉ nhớ lại nàng thiếu nữ đấu với hai tên ma đầu, Liễu Tiên Khai đặt mình xuống đất, sau đó thì chẳng biết gì nữa. Trong lòng thầm nhủ: “Chả lẽ nàng thiếu nữ đã đánh bại hai tên ma đầu cứu mình. Còn đây là phòng ngủ của nàng?” Đang cố gượng ngồi dậy chợt thấy xương cốt rã rời, toàn thân mềm nhũn, khi mở mắt ra nhìn chỉ thấy trên tường có hai câu đối viết rằng: “Vai sắt gánh đạo nghĩa, tay ngà viết văn chương”.
Ở giữa có một bức trung đường, viết một bài từ dài, từ rằng:
“Độ giang thiên mã nam lai, kỷ nhân chân thị kinh thủ? Trường An phụ lão, tân đình phong cảnh, khả liên y cựu! Di phủ Chư nhân, thần Châu trầm lục, kỷ tằng hồi thủ? Toán bình nhưng vạn lý, công danh bản thị, chân nho sự, quân tri phủ?
Huống hữu văn chương sơn đấu, đối đồng âm, mãn đình thanh đản. Đương niên trụy địa, nhi kim thí khán, phong vân bôn tẩu. Lục dã phong yên, thủy tuyền thảo mộc, Đông sơn ca tửu. Đãi tha niên, chỉnh đốn càn khôn sự liễu, vi tiên sinh thọ”.
Hàng dưới đề rằng: “Đây là bài thủy long ngâm của Tân Khí Tật viết mừng thọ Lưu Lương tiên sinh, Vãn hoa đình Trần Ngọa Tử”. Đường Hiểu Lan thường nghe Châu Thanh nói về chí sĩ hào kiệt của tiền triều, bởi vậy chàng mới biết Trần Ngọa Tử (tức là Trần Tử Long) là anh hùng kháng Thanh cuối thời Minh (chú thích của tác giả: Vào thời cận đại Long Du Sinh biên soạn cuốn “Cận tam bách niên danh gia từ tuyển”, đã xếp từ của Trần Tử Long đến hàng đầu) sau khi Mãn Thanh nhập quan, ông ta cử binh ở vùng Thái Hộ, sự việc bại lộ bị bắt làm tù binh, trên đường bị áp giải về kinh, ông ta nhảy xuống sông tự sát. Đường Hiểu Lan cũng biết sơ qua về thi từ, chàng hiểu đại khái bài từ này có ý thương tiếc cho chuyện nước mất nhà tan, thể hiện chí khí hồi phục lại đất Thần Châu, Tân Khí Tật cũng viết bài này cho người bằng hữu tên gọi Hồng Miễn. Trong bài từ có câu “Văn chương sơn đấu” Trần Tử Long viết “tặng cho Lưu Lương”, vậy Lưu Lương tiên sinh này chắc là một bậc đại nho! Rồi chàng chợt nhớ lại: “Chả lẽ ông ta chính là danh nho Lữ Lưu Lương ở Triết Đông!” sau khi Minh triều sụp đổ, Lữ Lưu Lương từ chối lời mời của nhà Thanh, cạo đầu làm tăng, chuyên viết sách làm thơ, có ảnh hưởng rất lớn. Đường Hiểu Lan lưu lạc trong giang hồ từ nhỏ, chàng không được học hành tử tế, chàng cũng chưa từng đọc qua sách của Lữ Lưu Lương nhưng từ lâu đã hâm mộ ông ta.
Đang lúc suy nghĩ, cánh cửa phòng chợt nhẹ nhàng bật ra, nàng thiếu nữ đêm qua bước vào, nhoẻn miệng cười nói: “Ồ, ngươi đã tỉnh rồi ư?” Đường Hiểu Lan nói: “Đa tạ nữ hiệp cứu mạng, xin thứ tôi không thể hành lễ”. Nàng thiếu nữ cười nói: “Sư phụ của ta đã cứu ngươi, chẳng liên quan gì đến ta. Này, ngươi đừng gọi ta là nữ hiệp, ta vẫn chưa xuất sư! Ngươi cứ gọi ta là Lữ Tứ Nương!” Đường Hiểu Lan chợt giật mình, khẽ kêu lên: “Lữ Tứ Nương? Chả lẽ cô nương là...” Lữ Tứ Nương mỉm cười nói: “Là cháu gái của Lữ Lưu Lương”. Đường Hiểu Lan nhìn nàng sững sờ, không ngờ cháu gái của một bậc đại nho mà có võ công tuyệt đỉnh!
Lữ Tứ Nương khẽ cười: “Tiểu đệ, năm nay ngươi được bao nhiêu tuổi?” Đường Hiểu Lan nói: “Mười sáu tuổi”. Lữ Tứ Nương nói: “Mười sáu tuổi mà có công phu như thế cũng khá lắm, tuổi còn nhỏ mà gan dạ, dám tranh đấu với hai tên ma đầu, chả trách nào sư phụ ta bảo ngươi là nhân tài có thể vun bồi, bởi vậy mới ra sức trị thương cho ngươi. Ta lớn hơn ngươi ba tuổi, ngươi cứ gọi ta là Lữ Oanh tỷ tỷ cũng được”. Lúc này Đường Hiểu Lan mới biết nàng ta tên gọi Lữ Oanh, còn hai chứ “Tứ Nương” có lẽ là vị thứ của nàng trong gia đình, thầm nhủ: “Nàng chỉ lớn hơn mình ba tuổi, mà võ công hơn cả Quan Đông tứ hiệp, Thần Ma song lão, dù mình luyện thêm mười năm nữa cũng chưa chắc theo kịp nàng”. Bất giác thầm hổ thẹn. Lữ Tứ Nương lại nói: “Ngươi có từng đọc sách của tổ phụ ta chưa?” Đường Hiểu Lan hổ thẹn đáp: “Chưa. Nhưng từ lâu đã nghe danh của ngài”. Lữ Tứ Nương lại cười: “Người học võ cũng nên đọc sách, giờ đây ngươi phải học hành cho nhiều vào, ta tặng cho ngươi một quyển ‘Nhượng di lục’ của người”. Đường Hiểu Lan càng áy náy hơn, cúi đầu khẽ nói: “Đa tạ tỷ tỷ!” chàng rất khâm phục Lữ Tứ Nương, chỉ ta nàng như thần tiên, khiến chàng chẳng dám nhìn thẳng vào.
