Giống Rồng

Chương 10.2: Sĩ Giao mượn rượu khích Thăng Triều động binh




Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười:
Bá Nam mượn rượu mắng Vương thứ sử.
Chung Đạt giết quan huyện đoạt Tống Bình.
Chương 10.2 Sĩ Giao mượn rượu khích Thăng Triều động binh
Có tay cầm ly rượu hất xuống đất, mặt bủng, râu mềm, giọng nói chua chát:
- Xưa Sĩ Vương lấy đức trị mà yên được đất nam ta, từ bấy giờ dân ta đều an lạc. Đám người nổi dậy như bọn Lý Phật Tử, Phùng An nổi dậy chống lại quân triều đình, cũng chỉ lấy cái cớ là vì chúng dân nhưng đều vì cái tư lợi nên chuốc lấy cái thất bại, sinh linh mấy phen lao đao trong đạn mù khói lửa. Đám người Dương Thanh cũng vì cái tư lợi nên mới nhận cái kết cục như thế.
Sĩ Giao rót ly rượu đầy, uống một hơi thật cạn rồi đập ly đi, lời nói sắc tựa dao:
"Là kẻ nho Hoàng La Phú năm trước ở hội châu Phong đi trêu ghẹo đám con gái bị đám thanh niên đánh cho hộc máu mũi máu mồm, quỳ lạy bọn chúng nên mới chạy được về đất Mê Linh này, giao du với công tử Tiềm, nổi tiếng ba hoa nên được gọi là Ba Hoa Phú có phải chăng?
Ông nội Phú là phu ở Giang Nam trong đợt đi tuyển chọn gái dâng cho triều đình họ Lý thông dâm với con tiện nhân họ Đào bị quan trên bắt được đem hoạn để thị uy. Nhờ có chút bạc lẻ mà chạy trốn về đất châu Phong lánh lạn. Đến đời Phú là thứ ba, cũng thật hợp với danh hiệu của nhà ngươi đó.
Đất Văn Lang bờ cõi từ dãy Ngũ Lĩnh hướng nam, đông hướng tới biến lớn là của nòi giống bọn ta, của những người con mà người Hoa Hạ các ngươi cho là giống man di, xứ thuộc của bắc triều nên mới có những viên quan lại như Sĩ Nhiếp. Kẻ không ra gì thì nhiều vô kể, còn những kẻ khác dẫu là có đức trị thì vẫn dùng cái khéo léo để bóc lột đám dân nam bọn ta.
Những cái tên mà nho hủ nhà ngươi kể ra, đám người đó có khác chi đám cường hào, bạo ngược với dân. Lý Phật Tử vì lòng ghen ghét đố kỵ với Triệu Vương, lấy tấm chân tình của Nhã Lang mà mưu tước đoạt binh quyền Việt Vương. Phùng An hại anh, hại cháu quẫn tiết mà hàng quân Đường, dẫn địch giết chết cháu mình. Đó là những kẻ có lòng dạ tiểu nhân, không đáng để bàn tới.
Dương chủ tướng giết kẻ tham tàn, không phải kẻ bạo ngược, càng không lấy dân chúng để làm lá chắn, lấy tình thân đem bán rẻ cho giặc, lấy sức quân ta mà giết hại dân ta. Nhà ngươi hãy uốn lưỡi ba lần rồi hãy buông lời."
La Phú đưa tay lên miệng mà sờ. Có mũi tên phóng ra từ phía cánh gà, mũi tên xé toang vạt áo Sĩ Giao, cắm chặt lên cột gỗ trước điện. Sĩ Giao không lấy làm nao núng, lấy tay giựt mạnh mũi tên bẻ gãy làm đôi, đuôi tên có chữ Hỏa. Một vị tướng, đôi chân thanh thoát như ngựa khỏe miền Vân Nam, mái tóc xẻ đôi vừng trán, bước ra giọng nói mỉa mai:
- Là Bá Nam quân sư Đỗ Sĩ Giao, kẻ trốn chạy ở dạ tiệc Tống Bình năm xưa. Suýt mất mạng ở bến Hắc Cảng, được Dương tướng quân khi ấy là nha môn tướng cứu giúp mà nên được sự nghiệp hiển hách. Sĩ Giao quân sư nói thật hay, như đục màng nhĩ của đám nho văn bấy lâu chỉ biết uống rượu, bàn những lời tục tĩu. Tiên sinh cho tại hạ hỏi một câu. Nếu Dương Thanh toàn tâm toàn ý với đám dân chúng Giao Châu, há sao lại khiến bọn chúng dân Tống Bình căm ghét bấy lâu. Những lần Chí Liệt đánh tới vùng phụ cận Tống Bình đều bị dân chúng Tống Bình bỏ trống làng mạc không có ý giữ đám quân của Chí Liệt.
