Hẹn Ước Nơi Thiên Đường

Chương 32:




Trong lúc Lâm Tinh, Ngô Hiểu và hai nhân viên cảnh sát ngồi trong phòng họp của văn phòng Tập đoàn Trường Thiên tại Bắc Kinh thì ông Thiên, ông Tường, ông Công ngồi ở quán trà tầng thượng khách sạn Khách Quý, bắt đầu bữa ăn sáng nhạt nhẽo, không chút hào hứng. Ngồi đây có thể cúi nhìn dòng xe cuồn cuộn trên đường Trường An, thu vào ánh mắt toàn cảnh Thiên An Môn và Tử Cấm thành vàng son rực rõ trong sương sớm. Nhưng lúc này không ai còn lòng dạ nào để tâm đến cảnh hùng vĩ nên thơ của Bắc Kinh mấy trăm năm, món ăn dọn lên bàn tuy rất ngon cũng không ai muốn ăn.
Tiếng nói của ông Thiên trong ngọn gió mang hơi mưa tuy rõ ràng nhưng nghe rất buồn bã. Song ông vẫn giữ được cái vẻ trầm tĩnh và lạnh lùng vốn có.
“Anh Công, chuyện này không thể giấu nổi. Cô Tinh đã nói cho cháu Hiểu biết rồi, cô ấy sẽ không giữ kín cho chúng ta đâu.”
Ông Công ngồi ngây như tượng gỗ. Ông Tường cúi đầu rít thuốc, làn khói xanh bên khóe miệng kinh hoàng bối rối tản ra nhanh chóng không để lại dấu tích dưới bầu trời. Ông ngước lên, hỏi:
“Anh Công, hôm qua bảo anh đi tìm một công ty du lịch nước ngoài, anh đã tìm chưa?”
Giọng ông Công run run: “Chưa, tôi chưa nói với nhà tôi. Nhà tôi đi công tác hôm nay mới về.”
Ông Thiên không thể hiểu nổi tại sao ông Công lại hồ đồ đến mức này. Ông ngước lên, giọng bực bội: “Anh còn chờ gì nữa? Chuyện này làm sao nói cho người nhà anh biết!”
Ông Công sợ hãi quay sang phía ông Thiên. Ông Thiên vẫn im lặng. Ông Tường cũng quay sang phía ông Thiên, nói: “Anh Thiên, cô Tinh nói với cậu Hiểu chuyện này theo tôi cũng là bình thường, vì hai người là vợ chồng. Vấn đề ở chỗ xem thái độ cậu Hiểu thế nào.”
Ông Thiên không biết phải nói thế nào về con trai mình, làm thế nào để nói lại cuộc gặp gỡ giữa hai linh hồn cha con vào sáng nay. “Hiểu nhà tôi, nó là đứa trẻ tình cảm. Nhưng cô Tinh lại không như thế, chúng ta không ai hiểu cô ấy.”
Người trông thấy là Lâm Tinh, nhưng ông Tường vẫn cố chấp nhận định vấn đề ở Ngô Hiểu. “Chỉ cần cậu Hiểu vẫn nhận anh là bố, cô Tinh sẽ không nói gì đâu.”
Ông Thiên không muốn tranh luận thêm với họ. Ông cũng đồng ý ông Công phải sớm đi nơi khác. Ông không thể gửi gắm mọi may mắn vào tình cảm nàng dâu - bố chồng vừa được thiết lập, bảo có cũng được mà bảo không cũng đúng. Sinh mệnh con người lớn hơn cả trời đất, tình người mỏng như tờ giấy. Đây là chuyện nổ súng giết người, không phải chuyện bình thường. Nếu nói ông chưa thật hiểu nàng dâu vừa bước vào nhà mình, vậy ông quá hiểu con trai mình. Trong sự việc này, con trai im lặng rất có thể không lấn át nổi Lâm Tinh biết ăn nói, biết tranh biện.
Ông Công hoàn toàn không có bất cứ ý định nào. Người không có ý định càng hỏi càng ấu trĩ, đơn giản: “Anh Thiên, làm thủ tục xuất ngoại ở công ty du lịch nhanh nhất cũng phải mươi hôm, nửa tháng, liệu còn kịp không?”
