Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 102: Làm bún tươi




Hai hôm nay Mai xin ngũ cô phụ làm xay bột, dằn bột xong rồi. Hôm nay hai cô cháu bận rộn chuẩn bị làm bún tươi. Bột gạo nhồi dẻo mịn, đổ vào khuôn rồi ép xuống, từng cọng bột tràn theo mấy lổ nhỏ rớt xuống chậu nước sôi. Cứ như vậy từng cọng bún dài ngắn chín vừa được vớt ra cho vào chậu nước lạnh bên cạnh.
Lưu bá mẫu ngồi trên sạp tre cũng quên chuyện bực mình xích gần lại xem. Lúc xay bột gạo ngũ cô đã cho nước hơi nhiều rồi mấy lần vớt hết vỏ cám vàng nhạt ra nên cọng bún trắng tinh, chần qua nước nóng, lạnh toả ra mùi tinh bột ngọt nhẹ.
– Ta chưa thấy bún tươi bao giờ. Nghe nhị ca nói ở Trấn Giang có tửu lâu bán cái này, giá mắc lắm đó. Cái này ăn với gì, nấu làm sao, chỉ ta làm đi?
Lưu bá mẫu làm bà bầu bốn tháng, thèm ăn đủ thứ. Bá mẫu thấy món lạ miệng nói không ngừng làm mọi người đều muốn chọc ghẹo.
– Món này bà bầu không nên ăn.
– Hả, sao không được ăn? Cứ ăn đại.
Ha ha ha. Nhìn ra mọi người ghẹo mình, bá mẫu cũng cười theo. Ngũ cô nói:
– Tính nấu với măng và vịt, giờ ta đi làm hai con vịt. Chiều nay mang qua cho tẩu một tô ăn thử.
– Tẩu ăn ít thôi, thịt vịt, măng là món lạnh, không nên ăn nhiều.
Nương cẩn thận nói thêm, bá mẫu cũng sanh bốn đứa con rồi, đương nhiên biết lợi hại trong đó.
– Ta biết.
Nhà Mai bây giờ đông người, lần này ngâm bốn cân gạo làm được một chậu bún chắc đủ mỗi người một tô. Mấy đứa con nít ăn đủ no, người lớn phải ăn cơm thêm nên nương và ngũ cô vội lo làm vịt, nấu cơm.
– Ta về nhà lo cơm nước, chiều rồi.
Nắng chiều ngã bóng dài, Lưu bá mẫu đội nón đi chầm chậm về nhà. Mấy cơn mưa làm đất ướt in thành dấu ngang dọc trên sân. Mùa mưa trước cha hay đem đá lớn nhỏ về kê ở hiên và cửa vào, chắc phải tìm thêm kê thành lối đi trên sân.
Măng tươi có hương vị rất riêng dễ nhận biết. Nhờ a Phúc khoe khoang mà cả nhà đều biết chiều nay có món ăn mới ‘bún măng vịt’.
An ca chống ghe lườn mang tô bún lớn nóng hổi qua nhà Lưu bá. Mấy đứa nhỏ phụ dọn tô muỗng lên bàn, tô lớn đựng bún trắng tươi đặt giữa bàn. Bà nội gắp bún, thịt vịt vào tô, nồi nước lèo vẫn còn trên bếp. Nồi nước lèo này là bà nội chăm chút nêm nếm.
Món bún này làm hơi vất vả, tốn nhiều công sức nên thường những nhà giàu có, quan lại mới làm ăn. Nay nhà mình có thể làm ăn bà nội rất vui mừng.
Nước mắm nguyên chất ở nhà làm với mấy lát gừng mỏng, ớt hiểm nhỏ xíu cay xè làm thịt vịt thêm ngon. Thịt vịt nuôi đồng rất săn, lớp mỡ dưới da mỏng lại được nấu trong nước lèo măng tươi nên ngửi được hương măng và vị béo vừa phải.
Mai không ăn cay nên pha riêng chén nước chấm cho mình và a Phúc. Lâu rồi mới ăn lại món này, cô không nén được vui vẻ.
Nhìn mấy đứa nhỏ vừa ăn vừa hít hà vừa cay vừa nóng, bà nội nói:
– Ăn thêm cơm dằn bụng, cái này mau đói đó, tối lại không ngủ được.
– Bà nội làm ăn ngon thiệt.
A Phúc nịnh nọt nói, sợ hắn ăn nhiều măng không tốt bà chỉ múc cho hắn chén bún măng nhỏ, đương nhiên là có cái đùi vịt lớn.
– Giỏi miệng!
Nương liếc hắn nói. Từ Tết đến giờ a Phúc tròn lên trông thấy, bắp chân, cẳng tay tròn lẳng, gương mặt tròn trịa, da ngăm ngăm căng mịn sờ nhéo rất đã tay!
Bữa cơm hôm nay hơi lạ, vừa ăn bún măng vịt, vừa ăn cơm với cá kho, rau luộc. Mâm cơm tô chén, đũa muỗng quá chừng, ai cũng vui vẻ ăn uống. Công việc vất vả cũng đã quên hết.
Ăn cơm xong mấy đứa nhỏ lo tắm rửa, người lớn vẫn làm tiếp mấy công việc còn lại. Cha ra xem bao giống ngâm ở chái nhà, mộng lúa đã nảy mầm. – Ngày mốt sạ lúa được rồi cha.
– Ừ, mấy mẫu đất chắc hai ngày là sạ xong. A Vinh, đi nhắn về cho tam thúc biết ba ngày nữa ta về.
– Dạ.
