Hào Hoa Kiếm Khách

Chương 2: Trăng nuớc Tần Hoài




Tần Hoài là một thị trường trác táng thuộc hạng nhất nhì khắp mười ba tỉnh Trung Nguyên.
Có trác táng là có mua vui, khách mua vui nốc rượu vào để phát xuất những trận cười như pháo. Khách bán vui uống lệ dằn lòng, cố nở hoa cười cho giá bán được cao hơn.
Mặc cho nội tâm như thế nào ca kỹ phải tuân theo một quy lệ: cười!
Trên tất cả mọi con thuyền có bao nhiêu ca kỹ là bao nhiêu nàng cũng nở nụ cười, Không tươi cũng cố gắng cho tươi, không phải lúc cười cũng cố gắng cười. Cười không cần khách nhìn nụ cười. Họ cười để cho nam nhân có dịp cười.
Nhưng có quy lệ phải có ngoại lệ, cần phải có ngoại lệ để làm nổi bật cái lệ cũng như sự phạm pháp nuôi dưỡng luật lệ trường tồn.
Ngoại lệ đó được thấy bên một chiếc thuyền hoa lệ.
Trong thuyền có danh kỹ số một của Tần Hoài là Kim Tử Yến.
Không danh từ để mô tả đúng cái đẹp của nàng. Ngàn vàng để đổi lấy một nụ cười của nàng cũng còn rẻ giá! Nàng đang cười.
Hiện tại nàng đang đối diện với một nam nhân, nam nhân trái lại không cười, đôi mắt long lanh lệ.
Nam nhân thuộc mẫu mỹ nam tử, song y phuc tầm thường, bất quá bộ y phục của chàng rất tinh khiết.
Tại sao nàng cười mà nam nhân khóc.
Từ ngày nàng nổi danh tại bến Tần Hoài lần thứ nhất nàng mới gặp một nam nhân đáp đúng nguyện vọng của nàng.
Và cuộc gặp gở giữa nhau kể cả hôm nay nữa vừa đúng ba hôm thôi.
Nam nhân si tình nàng, cái đó khỏi phải nói bởi nam nhân nào đền Tần Hoài này gặp Kim Tử Yến rồi lại chẳng ngây ngất si dại với nàng.
Mà chính nàng cũng mãn nguyện luôn thì đương nhiên họ trở thành đôi tình nhân cực kỳ khắng khít.
Nàng cười như đóa hoa nở với tất cả sức nở của các cánh hoa.
Còn chàng. Chàng là ai. Tại sao chàng khóc khi đối diện với giai nhân.
Không! Không phải khóc: Nữ nhân không bao giờ đồng tâm với một nam nhân ưa khóc, khóc dễ dàng. Bất quá chàng uống nhiều rượu quá nên mắt ướt, ướt nhiều thì có nước chảy ra. Bởi chàng không lau, hoặc giả chàng đang sặc rượu nên lệ đượm quanh tròng.
Trên bàn thức ăn còn nguyên vẹn, song có đến sáu bình rượu. Sáu chiếc bình không!
Hiện tại chàng với tay chụp chiếc bình thứ bảy, rồi chàng mở mắt ngã ngửa đầu rót rượu vào miệng.
Sau đó chàng sặc sụa, sặc một lúc lâu kịch liệt hơn những lần trước, sặc đến khom lưng, mặt trắng biến xanh vì rượu, biến sang đỏ vì sặc.
Nước mắt ràn rụa rồi kết thành dòng chảy xuống.
Tiếng sặc ngưng, Kim Tử Yến không cười nữa, nàng vốn thích những tay thừa hào khí. Cái lối uống rượu đó làm cho nàng rất hài lòng.
Nàng động tâm về lối uống rượu song lại thương tâm về tiếng sặc.
Vuốt nhẹ lưng chàng nàng hỏi :
- Chắc đêm qua ngủ không đắp chăn nên lạnh phổi sanh ho phải không. Sao ngủ không đắp chăn. Đêm qua trời khá lạnh đấy!
Nam nhân lắc đầu :
- Không có ai đắp cho cả!
