Hồng Lâu Mộng

Chương 112: Sống đầy oan nghiệt, Diệu Ngọc bị giặc cướp đi




Sống đầy oan nghiệt, Diệu Ngọc bị giặc cướp đi
Chết vì hiềm thù, dì Triệu sa xuống âm phủ
Phượng Thư bảo trói bọn đàn bà canh đêm giao cho quan doanh tra hỏi, chúng qùy lạy xin tha tội.
Lâm Chí Hiếu cùng Giả Vân nói
- Ông lớn sai chúng ta coi nhà, vô sự là may, bây giờ sinh chuyện, trên dưới đều có lỗi, ai cứu được các người. Nói đến chuyện con nuôi Chu Thụy thì ngay từ bà lớn cho đến những người bên trong bên ngoài đều có liên can cả.
Phượng Thư thở hổn hển nói:
- Đó là do số mệnh xui nên nói với chúng nó làm gì? Đem chúng nó đi là xong. Còn những đồ đạc bị mất thì anh trình với quan doanh. Đồ đạc của cụ, chờ hỏi các bà mới biết. Để chúng tôi mời ông lớn về rồi sẽ lập tờ khai đưa tới. Trong nha
môn quan văn, cũng trình báo như thế.
Bọn Lâm Chí Hiếu và Giả Vân vâng lời đi ra.
Tích Xuân không nói gì, chỉ khóc than
- Những việc như thế này, xưa nay tôi chưa từng nghe, làm sao lại nhè vào hai đứa chúng ta ; sau này chú và thím về, tôi còn mặt mũi nào nữa. Đem nhà cửa giao phó cho chúng mình. Bây giờ xảy ra tình cảnh này còn tưởng sống nữa hay sao?
Phượng Thư nói
- Có phải chúng mình muốn như thế đâu. Hiện còn có bọn canh đêm ở đó chứ.
Tích Xuân nói.
- Chị còn có thể nói được. Vả lại chị còn ốm, chứ tôi thì chẳng nói được gì. Thật là chị Cả tôi làm hại tôi! Chị ấy xúi giục tôi coi nhà. Giờ đây thể diện của tôi thật chẳng còn gì.
Nói xong, cô ta lại khóc lóc thảm thiết.
Phượng Thư nói
- Cô đừng nghĩ như thế. Nếu nói mất thể diện thì hai đứa mình cũng đều như nhau. Nếu cô nghĩ lẩn thẩn như thế, tôi lại càng không thể chịu nổi.
Hai người đang nói, bỗng nghe ngoài sân có người kêu rầm lên
- Tôi nói bọn sư vãi kia là không chơi với họ được. Ở nhà họ Chân chúng tôi xưa nay nhất thiết không cho họ đến cửa. Không ngờ ở đây lại khác. Hôm trước quan tài cụ bà vừa đưa ra thì một ni cô nào đó trong am, cố chết đòi vào cho được. Tôi quát nạt không cho vào, bọn bà già ở cửa hông còn mắng tôi, lạy lục mời ni cô ấy vào. Cái cửa hông ấy lúc mở lúc đóng, không biết để làm gì. Tôi không yên tâm không dám ngủ. Đến canh tư, chợt nghe ở đấy kêu ầm lên. Tôi tới gọi cửa thì lại không mở. Tôi nghe tiếng kêu gấp quá, hèn đập cửa mà vào. Thấy sân nhà phía tây có người đứng đấy, tôi liền chạy lại đánh chết nó. Bây giờ tôi mới biết là nhà cô Tư. Ni cô kia chính ở nhà ấy. Hôm nay trời chưa sáng nó đã chuồn mất, không phải ni cô ấy đã dẫn kẻ cướp vào là gì?
Bọn Bình Nhi nghe xong đều nói
- Đứa nào mà vô phép vô tắc thế. Cô và mợ đều ở đây, lại dám ở ngoài kêu gào bậy bạ!
Phượng Thư nói
- Các chị chừng cũng nghe nó nói đến phủ Chân. Thôi, lại cái thằng đáng ghét mà nhà họ Chân tiến cử đến đây thôi.
Tích Xuân nghe rõ ràng, trong lòng lại càng khó chịu.
Phượng Thư liền hỏi Tích Xuân
- Thằng kia nói ni cô nào? Ni cô nào mà lại ở bên nhà cô thế?
Tích Xuân liền nói rõ câu chuyện Diệu Ngọc đến thăm, và cô ta giữ lại đánh cờ và thức đêm. Phượng Thư nói
- Té ra là cô ấy à? Cô ấy đời nào lại thế! Việc ấy nhất định là không có. Nhưng nếu cho cái thằng đáng ghét ấy rêu rao lộ chuyện ra, ông Hai biết được thì cũng không hay.
