Hữu Phỉ

Chương 64: Lời đồn




Bất kể giận cỡ nào, một khi Chu Phỉ chìm đắm trong thế giới của riêng mình, nàng đều sẽ dần dần bình ổn lại, chỉ cần không phải thâm thù đại hận, bình thường cơn giận của nàng luôn là tới nhanh đi cũng nhanh.
Phá Tuyết Đao không hổ là “đao của tông sư”, mặt trăng còn chưa lên, nó đã giáo dục nàng từ một nha đầu nhãi nhép chưa đầy sáu tuổi thành người lớn hiểu chuyện.
“Người lớn hiểu chuyện” đứng dậy dạo trong phòng hai bước, tự mình kiểm điểm chốc lát, cảm thấy Tạ Doãn hờn dỗi dĩ nhiên vô cùng buồn cười nhưng mình tích cực ăn miếng trả miếng với hắn cũng là ăn no bánh mì tạp rửng mỡ.
Chu Phỉ ló đầu nhìn, thấy dưới lầu còn lác đác vài vị khách, tiểu nhị đã ngáp liên tục, bưng cho Tạ Doãn một ấm rượu đục rồi ở bên cạnh uể oải lau bàn.
Đôi phu thê hát khúc kể chuyện kia ngồi cô đơn ở đó, giọng nữ nhân đã khàn, nam nhân mù khảy dây đàn hơi ẩm, tiếng đàn vang vọng trong đại sảnh vắng vẻ, ngược lại có chút ý thê lương xinh đẹp.
Tạ Doãn không biết lấy từ đâu ra một ngọn đèn dầu nhỏ đặt bên tay soi sáng giấy bút cũ phủ kín bàn, hắn viết một lát liền đờ người một lát, thỉnh thoảng bưng chén rượu đục lên nhấp một ngụm, áo xanh tiêu điều hơi có chút cô liêu.
Chu Phỉ rón rén bước qua, thấy hắn đang viết một đoạn ca từ trong tiếng đàn hát đứt quãng của đôi phu thê hát rong, nàng liền ngồi bên cạnh, chống cằm nhìn. Phần đầu đã bị chặn giấy đè lại, Chu Phỉ chỉ nhìn thấy một câu: “...Gặp bên cầu đá cũ đầy sương, Người hỡi đi xa sao chẳng về?”
Tạ Doãn ngừng bút, nhìn nàng, tiếp đó lại hờ hững buông mí mắt.
Chu Phỉ tự lấy một cái chén không, rót từ ấm rượu của Tạ Doãn ra một chén rượu nhỏ, uống mấy hớp là xong, nện chén xuống, cảm thấy rượu này nhạt đến mức quả thực không nếm ra vị gì___nàng không quá bất ngờ, Tạ Doãn nhìn như tùy tiện tự nhiên, kỳ thực có quy tắc nhất định của bản thân, sẽ không vô duyên vô cớ làm ra chuyện uống ừng ực rượu mạnh rồi say như chết.
Chu Phỉ duỗi ra hai ngón tay, kẹp lấy cán bút Tạ Doãn.
Cán bút cũ đã có ít năm tháng dừng giữa không trung, mực trên ngòi bút nhúng hơi nhiều, bỗng rơi xuống một giọt. Tay Chu Phỉ càng nhanh hơn, trong nháy mắt đã cầm chén rượu không đưa qua, gọn gàng hứng trọn chấm đen tròn trịa ấy.
Tạ Doãn:
- ...
Chu Phỉ biết miệng mình nói nhiều sai nhiều, bèn cười với hắn.
Gương mặt nàng phần lớn thời gian đều mang vẻ lạnh nhạt của hiệp khách độc hành, song ỷ mình là tiểu cô nương trẻ tuổi xinh đẹp, thỉnh thoảng nàng tỏ ra ngoan ngoãn một lần lại không hề có vẻ cứng nhắc, khiến người khác nhìn không thể giận được.
Chu Phỉ hỏi:
- Ngươi đang viết gì đấy?
Tạ Doãn vừa có chút buồn bực vì sự không tiền đồ của mình, vừa rút cán bút về, phản ứng chẳng mấy tốt với nàng:
- Điệu hát sợ chết.
Chu Phỉ thấy hắn mở miệng bèn vội xuôi theo:
- Tạ đại ca, ta sai rồi.
Tạ Doãn nhìn nàng.
Chu Phỉ âm thầm vận khí, nhớ Lý Thịnh hồi nhỏ đấu võ thua nàng luôn tự về khóc một trận, hôm sau lại như chẳng có chuyện gì xảy ra, đâu cần ai dỗ? Trong lòng nàng nghĩ vậy, ngoài mặt liền có chút oán giận “ngươi phiền quá”, nàng nghĩ nát óc một lát mới ấp úng nói:
- Khi, khi đó ở Hành Sơn, ta nói sai rồi, kỳ thực ta không nghĩ vậy đâu.
