Hận Thù Quyết Tử

Chương 2: Ném đầu lâu anh hùng giúp hiếu tử - Thử ngọn kiếm, tiểu hiệp gặp kỳ nhân




Tỉnh Giang Châu, huyện Khai Phong có ba cha con họ Liễu nổi tiếng đường đường là tay anh hùng hào kiệt, chuyên cứu khổ phò nguy, giúp người cô thế, diệt trừ phường đạo tặc, khắp mặt hảo hán anh hùng khét tiếng trong thiên hạ bốn bể, ai ai nghe tên thảy đều kính nể.
Nguyên, cha tên là Liễu Hải Phong, thuở niên thiếu đã một thời thanh gươm yên ngựa, một mình một kiếm, giang hồ phiêu bạt khắp đó đây, chí tang bồng hồ phỉ, mộng chu du đã chán chường, hơn nữa tuổi tác ngày một chồng chất, Liễu Hải Phong liền trở về nguyên quán ở tỉnh Giang Châu để lo dạy dỗ hai con cho nên người sau này.
Hai đứa con của Liễu Hải Phong một trai tên là Liễu Tinh Đởm, gái tên là Liễu Thuấn Anh thật đúng danh bất hư truyền, hổ phụ sanh hổ tử, trai cũng như gái thảy đều dung mạo khác người, võ nghệ tinh thông, tính tình cương trực ít ai bì kịp.
Liễu Hải Phong thấy thế lại càng đắc chí và hết sức vừa ý về hai giọt máu quý báu của mình và đem hết tài nghệ cùng sức bình sinh ra để truyền dạy cho con trai là Liễu Tinh Đởm, còn Liễu Thuấn Anh thì Liễu Hải Phong đem gởi cho một vị võ sư chí thiết là Tuệ Viễn sư mẫu ở huyện Âm Bình thuộc tỉnh Tứ Xuyên để nhờ dạy dỗ và truyền thụ kiếm thuật.
Một ngày kia, nhân buổi du nhàn, hơn nữa đã khá lâu ngày cha con chưa gặp mặt nhau, Liễu Hải Phong liền có ý đi Tứ Xuyên để thăm con gái. Còn lại một mình Liễu Tinh Đởm ở nhà coi chừng nhà cửa.
Còn lại một mình ở nhà, Liễu Tinh Đởm không biết làm gì cho hết thời gian, ngày này lại qua ngày khác, chàng vui với lưỡi kiếm đường quyền, nóng ruột chờ tin cha trở về để được nghe tin cô em gái.
Ngôi nhà của cha con họ Liễu ở gần một khu rừng đầy những cây cối trơ trụi bị gió táp vì buổi trời đông giá lạnh, dưới nhịp cầu tre ọp ẹp cùng năm tháng, dòng nước róc rách chảy như tiếng người rên rỉ thiết tha, xung quanh tuyết trắng phủ lên đầu núi trắng phau. Trông về hướng Tây, sau mấy nhịp cầu là ba gian nhà tranh coi rất tiêu điều, hai cánh cửa tre luôn luôn khép hờ, lờ mờ có ánh đèn sáng từ trong chiếu ra, trước cửa nhà là một khu đất rộng có cây cổ thụ to cao, nhánh tỏa ra bốn phía như cái lọng che, lại thêm mấy rặng cây nhỏ, lá xanh đã bị sương tuyết làm cho tàn tạ, chỉ còn trơ cành trụi gốc vây bọc lấy xung quanh những gốc cây lớn như đàn trẻ thơ xúm xít lấy ông già.
Tối hôm đó ngồi buồn trong nhà, đọc sách đã chán và mỏi cả mắt, Liễu Tinh Đởm liền bận quần thâm áo chẽn, mang đôi giầy rơm chặt, tay cầm thanh bảo kiếm sáng quắc, bước ra cửa. Bước đi của chàng xuyên qua những gốc cây con trụi lá trên mặt đất mạnh mẽ như một luồng gió dữ, làm tan nát những ngọn lá vàng rụng úa, làm kinh động đến cả đàn chim đang trú ngụ trên mấy cành cây cao phải vỗ cánh quàng quạc bay đi.
Chàng thiếu niên họ Liễu liền dừng bước trên mấy nhịp cầu gỗ, tung vút thanh bảo kiếm trên không trung trông như một đạo bạch quang sáng quắc như điện chớp, chờ cho thanh kiếm rơi xuống liền vươn tay ra bắt lấy rồi vung kiếm lên biểu diễn một bài kiếm thuật, phút chốc ánh sáng lấp lánh từ thanh bảo kiếm tỏa ra chói lọi như một con rồng lửa quẫy khúc. Đường kiếm càng múa càng lúc càng mau, đường lối biến hóa vô cùng nhanh nhẹn, coi uyển chuyển như muôn cành hoa lê bao bọc xung quanh người chàng.