Đỗ Sĩ Giao cầm mũi tên vừa bẻ gãy ném xuống đất, chân giậm giậm, lại lấy bầu rượu dốc vào mũi tên ấy như đang dập lửa. Sĩ Giao nhìn lên bầu trời mà cười lớn:
"Một kẻ như Hỏa Cước Tốc thân là quân tướng Tống Bình một thời khói lửa xông pha, đầu hàng quân triều đình. Theo quân triều đình đi bắt cướp ở châu Phong lại bị em ta Sĩ Hoàng xỉ nhục ở lều quán đất sông Tam Đái. Vậy mà vẫn được thứ sử châu Phong cho làm đến chức Bổ đầu một huyện vùng biên ải. Quả thật châu Phong thiếu thốn nhân tài tới độ ấy sao. Trong khi đó, Chí Liệt thiếu chủ ba lần viết thư xin nhập quân châu Phong, đều bị Vương thứ sử chối từ. Há chẳng phải bỏ đao sắc lấy dao cùn hay sao.
Chủ tướng Dương Thanh như ta đã nói, bị đám người vì tư lợi cá nhân mà bán tình thân, trung nghĩa cho giặc đổi lấy tiền tài, chức tước. Giặc lại dụng kế đánh trống bỏ dùi khiến dân Tống Bình hiểu sai lệch đi chủ đích của đám ác bá họ Quế kia. Chính bọn gian tặc đó đã tư thông với họ Quế, tung tin bôi xấu Dương tướng chủ với người dân trong thành Tống Bình, khi tướng chủ không còn nữa thì sát hại dân lành dưới danh nghĩa chủ tướng ta. Vì lẽ đó mà dân Tống Bình còn e ngại với Chí Liệt thiếu chủ.
Nay mọi sự đã hai năm rõ mười, há vì lẽ chi mà Hỏa Cước Tốc vẫn tin vào lời bịa đặt của đám giặc ấy. Thật hổ thẹn thay, buồn lòng lắm thay."
Đám văn võ nhìn Sĩ Giao mà khinh miệt, có ý đuổi Sĩ Giao ra khỏi bữa tiệc của họ Kiều. Chung Đạt ngồi dưới ánh nắng chói chang, mặt mày đỏ như gấc, đứng dậy vỗ về Sĩ Giao:
- Đỗ Lang y. Anh say quá rồi. Anh còn chưa chịu về chỗ ngồi. Chớ nói thêm lời không hay khiến Vương thứ sử tức giận mà tiệc tàn.
Vương Thăng Triều giơ tay gọi hỏi Sĩ Giao:
- Vậy theo anh. Châu Phong ta sẽ phải làm gì mới đáng với bậc tiền nhân.
Bá Nam cười lớn:
- Dẫu có ai làm chủ đất nam khiến con dân nòi giống tiên rồng được an vui, no đủ, nghe theo bậc minh chủ há chẳng phải tốt hơn sao.
Sĩ Giao bái lạy Thăng Triều, cúi mình thật thấp, ánh mắt nhìn Thăng Triều thăm dò. Thăng Triều thấy vậy, liền tặng ly rượu, sai kẻ hầu mang cho Sĩ Giao. Sĩ Giao niệm tình nhận lấy ly rượu, rồi hả hê mượn gió đang thổi phấp phới cờ xí mà bàn:
- Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Dẫu dân nam ta càng cố nín nhịn thì đám quan lại ở Tống Bình đâu có muốn như vậy. Những án lớn, huyện lệnh châu Lục tự ý giết chết cả một xóm chài, sai người quét sạch mấm mồng đất Yên Hưng. Bọn châu Ái đục nước béo cò, dắt dân đen vào vũng bùn đen tối. Đất Tống Bình bao nhiêu năm vẫn vậy, quan lớn quan bé đều bụng kễnh nằm nghiêng, soi xét nỗi khổ của đám dân đen bằng xích xiềng, roi vọt… Đấy là bình lặng, an vui, no đủ hay sao.
