Hồng Lâu Mộng

Chương 96: Giấu hẳn tăm hơi Phượng Thư bày kế lạ




Giấu hẳn tăm hơi Phượng Thư bày kế lạ
Cơ mưu đã lộ, Đại Ngọc mất tính thường
Giả Liễn cầm viên ngọc giả hầm hầm đi ra thư phòng.
Người kia thấy sắc mặt hắn, trong lòng đã lo sẵn, liền đứng ngay dậy. Y đang định nói thì Giả Liễn cười nhạt bảo:
- Đồ khốn nạn, to gan thật? Đây là nơi nào mà mày dám đến lừa dối như thế?
Rồi hắn ngoảnh lại gọi:
- Những người hầu đâu rồi?
Bên ngoài bọn hầu dạ ran như sấm. Giả Liễn nói:
- Lấy dây trói nó lại, đợi ông lớn về trình rõ, sẽ giải nó vào cửa quan.
Bọn hầu răm rắp trả lời:
- Thưa, sẵn sàng rồi ạ!
Miệng nói như thế, nhưng họ vẫn đứng im.
Người kia khiếp sợ, tay chân run lẩy bẩy, thấy tình cảnh này biết rằng khó lòng tránh được pháp luật, liền quỳ xuống sụp lạy kêu van
- Xin ông bớt giận, thật là con cùng cực quá, không biết làm thế nào, mới nghĩ ra việc làm vô liêm sỉ ấy. Viên ngọc này là con mượn tiền người ta làm ra, giờ đây con cũng không dám lấy lại nữa, xin biếu các cậu em trong phủ chơi thôi.
Nói xong, người kia sụp lạy lia lịa.
Giả Liễn quát:
- Mày liều thật! Nhà chúng tao đây thiếu gì cái đồ vứt đi không đắt ấy!
Đang lúc ầm ĩ thì Lại Đại đi vào, cười nói với Giả Liễn:
- Xin cậu bớt giận, quân này có đáng kể gì, tha cho nó, bảo nó cút đi thôi.
Giả Liễn nói:
- Thật đáng ghét quá.
Lại Đại và Giả Liễn vờ làm bộ vừa dọa vừa dỗ. Bọn người hầu ở ngoài đều gắt:
- Đồ chó, mày lại còn không lạy tạ cậu và ông Lại mà cút cho mau, còn chờ mấy cái đá nữa à?
Người kia vội vàng sụp lạy hai lạy, rồi ôm đầu chạy ra.
Từ đó, tiếng ấy đồn ra ngoài phố, ai cũng nói:
- Giả Bảo Ngọc thành Bảo Ngọc giả.
Hôm đó, Giả Chính đi chào khách trở về, mọi người thấy giữa tiết hoa đăng, sợ Giả Chính sinh giận chăng, nên cũng không trình lại những việc đã qua. Vì gần đây Nguyên Phi chết, bận rộn mất mấy hôm, rồi Bảo Ngọc lại ốm, cho nên tuy lệ thường có bày tiệc ăn uống, nhưng ai nấy đều không vui vẻ, nên không có việc gì đáng nói.
Đến ngày mười bảy tháng giêng, Vương phu nhân đang ngóng trông Vương Tử Đằng vào kinh, bỗng thấy Phượng Thư đến trình:
- Hôm nay cậu Hai ở ngoài nghe người ta đồn: ông cậu nhà ta đi gấp vào kinh, đến một chỗ cách kinh thành hơn hai trăm dặm thì bị bệnh mất giữa đường, thím có nghe nói không?
Vương phu nhân giật nẩy mình bảo:
- Ta không nghe nói. Chiều qua cũng không nghe ông nhà nói. Vậy thì chị nghe ở đâu thế?
- Con nghe người lạ nói, họ nghe tin ở nhà ông Trương trong Viện khu mật.
Vương phu nhân ngẩn người ra một lúc, nước mắt ròng ròng. Bà ta lau nước mắt nói:
- Chị về bảo anh Liễn hỏi cho rõ ràng rồi nói lại với tôi.
Phượng Thư vâng lời.
Vương phu nhân khóc thầm một mình, thương con gái, khóc em, lại lo cho Bảo Ngọc, việc này tiếp đến việc khác, đều là những chuyện đau lòng, làm sao chịu nổi. Vì thế đâm ra chứng đau bụng.
