Hải Đường Say Ngủ Thụy Mỹ Nhân

Chương 3:




Ngục thất tối tăm tanh nồng mùi huyết dịch hôi thối ẩm lạnh, ngỡ như so với U Minh cửu tuyền không khác tưởng tượng con người là bao.
Phạm nhân bị dùng hình, treo trên tường cùng một mảng đẫm máu, khắp người hôi tanh mùi huyết dịch hỗn loạn, gương mặt tiều tụy nhưng vẫn nhìn ra được nét diễm lệ ủ rũ khó che.
"Xoạt"
Một chậu nước cực nóng hắt lên người kẻ xấu số.
"Đã đến nước này? Ngươi còn không chịu thừa nhận?"
Khó ai tin được, người đang bị giam cầm hành hình này, mấy ngày trước vẫn còn là Y Vân phò mã ngọc thụ lâm phong.
Y Vân dường như không hề bất ngờ hay hốt hoảng, trái lại có vẻ thản nhiên tiêu sái, nhoẻn miệng cười:
"Ngươi muốn ta thừa nhận cái gì?"
"Chát!" Tiếng roi da ngọt sắt cứa lên da thịt, máu tướm ra ngoài y phục.
"Ngông cuồng! Đúng là tên loạn thần! Ngươi còn không chịu thừa nhận mình là yêu nghiệt hiện thân, phù thủy ếm nguyền, phản tặc quốc gia, mưu đồ bất chính, lợi dụng hết từ tình cảm công chúa đến tín nhiệm hoàng thượng!"
Phạm nhân bất giác bật cười ha hả, tựa như không hề ghê sờn trước hình cung.
"Thừa nhận gì vậy Dư công công? Thừa nhận rằng mình biết hết về mấy tin đồn thất thiệt hoang đường phạm thượng chốn hậu cung, hay thừa nhận mình biết Dư công công năm đó là con trai thủ lĩnh loạn An Long Tuyền thay tên đổi họ, tịnh thân rồi trà trộn vào cung tìm thời khiêu binh nổi loạn? Phản tặc là ai? Chẳng phải kẻ lớn nhất chính là Dư Hoàng Đoàn ngươi cùng đám tể tướng kia sao? Ha ha."
Phòng gian tối tăm hôi hám bỗng chốc lặng ngắt như tờ, chỉ còn tiếng thều thào nhỏ nhẹ:
"Ta đã làm hết trách nhiệm, chẳng còn gì trăn trối. Phò minh quân không phục hôn quân. Nay triều đình đổ nát, quần thần toàn bọn sâu mục. Giặc ở trong nội thành còn không biết, hoàng thượng có mắt như mù. Kinh thành phồn hoa, ta cũng đã trải, giờ biết đủ vị ra sao. Ta không cha không mẹ, không con cái, chết đi không còn gì hối hận cả."
Phạm nhân bị treo trên tường vì đau đớn mệt mỏi mà gục dần, phòng giam hôi tanh cũng chỉ còn lại tiếng phân phó an bài của Dư công công:
"Không cho ăn uống, hai ngày nữa hành hình."
Đèn đuốc nhập nhoạng, kẻ khổ ải trung liệt kia cũng không còn tỉnh táo, đợi giám ngục đi khuất mới mở miệng nửa mơ nửa tỉnh thều thào:
"... Chỉ hối… chỉ hối…"
Nước mắt mỹ nhân diễm lệ đổ xuống:
"Chỉ hối, hối bởi khi xuân trẻ hồ đồ háo hức đi về phía phồn hoa, bỏ mất người trong lòng… mười năm thực biết tủy vị, người xưa cũng không về…"
Hắn nức nở, nước mắt chảy dọc xuống gò má xám màu:
"Đáng đời, đáng đời."
***
Sau này, tích xưa kể, phò mã tài sắc vẹn toàn, suốt mười một năm trong cung không có lấy một chức quan, năm hai mươi chín tuổi bị kết tội dùng bùa phép hãm hại hoàng thích, mưu đồ phản nghịch, tra tấn lì lợm không hối cải. Giết không tha. Tử hình thị chúng róc xương gan, giễu khắp kinh đô, đầu lâu treo ở Đại Long Môn kinh thành. Dân chúng lấy đó làm điều răn, chớ dám phản loạn.
Lại nói đoạn, năm Thái Triệu thứ hai mươi là cột mốc có nhiều biến cố lịch sử nhất. Sau khi phản tặc bị hành quyết kinh hoàng, hoàng cung cũng sớm gặp sóng gió điêu đổ. Hai tháng sau, lần lượt vua quan, thái giám, thị vệ, nô tì,... những người từng góp tiếng trong những câu chuyện li kì về phò mã xấu số, đều bệnh bất đắc mà chết.