Kim Tử Yến mỉm cười :
- Làm như trẻ con không bằng! Này, Yến Thanh, tôi đâu còn cách gì hơn! Đêm qua Mã Bách Bình công tử tìm tôi quấy rầy đến sáng. Tôi đâu có quên công tử! Công tử phải biết vì chén cơm manh áo tôi không thể không tiếp Mã công tử! Mã Bách Bình làm chủ hai tiêu cục, bốn cửa hiệu tơ lụa, mười sáu tiệm gạo...
Yến Thanh, phải, nam nhân đó là Lãng Tử Yến Thanh, lộ vẻ giận thốt :
- Tại hạ biết! Hắn có tiền! Có tiền thì mua thần mua thánh còn được nói chi đến việc mua người!
Kim Tử Yến vẫn cười :
- Không hẳn là vậy. Tại đất Kim Lăng này có thiếu chi nhà thừa máu mặt, Chẳng qua y có nhiều thế lực hơn những tay giàu có khác y. Chấp chánh quyền, lại xuất thân từ danh gia tai địa phương, giao du với khách giang hồ. Có ba ưu điểm đó, y phải nổi bật giữa đám đông. Đối với con người như thế nếu tôi khước từ thì còn ở lại đây làm ăn sao được chứ! Chắc công tử không nỡ để tôi phải đói!
Thốt xong, nàng rút khăn tay trong áo lau lệ cho chàng.
Lau đến miệng nàng thấy cái khăn lốm đốm vết đỏ, vội kêu lên :
- Yến Thanh! Cái gì đây!
Yến Thanh nhìn xuống đáp :
- Máu!
Kim Tử Yến hỏi gấp :
- Công tử mửa máu.
Yến Thanh lắc đầu :
- Không quan hệ! Bịnh cũ mà! Lúc nhỏ đã có như vậy rồi, không phải bị lao đâu mà là xuất huyết. Bởi đánh nhau với người nên mang nội thương, thỉnh thoảng lại xuất huyết vậy thôi.
Kim Tử Yến lại hỏi :
- Bản chất nho nhã như vậy mà cũng thích đánh nhau nữa à.
Yến Thanh mỉm cười :
- Tại cái tính khí nó hại tại hạ đó. Cho nên văn cũng hư võ cũng hỏng! Bây giờ thì cái gì cũng dở dang đành phải mang kiếm phiêu bạt khắp sông hồ, không sự nghiệp không nhà cửa!
Kim Tử Yến tặc lưỡi :
- Công tử giảm rượu một chút có được không. Rượu hay làm giảm sức khỏe, khích động nội thương!
Yến Thanh đáp :
- Tại cô nương thích cái lối uống rượu của tại hạ mà tại hạ cũng quen cái lối uống như thế mất rồi! Cô nương yên trí! Tại hạ có tửu lượng khá lắm, không dễ gì rượu làm cho say đâu!
Chàng với tay lấy chiếc bình thứ tám.
Kim Tử Yến lấy mắt ra hiệu cho liễu đầu có phận sự hâm rượu.
Liễu đầu tên Cầm nhi cười thốt.
- Yến thiếu gia. Uống gì mà nhanh thế! Rượu không nóng kịp cho đâu.
Yến Thanh điềm nhiên :
- Không có rượu nóng thì uống rượu nguội!
Kim Tử Yến trầm gương mặt :
- Nói nhảm! Rượu nguội độc lắm, dễ khích động nội thương lại làm cho mau say!
Yến Thanh lắc đầu :
- Say thì say! Hôm nay tai hạ muốn say. Say để quên sầu ly biệt bởi ngày mai tại hạ sẽ chẳng biết mình sẽ ở tại địa phương nào. Tử Yến cô nương, đừng ngăn trở cái hứng của tại hạ!
Kim Tử Yến giật mình :
- Công tử nói sao. Công tử muốn đi. Đi đâu.
Yến Thanh cười khổ :
- Nơi nào mà chẳng đi được. Đi đâu cũng được bởi không thể ở thì phải đi!
Kim Tử Yến hỏi :
- Tại sao không thể ở!
Yến Thanh thở dài :
- Túi rổng, tiền cạn, chẳng lẽ ăn quịt, uống quịt!
Kim Tử Yến hỏi gấp :
- Công tử hết tiền.
Yến Thanh cười nhẹ :
- Tại hạ đã nói túi rổng, tiền cạn! Lãnh việc hộ viện tại Dư Hàn tai hạ được món thù lao bốn trăm lượng. Đến Tần Hoài mấy hôm tại hạ tiêu xài hết cả rồi. Hiện tại chẳng còn một đồng một chữ nơi mình.