Ông Thiên nói: “Anh cứ ghi tên, sau đấy đi khỏi Bắc Kinh, đến chỗ nào đấy chờ. Đừng nói với ai anh đi đâu, cứ bảo gia đình có việc phải nghỉ phép. Việc anh đi du lịch tốt nhất cũng đừng nói gì với vợ con.”
Ông Tường nói: “Anh Công, anh yên tâm. Anh cứ đi đâu đấy vài hôm. Xem ra sự việc không đến mức nghiêm trọng lắm đâu.”
Tuy giục ông Công đi đâu đấy, nhưng ông Tường không như ông Thiên dự đoán tình hình không quá bi quan. Trong bữa ăn sáng hôm nay ông an ủi ông Công nhiều hơn, cổ vũ và ổn định tình cảm của ông ta.
Dùng bữa sáng xong, từ trên lầu uống trà ngắm cảnh tầng thứ mười, họ đi thang máy xuống tầng dưới cùng của khách sạn. Ba người đưa mắt chào nhau, ra cửa mỗi người đi một ngả. Ông Thiên không đến nơi làm việc, cũng không về biệt thự Kinh Tây. Ông phóng xe ra Xương Bình, đến phòng nghiên cứu của Tập đoàn Trường Thiên ở đấy. Dọc đường nghĩ đi nghĩ lại, ông vẫn không yên tâm cái miệng Lâm Tinh. Ông nghĩ, tốt nhất mình cũng xin nghỉ ít hôm, một mình đi đâu đấy để điều chỉnh tâm trạng, xem động tĩnh ra sao. Ông đến phòng nghiên cứu, gọi điện thoại ngay cho Ngô Hiểu. Qua điện thoại, ông nói với con trai: “Hiểu, con giúp bố một việc có được không?” Ngô Hiểu nói: “Được, bố ạ.” Ông Thiên nói: “Con mua giúp bố vé máy bay đi Quảng Châu. Vé hôm nay, chuyến bay muộn cũng được.” Mua xong con gọi điện cho bố, đừng nói gì với thư ký của công ty. Con có còn tiền không?” Ngô Hiểu đáp: “Vẫn còn.” Ông Thiên nói: “Cảm ơn con!” Ngô Hiểu nói: “Vâng ạ!”
Giọng con trai trong điện thoại khiến ông rất cảm động. Ông đặt máy xuống, lòng nhẹ nhàng hơn. Lúc nói chuyện với mấy vị lãnh đạo phòng nghiên cứu, không ai có thể trông thấy tâm trạng nặng nề của ông. Ngược lại, lãnh đạo phòng nghiên cứu thấy ông đến bất ngờ lại tỏ ra căng thẳng, cho rằng phòng có chuyện gì.
Buổi trưa, trời mưa to, ông ở lại ăn cơm tại phòng nghiên cứu. Ăn xong ông lên xe chạy chầm chậm dưới mưa to theo đường cao tốc Bắc Kinh - Xương Bình về. Tuy mưa to, nhưng đường cao tốc đầy những xe tải lớn chở than lao nhanh về phía trước. Rất lâu ông Thiên không tự lái xe, lại là lúc tâm lý không ổn định, dọc đường gặp rất nhiều nguy hiểm. Ông nghĩ, nếu có một chiếc xe tải đâm vào ông hôm nay, biết đâu sẽ giữ cho ông trong sáng một đời.
Buổi chiều, ông về đến cao ốc của Tập đoàn Trường Thiên tại Bắc Kinh. Vừa đi nửa ngày mà trên bàn làm việc của ông, văn bản đã chồng cao như núi. Người thư ký vào, đưa tất cả những vấn đề cần xin chỉ thị tích suốt một ngày ấn vào đầu óc ông. Ông xua tay, nói: “Hôm nay tôi khó chịu, những việc ấy cứ để đến mai.”
Người thư ký lật giở sổ tay, nói: “Thưa Chủ tịch, có hai khoản tiền hôm nay có chi trả không cũng phải quyết định. Kế toán trưởng chờ ông từ sáng, một khoản...”
Ông Thiên ngước lên, cau mày: “Để đến ngày mai.”
Người thư ký thấy ông nôn nóng và không bằng lòng, lập tức im lặng, đi ra.
