Hồng Lâu Mộng

Chương 48: Dùng bậy chữ tình, nhầm về tình, chàng đi buôn bán




Dùng bậy chữ tình, nhầm về tình, chàng đi buôn bán
Mến yêu gái nhã, gặp cuộc nhã, nàng mải ngâm thơ
Tiết Bàn nghe thấy Tương Liên trốn đi rồi mới đỡ giận. Mấy hôm sau, hắn bớt đau, nhưng thương tích chưa lành, đành phải giả ốm ở nhà, không dám ló mặt đến thăm bè bạn.
Thấm thoát đã đến tháng mười, trong số người làm công ở các cửa hiệu, cuối năm tính tiền xong, họ muốn về nhà, nên phải sửa rượu tiễn. Trong đó có một người tên là Trương Đức Huy, từ bé vẫn làm quản lý cho hiệu cầm đồ của nhà Tiết Bàn. Gia tài hắn có đến hai, ba nghìn vàng. Năm nay hắn cũng muốn về quê, sang xuân mới đến, liền nói với Tiết Bàn:
- Năm nay giấy sắc và các loại hương khan hiếm, sang năm tất phải đắt. Ra giêng tôi sẽ cho đứa con lớn của tôi đến trông nom cửa hiệu, trước tết Đoan Ngọ, tôi tiện đường đi mua một số giấy sắc và hương bánh về bán. Trừ nộp thuế và tiêu pha, ít nhất cũng có thể được lãi gấp mấy lần.
Tiết Bàn nghe nói, nghĩ bụng: "Giờ mình bị đòn, không mặt mũi nào nhìn thấy người ngoài, muốn tránh đi ít lâu, nhưng không có chỗ, nếu ngày nào mình cũng giả cách ốm, chẳng lẽ cứ ốm mãi sao được. Vả chăng mình đã lớn rồi, vẫn văn dốt vũ dát, nói là đi buôn, nhưng cân kẹo, bàn tính không sờ đến bao giờ; thổ ngơi, phong tục, đường sá xa gần cũng chẳng biết gì cả. Chi bằng ta thu xếp ít tiền vốn, đi theo Trương Đức Huy độ một năm, lỗ lãi không cần, hãy tránh đi cho đỡ xấu hổ đã. Mặt khác, đi ra để xem phong cảnh các nơi cũng hay". Đến khi tan tiệc, hắn liền vui vẻ bảo Trương Đức Huy hãy chờ một vài ngày nữa, hắn cùng đi một thể.
Đến tối, Tiết Bàn nói việc ấy với mẹ. Tiết phu nhân nghe nói tuy cũng thích đấy, nhưng lại sợ con ra ngoài sinh sự, còn việc tiêu mất tiền vốn chỉ là điều nhỏ thôi. Vì thế không muốn cho hắn đi và nói:
- Mày thế nào cũng phải ở gần tao, tao mới yên lòng. Vả chăng cũng không cần mày phải đi buôn, không phải chờ mấy trăm bạc lãi của mày mới có mà tiêu. Mày ở nhà yên phận làm ăn, còn hơn là được mấy trăm bạc lãi.
Nhưng khi nào Tiết Bàn lại chịu nghe, liền nói:
- Ngày thường mẹ vẫn bảo con không biết việc đời, cái này không biết, cái kia không haỵ Bây giờ con cố cắt đứt những việc chơi phiếm, để đi lập thân, học buôn học bán, mẹ lại không để cho con đi à! Vậy mẹ bảo con làm gì bây giờ? Con không phải là con gái, cứ giam hãm ở nhà, thì bao giờ mới khá ra được? Vả chăng Trương Đức Huy là người có tuổi, nhà ta quen ông ta từ lâu, việc gì con cũng hỏi ông ấy, thì nhầm thế nào được? Nhỡ con có sơ hở việc gì, ông ta tất phải khuyên bảo. Món hàng đắt rẻ thế nào, ông ấy thông thạo cả, cái gì con cũng hỏi ông ấy rồi mới mua, thì thuận lợi biết chừng nào! Thế mà mẹ lại không cho con đi! Mấy hôm nữa con không nói gì với nhà, cứ việc sửa soạn đi. Sang năm phát tài trở về, lúc đó mẹ mới biết tay con!
Nói xong, hắn hậm hực đi ngủ.