Kim Tử Yến cau mày :
- Tôi biết công tử nghèo nên ba hôm nay tôi chỉ lấy sáu mươi lượng trao cho nghĩa mẫu trang trải mọi phí tổn rượu thịt. Phần tôi chẳng đòi hỏi một đồng nào, tiền thưởng Cầm Như hầu hạ chính tôi xuất tiền riêng cho nó. Công tử còn lại ba trăm bốn mươi lượng tiêu vào việc gì mà hết nhẵn.
Yến Thanh đáp :
- Cho người ta hết trơn! Vừa đến địa phương này đi ngang qua miếu Phu Tử tại hạ thấy một lão nhân sống với nghề mãi võ lâm bịnh bất ngờ mà chết. Trong mình không có một chử một đồng, bỏ lại một đứa cháu gái độ mười một tuổi trong cảnh cô độc bơ vơ, đứa bé muốn bán mình lấy tiền chôn cất lão. Tại hạ bèn dốc túi tặng ba trăm lượng!
Kim Tử Yến cau mày :
- Công tử rộng lượng quá!
Yến Thanh lắc đầu :
- Không phải đại lượng mà là đồng tình. Không phải đồng tình về lẽ sống mà là đồng tình vì cái chết của lão nhân! Một cái chết nơi đất lạ quê người, không thân nhân, không bằng hữu, không một đồng loại thương xót bố thí cho chiếc quan tài chôn vùi thi thể. Trong tương lai, có thể kết cuộc của tại hạ cũng giống như vậy nên gieo nhân mong mỏi ngày tàn hái được quả, ngày thê thảm của tại hạ sẽ có một tấm lòng nhân từ nào đó lo liệu cho hậu sự, Tránh được cái nạn đói lạnh xơ xác!
Kim Từ Yến hỏi :
- Cũng được đi! Thế còn bốn mươi lượng nữa.
Yến Thanh tiếp :
- Tiêu xài trong cuộc hành trình từ Dư Hàn đến đây hết hai mươi lượng, còn hai mươi lượng thì mua một thanh kiếm.
Kim Từ Yến hừ một tiếng :
- Mua kiếm để làm gì. Chẳng lẽ định làm cường đạo!
Yến Thanh mỉm cười :
- Nếu tại hạ chịu làm cường đạo thì đâu đến đỗi sống lang thang như thế này. Vị lão sư dạy tại hạ học võ công thường khuyên nhủ tại hạ đừng bao giờ chen mình trong hắc đạo.
Kim Tử Yến hỏi :
- Lão sư của công tử là ai.
Yến Thanh đáp :
- Tam Bạch tiên sinh!
Kim Tử Yến kinh hãi kêu lên :
- Công tử là đệ tử của Cầm Long kiếm khách Tam Bạch tiên sinh. Nếu vậy thì vinh diệu quá!
Yến Thanh chớp mắt :
- Cô nương làm sao biết được danh hiệu của sư phụ tại hạ!
Kim Tử Yến giải thích :
- Đêm qua Mã công tử có thỉnh nhân vật trên giang hồ cùng uống rượu, họ có nhắc nhờ đến mấy vị đại kiếm khách trong số đó có tên lão sư của công tử. Họ có vẻ tôn kính lão sư lắm. Họ nói là lão sư từ mười mấy năm nay tuyệt tích giang hồ!
Yến Thanh thốt :
- Lão nhân gia đã quá cố hơn mười năm rồi. Người chết sau ba năm thu nhận tại hạ làm đệ tử. Rất tiếc là tại hạ chỉ học có ba năm thôi! Nếu tiên sư không thất lộc sớm thì tại hạ đã được người chỉ điểm thêm nhiều hơn. Tài nghệ của tại hạ đâu đến nỗi quá hèo như hiện tại! Không chừng tại hạ cũng được nổi danh ít nhiều.
Kim Tử Yến tiếp :
- Cầm Long thập bát kiếm của Tam Bạch tiên sinh vốn đơn giản, tuy nhiên biến hóa vô cùng. Nếu có bản chất thông minh thì không cần phải học lâu dài. Chỉ tập luyện trong vòng đôi ba năm là có hy vọng thành công!