Một hồi sau, lại một giọng già nua vang lên ở phòng bên: “Tên tiểu tử ấy có sao không?” Lữ Tứ Nương trả lời: “Không sao cả!” rồi quay đầu lại nói với Đường Hiểu Lan: “Sư phụ ta gọi ngươi! Ngươi xuống giường thử đi lại xem sao!” Đường Hiểu Lan xuống giường đi mấy bước, chàng cảm thấy người tỉnh táo, chẳng hề đau đớn, cả mừng nói: “Tỷ tỷ, xin hãy dắt tôi đến gặp người”. Phòng bên bài trí tựa như một am đường, bức tượng ở giữa lại được che bằng vải vàng, Đường Hiểu Lan vừa bước vào đã nghe giọng nói quen thuộc gọi: “Hiểu Lan, coi như ngươi đã thoát nạn, hãy mau bước tới ra mắt Thần ni”. Người gọi chàng chính là Vạn Lý Truy Phong Liễu Tiên Khai. Bên cạnh ông ta là một lão ni cụt tay, ngoài ra còn có một ông già lạ mặt. Đường Hiểu Lan bước đến khấu tạ, nhưng chàng không biết pháp hiệu của lão ni cô ấy, bởi vậy không biết xưng hô thế nào. Lão ni mỉm cười: “Ta không có pháp hiệu, còn tên đấy à, đã từ lâu không dùng nữa, trên giang hồ gọi ta là Độc tí lão ni, ngươi cứ gọi ta như thế. Ngươi cũng không cần tạ ơn ta, ngươi phải tạ ơn Liễu đại hiệp, ông ta đã cõng ngươi từ núi Thái Hàng đến đây!” Đường Hiểu Lan lại cung kính dập đầu ba cái trước Liễu Tiên Khai. Liễu Tiên Khai mỉm cười đỡ chàng dậy. Lúc này Lữ Tứ Nương mới quay sang nói với ông già: “Nghiêm thúc thúc từ xa đến đây, chẳng lẽ gia phụ có chuyện gì?” Độc tí lão ni nói: “Nghiêm thúc thúc của ngươi bảo ngươi về”. Lữ Tứ Nương chợt giật mình, ông già họ Nghiêm nói: “Cha của con đã già, gần đây lại bệnh vặt, rất nhớ con”. Độc tí lão ni nói: “Oanh nhi, con đã theo ta chín năm, đã học được nhiều võ công hơn các sư huynh của con, ta cũng không còn gì dạy con nữa. Ngày mai con hãy trở về”. Lữ Tứ Nương rất buồn bã, Độc tí lão ni lại nói: “Trong thiên hạ chẳng có bữa tiệc nào không tàn, con là đồ đệ đắc ý nhất của ta, con phải nhớ kỹ lời dạy của ta. Sau khi về thăm nhà, hãy tìm kiếm tung tích đại sư huynh của con, xem thử y làm người thế nào, nếu y thực sự phản bội sư môn, hãy đem thủ cấp của y về gặp ta!” Liễu Tiên Khai nghe thế cả kinh, ngay lúc này bên ngoài cửa có mấy tiếng hú dài, Độc tí lão ni đứng dậy: “Ồ, bọn họ đã đến!” cánh cửa chầm chậm bật ra, Độc tí lão ni vui mừng nói: “Huyền Phong đạo trưởng, vẫn khỏe chứ!” bên ngoài cửa có bên người đứng sừng sững, đó chính là Huyền Phong, Lang Nguyệt và Trần Nguyên Bá. Huyền Phong vái dài nói: “Nhờ Thần ni giúp đỡ, hai tên ma đầu mới hoảng sợ bỏ chạy, bần đạo xin đa tạ”. Liễu Tiên Khai mới chợt hiểu ra, té ra đại ca kêu ông ta đến Mang Sơn là có ý dụ hai tên ma đầu đến gặp Độc tí lão ni.
Độc tí lão ni dắt Quan Đông tứ hiệp vào am đường, giới thiệu với ông già họ Nghiêm. Người này không phải là nhân vật trong võ lâm mà là môn sinh của Lữ Lưu Nương, cũng là một danh nho ở miền Triết Đông. Mấy mươi năm chuyên truyền bá học thuyết của Lữ Lưu Lương ở miền Đông Nam, ông ta cùng với cha của Lữ Tứ Nương là Lữ Bảo Trung cùng mưu việc kháng Thanh, Huyền Phong đạo trưởng đã từng nghe danh, cung tay cười nói: “Chúng ta một văn một võ, lại cùng chí hướng, lo gì không dựng lại nghiệp xưa cho nhà Hán”. Độc tý thần ni rưng rưng nước mắt, nhìn pho tượng trong Phật đường. Quan Đông tứ hiệp đều biết bà ta là Công chúa tiền triều, lòng đau đớn cho cố quốc, trong nhất thời chẳng nói ra lời.
