Hợp Cẩn

Chương 10: Ngất xỉu




Edit: Nananiwe
Nghỉ trưa xong, Bách Ấu Vũ và Cam Thảo rời khỏi tàng thư các, bước chân vẫn hơi do dự.
Y sợ Thích Tinh vẫn chưa đi.
Hai người xưa không có oán nay không có thù, y bị một câu "Nói năng tùy tiện" kia làm thực sự oan ức. Nhưng y lại không giỏi về việc xung đột với người ta, chỉ thầm nghĩ muốn trốn tránh. Cam Thảo tức giận nói: "Sợ hắn ta làm gì? Đừng nói là cậu và Nghiêm công tử chưa từng vượt quá quy củ, cho dù có là thật đi nữa thì cũng không đến lượt hắn nói linh tinh."
Lời tuy nói vậy, nhưng cuối cùng Bách Ấu Vũ vẫn đợi đến giờ học mới rời khỏi Tàng thư các.
Nhưng đi được một nửa lại nhớ đến Nghiêm Dục Lâm, Bách Ấu Vũ dừng bước lại, thở dài.
"Thiếu gia?" Cam Thảo hỏi.
"Sợ là huynh ấy lại muốn xin lỗi ta." Ngữ khí của Bách Ấu Vũ rất khó hiểu, không nói rõ tên họ: "Lần nào cũng vậy, nhưng ta đã nghe chán rồi. Quả thực là huynh ấy muốn lấy ta, nhưng ta có thể đợi được đến khi nào chứ? So với tới nghe huynh ấy lừa dối thì ở đây yên lặng đọc sách còn hơn."
Cam Thảo vì Bách Ấu Vũ nên mới đi theo, lập tức nói: "Vậy tôi mài mực quạt mát cho cậu."
"Không cần, ngươi đi xin phép phu tử giúp ta, nói là ta cảm thấy không khỏe."
Bách Ấu Vũ xoay người đi luôn, Cam Thảo chạy về phía lớp học. Bách Ấu Vũ chán nản, một chiếc lá trúc rơi xuống đầu vai, y lấy nó xuống, vừa xuất thần vừa đi vào Tàng thư các.
Cửa Tàng thư các là rèm che, những hạt châu được xâu thành chuỗi lay động phát ra tiếng lanh lảnh, nghe rất êm tai. Cửa vào không bị ngăn trở, có thể thấy được tường sách ở bốn phương tám hướng, bên dưới tường sách là bàn gỗ, ở giữa được ngăn cách bởi một tấm bình phong, chỉ nhìn thấy bóng thoáng hiện lên chữ không thấy rõ người.
Có điều người ngồi ở chiếc bàn gỗ đối diện với cửa vào lại bị nhìn thấy rõ ràng không sót cái gì.
Vừa mới đi khỏi, tất nhiên là hiện giờ chỗ đó không có ai, bởi vì đó là chỗ vừa nãy Bách Ấu Vũ ngồi.
Nhưng hiện tại, nơi ấy có một bạn cùng trường mặc áo màu xanh đang cúi đầu đọc cuốn sách mà ban nãy y mới đọc. Dáng người khá cao, dáng vẻ bất phàm, đúng là Thích Tinh.
Sắc mặt Bách Ấu Vũ thay đổi không ngừng, thạm chí còn bất giác lui về phía sau vài bước, có cảm giác hoang đường như gặp ma quỷ. Y vốn định quay đầu bước đi, nhưng nghĩ lại một lát, sao mình lại giống như đang chạy trối chết vậy chứ?
Chẳng qua là vài câu trêu đùa thôi, y như vậy chẳng phải thừa nhận bốn chữ "Nói năng tùy tiện" là thật sao?
Vì thế lại căng da đầu, tìm một chỗ cách hơi xa rồi ngồi xuống.
Sau khi ngồi xuống mới nhớ ra là chưa lấy sách, Bách Ấu Vũ luống cuống tay chân, lúc này Thích Tinh ngẩng đầu, lơ đãng nhìn y một cái.
Một cái liếc mắt ấy làm Bách Ấu Vũ nhìn rõ bộ dáng của hắn: Sắc mặt tái nhợt, tuy là tuấn mỹ nhưng dường như mặt cắt không còn giọt máu, thần sắc lạnh nhạt hình như không quá vui vẻ, môi mím chặt, mặt mày tràn đầy rầu rĩ không vui.
Bách Ấu Vũ lập tức thu hồi ánh mắt, trong lòng không yên ổn.
Trong không gian yên tĩnh, Thích Tinh buông sách, cụp mắt nhàn nhạt nói: "Về bài "Trịnh bá khắc Đoạn vu Yên"* này, thầy đánh giá Trịnh Trang Công giỏi về tâm kế, âm hiểm độc ác, cậu lại giải thích bên cạnh là Trịnh Trang Công bình tĩnh cơ trí, tại sao lại vậy?"