Tích Xuân càng nghĩ càng sợ, đứng dậy định đi. Phượng Thư tuy ngồi không nổi, nhưng sợ Tích Xuân sợ hãi, sinh chuyện không hay, đành phải bảo cô ta khoan đi và nói
- Hãy xem cho họ thu xếp những đồ còn lại, sai người canh giữ, chúng mình mới đi được.
Bình Nhi nói
- Chúng ta không nên thu xếp, phải chờ người trong nha môn đến tra xét xong mới tiện. Chúng ta chỉ nên trông nom mà thôi. Nhưng không biết đã có người đi báo với ông lớn chưa?
Phượng Thư nói
- Chị sai một bà già đi hỏi xem.
Một chốc người kia về nói
- Ông Lâm Chí Hiếu thì không thể đi được, vì người nhà còn phải chờ các quan đến khám, còn người khác thì sợ, nói không rõ ràng, nên cậu hai Vân đã đi rồi.
Phượng Thư gật đầu rồi buồn bực ngồi cạnh Tích Xuân.
Bọn cướp kia nguyên là do Hà Tam rủ đến cướp được một số vàng bạc của báu, chuyển ra rồi không thấy đuổi theo, chúng biết đều là hạng người vô dụng, nên định qua nhà bên tây lấy nữa. Chúng ở ngoài cửa sổ trông vào, thấy dưới đèn có hai người con gái đẹp. Một cô gái và một ni cô. Bọn cướp sinh lòng bất lương, không kể gì tính mệnh, định đạp cửa mà vào. Thấy Bao Dũng đuổi, chúng mới mang của cải chạy, nhưng không thấy Hà Tam. Bọn chúng trốn ở nhà chủ chứa, đến ngày sau đó dò la tin tức biết Hà Tam đã bị đánh chết. Người nhà họ đã trình báo với các nha môn văn võ, chúng thấy không thể trốn tránh ở đây được nữa. Bàn nhau tìm cách nhập bọn với đám giặc lớn ở ven biển. Nếu chậm trễ, khi giấy truy nã đưa ra, thì sẽ không thể nào lọt khỏi các nơi quan ải. Trong bọn chúng, có một tên rất to gan, nói
- Chúng mình đi thì đi. Nhưng tôi không tài nào bỏ được người ni cô kia. Nó đẹp quá! Không biết là con chim non ở am nào đấy?
Một người nói
- Ái chà? Tôi nhớ ra rồi? Chắc là ni cô ở am Lũng Thúy nào đó trong vườn nhà họ Giả. Năm trước có tin đồn cô ta dan díu với cậu Hai Bảo nào đó trong nhà họ. Sau đó, chẳng biết vì sao lại mắc bệnh tương tư, mời thầy uống thuốc. Nhất định là cô ấy rồi?
Người kia nghe xong, nói
- Chúng mình hôm nay hãy trốn tránh một ngày. Bảo anh cả đem tiền sắm sửa một ít hàng hóa, ngày mai lúc chuông sáng đánh, chúng mình lần lượt ra khỏi cửa quan, các anh chờ tôi ở cái bãi cách ngoài cửa quan hai mươi dặm.
Bọn giặc bàn xong, chia của, rồi phân tán mỗi người đi mỗi nơi. Bọn Giả Chính đưa quan tài đến chùa làm lễ xong. Bà con bạn hữu ra về. Giả Chính ở gian nhà ngoài giữ linh. Bọn Hình phu nhân và Vương phu nhân thì ở nhà trong, suốt đêm khóc lóc.
Đến ngày thứ hai, lại bày lễ cúng bái. Đang lúc dọn cơm thì thấy Giả Vân đi vào. đến khấu đầu trước bàn thờ Giả mẫu, rồi vội vàng đến trước mặt Giả Chính, quỳ xuống, hỏi thăm sức khỏe, thở hổn hển, trình lại đầu đuôi việc mất cướp tối qua, đồ
đạt của cụ bà ở nhà trên đều mất hết. Bao Dũng đuổi theo đánh chết một tên, đã đi trình báo với các nha môn văn võ. Giả Chính nghe nói, ngẩn người ra. Bọn Hình phu nhân và Vương phu nhân ở trong nhà nghe vậy đều khiếp sợ mất vía, không nói gì cả, chỉ biết khóc lóc.
Sau một hồi. Giả Chính hỏi
- Đơn kê khai mất trộm như thế nào?
- Người ở nhà đều không biết mất những gì nên vẫn chưa khai.
- Thế thì còn khá, nhà mình mới bị soát nhà, nếu khai ra những vật quý thì lại mang tội. Gọi cháu Liễn mau.
Lúc đó, Giả Liễn còn dẫn bọn Bảo Ngọc đi lễ ở nơi khác.
Giả Chính sai người chạy theo tìm về.
