Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 9: Nhà nội




Làng chài nằm sát chân núi, ở khoảng đất bằng có hơn hai mươi nhà. Rải rác dọc theo bờ biển từ đây đến núi Lộc Trĩ cũng có mấy xóm chài khác, ít nhà hơn. Làng chài không được bố trí theo hình gì mà cứ phát triển theo tự nhiên, nhà nào đến chọn một khoảng đất dựng nhà, có sân trước sân sau. Người đến sau thì tiếp theo đó mà dựng.
Nhà Mai nằm phía trong gần chân núi, nghe nói là ông cố Mai mang theo con trai di dân từ miệt trong ra biển mấy chục năm trước, định cư ở đây. Lúc đó ông nội mười mấy tuổi. Năm nay ông đã gần sáu mươi tuổi, ông vẫn rất khoẻ và là trụ cột trong nhà.
Con đường dọc theo biển để vào làng chài vắng vẻ, thời điểm này đàn ông thanh niên thì nghỉ ngơi chuẩn bị tối đi đánh cá, đàn bà con nít còn ở trong nhà tránh nắng. A Phúc chạy lên trước vào cổng.
- Bà nội, bà nội, cháu mới về.
- Ừ, về rồi hả. Sao không đội nón?
Tiếng hai bà cháu nói chuyện mang theo nhiều bước chân. Liền đó là hai bé trai chạy nhanh ra. An ca năm nay mười hai tuổi, Vĩnh ca mười tuổi là anh tư và anh năm của Mai. Cả hai đều gầy, cao hơn Mai một chút.
- Cha, nương!
Hi cậu nhóc vừa cười nhe răng vừa gọi. Vĩnh ca chạy đến lấy cái rổ tre trên tay Mai. Theo trí nhớ thì Mai và A Vĩnh rất hợp ý nhau. Cậu nhóc rất thương và nhường nhịn Mai.
Sân trước nhà rộng cỡ hai miếng (1 miếng = 36m2). Phía bên trái là mấy tấm lưới đang phơi, có lớn có nhỏ. Bên phải có hai đống củi, một cái chòi lá nhỏ cũng chứa củi. Bắt đầu từ tháng năm là mùa mưa, dân sống ở đây phải cất củi để nấu ăn vào những ngày mưa bão.
Căn nhà lá năm gian hai chái quay mặt ra hướng biển. Hàng hiên trước nhà hơi thấp. Bà nội đang đứng với A Phúc trước hiên.
- Nương,
- Bà nội.
Cả nhà Mai đi đến thưa bà. Bà nội lưng hơi còng, gương mặt cười tươi mang theo nhiều nếp nhăn ở mắt và khéo miệng. Bà là vợ thứ hai của ông. Bà nội lớn mất khi tam bá mới ba tuổi. Ông cưới bà về sanh được cha, ngũ cô, lục cô và thất thúc. Thất thúc chỉ bằng tuổi Bình ca nhưng cao và khoẻ mạnh hơn.
- Vào nhà đi, nắng quá, để nương lấy nước uống đỡ khát.
- Nương, để con đi lấy.
Nương Mai vội vàng nói rồi đi xuống nhà sau. Mọi người vừa để đồ đạc xuống vừa trò chuyện, nương chưa kịp xuống lấy nước thì lục cô đã mang nước lên. Lục cô đã mười bảy tuổi, cao ráo lanh lợi, được cả nhà yêu thương. Bà nội nắm tay Mai kéo cô ngồi xuống giường.
- Cho nội coi vết thương coi, còn đau không?
- Dạ không nội.
- Tội không, mai mốt phải cẩn thận, chắc là có sẹo rồi.
Lục cô, hai anh cũng đi qua xem. Nhị bá mẫu, tam bá mẫu từ nhà sau đi lên cũng đến xem. Thật ra vết thương không rộng lắm, mới kết vảy vẫn còn ê ê do đang đắp thuốc nên nhìn lẫn lộn nước thuốc và máu, chắc là sẽ có sẹo, nhưng Mai cũng không để tâm.
- Sao lại té vậy? Tứ đệ cho người nhắn về, làm ông bà lo lắng, mà tốn hết nhiều tiền thuốc như vậy?
Mai nghe tiếng tam bá mẫu khàn giọng nói.
- Có mời lang y bốc thuốc, còn bao nhiêu tiền đệ mua gạo và khoai theo cha dặn.