Yến Thanh tán :
- Chừng như cô nương biết không ít về võ học vậy!
Kim Tử Yến vội đáp :
- Tôi chỉ nghe các vị đó bàn luận trong đêm rồi thôi!
Đoạn nàng hỏi :
- Đã là đệ tử của một đại kiếm khách sao công tử lại chẳng có một thanh kiếm mà dùng, mãi đến bây giờ mới mua.
Yến Thanh thở dài :
- Tiên sư truyền thanh kiếm của mình cho tai hạ, nhưng tai hạ xét thân phận mình chằng ra cái quái gì nên không dám dùng một thanh kiếm quý như thanh đó sợ làm nhục lây đến người có công dạy dỗ mình, cho nên, tại hạ chôn thanh kiếm bên cạnh mộ của người rồi ở đó cư tang quái hiếu đúng ba năm. Khi rời phần mộ, tại hạ không có một nghề nào khả dĩ nuôi thân bắt buột phải lảnh việc hộ viên cho thiên hạ. Lúc hành sự thì mượn vũ khí của đồng bọn. Mãi đến sau này nhân có tiền mới mua phứt một thanh kiếm mà dùng. Mua thanh kiếm để khi nào rỗi rảnh, ôn lại những gì đã được tiên sư chỉ điểm ngày trước.
Kim Từ Yến mỉm cười :
- Lịnh tiên sư đã chết hơn mười năm qua, đáng lẽ trong thời gian đó công từ lập được một cái danh lợi gì rồi.
Yến Thanh lắc đầu :
- Danh chi mà lập cô nương! Cơm ngày hai bữa còn không đủ ăn, tài năng chi đó mà hòng lập danh lập nghiệp! Tiên sư không bằng hữu mà tại hạ mong nhờ ai dìu dắt. Lấy danh nghĩa tôn sư thì sợ làm mất thinh danh của người. Tự mình đi gõ cửa khắp nơi thì chẳng ai dám dùng một kẻ có lai lịch bất minh, cho nên tại hạ mất nhiều chỗ làm trong những tiêu cục. Cuối cùng may mắn xin được một chân hộ viện, tại hạ cho rằng có thể tạm thời yên thân qua một thời gian.
Kim Từ Yến suy nghĩ một chút :
- Mã Bách Bình có hai tiêu cục, để tôi giới thiệu công tử vào làm trong một tiêu cục của y chắc là y chấp nhận!
Yến Thanh mỉm cười :
- Nếu cần nhờ nữ nhân mà có cơm ăn thì tại hạ đưa chiêu bài tiên sư ra còn tốt hơn! Cái đó xin cô nương bỏ qua đi dừng bận tâm lo nghĩ!
Kim Từ Yến cũng cười :
- Này Yến Thanh công tử! Thực ra tôi không muốn cho công tử đi đâu hết. Dù sao thì sao công tử cứ lưu lại đây, tiền đóng mỗi ngày cho nghĩa mẫu tôi lãnh phần chu biện cho!
Yến Thanh lắc đầu :
- Sống nhờ nơi nữ nhân thà tại hạ đi làm cường đạo còn hơn!
Kim Yến cãi :
- Đâu phải tôi nuôi dưỡng mà công tử ngại, bất quá tôi giúp công tử qua giai đoạn này, như công tử vay vậy mà! Khi nào công tử phát tài thì hoàn lại.
Yến Thanh cười nhẹ :
- Nguyên tắc sống của tại hạ là không làm nợ, không hướng về ai cúi đầu, ngửa tay, tánh khí đó khó cải sửa được. Tại nhà họ Lâm, tại hạ làm một kẻ hộ viện, mỗi năm lãnh được bốn trăm lượng, với số bạc đó tại hạ đủ sống rồi. Tại hạ lại hưởng được nhiều điều kiện thuận lợi, ngặt vì bà vợ của lão ta khó chịu quá, không ngày nào không kiếm chuyện với tại hạ. Tại hạ cho lão Lâm biết, cô nương đoán xem lão đáp với tại hạ thế nào.
Kim Tử Yến mỉm cười :
- Làm sao tôi đoán được!