Bách Ấu Vũ sợ Thích Tinh sẽ châm chọc mình nhỏ nhen, cắn môi nói: "Không tại sao cả, ta chỉ muốn viết như vậy thôi."
Dường như Thích Tinh hơi ngẩn ra.
Bách Ấu Vũ mất tự nhiên đứng dậy muốn chạy, Thích Tinh cũng cùng đứng lên, khi Bách Ấu Vũ chuẩn bị vén rèm lên thì Thích Tinh chợt gọi y lại: "Khoan đã."
Bách Ấu Vũ dừng lại nhưng không quay đầu.
"Vừa rồi là ta mạo phạm." Sắc mặt Thích Tinh trắng bệch như tờ giấy, nhẹ giọng ho khan: "... Xin thứ lỗi."
Bách Ấu Vũ nghe giọng Thích Tinh không đúng lắm, rối rắm một lát vẫn xoay người nhìn hắn. Vừa quay người lại đã thấy Thích Tinh loạng choạng, cổ tay áo màu xanh lại nhiễm màu đỏ tươi chói mắt, nhất thời sợ hãi nhìn thẳng hắn, thấy đồng tử Thích Tinh tan rã vội vàng chạy lại.
Nhưng mà vẫn chậm một bước, Thích Tinh khó khăn ngã vào trên người y, thần chí hoàng hốt.
Bách Ấu Vũ sờ được một tay đầy máu.
Tác giả có lời muốn nói:
Thấy một chương về Tàng thư các thế nào?
Ngoài ra xin đừng xoắn xuýt về hành vi viết lên sách công cộng. Người ta là quý tộc mà, muốn làm gì thì làm cái đó!
- ---------
* Trịnh bá khắc Đoạn vu Yên (郑伯克段于鄢): Là một tác phẩm của nhà sử học Tả Khâu Minh viết vào thời kỳ Xuân Thu.
Dịch tên: Vua Trịnh đánh bại Đoạn ở đất Yên
Tóm tắt:《Trịnh bá khắc Đoạn vu Yên》là câu chuyện nổi tiếng trong《Xuân Thu Tả thị truyện》.
Thời Xuân Thu, hoàng tộc nhà Chu dần dần suy bại, các nước chư hầu bắt đầu chiến tranh thôn tính lẫn nhau, cuộc chiến tranh giành quyền thế giữa những người thống trị của các quốc gia cũng tăng lên. Vì tranh đoạt vương vị, cốt nhục chí thân cũng trở thành kẻ thù sinh tử.
Năm 722 trước Công Nguyên, Trịnh Trang Công và em trai ruột cùng một mẹ của mình là Cộng Thúc Đoạn vì đoạt ngôi quân chủ mà tiến hành một hồi đấu tranh ngươi chết ta sống.
Trịnh Trang Công tính kế, cố ý dung túng em trai Cộng Thúc Đoạn và mẹ mình là Võ Khương, khiến em trai trở nên kiêu căng, muốn đoạt ngôi vị quốc quân, Trang Công lấy danh nghĩa này để thảo phạt Cộng Thúc Đoạn.
Trang Công oán trách mẹ mình bất công, đưa mẫu thân đến đất Dĩnh. Sau đó chính mình cũng hối hận, lại có Dĩnh Khảo Thúc khuyên nhủ, mẫu tử lại hòa hảo trở lại.
Chi tiết điển cố:
Thời xưa, Trịnh Võ Công cưới người vợ tên là Võ Khương. (Võ Khương không phải họ tên thật, Võ là thụy hào của chồng, Khương là họ nhà mẹ, nên còn gọi là Khương thị).
Bà sinh ra Trịnh Trang Công và Cộng Thúc Đoạn. Trang Công lúc sinh ra bị khó sinh, chân ra trước, làm Võ Khương bị đau đớn và kinh hách, bởi vậy đặt tên cho ông là "Ngụ Sinh", cũng rất ghét ông. (Ngụ Sinh nghĩa là khó sinh, sinh ngược). Võ Khương thiên vị Cộng Thúc Đoạn, nhiều lần xin Võ Công lập Cộng Thúc Đoạn làm thế tử, nhưng Võ Công không chịu.
Đến khi Trang Công kế vị, Võ Khương lại thay Cộng Thúc Đoạn thỉnh cầu phong hắn đến Chế Ấp. Nhưng Trang Công nói Chế Ấp hiểm yếu, dễ chết ở nơi đó, nếu chọn nơi khác thì ông sẽ làm theo. Võ Khương liền xin Kinh Ấp. Trang Công đồng ý, phong Đoạn làm Kinh thành Thái thúc. (thành tên Kinh, theo tên ấp chứ không phải là chỉ kinh thành).