- Được rồi, uống nước, nghỉ ngơi chút đi. Giờ này cha con cũng sắp về rồi.
Bà nội lên tiếng dặn rồi hối mọi người ai làm việc nấy.
- Cả nhà đi đâu rồi nương?
Ý của cha 'cả nhà' là chỉ ông nội, nhị bá, tam bá và mấy đường ca; vì hầu hết thời gian trưa và xế chiều đám đàn ông sẽ ngủ hoặc nghỉ ngơi lấy sức tối đi đánh cá, giăng lưới.
- Tối hôm qua ghe mắc đá, bị nứt một đường, cha và hai anh con kéo lên bãi cạn trét lại, chắc sắp về rồi. Tối nay chắc không ra biển.
- Nứt lớn không nương?
- Không sao, ghe cũng cũ rồi, cần sửa nhiều chỗ nữa.
- Mấy hôm nay đi biển nhiều không?
- Cũng như mọi lần, bán một ít cá lớn sáng nay, nhị tẩu đang làm cá nhà sau đó.
Cha và Bình ca mang gạo khoai vào để trên sạp gỗ thấp bên chái nhà. Nương, Cúc tỷ cất quần áo vào phòng rồi vội ra nhà sau rửa mặt.
- Nhà Lưu ca có gửi cho mấy bao khoai, đậu, rau, con để dưới bếp được không nương?
- Được, mang xuống đi.
Nhị bá mẫu thấy quài chuối đã chín mấy nải, quay hỏi bà nội:
- Con bẻ nải lớn để trên bàn cho cha, nương. Mấy nải trái nhỏ cho mấy đứa nhỏ?
- Ừ, để trên bàn hai nải lớn chín đó đi.
- Dạ,
Nhị bá mẫu lấy dao cắt gần nửa quài đã chín ra, chọn hai nải ngon nhất để trên bàn rồi mang hết xuống nhà sau. Mai theo lục cô và Cúc tỷ vào phòng. Phòng này nằm phía sau chái nhà, là phòng của nhóm con gái có lục cô, Cúc tỷ, Lan tỷ - con của nhị bá, Trúc tỷ - con của tam bá và Mai. Phòng không lớn, để hai cái giường tre và hai tủ tre. Tủ chia mấy ngăn chứa quần áo của mấy cô cháu. Phòng có một cửa sổ nhỏ hướng phía sân sau. Mai kiệt sức ngả lên giường nằm im. Cúc tỷ giúp cô cởi giày, dịch người vào trong.
- Muội nghỉ đi, tỷ mang chén nước để góc giường, khát thì uống, coi chừng đá đổ.
- Dạ, cảm ơn tỷ.
Tuy rằng rất mệt, nhưng Mai chỉ ngủ chập chờn, thỉnh thoảng vẫn nghe giọng nói, tiếng bước chân của người nhà. Cảm giác nóng nực giảm dần, khi cô mở mắt tỉnh ngủ thì bên ngoài trời đã tắt nắng.
Trong không khí có mùi cá khô nướng và mùi hơi tanh đặc trưng của làng chài. Mùi này là sự hoà quyện của nước biển mặn, xác cá, tôm, nghiêu sò chết bị phân huỷ lâu ngày mà thành. Người dân chài đã quen với mùi này từ khi mới lọt lòng. Đối với họ đây là mùi của 'nhà', của tự nhiên; để rồi khi đi xa nó sẽ là mùi của quê hương.
Chắc đến giờ cơm rồi. Mai ngồi dậy, lấy chén nước uống cạn rồi đi về phía sau bếp.
- Con dậy rồi à, rửa mặt đi.
Nương Mai vừa trở mấy con cá khô trên bếp, vừa canh lửa nồi canh rau bên cạnh. Mai rửa mặt xong vào bếp phụ nương canh lửa. Sân trước sân sau đều có người bận rộn mang từng mẹt tre cá khô mang vào chái nhà, đặt trên sạp gỗ. Cúc tỷ từ sân sau vào.
- Ông bà nội nói dọn cơm đó nương.
- Được, con gọi a Lan xuống dọn chén dĩa đi. Nương xong rồi.
Ăn cơm chia làm hai bàn, bàn trước ở nhà trên - gian chính là cho đàn ông, bàn sau - trong bếp cho nhóm đàn bà, con nít.