Giả Liễn đi hỏi rõ về trình lại:
- Ông cậu đi đường nhọc mệt, ngẫu nhiên cảm bệnh phong hàn, đến vùng đồn Thập Lý mời thầy thuốc điều trị. Khốn nỗi ở đó không có thầy thuốc giỏi, uống lầm thuốc, chỉ một thang là chết ngay. Nhưng không biết gia quyến đã đến đây chưa?
Vương phu nhân nghe nói, liền nổi cơn đau bụng, ngồi không được, bảo bọn Thái Vân đỡ lên giường nằm, gượng gạo gọi Giả Liễn đi trình với Giả Chính và dặn:
- Anh mau mau sắm sửa hành lý, đi đến đấy, lo liệu giúp việc chôn cất, xong rồi về ngay nói cho chúng ta biết, và cũng để cho chị ấy yên lòng.
Giả Liễn không dám trả lời, liền cáo từ Giả Chính rồi đi. Giả Chính cũng đã nghe tin, trong bụng rất là đau xót. Lại biết rằng Bảo Ngọc mất ngọc, mê mẩn tâm thần, thuốc thang không công hiệu, còn Vương phu nhân thì đau bụng.
Lúc bấy giờ vừa gặp dịp xét công lao các quan, Bộ công liệt Giả Chính vào hạng nhất. Tháng hai bộ Lại dẫn vào bệ kiến. Hoàng thượng nghĩ Giả Chính cần kiệm cẩn thận, liền bổ chức lương đạo tỉnh Giang Tây. Giả Chính tạ ơn rồi tâu rõ ngày lên đường nhậm chức. Tuy có bạn hữu và bà con đến mừng, nhưng vì trong nhà có người đang yếu, nên Giả Chính cũng chẳng bụng dạ nào tiếp, lại cũng không dám ở nhà lâu.
Giả Chính đang phân vân chưa biết làm thế nào thì thấy bên nhà Giả mẫu có người sang nói:
- Xin mời ông lớn sang.
Giả Chính vội vàng đi vào, thấy Vương phu nhân đang ốm cũng ngồi ở đấy.
Giả Chính hỏi thăm sức khỏe Giả mẫu. Giả mẫu bảo ông ta ngồi xuống rồi nói:
- Anh sắp đi nhậm chức, ta có nhiều điều muốn nói với anh, không biết anh có nghe hay không?
Giả mẫu nói đến đó thì nước mắt giàn giụa, Giả Chính vội vàng nói:
- Mẹ có việc gì cứ nói, con đâu dám trái lời.
Giả mẫu nghẹn ngào nói:
- Ta nay đã tám mươi mốt tuổi, anh lại đi làm quan ở ngoài. Vì có anh Cả, nên anh không thể viện cớ cớ mẹ già mà xin ở lại được. Nay anh ra đi, thằng Bảo là đứa ta yêu nhất, thế mà nó lại ốm mê mệt, chưa biết rồi ra sao. Hôm nay ta bảo mụ Lai Thăng ra gọi người xem bói cho nó, thầy bói đoán rất giỏi. Ông ta bảo: "Cần phải cưới người vợ thuộc mệnh kim về nâng giấc và cũng để "xung hỷ" 1 thì mới khỏe được, nếu không sợ khó mà qua khỏi". Ta biết anh không tin những chuyện ấy, nên gọi anh đến bàn. Vợ anh cũng ở đây. Hai vợ chồng cũng nên bàn xem: có muốn cho thằng Bảo khỏe hay không? Hay là để mặc nó?
Giả Chính vội vàng nói:
- Trước kia mẹ thương con như thế, không lẽ con lại không thương nó hay sao? Chỉ vì thằng Bảo không chịu chăm chỉ học hành, nên con hay giận nó, chẳng qua cũng là giận "sắt không thành thép" đấy thôi. Nay mẹ muốn cưới vợ cho nó, cũng là việc phải, lẽ nào con lại trái lời. Giờ đây nó ốm con cũng băn khoăn lo lắng, nhưng vì không cho nó gặp con, con cũng không dám nói. Con cũng muốn nhìn một chút xem nó ốm đau ra sao?
Vương phu nhân thấy Giả Chính nói đến đó, mắt cũng hơi đỏ lên, biết rằng ông ta trong lòng đau xót, liền cho người đưa Bảo Ngọc đến.