Tiếp theo, như mọi lần, điện thoại liên tiếp đổ chuông. Ông không nhận điện. Tất cả đều do thư ký ở ngoài nhận, tự giải quyết. Sắp đến năm giờ chiều, một lần nữa thư ký lại vào, rất thận trọng quan sát vẻ mặt ông, nói: “Thưa bác, anh Hiểu hai lần gọi điện đến, cháu đều trả lời bác không có nhà. Anh Hiểu nhờ cháu nói lại, việc bác nhờ, anh ấy đã làm xong.”
Ông Thiên sững sờ hồi lâu, bỗng nổi trận lôi đình: “Tại sao anh không hỏi ý kiến tôi mà bảo tôi không có nhà? Nhanh nối điện thoại cho tôi.”
Người thư ký mặt đỏ bừng, sợ hãi trả lời: “... Đã, đã cắt rồi ạ!”
Ông Thiên cố gắng nén cơn tức giận vô lý, đồng thời ý thức được mình đã có thái độ không đúng. Ông hạ giọng: “Thôi!”
Người thư ký vẫn đứng co ro, không biết phải thế nào. Ông Thiên nhìn anh, thái độ hòa dịu: “Như thế được rồi!”. Ý bảo với anh có thể ra. Nhưng viên thư ký vẫn run lẩy bẩy, rụt rè:
“Thưa... ông Hạ, Giám đốc Công ty Bắc Kinh và ông Vu, Trưởng phòng bảo vệ ở ngoài kia, bảo có việc cần gặp ông gấp ạ!”
Ông Thiên tâm trạng rối bời, nói: “Anh hỏi họ xem có chuyện gì?”
Người thư ký gật đầu định đi thì ông Thiên gọi giật lại: “Trưởng phòng Bảo vệ à? Anh bảo họ vào đây.”
Ông thấy căng thẳng, nghe nói Trưởng phòng Bảo vệ có chuyện gấp, ông có cảm giác chuyện lành ít dữ nhiều. Ông thảng thốt không yên, nhìn cửa người thư ký vừa mở ra, thấy ông Hạ, Giám đốc Công ty Bắc Kinh đưa ông Trưởng phòng Bảo vệ vẻ mặt cau có vào.
Ông cố làm ra vẻ trấn tĩnh, hỏi: “Anh Hạ, có chuyện gì vậy?”
Ồng Hạ nói: “Báo cáo anh, vừa rồi có một người của Sở Công an đến tìm Phòng Bảo vệ. Họ nói anh Công, Giám đốc hành chính của tập đoàn có để xảy ra chút việc, muốn tìm anh ấy, hỏi chúng tôi anh Công có nhà hay không, lại hỏi địa chỉ gia đình. Phòng Bảo vệ vừa tiếp họ xong, anh Vu báo cáo ngay với tôi. Tôi bảo việc này phải báo cáo gấp với chính anh.”
Tưởng chừng như tim ông Thiên ngừng đập: “Anh Công, anh Lí Đại Công à?”
Ông Hạ nói: “Vâng, tìm để hỏi chuyện gì đó. Người của văn phòng Chủ tịch bảo anh Công nhà có việc, hôm qua xin nghỉ, hôm nay cũng không thấy đến.”
Giọng ông Thiên không bình thường: “Công an họ nói thế nào, bảo anh Công có việc gì?”
Ông Hạ nhìn ông Vu. Ông Vu báo cáo lại: “Nghe nói, hình như anh ấy có liên quan đến vụ án hình sự. Có người trông thấy tố giác, cụ thể thế nào họ không nói. Chúng tôi cũng không tiện hỏi. Tôi nghĩ, liệu có nhầm chăng?”
Ông Hạ nói: “Cũng khó nói, anh Công quen biết nhiều thành phần phức tạp, chưa biết chừng ai đó kéo anh ấy vào.”
Hồi lâu sau ông Thiên mới thở dài, hỏi tiếp: “Người của sở Công an đi chưa?”
Ông Vu nói: “Họ đi rồi, chúng tôi cho họ biết địa chỉ nhà riêng của anh Công. Họ đưa giấy tờ thủ tục đến. Chúng ta không thể không hợp tác. Công an họ yêu cầu Phòng Bảo vệ cử một người đi theo. Tôi đoán lúc bắt họ sẽ khám nhà, để có người của chúng ta chứng kiến. Trong luật tố tụng hình sự có quy định như thế.”
Lưng ông Thiên ướt đẫm mồ hôi, ông do dự hồi lâu mới dám hỏi: “Bao giờ thì bắt?”