Một hồi sau, Độc tý thần ni chợt lên tiếng: “Bần ni lòng đạo vẫn chưa sạch, khiến cho đạo huynh chê cười”. Huyền Phong đạo trưởng khẽ ho một tiếng, nói lảng sang chuyện khác: “Mấy năm trước nghe nói Song ma mỗi tên bị què một chân, tôi đoán chắc là do Thần ni”. Độc tí lão ni cười nói: “Ba năm trước tôi vân du đến Bát Đạt Lĩnh, khéo gặp hai tên ma đầu, bọn chúng không biết tiến thối, nhất định đời tỉ thí với tôi. Lúc đó bọn chúng vẫn chưa làm nhiều chuyện ác nên tôi chỉ trừng phạt nhẹ”. Huyền Phong đạo trưởng nói: “May mà Thần ni đã trừng trị bọn chúng chứ nếu không chúng tôi khó tránh độc thủ ở núi Thái Hàng”. Thế rồi kể lại việc hai tên ma đầu nhận lễ vật của Dận Trinh đến núi Thái Hàng giết hại hào kiệt năm tỉnh phía Bắc, Độc tý thần ni nghe thế tức giận nói: “Sớm biết như thế, hôm nay tôi đã không buông tha cho bọn chúng”.
Nói một hồi, Độc tý thần ni lại nói: “Gần đây bốn vị có đến Giang Nam không?” Huyền Phong nói: “Mười năm qua bốn huynh đệ chúng tôi chưa từng vượt qua Trường Giang”. Độc tý thần ni nói: “Nghe nói đại đồ đệ của tôi cấu kết với đạo tặc trong giang hồ gây hại cho khách thương, bốn vị có nghe chuyện này người?” Huyền Phong lắc đầu, Độc tý thần ni nói: “Tôi còn sống, y vẫn còn e ngại, nên tuy không giữ thanh qui của Phật môn nhưng không dám công nhiên làm chuyện xấu, e rằng sau khi tôi chết đi chắc chẳng ai chế phục nổi y”. Huyền Phong nghe xong thất kinh, số là Độc tý thần ni có tám đệ tử, ngoại trừ Lữ Tứ Nương, bảy người kia đều đã xuất sư đi khắp Giang Nam xưng là Giang Nam thất hiệp. Người đứng đầu tên gọi Liễu Ân, là một nhà sư, võ công của Liễu Ân cao cường nhất, đã từng dùng một cây thiền trượng đánh bại mười hai cao thủ, trấn áp khắp cả vùng Giang Nam. Thất hiệp tuy xuất thân từ một môn phái, nhưng võ công bản lĩnh lại hơn kém khác nhau, người xếp hàng thứ bảy tên Cam Phụng Trì tên tuổi lừng lẫy nhất nhưng nội công và ngoại công vẫn còn kém ra xa Liễu Ân. Tiếp theo là người xếp hàng thứ năm tên Bạch Thái Quan, còn Lộ Dân Đảm, Lý Nguyên, Châu Tầm lại kém hơn. Lộ Dân Đảm và Châu Tầm từng đến Quan Đông gặp Huyền Phong, Huyền Phong cũng từng đọ chiêu với họ, không đầy ba mươi chiêu hai người đều bại trận. Lúc đó Huyền Phong còn nghĩ: “Sao đệ tử của Độc tý thần ni lại tầm thường đến thế, chắc Cam Phụng Trì và Liễu Ân tuy danh lừng Giang Nam nhưng bản lĩnh cũng có hạn”. Nay thấy Độc tý thần ni nói thế thì không khỏi nghi ngờ. Độc tý thần ni chỉ Lữ Tứ Nương, mỉm cười nói: “Hôm nay nó thử kiếm, có thể một mình đánh bại Bát Tý Thần Ma coi như cũng được, nhưng phải luyện mấy năm nữa mới khắc chế đại sư huynh của nó”.
Huyền Phong nghe thế càng thất kinh hơn, thấy Lữ Tứ Nương cúi đầu mỉm cười, rõ ràng chỉ là một nàng thiếu nữ vô tư, không dám tin kiếm pháp của nàng lợi hại đến thế. Liễu Tiên Khai nói: “Đại ca, chính Lữ cô nương đã cứu mạng của đệ”. Huyền Phong chẳng thể tin nổi, nói: “Té ra Thần ni chưa ra tay mà hai tên ma đầu đã bỏ chạy”. Độc tý thần ni mỉm cười nói: “Thực ra nó không có được công phu như thế, Đại Lực Thần Ma xông vào vòng chiến, tôi phát hiện bọn chúng mới bỏ chạy”. Bà ta ngập ngừng rồi nói: “Hai năm trước, tôi đã nghe chuyện Liễu Ân không giữ thanh quy, nên đã truyền bộ Huyền Nữ kiếm pháp cho Oanh nhi, nếu sau này hắn làm chuyện càn quấy, Oanh nhi sẽ thay tôi thanh lý môn hộ. Nhưng e rằng công lực của nó vẫn chưa thâm hậu, đến lúc đó mong Tứ hiệp giúp cho một tay”. Huyền Phong vẫn im lặng. Độc tý thần ni lại nói: “Ngày mai Oanh nhi hạ sơn, sau này đi lại trên giang hồ, mong Tứ hiệp nâng đỡ cho”. Quan Đông tứ hiệp kêu không dám liền miệng, Trần Nguyên Bá cười nói: “Nữ hiệp xuống núi sẽ hợp thành Giang Nam bát hiệp, đông hơn chúng tôi đến hai lần, Nam Bắc hô ứng có thể tăng thanh thế cho nhau”. Độc tí lão ni chợt ngậm ngùi nói: “Cũng mong là thế!” Trần Nguyên Bá nghĩ lại mới biết mình lỡ lời, Liễu Ân đã đi vào nẻo tà làm sao có thể tính là một hiệp sĩ, chỉ cười gượng mà rằng: “Đáng tiếc nữ hiệp đến Giang Nam chứ nếu không chúng ta cùng tới kinh sư gây náo loạn Tử Cấm thành!” Lữ Tứ Nương chợt nhướng mày nói: “Rồi sẽ có một ngày như thế!” Quan Đông tứ hiệp nhìn nhau ngạc nhiên, Độc tí lão ni khẽ nói: “Có tráng khí như thế thật đáng mừng nhưng phải cẩn thận”.
