Hoàng Lan Trong Mưa

Chương 18: Mỗi nơi anh đi qua đều in bóng hình em




Vốn không định nghe lén câu chuyện nhưng vì cô Tâm Phương đang khóc nên tôi không dám bước vào luôn, cửa phòng không đóng kín, từ bên ngoài có thể nghe rõ tiếng Bảo Nhi nói với mẹ:
“Mẹ cho con ở lại cùng anh Phong được không?”
“Đến lúc này mà con vẫn ngoan cố như vậy sao?” Cô Tâm Phương hỏi yếu ớt, dường như cô đã khóc rất nhiều.
“Con đang cảm thấy choáng váng lắm, mẹ hãy cho con ở lại đi! Lúc này con chỉ muốn được bên cạnh anh ấy!”
“Không được, con còn phải đi khám kiểm tra xét nghiệm lại. Trong trường hợp…”
Cô Tâm Phương dừng lại, tôi cố gắng nín thở nghe câu tiếp theo.
Cạch…
Chị y tá kéo chiếc xe dụng cụ khám bệnh đến trước cửa phòng, chị cười với tôi không nói gì cả, tôi theo sau chị vào phòng. Cô Tâm Phương vội đứng dậy đi ra ngoài, tôi cũng chỉ kịp cúi chào cô một cái. Hình như Bảo Nhi cũng vừa khóc, tôi cảm thấy mình thật có lỗi, giữa lúc này mà cô ấy vẫn kiên quyết đấu tranh vì tôi.
Chị y tá đo huyết áp cho Bảo Nhi rồi hỏi cô ấy vài câu hỏi như: “Có thường thấy chóng mặt vào mỗi sáng không? Có đau đầu hay hoa mắt gì không?” Chị ấy hỏi nhiều khiến tôi lo lắng. Tôi quay sang chị gặng hỏi:
“Chị ơi cô ấy bị làm sao hả chị?”
Chị ấy nhìn vẻ mặt lo lắng của Bảo Nhi còn tôi thì hồi hộp:
“Em ấy chỉ bị suy nhược thần kinh thôi! Cậu không nên lo quá.”
Tôi thở phào nhìn Bảo Nhi hối lỗi, lâu nay tôi đã để cô ấy suy nghĩ nhiều về chuyện của chúng tôi nên mới ra như vậy, nhất định từ giờ tôi sẽ không để Bảo Nhi lo lắng thêm nữa.
“Cháo trai của em đây! Để anh bón cho!”
Tôi lấy thìa xúc cháo còn nóng hổi cho cô ấy trước mặt chị y tá, Bảo Nhi có vẻ e thẹn còn chị y tá thì cứ cười tủm tỉm hoài làm tôi cũng thấy ngượng ngùng.
“Chị ơi khi nào em được về nhà?” Bảo Nhi hỏi chị y tá.
“Em còn phải xét nghiệm thêm và theo dõi chuẩn đoán, chắc cũng phải vài ngày đến một tuần mới có kết quả, sức khỏe của em khá tốt có thể về nhà rồi đến kiểm tra hàng ngày nhưng tiện nhất thì vẫn nên ở lại.”
Chị ấy phân tích một hồi, tôi cũng gật đầu đồng ý quay sang Bảo Nhi an ủi:
“Mai anh lên khoa xin nghỉ cho, em cứ ở đây để bác sĩ theo dõi vài ngày. Sau giờ học anh sẽ lên đây chơi với em!”
Chị y tá chỉ cười tủm tỉm, sau khi tiêm và dặn dò Bảo Nhi uống thuốc chị kéo xe ra ngoài nhường không gian lại cho chúng tôi.
Tôi kéo ghế ngồi sát tới mép giường vừa bón cháo vừa hỏi:
“Vừa nãy sao mẹ lại khóc vậy?”
Bảo Nhi hơi lưỡng lự trả lời:
“Thì mẹ… không muốn em tiếp tục ở chỗ anh nữa! Chắc mẹ lo em không quen vất vả…”
Tôi nghiêm mặt được thể:
“Mẹ nói đúng đấy! Em cũng nên về nhà rồi, không thể ở mãi chỗ anh được!”
Bảo Nhi làm vẻ mặt dỗi hờn quay đi nói:
“Anh lại đuổi em đấy à! Ghét không chơi với anh nữa!”
Tôi cười:
“Ghét thì chờ ăn xong chỗ cháo này rồi ghét luôn một thể!”
“Ghét!”
Tôi vẫn chìa thìa cháo ở trước mặt, Bảo Nhi lườm một cái rồi mới há miệng ăn. Nói thì nói vậy chứ trong lòng tôi vẫn muốn cô ấy ở lại. Trước sau gì cô ấy cũng là vợ tôi mà.
Bảo Nhi ăn hết bát cháo tôi mua thì cô Tâm Phương cũng về đến, khuôn mặt cô đã trở lại vẻ bình tĩnh hàng ngày, màu phấn trắng hồng trên khuôn mặt khiến cho người ta ngỡ cô còn rất trẻ. Tôi mới phát hiện ra hẳn vừa nãy cô đã khóc rất nhiều nên sắc mặt mới nhợt nhạt đi như vậy. Tôi thấy ái ngại vì đã khiến cô buồn đến thế, vậy mà cô lại không một câu nặng lời với tôi như mọi khi khiến tôi càng thêm suy nghĩ.
“Chiều nay cô ở lại với Bảo Nhi cháu lên lớp đi tiện thể xin nghỉ học cho nó!”
“Vâng!” Tôi ngoan ngoãn nghe lời chào cô và Bảo Nhi rồi xuống đón xe buýt về nhà trọ.

