Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 122: Ân nghĩa và Ân oán




Ông ngoại mang một bình rượu biếu trưởng họ, giữ lại nhà một bình. Mấy gói trà sen thì biếu cho trưởng làng, Trần lão.
Hai hôm sau, huynh đệ Đoàn Hồ đến lấy ghe rồi cáo biệt. Họ tiếp tục hành trình, nhưng không nói rõ đi về đâu, ông ngoại và cậu hai cũng không hỏi thêm.
Những ngày tiếp theo, nhịp sống lại quay về như mấy hôm trước. Cửa tiệm bây giờ có Hào ca và Âu ca coi chừng và ngủ đêm lại. Đã làm xong đường ray, mấy cái ghe đều được kéo lên sân có mái che. Hai thiếu niên chăm chỉ lau chùi sạch sẽ, quét thêm một lớp dầu trét phía dưới thân ghe nữa.
Đã qua tháng bảy rồi, chuyện làm hồng lạp chưa có tiến triển. Dượng năm nói từ từ, đợt rằm Hạ Nguyên tháng mười cũng là dịp dễ bán, dù sao không thể gấp.
Nước ngọt khắp ruộng, lúa đang tẻ nhánh, lớn nhanh. Hôm nay cả nhà ra ruộng phụ bón phân, nhổ cỏ. Ruộng đã gần đầy nước, nước ngọt lúa tốt thì cỏ cũng xanh. Mấy bụi cỏ rễ còn sâu hơn cả lúa, nhổ nó thì phải dằn cây lúa lại. Nếu không mạnh tay trốc gốc cả hai luôn.
Vùng này rắn cũng nhiều, nghe cậu nói là rắn nước, rắn cỏ nhiều hơn. Mấy loại này đều không có độc. Rắn hổ thích sống trên mấy gò đất cao. Còn có rắn lục xanh thích đu trên mấy đám dây leo, cậy bụi.
A Duyên a Phúc kêu chí chóe hai ba lần vì bị mấy con rắn làm giật mình. Mai hơi sợ nên lúc nào cũng cầm theo cái cây, còn đi lại rất “ầm ĩ”, khua nước ào ào để chúng chạy đi trước. Thấy cô ồn ào, tụi nhỏ lại có dịp chọc ghẹo, chê bai.
– Mợ ơi, ở đây mình có mấy giống lúa?
– Có một giống này và nếp nữa thôi, sao vậy?
– Dạ, con thấy nó khác với cây lúa ở nhà con.
– Khác?. harry potter fanfic
Có thể người ta chưa nghĩ đến chuyện lai các giống cây với nhau. Chuyện thỉnh thoảng có con heo bông hơi khác mấy con trong bầy, hay chuyện chó sói lai với chó nhà vẫn xảy ra. Nhưng là ngẫu nhiên, mà không phải họ có chủ ý hay biết được lợi hại của lai giống. Lúc ở nhà cô, ngũ cô thấy gà nhà lai với gà rừng thì rất ngạc nhiên, gà con lai khỏe mạnh hơn so với gà nhà thuần chủng. Đương nhiên là không phải lúc nào lai giống cũng được như ý.
Mấy hôm nay cô để ý cây lúa ở đây có thân cao, lúc chín có khi cao qua đầu người, nên rất dễ ngã đổ. Chỉ cần một cây mưa hơi lớn lúc sắp gặt là bông lúa ngả xuống đất, hạt lúa rụng gần hết. Hột lúa ở đây cũng thon dài, rồi hai rợi râu ở đầu hạt cũng dài. Hột lúa ở nhà cô tròn hơn.
Người nông dân hay trồng lúa gạo và lúa nếp ở những đám khác nhau. Hột lúa nếp tròn, khi giã xong thì có màu trắng đục như sữa, nấu chín thì dẻo và thơm hơn, rất khác với gạo thường.
Mai cầm những nhánh lá lúa dài, rủ xuống so sánh với loại ở nhà cô trồng. Mình có thể lai giống với nhau được không? Trước mắt là lai lúa gạo với lúa nếp, sau đó thì?
Còn loại lúa ma thì sao? Nó có sức sống mãnh liệt, diệu kỳ. Cô nghe nói nước dâng đến đâu nó cao đến đó, không chịu chìm sâu dưới mặt nước. Nhưng mà bông dễ rụng quá, vừa chín là rụng rồi thì uổng công trồng thôi. Không biết ở Chánh Dinh hay vùng ngoài thì sao? Thế nào họ cũng có loại lúa khác, ngoài đó thời tiết khác, cây trồng thích nghi sẽ có những đặc tính khác. Lai với nhau biết đâu tạo ra giống lúc tốt hơn.
Việc lai giống lúa cần thời gian rất dài. Các loại lúa trồng đều sáu tháng, mỗi năm chỉ trồng một lần. Mình phải tính toán cẩn thận mới được.
Lúc ăn cơm chiều xong, Mai hỏi ý cậu hai, làm sao có giống lúa ma? Rồi cô định nhờ cậy Bùi gia mua giúp mấy giạ lúa giống ở vùng ngoài. Nhà họ làm buôn bán, việc này cũng không khó. Lúc ông ngoại nghe thì hơi trầm tư rồi đằng hắng mấy tiếng. Mấy đứa nhỏ đều im lặng, ngồi tề chỉnh xuống hai bộ ván.
Ông từ từ nói:
– Chuyện a Mai muốn nhờ vả Bùi gia mua lúa giống không phải là chuyện nhỏ. Ông muốn nhắc mấy cháu chuyện ơn nghĩa và lẽ sống ở đời. Phàm chuyện gì mình có thể làm thì không nên cậy, chuyện gì cần phải cậy thì phải nhớ ơn, nhận ơn thì trả nghĩa.