Thăng Triều lấy hai tay vỗ mạnh xuống bàn, mặt mày nghiêm nghị:
- Lời anh nói chẳng thể trách hờn. Một điều vì dân nam, hai điều vì đất nam. Vậy anh có bao giờ nghĩ rằng chiến tranh chỉ khiến dân lầm than đói khổ hơn chăng.
Sĩ Giao bình thản đáp lời:
"Kẻ lấy bạo tàn để đàn áp bạo tàn chỉ có suy vong, trước giờ luôn là như vậy. Chỉ là cái nhân đức của những kẻ đi trước chưa thể phủ khắp được đất Nam ta. Nay tại hạ thấy đất châu Phong có đủ mọi thiên cơ để dụng nhân đức mà hiệu triệu lòng dân.
Ngày qua, ta xem thiên tượng có vì sao sáng ở phía tây bắc, chuyển ngôi về đông nam đến đoạn cửa sông Cái đổ vào Thiên Đức thì sáng rực lên. Tại hạ xem sách luận ra thì nó ứng với đất người châu Phong. Nếu không phải lúc này thì chắc có lẽ dân nam sẽ mãi chẳng thể ngước thẳng đầu lên mà nhìn mặt mũi cha ông."
Vương Thăng Triều nghe tới đoạn đó thì bị cảm nắng phải sai người dìu vào phía sau lễ đường. Toán Hoa Tài đi theo phò giúp cùng đó là lời hỏi bàn:
- Chẳng hay ý của chủ tướng thế nào?
Thăng Triều ngồi ngậm tách trà rồi lấy tay xoa vào đôi vầng thái dương hằn lên gân xanh, thở dài:
- Giá như Thăng Hùng còn tỉnh táo để giúp ta việc này. Xưa nó vẫn thường vãn cảnh núi Hy Cương mà về khuyên giải ta cho lập đền miếu thờ rồng tiên, làm sao cho hợp lẽ trên dưới, trước sau. Chỉ tiếc là…
Lý Do Độc đi tới bẩm với Thăng Triều:
- Bẩm đại nhân. Sĩ Giao ngày trước có mối thân tình với tiểu tướng. Xin đại nhân cho phép tiểu tướng được mời huynh ấy về trại.
Thăng Triều miết hai bên trán, mặt buồn ngắt gật đầu nói với Do Độc:
- Được. Miễn sao nhà ngươi lo lắng việc quân tình không được bỏ bê, luôn sẵn sàng cảnh giác. Có ngươi cầm binh đất Lâm Tây nên ta cũng yên lòng. Chẳng hay ý của nhà ngươi thế nào. Nhà ngươi hãy dò xem Sĩ Giao đó tâm dạ thế nào rồi bẩm báo lại cho ta.
Bỗng nhiên gió lớn nổi lên, bầu trời sầm tối vần vũ bện những lớp mây trên bầu trời thành hình rồng uốn lượn, nuốt mặt trời vào trong. Chỉ trong thời khắc, mặt trời ló rạng từ phía miệng Rồng Mây. Giọng nói của chàng nho sĩ họ Đỗ văng vẳng bên tai:
"Người châu Phong nghĩa khí ngút trời tựa những đỉnh núi ở phía sau đất Lâm Tây. Đất linh thiêng phụng dưỡng những anh hùng từ thuở khai thiên lập địa. Phía sau lưng thành Bạch Hạc là Núi Hy Cương nơi tổ Hùng Vương lập đất ấy là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc tạo thành dãy núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo ở phía sau.
Từ núi ấy nhìn ra con nước Tam Đái, thành Bạch Hạc, phía trước ngã ba Tam Đái có hàng chục quả đồi thấp như đàn rùa tứ linh bò từ ao lớn lên tụ lại chỗ đất linh thiêng. Phía sau, mảnh đất Hy Sơn (Tiên Kiên) là hình một con phượng cắp thư. Phía bên phải, quả đồi Khang Phụ (Chu Hóa) là hình một con hổ phục oai phong giữa đất trời. Phía bên trái, quả đồi An Thái (Phượng Lâu) sừng sững như vị tướng quân anh dũng đang cầm chiếc nỏ bắn ra cả nghìn mũi tên coi giữ cõi bờ nước Nam.