***​


Chạy xe vào đến nhà để xe của trường, tôi còn đang miên man suy nghĩ nhiều chuyện, ngẩng lên đã thấy Phương Thảo đứng trước mặt mình. Ánh mắt nghiêm nghị cô ấy nhìn tôi:
“Sao sáng nay anh nghỉ học?”
“Anh có chút việc bận.” 
Tôi trả lời, không chút dây dưa khoác cặp đi thẳng về phía khoa. Phương Thảo chạy đi phía sau dường như không có ý bỏ cuộc, cô ấy kéo tay áo tôi lại lớn tiếng hỏi:
“Anh định để cô ấy ở chung phòng đến bao giờ?” 
Tôi khựng người lại quay sang nhìn Phương Thảo. Quả thật là cô ấy không nói chơi về chuyện tìm ra chỗ ở của tôi.
“Chuyện này không liên quan tới em, anh sẽ tự giải quyết.” Tôi nói như một người đàn anh.
“Không liên quan đến em? Anh đừng quên chúng ta đã có thề ước!” Cô ấy rơm rớm nước mắt.
Tôi nghĩ mình nên dứt khoát một lần:
“Đó chỉ là lời nói của một đứa trẻ học lớp bốn! Anh thật sự xin lỗi nếu câu chuyện trẻ con đó lại làm tổn thương em đến vậy. Anh và Bảo Nhi yêu nhau. Bảy năm qua người trong trái tim anh chỉ có mình cô ấy! Vì thế em đừng cố gắng làm gì, em như vậy chỉ khiến bản thân tổn thương mà thôi!”
Tôi bỏ đi, Phương Thảo vẫn không chịu cô ấy chạy thẳng đến ôm chầm lấy lưng tôi khóc nức nở.
“Em có gì thua kém cô ấy sao? Cô ấy ở bên anh bẩy năm em cũng chờ anh mười năm. Chúng ta mới chính là thanh mai trúc mã.”
“Cưỡi chung một con ngựa trúc không có nghĩa là đi cũng nhau cả cuộc đời. Anh luôn coi em như em gái mình chưa bao giờ có ý nghĩ gì khắc cả.”
Tôi gỡ tay Phương Thảo ra đi thẳng về phía khoa, tôi biết cô ấy ở phía sau vẫn đang khóc nhưng mềm yếu chỉ khiến cô ấy đau khổ thêm, thà để cô ấy đau khổ một lần còn hơn.