Tiết phu nhân liền bàn với Bảo Thoa. Bảo Thoa cười nói:
- Quả thực anh ấy muốn ra đời làm ăn đứng đắn thì cũng được đấy. Chỉ sợ Ở nhà nói hay, đến khi ra ngoài lại chứng nào tật ấy, thì khó mà ngăn giữ được. Thôi mẹ chẳng hơi đâu mà lo nhiều thế. Nếu anh ấy biết sửa lỗi, thì phúc cho cả đời anh ấy; bằng không mẹ cũng chẳng còn cách nào hơn. Ta chỉ biết hết sức người thôi, còn hay dở là nhờ trời. Giờ anh ấy đã lớn rời, mẹ không cho anh ấy đi ra khỏi cửa, không cho làm việc gì, năm nay ru rú trong nhà, sang năm cũng lại thế thôi. Anh ấy đã nói, có phần danh chính ngôn thuận, thì mẹ cũng nên nghĩ kỹ, bỏ ra một nghìn hay tám trăm lạng bạc giao cho anh ấy đi thử một chuyến xem sao. Dầu sao đã có bạn buôn giúp đỡ chắc họ cũng không nỡ lừa dối anh ấy đâu. Vả lại anh ấy đi ra ngoài, bên cạnh không có ai xúi giục làm bậy, không có chỗ dựa để cậy thần cậy thế. Mỗi người ở mỗi nơi thì còn ai sợ ai nữa? Có thì ăn, hết thì nhịn, chung quanh không có người nương tựa, biết thân như thế, anh ấy sẽ đỡ sinh chuyện cũng chưa biết chừng.
Tiết phu nhân ngẫm nghĩ một lúc, nói:
- Con nói phải đấy, để cho nó đi học khôn, có tốn ít tiền cũng đáng.
Đến sáng hôm sau, Tiết phu nhân sai người mời Trương Đức Huy đến, bảo Tiết Bàn thết rượu ở ngoài thư phòng, còn mình ngồi ở sau hành lang cách cửa số, dặn đi dặn lại, nhờ Trương Đức Huy trông nom con hộ. Trương Đức Huy vâng dạ luôn mồm. Ăn cơm xong, hắn cáo từ ra về, và nói:
- Ngày mười bốn này xuất hành rất tốt, xin cậu sắp sẵn hành lý, thuê một con lừa, đến sáng hôm ấy chúng ta cùng đi.
Tiết Bàn mừng lắm, kể lại cho Tiết phu nhân nghe.
Tiết phu nhân, Bảo Thoa và Hương Lăng cùng mấy bà già sửa soạn hành lý trong mấy ngày liền, sai bõ già của Tiết Bàn, và hai người hầu đã quen việc cùng hai đứa hầu cận đi theo, tất cả là sáu người. Thuê ba cỗ xe lớn chở hành lý, lại thuê bốn con lừa đi đường trường. Tiết Bàn cưỡi con lừa lớn màu xám của nhà nuôi, lại dắt thêm một con ngựa nữa đi theo. Mọi việc xong xuôi, Tiết phu nhân và Bảo Thoa suốt đêm khuyên bảo Tiết Bàn.
Đến ngày mười ba, Tiết Bàn sang chào mợ trước, rồi đi chào những người trong nhà họ Giả. Bọn Giả Trân cũng đều chào lại, không cần kể rõ. Đến sáng ngày mười bốn, Tiết phu nhân và Bảo Thoa tiễn Tiết Bàn ra cửa ngoài, hai mẹ con nhìn hắn đi khuất rỗi mới quay về.
Khi Tiết phu nhân vào kinh, chỉ mang theo bốn năm gia đinh người nhà, vài ba bà già và lũ hầu con thôi. Bây giờ trừ những người đi theo Tiết Bàn ra, ở nhà chỉ còn có vài đứa hầu trai. Vì thế, hôm đó Tiết phu nhân đến thu dọn ngay những đồ chơi và rèm màn ở thư phòng Tiết Bàn đem về, rồi gọi vợ của hai người hầu trai đi theo Tiết Bàn cũng vào trong nhà ngủ. Lại bảo Hương Lăng: "Xếp đặt cẩn thận trong nhà, khóa cửa lại, tối đến lên ngủ với ta".
Bảo Thoa nói:
- Mẹ đã có những người này ở bên cạnh rồi, nên cho chị Lăng đến ở với con. Trong vườn vắng, đêm lại dài, đêm nào con cũng làm việc, nếu thêm được một người chẳng vui hay sao?