Giả Liễn nghe nói điên tiết lên, trông thấy Giả Vân, anh ta cũng không kể gì Giả Chính ở đó, liền mắng cho hắn một trận thậm tệ
- Đồ khốn nạn vô dụng? Tao đem giao cho mày một việc quan trọng như thế,
bảo mày đốc xuất người nhà canh tuần đêm hôm. Mày là người chết rồi hay sao. Thế mà còn vác mặt đến báo tin.
Nói xong, anh ta nhắm vào mặt Giả Vân nhổ toẹt một cái. Giả Vân đứng yên, không dám nói lại một lời. Giả Chính nói
- Cháu mắng nó cũng vô ích.
Giả Liễn vội quỳ xuống thưa
- Việc ấy bây giờ làm thế nào?
Giả Chính nói
- Cũng chẳng có cách gì, chỉ còn báo quan để tầm nã kẻ cướp. Có điều là chúng ta chưa hề động đến đồ đạc của bà để lại. Cháu nói cần bạc, nhưng ta nghĩ bà mới chết được mấy ngày, ai nở động đến bạc của người. Ta vẫn tưởng rằng, khi xong việc, tính toán sổ sách, sẽ trả cho người ta, còn nữa thì sẽ tậu một ít ruộng ở đây và xây phần mộ Phương Nam. Tất cả các thứ đều chưa biết là bao nhiêu. Bây giờ các nha môn văn võ đòi kê đơn mất trộm. Nếu khai ra một số đồ vật quý giá thì sợ không tiện. Nếu khai vàng bạc là bao nhiêu, áo quần là bao nhiêu, thì lại không có số mục rõ ràng, khai man không thể được. Buồn cười cho cháu, nay lại như người mất hồn, không biết lo liệu gì cả.
- Cháu quỳ ở đấy làm gì?
Giả Liễn cũng không dám trả lời, đành phải đứng dậy đi. Giả Chính hỏi
- Cháu đi đâu thế?
Giả Liễn trở lại thưa
- Cháu đi về nhà lo liệu đâu đó rồi sẽ lại.
Giả Chính "hừ" một tiếng. Giả Liễn cúi đầu xuống, Giả Chính nói
- Cháu vào thưa với mẹ cháu gọi một vài đứa a hoàn của bà cùng về, rồi bảo chúng nó nhớ lại cho kỹ mà khai.
Giả Liễn trong bụng biết rõ ràng là đồ đạc Giả mẫu đều do Uyên Ương trông nom, nay chị ta chết rồi còn biết hỏi ai. Dầu có hỏi bọn Trân Châu thì làm gì chúng nhớ được rành mạch. Nhưng anh ta không dám cãi. Vội vàng vâng dạ rồi quay vào nhà trong. Hình phu nhân và Vương phu nhân oán trách một hồi, rồi bảo Giả Liễn đi mau về hỏi những người coi nhà
- Rồi đây họ còn mặt mũi nào mà trông thấy chúng ta?
Giả Liễn đành phải vâng lời đi ra, một mặt sai người sắm xe sửa soạn đưa bọn Hổ Phách vào thành ; còn mình thì cỡi lừa cùng mấy đứa hầu trai phi nhanh về nhà. Giả Vân cũng không dám thưa lại với Giả Chính, lẻn chuồn ra cỡi ngựa chạy theo
Giả Liễn. Giả Liễn về đến nhà, Lâm Chí Hiếu hỏi thăm sức khỏe rồi đi theo vào trong. Giả Liễn vào nhà trên của Giả mẫu, gặp bọn Phượng Thư, Tích Xuân ở đấy, trong lòng tức giận, nhưng không tiện nói ra, liền hỏi Lâm Chí Hiếu
- Người ở nha môn đã đến khám chưa?
Lâm Chí Hiếu tự biết có lỗi, liền quỳ xuống trả lời
- Nha môn văn võ đều đến khám cả các dấu vết vào ra và xác chết.
Giả Liễn giật mình. hỏi
- Lại khám xác chết nào?
Lâm Chí Hiếu liền thưa lại việc Bao Dũng đánh chết một tên đồ đảng của giặc, giống như con nuôi Chu Thụy.
Giả Liễn nói
- Gọi thằng Vân tới đây.
Giả Vân đi vào, quỳ xuống nghe chỉ bảo.
Giả Liễn nói
- Lúc mày gặp ông lớn, sao không thưa việc con nuôi Chu Thụy theo bọn cướp bị Bao Dũng đánh chết?
- Người canh đêm nói giống như nó, cháu sợ không đúng nên không dám thưa.
- Đồ ngu? Nếu mày nói thì ta đã đem Chu Thụy về nhận, có phải là biết rõ ngay không?
Lâm Chí Hiếu nói
- Bây giờ người ở nha môn đem xác chết đặt ở cửa chợ để gọi người nhận rồi.