Triết Đông danh nho Nghiêm Hồng Quỳ chậm rãi nói: “Điệt nữ, tổ phụ của con viết sách truyền bá phản lỗ dương duy, dựng lá cờ đường đường chính chính, chúng ta phải đuổi người Mãn ra khỏi bờ cõi, e rằng hành vi của Kinh Kha hay Yêu Ly chẳng có ích gì”. Yêu Ly và Kinh Kha là hai hiệp sĩ thời chiến quốc, Kinh Kha hành thích vua Tần, Yêu Ly ám sát Khánh Kị, đó là chuyện Du hiệp được ghi lại từ ngàn năm. Nghiêm Hồng Quỳ nói thế ý như không tán thành thủ đoạn ám sát để giải quyết việc quốc gia đại sự. Huyền Phong nghe thế không vui, lạnh lùng nói: “Chỉ e lời suông của nho sinh chẳng có ích gì!” Lữ Tứ Nương đỏ mặt, khẽ nói: “Đa tạ thúc phụ dạy bảo. Con thấy Thái Sử Công nói có lý, lấy kiến thức của bậc chân nho phối hợp với cái nghĩa của bậc hiệp sĩ, sau đó việc mới thành”. Câu nói Lữ Tứ Nương dẫn ra bắt nguồn từ phần “Du hiệp liệt truyện” trong sách “Sử kí” của Tư Mã Thiên, tức là Thái Sử Công). Nghiêm Hồng Quỳ nghe xong vuốt râu cười: “Té ra mấy năm nay con vẫn không quên đọc sách”. Lữ Tứ Nương nhấp một ngụm trà, khẽ vuốt lọn tóc mai, chợt buồn bã nói: “Tại Khoan đã lớn chưa? Chàng còn học với cha con không?” Nghiêm Hồng Quỳ nói: “Hắn đã cao hơn cha con cả nửa cái đầu! Hắn học hành rất chăm chỉ, sách Chư Tử các gia đều xem qua, xem ra sau này có thể kế thừa y bát của tổ phụ con”. Đường Hiểu Lan ngồi sững ra lắng nghe nhưng không biết Tại Khoan là ai, chàng nghe Lữ Tứ Nương nhắc đến một cách dịu dàng, trong lòng như có luồng điện lướt qua, không biết là cảm giác gì.
Huyền Phong đạo trưởng vỗ vai Đường Hiểu Lan, thở dài nói: “Châu đại hiệp là bằng hữu thân thiết của ta, ông ta gởi gắm ngươi cho ta, ta không thể mặc kệ, nhưng bốn người bọn ta lưu lạc chốn giang hồ, gần đây lại đối đầu với Tứ bối lạc, càng không thể an cư dạy võ nghệ cho ngươi”. Nói đến đây thì ngập ngừng, quay sang Độc tí lão ni nói: “Hắn là hậu duệ của Lăng đại hiệp, hãy nhận hắn làm đệ tử”. Đường Hiểu Lan cả mừng, vội vàng bước tới toan dập đầu, Độc tí lão ni không để chàng dập đầu, đỡ chàng ngồi dậy, bà mỉm cười nói: “Ta đã già nua, sau khi nhận Oanh nhi đã thề không thu nhận học trò nữa. Ở phía Bắc có một vị anh hùng tên tuổi lẫy lừng, sau Huyền Phong đạo huynh không đưa hắn đến đấy?” Huyền Phong đạo trưởng vỗ tay nói: “Có phải Thần ni nói Thiết Chưởng Thần Đạn Dương Trọng Anh không?” Độc tí lão ni nói: “Đúng thế”. Huyền Phong nghĩ thầm: “Dương Trọng Anh võ nghệ không kém gì mình, ông ta có thể thoát khỏi hai tên ma đầu có thể nói bản lĩnh cũng rất cao. Ông ta và mình lại có mối thâm cao mấy mươi năm, đưa Đường Hiểu Lan đến gởi gắm cho ông ta chắc là hợp nhất”. Thế rồi nói: “Nếu Thần ni đã không thu nhận học trò nữa, chúng tôi chỉ đành làm phiền Dương lão anh hùng vậy”.
Một đêm trôi qua, sáng sớm hôm sau Quan Đông tứ hiệp và Lữ Tứ Nương xuống Mang Sơn chia thành hai đường, Tứ hiệp dắt Đường Hiểu Lan đến chỗ Dương Trọng Anh, Lữ Tứ Nương và Nghiêm Hồng Quỳ quay về miền Nam, đôi bên giã biệt nhau dưới chân núi, Đường Hiểu Lan chỉ đứng ngẩn ra nhìn bóng dáng Lữ Tứ Nương. Lữ Tứ Nương vẫy tay nói: “Tiểu đệ, vài năm nữa, ta sẽ đến Đông Bình thăm ngươi!”