Tiết phu nhân cười nói:
- Phải đấy, ta quên mất, nên cho nó sang ở với con là phải. Hôm đó, ta đã bảo anh con: Văn Hạnh còn bé, nói trước quên sau, một mình Oanh Nhi hầu không xuể. Cần phải mua thêm cho con một con hầu nữa.
- Không biết lai lịch mà cứ mua người về, lỡ ra không vừa ý, tốn tiền không đáng kể, lại thêm bực mình nữa. Mẹ hãy để thong thả xem đã, biết rõ người rồi sẽ mua.
Vừa nói vừa bảo Hương Lăng thu dọn chăn đệm, hòm rương, sai một bà già và Trần Nhi mang đến Hành Vu Uyển, rồi Bảo Thoa và Hương Lăng cùng vào trong vườn.
Hương Lăng nói với Bảo Thoa:
- Tôi vẫn muốn nói với mẹ, khi cậu ấy đi rồi, tôi sẽ đến ở với cộ Nhưng lại sợ mẹ ngờ vực bảo tôi chỉ thích sang vườn để chơi đùa, không ngờ bây giờ cô lại nói cho.
Bảo Thoa cười nói:
- Tôi vẫn biết chị thích vườn này đã lâu, chỉ vì không có dịp thôi. Thỉnh thoảng đến một lần, chị lại vội vội vàng vàng, chẳng có thú gì. Vì thế, nhân dịp này, tôi xin cho chị Ở lâu, chừng một năm. Tôi thì có thêm bạn, chị thì được thỏa lòng.
- Cô ơi! Nhân dịp này, cô dạy tôi làm thơ nhé!
- Chị thật là được đất Lũng lại mong đất Thục 1. Tôi khuyên chị hãy thong thả. Hôm nay mới đến, trước hết chị ra phía cửa Đông, đến chào cụ, rồi chào tất cả mọi người, nhưng không nên nói cho họ biết vì cớ làm sao mà chị lại dọn sang ở bên vườn này. Có ai hỏi, chỉ nói là tôi bảo chị sang ở với tôi cho vui. Xong rồi chị vào vườn thăm các cô.
Hương Lăng vâng lời, khi sắp đi, thấy Bình Nhi vội vàng chạy đến. Hương Lăng liền hỏi thăm. Bình Nhi cũng cười đáp lại. Bảo Thoa cười bảo Bình Nhi:
- Hôm nay tôi đem chị Hương Lăng đến ở với tôi, định sang nói với mợ chị đây.
- Sao cô lại nói câu ấy? Làm tôi không thể trả lời được.
- Như thế mới đúng nhẽ. "Nhà phải có chủ, đền phải có ông từ chứ". Tuy việc không to tát, nhưng cũng phải nói qua, để những người canh gác trong vườn biết là có thêm hai người, tiện cho họ trong khi đóng mở cửa ngõ. Chị về nói hộ, tôi khỏi phải sai người sang nữa.
Bình Nhi vâng lời, lại hỏi Hương Lăng:
- Chị đến ở đây sao không đi chào bà con hàng xóm?
Bảo Thoa cười nói:
- Tôi đang bảo chị ấy đi đấy.
Bình Nhi nói:
- Chị đừng đến nhà tôi vội, cậu Hai đương ốm nằm ở nhà đấy.
Hương Lăng vâng lời, đến chào Giả mẫu trước.
Bình Nhi thấy Hương Lăng đi rồi, liền kéo Bảo Thoa khẽ hỏi:
- Cô có nghe thấy bên nhà tôi mới xảy ra việc gì không?
- Không. Vì mấy hôm nay bận tiễn anh tôi đi, nên việc bên nhà các chị, tôi chẳng biết gì cả. Ngay các chị em mấy hôm nay tôi cũng không được gặp.
- Ông tôi vừa mới đánh cậu ấy một trận nhừ tử. Thế mà cô không biết à?
- Sáng ngày mới thoảng nghe, nhưng tôi chưa tin là thực. Tôi định sang thăm mợ chị, lại gặp chị đến. Tại sao ông lại đánh cậu ấy thế?