***​


Trong phòng chờ chụp CT cắt lớp, ánh sáng trắng chan hòa khắp phòng chờ. Bảo Nhi đang cầm cuốn tài liệu về bệnh u não, mỗi dòng chữ đọc qua là một cảm xúc thay đổi trên khuôn mặt của cô ấy. Khép quyển sách lại với tâm trạng dường như vô vọng cô ấy chợt nhớ đến lời của Phương Thảo buổi chiều mấy hôm trước.
“Hiện tại cô là người chiến thắng, nhưng hãy nhớ chiến thắng không bao giờ là mãi mãi! Cô ở bên anh ấy bẩy năm nhưng tôi với anh ấy mới là thanh mai trúc mã.”
“Tôi tin vào anh Phong!” 
Giọng nói Phương Thảo đầy quả quyết:
“Cô có Phong nhưng không có mọi thứ thuộc về anh ấy! Chắc cô không biết mẹ Phong không thích cô!”
Bảo Nhi không tin vào lời nói của Phương Thảo, có lẽ cô ta chỉ cố tình nói như vậy để cô yếu lòng. Nhưng nghĩ lại thì cũng không phải không có lý, mấy lần gặp mẹ Phong bà luôn giữ thái độ ôn òa vừa chừng, chưa khi nào niềm nở như khi Phương Thảo xuất hiện. Ban đầu cô còn nghĩ mẹ anh ấy như vậy là vì quen với Phương Thảo từ trước. Cũng phải thôi, dù sao người ta cũng từng là thanh mai trúc mã.
Bảo Nhi khẽ thở dài nhìn lên ánh đèn chan hòa đang tỏa sáng trong căn phòng. Hy vọng hiện giờ như ánh sáng le lói trong ý nghĩ của cô. Nếu không phải là cô liệu anh có hạnh phúc không? Nếu cô biến mất liệu cuộc sống của anh có bình yên hơn không? Hai từ hạnh phúc mà hai ngày trước đây cô đang kiêu hãnh vì sống trong nó thì giờ bỗng chốc lại trở nên mong manh khó giữ đến vô cùng. Lo sợ, tiếc nuối và vô vọng là tất cả những gì cô nhìn thấy nơi ánh sáng ấy.
Cạch…
Tiếng cửa mở, mẹ Bảo Nhi bước vào phòng. Làn phấn trang điểm vội lúc sáng đã phai hết bởi nước mắt, đôi mắt đỏ hoe sưng mọng vì khóc chăm chú nhìn về đứa con gái bé nhỏ. Cả ngày nay cô đã khóc như thế rất nhiều đến mức cô không thể tỏ ra suy sụp thêm trước mặt con gái mình, nên mỗi lần như thế đều trốn vào nhà vệ sinh, khóc đến mệt lả rồi mới chịu ra.
Trái với lo sợ của cô, Bảo Nhi không quá suy sụp, ngược lại còn có chút kiên cường. Nghĩ cũng phải, điều này con bé thừa hưởng từ cô, dù có ở hoàn cảnh nào cũng nhất định không để người khác thấy mình yếu đuối. Nhưng như thế cũng chỉ khiến cô thêm đau lòng vì cô biết trong thâm tâm Bảo Nhi hẳn đang đấu tranh rất nhiều.
Cô ngồi xuống sát con gái cố kìm nén cảm xúc, cũng không dám mở lời bởi nếu nói một câu thì cô sẽ lại khóc, xung quanh cứ vì thế mà tĩnh lặng đến vô cùng.
“Cháu vào đi!” Giọng ông bác sĩ ân cần.
Bảo Nhi có vẻ lo lắng quay sang nhìn mẹ rồi mới theo bác sĩ vào phòng chụp cắt lớp.

***​


Tiết thứ hai ở trường. Tôi cảm giác có gì đó khác lạ, sau một hồi suy nghĩ mới nhận ra Phương Thảo không có mặt trong lớp, rốt cuộc có chuyện gì lại khiến cô gái này trốn tiết? Không lẽ là lỗi tại tôi sao? Tôi cảm thấy mình cũng có chút nhẫn tâm, mặc dù vậy tôi vẫn cương quyết gạt suy nghĩ ra khỏi đầu: “Mặc kệ! Dù sao cũng để cô ta quyết tâm một lần!”
“Công thức của một tin hoàn chỉnh là 4w+1h …”
Âm thanh trầm ấm vang lên từ micro của thầy giáo cũng chẳng làm tôi quan tâm. Điều khiến tôi lo lắng lúc này chính là Bảo Nhi đang ở viện, tôi cứ có linh cảm bất an không sao tập trung được…