Bảo Ngọc tới gặp cha, Tập Nhân nhắc hỏi thăm sức khỏe thì hỏi. Giả Chính thấy Bảo Ngọc gầy gò, cặp mắt đờ đẫn, như người có bệnh điên, liền bảo người hầu vực vào trong nhà. Ông ta nghĩ bụng: "Mình năm nay gần sáu mươi tuổi, bổ quan ngoài không biết mấy năm nữa mới về được. Nếu quả thật nó có mệnh hệ nào thì tuổi già không ai nối dõi. Đành rằng mình có cháu, nhưng đã cách một tầng rồi. Mẹ mình lại rất yêu Bảo Ngọc, nếu có điều gì nhầm nhỡ, tội mình lại chẳng nặng hơn hay sao?" Nhìn lại Vương phu nhân thì nước mắt lưng tròng, lại càng lo lắng cho sức khỏe của vợ. Giả Chính liền đứng dậy nói:
- Mẹ đã già, nếu mẹ muốn lo cho nó, con đâu dám trái lời? Mẹ định làm thế nào thì cứ làm. Nhưng không biết đã nói với bên dì chưa?
Vương phu nhân nói:
- Dì đã nhận lời rồi, nhưng vì việc thằng Bàn chưa xong, nên lâu nay không nhắc đến.
- Đó là việc khó xử nhất. Anh đang còn ở trong nhà giam thì em xuất giá làm sao được. Vả lại mặc dầu việc Quý phi chết không cản trở gì việc cưới hỏi, nhưng theo lệ, Bảo Ngọc phải chịu tang chín tháng đối với người chị đã xuất giá, như vậy hiện giờ nó cũng chưa cưới vợ được. Về phần con thì ngày lên đường đã tâu rồi, không dám chậm trễ, trong mấy ngày nay thì lo liệu làm sao cho kịp?
Giả mẫu ngẫm nghĩ: "Nói như thế quả đúng đấy. Nhưng nếu chờ cho qua mấy việc kia, cha nó lại đi mất rồi, nhỡ ra bệnh nó càng ngày càng thêm nặng thì làm thế nào. Thôi đành phải chịu làm trái lễ phần nào mới được". Rồi nói:
- Nếu anh bằng lòng lo vợ cho nó thì ta đã có cách, nhất định các việc kia thì không trở ngại gì. Bên dì thì ta với chị ấy sẽ qua nói chuyện. Chỗ thằng Bàn thì nhờ thằng Khoa nói hộ. Cứ nói rõ là cốt để cứu tính mệnh cho thằng Bảo nên mọi việc phải tòng quyền. Như thế chắc nó cũng bằng lòng. Còn việc cưới vợ trong lúc có tang chị thì thật là không được. Vả lại Bảo Ngọc đang ốm, cũng chưa thể làm lễ thành hôn, chẳng qua là để xung hỷ đó thôi. Hai nhà chúng mình đều bằng lòng, hai đứa nó lại sẵn có nhân duyên "vàng ngọc", chả cần làm lễ hợp hôn cũng được. Rồi chọn ngày tốt đưa lễ theo như lệ thường của nhà mình. Liền đó lại định ngày đưa dâu, theo như cách thức trong cung, bất tất phải dùng âm nhạc, chỉ dùng mười hai đôi đèn hoa, một cỗ kiệu tám người đón dâu về, rồi chiếu theo nề nếp miền Nam, cũng lễ gia đường, cũng ngồi giường buông màn 2 thế chẳng phải là cưới vợ rồi hay sao? Con Bảo rất thông minh, sáng suốt không cần phải lo. Trong đó lại có con Tập Nhân cũng là đứa biết việc, lại có người hiểu biết luôn luôn khuyên nó thì càng hay. Vả chăng thằng Bảo và con Bảo xưa nay vẫn thân với nhau. Hơn nữa bà dì thường nói: "Cái khóa vàng của con Bảo trước đây đã có một vị hòa thượng nói rằng chỉ chờ người có ngọc sẽ là vợ chồng." Thì biết đâu con Bảo về đây lại không nhờ cái khóa vàng mà tìm được viên ngọc kia. Thế rồi mỗi ngày nó một khá dần, không phải phúc cho nhà mình sao? Giờ đây chỉ cần dọn dẹp nhà cửa, bày biện các phòng cho tử tế. Các phòng này thì phải do anh chị định mới được. Tất cả bạn bè thân thích không cần mời ai, cũng không cần bày biện tiệc tùng làm gì. Chờ lúc Bảo Ngọc thật khỏe, hết trở rồi, khi ấy hãy bày tiệc mời khách. Làm như thế thì việc gì cũng kíp. Anh cũng có thể nhìn thấy việc hôn nhân của hai con, để đi nhậm chức cho yên tâm.
