Giấy Sống

Chương 60: “Người ở đâu trong vùng nước mênh mông”




Chuyện đồ đệ của Thanh Dương tiên sư hại chết Tần lão gia, còn cuỗm theo đồ bỏ chạy đã trở thành một vụ án lớn.
Trấn báo lên huyện, Huyện trưởng phái người đến phá án. Từ cuỗm tiền trong nhà, biến thành cuỗm mất một rương vàng bạc châu báu lớn, càng nhiều tiền tài thì bên trên càng coi trọng hơn.
Mấy tòa soạn báo đều phái người tới trấn Hưởng Thủy săn tin.
Bạch Chuẩn thu dọn đồ đạc xong xuôi, chuẩn bị quay về Thượng Hải.
Đương nhiên là Hoắc thiếu thu dọn hành lý, Bạch thất gia chỉ lo việc chuẩn bị cho mình.
Ông chủ đau lòng trả tiền lại cho Hoắc Chấn Diệp. Thanh Dương tiên sư không xem bệnh, sau này còn ai lên trấn ở trọ nữa chứ. Nhà họ Tần vừa sụp đổ, nhà nào cũng phải nghĩ cách kiếm tiền.
Tiểu nhị vắt óc nghĩ cách kiếm món tiền cuối cùng: “Có nhiều người ra khỏi trấn, người có thuyền đều tới bến đò rồi. Tôi giúp mấy vị bao hẳn một thuyền, không cần phải chen chúc.”
Được vậy thì tốt, Bạch Chuẩn không thích chen chúc với người khác.
Trong lúc đợi thuyền, gã sai vặt còn nói: “Nhà họ tần có mấy người vợ lẽ, nghe đồn cuốn gói đi cả rồi.”
Dòng họ phái người theo sát bọn họ, lục vali hành lý, không cho phép bọn họ mang tiền của nhà họ Tần đi, bằng không phải ở lại thủ tiết cho Tần lão gia.
Chín người vợ lẽ không ai chịu ở lại, đâu phải là vợ cả, sao bọn họ phải thủ tiết kia chứ.
Trong đó chỉ có mợ Hai tự nguyện tới am ni cô, tụng kinh cho Tần lão gia. Bà thu dọn hai rương đồ theo, một rương đựng tượng Quan Âm Bồ Tát, bà khăng khăng xách rương đồ đi nhưng bị trượt tay, vỡ nát cả tượng Quan Âm.
Đống tiền vàng lăn lông lốc ra cửa nhà họ Tần, hoá ra mợ Hai giấu hết tiền vào trong tượng Quan Âm, dưới lư hương cũng cất giấu cả một bao vàng.
Mấy bà trẻ hơn cũng đâu chịu bị nhốt trong nhà chứ. Ai nấy xách theo vali nhỏ tùy thân, còn nói bậy bạ rằng dù lên Thượng Hải làm gái nhảy cũng tốt hơn ở đây thủ tiết cả đời.
Việc làm ăn nhà họ Tần cũng liên tiếp gặp xui xẻo, không biết lửa ở ngọn núi nào bay tới đã thiêu sạch toàn bộ núi trà, xưởng tơ lụa bị ngấm nước, máy móc mới mua về và tơ sống đều hỏng cả.
Dòng họ chia nhà lớn của họ Tần ra, nhà trước vườn sau xẻ thành mấy phần, cái tòa tháp không ra tháp lầu không ra lâu ở cuối cùng bị phá vỡ để xây nhà mới.
Chưa tới hai ngày, nhà họ Tần đã tan đàn xẻ nghé.
Thuyền đỗ ở bến đò, Hoắc Chấn Diệp bế Bạch Chuẩn, A Sinh xách vali theo sau bọn họ, đi được mấy bước bèn ngoảnh lại nhìn.
Rừng núi xanh biếc, gió thổi trúc lay
“A Sinh, nhanh lên.” Hoắc Chấn Diệp gọi cậu ta.
“Đến đây!” A Sinh mở miệng đáp lời, chạy mấy bước lên thuyền. Người lái thuyền chèo ra khỏi khóm lau, chẳng mấy chốc đã tới bờ bên kia.