Yến Thanh tiếp :
- Lão nói là lão đâu cần ai hộ viện! Sở dĩ lão thuê tại hạ là vì mấy mụ hồ ly đó. Tuổi lão trên bảy mươi, lão biết mình bất lực lại sợ mấy mụ ấy ăn quen nhịn không quen lén lút ra ngoài làm ẩu bậy bạ nên lão thuê tại hạ để ứng phó với sự đòi hỏi của mụ ấy. Chẳng những lão không can thiệp lại sẵn sàng tăng lương gấp đôi cho tại hạ nữa đấy! Mỗi năm lão trả tại hạ tám trăm lượng.
Kim Tử Yến cười hì hì :
- Cái lão ấy thế mà có con mắt đấy. Công tử tài mạo như vậy nếu lão chọn thì mấy mụ ấy làm gì không khoái. Các bà khoái thì lão được yên trí lớn! Lão khôn ghê!
Yến Thanh cười nữa :
- Rất tiếc là tại hạ không có phúc hưởng thọ. Tại hạ chỉ có thể chi tiền cho nữ nhân chứ không biết hái tiền nơi họ. Tại hạ phát cáu lên, kết quả tại hạ rời khỏi đất Dư Hàn lưu lạc đến đất Kim Lăng này. Rồi có bao nhiêu tiền tại hạ quăng vào sóng nước Tần Hoài.
Kim Tử Yến vội phân trần :
- Tôi không có bóc lột công tử đâu đó nhé. Tiền của công tử đã cho con bé ở miếu Phu Tử chớ nào vung phí ở đây đâu!
Yến Thanh thốt :
- Con bé chỉ có mười một tuổi, cô nương đừng nghĩ oan cho nó lẫn tại hạ!
Kim Tử Yến tiếp :
- Thật tôi lấy làm tiếc không sao cầm công tử ở lại được! Nào phải tôi vì hai mươi lạng bạc mỗi ngày đâu! Bởi vì tôi không đòi hỏi kia mà! Ngược lại tôi bằng lòng chi ra hộ công tử số đó. Công tử phải biết, lưu công tử lại chẳng những tôi mất hai mươi lạng bạc mỗi ngày mà tôi còn từ bỏ luôn hằng ba bốn trăm lạng do thiên hạ sẵn sàng mang đến dâng hiến cho tôi nữa đấy! Chẳng lẽ công tử không biết tại sao!
Yến Thanh thở dài :
- Tại hạ biết lắm chứ! Niềm tri ngộ của cô nương đối với tại hạ, tại hạ ghi nhớ mãi! Nếu tại hạ thừa năng lực thì tại hạ không ngần ngại chuộc cô nương ra khỏi cảnh lao lung này ngay! Vì cũng là cái số cô nương ạ, chúng ta gặp nhau để cùng chuốc sầu ly biệt, có thế thôi!
Kim Tử Yến chớp mắt :
- Tôi có thể đi theo công tử!
Yến Thanh cười khổ :
- Đừng tính dại cô nương ơi! Đi theo tại hạ cô nương sẽ hưởng cái gì. Nước sông Tần Hoài có thể giải khát nhưng nó không xoa dịu cái đói được đâu!
Kim Tử Yến gằn giọng :
- Chẳng lẽ chúng ta không thể tự lực mưu sinh. Ví dụ công tử bắt tay vào việc canh tác hoặc vào rừng đốn củi, còn tôi dệt vải may thuê. Chúng ta cấu tạo thì đói thế nào được. Yến Thanh công tử! Con người sanh ra mấy ai tìm được tri kỷ, thú thật tôi đã chán cái nghề này từ lâu lắm rồi!
Cầm nhi chen vào một câu :
- Cô nương! Đừng quên mình mất hết tự chủ rồi! Liệu mà Kim cô đáp ứng cho cô nương không chứ!
Kim Tử Yến lộ vẻ ảm đạm thở dài không đáp.
Vài hạt lệ long lanh nơi đôi mắt.
Yến Thanh thốt :
- Tình tứ của cô nương như thế đó suốt đời tại hạ khó quên. Đi theo một lãng tử như tại hạ là tự giết tương lai của chính mình đó cô nương ạ. Hãy sáng suốt hơn tìm một nơi nào vững chắc nương nhờ. Ba hôm chung sống với nhau, cô nương nên xem như là một giấc mơ xuân, đừng quan trọng hóa nó mà thêm khổ! Tại hạ không mong gì hơn là được say vùi bên cạnh cô nương đêm nay, để rồi ngày mai đường ai nấy đi. Cô nương hưởng hoan lạc chốn lầu hồng gác tía còn tại hạ tiếp tục bước phiêu bạt khắp sông hồ!