Đại phu Tế Trọng nói, thành ấp phân phong không hợp quy chế, sẽ trở thành tai họa cho quốc gia. Trang Công trả lời, Khương thị muốn như vậy, ta làm sao tránh đây? Tế Trọng lại nói: Khương thị có biết thỏa mãn bao giờ đâu? Tai họa phải sớm xử trí trước khi nó lan tràn. Cỏ dại còn khó nhổ sạch, huống chi là em trai được sủng ái của ngài? Trang Công nói: Làm nhiều việc bất nghĩa, tự nhiên chính mình diệt vong, ngươi chờ xem đi.
Qua không lâu, Đoạn gom các biên ấp ở tây và bắc nước Trịnh về dưới trướng mình. Công tử Lữ mấy lần khuyên Trang Công hành động, Trang Công vẫn nói, hắn sẽ tự tìm đường chết.
Cộng Thúc Đoạn tu sửa thành quách, chiêu mộ bá tánh, chuẩn bị vũ khí, muốn đánh lén Trịnh Quốc. Võ Khương tính toán mở cửa thành làm nội ứng. Trang Công nghe được tin, nói: "Có thể xuất kích!". Sau đó phái người đi thảo phạt Kinh Ấp. Người dân Kinh Ấp phản bội Cộng Thúc Đoạn, hắn đành phải chạy tới Yên thành. Trang Công lại đuổi tới Yên thành thảo phạt hắn. Ngày hai mươi ba tháng năm, Đoạn chạy trốn tới Cộng Quốc.
《 Xuân Thu 》 ghi lại nói: "Trịnh bá khắc Đoạn vu Yên." Ý là Cộng Thúc Đoạn không tuân thủ bổn phận làm đệ đệ, cho nên không nói hắn là đệ đệ của Trang Công; hai anh em tranh đấu giống như hai quốc quân, cho nên dùng chữ "khắc"; xưng Trang Công làm "Trịnh bá", là châm chọc ông cố tình không dạy dỗ em mình; đuổi đi Cộng Thúc Đoạn là xuất phát từ bổn ý của Trịnh Trang Công, không viết Cộng Thúc Đoạn tự động bỏ trốn, là do sử quan lúc hạ bút có chỗ khó xử.
Trang Công an trí Võ Khương ở thành Dĩnh. Hơn nữa thề nói: "Không đến hoàng tuyền, không gặp mặt!"
Sau, có người tên Dĩnh Khảo Thúc dâng cống phẩm cho Trang Công, được ban cơm. Nhưng hắn chỉ ăn cơm, không ăn thịt, Trang Công hỏi tại sao, hắn đáp: Tiểu nhân có mẹ già, chưa từng ăn qua thịt quân vương ban cho, xin cho thần mang về cho mẹ ăn. Trang Công thở dài: Ngươi có mẹ để hiếu kính, ta lại không có. Dĩnh Khảo Thúc hỏi: Sao ngài lại nói vậy? Trang Công kể cho hắn nguyên nhân, còn nói mình đã hối hận. Dĩnh nói: Có gì phải lo, chỉ cần đào một địa đạo, gặp nhau nơi đó, ai có thể nói ngài vi phạm lời thề? Trang Công làm theo, mẹ con hai người gặp mặt và "khôi phục quan hệ mẹ con như xưa".
Có người nói kết cục này là trò hề, vì quan hệ của hai mẹ con Khương thị - Trang Công trước kia cũng không tốt đẹp gì. Từ khi mới sinh ra đã chán ghét, cho tới tranh đấu chém giết giành quyền vị, còn có thể không hề khúc mắc mà cộng hưởng thiên luân? "Khôi phục quan hệ như xưa", chỉ câu này thôi đã bao hàm nhiều thâm ý.
Thật ra đứng từ góc độ khác mà phân tích, những hành động của Trang Công có thể nói là bản tính giả nhân giả nghĩa được vá một lớp áo ngoài mà thôi. Ngay từ đầu là cố tình dung túng, lạt mềm buộc chặt, dụ dỗ Cộng Thúc Đoạn sinh ra dã tâm, chờ em trai phạm tội thì đứng trên đạo nghĩa mà thảo phạt. Sau này vì muốn cứu vớt thanh danh về hiếu đạo nên ông mới vui vẻ tiếp thu sự "cảm hóa" của Dĩnh Khảo Thúc, nhân cơ hội tìm bậc thang xuống ngựa. Hình dung Trịnh Trang Công chỉ có một câu, đa mưu túc trí, âm hiểm giảo hoạt.
Câu "Trịnh bá khắc Đoạn vu Yên" này thường được dùng như một thành ngữ chỉ sự đấu đá của anh em trong nhà, sự tranh giành quyền vị, hoặc được nêu ra làm ví dụ để cảnh tỉnh người nghe đừng bước vào vết xe đổ của Cộng Thúc Đoạn.
(Nguồn: web Dichtienghoa http://dichtienghoa.com/blog/thanh-ngu/trinh-ba-khac-oan-vu-yen)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.