Ô tô vẫn còn đỗ ở đây, Hoắc Chấn Diệp khởi động xe, A Sinh ngồi vào trong, trên cửa kính xe cũng không dính bao nhiêu bụi.
“Sau này sẽ không ai còn nhớ tới gánh Cát Khánh nữa đúng không?” Mắt A Sinh ươn ướt, nói xong chực khóc tới nơi.
Hoắc Chấn Diệp nhìn Bạch Chuẩn đã nằm xuống ghế sau, đắp chăn lên nằm nghỉ thoải mái rồi, khóe miệng anh không khỏi cong lên tươi cười.
Hoắc Chấn Diệp xoay tay lái ra đường lớn, nói với A Sinh: “Người khác không nhớ nhưng cậu vẫn còn nhớ mà. Đợi một ngày nào đó cậu có thể đảm đương một gánh hát, thì đặt tên nó là Cát Khánh.”
“Tôi….” A Sinh lắp bắp, mặt cậu ta đỏ bừng, “Tôi… tôi không làm được đâu.”
“Tại sao cậu không được, cậu mới bao tuổi? Hưởng Cửu Tiêu, Tiểu Khiếu Thiên đều hát võ sinh, người ta cũng đứng đầu gánh hát, được bao cả tháng, còn ghi đĩa hát đó thôi.”
A Sinh chưa từng nghĩ tới chuyện này, ban nãy cậu ta còn hoang mang hụt hẫng, bấy giờ trước mắt như được trải một con đường mới, chỉ xem cậu ta có bằng lòng chịu khổ hay không.
Lái xe tới nửa đường, A Sinh mới khẽ nói: “Hoắc sư huynh, tôi có thể làm được không?”
Cậu ta có tư thế ổn, nhưng nếu như xét về giọng hát và hí thì không tính xuất sắc.
Hoắc Chấn Diệp cười: “Cậu còn giỏi hơn tôi, cậu học hí từ nhỏ, tôi vừa mới vào Thất Môn có mấy tháng.” Hắn giấu nhẹm chuyện mình đã học vẽ từ nhỏ, để A Sinh hiểu lầm rằng hắn mới chỉ học có mấy tháng.
“Đúng vậy.” A Sinh giật mình thông suốt!
Sau đó cậu ta bật cười, để lộ hàm răng trắng. Cậu ta đã nhìn thấy Hoắc Chấn Diệp làm thuyền giấy, lại nghĩ tới chuyện hắn mới chỉ học vẽ được mấy tháng mà đã vẽ tốt như vậy rồi.
Hoắc sư huynh thông minh nên mới học nhanh được, mặc dù cậu ta ngốc hơn nhưng nếu chịu dày công luyện tập, hè luyện cả tiết Tam Phục, đông luyện cả tiết Tam Cửu, nhất định có thể thành lập được gánh “Cát Khánh”!
(Tam Phục: Khoảng thời gian nóng nhất trong năm, Tam Cửu: Khoảng thời gian lạnh nhất trong năm.)
Hoắc Chấn Diệp nhìn A Sinh cười sáng lạn, một tay nắm vô lăng lái xe, tay kia chống lên cửa xe, ngước mắt thấy Bạch Chuẩn đang nhìn mình qua gương.
Hắn thoải mái xoay người qua, để Bạch Chuẩn nhìn rõ hơn, còn mấp máy môi “ngắm tôi à”.
Bạch Chuẩn nghiêng người quay đầu đi, nhắm mắt lại.
Lái xe vào tới thành phố thì cũng đến chiều rồi.
A Sinh trở về Bát môn báo tin, sau đó dẫn người tới trấn Hưởng Thủy đưa thi hài vào quan rồi còn lo hậu sự.
Hoắc Chấn Diệp lái xe quay lại xóm Dư Khánh, khi đẩy Bạch Chuẩn vào cửa, hàng xóm đều nhao nhao chào hỏi hắn.