Dương Trọng Anh sống ở huyện Đông Bình tỉnh Sơn Đông, huyện này có một hồ lớn tên gọi hồ Đông Bình, nhà họ Dương tọa lạc ở bờ hồ Đông Bình. Hôm nay Đường Hiểu Lan theo Quan Đông tứ hiệp đến Dương gia trang, chỉ thấy đồi núi chập chùng, nước hồ trong vắt, rặng liễu la đà bên bờ hồ, Đường Hiểu Lan chưa vào đến nhà họ Dương mà đã yêu mến nơi này. Lên đến lưng chừng núi, chợt thấy có vài căn nhà trệt xây dựng dựa theo thế núi, dưới rặng cây có một tòa bình đài, trên đài có một thiếu nữ đang luyện võ, tay cầm một cây đạn cung, bắn đạn lên lưng chừng trời, đạn từ cây cung phóng vọt ra va vào nhau trên không trung tựa như sao xẹt. Huyền Phong khen: “Tuyệt kỹ thần đạn, gia học thâm sâu, hổ nữ ở chốn long môn quả nhiên danh đồn không ngoa!” nàng thiếu nữ quay đầu lại, nhìn Đường Hiểu Lan bật cười, nói: “Đêm ấy ngươi có sao không!” Huyền Phong đạo trưởng nói: “Liễu Thanh, con vào bảo với cha có Quan Đông tứ hiệp đến cầu kiến!” nàng thiếu nữ nhảy chân sáo chạy vào nhà. Huyền Phong nói: “Dương Trọng Anh chỉ có một đứa con gái này, ông ta cưng nó như trứng mỏng”.
Liễu Tiên Khai nói: “Tôi nghe bằng hữu võ lâm Sơn Đông nói có một nữ thần đồng tên gọi Dương Liễu Thanh, chắc là thiếu nữ này”. Huyền Phong nói: “Đúng thế, Dương Trọng Anh thích dương liễu nên đặt cho nói cái tên quái dị này”. Khi họ đang trò chuyện, Dương Trọng Anh đã bước ra, lớn giọng nói: “Ngọn gió nào đã thổi các vị đến đây”. Nói xong lại tạ ơn giúp đỡ của Liễu Tiên Khai và Trần Nguyên Bá, Dương Liễu Thanh đứng bên cạnh cười nói: “Còn có tiểu ca này nữa, đêm ấy y cũng vãi ra một nắm phi mãng, cha cũng nên đáp tạ người ta!” Dương Trọng Anh cười ha hả: “Ta già đến nỗi hồ đồ, vị tiểu ca này phóng ám khí rất khá!” Huyền Phong lại nháy mắt, Đường Hiểu Lan quỳ xuống, dập đầu ba cái, Dương Trọng Anh vội vàng đỡ lên, hỏi: “Thế là sao?” Huyền Phong nói: “Đứa nhỏ này không có chỗ nương tựa, mong lão ca thu nó là đồ đệ”. Dương Trọng Anh nhíu mày, nói: “Vào trong hãy tính!”
Dương Trọng Anh đưa mọi người vào nhà, kéo Huyền Phong sang phòng bên trò chuyện một lúc rất lâu, sau đó mới quay lại nói vớ Đường Hiểu Lan: “Tiểu huynh đệ hãy biểu diễn những công phu đã học cho ta xem thử”. Đường Hiểu Lan tháo cây Du Long kiếm, cúi người hành lễ rồi thi triển Truy Phong kiếm pháp, chỉ thấy ánh kiếm loang loáng, kiếm khí lạnh lẽo. Dương Trọng Anh nói: “Tốt lắm!” Dương Liễu Thanh trố mắt ra nhìn cây Du Long kiếm.
Dương Trọng Anh nói: “Ta nhận ngươi làm đồ đệ!” Đường Hiểu Lan cả mừng, cung kính quỳ xuống hành lễ bái sư. Huyền Phong cung tay chúc mừng Dương Trọng Anh, nói: “Thầy chọn trò, trò cũng chọn thầy, Dương đại ca, đảm bảo huynh sẽ hài lòng với đứa học trò này!” Dương Trọng Anh mỉm cười, rồi nghiêm mặt nói với Đường Hiểu Lan: “Môn phái của ta giới luật rất nghiêm ngặt, giờ đây ta đọc mười hai giới điều cho con nghe, con phải suy nghĩ cho kỹ càng, nếu không chấp nhận được phải lên tiếng cho sớm, ta không ép con”. Đường Hiểu Lan buông tay đứng một bên, nghe ông ta đọc: “Điều thứ nhất không được gian dâm đ*o tặc!” Đường Hiểu Lan khẽ gật đầu, Dương Trọng Anh tiếp tục đọc: “Điều thứ hai không được bán bạn cầu vinh, điều thứ ba không được ỷ mạnh hiếp yếu, điều thứ tư không được qua lại với quan phủ, ngươi có chịu không?” Đường Hiểu Lan nói: “Châu bá bá của con bị triều đình hại chết, con căm hận bọn chúng đến tận xương tủy!” Dương Trọng Anh lại tiếp tục đọc: “Điều thứ năm không được kết bè kết đảng, điều thứ sáu không được say rượu làm điều càn quấy...” ông ta lại đọc tiếp đến điều thứ mười hai: “Điều cuối cùng là quan trọng nhất, không được khi sư diệt tổ! Bất cứ chuyện gì cũng không được giấu sư phụ, tất cả phải nói cho thực, càng không được cấu kết kẻ xấu làm nhục sư trưởng. Những kẻ phạm vào điều này nhẹ thì phế võ công, con có chịu không?” Đường Hiểu Lan chần chừ, Dương Trọng Anh nói: “Ta biết lai lịch của ngươi kỳ lạ, từ nay về sau không được giấu diếm ta chuyện gì!” Đường Hiểu Lan dập đầu nói: “Chuyện xưa cả bản thân con cũng không rõ, từ nay sẽ nghe lệnh ân sư”. Dương Trọng Anh thở dài, nói: “Hãy đứng dậy! Mấy mươi năm qua ta chưa hề thu nhận học trò, từ rày về sau con sẽ là sư huynh của nó! Liễu Thanh, hãy bái kiến sư huynh của con!” Dương Liễu Thanh bĩu môi nói: “Con phải thử chiêu với hắn, nếu hắn thắng được con, con