Giả Liễn nói
- Lại càng lẩn thẩn nốt! Đời nào có người đi ăn cướp, bị người ta đánh chết, lại đòi đền mạng bao giờ?
Lâm Chí Hiếu nói
- Không cần người ta nhận, tôi cũng nhận ngay được là nó.
Giả Liễn nghe xong nghĩ ngợi và nói
- Phải đấy? Ta nhớ năm nọ anh Trân định đánh con Chu Thụy, phải nó đấy không?
Lâm Chí Hiếu nói?
- Chính nó đánh nhau với Bào Nhị, cậu cũng thấy đấy.
Giả Liễn nghe nói tức giận, định đánh bọn canh đêm.
Lâm Chí Hiếu nằn nì
- Xin cậu bớt giận. Những người canh đêm ấy, được lệnh sai phái, đâu dám lười biếng. Nhưng vì theo nề nếp của phủ nhà ta, nên không một người đàn ông nào dám vào. Chúng tôi ở ngoài cùng anh Vân lúc nào cũng đi tra xét, thấy ba lần cửa vẫn đóng chắc chắn, những cửa bên ngoài không hề mở một lớp nào. Bọn cướp đi theo con đường ống phía sau mà vào.
Giả Liễn hỏi
- Bọn đàn bà canh đêm ở trong nhà đâu rồi?
Lâm Chí Hiếu thưa
- Đã vâng lệnh mợ, trói bọn đàn bà canh đêm lại, chờ cậu tra hỏi.
- Bao Dũng đâu rồi?
- Anh ta lại qua bên vườn rồi.
- Đi gọi anh ta đến đây.
Bọn hầu trai liền dẫn Bao Dũng đến, Giả Liễn nói
- Còn may có anh ở đấy, nếu không có lẽ tất cả đồ đạc trong nhà đều bị cướp hết.
Bao Dũng đứng im lặng. Tích Xuân sợ Bao Dũng kể lại chuyện kia ra, trong bụng hoảng hốt. Phượng Thư cũng không dám nói gì. Bỗng nghe bên ngoài nói
- Chị Hổ Phách đã về.
Mọi người gặp nhau lại khóc một hồi.
Giả Liễn sai người soát những đồ đạc còn lại, thì thấy chỉ còn một ít áo quần, vải, bông và rương tiền chưa động đến, còn các đồ vật khác đều mất hết. Giả Liễn càng hoảng, nghĩ đến số tiền làm rạp ở ngoài., số tiền tiêu của nhà bếp đều chưa đưa ra, rồi đây không biết lấy gì mà trả cho người ta. Bọn Hổ Phách đi vào khóc lóc một lúc, thấy rương tủ đều mở toang, không sao mà nhớ hết đồ đạc trong ấy, đành phải ước lượng phỏng đoán, kê bừa một tờ khai đồ đạc đã mất, sai người đưa đến các nha môn văn võ. Giả Liễn lại sai người canh giữ. Còn Phượng Thư và Tích Xuân thì ai về phòng nấy.
Giả Liễn không dám nghỉ ở nhà, cũng không kịp trách Phượng Thư, liền cưỡi ngựa đi ra ngoài thành. Phượng Thư ở nhà lại sợ Tích Xuân tìm cách tự tử, nên sai Phong Nhi qua an ủi. Vào khoảng canh hai, trong phủ Vinh lúc đó, đúng như người ta nói giặc đi rồi, mới lo đóng cửa? Mọi người càng thêm cẩn thận, không hề dám nghỉ. Tên trộm cướp kia một lòng luyến tiếc Diệu Ngọc, biết rằng bọn đàn bà ở trong am ít ỏi rất dễ bắt nạt. Chờ đến canh ba đêm vắng, nó mang theo dao ngắn và một ít muội hương trèo lên tường cao. Xa xa trông thấy trong am Lũng Thúy, bóng đèn còn sáng, nó liền lẻn xuống, nấp ở chỗ hẻo lánh ở ngoài phòng. Chờ đến canh tư, thấy bên trong chỉ còn một ngọn đèn lớn. Một mình Diệu Ngọc ngồi nhập định trên cái nệm. Cô ta nghĩ một lát rồi thở than
- Ta từ Nguyên Mộ tới kinh, vốn định để chút tiếng tăm về sau, vì ở đây mời, không thể bỏ đi nơi khác. Hôm trước vì lòng tốt đi thăm cô Tư. Không ngờ lại phát bực với tên ngu xuẩn kia. Đến đêm lại bị một trận khiếp sợ. Hôm nay về đây, ngồi trên nệm không yên, cảm thấy lòng dạ nơm nớp run sợ.