Bình Nhi nghiến răng nói:
- Chỉ vì lão Giả Vũ Thôn "Vũ xã" 2 nào ấy, bỗng dưng vác cái mặt vọ Ở đâu lần đến. Mới nhận họ chưa đầy mười năm, nó đã sinh ra bao nhiêu chuyện rắc rối! Mùa xuân năm nay, không biết ông tôi trông thấy mấy cái quạt cũ ở đâu khi về, xem tất cả những quạt ở nhà đều không có cái nào đẹp bằng. Thế là ông tôi lập tức sai người đi tìm các nơi. Ai ngờ có một tên oan gia không sợ chết, người ta đặt đùa cho nó cái hiệu thằng "ngốc đá". Nó nghèo xác, cơm cũng không có mà ăn, nhưng trong nhà lại có đến hai mươi cái quạt. Nó chết cũng không chịu mang ra khỏi nhà. Cậu tôi nhờ người nói lót mãi mới được gặp; nói đến hai, ba lần, nó mới chịu mời đến nhà chơi và giở quạt ra cho xem qua một tí. Theo lời cậu tôi, hạng quạt ấy làm bằng loại trúc Tương phi 3 và ngọn trúc... lại đều có nét vẽ và chữ đề của người xưa. Cậu tôi về trình, ông tôi liền bảo đi mua, hết bao nhiêu tiền cũng trả cho nó. Nhưng thằng "ngốc đá" nói: "Tôi thà chết đói chết rét, chứ một nghìn lạng bạc một cái, cũng không bán". Ông tôi không biết làm thế nào, ngày nào cũng cứ mắng cậu tôi là không làm được việc gì. Cậu ấy đã hứa đưa trước cho nó năm trăm lạng bạc, sau mới lấy quạt, nhưng nó nhất định không bán, chỉ nói: "Muốn lấy quạt thì hãy giết tôi trước đã!" Cô thử nghĩ xem còn có cách gì nữa không? Ngờ đâu lão Vũ Thôn là hạng không có lương tâm, nghe thấy thế, liền bày mưu vu cho nó thiếu tiền công, bắt nó đến cửa quan, bảo: Mày thiếu tiền công, phải bán gia tài để nộp Rồi tịch thu số quạt, tính thành quan giá, mang đi! Hiện giờ thằng "ngốc đá" không biết còn sống hay chết. Ông tôi mới hỏi cậu tôi: "Sao người ta lại lấy đước về đây?" Cậu ấy chỉ nói có một câu: "Vì một việc nhỏ làm người ta khuynh gia bại sản cũng không phải là giỏi". Ông tôi nổi giận, bảo là cậu ấy đem lời chẹn họng ông tôi. Đó là việc lớn thứ nhất. Mấy ngày sau, lại có mấy việc nhỏ nữa, tôi không nhớ hết; vì thế ông tôi góp cả tội lại, đánh cậu tôi một trận. Chẳng biết đánh đấm thế nào, không đánh bằng roi, bằng vọt, bạ cái gì ông tôi đánh cái ấy, làm mặt cậu tôi bị toạc hai chỗ. Thấy nói bên bà dì có một thứ thuốc chữa khỏi vết đòn, nên đến nhờ cô tìm hộ cho tôi xin một viên.
Bảo Thoa sai Oanh Nhi lấy hai viên thuốc đưa cho Bình Nhi, rồi nói:
- Như thế tôi không sang nữa, nhờ chị về nói hộ, tôi gửi lời hỏi thăm.
Bình Nhi nhận lời rồi về.
Hương Lăng đi chào mọi người xong, về nhà ăn cơm chiều. Ăn xong, bọn Bảo Thoa đến cả đằng Giả mẫu, Hương Lăng liền sang quán Tiêu Tương. Bấy giờ Đại Ngọc đã đỡ nhiều rồi, thấy Hương Lăng vào ở trong vườn, tự nhiên cũng vui thêm. Hương Lăng cười nói:
- Em sang ở đây, lúc nào rỗi, đến nhờ cô dạy làm thơ thì phúc cho em lắm.
Đại Ngọc cười nói:
- Chị đã muốn làm thơ thì phải gọi tôi bằng thầy. Tôi không giỏi, cũng dạy nổi chị.
- Nếu thực thế, em xin gọi cô là thầy, xin cô đừng ngại.
- Làm thơ có gì khó mà phải học? Chẳng qua chỉ có khai, thừa, chuyển, hợp, trong đó thừa và chuyển đều là hai vế đối nhau, chữ bằng đối với chữ trắc, hư đối với hư, thực đối với thực. Nếu được câu hay khác thường thì bằng trắc hư thực không cần phải đối nhau cũng được.