Liễu Tinh Đởm đang lúc cao hứng say sưa trổ tài biểu diễn kiếm thuật, chợt giật mình ngừng tay, chàng vừa nghe thấy tiếng người ho văng vẳng như từ ở trong nhà mình đưa ra, lanh lảnh như tiếng chuông kêu, thiếu niên lộ vẻ kinh ngạc, vội vàng tra kiếm vào vỏ rồi chạy vội vào nhà, chàng thấy hai cánh cửa tre đã bị ai mở toang ra làm ngọn đèn dầu trong nhà bị gió thổi chập chờn như muốn tắt, chàng vận nhãn quang quan sát tứ phía thì tuyệt nhiên không thấy bóng người, sau cất mình nhảy lên nóc nhà xem xét cũng không thấy ai hết, lại nhảy xuống bước vào trong nhà bóp trán suy nghĩ tự lấy làm lạ vì những quân vô lại ở vùng này quyết không dám trêu vào tay chàng, cho đến những phường trộm cướp giang hồ khét tiếng cũng đều khiếp oai. Vả nhà chàng lại nghèo túng thanh bạch không hòng có hào gì.
Liễu Tinh Đởm vội bước vào phòng trong kiếm xét lại đồ đạc và chăn nệm trên giường thảy đều còn nguyên vẹn, cả hai mươi lạng bạc để giằn dưới gối cũng còn nguyên không mất. Chợt chàng thấy một cái gói khăn vải màu xanh là vật lạ của ai đem để trên chiếc bàn gỗ giữa nhà, chàng vội chạy đến mở chiếc khăn gói ra xem thì lộ vẻ kinh hãi xiết bao, người toát đầm đìa mồ hôi.
Trong chiếc khăn gói có đựng một chiếc đầu lâu người, râu tóc bị máu me thắm ướt đầm đìa và đỏ lòm, cạnh đầu người có một tấm danh thiếp cũng bị máu dấy làm cho ướt đẫm, có điều lạ và làm cho Liễu Tinh Đởm hoang mang sợ hãi đó là cái đầu ấy coi phảng phất giống như thủ cấp của cha chàng. Vì chàng vừa nhận ra chiếc sẹo là vết thương cũ ở trên đỉnh đầu. Song chàng thiếu niên tự tin về bản lãnh cao cường của cha chàng chưa dễ trong đời đã có người hạ và giết được. Có lẽ mặt người nhiều khi có thể ngẫu trùng mà giống nhau, chàng đang phân vân suy nghĩ chưa biết phải xử trí ra sao. Chợt chàng sực nghĩ ra một phương pháp thí nghiệm liền vội cắn đầu ngón tay trỏ và nhỏ những giọt máu của mình vào chỗ cổ của chiếc đầu người thì thấy giọt máu của mình thấm hẳn vào như tờ giấy hút mực.
Kinh hồn, biết đích là thủ cấp của cha mình rồi, Liễu Tinh Đởm cảm thấy lòng đau như cắt. Chàng ngã lăn ra đất chết ngất đi. Hồi lâu chàng tỉnh dậy ôm lấy đầu cha vào lòng khóc lóc rất là thê thảm. Sau chợt nhớ lại, chàng vội lấy tấm danh thiếp ra coi, tuy đã bị máu nhuộm đỏ lòm tất cả nhưng vẫn còn đọc rõ năm chữ: “Sơn Tây Địch Long Tuấn”.
Liễu Tinh Đởm cắn môi suy nghĩ gần rướm bật máu, chàng không biết Địch Long Tuấn là ai, là một nhân vật hữu danh trên chốn giang hồ như thế nào nhưng yên trí tự nghĩ Địch Long Tuấn kể từ giờ phút này là kẻ cừu thù không đội trời chung. Vì hắn đã giết cha chàng rồi đem đầu đến đây.
Liễu Tinh Đởm chợt nhớ ra hồi nãy lúc nhảy lên nóc nhà xem xét thấy màn tuyết trắng phủ trên mái nhà tuyệt nhiên không thấy vết chân đi, chàng ngẫm nghĩ tất có lẽ kẻ thù của mình là một người tài nghệ vô cùng.
Cứ thế Liễu Tinh Đởm ngồi ôm thủ cấp cha than khóc mãi đến khi trời sáng, chàng tự nghĩ :
- “Thù cha không lo báo phục, có khóc lóc cũng bằng vô ích, mà tài nghệ của mình chưa chắc đã làm gì nổi kẻ địch nhân vì cứ xem như tài nghệ tuyệt vời của cha như thế mà còn bị hắn ám hại, thì đủ rõ tài nghệ của hắn siêu việt đến là dường nào rồi”.
Thốt nhiên Liễu Tinh Đởm chợt nhớ đến người bạn thân của cha chàng biệt danh là “Thần Kiếm Phương Kế Võ” người đất Thái Nguyên, Phương gia cũng là một tay lão hiệp anh hùng, uy danh làm chấn động khắp một dải đất mười mấy tỉnh Hồ Bắc, nếu thỉnh cầu được người giúp sức thì mối thù không đội trời chung này chắc chắn sẽ có ngày được báo phục, vả lại Phương Kế Võ là một người rất nghĩa khí, quyết không khi nào bỏ tình bạn cũ và không nghĩ đến cha chàng lúc ấy.
Liễu Tinh Đởm cũng không muốn đến huyện Âm Bình vội để báo tin dữ cho cô em biết, sợ em mình là người hiếu thắng quyết đi tìm địch nhân để báo thù ngay. Chàng tự nghĩ tài nghệ của Liễu Thuấn Anh cũng chưa được là bao nhiêu, e nàng nóng nảy sơ hở sẽ bị kẻ thù hại nốt.
