Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 215: Trấn Nam Bàn biến loạn (2)




Quyển II: Học Phủ Phong Vân
C 99: Trấn Nam Bàn biến loạn (2)
Đòn bắt người của Kiệt khiến Nữ Lưu trấn động. Một mặt họ không ngờ Kiệt có thể ra tay chuẩn xác như vậy, vợt hết một mẻ. Họ vô cùng kích động, đòi Mai Diễm phải yêu cầu Kiệt thả người ra ngay.
Kiệt không giữ người, không đòi hỏi bất cứ điều gì, nhưng chuyển lời tới Nữ Lưu thật rõ ràng rằng: “ Làng Hồng Bàng mong muốn hợp tác với Nữ Lưu trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi. Nếu như có ai muốn áp đặt lợi ích của bản thân lên đối phương, thì sẽ không còn là hợp tác nữa, mà sẽ thành lợi dụng”. Mai Diễm đem điều này ra nói, cảnh cáo chị em trong hội hãy suy nghĩ cho kỹ càng trước khi hành động, tránh già néo đứt dây.
Nữ Lưu vì thế tạm yên, giúp Kiệt có đủ tinh thần sẵn sàng đối phó với tình hình ở Trấn Nam Bàn. Đội quân tiền trạm sau 15 ngày đã cử 1 người quay lại báo cáo. Hóa ra tình hình chưa tới nỗi tệ như Kiệt và dân làng Hồng Bàng lo sợ.
Trấn Nam Bàn lúc này đang ở tình trạng thiếu lương. Còn 2 tháng nữa là tới lúc gieo vụ chính, nhưng lúa gạo dã bắt đầu cạn dần. Thóc giống phải đảm bảo nguyên vẹn, không thể đem ra ăn, nếu không tới lúc cần gieo trồng thì lấy đâu ra. Các loại thức ăn sơn hào hải vị cũng ngon đấy, nhưng không no được như cơm gạo. Vì thế, giá gạo được đẩy vọt lên từng ngày, hôn nay cao hơn hôm trước.
Thấy nguồn lợi lớn, đám con cháu Hồng Bàng ở trên đó liền tìm cách kiếm lời sao vừa được lời nhiều mà cũng vừa an toàn. Thương nhân từ xưa tới nay luôn là đối tượng dễ bị ganh ghét bởi họ là người kiếm được nhiều tiền theo kiểu mua rẻ bán đắt. Đúng là hàng khan hiếm giá cao là tất nhiên, nhưng nếu như hàng hóa đó là gạo, thứ gắn liền với cái bụng thậm chí là mạng sống, thì khó nói lắm. Đám người làng Hồng Bàng có gạo trong tay nhưng không muốn bán hết ngay lúc này, giá còn đang lên mà bán đi thì chỉ có ôm đầu tiếc. Nhưng không bán, cũng khó yên. Người ta thiếu gạo, sắp đói tơi nơi, anh có gạo không bán, nó bí quý nó cướp thì sao.
Nghĩ đi nghĩ lại, đám người quyết định tới tìm Hoàng Anh Minh, nhờ cậu giới thiệu với Dương Quốc Lộ. Lão ta là chỉ huy quân canh phòng, tay có quân lính, có thể đảm bảo rằng người Thượng không dám làm gì quá khích. Đóng cho Dương Quốc Lộ một khoản phí kha khá, họ được gửi lương thực ở đây, hễ mua bán xong rồi mới dẫn người ta tới lấy lương thực, không sợ bị cướp.
Chính vì phải đàm phàn với Dương Quốc Lộ, chỉ đạo vận chuyển lương thực, rồi chuẩn bị nơi để, kiểm tra kho bãi, giao dịch thử nghiệm,… cho nên mất thời gian, nếu không phải đội quân tiền trạm lên, có khi họ tới hết tháng mới viết báo cáo xuống. Tin này làm dân Hồng Bàng thở phào nhẹ nhõm, Kiệt thì bảo người truyền tin tạm nghỉ ngơi cho lại sức đã, chạy gấp vậy về đây chắc rất mệt.