Nhưng ta tuyệt đối không làm sai nhé.
Tạ Doãn đặt cán bút bên cạnh, than thở:
- Ta dùng mũi cũng nhìn ra được cô không có thành ý.
Còn muốn sao đây?
Chút nóng giận của Chu Phỉ được Phá Tuyết Đao giáo dục đè xuống giờ lại có xu hướng bùng lên.
May mà Tạ Doãn không “được voi đòi tiên”, hắn lườm nàng một cái rồi nghiêm mặt nói:
- Cô nương, cô là hậu nhân danh môn, không thể luôn bắt nạt thư sinh thật thà chất phác yếu đuối như ta được.
Chu Phỉ thấy hắn lại bắt đầu không biết xấu hổ nói bậy nói bạ thì biết Tạ Doãn đã hết giận, lập tức thở phào nhẹ nhõm, khóe mắt cong cong, đánh nhẹ hều lên mặt mình một cái:
- Phải, ta đúng là không có tiền đồ, đánh một cái giúp ngươi nè__ngươi đang viết gì thế?
- Hí khúc mới.
Tạ Doãn nói, ngọn lửa đèn dầu bên cạnh đong đưa, mắt hắn ánh lên một tầng sáng nhạt:
- Kể chuyện về một đào binh.
Chu Phỉ không hiểu lắm nghe hí khúc có lạc thú gì, độc thoại thì nàng thỉnh thoảng còn có thể nghe hiểu được vài đoạn, nhưng mấy làn điệu là hoàn toàn dốt đặc, ca từ dù hay đến mấy đến miệng người hát đều biến thành “ê ê a a”, căn bản không biết đang gào rống cái gì.
Kể chuyện anh hùng còn được chứ chuyện “đào binh” thì kể quái gì, Chu Phỉ nhàm chán dùng đế giày cọ một góc bàn gỗ, hỏi:
- Đào binh có gì hay mà kể?
Tạ Doãn không ngẩng đầu, nhanh chóng viết mấy dòng chữ, hờ hững trả lời:
- Anh hùng có gì hay mà kể? Một người nếu đã thành đại anh hùng vang danh thiên hạ thì người đó chắc chắn có một phần không còn là người nữa, mọi người đều mờ mắt, chỉ hiểu biết nửa vời mà ca tụng, không ai hiểu hắn, liệu hắn có cô đơn? Hơn nữa, ai cũng biết ca tụng, từ xưa tới nay chỉ có mấy câu đó sớm đã thành lối mòn rồi, viết rất nhàm, lúc trà dư tửu hậu, không bằng tán dóc về một câu chuyện tham sống sợ chết.
Chu Phỉ:
- ...Ngươi đang móc mỉa ta à?
Tạ Doãn cười trầm thấp, Chu Phỉ đạp hắn một cú dưới bàn.
- Ê ê, đá ta thì được chứ đừng hất bàn.
Tạ Doãn cẩn thận bảo vệ đống bản thảo lung tung của hắn.
Chu Phỉ kéo một tờ giấy qua nhìn, ngắc ngứ đọc:
- Yến tước về quay...
Tạ Doãn:
- Nè, là quay về, mắt cô tự biết nhảy chữ à?
- Ừm____quay về chốn cố hương, vợ hiền trông ngóng xiết... xiết bao thương, tự nhủ lòng mang dao... ẹ, không đúng, đao vạn cổ, ai người để ý chút... tình vương?
Sau khi Chu Phỉ đọc hai hàng thì bị Tạ Doãn giật lại, vo tờ giấy đó thành một cục, ném vào cái chén không:
- Cô nãi nãi tha cho ta đi, cô đọc lên làm ta thấy ta phải viết lại mất.
Chu Phỉ vốn không có năng khiếu ngâm gió ngợi trăng gì cả nên không để bụng, hỏi:
- Ý ngươi là kẻ đào binh tham sống sợ chết này lòng mang đao vạn cổ?
- Lúc chưa trốn, hắn cảm thấy mình là một anh hùng đội trời đạp đất, nhất định có thể áo gấm về làng, nở mày nở mặt cưới nữ tử mình thầm thương trộm nhớ. Kết quả sau đó hắn phát hiện triều đình không cần hắn đội trời, cũng không cần hắn đạp đất, càng không xem hắn là người, hắn chỉ là một mồi nhử sống dụ địch thâm nhập, hắn chết là nhiệm vụ hoàn thành, thế nên hắn trốn, tiếc rằng dọc đường hiểm trở chất chồng, trốn về quê hương cũng không thể gặp được nữ tử trong lòng.