Nhưng vì ngày thường ngồi nhập định một mình, nên hôm nay cô ta cũng không chịu gọi người ngồi cùng. Ai ngờ đến canh năm, trong người thấy sởn gai lên, đang định gọi người thì nghe ngoài cửa có tiếng động. Diệu Ngọc nghĩ đến việc đêm
hôm trước càng thêm sợ hãi, đành phải gọi người. Ngờ đâu bọn bà già đều không trả lời. Một mình cô ta ngồi đấy, bỗng ngửi thấy một mùi hương thấu vào óc, chân tay tê mê, không thể cử động, miệng cũng không nói nên lời, trong bụng lại càng hoảng hốt. Chợt thấy một người cầm một con dao sáng quắc đi vào. Lúc bấy giờ Diệu Ngọc vẫn tỉnh táo, chỉ không cử động được, nghĩ bụng
"Nó muốn giết mình chăng? Nhưng đã quyết liều mạng, nên cũng không sợ". Nào ngờ tên kia giắt dao vào sau lưng, giơ tay ra, nhẹ nhàng ôm Diệu Ngọc dậy, đùa cợt một hồi rồi cõng lên trên lưng. Lúc bấy giờ Diệu Ngọc mê man ngây ngất. Thương thay! Một người con gái trong sạch, bị kẻ cướp dùng muội hương làm cho mê mẩn, để mặc cho nó trêu đùa. Tên giặc kia cõng Diệu Ngọc đến bên tường sau vườn, dùng thang dây leo qua. Bên ngoài đã có đồ đảng của nó đem xe chờ sẵn. Người kia để Diệu Ngọc vào trong xe, ngoài treo một chiếc đèn lồng có dấu hiệu quan chức rồi vội vàng đi đến cửa thành. Lúc ấy chính là giờ mở cửa. Quan coi thành chỉ nghĩ là người có việc quan đi ra ngoài nên cũng không kịp tra hỏi. Ra khỏi thành rồi, tên kẻ cướp giục ngựa đi, chừng hai mươi dặm, đến một nơi cùng bọn đồ đảng gặp mặt rồi chia đường đi về miền biển Nam Hải. Không biết sau khi Diệu Ngọc bị cướp đi, có cam chịu nhơ nhớp hay không chịu khuất phục mà chết, chẳng rõ ra sao, khó lòng đoán ra được. Trong am Lũng Thúy có một ni cô thường theo Diệu Ngọc, cô ta ngủ ở phía sau nhà. Đêm đó, ngủ đến canh năm, nghe phía trước có tiếng người, cứ cho là Diệu Ngọc ngồi nhập định không yên. Sau nghe có tiếng chân của đàn ông và cửa sổ rung động, cô ta định dậy xem, nhưng người bủn rủn không nói ra được, lại không nghe Diệu Ngọc nói năng gì, cô ta cứ giương to đôi mắt lắng nghe. Đến lúc trời sáng, cô ta mới thấy tỉnh táo, khoác áo đứng dậy, gọi đạo bà sấm sửa trà nước, còn mình thì ra phía trước để gặp Diệu Ngọc. Không ngờ chẳng thấy Diệu Ngọc đâu cả. Cửa sổ thì mở toang ra. Cô ta lấy làm lạ, nghĩ lại tiếng động ban đêm rất là ngờ vực, trong bụng nghĩ thầm
- Còn sớm như thế mà cô ấy đã đi đâu?
Cô ta chạy ra ngoài sân thì thay một cái thang dây dựa bên tường, dưới đất lại có một cái bao dao, một cái tay nải, liền nói
- Nguy to? Đêm qua rõ ràng là bọn cướp đốt muội hương rồi?
Cô ta vội vàng gọi mọi người dậy xem xét, thì thấy cửa am vẫn đóng chặt. Bọn bà già và gái hầu đều nói
- Đêm qua ngửi phải hơi than, sáng nay đều dậy không được. Trời đang sớm như thế, gọi chúng tôi làm gì?
Người ni cô nói
- Sư phụ không biết đi đâu mất?
Sư phụ ngồi nhập định ở gác Quan âm kia.
- Các bà còn mơ ngủ à? Thử tới mà xem.
Mọi người chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, cũng đều hoảng hốt, mở cửa am ra. Tìm khắp trong vườn. Lại ngờ cô ta đến bên nhà cô Tư. Họ liền tới gõ cửa hông, lại bị Bao Dũng mắng cho một trận.
- Sư cô Diệu ngọc chúng tôi chẳng biết đêm qua đi đâu, nên phải đi tìm. Nhờ ông mở cửa hông để chúng tôi hỏi xem có đến đấy hay không?
- Sư phụ các bà dẫn bọn giặc đến ăn cướp của chúng tôi. Đã cướp được rồi thì đi theo bọn giặc mà hưởng đấy!
- A di đà phật? Nói như thế coi chừng phải xuống địa ngục cắt lưỡi đấy.