Mẹ Tiểu Yến thấy Bạch Chuẩn và Hoắc Chấn Diệp về, vẻ mặt hơi lúng túng: “Cậu Bạch về rồi đấy ạ?” Bà xách theo bếp lò, nhìn cửa nhà họ Bạch.
Hoắc Chấn Diệp dòm cánh cửa sơn đen hé mở, mặt biến sắc, vội vã bước tới mở cửa ra: “A Tú!”
A Tú đang ngồi trước sân, trước mặt là một chiếc bàn học, bên tường còn có tấm bảng đen, cô đang cầm bút máy viết chữ.
Hứa Ngạn Văn cầm phấn viết lên bảng đen, trên mặt còn dính bụi phấn.
Hai người nghe thấy giọng Hoắc Chấn Diệp thì đều quay đầu qua.
Bạch Chuẩn đã nói không cho phép A Tú rời khỏi xóm Dư Khánh, nhưng cậu cấm được A Tú chứ không cấm được Hứa Ngạn Văn. Hai người một thầy một trò, đã biến sân nhà thành lớp học nhỏ.
Bạch Chuẩn di chuyển xe lăn vào trong phòng, cậu nhìn Hứa Ngạn Văn, Hứa Ngạn Văn lúng túng: “Bạch, Bạch tiên sinh.”
Hoắc Chấn Diệp cau mày, nhân lúc Bạch Chuẩn còn chưa nổi nóng, hắn đã nổi nóng trước: “Hứa Ngạn Văn, tại sao anh lại nhân lúc chúng tôi không có ở nhà để lân la tới đây vậy?”
Bạch Chuẩn lườm Hoắc Chấn Diệp. Hắn tưởng nổi nóng trước thì cậu sẽ không quẳng Hứa Ngạn Văn ra ngoài chắc?
Hoắc Chấn Diệp thấy ý đồ của mình bị nhìn thấu, vội tươi cười nói: “Anh ấy cũng đâu có ý xấu.” Hứa Ngạn Văn không có gan nhân dịp nhà không có ai, mà đi lừa A Tú đâu.
Khuôn mặt điển trai của Hứa Ngạn Văn đỏ bừng: “Bạch tiên sinh, Bạch tiểu thư thông minh xinh đẹp, không cho cô ấy học chữ đã là lãng phí tài hoa rồi, tôi chỉ muốn dạy cô ấy biết chữ thôi.”
Ánh mắt đẹp như vậy, nên đọc được tất cả những thứ đẹp đẽ trên thế gian.
Bạch Chuẩn và Hoắc Chấn Diệp vừa rời khỏi xóm Dư Khánh là Hứa Ngạn Văn đã tìm tới nhà.
Anh ta mang theo quà tặng để xin lỗi Bạch Chuẩn, hôm ấy anh ta đã quá nóng nảy. Bạch tiên sinh là anh trai của Bạch tiểu thư, anh ta nên nhẫn nhịn mới đúng.
A Tú mở cửa cho Hoắc Ngạn Văn, cô vừa nhìn anh ta, khuôn mặt anh ta đã đỏ bừng, một lúc lâu sau mới nói rõ được ý đồ tới đây của mình: “Tôi muốn gặp Bạch tiên sinh.”
A Tú lắc đầu, chủ nhân không có nhà.
Hứa Ngạn Văn để quà lại, còn tặng A Tú thêm vài quyển vở. A Tú học viết chữ rất nhanh, rất giỏi, nếu như không viết sẽ mai một mất.
Hứa Ngạn Văn không dạy A Tú như dạy trẻ con, anh ta vẽ những thứ đồ hay dùng trong sinh hoạt ra, viết chữ lên, làm thành những tấm thẻ chữ.
Mỗi chữ trên thẻ đều có thể tìm được trên bảng chữ mẫu.
Mặt trời, ánh trăng, ngôi sao, nước ngọt, quả cầu, tủ lạnh.
Quả nhiên, A Tú rất thích bảng chữ mẫu. Khi Hứa Ngạn Văn tới lần nữa, cô đã học xong tất cả các chữ, cô còn có thể viết chữ lên tay Hứa Ngạn Văn, nói với anh ta mình đã thuộc rồi.