Sau khi suy nghĩ thật kỹ càng rồi, Liễu Tinh Đởm liền bọc đầu cha mình vào một cái khăn gói đeo lên vai, giắt thanh bảo kiếm vào cạnh sườn, và lấy hết cả tài sản được hai mươi lạng bạc giắt vào trong người, sau chàng đóng chặt cửa lại rồi vội vã ra đi.
Bấy giờ mặt trời đã lên khá cao, vầng kim ô tỏa ánh sáng chiếu đỏ ối cả khu rừng, đối với con mắt của người đang có tâm sự buồn rầu, lại càng thêm khêu gợi bao nỗi bi ai sầu thảm, chàng thiếu niên cố rảo bước đi vòng quanh ngọn núi trong khu rừng ấy, trong lòng chỉ khấn thầm là vong hồn cha có khôn thiêng hãy giúp cho mình được mau chóng trong việc báo thù.
Giữa lúc đó bỗng chàng thấy một thằng bé lùn và đen thui thủi chạy đến đón trước mặt, chàng liền nhận ra cậu bé đó tên là Ngô Tiểu Ất, chàng vừa toan lên tiếng hỏi thì Ngô Tiểu Ất đã cất tiếng nói :
- Anh Liễu Tinh Đởm, hôm nay anh đi đâu mà sớm thế, làm người ta lại nhà tìm mãi không thấy! Hãy mau đến nhà tôi, hiện có mấy người đang chờ anh để mời đến uống rượu.
Vốn Ngô Tiểu Ất là con của một bà già tuổi đã khá cao, làm nghề bán quán ở cuối thôn. Vì quán thường hay ế ẩm, và khúc đường này rất có ít người qua lại nên mẹ con Ngô Tiểu Ất vẫn thường túng hụt luôn, và những buổi ế hàng, Ngô Tiểu Ất vẫn thường quen thói đi tìm cách rủ người ta đến nhà rồi tán tỉnh bỏ tiền ra mua đồ ăn uống. Vì cảnh nhà hắn rất nhèo, lại còn mẹ già ngoài bảy mươi tuổi coi rất thương tâm, Liễu Tinh Đởm bị lừa nhiều lần đến nhà hắn. Nay chàng còn mãi việc thù cha vội kiếm lời từ chối Ngô Tiểu Ất :
- Hôm nay tôi bận quá xin kiếu để khi khác.
Dứt lời Liễu Tinh Đởm vội vã quay đi.
Ngô Tiểu Ất liền kéo trở lại nói :
- Hãy khoan đã! Hôm nay anh giận gì, tôi mời anh đến nhà tôi uống rượu có phải trả tiền đâu mà ngại? Hay anh khinh tôi nghèo không thèm đến? Tôi nói thật vì hôm nay có bọn người họ Phương ở Sơn Tây mới đến chơi nên sai tôi đi mời anh lại nói chuyện, nếu sai lời thì anh cứ mắng tôi là thằng nói láo.
Liễu Tinh Đởm nghe nói khách họ Phương ở Sơn Tây thì kinh ngạc vội hỏi :
- Người khách Sơn Tây họ Phương ở về phủ huyện nào? Người ấy chừng bao nhiêu tuổi sao lại quen biết tôi?
Ngô Tiểu Ất nói :
- Người ấy cũng chưa nói rõ với tôi ở Sơn Tây về phủ huyện nào? Nhưng chỉ nói là con của lão anh hùng Phương Kế Võ tức là bạn thân của ông thân sinh ra anh. Người ấy tên gọi Phương Quang Diệm, cũng vào trạc bằng tuổi anh, nhưng mặt mũi còn sáng sủa hơn, sáng như thể ngọc chuốt gương trong.
Liễu Tinh Đởm nghe nói nghĩ thầm :
- “Phương Kế Võ tức là bạn của cha ta, cứ như lời cha ta thường khen kiếm pháp của Phương Kế Võ rất giỏi, có thể cao cường hơn vị lão sư là Tuệ Viễn ở chùa Hổ Tuyền tại huyện Âm Bình, nghe đâu Phương Kế Võ có hai con, một trai, một gái, kiếm pháp cũng tài tình như cha, nếu nay Phương thế huynh đến đây thì ta phải đi hội kiến ngay mới được”.
Liễu Tinh Đởm nghĩ rồi liền cùng Ngô Tiểu Ất đến ngay.
Hai người đi vòng quanh mấy quả núi đến một nơi, thấy hai cái nhà tranh nhỏ cánh cửa tre đã tan nát, nhác trông cũng hiểu là người cùng khổ.
Liễu Tinh Đởm và Ngô Tiểu Ất đi đến đầu nhà bỗng nghe tiếng mẹ Ngô Tiểu Ất nói :
- Này cậu Quang Diệm! Ở xứ này thật hiếm người đức tốt lắm, chàng ta chẳng những có lòng thương đến già mà lại mến cả cháu Tiểu Ất nữa, thực là trang thiếu niên khinh tài trọng nghĩa, thế mới biết người có đức tốt như Liễu Hải Phong mới sinh được người con Liễu Tinh Đởm.
Liễu Tinh Đởm nghe lời ca ngợi đến cha, chàng lại đau lòng gạt nước mắt thầm rồi cùng Ngô Tiểu Ất đẩy cửa đi vào trong nhà.