Vinh ca nghe dặn đi phía nhà Lưu bá nhờ nhắn tin. Từ ngày Lưu bá và Tương huynh làm lái đò, chở hàng cũng trở thành ‘trung tâm’ nhận chuyển tin luôn. Lúc trở về Vinh ca nói với bà nội:
– Lưu bá mẫu muốn học nấu bún măng vịt đó nội.
Ha ha, tô bún lớn đó làm bà bầu lên cơn them ăn rồi. Qua miệng bá mẫu chắc mấy nhà trong làng cũng sẽ nấu ăn thử. Mùa này vịt nước thì đi bẫy về, măng tươi thì dễ tìm. Chỉ cần dành chút công sức thì cả nhà sẽ có món ăn mới, ngon miệng.
Mấy ngày tiếp theo mưa rải rác, bầu trời ui ui, nắng nhẹ làm mọi người vui vẻ. Nhà nhà chăm chút từng hạt giống. Già trẻ đều ra ruộng, người lớn đắp bờ, cuốc đất, dọn cỏ; con nít chạy lăng quăn kiếm hang bắt ếch, bắt cua.
Nhà Mai còn bán được gà vịt vàtrứng mấy ngày này nữa. A An lúc nào cũng cười rạng rỡ chạy từ chuồng gà vịt ra quán, tối tối lại ôm hộp gỗ đếm tiền.
Nhà nào cũng phải luộc một con gà mái, đơm dĩa xôi đậu xanh, rượu, dĩa gạo muối để cúng ‘Làm Đồng’ trước khi sạ lúa. Rồi ai cũng muốn làm mấy món ngon cho người nhà ăn no sau cả ngày vất vả nữa, nên nhà ai không có nuôi gà, vịt đều đến mua. Mua ở nhà Mai không cần đợi chợ phiên, có mấy nhà gần nhà phú hộ, ở bên kia bờ Tô Châu cũng chèo ghe đến.
Chuyện sạ lúa có người lớn trong nhà lo. Mai và Vĩnh ca đang ở trong chuồng heo nhìn vết muỗi cắn trên thân ba con heo nhỏ, thật xót ruột! Hai con heo cò thân trắng bị từng đám nốt đỏ. Mấy lúc sáng sớm hoặc chập tối, chỉ cần vuốt bên hông ba con heo nhỏ là giết một lớp muỗi, trên tay còn loang máu đỏ. Đầu mùa mưa muỗi dại nhiều, bay từng đàn u u. Ba con heo nhỏ đuôi ngắn ngoe nguẩy liên tục cũng không thể đuổi hết bầy muỗi. Phải làm sao đây? Để như vầy thì ba con mất sức, sao lớn nổi đây!
Dùng cỏ xả đốt cũng không thể đuổi được muỗi, dầu bạc hà? Vĩnh ca mới tách cây bạc hà con trồng thành hàng, không nhiều lắm. Dù cô có hái hết làm dầu cũng không thu được bao nhiêu.
– Ca chạy đi hỏi lang y thử? Muội hỏi sư ông.
– Được.
Hai anh em chia nhau đi tìm cách để trị muỗi. Sư ông thật sự không biết chuyện nuôi heo ra sao. Mai hơi ngại đến Nguyễn gia hỏi nên đành trở về, có thể Đỗ lang y biết. Lúc Vĩnh ca về nói có thể dùng dầu phộng hoặc dầu dừa thoa lên. Trời, còn quý hơn người nữa!
– Đốt lá tràm đi.
Ông nội nghe được nói, thợ đi rừng hay dùng lá tràm đuổi muỗi. Ở nhà ít dùng hơn vì mùi lá tràm đốt rất nồng, không dễ hửi như lá sả.
– Muỗi nhiều lúc chạng vạng hoặc sáng sớm, hay đốt lá tràm thử.
Ngũ cô nói rồi nhắc mấy đứa nhỏ chạy ra ven rạch hái lá tràm. Mai lấy một ít cặn dầu dừa để riêng trong cái chén nhỏ. Ngũ cô thoa một ít lên cả người ba con heo, rồi nhóm lá tràm đốt lên. Đàn muỗi nghe mùi bay tán loạn. Mấy người phụ nữ con gái đều thở dài, đỡ hơn một chút rồi.
Sạ lúa xong nhà mình xong thì ông bà nội, nhị bá về làng chài. Xung quanh đó, trên cánh đồng còn lác đác mấy nhà chưa sạ xong, nhà Mai qua phụ nhà Lưu bá một buổi nữa cũng xong xuôi.
Lúc Mai ôm rổ măng tươi qua để bá mẫu và tam Mi nấu măng vịt. Ngũ Mi ngồi cửa bếp chơi, gương mặt nhỏ nhăn nhăn.
– Sao vậy? Ai ghẹo muội à?
Bé lắc đầu không nói, hai mép xịu xuống. Tứ Mi ngồi đương đệm trong nhà cười nói.
– Nhị ca thả hai con sáo bay đi mất. Nó khóc mấy ngày nay rồi.
Hả, thả sáo bay đi rồi, Tương huynh rất thích hai con sáo đó. Là chuyện của Từ tiểu thơ sao? Huynh ấy buông lòng rồi!
Mây tháng đi chành, ngày đêm lênh đênh sông nước lòng huynh ấy đã thật phai nhạt, hay chỉ nén lòng quên đi. Lâu rồi Mai không đi chợ phiên trong làng, không nghe tin tức gì từ nhà phú hộ. Chỉ mong là Tương huynh chưa nặng lòng lắm, có thể vượt qua chuyện tình không trọn này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.