Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 67: Tình nguyện và không tình nguyện




Đầu tháng chạp bắt đầu mùa khô, nắng nhiều hơn, mặt trời xuống biển chậm. Mai nói sao làm việc cả ngày không thấy trời tối! Làm cả nhà cười trêu nói cô lười biếng, ham ngủ.
Trước ngày chợ phiên đầu tiên tháng chạp thì bà nội và lục cô về làng chài. Ngũ cô đã khoẻ, ở đây có cha, thất thúc với mấy đứa nhỏ quan tâm, chăm sóc bà cũng yên lòng rồi. Bà nên về nhà lo chuẩn bị Tết nhứt.
Lúc trước cha nương tính mua vải may quần áo mới trong nhà và nhà nội, nhưng bà nội nói chỉ cần may cho ông nội và mấy đứa đang tìm mối thôi. Những người còn lại thì từ từ năm sau may. Tiền trong nhà đúng là không đủ cho mọi người nên chỉ mua vải cho ông nội, Lục cô, a Hân, a Cúc.
Chuyện ngũ cô và nhà bên kia đã đoạn tuyệt, có hai trưởng làng làm chứng, coi như xong. Nhị bá nói nhà họ đúng là có ý kiếm ít tiền sắm tết. Lúc thấy cha, Trần thúc đến nói chuyện thôi nhau, đoạn tuyệt sui gia thì rất bất ngờ. Nhà họ lớn tiếng đổ lỗi ngũ cô phá nhà cửa nhà họ muốn bồi thường. Ông nội giận dữ nói chuyện ngũ cô bị đánh, phải chạy chữa thang thuốc như thế nào, ai bồi thường cho ai?
Rốt cuộc cũng xong, ông nội biếu hai trưởng làng mỗi người bình rượu và một cặp gà rừng cảm ơn. Mười quan hôm trước ông muốn đưa lại cha, nhị bá vào đón bà nội và lục cô mang theo đưa cha.
Cha mời bà nội và nhị bá vào nhà trên, nói chuyện chia phần lúc trước. Cha còn kêu a An tính xem, bán bốn chiếc ghe được bao nhiêu, chia phần bao nhiêu. Bốn chiếc bán được 65 quan, mỗi người thất thúc và Hân ca được tám quan và bốn mươi lăm văn. Giờ cha đưa bà nội thêm số còn thiếu nữa.
Nhị bá rất bất ngờ, không nghĩ đến chia thành phần như vậy. Mọi người đều vui vẻ, nên như vậy, có làm thì phải có hưởng. Đúng là đóng ghe vất vả bù lại tiền kiếm được nhiều. Sang năm bán ít nhất là mười hai chiếc, gấp ba năm nay, nghĩ đến đã thấy hứng khởi.
Chiếc ghe chở khoai, đậu, đường, còn mấy cái lu mới muốn khẳm. Lục cô ngồi bên mũi phụ chèo cùng nhị bá thẳng hướng về làng chài.
Buổi chiều ngày chợ phiên, Lưu bá mẫu và nương vừa về nhà thì tam bá mẫu qua.
– Sáng nay đi chợ, mấy người trong đó cứ theo ta hỏi chuyện a Hằng, họ thiệt là rỗi việc.
Mai nhíu mày nghe giọng nói tam bá mẫu không có vẻ phiền mà như vui vẻ. Ngũ cô đang chặt rau chuối cho vịt ngoài sân đứng dậy ôm rổ ra vườn. Lưu bá mẫu nháy mắt ra hiệu nhưng tam bá mẫu không thấy hoặc không hiểu vẫn nói tiếp.
– Ta nói làm đàn bà phải chịu đựng một chút, ai,… còn nghĩ đến em đến cháu mình chứ.
Mai đứng dậy đi ra sân nói vọng vào.
– A, có ai đang tìm bá mẫu sao? Vào nhà rồi kìa.
– Là tìm ta sao? Ai vậy kìa?
Lưu tam bá mẫu xách nón bước ra. Mai chỉ loáng thoáng chỗ lùm cây ngay cổng vào nhà, bà ấy hỏi đâu đâu rồi đi về. Mai đi vào nhà thấy Lưu bá mẫu đứng dậy ra về. Nương không nói gì đội nón, mang cuốc nhỏ ra sau vườn. Nhìn hai người đi khuất, Mai hỏi a Cúc:
– Tỷ có sợ ngũ cô mang tiếng xấu truyền đi không?
– Ai muốn nói thì nói đi, ai mà biết trước là mình không thể sanh con chứ. Nếu ta biết, ta sẽ không lấy chồng làm gì, lại chịu khổ như vậy.
Vậy là sao? Ý a Cúc là lấy chồng chỉ vì muốn có con? Cũng đúng, đàn bà ở đây mấy người được gả cho người mình thích, hoặc nói là họ không biết yêu thích là gì. Ở nhà cha mẹ lo việc bếp núc, lớn lên gả đi cũng lo bếp núc. Khác chăng là bắt đầu sanh con, làm mẹ mới bắt đầu biết yêu thương con, sống vì con. Không có con người đàn bà không có điểm tựa. Họ không thể tựa vào người chồng, người thân cận nhất, người gần như sống lâu nhất cùng họ, thật bi ai!
Trong nắng chiều, hai người đàn bà lom khom nhổ cỏ cho vườn rau. Hai bóng ngả dài trên đất, lúc gần lúc xa. Không biết nương an ủi ngũ cô như thế nào, chỉ thấy mắt cô sưng đỏ mà tay vẫn không ngừng làm việc. Lưu tam bá mẫu thật đáng ghét, lần sau không cho bà ta vào nhà mình.