Bà mẹ Ngô Tiểu Ất tuy đã già mà tinh thần vẫn còn như người tuổi trẻ, đang ngồi nói chuyện với chàng thiếu niên họ Phương, khi thấy Liễu Tinh Đởm vào liền nói :
- Kìa, cậu Tinh Đởm bây giờ mới đến làm Phương công tử mong mỏi mãi.
Liễu Tinh Đởm vội chào Phương Quang Diệm rồi tỏ ra những lời tất hâm mộ, nhưng chàng quan sát cử chỉ của Phương Quang Diệm thật không có vẻ gì ra người biết võ nghệ, mỗi khi cất lời nói mỉm cười nụ, đầu mày cuối mắt thật hệt như cô gái yêu kiều mỹ lệ. Liễu Tinh Đởm đoán chắc là không phải con trai Phương Kế Võ, nên chàng không dám nói rõ mối thù của cha cho biết.
Phương Quang Diệm xem bộ Liễu Tinh Đởm ra ý nghi ngờ mình nên không dám để khăn gói xuống sợ mình biết rõ vật trong ấy. Phương Quang Diệm vờ hỏi :
- Lệnh tôn xuất ngoại chuyến này chắc là phát tài lắm, nên cái khăn gói của thế huynh kia gói nhiều vàng bạc trong ấy, vậy giờ định đi đâu?
Liễu Tinh Đởm lạnh lùng đáp :
- Phụ thân tôi tuy là khách giang hồ thực, nhưng chừa hề lấy những của phi nghĩa bao giờ, thế huynh sao nỡ bảo khăn gói của tôi chứa vàng bạc, chẳng hóa coi khinh nhau lắm ư?
Phương Quang Diệm cười lạt nói :
- Nếu trong khăn gói ấy không phải vàng bạc chắc phải đựng vật quý trọng hơn vàng bạc, vậy muốn phiền thế huynh cho tôi xem thử với.
Liễu Tinh Đởm cho Phương Quang Diệm là đồ vô loại thì không thèm đáp, quay đầu chạy ra ngoài cửa.
Mẹ con Ngô Tiểu Ất đuổi theo gọi chàng cũng không thưa, Phương Quang Diệm thấy thế nhảy vọt ra nhanh như con quạ theo bắt con gà con, liền với lấy cái khăn gói của Liễu Tinh Đởm đang đeo trên vai.
Liễu Tinh Đởm vội giật trở lại, thành thử hai người cùng giằng co nhau cái khăn gói rồi đều tuốt gươm đảo lộn coi lấp lánh như hai luồng điện chớp rồi buông ra những tiếng kêu loảng xoảng rất kinh hồn, trước còn thấy rõ hình người, sau chỉ thấy như hai con chong chóng xoay tít trên mặt đất có lẽ sắp xảy ra cuộc đổ máu và gây ra nguy hại đến tính mạng thực là nguy hiểm.
Giữa lúc đó bỗng thấy bà mẹ Ngô Tiểu Ất giơ tay vẫy một cái, tức thì cánh tay Liễu Tinh Đởm hình như bị một vật gì ném trúng đau buốt thấu tận xương, nên thanh gươm trong tay và cái khăn gói đầu người đeo trên vai, trong lúc bất phòng đều bị Phương Quang Diệm cướp chạy mất.
Lúc ấy Liễu Tinh Đởm không ngờ con người giả danh là Phương Quang Diệm lại có kiếm pháp tài giỏi như thế, lại không ngờ mẹ Ngô Tiểu Ất cũng võ nghệ cao cường đã giúp kẻ địch, lại ném chàng một mũi “Mai Hoa trâm” vào cánh tay đau buốt tận xương không thể cựa quậy được, thậm chí cánh tay chỉ thẳng đơ, giơ lên hạ xuống, co vào duỗi ra cũng không được, hình như bị mấy nghìn mũi kim đâm chích trong bắp thịt vậy.
Chàng sực nghĩ đến thù cha chưa trả mà thanh kiếm báu, thủ cấp cha lại bị người cướp mất, nên phần thì uất ức, phần thì đau buốt nằm chết ngất đi dưới đất.
Mẹ con Ngô Tiểu Ất liền vực Liễu Tinh Đởm dậy cởi áo để hòn đá nam châm vào cánh tay bị thương hút mũi “Mai Hoa trâm” ra, lúc đó Liễu Tinh Đởm mới tỉnh lại, chàng nắm chặt lấy cánh tay mẹ Ngô Tiểu Ất hỏi :
- Thưa bà, nếu giết hay tha tôi cũng tùy bà, nhưng bà ra ơn cho tôi xin cái khăn gói vừa rồi.
Bà mẹ Ngô Tiểu Ất tỏ ý chân thật nói :
- Tôi ném mũi “Mai Hoa trâm” vừa rồi không phải có ý hại cậu đâu, xin cậu cứ đến Sơn Tây mới rõ việc ấy, còn cái khăn gói và thanh kiếm khi đó tự nhiên có người đem trả, và sau này sẽ giúp việc báo thù cho lệnh tôn nữa.