Giả Chính nghe nói, tuy không bằng lòng, nhưng vì đó là ý định của Giả mẫu, nên không dám trái lời, đành phải nói miễn cưỡng:
- Mẹ nghĩ rất phải, lại rất chu đáo, nhưng phải dặn mọi người trong nhà không được rêu rao cho bên ngoài biết, nếu không thì sẽ có lỗi đấy. Chỉ sợ bên dì không bằng lòng thôi. Nếu dì bằng lòng, cũng chỉ có thể theo như ý mẹ mà lo liệu.
Giả mẫu nói:
- Thôi anh cứ ra, bên dì đã có ta.
Giả Chính vâng lời lui ra, trong bụng áy náy, nhưng vì bận việc đi nhậm chức, vào bộ lĩnh giấy tờ, bạn bè lại tiến cử người giúp việc, phải tiếp chuyện luôn, đành phải phó mặc việc cưới của Bảo Ngọc cho Giả mẫu, Vương phu nhân và Phượng Thư. Ông ta chỉ cho Bảo Ngọc một tòa nhà hai mươi gian sau nhà Vượng Hy, cạnh phòng ở của Vương phu nhân, còn các việc khác đều không nhìn đến. Tất cả đều do Giả mẫu quyết định, rồi sai người nói với ông ta, và ông ta cứ bảo là rất tốt.
Sau khi Bảo Ngọc gặp Giả Chính, Tập Nhân vực anh ta về nằm trên giường. Vì có Giả Chính ở ngoài, nên không ai dám nói chuyện với Bảo Ngọc. Anh ta nằm ngủ mê mệt. Những lời nói của Giả mẫu và Giả Chính, Bảo Ngọc chẳng hề nghe một câu nào. Tập Nhân thì lại lẳng lặng nghe rất rõ. Trước đây Tập Nhân cũng có nghe ít nhiều, nhưng còn không rõ, chỉ thấy Bảo Thoa không sang, nên cũng hơi tin. Nay nghe những câu nói ấy, trong bụng mới thật rõ ràng đích xác. Tập Nhân cũng rất mừng, nghĩ bụng: "Thật là con mắt bề trên rất tinh, dạm hỏi như thế mới đáng. Mình cũng có phúc, nếu cô ta về đây thì mình cũng đỡ được một phần gánh nặng. Có điều trong bụng cậu ấy chỉ có mê cô Lâm mà thôi, may mà cậu ấy chưa biết, nếu biết ra, chưa biết dằn vặt đến thế nào?" Tập Nhân nghĩ đến đó, lại đổi mừng thành lo, nghĩ bụng: "Việc này biết làm thế nào bây giờ? Cụ bà và bà Hai làm sao biết được những ý nghĩ của họ. Trong lúc cao hứng, họ tưởng nói cho cậu ấy biết thì bệnh sẽ khỏi. Nhưng nếu cậu ấy vẫn một lòng như trước thì làm thế nào. Mới lần đầu tiên thấy cô Lâm, cậu ấy đã đòi vứt ngọc, đập ngọc. Rồi như mùa hè năm trước ở trong vườn, cậu ấy nhận lầm mình là cô Lâm, thốt ra những lời ân ái. Sau đó, Tử Quyên chỉ nói đùa mấy câu, cậu ấy đã khóc lóc, chết đi sống lại. Nay nếu nói với cậu ta dạm cô Bảo, bỏ cô Lâm thì trừ phi là cậu ta mê man không biết gì, chứ nếu còn hơi tỉnh táo, thì không những không thể xung hỷ mà sợ lại chóng chết nữa kia! Mình mà không nói rõ thì chẳng phải làm hại một lúc cả ba người hay sao?"
Tập Nhân đã sẵn có ý định ấy, chờ cho Giả Chính đi ra liền gọi Thu Văn đến trông nom Bảo Ngọc, còn mình thì đi ra gặp Vương phu nhân, mời bà ta vào cái nhà sau phòng Giả mẫu để nói chuyện. Giả mẫu tưởng là Bảo Ngọc nói gì nên không để ý, còn ngồi tính toán việc đưa và rước dâu như thế nào.