Ông Trưởng phòng Bảo vệ nói: “Cũng không biết, cậu Vương ở phòng chúng tôi đi với họ, Tôi đoán lúc này đã đến nơi rồi.”
Ông Thiên trố mắt há miệng.
Ông Hạ nói: “Việc này cơ quan công an có thủ tục, người ta sử dụng biện pháp nào chúng ta không được can thiệp, cũng không được hỏi, yêu cầu cung cấp tình hình, cung cấp người làm chứng, chúng ta phải cung cấp. Chuyện pháp luật chúng ta buộc phải làm theo pháp luật.”
Quan điểm của ông Giám đốc Công ty Bắc Kinh tất nhiên là để giải thích cho ông Thiên biết cách làm của Phòng Bảo vệ là đúng với luật pháp, không có điều gì không thỏa đáng. Ai cũng biết ông Công là cán bộ cấp phòng trong Tập đoàn và quan hệ của ông ta với ông Thiên, cho nên mới phải giải thích như vậy.
Ông Thiên cố gắng gật đầu, bày tỏ đồng ý. Ông nói: “Thế này nhé, việc này diễn biến thế nào, các anh phải báo cáo ngay với tôi.” Kết quả buổi nói chuyện đã rõ. Ông Hạ và ông Vu vội đứng dậy cáo từ ra về.
Họ đi rồi, ông Thiên vội vào nhà vệ sinh ngay trong văn phòng riêng, dùng điện thoại trong đó gọi về nhà ông Công ở Bắc Kinh. Thật may mắn, ông Công nhận điện. Ông Thiên nói: “Anh Công, nhà có ai không?” Ông Công nói không có ai. Ông Thiên nói: “Anh phải rời khỏi nhà ngay lập tức. Công an đang đến nhà anh đấy, đi nhanh lên. Tốt nhất anh ra ngoại thành ở tạm đâu đấy một đêm. Sáng sớm mai chúng ta gặp nhau. Trước khi gặp, không được gọi điện thoại cho nhau.”
Ông không cho ông Công hỏi nhiều, vội nói thời gian và địa điểm gặp sáng hôm sau. Địa điểm gặp nhau cũng là ngoại thành Bắc Kinh, bên một dòng sông cạn nước từ nhiều năm nay. Trước đây ông Thiên, ông Tường và ông Công đã đến đây tập lái xe. Ở đấy rộng rãi và vắng vẻ, họ rất có ấn tượng.
Ông ta cúp máy, thu dọn bàn làm việc, sau đấy cố làm ra vẻ bình tĩnh, đi qua phòng thư ký bên ngoài ra về.
Bỗng một người thư ký chạy theo khiến ông giật mình, đứng lại, rất căng thẳng nhìn anh ta. Người thư ký nói: “Thưa ông, có cần gọi xe không ạ?” Ông thở phào nhẹ nhõm, xua tay: “Không cần.”
Ông đi xuống, không cần lái xe, tự lái rời văn phòng Tập đoàn Trường Thiên tại Bắc Kinh.
Trời vẫn mưa, mưa nhỏ. Không biết có phải mưa to tạm dừng hay sắp tạnh hẳn. Ông nghĩ, người trông thấy có tố giác ông Công cũng sẽ nói đến ông. Trên con thuyền ở Di Hòa viên, cô ta đã nhận ra mối liên hệ trong chuyện này giữa ông và ông Công, nên cô không nói rõ hung thủ với ông. Nếu dự đoán tình hình xấu nhất - ông phải có những dự tính cho trường hợp xấu nhất - có thể có một tốp cảnh sát khác sẽ đến văn phòng và biệt thự Kinh Tây bắt ông. Vậy lúc này ông đang chạy xe trên đường phố coi như chạy trốn.
Lúc này, trong số ba người, chỉ có ông Tường tương đối an toàn, chưa có ai nói đến và nghi ngờ. Ông Thiên dùng điện thoại trên ô tô gọi cho ông Tường, nói rất ngắn gọn bằng những tiếng lóng, cho ông ta biết ông Công đã bị lộ. Lúc ấy ông Tường đang dự một cuộc họp, trong điện thoại chỉ nói được một câu. Ông Thiên không biết ông ta trấn tĩnh hay sợ hãi. Xét cả quá trình sự việc, cho đến hôm nay, ông Tường mới là người thật sự làm nên tội.