Hứa Ngạn Văn càng thêm vui mừng, như thể anh ta đã phát hiện ra viên minh châu quý nhất nhân gian vậy.
Trừ chuyện thẻ chữ ra, Hứa Ngạn Văn còn tặng họa báo điện ảnh cho A Tú, cô đọc hiểu rất nhanh, chỗ nào không hiểu thì khoanh lại, lần sau Hứa Ngạn Văn tới sẽ hỏi anh ta nó có nghĩa là gì.
Bạch Chuẩn lăn xe ra sân, trên bản viết hai từ “Cỏ Lau” ngay ngắn. Hứa Ngạn Văn đang chuẩn bị dạy A Tú đọc thơ trong Kinh Thi.
(Kinh Thi: Tổng hợp những bài thơ ca vô danh của Trung Quốc, là một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo.)
Hoắc Chấn Diệp đúng là khó xử, rõ là đang mượn thơ để thể hiện tình cảm, không ngờ tên ngốc như Hứa Ngạn Văn lại lãng mạn như thế.
Bạch Chuẩn nhìn A Tú, A Tú cúi đầu. Cô muốn biết chữ, cô muốn có bạn.
“Dạy đi.” Bạch Chuẩn xoay người vào phòng, Hoắc Chấn Diệp cũng theo ngay phía sau.
“Cậu đồng ý rồi à?” Hoắc Chấn Diệp ngạc nhiên.
Bạch Chuẩn tỉnh bơ nghe Hứa Ngạn Văn dạy thơ cho A Tú, nếu như A Tú không hiểu ý thơ vậy thì giữ lại. Nếu như cô có thể hiểu được, vậy thì không giữ nổi nữa.
Hứa Ngạn Văn đẩy gọng kính, cho rằng Bạch Chuẩn đã nhường bước, ít nhất Bạch tiên sinh chịu để A Tú học chữ.
“Người mà mình nói tới, ở đâu trong vùng sông nước mênh mông.” Rõ ràng lúc trước Hứa Ngạn Văn không nói lắp. Nghĩ tới ý thơ, nghĩ tới Bạch Chuẩn đang nghe, anh ta giống như tên công tử ăn chơi muốn dụ dộ em gái nhà người ta vậy, cảm giác có chút không quen.
Nhưng A Tú đang mở to mắt, ngồi nghiêm chỉnh trước bàn học nhỏ, một tay ấn vào tập vở, một tay cầm bút, nghiêm túc lắng nghe.
“Cỏ lau trắng xóa, đòng trắng làm sương, người mà mình nói tới, ở đâu trong vùng sông nước mênh mông.” Hứa Ngạn Văn nhìn hoa nhìn chim, nhìn ánh sáng chiếu vào trong sân, nhưng không dám nhìn vào mắt A Tú.
Cách một cánh cửa, Hoắc Chấn Diệp khẽ cười, hắn cũng không xấu hổ, xấu hổ không có tác dụng gì với Bạch Chuẩn, hắn phải nhìn chằm chằm vào cậu.
“Ngược dòng hướng tới, đường dài khó khăn.” Hứa Ngạn Văn chưa bao giờ đọc bài thơ “Cỏ Lau” tràn đầy tình cảm thế này. Khi còn nhỏ đọc không biết gì, đọc lại lần nữa đã là người trong thơ.
Hoắc Chấn Diệp bước lên trước, đứng bên cạnh rồi đặt tay lên lưng xe lăn của Bạch Chuẩn.
“Xuôi dòng hướng tới,… nghiễm nhiên ở vùng nước mênh mông.” Hứa Ngạn Văn đọc ra chữ cuối cùng, bấy giờ anh ta mới dám nhìn A Tú. Cô ấy sẽ hiểu ư? Cô ấy có đáp lại không?
A Tú chấn động! Cô đứng phắt dậy, chạy tới gõ cửa phòng Bạch Chuẩn.
A Tú lặng lẽ tố cáo với chủ nhân! Người này muốn quăng cô vào trong nước!
______________
Lời tác giả:
Bạch Chuẩn cười lớn trong lòng.HẾT CHƯƠNG SÁU MƯƠI

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.