Tập Nhân cùng Vương phu nhân vào nhà sau, chị ta liền qùy xuống mà khóc. Vương phu nhân chẳng hiểu vì sao, đưa tay kéo chị ta dậy nói:
- Tự dưng vô cớ, sao con lại như thế? Có việc gì oan ức đứng dậy mà nói.
- Việc này đáng lẽ con không nên nói, nhưng giờ đây không có cách nào khác nữa.
- Con cứ nói xem nào?
- Cụ và bà đã định việc hôn nhân của cậu Bảo, thật là việc rất tốt. Nhưng con nghĩ, bà xem thử cậu Bảo thân với cô Bảo hay là thân với cô Lâm hơn?
- Chúng nó từ lúc nhỏ ở với nhau một chỗ, nên ta xem thằng Bảo có phần thân với cô Lâm hơn.
- Không phải chỉ thân mà thôi đâu.
Tập Nhân liền đem tình hình giữa Bảo Ngọc và Đại Ngọc kể rõ đầu đuôi, và nói thêm:
- Những việc ấy chính mắt bà lớn đã thấy, chỉ có câu chuyện mùa hè trước đây, con chưa hề dám nói với ai.
Vương phu nhân nắm tay Tập Nhân nói:
- Ta nhìn bề ngoài cũng đã biết được một vài phần, nay con lại nói như thế thì thực là đúng rồi. Nhưng vừa rồi những lời nói của ông lớn, chắc Bảo Ngọc cùng đều nghe cả. Vậy con xem thần sắc nó ra sao?
- Cậu Bảo giờ đây có ai nói chuyện với thì chỉ cười, nếu không ai nói thì cứ ngủ hoài, cho nên những câu chuyện vừa rồi cậu ấy không hề nghe biết gì cả.
- Việc này biết làm thế nào bây giờ?
- Con nói thế thôi, bà lớn cần phải trình với cụ, nghĩ một kế gì cho vẹn toàn mới được.
- Đã thế thì con cứ đi làm việc của con. Lúc này trong nhà đông người hãy khoan nhắc đến việc ấy, chờ có dịp rảnh ta sẽ trình với cụ tùy cách lo liệu.
Nói xong, bà ta lại trở sang phòng Giả mẫu.
Giả mẫu đang bàn với Phượng Thư, thấy Vương phu nhân đi vào liền hỏi:
- Con Tập Nhân nói gì mà thầm thầm thụt thụt thế?
Vương phu nhân nhân dịp liền nói rõ tâm sự của Bảo Ngọc cho Giả mẫu rõ. Giả mẫu nghe nói im lặng một lúc lâu. Vương phu nhân và Phượng Thư cũng không nói nữa. Một chốc Giả mẫu than thở:
- Việc này đối với con Lâm cũng dễ thôi, chẳng sao cả. Nhưng nếu thằng Bảo Ngọc mà thật như thế thì cũng khó liệu đấy.
Phượng Thư nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
- Khó thì cũng không khó. Tôi mới nghĩ được một cách, không biết cô 3 có bằng lòng không?
Vương phu nhân nói:
- Chị có cách gì cứ nói cho cụ nghe, chúng ta bàn bạc cho kỹ rồi sẽ làm.
- Theo ý cháu thì việc này chỉ có cách đánh tráo mà thôi. Bây giờ không kể là chú Bảo có hiểu hay không hiểu, mọi người chúng ta cứ rêu rao lên là ông lớn làm chủ, cưới cô Lâm cho chú ấy xem thần sắc chú ấy như thế nào. Nếu chú ấy không hề để ý gì cả thì bất tất phải dùng cách này, nếu mà chú ấy có ý vui mừng thì việc này phải mất công sắp đặt mới được.
Vương phu nhân nói:
- Nếu như nó vui mừng thì chị định tính cách nào?
Phượng Thư ghé lại bên tai Vương phu nhân nói phải làm như thế. Vương phu nhân gật đầu mấy cái rồi cười nói:
- Cũng được.
Giả mẫu liền hỏi:
- Mẹ con nhà mày làm cái trò quỷ gì thế. Nói ta nghe rõ xem nào!