Liễu Tinh Đởm nghe nói lấy làm lạ, quả bà ta không có ý gì hại chàng thực, nhưng cha con chàng ở đây đã lâu mà không biết bà ta là một vị nữ trung hào kiệt, còn mối thù của cha chàng tất bà hiểu rõ cả, chỉ vì không tiện nói ra thật là một cách hành tung quỷ bí.
Liễu Tinh Đởm càng nghĩ càng cho bà ta có tài kinh thiên động địa, chẳng lẽ gặp hạng người ấy mà bỏ qua không cố yêu cầu để giúp báo thù cha, rồi cùng đến Sơn Tây nhờ nốt cả Phương Kế Võ luôn thể thì bỏ lỡ cơ hội may mất. Chàng liền khấu đầu lạy bà mẹ Ngô Tiểu Ất rồi thiết tha nói :
- Tôi thực có mắt như mù không biết bà là vị bồ tát hiền từ, xin bà gia ân cứu vớt giùm cho.
Bà mẹ Ngô Tiểu Ất không đợi cho chàng nói hết lời liền nghiêm sắc mặt nói :
- Nếu già có thể giúp cậu làm trọn việc hiền đạo thì cậu không cần phải nói.
Nhưng cũng may cái khăn gói và thanh kiếm bị người cướp đi không ở bên người cậu, thì cậu đến Sơn Tây mới được bình an vô sự, không những sau này cậu trả được thù mà lại lấy được người vợ tốt đẹp nữa. Thôi, cậu cứ nghe già mau lên đường không cần phải nói nhiều lời.
Liễu Tinh Đởm bất đắc chí phải bái biệt mẹ con Ngô Tiểu Ất để lên đường, bà ta lại dặn với theo chàng dọc đường phải chú ý đến bọn khách giang hồ.
Đường trường nghìn dặm, ngày kia Liễu Tinh Đởm đến địa giới Sơn Tây tìm vào làng Phương Gia, thấy nhà họ Phương lầu các nguy nga, nghiễm nhiên là một nhà phú hộ, trước cửa có đào hào bắc cao, chung quanh nhà cây cối bao la.
Liễu Tinh Đởm bước đến gõ cửa gọi, hồi lâu không thấy tiếng người thưa, chàng phải đi vòng ra phía sau thấy cửa vườn bỏ ngõ, nhìn vào trong vườn cỏ hoa rực rỡ không thấy chán mắt, xa xa thấy một cô gái mặc áo màu lục đứng tựa dưới gốc cây mai. Liễu Tinh Đởm thấy cảnh lại cảm xúc nỗi buồn trong lòng, chàng liền bước vào cửa vườn bỗng đâu phía sau có tiếng người quát mắng :
- Thằng khốn nào kia dám cả gan lẻn vào lén nhìn trộm con gái nhà khuê các. Bước ngay, không ta kéo cổ bây giờ.
Liễu Tinh Đởm ngoảnh lại thấy một vị hào hoa công tử, đầu mày cuối mắt đang phát hiện ra vẻ tinh anh kinh người, coi bộ mặt tuy giận dữ mà không có vẻ cau có. Liễu Tinh Đởm bèn nghiêm chỉnh nói :
- Tôi là Liễu Tinh Đởm người ở An Huy, không quản ngàn dặm mà tìm đến quý phủ đây, vì cửa lớn đằng trước đã đóng nên phải vào cửa sau, thật không có ý gì dám dòm nom, xin công tử miễn thứ.
Chàng công tử nghe xong liền đổi ngay nét mặt tươi cười, rồi nhìn về gốc cây mai đàng phía xa gọi to lên :
- Có khách đến chơi, hiền muội mau đi vào!
Cô thiếu nữ hình như biết ý từ trước đã quay vào trong nhà, Liễu Tinh Đởm cũng đoán chắc thiếu nữ là con gái nhà họ Phương.
Chàng công tử này mới đích thực là Phương Quang Diệm, con trai Phương Kế Võ. Lúc ấy chàng dắt tay Liễu Tinh Đởm vào trong nhà mời ngồi chơi rồi nói :
- Thế huynh đến chơi gia phụ cũng chưa biết, vậy để tiểu đệ vào báo tin.
Phương Quang Diệm nói rồi đi vào trong nhà, Liễu Tinh Đởm ngồi chờ hồi lâu nghe tiếng chân người xa xa biết ở trong nhà rồi thấy Phương Quang Diệm với một ông cụ già đi ra. Ông cụ ấy mặt mũi đầy đặn có vẻ từ thiện, chòm râu trắng tinh như bạc buông thõng xuống quá ngực coi vẫn còn tinh thần tráng kiện lắm.
Ông cụ ra gần đến nơi bỗng ho lên một tiếng, khiến chàng nghe giống hệt như tiếng người ho ở trong nhà chàng mấy đêm hôm trước, làm trong lòng đau đớn hai dòng lệ tuôn xuống như mưa vì không ngờ người giết cha chàng lại là Phương Kế Võ vì Liễu Tinh Đởm nghe tiếng ho thì nghi cho Phương Kế Võ giết cha chàng quăng đầu vào nhà và để danh thiếp lại gieo vạ cho tên Địch Long Tuấn nào đó giết người, lúc ấy chàng liền nghĩ Phương Kế Võ lập tâm ác độc như thế, lòng những muốn báo thù lại e võ nghệ của mình đối với Phương Kế Võ khác nào như trứng chọi đá, nhưng chàng đã quyết tâm dẫu chết ngay cũng không cần.