Trong điện thoại, ông không nói nhiều. Nói chuyện điện thoại của ô tô không tiện mà cũng không bảo mật. Ông hẹn ông Tường địa điểm gặp mặt hôm sau, mọi chuyện sẽ nói sau.
Sau đấy, ông gọi điện cho Ngô Hiểu. Máy di động của con không mở, ông lại gọi vào máy nhắn tin. Ông cho xe chạy về phía Hương Sơn, đến gần Di Hòa viên thì có điện thoại của con trả lời. Ông hỏi con có thể đến Hương Sơn một lúc không, ông muốn gặp mặt con.
Con đồng ý, bảo sẽ đến ngay.
Ông đến Hương Sơn. Trời đã tạnh mưa, nhưng vẫn chưa hửng. Đầu tiên ông đến chùa Bích Vân. Ông cảm thấy mình biến thành thiện nam tín nữ, bỗng muốn lễ một vị Quan Âm. Có thể con người đến bước đường cùng hy vọng vào một chỗ dựa, ít nhất tìm một đối tượng để thổ lộ vài câu. Ông nhắc nhở mình lúc lễ Phật phải toàn tâm toàn ý, phải thành thật, có thể vì bản thân chẳng sạch sẽ gì, nên hôm nay thân mới chìm bể khổ.
Khác với những đền miếu khác, trước cửa chùa Bích Vân không có hàng bán hương vàng. Vào đến gần cổng chùa trông thấy một cụ già đang quét đường, hỏi ra mới biết chùa đã đóng cửa hết giờ vào lễ. Lòng ông thoáng hoang mang dự báo điều chẳng lành. Ông có cảm giác thất vọng vì mình là người có tội nên bị chặn lại trước cửa chùa. Không biết mình không thể chuộc tội hay không có mối nhân duyên với Đức Phật.
Với tâm trạng cực kì ảm đạm, ông cho xe chạy đến khách sạn Hương Sơn. Ông dùng thẻ tín dụng để thuê một căn phòng rồi nhắn tin cho con qua máy nhắn tin.
Con đến rất nhanh. Gặp con, ông không biết nói gì, thậm chí không biết mình gọi con đến làm gì. Có thể chỉ để gặp mặt, vì Ngô Hiểu là người thân duy nhất ở đời. Suốt hơn hai chục năm phấn đấu cho sự nghiệp, vợ và con đều xa ông. Sự thân mật giữa ông và vợ con không bằng với đồng nghiệp sáng chiều có nhau. Nhưng, khi con người cùng đường, vận nguy đến gần, chợt nghĩ đến và cảm thấy ấm áp, gần gũi. Ấy là người thân.
Ông và con trai chừng như không chịu nổi sự chật hẹp và bức bối trong căn phòng khách sạn. Họ ra ngoài, men theo con đường ướt nước đi lên, không có phương hướng, không có mục tiêu, cũng không nhiều lời. Ông không nói với con về chuyện giết người của mình và ông Công. Ông chỉ nhắc lại chuyện cũ, thú vui của Ngô Hiểu ngày còn nhỏ, những chuyện bây giờ nhớ lại cảm thấy vô cùng thân thiết, thậm chí cả chuyện cũ của mẹ Ngô Hiểu. Con trai chỉ biết nghe, im lặng. Hai bố con đi một vòng lại quay về khách sạn. Đèn đường đã sáng. Ông định giữ con lại ăn cơm. Có thể đấy là bữa cơm tối cuối cùng của hai bố con, nhưng không còn tâm trạng nào. Ông từ bỏ ý định ấy. Hai bố con chia tay.
“Con về nhé, đừng bảo với Tinh Tinh rằng bố ở đây. Cô ấy đã đưa công an đi bắt chú Công rồi.”
Ông thấy trong ánh mắt con trai sự kinh ngạc và khó xử. Ông nói: “Con về đi. Bố làm những việc sai trái, con đều biết. Nếu bố làm con phải xấu hổ, bố... xin lỗi con.”. Đam Mỹ Hay
Giọng ông Thiên nghẹn ngào. Ông vội quay đi, đi về phía cửa khách sạn. Ông không muốn con trông thấy cái vẻ thê thảm như người mất hồn của mình. Trong trái tim con, bố là một vị anh hùng đúng với danh nghĩa.