Phượng Thư sợ Giả mẫu không hiểu, để lộ mưu mô, liền ghé bên tai Giả mẫu nói thầm mấy cầu. Quả nhiên Giả mẫu chưa hiểu được ngay. Phượng Thư lại cười nói mấy câu nữa. Giả mẫu cười nói:
- Như thế cũng được, nhưng thật tội cho con Bảo. Nếu mà rêu rao ra thì con Lâm sẽ ra sao?
Phượng Thư nói:
- Những câu nói ấy chỉ nói cho một mình chú Bảo nghe, nhất thiết không hở ra với một người nào, thì ai biết được!
Đang nói chuyện thì a hoàn vào trình:
- Cậu Hai Liễn đã về.
Vương phu nhân sợ Giả mẫu hỏi Giả Liễn, liền đưa mắt ra hiệu với Phượng Thư. Phượng Thư đi ra đến lấy Giả Liễn rồi vĩu môi ra hiệu. Hai vợ chồng hắn cùng đến chờ ở nhà Vương phu nhân. Một lúc Vương phu nhân về, thấy Phượng Thư đã khóc đỏ cả hai mắt. Giả Liễn hỏi thăm sức khỏe rồi kể lại chuyện đến đồn Thắp Lý lo liệu đám ma Vương Tử Đằng cho Vương phu nhân nghe. Giả Liễn lại nói thêm:
- Có chiếu chỉ nhà vua truy phong chức hàm nội các, cho thụy hiệu là Văn Cần Công, bảo người nhà đưa linh cữu về quê, truyền cho quan lại dọc đường trông nom lo liệu. Ngày hôm qua, linh cữu bắt đầu ra đi, gia quyến đã bắt đầu khởi hành về Nam rồi. Mợ 4 có gửi lời về hỏi thăm sức khỏe và nói không ngờ giờ đây lại không thể vào kinh, có bao nhiêu câu chuyện không thể nói được. Mợ lại nghe nói anh Cả nhà cháu 5 cũng định vào kinh, nếu dọc đường gặp nhau, thì sẽ bảo anh ấy đến chỗ nhà ta nói lại.
Vương phu nhân nghe xong, đau xót vô cùng.
Phượng Thư khuyên lơn một hồi và nói:
- Mời thím hãy nghỉ một chốc, đến đêm ta lại bàn chuyện chú Bảo.
Phượng Thư nói xong cùng Giả Liễn về phòng, đem câu chuyện vừa rồi kề cho hắn biết và bảo hắn sai người sắp xếp nhà mới cho Bảo Ngọc.
Một hôm Đại Ngọc ăn cơm sáng xong, cùng Tử Quyên sang nhà Giả mẫu hỏi thăm sức khỏe, đồng thời để đi dạo cho khuây. Vừa ra khỏi quán Tiêu Tương được mấy bước bỗng nhớ lại quên mất cái khăn tay. Đại Ngọc liền bảo Tử Quyên về nhà lấy còn mình thì thong thả vừa đi vừa chờ. Đến sau núi đá, bên cầu Thấm Phương, chỗ trước kia cùng chôn hoa với Bảo Ngọc, bỗng nghe ở đấy có tiếng người nức nở. Đại Ngọc dừng chân lại nghe, nhưng không nhận ra tiếng của ai, lại cũng không nghe rõ người ấy vừa khóc vừa kể lể những gì, trong lòng rất là ngờ vực. Đại Ngọc liền thong thả lại gần, thì thấy một a hoàn mày rậm, mắt to đang khóc ở đấy. Lúc chưa trông thấy người ấy, Đại Ngọc ngờ là a hoàn lớn nào đó có tâm sự không nói ra được nên đến đấy khóc. Đến khi trông thấy, Đại Ngọc lại buồn cười, nghĩ bụng: "Đồ ngu xuẩn này, làm gì có tình với tứ. Chắc là con này giận gì bọn a hoàn lớn đấy thôi". Cô ta nhìn kỹ lại không biết là người nào. Người con gái ấy thấy Đại Ngọc đến, không dám khóc nữa, liền đứng dậy lau nước mắt.
Đại Ngọc hỏi:
- Sao vô cớ lại ra đây mà khóc?
Người con gái ấy nghe hỏi lại chảy nước mắt nói:
- Cô Lâm! Cô thử nghĩ mà xem: họ nói chuyện cháu không biết, dù có nói sai một câu, chị cháu cũng không nên đánh cháu kia mà?
Đại Ngọc nghe không hiểu nó nói gì, liền cười hỏi:
- Chị mày là ai?
