Dịch giả: Hoangtruc
oOo
Đối với chân thân Trần Cảnh mà nói, Hà Bá sông Thiên Nộ Tàng Hải quốc có pháp lực kém xa hắn. Có điều khả năng khu động linh lực của gã vẫn cao hơn luồng thần niệm mà hắn hàng lâm xuống nhiều lắm. Nhưng Trần Cảnh vẫn chém giết gã một cách gọn gàng.
Vì dù Hà Bá sông Thiên Nộ kia đang ở trong hà vực của gã, nhưng lại vô dụng với Trần Cảnh. Khả năng ngự sử sóng sông và vận dụng linh lực của Trần Cảnh cao hơn gã rất nhiều. Tuy gã khu động được linh lực con sông, nhưng chỉ rời rạc mà không hình thành thế, đến lực lượng cũng không tập trung. Cho nên Trần Cảnh phá dễ dàng như vung đao đón gió xuân.
Quả thật thuật Phân Thần Hóa Sinh Hàng Lâm này cần có vật dẫn mới hàng lâm xuống nơi đó được. Trần Cảnh ban cho Lý Anh Ninh một bức vẽ cũng là một vật dẫn, có điều tín ngưỡng và linh lực ẩn chứa trong đó đã cạn sạch sau lần phủ xuống ngắn ngủi này. Bức vẽ là Trần Cảnh tự mình luyện chế, có thể thu được tín ngưỡng nguyện lực, chỉ cần hàng ngày Lý Anh Ninh đều tế bái một lần thì trong đó lại bắt đầu tụ tập đủ tín ngưỡng để Trần Cảnh lại hàng lâm xuống. Chẳng qua bản thân Lý Anh Ninh có nghĩ ra hay không còn phải xem vào chính hắn nữa.
Đây là lần đầu tiên Trần Cảnh hàng lâm xuống, lại có thêm nhận thức mới.
Trong lòng hắn, ngoại trừ trong thần vực có thể tùy thời xem xét chỉ với một ý niệm, thì những nơi có tượng thần ở bên ngoài thần vực, cần phải có tín ngưỡng tụ tập hắn mới có thể cảm ứng được.
Toàn bộ thế gian trong lòng Trần Cảnh đều là một vùng đen kịt, bởi vì hắn không thể nào cảm giác được. Thần vực lại như nhà của hắn, đèn đuốc sáng trưng, muốn nhìn chỗ nào chỉ cần liếc mắt về chỗ đó là thấy được. Ở bên ngoài, trời đất đều là một vùng tối đen, có bao nhiêu nguy hiểm ẩn nấp hắn cũng không biết đến.
Không ngừng có người từ vùng bóng tối đen kịt ấy mang tượng thần đến, để Trần Cảnh đốt linh quang trên tượng thần. Sau khi bọn họ khiêng tượng thần đi, trong lòng Trần Cảnh lại có thêm một điểm sáng như có như không, như một con đóm đóm bay trong đêm tối. Có vài điểm bị bóng tối hoàn toàn bao phủ, nhưng cũng có vài điểm sáng lại càng thêm sáng ngời.
Những điểm bị bao trùm rồi biến mất kia là vì bọn họ đánh mất tín niệm với Trần Cảnh, cho nên liên hệ giữa Trần Cảnh và tượng thần cũng bị đứt gãy. Còn những điểm càng thêm sáng ngời, là vì tín ngưỡng của bọn họ càng nhiều hơn, trong lòng Trần Cảnh cảm ứng tượng thần cũng rõ ràng hơn.
Không có nhiều người tới miếu Hà Bá thỉnh thần, phần lớn chỉ là người dân nơi thôn trấn gần đó. Không ít người trong bọn họ chỉ ôm theo một pho tượng nhỏ đi đến. Có nhà dư giả tiền bạc mới thỉnh người điêu khắc bức tượng thần riêng, bản thân thì lại chế tác một bài vị thần linh đưa tới miếu Hà Bá Tú Xuân loan. Trần Cảnh không từ chối bất cứ ai cả, đều vẽ thần văn, đốt chút tín ngưỡng, dung nhập chút thần niệm lên. Chỉ cần bọn họ trở về, ngày đêm tế bái, dù tượng thần hay bài vị đều tụ tập tín ngưỡng của bọn họ trên đó. Thứ tín ngưỡng này Trần Cảnh có thể cảm ứng được, mà cũng khiến cho đám quỷ vật tà linh bình thường không dám khinh thường tiến đến.