Cạnh đó Làng Cổ Tích bên chân núi nằm trên lưng một con ngựa ghi cương. Dãy đồi từ Phú Lộc đến Thậm Thình là chín mươi chín con voi chầu về đất Tổ. Xa xa phía tây dòng sông Thao nước đỏ, phía đông dòng sông Lô nước xanh như hai dải lụa màu viền làm ranh giới của cố đô Phong Châu xưa của bậc tiền nhân dựng nước.
Không khí trên núi rất thông thoáng, mát dịu và quanh năm thoang thoảng hương thơm. Khí cảnh đất ấy phụng dưỡng tứ linh, hạc trắng phủ khắp, sung vượng vô cùng, ắt sẽ sinh ra bậc minh chủ dắt dân Nam ta qua cảnh lầm than đói khổ.
Tính rộng ra, từ trước có bậc nữ hùng Trưng Vương cho tới tận bây giờ đất ấy mới hào quang rực rỡ như thế. Há chẳng phải điềm báo về bậc tôn trưởng đất ấy sẽ thành chủ thống nhất đất nam ta."
Lời nói thao thao của Đỗ Sĩ Giao trước toàn thể văn võ châu Phong như rót thêm dầu vào chỗ lửa đang cháy liu diu. Chung Đạt đi ra phía sau lễ đường thăm hỏi bệnh tình của Thăng Triều. Thăng Triều hỏi ý Chung Đạt:
- Chung Đạt thấy ta là người như thế nào trong thiên hạ.
Chung Đạt thẳng thắn đáp ngay:
"Đất Tống Bình như cái rốn của rồng thiêng. Dải đất châu thổ trù phú đến mạn đông bắc giáp biển lớn ấy là đuôi rồng. Nay Phong Châu uy danh từ bấy lâu, nhân lúc Đường Kính Tông nối tiếp Mục Tông ham vui, lại bị bọn hoạn quan lũng loạn trong triều. Chẳng sớm thì muộn cũng bị lũ quan hoạn đó trừ khử do Kính Tông không khéo cư xử với bọn ấy. Triều đình vì thế mà sẽ lơi là đất Giao Chỉ.
Lý Nguyên Hỷ là tôi tướng của đám Lý Phùng Cát đang bị các bè phái của tể tướng đương triều Bùi Độ, Vương Thủ Trừng chèn ép. Lúc này lòng dân còn đang loạn, đất Trường Châu và phía tây Tống Bình đã bị Man Hoàng chiếm đánh. Châu Phong không dùng sức mạnh, nghĩa dũng mà chiếm lấy trị sở thì e là kẻ khác đi trước ta một bước mà chiếm lấy. Châu Phong khi ấy sẽ lại lệ thuộc lớp lớp tầng tầng bóc lột, sẽ chẳng phải là điều tốt đẹp cho chúng dân."
Thăng Triều nhìn một lượt ba người cận hầu. Ánh mắt người nào cũng hiện rõ ngọn lửa chiến đấu sục sôi. Do Độc gật đầu tỏ ý muốn Thăng Triều thuận ý ngỏ của Chung Đạt. Toán Hoa Tài bàn với Thăng Triều giữ Sĩ Giao ở lại đất châu Phong. Quân lính của Chí Liệt sẽ do Toán Hoa Tài toàn quyền điều động đề phòng bất trắc. Thăng Triều như gột bỏ đi những muộn phiền, bước ra trước lễ đường bố cáo với toàn văn võ, lời nói chắc nịch:
"Đường triều thối nát. Quan lại miền biên xa ra sức nhũng nhiễu dân lành. Châu Phong ta theo lệ từ trước vẫn thuộc về sự quản thúc của quan sứ ở Tống Bình. Nhiều năm nay ta đã nhẫn nhịn nhún nhường mà chúng không hề có ý dung tha cho dân ta, mỗi ngày thuế sưu nộp càng nhiều hơn. Sức dân, binh lực mà bị sa sút đi trông thấy.
Nay thuận theo thiên ý, lòng dân, ta quyết định ngày mai ở thành Bạch Hạc sẽ huy động toàn quân. Ba ngày sau sẽ xuất binh dẹp bỏ đám bạo tàn ở Tống Bình. Quyết mang lại an vui, no ấm cho người dân đất Nam ta. Ý ta đã quyết, mọi sự sẽ theo sự sắp xếp theo ý ta và Chung Đạt. Kẻ nào chống lệnh chém không dung thứ."