***​


“Anh đang làm gì vậy? Mấy ngày nay anh ở đâu?” 
Phương Thảo to tiếng nạt nộ trong quán cà phê, ngồi đối diện cô Hoàng Nam vẫn nhâm nhi cốc cà phê không hề có chút phản ứng gì.
“Chẳng phải anh đã đồng ý cùng hợp tác với tôi đối phó với hai người bọn họ sao? Vậy mà những lúc quan trọng thế này thì anh biến mất.”
Hoàng Nam có chút ngán ngẩm lại có phần bí tắc trước mấy câu hỏi gay gắt của cô gái trước mặt. Anh ta khẽ xoay người nhìn ra ngoài ô kính cửa sổ né tránh câu trả lời.
“Anh không nói thì gọi tôi ra đây làm gì?”
“Thôi được rồi! Cô nói hết chưa? Tôi gọi cô ra đây là để nói: phi vụ hợp tác giữa chúng ta thất bại, tôi chính thức bỏ cuộc. Chuyện này cô muốn giải quyết sao cũng được, cô muốn dừng lại hay tiếp tục là tùy cô, tôi không tham gia nữa.”
“Anh là đàn ông mà bỏ cuộc dễ dàng vậy sao? Anh hèn quá đấy!”
“Cô…” Hoàng Nam tắc lưỡi.
“Tôi làm sao?”
Hoàng Nam không trả lời.
“Anh muốn bỏ cuộc thì tùy anh tôi có cách giải quyết của tôi!”
Phương Thảo nói dứt lời liền đứng dậy đi thẳng về phía cửa. Hoàng Nam chỉ còn biết ấm ớ hỏi với theo:
“Cô định làm gì?”
“Anh không cần biết!”
“Cái con bé này…” 
Hoàng Nam cằn nhằn một mình, vội trả tiền kẹp dưới đáy cốc cà phê rồi đuổi theo Phương Thảo ra ngoài.

***​


Những tấm phim chụp cắt lớp được đưa lên trên màn chiếu, khuôn mặt vị bác sĩ già đăm chiêu, mỗi nếp nhăn trên trán của ông càng khiến người ta khó suy đoán hơn. Ông nghiên cứu từng tấm phim cặn kẽ và tỉ mỉ, mặc dù hai người đứng cạnh đang trong bộ dạng vô cũng sốt ruột vẫn không khiến ông phân tâm.
Mười lăm phút… ba mươi phút. Cô Tâm Phương đã bắt đầu sốt ruột, cô đứng dậy bước sát đến bên ông bác sĩ hai bàn tay nắm chặt vào nhau. Vị bác sĩ vẫn chú tâm đến những tấm phim khiến cô không dám cất tiếng hỏi.
Dừng lại với nỗi buồn thoáng trên khuôn mặt dạn dày kinh nghiệm trong ngành, ông quay sang nhìn cô bé tuổi còn quá trẻ lại quay sang người mẹ dường như có phần đắn đo.
Bảo Nhi đứng dậy mạnh mẽ nói:
“Xin bác cứ nói thẳng cho cháu biết! Cháu cần được biết rõ tình hình của mình.”
Vị bác sĩ dừng ánh mắt trước vẻ mặt dũng cảm của Bảo Nhi như muốn khẳng định rõ quyết tâm của cô. Bên cạnh cô Tâm Phương đã rơm rớm nước mắt không nói được câu gì.
“Chắc mẹ cháu cũng nói với cháu về chuẩn đoán ban đầu của chúng tôi. Sau khi chụp CT cắt lớp, kết quả khẳng định là cháu bị một khối u trong não phải.” Vị bác sĩ dừng lại.
Cô Tâm Phương thực sự bị chấn động mạnh, cô lùi lại bên chiếc ghế thả mình ngồi xuống cho vững, sắc mặt trắng nhợt đi. Bảo Nhi cũng không khỏi chấn động nhưng vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ hỏi vị bác sĩ:
“Khối u này nghiêm trọng đến mức nào?”