- Thảo nào khi rảnh, em thường lấy quyền thơ cũ ra xem mấy bài, có câu đối nhau rất chỉnh, có câu lại không đối. Lại nghe người ta nói, các chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm không cần, chỉ có các chữ thứ hai, thứ tư, thứ sáu là phải rõ ràng. Xem thơ của cổ nhân, có khi đúng như thế, có khi những chữ thứ hai, thứ tư, thứ sáu lại không thế. Vì vậy lúc nào em cũng lấy làm ngờ. Bây giờ cô nói, thì ra khuôn phép ấy không cần lắm, chỉ cần lời và câu văn cho mới lạ là hay thôi.
- Đúng đấy. Nhưng lời và câu văn là việc phù du, cần nhất phải đặt từ cho sát. Nếu từ sát thực thì lời và câu văn không cần điêu luyện cũng vẫn haỵ Như thế gọi là: "Không nên lấy lời hại ý".
- Em chỉ thích câu thơ của Lục Phóng Ong 4, lời rất thiết thực:
Rèm mau không cuộn hơơng còn mãi,
Nghiên cổ hơi sâu mực đọng nhiều.
- Chớ nên xem loại thơ ấy. Vì chị chưa biết làm thơ, nên thấy những câu nông cạn đã thích ngaỵ Nếu mắc vào khuôn sáo ấy thơ sẽ không tiến được nữa. Chị hãy nghe tôi: chị thích học, ở đây tôi có toàn tập thơ Vương Ma Cật, chị hãy chịu khó nghiền ngẫm kỹ càng một trăm bài thơ ngũ ngôn của ông ta, rồi sau đọc một trăm hai mươi bài thất ngôn của Đỗ Phủ, sau nữa lại đọc độ một, hai trăm bài thất ngôn tuyệt cú của Lý Bạch. Phải lót dạ thơ của ba thi hào ấy đã, sau mới xem đến thơ của Đào Uyên Minh, Ứng Dịch, Lưu Vũ Tích, Tạ Diểu, Nguyễn Tịch, Dữu Lượng, Bão Chiếu. Chị là người thông minh nhanh nhẹn, học chừng trong một năm sẽ thành nhà thơ.
- Cô ơi, đã thế cô cho em mượn sách mang về, đến đêm em đọc mấy bài.
Đại Ngọc bảo Tử Quyên đưa tập thơ ngũ ngôn của Vương Ma Cật cho Hương Lăng và bảo:
- Chị xem những bài nào có khuyên đỏ là tôi đã chọn rồi, có bài nào học bài ấy. Nếu không hiểu nghĩa, chị sẽ hỏi cô Bảo, hoặc gặp tôi, tôi sẽ giảng cho.
Hương Lăng cầm tập thơ về Hành Vu Uyển, chẳng nhìn đến công việc gì, thắp ngay đèn đọc hết bài này đến bài khác. Bảo Thoa mấy lần giục cũng không đi ngủ. Bảo Thoa thấy Hương Lăng mài miệt quá, đành phải để tùy ý.
Một hôm, Đại Ngọc vừa rửa mặt chải đầu xong, thấy Hương Lăng cười hớn hở đem đến giả tập thơ cũ, và mượn tập thơ Đỗ Phủ. Đại Ngọc cười nói:
- Nhớ được tất cả bao nhiêu bài rồi?
- Nhưng bài có khuyên đỏ, em đọc hết cả.
- Đã lĩnh hội được ít nào chưa?
- Em đã lĩnh hội được một ít, nhưng chưa biết có đúng không. Em nói cho cô nghe nhé.
- Cần phải nhận xét bàn bạc mới tiến được. Chị hãy nói cho tôi nghe nào.
- Cứ ý em thì những chỗ hay của bài thơ, có nhiều ý tứ không thể nói ra được, nhưng ngẫm nghĩ lại rất thiết thực; có nhiều câu thơ như là vô lý, nhưng nghĩ rất có lý có tình.
- Nói thế là chị đã có ít nhiều thi tứ rồi đấy! Nhưng do đâu mà chị biết được như thế?
- Em xem bài "Ngoài cửa ải" có câu:
Bãi rộng khói đùn làn thẳng tắp;
Sông dài ác xế mặt tròn vành.
Em nghĩ khói thì "thẳng" thế nào được? Mặt trời tất nhiên là "tròn" rồi. Thế thì chữ "thẳng" như là vô lý, mà chữ "tròn" hình như rất tục. Nhưng sau gấp sách lại ngẫm nghĩ, hình như mắt trông thấy hẳn cái cảnh ấy. Muốn tìm hai chữ khác thay vào nhưng không sao tìm được. Lại còn câu:
Trắng xóa sông ngòi khi ác lặn;
Xanh lè giời đất lúc trào dâng.