Bao Dũng nổi giận, nói
- Nói nhảm. Các bà mà còn lôi thôi nữa thì tôi đánh đấy.
Mọi người chỉ lấy lòng và vật nài
- Nhờ ông bảo mở cửa cho chúng tôi xem một tí, nếu không có thì sẽ không dám làm phiền đến ông nữa..
- Các bà không tin thì cứ đi mà tìm, nếu không có thì chốc nữa sẽ nói chuyện với các bà.
Bao Dũng nói xong, gọi mở cửa hông. Mọi người tìm đến nhà Tích Xuân.
Tích Xuân đang buồn bực nhớ đến việc sáng hôm ấy Diệu Ngọc ra về, không biết có nghe câu nói của Bao Dũng không, chỉ sợ mình lại mang lỗi, sau này cô ta không chịu đến, thì người tri kỹ của mình không còn ai nữa. Hiện giờ gặp mọi
người, mình thật khó coi. Cha mẹ chết sớm, chị dâu lại ghét mình. Trước kia có bà, còn thương mình ít nhiều, bây giờ bà cũng chết rồi, để lại một mình bơ vơ khổ sở, rốt cuộc biết làm thế nào. Cô ta lại nghĩ đến chị Nghinh Xuân bị dày vò mà chết, chị Sử làm bạn với người mợ, chị Ba đi xa, đều là do số mệnh xui nên, không thể tự do được. Chỉ có một mình Diệu Ngọc, như hạc nội mây ngàn, không gì ràng buộc. Nếu mình được như cô ta, thì phúc không phải nhỏ. Nhưng mình là con gái nhà thế gia, làm sao thỏa ý muốn được. Lần này coi nhà lại mang lỗi lớn, còn mặt mũi nào nữa. Lại sợ các thím không rõ tâm sự của mình. Việc tương lai rồi chưa hiểu sẽ ra sao? Tích Xuân nghĩ đến đó, liền định cắt tóc đi tu. Bọn Thái Bình nghe thấy, vội vàng tới khuyên, nào ngờ cô ta đã cắt mất một nửa mái tóc. Thái Bình càng hoảng sợ và nói
- Việc này chưa xong, đã xảy ra việc khác, biết làm sao bây giờ.
Đang lúc ồn ào, bỗng thấy đạo bà ở bên am sang tìm Diệu Ngọc. Thái Bình hỏi rõ nguyên do, giật mình và nói
- Hôm trước về rồi sư cô có sang nữa đâu?
Tích Xuân ở trong nhà nghe nói, vội vàng hỏi
- Cô ấy đi đâu mất à?
Đạo bà kể rõ chuyện đêm qua, nghe thấy tiếng động, bị hơi than xông ngạt. Sáng nay không thấy Diệu Ngọc. Trong am lại thấy có thang dây và bao dao. Tích Xuân sợ hãi ngờ vực, chẳng hiểu ra sao, chợt nghĩ đến câu nói của Bao Dũng, chắc là bọn trộm trông thấy cô ta, rồi đêm qua bắt cóc đi cũng chưa biết chừng. Nhưng cô ta xưa nay rất là cao thượng, trong sạch, có đâu lại chịu thế mạng mình? Tích Xuân liền hỏi
- Tại sao các người đều không nghe gì cả?
- Sao lại không nghe, nhưng chúng tôi đều giương mắt ra mà không nói được nửa lời. Chắc là bọn giặc đốt muội hương. Cô Diệu chắc đã bị bọn giặc làm cho mê mẩn, không nói năng được. Bọn giặc nhất định đông, cầm dao cầm gậy bứt bách. Cô ta còn dám kêu la nữa à?
Đang nói thì Bao Dũng lại ở chỗ cửa hông gào to
- Trong này mau mau đuổi bọn đạo bà bậy bạ ấy ra đi. Đóng cửa hông mau lên?
Thái Bình nghe nói sợ mình mang lỗi, đành phải giục bà già đi ra, bảo người đóng cửa hông lại. Tích Xuân càng thêm khổ sở. Bọn Thái Bình lấy lễ khuyên giải mãi và quấn nửa mái tóc còn lại cho cô ta. Mọi người bàn với nhau việc này bất tất nói lộ ra làm gì. Đến chuyện Diệu Ngọc bị bắt cũng làm như không biết. Chờ ông lớn bà lớn về hãy nói. Tích Xuân từ đó kiên quyết đi tu. Giả Liễn trở lại chùa Thiết Hạm thưa lại với Giả Chính việc về nhà tra hỏi những người canh đêm, và kê khai những đồ mất trộm. Giả Chính hỏi
- Khai như thế nào?