“Theo chuẩn đoán ban đầu của chúng tôi đây là dạng u não nguyên phát lành tính, nằm gần trung tâm bán cầu não phải. Khối u phát triển gây chèn ép lên các mô tế bào thần kinh. Ban đầu gây đau đầu chóng mặt buồn nôn, nặng hơn có thể ảnh hưởng đến việc chỉ huy các hoạt động cơ thể, thị giác có thể gặp phải hiện tượng nhìn thấy hai ba vật song song một lúc. Nếu không kịp thời phẫu thuật sẽ dẫn tới tử vong.”
Ông bác sĩ dừng lại, không khí trong phòng càng lúc càng trở lên căng thẳng. Bảo Nhi bắt đầu thấy hoang mang cô ấy cố gắng gượng hỏi:
“Cháu còn bào nhiêu thời gian?”
“Chậm thì sáu tháng, nhanh thì ba tháng.”
“Cháu có thể phẫu thuật không bác sĩ?” Hy vọng được sống ngập tràn trong đôi mắt.
“Tất nhiên là được, với trường hợp của cháu phẫu thuật có tỉ mỉ hơn một chút. Bác sẽ giới thiệu cháu đến một bệnh viện tốt nhất có kinh nghiệm chuyên ngành về phẫu thuật u não. Ở đấy người ta sẽ làm tiếp những xét nghiệm lâm sàng và vi kiểm các mô thần kinh áp sát khối u để xác định cách phẫu thuật. Nhiều khả năng sẽ phải áp dụng đến công nghệ Grama Knife để cắt bỏ khối u.”
“Cháu có bao nhiêu cơ hội sống xót?” bảo Nhi rơm rớm nước mắt hỏi:
“Khoảng năm mươi phần trăm.” Ông bác sĩ khẳng định.
Bảo Nhi cố trấn tĩnh, hai ngón tay cái cọ mạnh lên nhau giọng run run hỏi tiếp:
“Cháu có đọc qua quyển sách này, nghe nói sau phẫu thuật thường có nhiều biến chứng xảy ra? Trường hợp của cháu xác suất bao nhiêu phần trăm có thể trở lại một người bình thường?”
Ông bác sĩ khẽ thở dài trả lời:
“Sau phẫu thuật có thể xảy ra một số biến chứng, nặng nhất là mất ý thức, trường hợp này không hiếm khi xảy ra nhưng không phải là không thể. Các trường hợp khác thường gặp phải như: mất một phần trí nhớ, rối loạn khả năng điều khiển các hoạt động của cơ thể hoặc ảnh hưởng đến một vài bộ phận giác quan. Hiện giờ với công nghệ tiên tiến người ta sẽ xác định rõ các vùng mô thần kinh liên quan để tránh gây những biến chứng không đáng có này. Nên cháu hãy yên tâm.” 
Bào Nhi cố gắng nhấn mạnh:
“Chính xác là bao nhiêu phần trăm hả bác?”
“Hai mươi lăm phần trăm.” Ông bác sĩ cuối cùng cũng phải đi vào câu trả lời chính thức.
Sự mạnh mẽ gắng gượng của Bảo Nhi bị bẻ gãy, thế giới xung quanh cô ấy bắt đầu sụp đổ. Tình yêu của mẹ dành cho cô sẽ phải làm sao để báo đáp. Tình yêu của cô dành cho người cô yêu cũng sẽ tan biến như tro bụi sao? Không thể nào, cô mới mười chín tuổi, cô còn rất trẻ, cô còn bao nhiêu dự định chưa kịp thực. Có lẽ nào ông trời lại trêu đùa với cô như vậy.
Bảo Nhi bắt đầu khóc, hai tay buông thõng, cô ấy ngồi xuống ghế, dựa lưng vào bức tường trắng tinh như tâm hồn cô cứ thế mà khóc, tiếng khóc từ nhỏ đến lớn dần…
Cô Tâm Phương xót xa ôm lấy con gái trong lòng, giờ đây con bé đang run rẩy như một đứa trẻ mới chào đời cất tiếng khóc thống khổ. Cô không dám khóc nữa, nước mắt cố nuốt vào lòng, cô sợ nếu cô khóc thì khoảng trời trước mặt Bảo Nhi sẽ sụp đổ.
Cô dìu Bảo Nhi về phòng, chờ con bé khóc đến mệt nhoài ngủ thiếp đi trong lòng mình…