mới gọi hắn là sư huynh!” Đường Hiểu Lan vội nói: “Bản lĩnh của tôi rất kém, làm sao là đối thủ của sư muội... à không, sư tỷ, vả lại tôi nhập môn sau càng không dám nhận”. Dương Trọng Anh trợn mắt nói: “Liễu Thanh, con cứ nói càn không sợ các sư bá cười hay sao? Hiểu Lan, năm nay con được bao nhiêu tuổi?” Đường Hiểu Lan nói: “Mười sáu”. Dương Trọng Anh nói: “Lớn hơn Liễu Thanh hai tuổi, trong môn phái của ta không luận nhập môn trước sau, chỉ phân biệt tuổi tác. Liễu Thanh, hãy đến dập đầu, từ rày về sau phải gọi là sư huynh!” Liễu Thanh thè lưỡi, lẩm bẩm: “Lại phải dập đầu!” Dương Trọng Anh nạt: “Mau dập đầu!” Đường Hiểu Lan vội vàng đỡ dậy, Dương Liễu Thanh giật tay một cái, Đường Hiểu Lan không đề phòng, suýt nữa đã bị nàng quạt ngã, Dương Trọng Anh cười nói với Huyền Phong: “Mong đạo trưởng đừng chê cười, con gái tôi từ nhỏ đã mất mẹ, tôi đã chìu hư nó, năm nay đã mười bốn tuổi mà vẫn còn như trẻ con!” rồi lại quay sang Đường Hiểu Lan nói: “Võ công của bổn môn coi trọng công phu căn bản, ta thấy kiếm thuật của con rất đáng khen, nhưng công phu cơ bản vẫn chưa đủ, bắt đầu từ ngày mai con hãy theo ta học những công phu cơ bản như đứng tấn, hít thở, đẩy tay, cứ tuần tự mà tiến tới, không cần tham nhiều, con đã theo danh sư học võ, vậy có ý kiến gì hay không?” Đường Hiểu Lan chợt nói: “Con muốn ban ngày học võ, ban đêm học văn, đọc thêm nhiều sách vở!” Quan Đông tứ hiệp nhìn nhau ngạc nhiên, người trong võ lâm thu nhận học trò truyền võ nghệ, xưa nay chỉ coi trọng quyền cước binh đao chứ chẳng hề để ý đến chuyện sách vở, vả lại cũng chưa có học trò nào đề nghị như thế, Dương Trọng Anh chưng hửng, rồi bật cười ha hả!
Dương Trọng Anh vuốt râu nói: “Lời của con rất hợp ý ta! Được! Ta rất hài lòng! Huyền Phong đạo huynh, người học võ thường nóng nảy, lúc tuổi thiếu niên khí thịnh, ta đã gây ra không ít bao nhiêu họa. Đứa con gái yêu quý này của ta biết một chút võ công đã ngang ngược, chỉ biết lên ngựa xuống ngựa, múa đao lộng thương, chẳng hiểu lễ nghĩa. Ta thấy sau này nếu muốn kiếm chồng cũng khó. Ta đã sớm muốn nhờ người dạy nó đọc sách. Hiểu Lan muốn học cả văn lẫn võ thật là tốt. Ta có một người đường đệ, tuy thi rớt tú tài nhưng cũng thông hiểu văn chương. Ngày mai ta sẽ nhờ y đến dạy cho sư huynh muội chúng học hành”. Huyền Phong nghe xong, trong lòng cười thầm, nhủ rằng: “Rõ ràng ông đã chìu hư đứa con gái của ông, có liên quan gì đến chuyện học hành”.
Dương Trọng Anh thu nhận học trò vừa ý, trong lòng rất mừng rỡ, nói: “Thanh nhi, con hãy dắt sư huynh đi một vòng xem thử”. Ông ta lại trò chuyện một hồi với Quan Đông tứ hiệp, đến khi Tứ hiệp sắp cáo từ mới tìm Đường Hiểu Lan. Ra sân thì nghe tiếng quyền cước đấm nhau bình bịch, nhìn lại thì thấy con gái của mình múa chưởng như gió, đánh Đường Hiểu Lan thối lui từng bước!
Té ra Dương Liễu Thanh còn tính trẻ con, bái sư huynh mà trong lòng không phục, kéo tay chàng nói: “Này chúng ta hãy ra sân sau chơi!” Đường Hiểu Lan chẳng dám không theo, chàng bước ra sân, Dương Liễu Thanh chợt nói: “Này, cho mượn thanh bảo kiếm xem thử”. Đường Hiểu Lan đang còn chần chừ, Dương Liễu Thanh nói: “Hừ, nhà ngươi thật ích kỷ, ta chẳng cần nữa”. Đường Hiểu Lan đành tháo thanh kiếm đưa tới nói: “Sư muội cẩn thận, cây kiếm này rất bén, coi chừng đứt tay!” Dương Liễu Thanh hừ một tiếng, rút kiếm ra múa một hồi, tuy không nhanh bằng Truy Phong kiếm pháp nhưng kiếm phong cũng phát ra vèo vèo, Đường Hiểu Lan khen: “Sư muội thật giỏi, thập bát ban võ nghệ món nào cũng biết!” Dương Liễu Thanh hừ một tiếng, nghiêm mặt nói: “Ai cần ngươi khen bừa, này, cha của ta bảo kiếm pháp của ngươi rất giỏi, ta muốn dùng đôi chưởng thử lãnh giáo kiếm chiêu của ngươi!” Đường Hiểu Lan vội nói: “Sư muội võ công cao thâm, ngu huynh cam chịu thua, không cần phải thử nữa”. Dương Liễu Thanh nói: “Hãy thong thả đã, ta chưa nói xong, nếu ta thua sẽ, dập đầu trước ngươi ba cái, nếu ngươi thua hãy đưa thanh kiếm này cho ta! Này, trả kiếm cho ngươi!” rồi nàng ném kiếm về phía Đường Hiểu Lan, quát: “Ngươi đã cầm kiếm rồi, thế nào, hãy ra tay đi thôi!” Đường Hiểu Lan lo đến nỗi toát mồ hôi trán, vội vàng xua tay nói: “Không được! Không được!” Dương Liễu Thanh cười lạnh: “Hừ, thì ra ngươi nhát gan đến thế, ngươi sợ phải trao thanh bảo kiếm này cho ta!”