- Tất cả có thể thấy rồi, tin tức không thông linh, rất dễ gây hiểu lầm không đáng có. May mà ta chưa hoảng loạn quá mức, tổ chức vũ trang các kiểu, nếu không không biết sẽ thế nào.
- Thôi, vậy là may mắn rồi, không việc gì cả?
- Việc may mắn là không có gì xảy ra, nhưng để đề phòng, ta phải thống nhất lại việc truyền tin đồng thời yêu cầu người của ta chuẩn bị đường lui. Việc người thương nhân kia nhất định rời Trấn Nam Bàn, cũng đâu thể xem thường.
Người đưa tin nghỉ ngơi hai ngày rồi mang tin của Kiệt lên. Bao gồm quyết định xử phạt họ vì việc đã khiến làng suýt thì loạn cùng với yêu cầu họ phải chuẩn bị đường lùi trong trường hợp bất ngờ. Đội tiền trạm thực hiện giám sát quá trình này, nếu chậm trễ thì báo về để có hình thức xử phạt.
Do tình hình đã nắm được là chưa có gì quá nguy hiểm, cộng thêm việc đã có sự thỏa thuận với quân trấn thủ ở Trấn Nam Bàn, phương án tốt nhất là chuẩn bị có biến là tót về đấy, để Dương Quốc Lộ bảo vệ họ. Hoàng Anh Minh cũng được báo đầy đủ những gì làng Hồng Bàng biết để sẵn sàng ứng biến.
Đi đôi việc theo dõi diễn biến ở trên Trấn Nam Bàn, người dân Hồng Bàng cũng nói ra nói vào cái việc là trên đó đang thiếu lương thực, đề nghị làng ta cùng gom lương thực lên đó buôn bán, chắc là lãi to.
- Lương thực dự trữ ta còn bao nhiêu. Có thể bán ra bao nhiêu?- Kiệt hỏi Bá hộ Đào. Bá hộ Đào thích ruộng đất, trồng trọt, lại cũng có chút chữ nghĩa, còn là bố vợ của cậu, nên giờ được bổ nhiệm vào vị trí cục trưởng của Cục Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thông. Nhiệm vụ của ông ta là đảm bảo sự phát triển của nền nông nghiệp: phương thức canh tác, quản lý đất nông nghiệp, khai hoang, thủy lợi,… ở làng Hồng Bàng và các làng liên minh.
- Ta đã kiểm tra cẩn thận, nếu bán đi chừng 10 tấn thì vẫn đủ gạo thóc ăn, cho dù là vụ chính năm nay có mất mùa. Hơn nữa, các cụ trong làng và Chu Xuân Đạo đều báo rằng năm nay mưa thuận gió hòa, không lo đâu.- Bá hộ Đào trả lời cẩn thận. Làng Hồng Bàng có hệ thống quản lý chặt chẽ, số liệu chính xác, không sợ sai lệch.
- Vậy thì liên hệ với trên kia, ta có 10 tấn gạo, bảo bọn nó tính cách bán sao cho hợp lý hợp tình, chớ làm dân trên ấy náo động.
- Được!- Bá hộ Đào mặt hớn hở vô cùng, vì nếu bán lương thực, lão sẽ có một khoản thu không nhỏ. Làng Hồng Bàng từ khi cải cách tới nay, để đảm bảo an ninh lương thực, sau khi thu hoạch, nộp thuế hiện vật xong xuôi, số thóc gạo còn lại sẽ được cân đo đong đếm, đem nhập vào kho chung của làng, thống nhất phân phối. Hễ là người của làng, có đóng góp lúa gạo, chỉ cần tới lĩnh là được, khi nào lĩnh hết số thóc gạo đóng góp, mới phải tính chuyện mua bán. Còn nếu làng bán thóc gạo ra, số tiền thu về sẽ được giữ một phần làm quỹ, một phần trả về cho người dân dựa theo tỷ lệ đóng góp lúa gạo của họ. Bá hộ Đào ruộng nương bạt ngàn, đóng góp nhiều nhất, tất nhiên phần cũng nhiều nhất rồi.