Hai chữ "trắng" và "xanh, mới nghe cũng hình như vô lý, nhưng nghĩ kỹ ra thì chỉ có hai chữ ấy mới hình dung hết được phong cảnh. Đọc lên thấy nặng chình chịch như miệng ngậm quả trám ấy. Lại có câu:
Mặt trời rớt lại rơi đầu bến;
Đám khói trơ ra bốc giữa làng.
Chữ "rớt" và chữ "trơ" sao mà họ khéo nghĩ được như vậy. Năm trước, khi chúng em lên kinh, một hôm về chiều, thuyền đậu trên bờ, người vắng, chỉ có mấy cái cây, đằng xa có mấy nhà đang nấu cơm chiều, khói bốc lên màu xanh biếc lẫn với đám mây. Ngờ đâu đêm qua đọc đến hai câu thơ này, mắt em như lại trông thấy cảnh ấy.
Đang nói chuyện thì Bảo Ngọc và Thám Xuân đến, đều vào ngồi nghe Hương Lăng nói về thợ Bảo Ngọc cười nói:
- Đã thế thì không cần phải xem thơ nữa. Chỗ lãnh hội không phải ở đâu xa xôi, cứ nghe nói hai câu ấy đủ biết về chị đã nắm được mấu chốt của cách làm thơ rồi.
Đại Ngọc cười nói:
- Chị bảo mấy chữ "đám khói trơ ra" là hay, nhưng chị chưa biết đó là bắt chước ý câu thơ của người trước. Tôi cho chị xem câu này, so với câu kia nhẹ nhàng và thiết thực hơn.
Nới xong, liền đưa cho Hương Lăng xem câu thơ của Đào Uyên Minh:
Tờ mờ xóm làng xa,
Trơ vơ khói trên bãi.
Hương Lăng xem rồi gật đầu khen ngợi mãi, cười nói:
- Thế thì chữ "trơ" là do ý hai chữ "trơ vơ" mà ra!
Bảo Ngọc cười to nói:
- Thế là chị đã hiểu lắm rồi, không cần phải giảng giải nữa. Nếu còn giảng giải đâm ra loãng mất. Bây giừ chị cứ làm thơ đi, nhất định là hay.
Thám Xuân cười nói:
- Ngày mai tôi viết thêm một cái thiếp, mời chị vào thi xã.
Hương Lăng nói:
- Cô ơi, sao cứ trêu chọc em thế? Chẳng qua thích thơ, em học để mà chơi đấy thôi.
Thám Xuân, Đại Ngọc đều cười nói:
- Ai chẳng chơi? Không lẽ chúng tôi mới là người biết làm thơ à? Nếu bảo chúng tôi biết làm thơ, tiếng đồn ra khỏi vườn này, có lẽ người ta cười đến vỡ bụng mất!
Bảo Ngọc nói:
- Thế là mình coi rẻ mình rồi. Hôm trước tôi ra bàn việc vẽ với các ông họa sư ở ngoài kia, họ nghe thấy chúng ta mở thi xã đều xin tôi đưa tập thơ cho họ xem. Tôi viết mấy bài đưa cho họ, ai cũng phải thán phục. Họ đã chép để mang đi khắc rồi.
Thám Xuân, Đại Ngọc hỏi:
- Có thật thế không?
- Tôi mà nói dối thì cũng như con vẹt trên cây này.
- Anh thật bậy quá! Đừng nói thơ chẳng ra thơ, mà có ra thơ chăng nữa cũng không nên mang bút tích của chúng tôi ra ngoài.
- Sợ cái gì? Nếu bút tích của những người trong khuê các trước kia không truyền ra ngoài, bây giờ biết sao được những bài thơ của họ.
Chợt thấy Tích Xuân sai Nhập Họa đến mời Bảo Ngọc. Bảo Ngọc vừa đi thì Hương Lăng lại xin đổi lấy tập thơ Đỗ Phủ, và nói với Đại Ngọc, Thám Xuân:
- Xin hai cô ra đầu bài cho em về làm thử; làm xong, nhờ hai cô chữa hộ.
Đại Ngọc nói:
- Đem qua trăng đẹp quá, tôi đang định làm một bài, nhưng chưa nghĩ xong. Chị làm đi. Hạn vần thập tứ hàn, chị muốn dùng chữ nào trong vần ấy thì dùng.