Chu Phỉ hỏi:
- Tại sao?
Mắt Tạ Doãn đảo đảo, chăm chú nhìn nàng một lát, như cười như không nói:
- Vì nữ tử đó là một rong tinh, đã cưỡi cá chép bơi đi rồi.
Hắn nói xong thì hơi hối hận vì có chút đường đột. Tiếc rằng Chu Phỉ không nghe ra, lộ vẻ mặt ngạc nhiên đơn thuần, chân thành bình luận:
- Lung tung xà ngầu gì thế?
Tạ Doãn không rõ là mất mát hay vui mừng, lặng lẽ thở dài, thu hồi ánh mắt, lười nhác nói:
- Cô đừng quan tâm, dù sao có thể bán lấy tiền là được. Chúng ta muốn đi Thục Trung phải đi dọc theo địa giới Nam triều, từ Hành Dương đi vòng qua mấy ngàn dặm, không phải trong thời gian ngắn là xong___cô biết cách liên hệ với trạm ngầm của trại không?
Chu Phỉ không chút khái niệm.
Tạ Doãn nhướng mày nói:
- Nhìn đi, chúng ta ngay cả một chỗ để moi tiền cũng không có, tốt xấu gì ta phải vừa đi vừa tích góp lộ phí, đây không phải giấy trắng mực đen mà là bạc đấy. Nói cho cô biết, điều huynh đây biết là buôn bán kiếm tiền, học hỏi nhé, người sống ở trên đời, mặc y phục và ăn cơm mới là đại sự to nhất, chỉ biết múa đao múa thương thì có ích gì?
Chu Phỉ không quản lý gia đình không biết củi gạo quý, nghe “kinh nghiệm sống” này thì giật mình:
- Ngươi còn nhọc lòng cái này? Không phải ngươi là vương gia sao, không có bổng lộc à?
Tạ Doãn cười nói:
- Cô biết bổng lộc là gì không?
Chu Phỉ lại giơ ngang một cước, Tạ Doãn giống như sớm đoán được, nhanh chóng co chân tránh, rung đùi đắc ý nói:
- Ăn lộc của vua phải trung thành với vua, ta ăn cơm của tiểu thúc ta thì phải nghe ông ấy sai phái, ngoan ngoãn về Kim Lăng làm linh vật.
Chu Phỉ hỏi:
- Tại sao ngươi không chịu về nhà?
Nàng không nói “về”, không nói “đi Kim Lăng” mà nói “về nhà”, đây là một từ vừa ấm áp vừa tinh tế, vì trong đầu Chu Phỉ, trên đời luôn có một nơi như vậy, có lẽ không mấy thoải mái, không mấy phồn hoa nhưng là một kết thúc cho hết thảy những lang thang nơi đất khách quê người.
Tạ Doãn sững sờ chốc lát, nhẹ nhàng nở nụ cười:
- Về nhà? Kim Lăng không phải nhà ta, nhà ta ở cố đô.
Trì độn như Chu Phỉ cũng cảm nhận được trong nụ cười này của hắn chứa không ít thứ khác, nhưng chưa đợi nàng nghĩ kỹ, Tạ Doãn liền có chút gượng gạo dời đề tài, hỏi:
- Tại sao cô lại muốn về... nhà?
Nhắc tới việc này, Chu Phỉ liền hơi xấu hổ, có điều sự thực chính là sự thực, nàng ăn ngay nói thật:
- Võ công của ta không đến nơi đến chốn, phải về luyện thêm.
Vẻ mặt Tạ Doãn tức khắc trở nên vô cùng quái gở.
Chu Phỉ:
- Sao thế?
Tạ Doãn chấm chút rượu, vẽ lên bàn một ngọn núi nhỏ, ở chỗ gần đỉnh núi lại vẽ thêm một đường, nói:
- Nếu nói cao thủ cũng chia làm cửu lưu, vậy cô chặn được Trịnh La Sinh trong đường hẹp, giết được người của hắn ta, quẹt bị thương được lòng bàn tay hắn ta mà còn có thể toàn thân thoái lui... tuy có chút hời do đối phương khinh địch nhưng cô ngay cả một binh khí tiện tay cũng không có mà có thể làm đến bước này chứng minh công lực của cô hiện nay đã đủ để bước vào hàng nhị lưu. Có điều vận khí của “nhị lưu” cô thực quá kém, khắp thiên hạ đầy lâu la cô không đụng phải lại đụng phải toàn đại nhân vật khiến người ta nghe tiếng đã sợ vỡ mật nên có chút chật vật.