Đám văn nho bấy giờ kẻ nào kẻ ấy tỏ vẻ không vui, bàn tán những lời không hay. Thăng Triều cầm kiếm chém gãy đôi chiếc bàn bày đầy rượu thịt khiến đám văn nho kinh hãi, không dám bàn lời trái ý Thăng Triều. Tiệc tan, đám võ quan nói cười hỷ hả, bọn sĩ nho ngán ngẩm ra về.
Thăng Triều hỏi ý Chung Đạt khi trước quản sự châu Phong, Chung Đạt chỉ cười mà nói với Thăng Triều rằng:
"Đám hủ nho chỉ tỏ ra như vậy, chứ ý lòng chẳng mong Thăng Triều thu hết đất nam về một mối, bọn chúng rồi chẳng phải cũng có nhiều lợi lộc hơn hay chăng. Mà lời nói nước đôi, chẳng can ngăn mà cũng chẳng đồng tình. Đó chính là dụng ý đám hủ nho. Nếu ta thắng trận thì mở lời nhận công, bằng không chúng cũng sẽ chẳng thù tội với đám quan kế tiếp."
Thăng Triều chỉ cười vuốt râu dài. Trời ngả canh dậu, ánh nắng le lói của buổi chiều đất hai bà khiến Thăng Triều không khỏi vấn vương. Tin báo về, Chí Liệt đã dẫn binh tới bắc thành huyện Thái Bình, chờ sự điều động của Toán Hoa Tài. Sĩ Giao ngà ngà say nằm trên xe ngựa đi cùng Thăng Triều về Bạch Hạc. Do Độc cùng Toán Hoa Tài tức tốc tới châu Phong, sai lính tráng chỉnh tề quân ngũ, quân lương vạn hộc không thiếu một ly.
Sớm ngày sau, Thăng Triều cho gọi các tướng tới Bạch Hạc dàn binh, phòng bố khắp châu. Toán Hoa Tài nhận vạn quân hai đường thủy bộ đóng tại thành Mê Linh xuôi về Tống Bình trong thời gian nhanh nhất. Chung Đạt nắm năm nghìn binh kỵ, hợp với đạo quân của Dương Chí Liệt đánh vào các trại quân triều đình ở dải phòng tuyến ngoài cùng từ nam huyện Thái Bình tới vùng châu thổ phía nam.
Do Độc giữ binh Lâm Tây, sai người đến Man Hoàng khéo dụ người Man giữ chắc vùng cương ải, cấp thêm quân lương, điều động binh lính tăng viện cho Trường Châu, đánh vào các phụ cận với Ai Lao, châu Ái nhằm ngăn ngừa sự điều binh từ Tống Bình từ các châu quận phía nam cùng với đám người nhiễu loạn ở Diễn, Hoan.
Đêm khuya ngày rằm tháng sáu, Do Độc dẫn binh từ Lâm Tây bất ngờ đánh thẳng vào trại lính phòng đông của quân triều đình khiến đám quân triều đình hoảng loạn, bỏ đất ấy mà chạy tới Bạch Hạc.
Hai nghìn quân phòng đông của triều đình nhà Đường chạy tới Bạch Hạc kêu la đòi cho trú nhờ trong thành thì bị Thăng Hùng đứng trên cửa thành phóng tên xuống giết chết viên tướng cầm đầu là Lư Hoán. Đám tàn binh giẫm đạp lên nhau, gươm giáo hạ sát những kẻ vướng chân mà chạy tới Đà Giang phía nam thì quân lính bọc hậu của Chung Đạt trông thấy liền xông ra chém giết chết đến nghìn rưỡi.
Còn hai trăm lính chạy tới ngã ba Tam Đái phát hiện ra thuyền chiến châu Phong đang xuôi dòng, có tên lầm lỳ tới hỏi viên tướng họ Phùng. Họ Phùng vừa nói thì có mũi tên bắn tới, Hỏa Cước Tốc Đinh Tráng gọi lớn khiến tên lính đó thất kinh nhảy vội xuống sông. Đám thủy quân châu Phong liền nhảy lên bờ bắt giết hết số tàn quân triều đình

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.