Nghĩ rồi Liễu Tinh Đởm liền đứng lên lăm le giữ thế trước chờ cho cha con Phương Kế Võ vừa đến nơi, chàng liền nhảy xổ ra quát lên một tiếng dữ dội :
- Lão tặc, ta cùng ngươi sống chết phen này!
Dứt lời Liễu Tinh Đởm dùng hết sức đấm một quả rất mạnh vào đỉnh đầu Phương Kế Võ, quả đấm ấy có sức mạnh ngàn cân, tưởng chừng như đá cũng nát vụn, nhưng không ngờ đánh trúng đầu Phương Kế Võ thấy cứng như hòn sắt nguội, quả đấm của chàng phải bật trở lại, năm ngón tay tê chồn không thể nào cựa quậy được mà đầu Phương Kế Võ vẫn y nguyên không việc gì, chàng lại vươn tay giơ quả đấm chực xông đánh nữa, Quang Diệm đứng đó cả giận liền tuốt gươm lên xông vào định chém Liễu Tinh Đởm ngay lúc ấy, nhưng Phương Kế Võ đã vội mắng :
- Thằng súc sinh không được làm càn, nếu giết người thì ta sẽ trả lời thế nào khi xuống suối vàng gặp cha hắn chứ?
Phương Quang Diệm tuân lời cha ngừng lại, tra thanh kiếm vào trong vỏ.
Phương Kế Võ trên gương mặt lại hiện ra một vẻ hiền từ và ôn hòa để khuyên nhủ Liễu Tinh Đởm :
- Liễu hiền điệt sao lại nghĩ sai lầm như thế? Hiền điệt há không hiểu rõ lòng ta hay sao? Nếu ta là người giết cha hiền điệt thì sao không giết cả hiền điệt luôn thể, dẫu hiền điệt muốn trốn đâu cũng không thoát khỏi tay ta. Ta quyết không phải hạng người đại gian đại ác như thế, nhưng vì kẻ thù giết cha hiền điệt bản lãnh còn cao cường hơn ta nhiều, nên ta đã sử dụng hết tâm cơ bỏ đầu người vào nhà hiền điệt mới đến đây vô sự, thôi hiền điệt hẳn vào chơi trong này rồi ta sẽ kể chuyện cho nghe.
Bấy giờ Liễu Tinh Đởm mới tỉnh ngộ, chàng vội xin lỗi cha con Phương Kế Võ rồi vào trong sảnh đường và thuật rõ câu chuyện đêm khuya thấy đầu cha trong nhà và định đến đây cầu cứu cho cha con Phương Kế Võ nghe, sau lại nói :
- Tiểu điệt thật không biết lão bá đã có công đưa đầu phụ thân đến nhà nhưng kẻ giết phụ thân tiểu điệt ở đâu, là ai, cúi xin lão bá giúp đỡ một tay để báo thù, thì ơn đức như tái tạo muôn đời không quên.
Phương Kế Võ có vẻ buồn rầu nói :
- Không phải ta không muốn giúp hiền điệt, nhưng thật tài nghệ của ta không phải tay đối thủ với kẻ thù, dầu có giúp cũng không ích gì. Ta phải sai người đi cướp đầu phụ thân hiền điệt và thanh bảo kiếm đến đây thì dọc đường hiền điệt mới được vô sự, nếu để hiền điệt mang đầu người và cây Thanh Phong kiếm là vật báu gia truyền ở bên mình thì không che mắt kẻ thù, tất chẳng khỏi sự nguy hiểm, cho dẫu có đi thoát chăng nữa e bị địa phương khám thấy lại thêm trắc trở cho sự báo thù, hiền điệt hiểu chưa?
Liễu Tinh Đởm vẫn hiện ra nét mặt ngơ ngẩn chưa hiểu rõ.
Phương Kế Võ lại nói :
- Ta cần hỏi hiền điệt, cái uy danh lừng lẫy của phụ thân hiền điệt trên chốn giang hồ ai là người chẳng biết, thì kẻ thù đã giết cha hiền điệt lẽ nào không tìm đến An Huy giết nốt con cho tiệt mối họa về sau? Nên ta bỏ đầu người để nhử cho hiền điệt ra khỏi nhà kẻo lại bị giết về tay kẻ thù. Còn bà mẹ Ngô Tiểu Ất với chàng giả danh Phương Quang Diệm đều là cơ mưu ta bày đặt ra đó.
Liễu Tinh Đởm ngạc nhiên hỏi :
- Khi lão bá đến bỏ đầu phụ thân tiểu điệt vào nhà, vậy sao lúc ấy không đưa ngay tiểu điệt đến đây có tiện việc không?
Phương Kế Võ lắc đầu nói :
- Không được, nếu thế kẻ thù nó biết lại sinh sự với ta, mà tài nghệ ta không thể địch nổi nó.
Liễu Tinh Đởm lại hỏi :
- Thưa lão bá, ở địa hạt Sơn Tây này có ai là Địch Long Tuấn không?