***​


Tôi ngồi trên ghế đá dưới tán cọ trước khoa, phía trước mặt là con đường lát đá ríc rắc kéo dài theo bóng những hàng cây cổ thụ, nơi hàng ngày Bảo Nhi vẫn léo nhéo khoác tay tôi đi trên con đường này. Hôm nay ngồi một mình trên chiếc ghế đá mà Bảo Nhi vẫn chờ tôi mỗi buổi tan lớp tôi mới thấy nó trống trải quá, con đường phía trước cũng trở nên thật mênh mang.
Cả buổi chiều không có Bảo Nhi tôi cũng chả nhét nổi thứ gì vào đầu. Giờ này ở bệnh viện có lẽ cô ấy cũng rất buồn, cũng may cô Tâm Phương có thể nghỉ bất cứ lúc nào nên tôi cũng đỡ sốt ruột hơn.
Chuông báo tiết học cuối đã vang lên trên sân, ngó nhìn quanh cũng chẳng thấy bóng Phương Thảo đâu. “Con bé này lại định giở trò gì nữa đây?” Tôi lầm bầm bước sải bước chân vô định về phía khoa…

***​


“Cô muốn đi đâu đây?” Hoàng Nam thắc mắc.
Phương Thảo không trả lời, suốt đoạn đường hơn ba mươi cây số cô gái này chỉ nói ba cụm từ “rẽ phải” “rẽ trái” và “đi thẳng”. Mới lúc đầu anh ta còn tưởng Phương Thảo bực bội muốn đi một vòng cho hạ hỏa. Chiếc Jaguar bật mui trần phóng ra ngoài thành phố tự khi nào mà cô bé này vẫn chỉ độc nói mấy câu ngắn ngủn như thế. Thi thoảng nhìn sang thấy hình dáng mảnh mai, khuôn mặt kiều diễm cùng mái tóc đen huyền tung bay trong gió, Hoàng Nam mới tự cười tán dương thầm trong lòng một câu: “Hóa ra nhìn kỹ con bé này cũng xinh ra phết!”
“Anh nhìn cái gì? Còn không lo đi đi? Phương Thảo quát, cơn bực bội dường như vẫn chưa nguôi.
“Rốt cuộc cô định đi đâu? Đây là ngoại thành rồi đấy…”
“Rẽ phải đi! Căn nhà nhỏ màu xanh ấy.”
Hoàng Nam xoay vô lăng bỏ dở câu nói. Dừng trước chiếc cổng sắt sơ sài của một căn nhà ngoại ô cách Hà Nội hơn ba mươi kilômét.
Nghe tiếng xe dừng trước cổng, một người phụ nữ trung niên nhan sắc mặn mà đon đả ra mở cổng, nhìn thấy bà Hoàng Nam mới bàng hoàng vội quay sang ghìm giọng hỏi:
“Cô xuống nhà thầy?”
“Thế anh nghĩ chúng ta đi đâu?”
Hoàng Nam không biết phải trả lời lại như thế nào, chỉ bực tức nói:
“Sao cô không nói trước để tôi mua cái gì đó!”
“Anh cũng có vẻ chu đáo nhỉ!” Phương Thảo cười nhạt khen một câu.
“Giờ cô mới biết sao!”
“Vốn dĩ trên mặt anh không có hai chữ đó mà!”
“Con chào cô!” Hoàng Nam quay sang người phụ nữ trung niên đang nở nụ cười hiền hậu lễ phép chào.
“Mẹ!” Phương Thảo chào vô cùng thân thiết.
“Hai đứa đến chơi đấy à! Sao không báo trước để cô chuẩn bị!” Người phụ nữ trung niên vừa nói vừa nắm tay Phương Thảo dẫn vào trong nhà.
Hoàng Nam bấm nút đóng mui an toàn của xe từ khóa cầm tay, nhìn theo Phương Thảo đã đi vào đến trước cửa nhà lầm bầm chế giễu:
“Tôi chưa thấy đứa con gái nào trơ tráo như cô, đã bị từ chối mà còn xưng mẹ con với mẹ người ta như đúng rồi!”
Hắn hừ một cái lầm lũi bước theo sau.

***​


Bảo Nhi ngủ một giấc dài mới tỉnh dậy thấy mình vẫn gối đầu lên lòng mẹ, chiếc áo măng tô dài của bà vẫn còn ấm ấm nước mắt của cô. Hóa ra khi cô yếu đuối thì mẹ vẫn là bầu trời bao bọc lấy cô, cô rúc đầu vào lòng mẹ nói khe khẽ nhưng rất rõ ràng.
“Mẹ à! Chuyện này mẹ đừng nói cho anh Phong biết vội! Con sẽ tìm thời điểm thích hợp để nói với anh ấy.”
Một giọt nước mắt còn ấm rơi xuống má cô. Bảo Nhi ngước lên nhìn mẹ an ủi.
“Mẹ đừng khóc nữa, lát anh ấy về nhìn thấy mẹ khóc sẽ nghi ngờ!”
Cô Tâm Phương có vẻ giận, gạt nước mắt nói:
“Đến nước này mà con vẫn còn nghĩ cho nó sao?”
“Mẹ thật không thương anh ấy sao? Mẹ còn nhớ hồi chúng con còn nhỏ mỗi lần thấy anh ấy khóc một mình dưới cây Hoàng Lan trước nhà là mẹ lại bảo con ra an ủi anh ấy còn gì?”
“Lúc đó mẹ không nghĩ nó cả gan dám cưa cẩm con.”
“Mẹ! Hồi đó mẹ thường hay trêu: con sau này phải kiếm một tấm chồng như thằng Phong ấy! Vì thế mà con gái mẹ đã chủ động cưa con trai nhà người ta đấy!”
“Mày giống ai không biết?”
“Đương nhiên là mạnh mẽ giống mẹ rồi!” Bảo Nhi nịnh.

