Giang Nam Hận

Chương 3: Bỏ quên mùa xuân




Ánh mắt sắc bén ấy kèm vài phần dò xét, tựa như nàng là món hàng. Tịnh Vi chưa từng gặp kiểu người dám dùng thứ ánh mắt đó nhìn mình như thế. Người này cố tình trưng cái vẻ coi khinh thiên hạ, khiến người ta e dè.
Giữa lúc nàng ngơ ngẩn, Hỉ Thước đẩy cửa bước vào: “Tiểu thư, Tư lệnh mời chị qua sảnh phía Tây.”
Bình thường sảnh phía Tây là nơi Giang gia tụ họp bàn thảo chuyện gia đình, mà đại sảnh là chỗ cha hay dùng để đãi khách, có thể thấy cha vì chuyện hôn lễ mà tìm nàng. Nàng kéo nhẹ khóe môi cười hời hợt, nàng nên ý kiến gì đây? Dẫu có thì ai quan tâm? Hỉ Thước luôn cho rằng nàng quá hờ hững, nhưng giả dụ nàng cố tranh giành thì sẽ nhận được thứ gì?
Từ xa nhìn tới, sảnh phía Tây đèn đuốc sáng trưng, dưới giá rét đìu hiu vẫn pha vài phần ấm áp. Vừa vào cửa đã thấy bên trong lố nhố người. Nhị di thái, Tam di thái, Ngũ di thái đều có mặt, ngay cả các anh em xưa nay ít lui tới cũng đông đủ. Ngũ di thái ngồi ngoài cùng gần cánh cửa, Tịnh Vi mới bước vào, bà ta ngẩng đầu trông thấy nàng liền nói: “Tịnh Vi, đến đây con!”
Nàng mỉm cười kêu một tiếng: “Ngũ di nương!”, rồi xoay qua chào hỏi Nhị di thái và Tam di thái. Cuối cùng ngước lên nhìn người cha đang ngồi nghiêm túc chính giữa gọi một tiếng “Cha.”
Giang Hải Quyền khẽ gật đầu phất tay áo, xung quanh lập tức trở nên yên tĩnh. Ông ho một tiếng rồi nói: “Tịnh Vi, ngày con xuất giá đã định! Mấy ngày nay các di nương lo chuyện đồ cười cho con tối tăm mặt mày…”
Tịnh Vi im lặng cúi đầu lắng nghe. Giang Hải Quyền đưa mắt liếc Hứa Toàn đứng đằng sau, Hứa Toàn lập tức đi lên đưa Tịnh Vi một tờ giấy. Nàng mở ra xem, trên đó chữ viết chi chít, nào là trang sức vàng bạc, nào là lăng la tơ lụa, nào là lương thực… Nàng khó hiểu ngước nhìn cha, Giang Hải Quyền nói: “Những thứ ấy là của hồi môn cho con. Con xem cần thêm gì nữa không?” Chuyện này nàng mù tịt, nên nhất thời á khẩu.
Tuy nhiên Nhị di thái mở miệng: “Tư lệnh, của hồi môn nhiều quá chừng, ông còn sợ không đủ? Huống hồ tới Hách Liên gia đã thành chủ quản cả gia đình, thiếu gì chứ?” Dù khó nghe, nhưng Tịnh Vi vẫn đứng im bất động.
Ngũ di thái xen vào: “Hách Liên gia tặng quá nhiều sính lễ, Tư lệnh cũng sợ mất mặt.”
Tam di thái bồi thêm: “Tịnh Vi là chị cả, đằng sau còn nhiều em gái, mai này Tư lệnh đừng coi bên nặng bênh nhẹ!”
Nhị di thái và Ngũ di thái đều có con gái, mà Tam di thái chỉ mỗi mụn con trai nên bà ta đắc ý đục nước béo cò, lẽ nào Tịnh Vi không hiểu?
Giang tư lệnh ngồi trên ghế bành dường như đã hết kiên nhẫn, nhìn Tịnh Vi hỏi: “Ý của con ra sao?”
Trong hoàn cảnh này, dù muốn cũng chỉ im lặng. Tịnh Vi đành nhẹ nhàng nói: “Như thế đủ rồi, cha.” Rồi xoay qua phía Nhị di thái, Tam di thái, Ngũ di thái, nói: “Cảm ơn các di nương đã lo lắng cho con.”