Chẳng qua, cũng có tín ngưỡng có trên một số tượng thần, bài vị mà Trần Cảnh lưu lại đã sớm biến mất.
Lần hàng lâm này, Trần Cảnh thu hoạch được hai thứ ngoài ý. Hắn phát hiện sau khi hàng lâm, vẫn có thể sử dụng Mê Thiên kiếm được. Tuy đó không phải là bản thể kiếm, nhưng lại như hình ảnh phản chiếu, khiến hắn thoải mái không ít.
Sau khi nghĩ lại, hắn cho rằng lúc hàng lâm, Mê Thiên kiếm có thể hiện ra hình chiếu, là vì kiếm kia đã dung hợp với bản thân mình. Vì vậy, Trần Cảnh có thể hiển hóa ra pháp tướng nơi Tàng Hải quốc xa xôi, thì bướm Mê Thiên cũng hiển hóa đi ra.
Còn một việc ngoài ý nữa là hắn cảm nhận được tín ngưỡng nguyện lực rất thuần túy trong Tàng Hải quốc. Trong tối tăm đó, có một sợi dây đã kết nối Trần Cảnh với Mộc Chân trong Tàng Hải quốc lại với nhau.
Cảnh giới pháp lực càng cao, Trần Cảnh lại phát hiện ra rằng trời đất này càng thần bí khôn lường.
Kinh Hà kéo dài, uốn lượn khúc khuỷu. Phần lớn những vùng sát cạnh con sông sẽ có người sinh hoạt, dần dà xuất hiện nên thành trấn thôn trang. Nơi nào có nhân loại, sẽ có tín ngưỡng, còn có tranh đấu.
Tú Xuân loan chảy dài xuống phía dưới là Phong Lâm độ. Nơi đó có một cái bến sông, có một khu rừng lá phong. Chạy dài qua Phong Lâm độ chừng trăm dặm, tốc độ dòng chảy càng thêm phẳng lặng. Thông thường, những nơi có hà vực bình lặng, tất có rất nhiều người tụ tập, rồi sẽ xuất hiện đại thành.
Kinh Hà chín ngàn ba trăm dặm, ngoại trừ một đoạn Tú Xuân loan thì những địa phương khác không có bao nhiêu tín ngưỡng, chủ yếu là tiểu thôn tiểu trấn. Danh tiếng của hắn phần lớn cũng chỉ lưu truyền giữa những người tu hành với nhau. Dù sao thì hắn cũng chỉ trở thành Hà Bá trong thời gian rất ngắn gần đây.
Còn Long Vương Kinh Hà trước khi vào Côn Lôn thì chỉ chuyên tiềm tu, gần như không có tín ngưỡng gì nơi phàm trần thế tục cả.
Vì vậy, tên tuổi thần linh sông Kinh Hà chỉ giới hạn vùng Kinh Hà, chỉ giới hạn giữa những người tu hành mà thôi.
Từ Phong Lâm độ trở xuống hơn trăm dặm nữa, có ba tòa đại thành nằm gần nhau.
Nơi đó có một nhánh sông khá nhỏ nhập vào dòng Kinh Hà, nhánh sông đó tên là Tiềm Long giang. Theo địa thế tự nhiên mà nói, đây chính là một nơi giao thông quan trọng, thủy bộ giao nhau. Còn về góc độ quân sự mà nói, nơi đó là vùng binh gia tất phải chiếm lấy.
Mặt Bắc con sông Kinh Hà là tòa đại thành có tên là Kinh thành. Mặt Nam con sông có hai tòa thành, lại bị dòng Tiềm Long giang ngăn cách ngay chính giữa, chia đôi hai bên ra. Phía Đông Tiềm Long giang được gọi là Giang Đông thành, phía Tây Tiềm Long giang được gọi là Tây Tương thành.
Giữa ba tòa thành đều có sông ngòi ngăn cách, phân ra làm ba phương khác nhau. Mặt Bắc sông Kinh Hà thuộc về Khôi quốc, hai toàn thành mặt Nam kia thuộc về Âm Thị quốc và Chiểu quốc.
Ba quốc gia không lớn, nhưng luôn nằm trong thế đối địch nhau. Những năm gần đây, Quốc chủ của ba nước đều mơ tưởng đến chuyện sát nhập chung hết lại. Trong đó Quốc chủ đứng đầu Khôi quốc mặt Bắc hùng tài đại lược, mang chí thống nhất Nam Bắc sông Kinh Hà.