Cả nhà hơn hai mươi người chia ra ngồi. Buổi cơm chiều nay có khô cá lóc nướng, canh rau nấu với tôm khô. Thời này, hạt lúa giã bằng cối đá, cối gỗ; rồi sang sảy bỏ trấu vụn nên hạt gạo không trắng tinh như hiện đại mà còn lớp cám vàng nhạt, nấu chín toả ra mùi thơm hơn. Mà theo Mai biết, lớp cám trong hạt gạo chứa rất nhiều dinh dưỡng và vitamin tốt cho cơ thể. Cá mặn, canh rau ngọt mát chan vào cơm ăn thật ngon, mà có lẽ do Mai đói quá nên ăn rất nhanh. Hai chén cơm đầy ăn xong thật no.
- A Lan, húp canh to dữ vậy, con gái con đứa không giữ ý tứ gì cả.
Tam bá mẫu khan giọng nói. Thật ra giọng của vị bá mẫu này là giọng khàn trầm, nên cất tiếng giống như người ta bị khan vậy. Nếu không nhìn người, dễ đoán là giọng của đàn ông. Tam bá mẫu cũng cao hơn so với phụ nữ thời này, lại là dân chài từ nhỏ nên sức rất khoẻ và thạo việc nhất trong ba con dâu. Nhà tam bá mẫu cũng ở trong làng chài gần đồi Lộc Trĩ, cách đây khoảng một khắc đi bộ. Trong nhà có thuyền đánh cá to, bắt được các loại cá quý xa bờ nên trong nhà sống rất tốt. So với con dâu hai là nhị bá mẫu và con dâu tư là nương Mai thì tốt hơn.
Lại thêm tính tam bá mẫu hay xét nét, bắt bẻ người khác nên ai cũng ngại gần bà. Cháu trai, cháu gái trong nhà đều cách xa bà nhất có thể. Vừa rồi Lan tỷ uống canh kêu cái rột cũng hơi lớn, nếu là người khác sẽ nói nhẹ nhàng hơn. Dù sao Lan tỷ bình thường cũng rất ý tứ, mà cũng mười lăm tuổi rồi, cũng cần mặt mũi.
- Trong nhà mà, có sao đâu.
Nhị bá mẫu tuy là dâu lớn trong nhà nhưng do tính tình xởi lởi, hay cười hay nói nên cũng chỉ nói vậy rồi thôi. Nhị bá mẫu cũng sinh ra ở làng chài nhưng xa hơn về phía tây, đi khoảng hai canh giờ và phải qua cửa sông Giang Thành mới đến. Bà có mẹ là người Chân Lạp, cha là người Việt di cư. Từ nhỏ quen sinh hoạt, nếp của người Chân Lạp. Khi đến làm dâu nhà Mai thì không nấu nướng theo cách người Việt. Có một điều nữa là lẽ ra bà sẽ rất khéo tay, tỉ mỉ như mẹ bà; nhưng ngược lại khoản này lại không giống mà bà vụng về trong chuyện may vá.
Bà hình như không thể ngồi yên một chỗ lâu được. Mỗi lần ngồi vá lưới là cực hình với bà, ngồi một lúc là bà lại kiếm cớ chạy ra chạy vào như đi trở cá ngoài mẹt cho mau khô, xem giàn phơi khô mực đã được chưa, quét sân trước rồi quét sân sau. Thật ra bà rất chịu khó làm những việc không phải ngồi yên một chỗ.
Nương của Mai - Nguyễn thị thì lại rất tỉ mỉ, chăm chỉ, nấu ăn rất khéo, may vá cũng tốt. Nhưng bà là người miệt trong nên không thạo công việc ở làng chài như vá lưới, làm cá mắm, mực khô. Từ ngày về làm dâu mới được bà nội và cha dạy làm. Còn một điểm nữa là dáng người bà hơi mảnh khảnh, xương tay chân đều nhỏ nên sức yếu.
Cha Mai cũng không cao lớn lắm nên mấy anh chị em Mai có vóc người mảnh dẻ, nhỏ nhắn. Nhìn Bình ca so với mấy đường ca liền biết ca ấy sẽ không vượt lên cao lớn, vạm vỡ như họ. Lan tỷ nhỏ hơn Cúc tỷ một tuổi mà đã cao hơn, trổ mã hơn rồi. A, là gen di truyền mà, đành chịu thôi!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.