Nhị di thái cậy già lên mặt: “Ai kêu mẹ con qua đời sớm, di nương ta quan tâm con là điều hiển nhiên.” Tịnh Vi mỉm cười im lặng.
Giang tư lệnh phân phó tiếp: “Mấy ngày nữa trong nhà nên sửa soạn lại. Mọi người nghe cho kĩ, ai cũng phải có mặt, coi như bữa cơm đoàn viên trước khi Tịnh Vi xuất giá.” Các anh em đều lên tiếng vâng dạ.
Tịnh Vi nghĩ hết chuyện để ở lại nên muốn cáo lui, nhưng Nhị di thái vẫn xỉa xói nàng: “Không phải Nhị di nương dạy đời con, Hách Liên gia khác với nhà chúng ta, con nên lưu ý…” Bà ta vờ ngập ngừng nhìn nàng cổ quái, đáy mắt dường như vui sướng khi người gặp họa, lại như đồng tình: “Nghe nói Hách Liên đại thiếu có nhiều hồng nhan tri kỷ lắm!”
Tịnh Vi bắt đầu thấy thẹn, lời đó nói ra cũng chẳng sao nhưng đằng này lại ngay trước mặt các anh em thì quá đáng, chỉ thấy Giang tư lệnh từ trên ghế đứng bật dậy: “Tịnh Vi, con về phòng trước đi. Từ nay đừng ra ngoài nữa.” Tịnh Vi nhanh chóng lui ra, mới cất vài bước đã nghe tiếng cha vang lên: “Sao bà dám nói mấy thứ đó trước mặt Tịnh Vi? Nó còn chưa được gả…”
Chớp mắt đã đến ngày cưới. Hách Liên gia là gia đình cổ điển, vì thế Giang phủ đã chuẩn bị một bộ mũ phượng khăn quàng xa xỉ. Chiêng trống rềnh rang đưa nàng đến một toa tàu chuyên biệt do Hách Liên gia chuẩn bị, tàu chưa chạy được bao lâu thì nàng bắt đầu say sóng vì lần đầu tiên ngồi xe lửa. Trên tàu có đầy đủ mọi thứ, Hỉ Thước giúp nàng thay bộ quần áo khác, lấy khăn nóng. Ngoài cửa tàu, từng mái nhà, từng ruộng lúa, từng thôn làng lần lượt lướt qua. Vì còn mùa đông, cảnh sắc âm u đìu hiu kèm theo tiếng còi tàu, khiến lòng chủ tớ hai người trào nỗi buồn chua xót biệt ly. Cũng may Mã tướng quân đến đón các nàng là một người rất đúng mực, mỗi ngày hỏi han một lần, thường không làm phiền, chỉ đứng bên ngoài phân phó thị vệ đem trà bánh tiếp đón.
Tịnh Vi rất thích như thế, nàng mang theo vài cuốn sách, hoặc ngồi hoặc nằm đọc sách tiêu khiển. Qua nửa ngày đã luyện thành thói quen, không còn nghe tiếng tàu hỏa chuyển động ầm ĩ nữa.
Buổi sáng ngày thứ ba đã đến An Dương – thủ phủ của Đốc quân.
Tất cả trên sân ga đều có lính canh gác, mặc quân phục màu xanh, lưng đeo súng trường, đi tới đi lui. Đâu đó văng vẳng tiếng nói chuyện với nhau, tuy cố ý giảm thấp nhưng vẫn loáng thoáng nghe được. Giờ phút này dù Tịnh Vi có hờ hững cũng khó tránh bất an, vì chính mình không biết cuộc sống sẽ về đâu với kẻ sắp trở thành người thân thiết nhất kia…
Dưới sự trợ giúp của Hỉ Thước, vừa đội mũ phượng khăn quàng lên thì có tiếng đập cửa, Mã tướng quân mang theo một vị phu nhân tiến vào. Tịnh Vi bình tĩnh nhìn, mới nhận ra đây là vị phu nhân dẫn đầu ngày đó ở Giang phủ. Ngày ấy nàng e lệ không chú ý đến thân phận của bà ta, giờ đối mặt, nàng đành mỉm cười gật đầu chào, khó bắt chuyện.