Tương truyền, đa số đều hoá điên, lảm nhảm mình hằng đêm mơ thấy bị bách quỷ dạ hành khiêng kiệu áo quan về phía âm ti, nhốt vào ngục hành đủ thứ hình: nào cắt lưỡi, nào lột da, nào móc mắt, nào nướng vạc dầu,... cứ như thế chết đi sống lại. Lúc tỉnh dậy tâm thần hoảng hốt, chân tay bủn rủn, mắt nhìn đờ đẫn, miệng nói linh tinh,... mãi đến khi không chịu nổi mà tự vẫn. Lạ thay, từ trên xuống dưới, ai cũng chọn tự vẫn bằng cách mổ bụng moi ruột trong tư thế ngồi quỳ, lưỡi bị cắt, hai mắt bị moi ra, trông như thể đang thành kính chuộc tội với ai. Có người bảo, đấy là phép yểm của tên phò mã mặt hoa hiểm ác năm xưa. Cốt cán triều đình không còn ai sống. Mấy tháng sau, công chúa cũng tiều tụy lao tâm mà qua đời, lúc chết mặt mày bỗng tươi tỉnh như hoa, thật lạ.
Nước mất vua, nội chiến liên miên, dân tình đói khổ, bách tính kiêu loạn, thù trong giặc ngoài.
Chỉ vỏn vẹn một năm sau, Thái triều của nước Lạp kết thúc, giang sơn nhiều lần đổi chủ, mưa tanh gió máu liên miên. Kế đến là quãng thời gian đô hộ tăm tối. Đến thời kì giang sơn xuất danh hùng, quốc gia được giải phóng cũng là ngót trăm năm sau.
Người đời sau bảo, Lạp quốc khi ấy không được thánh thần dẫn lối nên chỉ hào hoa một độ, sau đó đổ nát bấy hầy chưa từng có.
Người tính xưa nay có đâu bằng trời tính. Có những sự việc vốn dĩ do định mệnh an bài, khó lòng cải đổi khác đi.
Hoá ra vị trạng nguyên – phò mã năm xưa ấy, xuất thân tưởng là đứa trẻ vô lai lịch, lại là lịch kiếp tương phùng con trai thứ mười tám của diêm vương đầu thai chuyển kiếp làm người, ẩn thành đứa trẻ nhân gian, cực âm tử, sinh vào giờ âm, ngày âm, tháng âm, năm âm. Bào thai âm khí mạnh đến mức hủy hoại sinh mạng của phụ thân, mẫu thân lẫn cả huyết hệ của thai phụ, đem lại xui xẻo bảy kiếp cho người dân khắp vùng.
Ngày y chào đời là rằm tháng bảy âm, quỷ cười người khóc, hung hồn liệt khí, đứa trẻ trời sinh thông linh, nếu tu hành quỷ đạo thì đạt được sức mạnh vô song hơn người bình thường hàng vạn lần. Dạ quỷ khắp nơi tới đỡ đầu, cũng là mon men tranh xác thể vượng cực âm. Vậy nhưng tiếc cho chúng, rằng trước khi chết, người mẹ thân sinh ra đứa trẻ dung mạo tuyệt phàm kia đã cảm trước về số mệnh của con mình, đi sớm một bước tìm tới Sơn thần. Sinh thời, bà từng làm nhiều việc thiện, công đức dạn dày, trước khi lâm chung chỉ có khẩn cầu duy nhất là mong ngài làm cha đỡ đầu cho xác phàm của đứa con này. Sơn thần ban đầu còn e ngại định từ chối, nhưng vì thiện tình cùng van xin xót xa của bà mẹ nên đành nhận đứa trẻ làm con nuôi. Bởi vậy, đứa nhỏ tên Y Vân kia mới vô tư an ổn, giữa một miền sơn cước thâm u từ thuở lọt lòng tới cái năm mười chín tuổi.
Đứa nhỏ sinh ra tính tình nhu mì, hiền dịu ôn nhuyễn, bác ái quảng đại, yêu thương chúng sinh, thật khác so với hình dung thế tử hoàng tuyền lịch kiếp. Sơn thần bảo bọc đứa trẻ trong lòng bàn tay, nhưng chỉ có thể giúp đỡ nó trong địa phận một quả núi này.
Mà đứa trẻ, năm mười bảy, mười tám, vì tò mò phồn hoa kinh thành, mà khao khát đi về phía nhân gian xa xôi. Sơn thần bất lực lắc đầu, chỉ còn đó một hồ ly nhỏ ngốc nghếch dùng tu vi ít ỏi của mình, đem cả mạng sống để đánh đổi mở ra hoạn lộ giúp y đi về phía kinh thành phồn hoa.
Hồ ly nhỏ ấy vốn dĩ là một đứa nhóc xấu xí, khô kệch, kém cỏi trong tộc hồ ly, người nhà ghét bỏ, bạn bè xa lánh vì diện mạo khác lạ, tu hành lại cũng chẳng giỏi giang, thua kém xa huynh đệ tỉ muội trong nhà.