Kim Tử Yến gật đầu :
- Phải! Đêm nay chúng ta uống thật nhiều, cho thật say, nếu được say mà không bao giờ tỉnh thì càng hay!
Cầm nhi toan cản, Kim Tử Yến đã chụp chiếc bình rượu, nghiêng miệng bình uống một hơi, rồi trao qua Yến Thanh.
Chỗ còn lại trong bình, Yến Thanh tu một hơi cạn.
Kim Tử Yến không đợi rượu nóng lấy chiếc bình trên lò rót ra hai chén lớn, giữ lại một chén, trao cho Yến Thanh một chén.
Cả hai đối ẩm với nhau thế đó một lúc.
Họ không lưu ý đến Cầm nhi. Nàng liễu đầu len lén rời thuyền lên bờ.
Một lúc sau có người từ trên bờ gọi vọng xuống thuyền.
- Kim cô nương! Mã công tử đến! Mã công tử muốn găp cô nương!
Lúc đó Kim Tử Yến đả quá say dựa mình vào bàn, Yến Thanh còn tỉnh phần nào.
Chàng bước ra đâu thuyền, nhìn lên bờ, chú ý đến một trang hán tử vận áo the đang đứng chờ :
Chàng hỏi :
- Mã công tử nào.
Hán tử đáp :
- Tại Kim Lăng có mấy Mã công tử. Dĩ nhiên Mã Bách Bình công tử chứ còn ai nữa!
Yến Thanh buông giọng sệt :
- Mặc! Mã hay Ngưu gì thì cũng bất chấp cả! Hôm nay Kim cô nương bận uống rượu với tại hạ!
Hán tử cười lạnh :
- Câu đó Kim cô nương nói hay ngươi khoác lại.
Yến Thanh điềm nhiên :
- Ta nói!
Hán tử hỏi :
- Ngươi là cái quái gì.
Yến Thanh cao giọng :
- Lãng Tử Yến Thanh!
Hán tử hừ một tiếng :
- Một hạt cát trong biển cát chẳng ai biết đến cái tên đó trên đời này. Còn ta tổ tông ngươi đây là Phi Ưng Ngô Thất, tiêu sư trong Long Võ tiêu cục tại Kim Lăng. Tiểu tử ngươi say lắm rồi ta không tranh luận với ngươi làm chi. Hãy gọi Kim cô nương ra đây đối thoại với ta! Xem nàng nói thế nào để ta hồi đáp với Mã công tử.
Yến Thanh hừ một tiếng lớn hơn :
- Kim cô nương say rồi! Ngươi cứ mang những lời của ta vừa nói đó về mà thuật lại cho Mã Bách Bình nghe.
Ngưu Thất dậm chân.
Một bóng người chớp, hắn đã đáp xuống mảnh ván lót làm cầu.
Đúng là một con phi ưng!
Nhún chân luôn, hắn đã đến đầu thuyền. Hắn đáp xuống thuyền, thuyền không nghiêng lắc.
Hắn mở to mắt nhìn vào khoang trong.
Kim Tử Yến ngẻo đầu nơi mép bàn thiêm thiếp.
Hắn giật mình kêu lên :
- Say thật mà!
Yến Thanh cười mĩa :
- Gan lắm ngươi mới không tin lời ta! Cút đi đừng để ta nổi giận!
Chàng vươn tay ra.
Ngưu Thất cử tay hất, cười lạnh thốt :
- Ngươi tới số mới dám động thủ với ta đó!
Yến Thanh co chân, đầu gối nhích tới, nhắm vào hạ bộ Ngưu Thất húc mạnh.
Ngưu Thất không phản ứng kịp bị trúng, đau khom mình. Yến Thanh chụp lưng áo hắn, nhấc bổng lên quăng hăn lên đất liền. Nhưng hắn lại rơi xuống nước.
Một tiếng ầm vang lên hoa nước bắn tung tóe.
Yến Thanh bật cười ha hả :
- Ngươi đâu xứng đáng là Phi Ưng! Nên đổi lại là con gà ướt mới đúng!