Cạch…

***​


Tôi về đến Thu Cúc, bỏ xe vội vàng dưới tầng hầm, theo thói quen lại chạy thẳng cầu thang bộ lên tầng ba, tay ôm theo một bó hoa hồng trắng nhỏ nhắn. 
Như tôi mong đợi Bảo Nhi và cô Tâm Phương vẫn đang ngòi trò chuyện vui vẻ bên giường. Hai má Bảo Nhi có hơi hồng, tôi đoán là cô ấy đã trang điểm một lớp phấn nhẹ. Bảo Nhi có hai biệt tài trời phú là trang trí cắt tỉa và make up, cô ấy luôn trang điểm rất tự nhiên và tinh tế. 
Tôi cúi đầu mở lời chào cô Tâm Phương rồi quay sang tặng Bảo Nhi bó hoa hồng. cô ấy nhận xong liền tươi tắn sai:
“Anh thay vào bình hoa giúp em với!”
Cô Tâm Phương lại lặng lẽ ra ngoài, tâm trạng mặc nhiên vẫn buồn như buổi sáng, có lẽ cô vẫn chưa có cảm tình với tôi. Không sao, được như hiện giờ tôi cũng hạnh phúc lắm rồi. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bên giường, mắt không rời khỏi Bảo Nhi lấy một giây.
“Em nói với mẹ rồi ngày mai em muốn ra viện, ở đây em cảm thấy ngột ngạt lắm!”
“Không được.” Tôi phản đối: “Bác sĩ dặn em phải ở lại theo dõi điều trị một thời gian cơ mà!”
“Thì cũng chỉ uống thuốc với tiêm thôi. Từ nhà trọ lên viện cũng gần nên hàng ngày em sẽ tự đi. Em không muốn bị coi như người bệnh.”
“Nhà trọ? Tự đi?” Tôi nheo mày phản đối: “Không được, em không về nhà, mẹ sẽ giận anh đấy! Hơn nữa em không tự đi một mình được.”
“Mẹ đồng ý cho em ở lại rồi! Nếu hàng ngày anh không tin tưởng em lái xe thì hộ tống em đến bệnh viên là được chứ gì?”
Bảo Nhi một mực muốn về, tôi không biết phải làm sao đành nửa hờ đồng ý:
“Thôi được để lát anh hỏi lại bác sĩ xem sao? Nếu bác sĩ đồng ý thì em có thể về.”
Lượt khám buổi tối, tôi còn chưa kịp nói gì với bác sĩ thì Bảo Nhi đã xin được về. Sau khi nghe cô ấy trình bày nguyện vọng và hứa sẽ đến kiểm tra đầy đủ thì vị bác sĩ cũng đồng ý. Chẳng chờ ông ấy ra khỏi phòng Bảo Nhi đã ôm chặt lấy cổ tôi la lên vì mừng khiến tôi ngại đỏ cả mặt.
Bảo Nhi uống thuốc xong, đòi tôi kể chô cô ấy nghe mấy truyện truyền kỳ mạn lục. Kể chưa được nửa truyện cô ấy đã ngủ mất tự lúc nào. Ngồi áp má xuống thành giường, nhìn ra ngoài cửa sổ nơi hàng ngàn vì sao sáng lờ mờ trong khung trời rực ánh đèn phố tôi cũng ngủ thiếp đi trên ghế.
Buổi sáng hôm sau vì cùng với cô Tâm Phương làm thủ tục cho Bảo Nhi xuất viện nên tôi cũng xin nghỉ học. Trái với những gì tôi lo ngại cô lại rất ôn hòa với tôi. Mặc dù cảm giác này tôi hằng mong chờ lâu nay nhưng vẫn thấy có điều gì đó không được tự nhiên cho lắm. Tôi xin nghỉ cả ngày nhưng ngày mai thì không thể vì tôi có buổi thi qua môn. Điểm khá tôi không mong đợi nhưng ít nhất cũng phải gỡ lấy điểm trung bình để không phải thi lại. Tôi chỉ mong sao được tốt nghiệp thật nhanh để phụ giúp công việc hàng ngày cho Bảo Nhi.
Bữa cơm trưa đầu tiên nấu mời mẹ vợ tương lai khiến tôi lo lắng đến mức mồ hôi trán toát ra đầm đìa. Vậy mà cuối cùng món thịt bò sốt vang vẫn quên mua sa tế, phải chạy ra chỗ chị bán đồ khô ngoài cổng chợ mua về, thật là không để đâu hết xấu mặt.