Ngô Hiểu gọi ông lại, đưa cho ông một phong thư. Ông mở ra xem, thì là tấm vé máy bay Bắc Kinh đi Quảng Châu. Ôi, ông nhớ ra rồi, ông định đi Quảng Châu. Ông cười với con trai, cố tình cười với con. Ông nói: “Con còn nhớ bãi sông ấy không? Hồi nhỏ bố nhiều lần đưa con đến cái bãi sông rộng lớn ấy. Bố tập lái xe ở đấy, con nhớ không?”
Ngô Hiểu gật đầu: “Con nhớ.”
Ông Thiên nói: “Bố lại nhờ con một việc nữa. Sáng mai, bảy giờ con đến chỗ ấy tìm bố. Bố muốn đưa con đến một nơi, được không?
Ngô Hiểu gật đầu: “Vâng.”
Thấy con trai đồng ý, lòng ông bỗng yên tĩnh, thanh thản hơn rất nhiều. Hình như có một kế hoạch mới, một mục tiêu mới, cho nên trong lòng không đến nỗi không biết đích là đâu. Ông vẫy tay với con rồi quay người đi.
Buổi tối, ông không ăn cơm, chỉ ngồi trong phòng khách bật đèn, hút thuốc, nghĩ lại những việc cũ, mênh mông vô định. Đêm, ông cũng ngủ được đôi chút, mơ một giấc mơ ngắn ngủi không đầu không cuối. Tỉnh dậy, nhớ lại, giấc mơ thật mơ hồ, không rõ ràng. Trời vừa rạng sáng, ông ra khỏi khách sạn, cho xe rời Hương Sơn sau mưa bên đường suối chảy róc rách, cỏ cây hoa lá một màu tốt tươi.
Xe của ông chạy về hướng bắc, lên con đường Dương Quan ngoại thành Bắc Kinh. Đến một ngã ba không có biển chỉ dẫn, ông rẽ vào một con đường nhỏ gập ghềnh. Mặt trời chưa lên, xe ông đã đến một con đê bỏ hoang. Ông xuống xe, nhìn bãi hoang dưới chân đê, không thấy bóng người, cũng không trông thấy xóm làng nơi xa. Ông nhìn về phía đông, trông chờ ánh hồng tráng lệ buổi ban mai.
Mặt trời buổi sáng chưa xuất hiện, trong làn sương mai trên con đê hoang phế, xuất hiện một chiếc Mercedes đang gập ghềnh chạy tới, chạy đến trước mặt ông. Ông Thiên mở cửa sau, ngồi vào xe. Trong xe chỉ có ông Công. Ông ta quay lại, ánh mắt chờ đợi, lên tiếng:
“Anh Thiên!”
Ông Thiên không muốn nhìn ông, vẻ mặt vô cảm nhìn ngoài cửa xe, nói một câu: “Chờ anh Tường một lát.”
Họ ngồi im lặng trong xe, không ai nói gì, cùng chờ ông Tường. Mươi phút sau, ông Tường đi một chiếc Toyota màu xám bạc nhấp nhô chạy đến. Hai người nhìn ông Tường đỗ xe, vào ngồi ghế trên trong xe của họ. Lúc ấy mặt trời mới nhô khỏi đường chân trời trước mặt họ. Ánh đỏ làm cho khuôn mặt ông Thiên rực rỡ hẳn lên. Nhưng khuôn mặt ông Tường và ông Công lại tối tăm. Không hẹn hai người cùng quay về phía ông Thiên ngồi hàng ghế sau, bởi vậy mặt phủ bóng đen.
Giữa bốn bề yên tĩnh và ban mai vắng vẻ, giọng ông Thiên tỏ ra cô đơn: “Sự việc đã đến nước này...” Câu nói của ông như ngưng đọng, không nói tiếp được nữa.
Ông Công và ông Tường đưa mặt nhìn ông Thiên, chờ đợi lời tuyên phán đã biết trước. Nhưng ông Thiên không nói tiếp. Ông Tường nín thở, hỏi: “Anh Thiên, cô ấy là con dâu của anh, lại có thể vô tình đến vậy?”
Ông Thiên lạnh lùng nói: “Tôi đã nói rồi, bản tính người Trung Quốc đầu tiên là nghĩ đến bản thân. Đây là chuyện giết người phải đền mạng. Việc gì cô ta phải gánh chịu cho chúng ta?”
Ôn Tường sa sầm nét mặt, ngồi trầm ngâm suy nghĩ, lát sau mới nói cho chính mình nghe: “Phải dựa vào chính mình. Chính mình tìm con đường cho chính mình.”