Đường Hiểu Lan vốn là người lanh lẹ, đến lúc này chàng đã bó tay trước nàng sư muội nghịch ngợm, bởi vậy cứ đứng ngẩn ra ở đấy chẳng nói nên lời. Dương Liễu Thanh bước gần tới hai bước, hai chưởng vung lên, nói: “Thế nào?” Đường Hiểu Lan nghiến răng, tra thanh kiếm vào bao, đưa cho nàng nói: “Sư muội, tặng muội thanh kiếm này!” giọng nói rung rung, Dương Liễu Thanh nhíu mày, cười lạnh nói: “Hừ, ai cần ngươi tặng! Hãy mau rút kiếm, nếu ta không nể mặt binh khí của ngươi, ta sẽ dập đầu trước ngươi!” Đường Hiểu Lan thối lui từng bước, nói: “Ngu huynh muôn lần không dám!” Dương Liễu Thanh chợt vỗ vù ra một chưởng!
Đường Hiểu Lan lách người tránh qua nhưng chẳng kịp, má đã bị trúng một chưởng đau nhói, Đường Hiểu Lan chưa bao giờ bị làm nhục đến thế, bất đồ lửa giận bốc cao! Dương Liễu Thanh liên tục vỗ ra mấy chưởng, chưởng nào cũng hung hiểm. Đường Hiểu Lan nhảy nhót né tránh, vai đã bị quét trúng một chưởng, may mà nàng tuổi nhỏ lực yếu chứ nếu không chàng chẳng chịu nổi. Đường Hiểu Lan ném kiếm xuống đất, khẽ ho: “Sư muội, ngu huynh sẽ chìu theo sư muội, nhưng muội cũng phải nương tay!” Dương Liễu Thanh mỉm cười nói: “Được thôi, hãy giở bản lĩnh ra!” thật ra nàng chỉ nghịch ngợm, chỉ muốn trêu đùa chàng mà thôi. Đường Hiểu Lan ngoài mềm trong cứng, bị trúng hai chưởng đã nổi cáu, chàng phất ống tay áo, vỗ liền ra hai chưởng, Dương Liễu Thanh nói: “Chiêu số lợi hại thật!” rồi nàng lách người, lập tức múa chưởng chém vào cánh tay phải của Đường Hiểu Lan, Đường Hiểu Lan đẩy chưởng trái lên cao, Dương Liễu Thanh biến chiêu rất nhanh, tay phải đánh một chiêu Kim long thám trảo chụp vào mặt của Đường Hiểu Lan!
Đường Hiểu Lan vốn chỉ muốn dằn mặt nàng để cho nàng rút lui. Không ngờ Dương Trọng Anh được người ta gọi là Thiết Chưởng Thần Đạn, quả thật chưởng pháp cũng rất lợi hại, từ nhỏ Dương Liễu Thanh đã học võ cùng cha, tuổi tuy còn nhỏ mà chưởng pháp đã đến mức thượng thừa. Thấy Đường Hiểu Lan tựa như đã nổi cáu, đánh ra toàn những chiêu số tấn công, nàng cười lạnh mấy tiếng lập tức thi triển thân thủ, lúc công lúc thủ, lúc tiến lúc lui, biến hóa đa đoan, Đường Hiểu Lan hít một hơi, không ngờ chưởng pháp của nàng lại lợi hại đến thế. Hai người quần thảo nhau đến mấy hiệp, Đường Hiểu Lan dần dần chọi không nổi. Dương Liễu Thanh buông tiếng trêu rằng: “Sư huynh, thế nào? Mệt rồi ư? Hãy đưa kiếm cho ta!” Đường Hiểu Lan thấy nàng đanh đá, trong lòng không muốn tặng Du Long kiếm của Châu Thanh cho nàng, nghiến răng chống chọi mấy chưởng, thầm nhủ: “Nhà ngươi chỉ là đứa bé gái, xem ngươi có được khí lực bao lâu. Đánh một hồi ngươi chắc chắn chẳng chịu nổi”. Chàng thay đổi chưởng pháp, giữ kín môn hộ, toan dụ cho nàng hao tổn chân khí, không ngờ đánh đến mấy mươi chiêu mà Dương Liễu Thanh vẫn còn chống chọi nổi, chưởng pháp càng lúc càng hiểm hóc, bốp bốp hai tiếng vang lên, Đường Hiểu Lan lại trúng hai chưởng ở trước ngực, tuy Dương Liễu Thanh tuổi nhỏ sức yếu nhưng chàng cũng thấy đau đớn lạ thường. Đường Hiểu Lan vừa tức vừa lo, liên tục thối lui. Ngay lúc này, Thiết Chưởng Thần Đạn Dương Trọng Anh đã ra tới nơi. Đường Hiểu Lan như trút được gánh nặng, vội vàng nhảy vọt ra, kêu lên: “Sư phụ! Sư phụ!”