Giả Liễn đem trình đơn kê những đồ vật mà Hổ Phách nhớ được và nói thêm
- Trong ấy những vật Nguyên Phi cho, đều chưa rõ ràng, còn những vật hiếm có không tiện khai ra thì để khi cháu hết tang sẽ đi nhờ người ta dò hỏi kỹ lưỡng, thế nào cũng tìm ra.
Giả Chính nghe nói, vừa lòng, liền gật đầu, không nói gì. Giả Liễn vào trong nhà, gặp Hình phu nhân,Vương phụ nhân và bàn
- Nên khuyên chú sớm liệu về nhà mới được, nếu không thì rối như tơ vò ấy cả.
Hình phu nhân nói
- Phải đấy. Chúng ta ở đây cũng cứ hốt hoảng lo sợ.
Giả Liễn nói
- Điều đó chúng con không dám nói, cần phải có ý của thím thì chắc chú sẽ nghe theo.
Hình phu nhân bèn cùng Vương phu nhân bàn bạc xong xuôi. Qua một đêm, Giả Chính cũng không yên lòng, sai Bảo Ngọc vào nói
- Hôm nay mời mẹ và bác về nhà, vài ba hôm nữa lại tới. Người nhà ngoài này đều cắt đặt xong rồi. Trong ấy mẹ và bác lo cắt đặt người đi thôi.
Hình phu nhân cắt bọn Anh Kha ở lại trông nom hương đèn ; bọn vợ Chu Thụy coi chung mọi việc ; nên các người khác đều ra về. Lúc đó mọi người vội vàng sắm sửa xe ngựa. Bọn Giả Chính từ biệt trước linh vị của Giả mẫu, lại khóc một hồi.
Lúc họ đứng dậy định đi thì thấy Dì Triệu vẫn còn lom khom giữa đất không dậy. Dì Chu tưởng dì Triệu còn khóc, liền tới dắt dậy, không ngờ dì Triệu miệng sùi bọt, mắt trợn ngược, lưỡi lè ra ngoài, làm cho bọn người nhà giật mình. Giả Hoàn
chạy lại, kêu rầm lên. Dì Triệu tỉnh lại rồi nói
- Ta không về đâu. Ta theo cụ bà về Nam đây!
Mọi người nói
- Cụ bà đâu có cần dì theo hầu?
Dì Triệu nói
- Ta theo cụ bà suốt đời. Ông Cả còn không chịu để yên, dùng mưu thần chước quỷ làm hại ta! Ta tưởng nhờ phép Mã đạo bà để làm cho hả giận. Kết quả mất đi một số bạc, chẳng làm chết đứa nào. Giờ đây ta về, không biết rồi lại có ai làm hại ta!
Mọi người ban đầu tưởng là hồn Uyên ương nhập vào dì ta. Sau nghe nói đến việc Mã đạo bà thì lại hình như không phải. Hình phu nhân và Vương phu nhân đều không nói gì. Chỉ có bọn Thái Vân cầu khẩn để xin hộ cho dì ta
- Chị Uyên ương ơi, chị chết là tự mình chứ có can gì đến dì Triệu. Chị tha dì ấy ra.
Vì thấy Hình phu nhân ở đây, nên bọn họ cũng không dám nói gì khác.
Dì Triệu nói
- Ta không phải là Uyên ương. Ta là do Diêm vương sai người đến bắt đi, để hỏi về cái án tại sao cùng Mã đạo bà dùng phép ma làm hại người.
Nói đến đó, dì ta lại van lơn
- Mợ Hai Liễn ơi? Trước mặt quan lớn đây bớt lời xúc xiểm đi cho với! Tôi dầu có ngàn ngày không tốt cũng còn có một ngày tết. Mợ Hai ơi! Mợ Hai thân yêu ơi! Thật không phải tôi định hại mợ ; chỉ vì trong một lúc rồ dại tôi trót nghe lời con ở già đấy thôi.
Bà ta đang kêu la, thì Giả Chính sai người đến gọi Giả Hoàn. Bọn bà già đều trình
- Dì Triệu bị trúng tà, cậu Ba đang ở lại trông nom.
Giả Chính nói
- Làm gì có chuyện ấy. Chúng ta đi trước đây.
Thế rồi bọn đàn ông đều ra về trước. Dì Triệu ở đấy vẫn cứ nói nhảm, không sao tỉnh lại được. Hình phu nhân sợ dì ta còn nói chuyện gì nữa, liền bảo
- Sai thêm người ở đây trông nom dì ấy, chúng ta đi trước. Về đến thành, sẽ cho thầy thuốc đến xem bệnh.
Vương phu nhân vốn ghét dì Triệu, nên cũng bỏ lơ không nhìn. Bảo Thoa là người trung hậu, tuy nghĩ đến việc dì ta làm hại Bảo Ngọc. Nhưng rốt cuộc vẫn không đành lòng, liền dặn riêng dì Chu ở đấy trông nom. Dì Chu cũng là người tốt nhận lời ngay.