Ông Công không còn ý nghĩ riêng nào: “Đúng, anh Tường nói đúng. Chúng ta phải tìm lối thoát. Chúng ta không còn thời gian.”
Ông Thiên nói: “Tôi đã hẹn con tôi đến đây, để cùng chúng ta ra đầu thú. Đấy là con đường duy nhất.”
Chừng như ông Công không hiểu hàm ý và hậu quả câu
nói của ông Thiên, cứ ngơ ngác hỏi: “Vậy, em phải làm thế nào?”
Ông Thiên nhìn ông ta: “Anh Công, anh cũng vậy. Chúng ta chỉ có một con đường ấy thôi.”
Ông Công sững sờ hồi lâu, sau hồi lâu sững sờ. Ông run rẩy, lắp bắp: “Anh Thiên, em có thể... tội chết!”
Ông Thiên cúi đầu, thở dài: “Anh không ra đầu thú thì đi nhanh lên, đổi tên, đổi chỗ ở, làm một con người mới. Nhưng anh có thể đi đâu?”
Vẻ mặt ông Tường vốn không đến nỗi khó coi như vậy, vẫn không từ bỏ tranh luận: “Anh Thiên, sự việc chưa đến nước ấy. Chúng ta có thể nghĩ cách, vẫn còn kịp. Hôm ấy cô Tinh chỉ trông thấy một mình anh Công. Cô ấy cũng chỉ nghi ngờ anh, không có chứng cứ. Chúng ta có thể nghĩ cách để anh Công ra nước ngoài. Công an không bắt được anh Công, sự việc của chúng ta cũng chưa bị lộ.”
“Ra nước ngoài?” Ông Thiên lắc đầu: “Có thể không? Không thể kịp.”
Ông Tường lớn tiếng bác bỏ: “Không kịp thì cứ để anh ấy trốn đi đã. Chúng ta từ từ nghĩ cách. Anh ra đầu thú, như vậy coi như hết!” Chưa bao giờ ông Tường lại sỗ sàng lớn tiếng như vậy trước mặt ông Thiên.
Ông Thiên nghiêm sắc mặt nhìn ông Tường. Ông không muốn chịu sự dàn xếp của ông ta nữa. Chủ ý của ông đã định: “Anh Tường, chúng ta đừng làm cái trò tự thông minh nữa. Việc này từng bước đến hôm nay cũng vì chúng ta cho mình là thông minh. Kết quả đã phạm sai lầm của thông minh.”
Mặt ông Tường ngây đuỗn, tối sầm, im lặng. Có thể ông Công nghĩ, ông Tường im lặng như ám chỉ đã có thuốc chữa. Vậy là ông khóc: “Anh Tường, anh nghĩ cho tôi một kế, có nhiều kế lắm. Anh Thiên, em theo anh hai chục năm trời...”
Ông Tường cau mày, chừng như sắp khóc. Lời lẽ của ông tỏ ra oán trách: “Anh Thiên, anh ra đầu thú chẳng hóa ra làm hại chúng tôi hay sao!”
“Tôi làm hại các anh?”
Ông Thiên không còn tâm trạng nào để lắc đầu. Nếu nói lại sự việc này từ đầu, cuối cùng ai hại ai? Ông không muốn tranh cãi. Ông và hai người kia là chiến hữu suốt hai mươi năm trời, là bạn phúc họa cùng hưởng. Ông không hề oán hận gì hai người, bất luận là con đường sống hay con đường chết, đều đi bằng chính hai chân họ, không oán hận ai. Ông chỉ nghĩ đến bước đường sắp tới. Tất cả phải bắt đầu lại từ đầu. Có thể ông phải ngồi tù nhiều năm, nhưng sẽ có ngày như hôm nay, sống dưới ánh mặt trời xán lạn. Ông tin chắc đến ngày ấy, Ngô Hiểu con ông vẫn yêu thương ông!
Ông Công khóc thảm thương, có thể tinh thần ông ta đã suy sụp, chỉ còn biết nhắc đi nhắc lại: “Em không thể ra đầu thú, em không đầu thú, em không thể...”
Ông Tường ngây ra hồi lâu, bỗng nói: “Anh Công, đừng khóc nữa, tôi sẽ nghĩ cách! Anh có muốn nghe không?”