Hương Lăng mừng quá, mang tập thơ về, nghĩ một lúc, làm được hai câu. Nhưng lại tiếc thơ Đỗ Phủ, nên mải miết đọc vài bài, không thiết đến ăn uống, nằm ngồi cũng không yên. Bảo Thoa nói:
- Làm gì chị phải đeo khổ vào mình thế? Chỉ tại cái cô Tần cám dỗ chị, để tôi kể tội cho nó. Xưa nay chị vốn là ngớ ngẩn, giờ đến việc này, lại cảng ngớ ngẩn thêm.
- Cô ơi! Cô đừng làm rầy tôi nữa.
Hương Lăng vừa nói vừa đưa bài thơ mới làm cho Bảo Thoa xem. Bảo Thoa cười nói:
- Bài này không được, không phải lối làm như thế. Nhưng đừng xấu hổ, cứ mang sang cho cô Đại Ngọc, xem cô ta bảo thế nào.
Hương Lăng cầm bài thơ sang đưa cho Đại Ngọc, Đại Ngọc xem thơ thấy:
Đêm lạnh vừng trăng đừng giữa giời,
Tròn xoe trong vắt bóng chơi vơi.
Nhà thơ hứng quá trừmg đôi mắt,
Khách ẩn buồn tênh lảng một nơi.
Lầu thúy gương đâu treo xế cạnh,
Rèm châu băng những giắt bên ngoài.
Đêm nay đuốc bạc chi cần đốt,
Bức vẽ lan can đã sáng ngời. 5
Đại Ngọc cười nói:
- Ý tứ thì có, nhưng lời không được nhã, chỉ vì chị xem thơ ít nên bị nó gò bó. Bỏ bài này đi, chị làm bài khác. Cần phải mạnh dạn mà làm.
Hương Lăng nghe nói, lẳng lặng về nhà, không buồn vào buồng, lại đến gốc cây bên bờ ao, khi thờ thẫn trên hòn đá, khi ngồi xuống vạch đất. Những người qua lại đều lấy làm lạ. Bọn Lý Hoàn, Bảo Thoa, Thám Xuân và Bảo Ngọc đều đứng ở sườn núi đằng xa nhìn mà cười. Thấy Hương Lăng lúc cau mày, lúc mỉm cười một mình, Bảo Thoa cười nói:
- Chị này nhất định điên rồi! Đêm qua chị ta lầm rầm đến tận canh năm mới ngủ. Nằm được một lúc giời sáng, đã lại thấy dậy rồi, vội vàng chải đầu sang ngay bên cô Tần. Khi về thẫn thờ một lúc, làm được một bài nhưng không hay, chắc bây giờ chị ta lại làm bài khác đấy.
Bảo Ngọc cười nói:
- Thật đúng là "đất thiêng thì người giỏi!" Trời đã sinh ra người, không bao giờ bỏ phí tính tình của người. Ngày thường chúng ta vẫn phàn nàn, tiếc cho chị ấy là người tục! Ngờ đâu bây giờ lại thế này! Mới biết trời đất rất công bằng.
Bảo Thoa cười nói:
- Anh chịu khó được như chị ấy, thì học cái gì mà chẳng thành tài?
Bảo Ngọc không trả lời. Chọt thấy Hương Lăng hớn hở chạy sang bên Đại Ngọc. Thám Xuân cười nói:
- Chúng ta đi sang đó, xem thơ của chị ta có hay không?
Liền cùng nhau đến quán Tiêu Tương, thấy Đại Ngọc đang xem và giảng giải bài thơ của Hương Lăng. Mọi người hỏi Đại Ngọc:
- Thơ làm ra sao rồi?
- Kể ra chị ta cũng đáng khen rồi đấy, nhưng vẫn chưa được. Bài thơ này lại gọt quá, còn phải làm lại.
Mọi người xem, thì thấy:
Bạc hay là nước dọi ngoài song,
Mâm ngọc nhìn xem giữa ánh hồng.
Hương đượm hoa mai màu nhạt nhạt,
Móc tan tơ liễu sợi thòng thòng.
Thềm vàng xoa phấn thừa, đâu đấy?
Giàn ngọc dây sương nhẹ phải không?
Tỉnh giấc lâu tây người vắng ngắt,
Ngoài rèm còn đấy mảnh gương trong.
Bảo Thoa cười nói:
- Không phải là vịnh trăng. Theo tứ bài này, dưới chữ trăng phải thêm chữ "sắc" nữa mới được. Chị xem đấy, câu nào cũng là vịnh "sắc trăng" cả. Nhưng thôi, xưa nay thơ vẫn là nói phiếm hết, chị cứ làm ít lâu nữa, thơ sẽ hay đấy.