Lý Hoàn nói
- Tôi cũng ở đây thôi.
Vương phu nhân nói
- Bất tất phải thế.
Thế rồi mọi người đều định đứng dậy ra về.
Giả Hoàn hoảng lên nói
- Tôi cũng ở đây à?
Vương phu nhân quát
- Cái thằng lẩn thẩn? Mẹ mày chưa biết sống chết ra sao, mày còn định về à?
Giả Hoàn không dám nói gì nữa, Bảo Ngọc nói
- Em ạ, em không về được đâu, để anh vào thành, sẽ sai người đến thăm em.
Nói xong, mọi người đều lên xe về nhà. Trong chùa chỉ còn bọn dì Triệu, Giả Hoàn, Anh Kha. Bọn Giả Chính và Hình phu nhân về đến nhà, vào nhà trên, khóc lóc một hồi. Lâm Chí Hiếu dẫn bọn người nhà đến hỏi thăm sức khỏe rồi quỳ xuống. Giả Chính quát
- Cút đi ngày mai sẽ hỏi chúng mày!
Ngay hôm ấy, Phượng Thư mấy lần mê man, không thể ra đón, chỉ có Tích Xuân trông thấy mọi người thì có vẻ hổ thẹn. Hình phu nhân cũng không nhìn. Vọng phu nhân thì vẫn đối đãi như thường. Lý Hoàn và Bảo Thoa nắm tay cô ta, nói mấy câu. Riêng có Vưu thị thì nói
- Cô ơi cô thật chịu khó trông nom mấy ngày trời.
Tích Xuân mặt mày đỏ tía, không nói lại một câu. Bảo Thoa kéo Vưu thị và đưa mắt lườm chị ta rồi ai về nhà nấy. Giả Chính nhìn qua một lượt, thở dài không nói gì cả. Rồi đến thư phòng, trải chiếu xuống đất mà ngồi, gọi bọn Giả Liễn. Giả Dung, Giả Vân đến dặn dò mấy câu. Bảo Ngọc định ở lại thư phòng hầu Giả Chính. Giả Chính nói
- Không cần.
Giả Lan thì vẫn theo mẹ anh ta. Đêm ấy không có chuyện gì.
Sáng hôm sau, Lâm Chí Hiếu vào quỳ ở thư phòng. Giả Chính hỏi lại đầu đuôi việc mất trộm. Lâm Chi Hiếu lại khai Chu Thụy ra và nói
- Nha môn bắt được Bào Nhị, xét được trong mình nó có những đồ vật đã kê trong đơn mất trộm, hiện đang tra tấn, định bắt nó khai ra bọn trộm cướp.
Giả Chính nghe xong, giận lắm, nói
- Đầy tớ phụ ơn, đem kẻ cướp về ăn cướp của nhà, thật là ngược đời.
Ông ta sai người lập tức ra ngoài thành, trói Chu Thụy đưa đến nha môn tra hỏi. Lâm Chí Hiếu vẫn cứ quỳ đấy, không dám dậy. Giả Chính nói
- Anh còn quỳ làm gì?
Lâm Chí Hiếu nói
Bọn chúng tôi đáng chết, xin ông lớn ban ơn..
Đang nói thì bọn Lại Đại cùng các người nhà đều vào hỏi thăm sức khỏe và đưa sổ sách lo việc tang trình lên. Giả Chính nói:
- Giao cho cậu Liễn tính toán rõ ràng rồi trình với ta.
Đoạn ông ta quát mắng, Lâm Chí Hiếu đứng dậy đi ra. Giả Liễn quỳ một chân xuống bên Giả Chính nói câu gì. Giả Chính trợn mắt và bảo
- Nói nhảm! Không lẽ bị mất cướp rồi bắt phạt bọn đầy tớ phải xuất tiền bạc lo cho bà hay sao?
Giả Liễn đỏ mặt lên, không dám nói năng gì, đứng dậy nhưng cũng không dám cử động. Giả Chính hỏi
- Nhà cháu ra sao rồi?
Giả Liễn lại quỳ xuống và nói
- Xem chừng thì không có hy vọng gì.
Giả Chính thở dài, nói
- Ta không ngờ vận nhà suy bại đến thế. Vả lại mẹ thằng Hoàn đang còn ốm ở trong chùa, cũng chẳng biết mắc chứng bệnh gì. Các cháu có hiểu hay không?
Giả Liễn cũng không dám nói gì. Giả Chính bảo
- Cháu chuyển lời ra ngoài, bảo người dẫn thầy thuốc đến thăm bệnh cho nó.
Giả Liễn vội vàng vâng lời đi ra, sai người đưa thầy thuốc đến chùa Thiết Hạm xem bệnh cho dì Triệu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.