Dương Trọng Anh nghiêm mặt mắng: “Thanh nhi, sao lại đánh nhau với sư huynh?” Dương Liễu Thanh cười hì hì nói: “Sư huynh bảo con thử chiêu, cha đã nói rồi kia mà, phải nghe lời sư huynh nên con chỉ đành chìu theo”. Dương Trọng Anh thấy Đường Hiểu Lan đánh rất thật tình, không phải là trò đùa thế là nửa tin nửa ngờ nói với Đường Hiểu Lan: “Sư muội của con tuổi vẫn còn nhỏ, con đừng chìu theo nó!” Đường Hiểu Lan nói: “Là sư muội đã ép con đọ chiêu”. Dương Trọng Anh chỉ cây kiếm ở dưới đất, nói: “Chuyện gì thế?” Đường Hiểu Lan lúng túng nói: “Sư muội thích thanh kiếm này, con vốn muốn tặng...” Dương Trọng Anh chợt nổi cáu, mắng: “Thanh nhi, con càng lúc càng lớn gan, dám giành đồ với người ta. Con có biết lai lịch thanh kiếm này không?” Dương Liễu Thanh khóc òa lên, thút thít nói: “Ai cần thanh bảo kiếm của y?”
Đường Hiểu Lan lúng túng lắm, vội vàng giải thích cho nàng: “Sư muội không đòi, chỉ bảo thích thanh bảo kiếm, muốn dùng tay không đọ chiêu với con”. Dương Trọng Anh thấy má chàng đã xưng vêu lên, hỏi: “Thế là các con đã đọ chưởng?” cả hai người gật đầu, không dám trả lời, Dương Trọng Anh thương yêu con gái, rõ ràng biết nàng không đúng bởi vậy mới không truy cứu nữa, chỉ đành mắng: “Nha đầu ngang ngược, bổn môn coi trọng trưởng ấu tôn ti, hắn tuy mới nhập môn nhưng là trưởng bối của con, hậu bối phải tôn trọng trưởng bối. Từ rày về sau không được bức hiếp trưởng bối, dù sau này đọ chiêu cũng phải dừng lại đúng lúc”. Hai người cúi đầu trả lời: “Vâng”. Đường Hiểu Lan thấy ấm ức lắm, sắc mặt tái xanh. Dương Trọng Anh kéo tay chàng, ôn tồn nói: “Hiểu Lan, sư muội của con vẫn là đứa trẻ, hãy nhường nhịn nó. Quan Đông tứ hiệp sắp ra đi, con hãy dập đầu cáo biệt họ”. Rồi ông ta dắt Đường Hiểu Lan ra ngoài, Quan Đông tứ hiệp thấy má chàng xưng vêu lên, nhìn nhau mỉm cười. Đường Hiểu Lan tạ ơn cứu mạng của Quan Đông tứ hiệp, thút thít nói: “Con từ nhỏ đã mồ côi, được Châu đại hiệp nuôi dưỡng và Phùng sư phụ truyền võ nghệ, hai vị Châu, Phùng đã chết thảm, sư tẩu và điệt nữ của con bị người ta cướp đi, mong Tứ hiệp để ý thăm dò tung tích cứu họ ra”. Huyền Phong cười nói: “Ngươi là đứa trẻ có tình có nghĩa, e rằng bọn ta lực bất tòng tâm, may mà Lữ Tứ Nương đã xuất sơn. Thế này nhé, bọn ta sẽ đến tìm nó, bảo nó giúp con”. Đường Hiểu Lan nghe Huyền Phong nhắc đến Lữ Tứ Nương, trong lòng xao xuyến, vội vàng bái tạ. Thế rồi Quan Đông tứ hiệp giã biệt, Huyền Phong nói: “Vài năm nữa, đợi sau khi con học thành tài, bọn ta sẽ đến đón con”.
Từ đó về sau, Đường Hiểu Lan sống ở nhà họ Dương, ban ngày học võ, ban đêm học văn. Lúc đầu, chàng rất sợ Dương Liễu Thanh gây rối, không biết đối phó với nàng sư muội lợi hại này như thế nào. Không ngờ vì ngày hôm ấy chàng che giấu cho nàng nên đã có thiện cảm với chàng. Tuy vẫn còn ngang ngạnh nhưng không bức hiếp chàng nữa. Thế rồi năm năm trôi qua.
Dương Trọng Anh vốn là Chưởng môn của phái Tung Dương. Phái này là chính tông nội gia, Đường Hiểu Lan học được năm năm, công phu cơ bản đã vững chắc, Truy Phong kiếm pháp cũng đã luyện đến mức tinh diệu tuyệt luân. Khi rảnh rỗi chàng thường đọ chiêu với Dương Liễu Thanh, tuy chưởng pháp và bắn cung, nhưng cũng không đến nỗi không thể chống đỡ như lúc đầu. Còn về chuyện học văn, Dương Liễu Thanh lười biếng, bởi vậy kém xa Đường Hiểu Lan, nhiều lúc phải nhờ chàng làm hộ bài vở. Vì thế Dương Liễu Thanh phải lấy lòng chàng.
Lúc này Đường Hiểu Lan đã hai mươi mốt tuổi, Dương Liễu Thanh cũng được mười chín tuổi. Dương Trọng Anh đã già, nhìn thấy con gái và đệ tử suốt ngày bên nhau, trong lòng nôn nao, ngày nọ ông âm thầm hỏi con gái: “Con cảm thấy Hiểu Lan thế nào?” Dương Liễu Thanh nói: “Chả thế nào cả, cha hỏi để làm gì?” Dương Trọng Anh cười nói: “Nha đầu ngốc, nay con đã không còn bé nữa, cũng đã phải đến lúc tìm nơi chốn. Con cảm thấy nhân phẩm của sư huynh thế nào? Ta thấy hắn rất chân thật”. Dương Liễu Thanh đỏ mặt, giận dỗi nói: “Con chả hiểu nhân phẩm hay chẳng nhân phẩm gì cả, hôm qua y không đọ chưởng lại con!” Dương Trọng Anh mỉm cười, chẳng hỏi tiếp nữa. Ông ta chỉ nghĩ rằng có lẽ con gái thấy võ công của chàng không cao nên không thích chàng.
Chính là:
Như mừng như giận lại như yêu, tâm sư nhi nữ khó đoán dò.
Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.