Đây chỉ là tranh đấu giữa con người phàm trần, nhưng những năm gần đây có không ít thần linh tham dự vào. Bọn họ thừa dịp loạn thu nạp lấy tín ngưỡng, thừa dịp chiến mà diệt miếu thờ thần linh khác.
Nhân gian loạn, thần đạo cũng loạn.
Vào một hôm, có một người thư sinh mặc áo trắng, ngồi trên một con thuyền lá nhỏ đi vào Kinh Hà, qua Phong Lâm độ, đến trước miếu Hà Bá Tú Xuân loan.
Người này không phải người thường, mà là một vị thần linh. Y ngồi thuyền nhỏ mà đến, không sử dụng phép thuật nhằm thể hiện sự tôn trọng với Trần Cảnh. Kinh Hà là thần vực của Trần Cảnh, thông thường người tu hành sẽ không đi vào trong thần vực, vì nơi đó bản thân bị ước thúc, không được hiển lộ thần thông pháp thuật của mình, nếu không sẽ tính là bất kính với thần linh đó. Vì vậy, thường thì người tu hành sẽ không bước vào thần vực.
Hồng đại hiệp đứng trước miếu, nhìn thấy y bước vào miếu, qua một khoảng thời gian rồi đi ra. Cũng giống lúc đến, y luôn mỉm cười, còn gật đầu cười với nó một cái.
Hồng đại hiệp nhìn bóng lưng người thư sinh áo trắng đi khuất, không khỏi thấp giọng mắng:.
||||| Truyện đề cử: Sống Lại, Ta Đích Thân Dạy Dỗ Quý Tử, Quý Nữ |||||
- Trời lạnh mà vẫy quạt, không vui mà cười. Cười da không cười xương, không gian thì cũng ác.
Miệng nó vừa mắng xong, đột nhiên thấy Trần Cảnh đã ở bên người, bèn vội nói:
- Hà Bá gia, người kia là một vị Thành Hoàng ở Tây Tương thành Âm Thị quốc, tới Tú Xuân loan chúng ta nhất định không tốt lành gì đâu.
Trần Cảnh không đáp lời. Mấy ngày sau, lại có một người ngược dòng mà tới. Người này mặc một thân áo bào đen, cũng chèo trên một con thuyền lá nhỏ, đi qua Phong Lâm độ đến Tú Xuân loan, đi vào miếu Hà Bá. Hồng đại hiệp vẫn đứng bên ngoài miếu nhìn. Phải mất một thời gian khá lâu người đó mới đi ra, lúc đi sắc mặt rất bình thường, như thể không nhìn thấy Hồng đại hiệp.
Hồng đại hiệp nhìn người đó đi xa, Trần Cảnh lại xuất hiên bên người nó, nó bèn vội nói:
- Người đó là một Thành Hoàng ở Giang Đông thành Chiểu quốc. Con từng nhìn thấy qua rồi.
Lại mấy ngày nữa, một thiếu nữ mặc áo đỏ ngồi trên con thuyền nhỏ tới đây, cũng đi qua Phong Lâm độ, đến Tú Xuân loan rồi đi vào miếu Hà Bá. Nàng ta ở trong đó rất lâu rồi mới rời đi. Sau khi nàng ta đi rồi, Hồng đại hiệp vội nói với Trần Cảnh:
- Nàng ta là một vị Thành Hoàng trong Kinh thành Khôi quốc, tên là Liễu Y Y. Nghe nói có pháp lực cao thâm, pháp thuật huyền bí khó lường.
Nó nói xong rồi nhìn Trần Cảnh. Nhìn ánh mắt, có thể thấy nó rất muốn biết vì sao những người kia lại đến đây.
Trần Cảnh cười cười nói:
- Bọn họ mời ta nhập chủ thành trì, nguyện ý phụng ta làm Thần vương.
Dù gì Hồng đại hiệp cũng sống qua mấy trăm năm, pháp lực có thể không cao nhưng ánh mắt lại không thấp. Nó vội vàng nói:
- Hà Bá gia, người ngàn vạn lần không nên đi a.
- Trong ba tòa thành kia, tất sẽ có một vị đại Thành Hoàng bên trong. Ba đại Thành Hoàng đó pháp lực cực cao, lại luôn tranh đấu kềm chế lẫn nhau, danh tiếng đều không dưới Nạp Lan Vương.
Hồng đại hiệp vội la lên. Mỗi lần đi qua đó về, nó đều phải lặng yên đi bên dưới đáy sông, không dám nổi lên mặt nước. Sợ rằng vạn nhất bị vị thần nào nhìn không thuận mắt, ăn tươi mất thì không biết phải làm sao.