Tại bến Tần Hoài, hơn mười năm qua, người trong hai tiêu cục Long Võ và Cãnh Thái chưa bao giờ bị làm nhục. Bởi hai tiêu cục này là cơ sở doanh nghiệp của họ Mã, mà tại đất Kim Lăng, nói đến họ Mã là nói đến một cái gì bất khả xâm phạm, một cái gì thiêng liêng nhất!
Người ta còn kháo nhau, Hoàng đế có thể đưa bất cứ ai đến cai trị dân chúng tại bất cứ địa phương nào. Nhưng nhất định tại phủ Kim Lăng phải là người của họ Mã.
Như vậy có thể bảo ảnh hưởng của hoàng đế không len lỏi đến đất Kim Lăng tranh dành với họ Mã được.
Hay nói một cách khác, bất cứ được bổ nhậm về phủ Kim Lăng này phải hiểu chỉ có họ Mã chứ không có triều đình. Phục vụ cho họ Mã trước còn dư công thì lo cho triều đình sau.
Bằng ngược lại, là phải sẵn sàng chờ sa thải hay thuyên chuyển nếu may mắn không chết bất ngờ và mờ ám tại phủ đường.
Thế lực của họ Mã bắt đầu vững mạnh từ đời Kim Tiên Mã Cảnh Long. Với một ngọn roi vàng, Mã Cảnh Long ngang dọc khắp sông hồ suốt ba mươi năm không gặp địch thủ.
Lão ta là con nhà võ trong số rất ít bình sanh không hề bại trận dù chỉ một lần.
Ngày nay, Mã Bách Bình thừa hưởng sự nghiệp to tát lẫn thanh thế vang lừng của cha.
Y sử dụng Kim Tiên, Kim Kiếm tự mình đảm chức vụ Tổng tiêu đầu của hai tiêu cục Long Võ và Cảnh Thái chứ không ủy thác cho ai điều khiển.
Không ai biết võ công Mã Bách Bình cao thâm như thế nào.
Nhưng thật sự là trong hai tiêu cục có sáu vị tiền bối đồng nổi danh ngang Mã Cảnh Long, Dưới nữa có hàng chục tiêu sư thuộc hàng cao thủ thượng thặng.
Tần Hoài là một thị trường trác táng mua vui bán vui, tung tiền như lá đổ. Dĩ nhiên là phải có lật đổ, có tương tanh. Chính nơi đây là một trong nhiều địa phương đa sự. Động một chút là người ta mỗi đánh nhau, lắm khi đến chí mạng.Và thông lệ dĩ nhiên có đánh nhau là có người vây quanh xem gây nên náo nhiệt.
Có người xem cũng có người tránh náo nhiệt bởi những người này không muốn bị lôi cuốn vào vòng thị phi.
Cho nên khi Phi Ưng Ngưu Thất bị quăng xuống sông, một số du khách bu lại, một số bắt đầu ly khai.
Ngưu Thất tự xưng là tiêu sư cái đó là do hắn khoác lác, bởi vì bất cứ tiêu sư nào trong hai tiêu cục điều là cao thủ thượng thặng trong võ lâm chứ đâu đến nỗi quá tầm thường như hắn! Hắn chỉ lá một tên sai vặt, không hơn không kém.
Chẳng qua trong hai tiêu cục ai ai cũng biết võ công, cho đến bọn đánh xe bọn sai vặt cũng là những tay khá.
Ở trong hai tiêu cục Long Võ và Cảnh Thái thì bọn chúng là người tầm thường.
Song nếu về với bất cứ tiêu cục nào chúng nó là những tên tiêu sư đắc lực.
Thực ra, Ngưu thất cũng là một tay khá, không may cho hắn lại gặp phải một Lãng Tử Yến Thanh hắn trở thành tầm thường là chuyện hiển nhiên.
Chẳng rõ có thọ thương hay bị uống nước quá nhiều, rơi xuống nước rồi hắn bơi vào bờ leo lên, cảm thấy không còn một điểm năng lực nhỏ.
Hắn leo lên bờ một cách khó khăn hai tay quơ quào bám víu hết trật rồi vuột trông thảm quá.
Đồng thời hắn gào thét cứu mạng vang dội.
Mặc cho hắn loi ngoi cạnh bờ, không một ai đến với hắn. Họ chỉ đứng xa lấy mắt nhìn.
Bởi người ta sợ dính dấp vào thị phi, mà dính dấp vào việc của họ Mã là gặp phiền phức không nhỏ.