Phương Kế Võ thản nhiên nói :
- Người trong đời biết đâu cho hết được, hiện nay bọn khách giang hồ phần nhiều là phường giá áo túi cơm cả. Duy có bà mẹ Ngô Tiểu Ất là tay nữ trung hào kiệt mà đời thường không biết đến, vì bà ta có tiết tháo không làm việc hiếu danh bao giờ, đến như con trai bà ta cũng không truyền võ nghệ lại, không như ta với phụ thân hiền điệt khắp mặt khách anh hùng hào kiệt đều biết oai. Họ lưu ý đến hai ta như hai ngón tay cái lớn, còn như mối đại thù của phụ thân hiền điệt bây giờ ta không tiện nói ra, âu để ta dự mưu báo phục về sau, về phần thanh gươm với đầu người, ta đã chôn cất kỹ một nơi, hiền điệt cứ yên tâm không cần hỏi đến nữa. Nay cần thiết hiền điệt phải tìm đến ngay rặng núi Miên Sơn địa hạt Bình Giao, tất thể nào cũng gặp bậc dị nhân trên núi ấy, nếu hiền điệt chịu khổ tâm theo bậc dị nhân đó học nghệ, chờ khi thành tài thì sẽ trả được mối thù của cha.
Nhưng ta xin dặn hiền điệt một câu phải nhớ kỹ trong lòng, là hiền điệt không có lòng học tập võ nghệ thì thôi, đã có lòng báo thù cha thì dù khổ sở đến đâu cũng phải chịu khó mới được. Ấy là chỉ có lời thành thực để khuyên nhủ hiền điệt đó thôi, hiền điệt khá thận trọng lên đường đi ngay.
Liễu Tinh Đởm chưa kịp hỏi lại thì Phương Kế Võ đã đi vào trong nhà.
Lúc ấy Phương Quang Diệm cũng làm ra vẻ tươi cười nói :
- Xin thế huynh tha lỗi, vì lúc này không thể trọn nghĩa chủ khách được.
Liễu Tinh Đởm nghiêm sắc nói :
- Chỗ anh em cần gì phải giở chuyện khách sáo ấy, nhưng bậc dị nhân đó tiểu đệ quên chưa hỏi rõ tên họ, vậy xin phiền thế huynh vào thưa giùm với lệnh tôn cho biết. Kẻo đi đến Miên Sơn tìm lầm người chăng?
Phương Quang Diệm lại hỏi :
- Gia phụ đã bảo thế huynh đi thì thể nào cũng tìm thấy và trên núi không còn người thứ hai nào nữa đáng làm thầy thế huynh. Thôi non sông còn kia, chúng ta sẽ có ngày gặp nhau.
Dứt lời Phương Quang Diệm chắp tay chào như muốn tiễn khách đi. Liễu Tinh Đởm bất đắc dĩ phải theo chàng ra ngoài cửa trang, chàng lại tặng cho hai mươi lạng bạc làm lộ phí. Liễu Tinh Đởm thu nhận số tiền rồi tạ ơn Phương Quang Diệm lên đường.
Ngày kia Liễu Tinh Đởm đi đến chân rặng núi Miên Sơn, quả núi ấy xanh rờn cao chót vót giáp từng mây, rồi nhũ đá buông thõng xuống tỏa ra như làn khói tuôn rơi rất quái quắc, tức là nơi chỉ hai nghìn năm về trước của nhà Quốc Sĩ Thôi đời chiến quốc quy ẩn ở đấy.
Liễu Tinh Đởm từ hôm lên đến quả núi ấy đã dụng công tìm kiếm luôn mấy ngày cũng không thấy ai là bậc dị nhân, nên thường khi đêm khuya chàng ngồi tựa mỏm đá trên núi, sực nghĩ đến thù cha chưa trả thì trong lòng đau đớn, bất giác khóc òa lên tiếng nghe rất là thê thảm, rồi cứ mỗi tối chàng vào ngủ ở những tòa cổ miếu đổ nát, và trong khu rừng hoang không còn sợ gì đến loài mãnh thú cùng ma quái vì chàng đã liều chết chỉ cốt trong người có gói lương khô ăn lót dạ.
Cách mấy hôm sau, Liễu Tinh Đởm xuống núi tìm một nơi thôn dã, vì chàng nghe đồn ở đấy có người đạo sĩ mới vân du đến là tay thần thông quảng đại. Liễu Tinh Đởm tự cho người đạo sĩ ấy là bậc dị nhân, nếu được làm trò để học nghệ thì mối thù cha báo phục dễ như trở bàn tay, khi chàng đi đến đầu thôn quả đã thấy một đám đông người đang xúm lại xem một người đạo sĩ đầu trọc lông lốc, người đạo sĩ bưng bát thịt mỡ đang ăn dữ dội như con hổ đói mất mồi.
Liễu Tinh Đởm gạt người đứng xem ra rồi vào quỳ trước mặt đạo sĩ khấu đầu thưa :
- Đệ tử họ Liễu tên Tinh Đởm, hiện đến đây cầu thầy đã ba tháng nay, bây giờ có duyên mới được gặp sư phụ, xin người ra ơn thu nhận đệ tử làm học trò!
Đạo sĩ nghe nói cười khanh khách nói :
- Nhà người lầm rồi đó! Ta có tài đức gì mà cầu làm thầy?
Liễu Tinh Đởm cố năn nỉ :
- Bẩm sư phụ nhủ lòng thương cho đệ tử được nhờ.