Vị phu nhân kia rất khéo léo, cười nói: “Chồng tôi họ Diêu, lần này phụ trách hôn lễ cho Đại thiếu. Nếu cô thấy không hài lòng điều gì, xin cứ nói với tôi.”
Tịnh Vi nhẹ nhàng nói: “Xin chào, Diêu phu nhân!”
Diêu phu nhân cười, liếc con ngươi sáng như sao: “Thiếu phu nhân thật khách khí. Cô chuẩn bị đi, chúng ta cần xuống tàu rồi.”
Hỉ Thước cầm cái rương nhỏ bên mình giao cho thị vệ ngoài cửa: “Diêu phu nhân, tiểu thư đã chuẩn bị xong rồi. Bà xem khi nào xuống tàu thì được, đừng làm trễ ngày lành tháng tốt.”
Diêu phu nhân lại nở nụ cười: “Cô nói rất đúng, vậy chúng ta rời khỏi đây, xe đã chờ bên ngoài.” Nói xong liền kéo tay Tịnh Vi, vừa đi vừa nói: “Bên ngoài có nhiều học sinh và phóng viên báo chí, náo nhiệt lắm.”
Tịnh Vi mới xuất hiện ở cửa tàu thì đã thấy trước mắt chớp nháy liên tục, hóa ra các phóng viên đang chụp ảnh, đám đông xung quang cũng bắt đầu ồn ào. May mắn Hách Liên gia phái nhiều thị vệ dẹp đường, và được Diêu phu nhân dìu, Tịnh Vi cũng thoát nạn lên xe.
An Dương là thành phố cổ lớn qua nhiều triều đại, Tịnh Vi định thần đánh giá sơ bộ, đường xá rộng rãi, nơi buôn bán và nhà ở phân biệt rõ ràng. Vì đậm chất phương Bắc nên khác hẳn với Giang Nam, phong cách kiến trúc hoang sơ nhưng mỗi cái đều đậm bản sắc riêng. Xe trước xe sau nối đuôi nhau, binh lính trên xe ‘tiền hô hậu ủng’ chạy thẳng đến trước cửa tòa nhà lớn.
Chiếc cối xoay gió cao sừng sững, từ cổng chính trông tới, tuy là mùa đông nhưng cây cối rậm rạp che khuất tầm nhìn. Ngoài cửa đứng đầy binh lính, xe dừng lại, từ xa đã thấy một người anh dũng giữa đám đông vây quanh tiến ra cửa lớn. Người đó mặc áo hỉ dài, khỏi đoán cũng biết đó chính là Hách Liên thiếu gia tiếng tăm lừng lẫy!
Diêu phu nhân cười nói: “Đại thiếu quá nôn nóng! Thiếu phu nhân xinh đẹp như vậy, quả thực khiến Đại thiếu yêu thích. Mai sau vợ chồng ân ái, sống đến đầu bạc!”
Thấy Tịnh Vi im lặng, biết nàng thẹn thùng nên tiếp lời: “Tôi giúp cô trùm khăn hỉ, lát nữa Đại thiếu tới mở cửa… Cửa xe làm bằng kính màu nâu, nếu cô muốn nhìn trộm tướng mạo Đại thiếu thì có thể vén một góc mà nhìn, bên ngoài không thấy đâu.” Tịnh Vi nghe bà ta trêu ghẹo mình, mặt bỗng đỏ ửng còn đâu can đảm nữa mà làm.
Ngoài cửa xe huyên náo xôn xao, một giọng nói luống tuổi vang lên: “Đại thiếu, giờ lành đã tới, mau mở cửa xe giúp tân nương. Trước kia thì đá cửa kiệu, bây giờ đá cửa xe là xong thủ tục.”
Tịnh Vi đội khăn hỉ chẳng thấy được điều gì, chỉ nghe ‘cạch’ một tiếng, cửa xe đã được mở, tiếp theo người ấy đỡ vai nàng rời khỏi xe. Bên tai truyền đến vô số âm thanh ào ồn, náo nhiệt mà nàng đã mất cảm giác. Điều duy nhất nàng vẫn cảm nhận, đó là độ ấm nóng hực của hắn xuyên qua từng lớp quần áo, và hơi thở mang hương nam tính tự nhiên pha lẫn khói thuốc quanh quẩn khắp người nàng. Ra khỏi cửa xe, hắn buông nàng ra. Diêu phu nhân cũng xuống xe, nói: “Đại thiếu, ngài đi phía trưới, tôi dìu tân nương phía sau. Ngài chỉ cần đưa tấm lụa đỏ trong tay cho tân nương là được.”