An ca đang phơi gỗ vụn trong sân, gỗ này đốt tốt hơn rơm nhiều. Mai nhìn mạt cưa gỗ vun thành đống phía ngoài xưởng, để không thật phí, làm phân bón? Có thể. Chẳng phải nhà mình đang thiếu phân bón sao. Mình trộn mạt cưa với bèo, ít phân gà vịt nữa, ủ mấy tháng tới mùa vụ là dùng được.
Rải một lớp mùn cưa, một lớp bèo, một lớp phân chuồng, tìm lá cây ủ kín để đó. Đợi mấy ngày có mạt cưa nhiều thì làm, cũng không tốn nhiều công. Bình ca buông tay bào đục ra giúp Mai dọn đống mạt cưa. Mặt trời đã lặn, trời chưa tối nhưng không đủ sáng làm công việc tỉ mỉ nên mọi người làm việc ngoài sân, dọn dẹp sân vườn, múc nước lóng phèn.
Cha nghe nói cái này làm phân bón cho lúa, nên hỏi:
– Là cậu hai con nói sao? Vậy mỗi chiều cha gom mạt cưa làm. Con đừng đụng tay, mạt cưa ghim chảy máu tay.
Mùa sau nhà có năm mẫu đất, nếu có phân bón lúa tốt sẽ thu hoạch nhiều hơn. Ông nhìn ụ phân vừa làm tính toán, năm mẫu cần bao nhiêu ụ.
Gà gáy canh năm là cha nương và ngũ cô đã dậy. Ngũ cô nói đã quen dậy giờ này, không thể ngủ tiếp. Nhà làm muối rất vất vả, còn hơn nhà làm nông. Lúc ở nhà chồng, cô dậy sớm lo cơm nước xong thì mang cuốc ra ruộng muối canh nước, tháo nước, phơi muối, sàng lọc. Một năm có cỡ năm tháng làm muối, là mùa khô. Đến mùa mưa thì lo làm ruộng, trồng khoai, đôi tay cô chai sần, còn có vết thẹo, da tóc đều khô.
Cô không kể chuyện ở nhà bên đó. Nhưng nhìn bàn tay, bàn chân và mái tóc khô cháy cũng đủ biết cô vất vả như thế nào. Người thời này ai mà không vất vả, mặt nám da chay. Nhưng vui vẻ làm lụng để nhà mình có cuộc sống ấm no khác với bị đày ải cực nhọc mà còn bị khinh rẻ, đánh chửi. Không biết mấy năm qua cô đã chịu bao nhiêu tủi nhục.
Mấy đứa nhỏ nằm ngủ nướng đợi tiếng gà gáy dứt mới bò dậy. A Phúc mắt nhắm mắt mở rửa mặt bên lu nước nghe tiếng ngũ cô gọi.
– A Phúc, lại xem nè. Gà đẻ trứng rồi, ba, bốn trứng nè.
A Phúc nghe xong quăng gáo dừa vào lu, lấy tay áo lau sơ mặt chạy ra. Trên tay ngũ cô là bốn cái trứng gà nhỏ, hơi thuôn dài. Nuôi gà mấy tháng nay không uổng công vất vả. Lúc ăn sáng Mai hỏi ý cả nhà xem nên bán gà Tết này hay để chúng đẻ trứng, gầy đàn gà con nuôi tiếp. Mấy đứa nhỏ sôi nổi bàn bạc.
– Ta nhắn a Hùng để hắn nhặt trứng hoặc gà con bán cho chúng ta, có trứng thì mình dùng lò ấp.
Thất thúc nói. A An tính bán hai cặp gà đã hứa nhà bà nội và nhà ngoại a Bảo, được gần hai trăm văn. Mai hỏi nương.
– Nhà mình cũng cần một cặp phải không nương?
– Ừ, nương mua một cặp, còn tặng nhà Lưu bá và sư phụ a Vĩnh mỗi nhà một cặp.
A, vậy là phải bán mười con rồi, còn lại mười sáu con mái và hai con trống. Năm trăm văn a An tính mua được hơn trăm con gà con. Cả đám đều hớn hở, đợi nuôi năm sáu tháng nữa là có đàn gà lớn.
– Nương ơi, tặng vịt cho ai vậy? Đến lúc Tết vịt cũng lớn rồi. Nhờ ngũ cô và Cúc tỷ nuôi, vịt mau lớn ghê.
Nghe mấy đứa nhỏ bàn bạc, ba người lớn đều thấy vui vẻ. Cuối năm nay ăn Tết sung túc hơn.
– Trong rừng có một bãi lầy, hôm trước có mấy con kỳ đà rúc vào đó tránh nắng, a An, a Vĩnh đừng đuổi vịt gần đó.
– Dạ.
Những lúc đói kỳ đà cũng ăn gà vịt. Nhưng gà bay được lên cành còn tránh được, vịt thì khó thoát hơn. Xem chương mới tại dienvan.space
– Vịt được mấy cân?
Nương quay sang hỏi ngũ cô,
– Mấy con trống lớn chắc cũng ba cân rồi, thêm mười ngày nửa muội nghĩ cỡ bốn cân.
– Hôm chợ phiên muội đi bán vịt với ta đi.
Ngũ cô hơi ngần ngừ chưa đáp.
– Cho con đi với,
– Cho con đi với,
Hai đứa nhỏ đều đòi đi, trẻ con thiệt là.
– Được rồi, mấy ngày đó cũng rảnh rỗi, nhà mình đều đi chợ Tết đi, vừa bán vịt vừa xem chợ.
Nhà Mai vừa vào đây, chưa biết chợ Tết ở Sông Lớn vui không? Ở làng chài chợ Tết do những nhà trong làng tụ tập lại mua bán mấy ngày trước Tết. Cũng đông vui nhưng chắc không bằng trong này rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.