Niềm vui của Bá hộ Đào ngắn chẳng tày gang, hôm trước vừa viết thư lên bán chuyện bán lương thực, tới hôm thư gửi về, thông báo kế hoạch buôn bán xong cái, là trên huyện có thông báo rằng, theo Khâm Thiên Giám ( tương tự đài nghiên cứu khí tượng quốc gia chuyên dự báo thời tiết vậy) của Nam Giao Đô Ty, thì những vùng phía nam năm nay có biến động thời tiết, khả năng sẽ có thiên tai, yêu cầu quan các nơi tích trữ lương thực. Vì thể từ Phủ, Châu, Huyện đều đốc thúc việc kiểm soát lương thực. Theo đó lương thực sẽ được trưng thu một phần, đem vào kho quan để kiểm soát, chỉ có một phần nhỏ được phép lưu hành trên thị trường. Đến khi có thiên tai thì quan lại đem ra trả cho dân dùng. Đây cũng là một biện pháp hay.
Với việc kiểm soát lương thực và thu vào kho quan, lượng lương thực vốn định đem đi bán liền bị thu mất 3 phần 4, số còn lại ít quá, đem bán chả bõ tiền công vận chuyển. Đã vậy, tin tức này còn làm nhiều người sợ hãi, cho rằng quan lại đã làm vậy, thì chắc chắn rằng năm nay có họa rồi, chi bằng nên tự lo liệu mình thôi, giữ chặt số lương thực còn lại mà phòng bị.
- Chuyện này là quá! Chu Xuân Đạo, ông chắc là vụ mùa này mưa thuận gió hòa chứ!
- Cái đó thì khó nói lắm, thời tiết mà, ai dám nói chắc được! Lão sao dám chắc.- Chu Xuân Đạo toan lấp lửng mấy câu, nhưng rồi thấy Kiệt nhìn mình rất ghê, đành nói thật- Theo lão xem ra, năm nay không thể có nhiều thiên tai được.
Kiệt nhíu mày hồi lâu, không hỏi gì nữa. Mãi lúc sau thì tìm vài người dân Đá Vách, dặn dò họ, rồi tìm người dân Hồng Bàng dẫn họ lên Trấn Nam Bàn, hội họp với Minh. Bản thân cậu tới tìm Mai Diễm để hỏi thêm thông tin nữa, nhưng Mai Diễm cũng không biết nhiều về việc này, chỉ biết khắp nơi đều báo vậy.
………………………………….
Trấn Nam Bàn giờ đang căng như dây đàn vì vấn đề lương thực. Thương nhân vốn dĩ không có mua nhiều lương thực, mà mua được giá cũng cao, nên họ phải bán giá cao để bù lỗ. Tuy nhiên, dân Nam Bàn nào chịu, trả giá mà, người bán báo giá cao, người mua trả giá thấp, xem ai cần hơn thôi. Người dân Nam Bàn tuy có thiếu lương, nhưng lương thực của các lái buôn nếu để quá lâu thì sẽ là lỗ: tiền thuê kho bãi, chuột bọ, ẩm mốc,…
Hai bên cứ so kè một hồi lâu như vậy thì có tin dưới xuôi tích lương, không có lương bán lên Trấn Nam Bàn nữa. Tin này vừa ra, đám thương nhân liền loan báo khắp nơi, hòng ép dân Nam Bàn phải chấp nhận mua ngay, nếu không sẽ chỉ có tăng giá, không có giảm. Các thương nhân cũng nói riêng với nhau, thề phải giữ đúng giá cả, không khác nhau mới được.