Từ nhỏ hắn đã sống trong mặc cảm bị chê cười. Nào là: hồ ly gì mà xấu xí quá, lông xám xịt. Hồ ly gì mà chậm chạp yêu phép, đần độn mị thuật. Hồ ly gì mà biến thân vụng về, khi hoá nhân hình lại thô kệch vạm vỡ cao lớn, chẳng có chút nào câu nhân lả lướt truyền kiếp của tộc mỵ hồ. Kì thực đúng là nỗi thất vọng.
Nơi đây, chẳng có ai là chấp nhận hắn, che chở y, cảm thương hắn. Hồ ly quyết định chạy trốn khỏi hồ tộc mà đến nhân gian du hí một vòng, nhưng ngốc nghếch chẳng biết giấu đuôi, bị con người đuổi giết, may thay được cậu nhóc đẹp xinh cứu giúp.
Chỉ có thiếu niên ấy mới chậm rãi giúp hắn cảm nhận thế nào là ấm áp, thế nào là an tâm, thế nào là che chở sủng nịnh. Bao năm qua, trong hồ tộc hắn chỉ toàn bị coi khinh lạnh lùng.
Hồ ly nhỏ thương mến người bạn xinh xắn, dùng hết tu vi của mình để giúp y thăng quan. Nhưng cũng lúc đó hắn mất hết năng lực, mãi mãi bị giam cầm ở gốc cây hoè cổ thụ, khờ khạo đợi chờ người kia một ngày nào đó sẽ trở về thăm hắn, thật ngây ngốc.
Tiểu hồ ly thuở ấy vẫn cố chấp chờ đợi một ước hẹn, chờ hoài, chờ mãi, chờ đến hơn một trăm năm rồi, người cũ vẫn chẳng quay về.
Lão chồn tinh ở đó thấy con hồ ly ngốc này cố chấp nằm ì ở đây hết năm này tới năm khác, không hề giống đám trẻ khác trong hồ tộc ưa ham chơi quấy phá, thích dùng nhan sắc đến nhân gian quậy nghịch thì liền tò mò. Hỏi ra mới biết, tiểu hồ ly ngây thơ này đang đợi một thiếu niên. Lão chồn tinh nực cười, nói con hồ ly này thật là đại ngốc. Trăm năm đã quá một đời người. Kẻ mà hắn đợi có lẽ đã lên lão, hoặc vốn dĩ sớm không còn. Không giống chúng ta, có tu vi hàng trăm năm làm thọ, con người yếu bấy, sinh lão bệnh tử, tất thảy chỉ trong thoáng mấy chục năm.
Hồ ly ngốc không hiểu thế nào là chữ "chết", hỏi rằng vậy y sẽ biến mất sao, sẽ quên ta sao, sẽ bội ước sao, sẽ hờ hững mà rời đi sao. Lão chồn tinh thản nhiên ừ một tiếng, nói phải vậy.
Hồ ly đau lòng lắm, Y Vân xấu xa, Y Vân bạc tình, Y Vân thế mà bỏ rơi hắn rồi. Quả nhiên Y Vân cũng không thích ta, ai cũng không thích ta, trách trời sinh ta diện mạo cục mịch khó ưa, khiến Y Vân ghét bỏ.
Không được, nếu vậy ta sẽ không thèm đợi hắn nữa, không thèm quan tâm hắn nữa, không thèm nhớ nhung hắn nữa. Không thèm...
Vậy nhưng, hồ ly ngu ngốc này, sao tim ngươi lại đau đến thế? Lão chồn tinh ơi, lão có biết không? Lúc tác hợp hắn với công chúa, ta nhói buốt ở trong lòng.
Không ai dạy con hồ ngốc kia rằng đấy là "yêu", đấy là "ghen", đấy là ái tình lục dục của trần thế, là rượu độc muôn đời. Hắn chỉ biết rằng hắn khó chịu, nhưng luôn tự luôn dằn lại, chỉ cốt đợi một ngày người kia sẽ từ trong vinh hoa mà có một thoáng quay đầu.
Song trăm năm qua, hắn ngày nào cũng đợi, nhưng không đợi được một lần mi mục thanh tú của ai kia.
Người ấy đi, một lần cũng không ngoảnh lại. Chỉ để hồ ly nhỏ ngốc nghếch dày vò trong một chữ tình. Trưởng tộc nói thật đúng. Con người rất xấu xa. Chỉ nên bỡn cợt con người, tuyệt đối đừng sa vào chữ tình của nhân thế. Đau, đau quá.
Nước mắt hồ ly nhỏ cứ thế rơi, rơi hoài. Thời giấc chảy trôi, xuân nụ nhuộm màu, hạ vàng nắng đỏ, lá phong chuyển màu. Sắc hoè lộng biếc cũng chỉ còn là một giấc cô miên hồ điệp hoá Trang Chu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.