Hơn nữa người ta biềt mực nước gần bờ không sâu lắm, dù trẻ con rơi xuống đó cũng không chìm mất mà chết huống hồ Ngưu Thất.
Cho nên không ai can thiệp.
Yến Thanh hình như bất nhẫn lấy một chiếc sào thọc xuống nước định dùng mũi sào bật hắn văng lên bờ.
Bỗng một trung niên hán tử dạt đám người đứng trên bờ bước tới bảo :
- Buông tay!
Lúc đó Ngưu Thất đã bấu tay vào mũi sào giữ mình khỏi chìm xuống.
Yến Thanh lắc đầu :
- Tại hạ buông tay hắn sẽ chìm!
Người trung niên trầm giọng :
- Chìm thì chết, chết đáng đời hắn! Trong Long Võ tiêu cục không thể có thứ phế vật như vậy!
Yến Thanh giật mình :
- Thì ra hắn không phải là người của Long Võ tiêu cục.
Người trung niên lắc đầu :
- Trước kia thì phải bây giờ thì không! Hắn đã làm mất mặt Long Võ tiêu cục rồi. Dù bất tài bị quăng xuống sông thì chịu chết luôn chớ sao lại gào thét cứu mạng!
Yến Thanh cau mày :
- Hắn bị tại hạ quăng, nếu để hắn chết thành ra tại hạ gây án mạng sao. Quan phủ đâu có để yên cho tại hạ.
Người trung niên cười lạnh :
- Bằng hữu yên trí! Người trong Long Võ tiêu cục dù có chết oan cũng chẳng hề kêu gọi đến quan phủ xử đoán. Chẳng ai làm khó dễ cho bằng hữu cả nếu tên vô dụng đó chết đắm. Chính tiêu cục giải quyết sự việc của tiêu cục, quan quyền không hề nhúng tay vào.
Yến Thanh trố mắt :
- Các hạ nói thật.
Người trung niên đáp :
- Bát Quái Kim Đao Kỷ Tử Bình này thân phận là một tiêu sư trong Long Võ tiêu cục chẳng lẽ lại đi nói ngoa sai lệch sự thật của tiêu cục.
Kỷ Tử Bình trầm giọng tiếp :
- Quan phủ không nhúng tay vào là vì có tiêu cục giải quyết, bằng hữu không do quan phủ xử đoán bởi có tiêu cục xử đoán, số phận của hắn ở trong tay tại hạ do tại hạ quyết định.
Yến Thanh lấy làm lạ :
- Hắn cũng là một tiêu sư như các hạ, sao các hạ lại quyết định được số phận của hắn.
Kỷ Tử Bình bật cười ha hả :
- Người trong hai tiêu cục Long Võ và Cảnh Thái đều được gọi tâng là tiêu sư hết. Nhưng tiêu sư chân chánh chỉ có mười người và tại hạ là người cuối cùng đứng hàng thứ mười.
Yến Thanh gật gù :
- Thì ra là thế!
Kỷ Tử Bình tiếp :
- Bây giờ xin bằng hữu hãy buông sào đi.
Yến Thanh lắc đầu :
- Xin lỗi vậy! Tại hạ không phải là người trong quý cục thì có quyền không tuân lời vị tiêu sư họ Kỷ. Tại hạ chỉ biết nhân mạng là trọng, ai giết người ta thì phải đền mạng. Tại hạ không muốn đền mạng nên không thể để cho người chết.
Kỷ Tử Bình mỉm cười :
- Nói phải đấy! Người trong Long Võ tiêu cục bị giết, quan phủ không can thiệp, nhưng hung thủ phải đền mạng và chính do bọn tiêu sư tại hạ đòi hỏi sự đền bồi đó.
Yến Thanh mỉm cười theo :
- Tại hạ sợ đòi đền bồi mạng nên không muốn gây án mạng. Do đó tại hạ phải cứu hắn lên bờ. Hắn không chết các vị sẽ không đòi đền bồi nhân mạng.
Kỷ Tử Bình lắc đầu :
- Bằng hữu không gây án mạng cũng vô ích, dù sao hắn cũng phải bị xử tử! Mà hắn bị xử tử là do chính bằng hữu làm nhục hắn. Bằng hữu cũng phải đền mạng như thường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.