Hương Lăng vẫn cho bài thơ này đã hay lắm rồi, giờ nghe nói thế, đâm ra cụt hứng, không chịu bỏ qua, lại muốn nghiền ngẫm ngaỵ Thấy các chị em đang cười nói, Hương Lăng ra đứng trước cây trúc dưới thềm, dốc cả tâm trí vào thơ, tai không cần nghe, mắt không cần nhìn đến nhưng sự việc ở chung quanh. Một lúc Thám Xuân đứng ở trong cửa sổ cười nói:
- Cô Lăng ơi, hãy "nhàn nhàn" một tí đã.
Hương Lăng giật mình trả lời:
- Chữ "nhàn" ở vần thập ngũ san kia, cô nhầm rồi.
Mọi người nghe nói, cười ầm lên. Bảo Thoa nói:
- Thực là con ma thơ! Chỉ tại con Tần cám dỗ chị ấy.
Đại Ngọc cười nói:
- Thánh nhân nói "dạy người không biết chán", chị ta cứ hỏi đến tôi, lẽ nào tôi lại không bảo?
Lý Hoàn cười nói:
- Chúng ta kéo chị ấy đến nhà cô Tư xem bức vẽ, để chị ấy tỉnh lại mới được.
Nói xong, đứng dậy, kéo Hương Lăng đi sang Ngẫu Hương tạ. Vào đến ổ Noãn Hương, thấy Tích Xuân đang mệt, nằm ngủ trưa trên giường, bức vẽ dựng cạnh vách, ngoài có the phủ. Mọi người gọi Tích Xuân dậy, mở the ra xem, thấy mười phần mới vẽ xong được bạ Trong bức vẽ có mấy vị mỹ nhân, Hương Lăng liền chỉ vào đó nói:
- Vị này là các cô, vị kia là cô Lâm.
Thám Xuân cười nói:
- Những người nào biết làm thơ, đều được vẽ vào bức tranh này, chị cố học thơ đi.
Mọi người cười đùa một lúc, rồi đâu lại về đấy.
Hương Lăng trong bụng lúc nào cũng nghĩ đến thợ Buổi tối ngồi thờ thẫn ở trước đèn cho đến hết canh ba mới lên giường nằm, hai mắt cứ trừng trừng cho đến canh năm mới ngủ được một tí.
Một lúc trời sáng, Bảo Thoa trở dậy. Lắng nghe Hương Lăng đang ngủ say, nghĩ bụng: "Chị ta trằn trọc, cả đêm không biết đã làm xong thơ chưa? Bây giờ chắc mệt, ta đừng gọi vội". Bỗng thấy Hương Lăng nói mê:
- Thơ xong rồi! Lẽ nào bài này lại không hay?
Bảo Thoa nghe vậy, vừa bực mình vừa buồn cười, liền gọi Hương Lăng dậy hỏi:
- Đã xong thơ chưa? Lòng thành của chị đã thấu đến trời rồi. Khéo không thơ chẳng học nổi, lại đeo cái ốm vào người đấy!
Vừa nói vừa đi rửa mặt chải đầu, rồi cùng chị em sang bên Giả mẫu. Nguyện Hương Lăng cố chí mài miệt học làm thơ, tinh thần để cả vào đấy, ban ngày chẳng nghĩ được câu gì, chợt trong giấc mộng, lại nghĩ được cả tám câu. Rửa mặt chải đầu xong, chị ta vội vàng viết ngay ra, đem đến đình Thấm Phương, thấy Lý Hoàn cùng các chị em vừa ở bên Vương phu nhân về, Bảo Thoa nói với họ là chị ta ngủ mê cũng làm thợ Mọi người đang cười, ngẩng đầu lên, đã thấy Hương Lăng đến rồi, liền tranh nhau xem thơ.
1      Ý nói được cái nọ lại mong cái kia.
2      Nguyên văn: Vũ thôn "phong thôn".
3      Vợ vua Thuấn là Tương phu nhân. Khi vua Thuấn chết, bà khóc nhiều quá, nước mắt nhỏ vào cành trúc đến đâu thì có vần đến đấy, nên gọi là Tương phi trúc.
4      Tức Lục Du, người đời Tống, làm thơ rất giỏi.
5      Nguyên văn "Hàn", vì hạn chế của dịch, phải dịch theo vần khác.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.