Chẳng qua Trần Cảnh chỉ “À” lên một tiếng, rồi không nói gì thêm nữa.
- Hà Bá gia, người không có nhận lời chứ?
Hồng đại hiệp nhỏ giọng hỏi.
Nó không để ý thấy chẳng biết từ lúc nào, bốn phía đã trở nên mờ ảo. Đây là do Trần Cảnh làm phép nhằm không người nào dùng phép thuật nghe lén được cuộc nói chuyện giữa mình với Hồng đại hiệp.
Trần Cảnh đáp:
- Ta nhận lời rồi.
Hồng đại hiệp khẽ sững sờ. Mặc dù nó lo rằng Trần Cảnh sẽ nhận lời, nhưng nó vẫn cho là hắn sẽ không nhận lời đấy. Thật không ngờ Trần Cảnh lại đồng ý.
Nhất thời nó không biết nói gì, chỉ sững sờ đứng nhìn.
- Có dám cùng ta đến nhìn qua nơi tam quốc thần chiến kia không?
Đột nhiên Trần Cảnh cười hỏi.
Hồng đại hiệp vội đáp:
- Đương nhiên, có Hà Bá gia ở đây, lão tôm con sợ cái gì chứ?
Nói đến đây, nó lại có chút chần chừ do dự, như có điều muốn hỏi. Trần Cảnh bèn nói:
- Muốn hỏi gì cứ hỏi?
Hồng đại hiệp mới lên tiếng:
- Hà Bá gia, lão tôm con không rõ người đi vào đó làm gì. Nơi đó là một vũng nước đục, không ai là người lương thiện cả, kẻ nào cũng đều có thể ăn tươi nuốt sống người ta. Người đi chuyến này, đơn độc một mình, thế lực có quá đơn bạc hay không đây?
- A, a…thế đơn lực bạc a. Không phải còn có ngươi nữa hay sao?
Trần Cảnh cười nói.
Hồng đại hiệp nghe xong, lập tức hưng phấn, lớn tiếng nói:
- Có lão tôm con ở đây, nhất định không có kẻ nào lại gần Hà Bá gia quá một trượng.
Trần Cảnh cười lớn, tiếng cười chứa không ít hào khí. Chỉ nghe thấy hắn nói:
- Ha ha, tất cả bọn họ đều muốn ta đến. Chúng ta đành đến gặp bọn họ vậy.
Dứt lời, tượng thần trong miếu đột nhiên bay lên, bay xuyên qua đỉnh miếu như thể xuyên qua một màn nước, từ trên cao đáp xuống lưng Hồng đại hiệp. Còn âm thần của Trần Cảnh thì dung nhập vào bên trong tượng.
Thân thể Hồng đại hiệp trầm xuống, nó khó hiểu hỏi:
- Hà Bá gia, thế này là sao?
Trước kia, mỗi lần Trần Cảnh rời đi cũng không mang theo tượng thần cùng đi như hôm nay cả.
Giọng nói từ trong tượng thần trên lưng nó vọng ra:
- Bọn họ mời ta đi, nhất định có mưu đồ. Trong mưu đồ đó có tính cả ta.
Hồng đại hiệp hiểu ý, không hỏi thêm nữa, chỉ dựng người nhảy lên. Vừa mới trên không trung, người nó đã biến lớn như một con voi, rồi bổ nhào vào trong nước, cưỡi sóng lướt đi xuôi xuống hạ du.
Chẳng biết lúc nào, mặt sông đã chìm trong sương mù. Một con tôm lớn đỏ thẫm chở một tượng đá trên lưng lướt đi trên mặt sông, lộ đầy vẻ thần bí.
Miếu Hà Bá cũng phủ trùm sương trắng mênh mông. Đạo sĩ vốn bị tượng thần trấn áp bên trong vẫn không cách nào nhúc nhích được. Chỉ cần Trần Cảnh còn, gã vẫn sẽ còn bị linh lực Kinh Hà trấn áp.
Ngay lúc tượng thần Trần Cảnh cưỡi Hồng đại hiệp xuôi theo dòng sông đầy sương mù xuống Phong Lâm độ, cánh cửa từ đường thôn Hà Tiền cũng chậm rãi mở ra. Hư Linh từ bên trong đi ra, hai con khỉ mặt chó ẩn nấp trên nóc nhà nhanh chóng đi đến bên người nàng. Hư Linh đóng cửa lại, nương theo ánh trăng mà đi.
-----oo0oo-----