- Chị cháu là Trân Châu.
Đại Ngọc nghe nói biết nó là người bên nhà Giả mẫu, lại hỏi:
- Mày tên gì?
- Tên cháu là con Ngốc.
Đại Ngọc cười rồi lại hỏi:
- Vì sao chị mày đánh mày? Mày nói sai câu gì thế?
- Vì việc gì à? Chỉ vì câu chuyện cậu Bảo nhà ta ăn cưới cô Bảo đấy thôi.
Đại Ngọc nghe câu ấy, tim đập thình thình, như sét đánh bên tai. Một lát sau, tinh thần hơi bình tĩnh, liền bảo người a hoàn ấy:
- Đi lại đây với ta.
Người a hoàn theo Đại Ngọc đến góc bên kia, chỗ chôn hoa đào năm trước, thấy vắng vẻ im lặng. Đại Ngọc hỏi:
- Cậu Bảo lấy cô Bảo, tại sao mà họ đánh mày?
- Cụ, bà Hai và mợ Phượng Thư bàn với nhau, nhân lúc ông lớn sắp lên đường, gấp rút bàn với dì Tiết để cưới cô Bảo. Thứ nhất là muốn xung hỷ gì đó cho cậu Bảo, thứ hai…
Nói đến đó, nó lại lườm Đại Ngọc mà cười rồi nói tiếp:
- Lo xong việc này, còn phải kén chồng cho cô Lâm nữa.
Đại Ngọc nghe nói vậy đã ngơ ngác cả người, nhưng nó vẫn cứ nói tiếp:
- Cháu cũng không biết họ bàn bạc như thế nào mà không cho nói đến chuyện ấy, chừng họ sợ cô Bảo hổ thẹn thì phải. Cháu chỉ nói chơi với chị Tập Nhân một câu: "Chúng ta rồi đây càng thêm nhộn nhịp, vừa là cô Bảo, vừa là mợ Hai Bảo, biết gọi thế nào cho tiện?" Cô thử nghĩ xem, nói như thế, động chạm gì đến chị Trân Châu kia chứ? Thế mà chị ta chạy lại tát cháu một cái bảo là cháu nói bậy, không nghe bề trên dặn bảo, định đuổi cháu đi. Cháu có biết bề trên tại sao không cho nói đâu. Các chị không bảo cho cháu biết, lại đi đánh cháu!
Nó nói đến đó lại khóc oà lên.
Lúc bấy giờ, trong lòng Đại Ngọc rối như mớ bòng bong, trăm mối tơ vò, ngọt, bùi, chua, cay lẫn lộn.
Nghỉ một chút rồi cô ta run run nói:
- Mày đừng nói bậy nữa. Nếu còn nói bậy, họ nghe được, họ lại đánh cho đấy. Về đi thôi!
Đại Ngọc định trở về quán Tiêu Tương, nhưng cảm thấy người mình nặng trĩu, hai chân mềm nhũn như mớ bông, đành phải gắng gượng đi từ từ từng bước một. Đi một lúc lâu vẫn chưa đến cầu Thấm Phương, thì ra chân yếu đi đã chậm lại mê man bước như cái máy, đi quanh về bên kia mới quay lại, nên đường đi lại xa ra nhiều. Vừa về đến cầu Thấm Phương, Đại Ngọc thuận đường, đi luôn vào trong.
Tử Quyên trở về lấy khăn tay ra, chẳng thấy Đại Ngọc đâu cả, đang nhìn quanh quẩn, thấy Đại Ngọc sắc mặt tái đi, chân tay bủn rủn, hai mắt sững sờ, đang loay hoay ở đấy, lại thấy phía trước có một a hoàn chạy, nhưng xa quá, không nhận ra ai. Tử Quyên ngờ vực và lấy làm lạ, đành phải chạy lại hỏi khẽ:
- Sao cô lại trở về? Hay định đi đâu thế?
Đại Ngọc hình như chỉ nghe loáng thoáng, liền buột miệng trả lời:
- Ta đi tìm Bảo Ngọc đây.
Tử Quyên nghe nói chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, đành phải dìu cô ta qua nhà Giả mẫu. Đại Ngọc đi đến cửa Giả mẫu, trong lòng hơi tỉnh táo, ngoảnh lại thấy Tử Quyên đang dìu mình liền đứng lại hỏi:
- Chị làm cái gì thế?