Ông uống hớp nước rồi chậm rãi nói tiếp:
– Chữ ân chữ nghĩa đi liền, mấy đứa đã hiểu và đó là chuyện nên làm theo ông bà tổ tiên truyền dạy. Nhưng người ta cũng thường nói ân oán cận kề. Mình đã ra ơn thì không nên cầu báo. Nếu phải cậy nhờ thì cũng xem việc gì nên cậy, việc gì thì không. Mình cậy chuyện mà người ta không thể làm hoặc không sẵn lòng làm, ép người ta vào chỗ bất nghĩa thì sẽ thành oán.
– Dạ, con hiểu rồi ông ngoại. Ông nhìn Mai hơi cúi mắt, nói tiếp:
– Con tép mồng quen vùng nước ngọt, tôm tích thích nước ao sâu. Con người cũng quen nếp nhà, hai nhà giao hảo thì cần môn đăng hộ đối. Còn phải hiểu lẽ nông sâu, có như vậy mới bền chặt.
Thấy mấy đứa nhỏ đều im lặng nghe. Ông hơi đổi giọng nói:
– Ta thấy chuyện cháu muốn thử lai tạp gì đó cũng được. Dù sao cũng ra cây lúa, nếu trổ hột nhiều, ít ngả thì cái lợi rất lớn. Để dượng năm cháu ghé, ông sẽ hỏi thăm coi sao. Đừng nói chuyện này ra ngoài vội.
Mấy đứa nhỏ đều gật đầu, thấy ông vẫy tay biểu đi chơi thì vội vàng ra ngoài hết. Nguyễn lão nhỏ giọng nói với con trai:
– A Mai quá linh mẫn, đừng để có tiếng đồn đãi, đặc biệt ở chỗ Bùi gia. Chuyện cái ghe nhỏ vẫn chưa xong, chuyện gây giống lại càng lớn. Con nhắn vợ chồng a Tâm cẩn trọng.
– Con biết cha. Con thấy a Mai đã thu liễm rất nhiều. Trưa nay ở Bùi gia, nó đều cậy tiếng Trần lang y làm việc. Chuyện giống lúa chắc nó chưa biết hệ trọng thế nào. Mà Bùi gia làm buôn bán rất lớn, chắc là lớn nhất vùng này. Bấy lâu nay họ cũng che dấu thế lực, quanh vùng này không nghe tiếng tăm gì.
– Ừ, Trần lão nói với cha mấy người lính hộ vệ đi theo đều có nghề, không dễ đối phó. Vị Bùi quản gia đó tai mắt đều tinh.
– Con nghĩ họ không có ác ý với nhà ta.
Nguyễn lão hơi gật đầu, nhưng theo đó là tiếng thở dài, lòng người khó dò. Mong là như vậy, thiện ý đổi lại là thiện ý thì tốt quá.
Ở bên ngoài sân, a Vĩnh kéo tay Mai ra một góc nói:
– Muội đừng buồn, ông ngoại dạy giống như Đỗ lang y dạy ta học, đôi lúc cũng la rầy. Sư huynh làm sai còn bị đánh đòn nữa.
– Ta cũng vậy, bị ông nội la rầy hoài, còn bắt đánh roi nữa đó.
Cơ ca đi theo cũng lên tiếng. A, là sợ cô bị ông ngoại rầy rồi buồn sao! Thiệt là, cô làm gì mà buồn chứ. Cô đang suy nghĩ chuyện gây giống lúa, ông cũng muốn cô làm thử. Vậy tại sao không cậy Bùi gia mà chỉ kêu dượng năm? Là ông sợ cô làm không thành sẽ bị cười chê? Không phải đâu. Chắc là ông ngoại biết được gì đó mà cô không biết. Có ông ngoại và cậu lo lắng như vậy, cô càng yên tâm tập trung phần việc mà mình biết nhiều nhất.
Lời ông ngoại dạy rất đúng, ân nghĩa và ân oán đi liền nhau. Tâm tính con người là phức tạp nhất. Mình làm ơn cho người ta một nắm cơm lúc đói, đôi khi họ còn muốn mình cho thêm một thúng gạo. Nếu mình không cho họ sẽ oán mình làm ơn không trót.
Đôi khi có người vì ra ơn một lần, sau đó cứ vịn vào ơn nghĩa để bắt người ta đền đáp cả đời.
Ở thời này hay hiện đại đều có những chuyện như vậy xảy ra, rất nhiều. Câu “thi ơn bất cầu báo” không phải ai nói và làm cũng được.
Mai chỉ nghĩ đơn giản là Bùi gia có buôn bán với vùng ngoài nên nhờ họ mua giúp lúa giống, sẽ không phiền toái gì. Nhưng mà cô quên mất là trong tình huống hơi tế nhị lúc này. Biết đâu Bùi gia và người ngoài nghĩ nhà cô đang đòi hỏi, kể công.
Hai nhà Bùi gia và nhà cô quá chênh lệch, nếu cư xử không chu toàn sẽ dễ gây ra ngộ nhận. Từ đó thì chữ ơn dễ biến thành oán. Mai lại nghĩ đến chuyện nhà mình và a Sao, họ giống nhau, tâm tính thuần hậu, không quanh co. Đúng là môn đăng hộ đối thì dễ thành nghĩa.
Chuyện quan sát và hiểu lòng người cô phải để tâm hơn nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.