Ông Công nước mắt đầm đìa, gật đầu. Bây giờ ai có ý gì ông ta cũng gật đầu.
Ông Tường nói: “Trước tiên anh trốn đi, anh có đem súng đến đây không? Phải xử lý nó trước, đó là vật chứng duy nhất có thể chứng minh tội chết của anh.”
Ông Công không khóc nữa. Lời ông Tường như một mũi thuốc trợ tim mạnh khiến ông ta đang run rẩy bỗng trấn tĩnh lại trong chốc lát, vội vã tìm trong ngăn bên phải xe, lấy hung khí từ trong một cái túi da đen. Ánh mặt trời đỏ rực chiếu vào khẩu súng, khiến ông Thiên bối rối không nhìn thấy màu gốc của nó.
Ông Tường cầm lấy “tội chứng”, kiểm tra đạn, lạch xạch kéo khóa nòng, chứng tỏ cái thành thạo hồi xưa ông ta là lính. Rất bất ngờ, ông ta giương súng lên, dí mũi súng vào đầu ông Công, tiếp theo là một tiếng “đoàng”... Đầu ông Công lắc lư, toàn thân đổ xuống. Ông Thiên thấy cửa xe bên trái phun ra một tia máu đỏ đặc quánh. Ông lập tức hiểu ra chuyện gì, chừng như không tin nổi ông Tường con người văn nhân nho nhã lại có hành động quyết đoán vô tình đến thế. Trái tim ông bị tiếng nổ làm mất hẳn tri giác, nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo. Ông tỉnh táo trông thấy ông Tường chĩa nóng súng vào mình.
Vẻ mặt ông rất bình tĩnh, ông biết mọi lời khẩn cầu đều thừa. Họ đều là những người không thể mua chuộc! Ông Tường là con người thông minh tuyệt đỉnh, trong lúc hoảng loạn vừa rồi còn có thể nhanh chóng suy nghĩ thấu triệt đến vậy. Trong sự kiện giết người ở khu nghỉ dưỡng Hồ Thông Thiên, Lâm Tinh chỉ có thể tố cáo ông Công và ông Thiên. Nếu hai người này tự tiêu diệt lẫn nhau - hung thủ giết chủ mưu rồi sau đấy tự sát - như vậy hung án chẳng hóa ra có thể kết thúc một cách mĩ mãn hay sao? Sẽ không còn ai truy cứu đến đầu mối Trịnh Bách Tường. Điều ấy ông Thiên cũng đã nghĩ đến, nhưng trong ý thức của ông vẫn còn ngưng đọng từ nhiều năm trước một chút đạo đức. Cho nên ý nghĩ của ông không có nổi cái quyết đoán nhanh chóng và tàn bạo như vậy. Con người không ai giống ai. Ông không muốn hận thù ai, không muốn hận thù mọi người. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi chờ đợi cái chết, đầu óc ông thoáng hiện là thời gian hai mươi năm đằng đẵng, là những người bạn từ cái xưởng nhựa rách nát bước ra, là từng đêm mất ngủ, là mỗi khoảnh khắc vô cùng cực nhọc và kích động lòng người, là mỗi một cảnh tượng và khuôn mặt như còn mới nguyên trong ký ức, họ tập hợp nhau lại, cùng đến với nhau. Ông mỉm cười, tưởng chừng như nghe thấy khúc nhạc “Hẹn ước nơi thiên đường” của con trai. Giai điệu trầm lắng đã cho ông chốn về và lời cáo biệt cuối cùng. Nhưng những lời lải nhải biến dạng của ông Tường đã phá đi tất cả những gì mà ông luyến tiếc:
“Anh Thiên, chính là anh nói, bản tính của người Trung Quốc chúng ta đều coi mình là trung tâm. Tôi rất xin lỗi anh!”
Đó là lời nói cuối cùng trong cuộc đời năm mươi năm mà ông Thiên nghe được! Tiếp theo, mắt ông hoa lên, trán như bị búa đập mạnh, cả thế giới lập tức đen tối. Không còn cảm giác đau đớn.
Đó là buổi sáng cuối cùng của tháng Bảy năm 1999, nhân loại không bị diệt vong như lời tiên đoán. Mặt trời vẫn nhô khỏi mặt sông trên vùng đất đỏ. Mặt trời rực rỡ, ném cho ông Thiên một tia nắng cuối cùng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.