Tử Quyên cười nói:
- Cháu về lấy khăn tay đưa đến, thấy cô đang ở bên cầu, cháu chạy lại hỏi, cô chẳng để ý gì cả.
Đại Ngọc cười:
- Tôi tưởng là chị đi thăm cậu Bảo, không thì sao lại tới đây?
Tử Quyên thấy cô ta trong lòng mê mẩn, biết ngay là đã nghe con a hoàn kia nói gì rồi, nên chỉ gật đầu mỉm cười mà thôi. Nhưng Tử Quyên lại sợ cô ta khi gặp Bảo Ngọc, một người đã ngây ngây dại dại, một người lại mơ mơ màng màng, nhỡ thốt ra những lời không nhã nhặn thì biết làm thế nào? Bụng tuy nghĩ thế, nhưng cũng không dám trái lời, đành phải dìu cô ta đi vào.
Lúc đó, lại rất lạ, Đại Ngọc không phải yếu đuối như trước nữa. Cũng không cần Tử Quyên vén màn, tự mình vén màn lên. Vào nhà thấy im lặng, Giả mẫu đang ngủ trưa, bọn a hoàn, người thì bỏ đi chơi, người thì ngủ, người thì ở lại chờ hầu Giả mẫu. Tập Nhân nghe tiếng mở màn, ngó ra ngoài xem, thấy Đại Ngọc liền nói:
- Mời cô vào trong này ngồi.
Đại Ngọc cười nói:
- Cậu Bảo ở nhà không?
Tập Nhân không hiểu đầu đuôi, đang định trả lời thì thấy Tử Quyên ở đằng sau vỉu môi ra hiệu, rồi chỉ vào Đại Ngọc và xua tay. Tập Nhân chẳng hiểu ra sao cũng không dám nói.
Đại Ngọc cũng chẳng để ý, cứ đi thẳng vào phòng. Bảo Ngọc đang ngồi đấy, cũng không đứng dậy mời, cứ nhìn Đại Ngọc mà cười hì. Cả hai người chẳng chào hỏi, chẳng nói năng mời mọc gì cả, chỉ có nhìn nhau mà cười một cách ngây ngô.
Tập Nhân thấy tình hình như thế, trong bụng bối rối, nhưng chẳng biết làm thế nào. Bỗng nghe Đại Ngọc hỏi:
- Anh Bảo, anh vì sao mà ốm thế.
Bảo Ngọc cười, nói:
- Tôi vì cô Lâm mà ốm đấy.
Tập Nhân và Tử Quyên đều khiếp sợ thất sắc, vội vàng lựa lời nói lảng. Thế rồi Đại Ngọc và Bảo Ngọc cũng chẳng nói gì cứ ngồi cười ngây ngô như trước. Tập Nhân thấy thế, biết rằng hiện giờ trong bụng Đại Ngọc cũng mê mẩn chẳng khác gì Bảo Ngọc, liền bảo nhỏ với Tử Quyên:
- Cô mới khỏe, để tôi bảo em Thu Văn cùng chị dìu cô về nghỉ thôi.
Rồi chị ta ngoảnh lại bảo Thu Văn:
- Em cùng chị Tử Quyên đưa cô Lâm về, đừng có nói nhảm đấy.
Thu Văn cười, không nói gì rồi cùng Tử Quyên đỡ Đại Ngọc dậy. Đại Ngọc cũng đứng dậy và cứ nhìn Bảo Ngọc vừa cười vừa gật đầu.
Tử Quyên giục:
- Cô về nhà nghỉ thôi.
Đại Ngọc nói:
- Phải đấy, giờ đến lúc ta về đây.
Đại Ngọc nói đến đó, liền quay gót đi ra, vẫn không cần bọn a hoàn dìu dắt, tự mình đi nhanh hơn ngày thường. Tử Quyên và Thu Văn vội vàng chạy theo. Đại Ngọc ra khỏi cửa nhà Giả mẫu, cứ một mực đi thẳng. Tử Quyên vội vàng dìu lại và nói:
- Cô ơi, đi đường này chứ?
Đại Ngọc chỉ cười rồi theo Tử Quyên đi về quán Tiêu Tương.
Khi đã gần đến cửa, Tử Quyên nói:
- A di đà Phật! May đến nhà rồi!
Nói chưa xong thì thấy Đại Ngọc ngã sấp xuống, oẹ một cái, miệng nhổ ra một cục máu tươi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.