Đạo sĩ đưa mắt nhìn Liễu Tinh Đởm rồi cười khanh khách nói :
- Quái lạ hình như ta gặp ngươi ở phương cực lạc thế giới một lần, chỉ cách độ hai mươi năm mà nhà ngươi đã thay hình đổi dạng đến thế này! Thực là không duyên chưa chắc đã gặp.
Dứt lời đạo sĩ liền ghé tai vào Liễu Tinh Đởm nói thầm mấy câu rồi đứng dậy rủ tay áo ra đi thẳng.
Canh ba đêm hôm ấy, Liễu Tinh Đởm lần đến một nơi chân núi, đã thấy một đạo sĩ ngồi nhắm mắt xếp bằng tròn nên tảng đá lớn, chàng vội đến quỳ ở trước mặt.
Hình như đạo sĩ đã biết trước liền mở trừng mắt đứng phắt dậy quát hỏi :
- Nhà ngươi đến đây có việc gì?
Liễu Tinh Đởm cung kính đáp :
- Bẩm sư phụ đã hẹn đệ tử đến đây để truyền dạy đạo pháp.
Chàng nói rồi cúi rạp xuống khấu đầu làm lễ.
Đạo sĩ dõng dạc nói :
- Phàm người muốn học đạo phải cốt nhất tấm lòng lương thiện không gian ác, và không nên tích chứa những phù vân trong người vì vật ấy hay làm mê hoặc lòng đạo. Nhưng ta xét trong người nhà ngươi bây giờ hình như có đồ “ngân khí” ám ảnh, vậy phải bỏ đi thì mới có thể theo ta học tập được.
Liễu Tinh Đởm kinh ngạc nói :
- Quả trong mình đệ tử có bốn chục lạng bạc thực, xin chịu sư phụ xét đoán rõ như vầng trăng sáng.
Liễu Tinh Đởm nói rồi móc túi lấy bốn chục lạng bạc đưa ra, đạo sĩ cầm lấy số bạc rồi nhìn nói :
- Đó là mấy hòn đá nhỏ để ngươi đắc đạo, điểm thành vàng bạc, như năm trăm năm về sau nó lại khôi phục nguyên chất đá, nếu để trên đời tức nó hại người năm trăm năm về sau, âu là ta đưa nó sang phương cực lạc thế giới cho rảnh.
Đạo sĩ nói rồi liền bỏ bốn chục lạng bạc vào trong hồ bao.
Liễu Tinh Đởm bèn hỏi :
- Thế sư phụ bỏ vật ấy trong người không sợ ám ảnh ư?
Đạo sĩ thừa cơ nói :
- Ta thì có thể được, vì người đạo pháp đã cao cường.
Đạo sĩ lại móc túi lấy một hòn đá lửa và một nén hương đưa cho Liễu Tinh Đởm rồi nói :
- Nhà ngươi khá giữ hai vật này mà đánh lửa châm lên rồi cầm nén hương ngồi xếp chân bàn tròn tĩnh dưỡng, để ta sang bên cực lạc thế giới chừng đến canh năm sẽ về đây truyền thụ đạo pháp cho nhà ngươi.
Dứt lời đạo sĩ cắm đầu đi một mạch ra khỏi rặng núi ấy.
Liễu Tinh Đởm nghe lời đạo sĩ châm nén hương ngồi xếp chân trên tảng đá bỗng ngửi thấy khói núi thơm như mùi lan xạ vào tận gan óc, rồi chàng ngã phục xuống gửi hồn vào trong cõi hôn mê. Đến khi chàng tỉnh dậy thì trời đã sáng bạch, vầng đông đã lên cao khỏi ngọn cây chiếu xuống khu rừng sắc đỏ ối.
Bấy giờ Liễu Tinh Đởm mới tỉnh ngộ, là bị tên đạo sĩ lừa mất bốn mươi lạng bạc, mà cách lừa của hắn rất tài tình, bắt chàng phải tự ngửi lấy hương mê và kính trọng hắn như thần thánh, thực không ngờ lại có người lừa lọc “nước thượng” như thế, nhưng cũng may cho chàng hãy còn gói lương khô trong mình không đến nỗi phải nhịn đói.
Đêm hôm ấy gió thổi lạnh lùng, vầng trăng bạc trên không trung sáng tỏ như ban ngày, có lẽ vẻ mặt hằng nga trên kia thiên cổ không già, mà lúc nào cũng vui sướng không biết gì đến những nỗi thảm thê của bọn khách trần ai?
Liễu Tinh Đởm đối cảnh sinh ly không biết bao giờ mới gặp bậc dị nhân để báo phục mối thù cha, chàng chỉ ngồi ngửa mặt lên trời nhìn trăng trong lòng đau như cắt đi từng khúc một.
Hồi lâu chàng lững thững đi vào trong rừng thông, chợt thấy một ông lão ăn mày nằm dưới gốc cây, đầu tóc trơ trụi, nửa thân trên cởi trần không áo, nửa thân dưới chỉ che một mảnh bườm rơm dơ dáy, người gầy đét như bộ xương ma đang rên rỉ kêu :
- Trời ơi! Tôi đói quá, không biết lấy gì ăn cho sống được bây giờ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.