Tịnh Vi được Diêu phu nhân dìu, Hách Liên đại thiếu dắt, xoãi từng bước tiến vào Hách Liên phủ. Dựa theo phong tục quỳ lạy thiên địa, cha mẹ, vợ chồng giao bái xong thì có người đưa Tịnh Vi về phòng tân hôn. Vừa ngồi xuống giường, Diêu phu nhân đã bước vào, giọng áy náy: “Thiếu phu nhân, vừa rồi là nghi thức cổ truyền, vì địa vị của Đốc quân bây giờ có vài nhà báo nước ngoài cũng muốn tường thuật lại hôn lễ này, nên Đốc quân bất đắc dĩ bố trí thêm một hoạt động để các phóng viên nước ngoài chụp hình. Cô thay bộ quần áo khác đi.”
Tịnh Vi ngạc nhiên, nhưng bình tĩnh ngay lập tức. Gả đến Hách Liên gia, thì sao có thể tự mình làm chủ? Nàng cuối cùng “Ừ” một tiếng.
Diêu phu nhân hỏi thăm Hỉ Thước: “Hỉ Thước! Cô là nha đầu hồi môn của thiếu phu nhân, cô và tôi giúp thiếu phu nhân thay đồ đi. Quần áo làm của hồi môn cất chỗ nào?”
Hỉ Thước thương cảm tiểu thư, nhưng hết cách đành hỏi: “Vậy Đại thiếu đâu ạ?”
Diêu phu nhân mỉm cười, đáp: “Đại thiếu đang đón khách bên ngoài, hôm nay đông người lắm.” Rồi bà ta ba chân bốn cẳng cùng Hỉ Thước lôi ra mấy bộ y phục, cuối cùng chọn một bộ sườn xám màu hồng giúp Tịnh Vi thay, đeo thêm bộ trang sức phù hợp, hài lòng nói: “Eo thiếu phu nhân thật nhỏ, tôi nhịn không được mướn sờ thử. Trang sức này tìm đúng chủ rồi, nhìn thiếu phu nhân cứ như người bước ra từ trong tranh!” Tịnh Vi bị bà ta trêu thẹn thùng.
Nơi chụp ảnh là đại sảnh kiểu Âu của phủ Đốc quân, nền đại sảnh trải thảm màu đỏ thẫm, dẫm lên mềm mại không phát ra tiếng động. Cuối đại sảnh là một vóc dáng cao ráo mặc quân phục đưa lưng về phía nàng. Hắn đưa mắt nhìn lên chùm hoa tươi thật lớn treo trên tường, từ chùm hoa thả xuống vài sợi dây ruy băng đỏ tím rất đẹp. Nàng vừa xuất hiện, người hầu bên cạnh liền kéo tay áo hắn, mọi ánh mắt dồn hết lên người nàng. Dù con gái Giang gia chẳng đẹp như tiên trên trời, cũng không đến mức bỏ chạy, Tịnh Vi tự tin vì điều ấy. Nàng cười nhẹ từng bước theo chân Diêu phu nhân tiến về phía hắn, hắn cũng mỉm cười xoay người lại nhìn nàng.
Dưới ánh đèn loang loáng, khuôn mặt hắn dần hiện rõ. Diện mạo hắn rạng rỡ, đôi chân mày khí khái, cằm chẻ, đáy mắt sâu ngấm ngầm nhưng bị nụ cười của hắn xua tan – tất cả, tất cả mọi thứ đều vô cùng quen thuộc. Ánh sáng vừa chớp lên, nàng đã phát giác ra hắn chính là người mình đụng phải trong quán trà gần trường học ở Giang Nam. Khó trách lúc ấy ánh mắt hắn nhìn nàng kĩ càng như xem một món hàng. Nàng nhìn hắn đưa tay về phía mình, nhìn hắn đỡ nàng đứng trước chùm hoa… Bọn người hầu đứng cách họ vài bước nhẹ nhàng kéo mấy sợi dây, những cách hoa lượn lờ trên không trung từ từ bay lả tả lên người họ. Máy chụp ảnh khắp nơi liên tục dồn về, chớp nháy không ngừng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.