Đám người Thượng không còn cách nào khác, đành chấp nhận mua lương thực giá cắt cổ. Những mặt hàng ngày trước họ mua, giờ phải bán ra để mua gạo, rồi phải bán mía non- tương tự kiểu bán lúa non vậy. Ngành trồng mía đường giờ thành điều hại tới bọn họ, nhưng ai bảo tham, đành chịu vậy.
Các tộc lớn, dân số đông, lượng gạo lúa cần tích trữ không phải con số ít, khi phải bỏ ra số tiền của lớn cũng rất xót. Để giảm bớt thiệt hại, họ liền bắt các chư hầu, những buôn làng phụ thuộc phải cống nạp hoặc là tài sản hoặc là thóc gạo. Các tộc nhỏ, buôn làng phụ thuộc thì kinh tế nhỏ, chịu sao nổi, đã nghèo còn gặp cái eo, rất bực bội.
Một vài làng nhỏ không chịu khuất phúc, bèn tới tìm người miền xuôi nhờ phân xử giúp. Đầu tiên là họ muốn nhờ quân canh phòng, nhưng quân canh phòng đòi hối lộ, thế khác gì phải cống nạp, họ bỏ đi. Một vài buôn làng tự ngồi với nhau, họp thành liên minh, thề cùng nhau tiến lùi, không để bọn lớn hơn bắt nạt.
Các tộc lớn không chịu, quyết định ra tay đánh phủ đầu. Họ tập trung quân lực của mình lại, đánh vào các tộc cứng đầu. Người Thượng xung trận không dùng binh pháp, giáp binh đều hao hao nhau, những trận chiến này đều kết thúc với thắng lợi của những thế lực đông hơn. Sau một trận chiến, kẻ chiến bại bị cướp sạch lương thực, của cải, đàn ông thành nô lệ, đàn bà thành nô tỳ. Sau những lần cướp bóc kiểu này, thế lực của những kẻ mạnh ngày càng thêm mạnh, nguồn lợi từ cướp bóc không ngừng làm họ trở nên mạnh hơn: thêm lương, thêm nô lệ khai hoang làm ruộng, thêm của cải trao đổi để tích lương,...
Từ chỗ đánh vài kẻ để dằn mặt, nhiều tộc bắt đầu đánh tràn ra, cốt ý là cướp bóc đem của cải về cho tộc mình. Những tộc, buôn làng nhỏ yếu vô cùng hoảng loạn, không tiếc tiền của mang tới nhờ quân canh phòng cưu mang họ. Mỗi đạo quân canh phòng của các châu quận, trong đó có cả quân dưới trướng Dương Quốc Lộ đều kiếm bội chỉ bằng việc đứng ra bảo đảm an toàn của những nơi đó.
Khổ nhất, là những tộc và buôn làng quá nghèo. Giá tiền bảo kê để nhờ cậy quân biên phòng, họ không đóng nổi, còn như muốn được an thân, cái giá phải trả cũng không nhỏ. Cùng đường quá, họ di chuyển. Dân Thượng vốn có lối sống du canh du cư, đốt nương làm rẫy. Xưa nay, cứ khi đất đai cằn cỗi, không còn đủ sức trồng trọt nữa thì họ đi, vậy giờ cũng có thể đi chứ sao. Vùng đất họ hướng tới là Học Phủ Trấn Nam Bàn. Nơi đó còn tương đối thưa dân, do Học Phủ được hưởng quy chế đặc biệt, yêu cầu toàn bộ dân Thượng tránh xa nơi đó, các tộc lớn chắc sẽ ngại đi tới, biết đâu tới đó thì không lo rằng bị các tộc lớn tới bắt. Hàng ngàn người, già trẻ, trai gái tay xách nách mang, đuổi gia súc chạy nạn hàng trăm tới hàng ngàn cây số bắt đầu kéo tới vùng đất quanh Học Phủ để sinh sống.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.