Tôi nín thở chăm chú nhìn cô gắp miếng đầu tiên, may mà cô mỉm cười ứng ý mới khiến tôi thở phào.
Cô vừa ăn vùa nhìn quanh phòng hỏi một câu rất quan tâm:
“Mỗi tháng bố mẹ cậu cho cậu bao nhiêu tiền?”
Tôi trả lời thật thà:
“Thực ra hai năm nay cháu không lấy tiền của gia đình. Phần vì còn nợ nần, phần vì cháu cũng có công ăn việc làm nên cuộc sống cũng tạm ổn.”
Cô lặng im một hồi, trong lòng phần nào cũng có sự cảm thông với tôi, cô tiếp:
“Cậu cũng giỏi thật đấy, vừa đi học lại vừa tự lo cho cuộc sống của mình. Nửa tháng nay cái Bảo Nhi nó đến đây ở chắc cũng khiến cậu vất vả không ít.”
Tôi ái ngại trả lời:
“Không ạ! Có cô ấy cũng bớt đi khó khăn, cháu thật sự xin lỗi vì đã để Bảo Nhi ốm như vậy!”
Cô lặng im không nói gì. Tôi liếc sang Bảo Nhi đang cười an ủi với tôi.
Sau hôm từ viện về Bảo Nhi vẫn phải nghỉ học để đi viện kiểm tra và điều trị hàng ngày. Tôi cố gắng thi mấy môn qua kỳ, mỗi buổi sáng lại hộ tống cô ấy xuống bệnh viện. Cô Tâm Phương cũng đi theo nhưng Bảo Nhi cứ nhất quyết muốn tự đi xe đạp điện tới bệnh viện. Cô ấy không muốn bị đối sử như một người bệnh nên cô Tâm Phương cũng đành phải chiều theo. 
Bảo Nhi dường như cũng mạnh dạn hơn, mỗi lần tôi từ trường về là cô ấy lại ra đón rồi ôm lấy tôi thật chặt, đêm ngủ cũng chui qua chăn của tôi. Một hai hôm đầu tôi nghiêm mặt là cô ấy lại chui về chăn của mình, nhưng về sau tôi có nghiêm mặt hai ba lần cô ấy vẫn chỉ cười khúc khích, còn vòng tay ôm lấy tôi. Tôi muốn cản nhưng cũng chẳng biết phải nói thế nào, mỗi lúc như vậy là tôi lại phải cố nín thở mà ngủ tiếp. Dạo này tôi cũng nghỉ làm luôn thành thử đêm dường như cũng dài ra rất nhiều…
“Chiều nay anh thi nốt môn cuối. Từ mai được nghỉ học ở nhà chơi với em rồi!” Vừa ăn trưa tôi vừa báo tin mừng với Bảo Nhi. Thi xong còn phải học mấy buổi nữa mới nghỉ Tết nhưng mà tôi quyết định trốn học sớm vì có dự cảm bệnh của Bảo Nhi không đỡ đi nhiều. mỗi sáng cô ấy thường mê man ngủ không nghe được cả đồng hồ báo thức, thỉnh thoảng lại có vài cơn đau đầu. Tôi hỏi thì cô ấy bảo là do tác dụng của thuốc. Tôi thì chỉ lo bệnh viện chưa tìm ra đúng bệnh đúng thuốc nên không yên tâm, định nghỉ vài ngày để đưa Bảo Nhi đi khám lại xem thế nào.
Ăn cơm xong tôi dọn qua vài thứ phụ Bảo Nhi rồi xuống trường thi. Vẫn như mọi ngày cô ấy lại đột nhiên chạy lại ôm chầm lấy lưng tôi thủ thỉ:
“Anh nhớ về sớm nhé!”
“Uhm!” Tôi chào cô ấy phóng xe ra ngoài phố

***
Nắng yếu ớt phản chiếu bóng những ngôi nhà cao thấp phía trước khu trọ đã che nửa cái sân lát gạch đỏ. Bên ngoài cổng, một người phụ nữ trung niên vẻ mặt hiền từ thấp thỏm đứng bấm chuông?
Ông chủ nhà ra mở cửa liền chào hỏi một câu:
“Chị đến thuê nhà à?”
“Không anh ạ! Tôi đến thăm cháu. Con trai tôi tên Lê Phong, hiện đang trọ ở đây!”
Chú chủ nhà khá ấn tượng với cái tên này, hơn nữa nhà trọ cũng chỉ có bảy tám phòng. Chú liền mở cửa chỉ đường lên tầng hai:
“Phòng cháu ở trên đó! Mời chị vào!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.