Chu Phỉ nghe lời ca ngợi này, không hề để bụng, hơi không đồng ý, nghĩ: “Một thư sinh viết tiểu khúc như ngươi biết hát là được rồi, sao còn lái lung tung làm gì.”
Tạ Doãn chổng ngược bút lông, chấm cán bút hơi rạn nứt vào rượu vẽ lên bàn, nói:
- Nhưng cô cũng không cần dương dương tự đắc, việc này như leo núi vậy, hết lớp này còn lớp khác, trên đời không thiếu cao thủ nhất lưu, chẳng hạn như một số tiền bối danh môn... chẳng hạn như, đại khái là kiểu đạo trưởng Tề môn, bảo chủ của Hoắc gia bảo, họ trên cả nhất lưu, là cao thủ hàng đỉnh hiếm có, bất kể danh tiếng thế nào, chỉ cần nói ra thì võ lâm nam bắc đều như sấm bên tai.
Chu Phỉ nghe tới đây thì có chút hứng thú, vì đây không thuộc về đánh giá kỹ thuật võ thuật mà thuộc về tin lạ tin hay, ở phương diện này, trong những người nàng biết chẳng ai vượt qua Tạ Doãn, bèn truy hỏi:
- Cao thủ hàng đỉnh là người như Bắc Đẩu, tứ thánh sao?
Tạ Doãn “ồ” lên, nhướng mày nói:
- Mộc Tiểu Kiều tính, Trịnh La Sinh không tính, Thẩm Thiên Khu tính, còn Cừu Thiên Cơ e là không đủ trình____sở dĩ Trịnh La Sinh đứng đầu trong tứ thánh là vì hắn ta có một đám chân chó biết đánh biết giết, hơn nữa tâm cơ thâm trầm, thủ đoạn tầng tầng lớp lớp, loại người này vô cùng nguy hiểm, hơi không cẩn thận là có thể lấy mạng cô ngay, nhưng nếu nói hắn ta là cao thủ hàng đỉnh thì sợ là không cần người khác, ba người kia trong tứ thánh cũng phải khịt mũi coi thường.
Chu Phỉ bất giác nghe lọt tai.
Tạ Doãn lại nói:
- Trên cả cao thủ hàng đỉnh là nhân vật cấp tông sư, cô biết sự khác biệt giữa hai người này là gì không?
Chu Phỉ hỏi tiếp:
- Là gì?
Tạ Doãn thấy nàng hơi nghiêng về trước thì tính cách đê tiện trong lòng lại không kiềm được mà rục rịch trỗi dậy, hắn cố ý thong thả rót cho mình chén rượu, đến khi tay Chu Phỉ đã bắt đầu ngứa, hắn mới lề mà lề mề nói:
- Sự khác biệt giữa hai người này là, cao thủ hàng đỉnh thời nào cũng có nhưng nhân vật cấp tông sư thì chưa chắc.
...
- Đôi sư huynh muội Khô Vinh thủ kiếm tẩu thiên phong (1), không chính không tà, hơn nữa hai người chia nhau một bộ tuyệt học, còn kém một tầng, Bắc đao Quan Phong quy ẩn sớm, để lại một đồ đệ chưa thành danh đã ngã xuống, cũng kém một tầng. Nhưng Sơn Xuyên kiếm là chí tôn không miện của võ lâm, Nam đao khai tông lập phái, tu bổ tuyệt học, hai người này có thể xưng là nhất đại tông sư hàng thật giá thật. Hai mươi năm trước, võ lâm Trung Nguyên nhân tài lớp lớp, chính là thời cực thịnh, bao nhiêu tuyệt học tái hiện nhân gian, bao nhiêu chuyện hay đến bây giờ vẫn khiến người ta say sưa kể lại___
(1) Kiếm tẩu thiên phong: một lời bình về kiếm pháp, nghĩa rộng để chỉ không hành động theo lẽ thường.
Chu Phỉ bị dăm ba câu nói của hắn làm toàn thân nổi da gà.
Cán bút trong tay Tạ Doãn thình lình quẹt lên bàn, ngọn núi nhỏ hơi khô bị hắn tô thành một cục, lời nói chợt xoay chuyển:
- Nhưng thời đại tinh tú rực rỡ ấy quá đoản mệnh, chỉ trong thời gian một cơn gió thổi qua, Sơn Xuyên kiếm và Nam đao trước sau qua đời, Khô Vinh thủ mất tích, Bắc đao cất đao, dù có hậu nhân như lệnh đường nhưng cũng mệt mỏi vì những công việc vặt phức tạp trong 48 trại gió mưa vô định, mấy năm nay không có tiến bộ gì, sau này muốn tiến thêm về trước e là không dễ. Thẩm Thiên Khu cực kỳ tàn bạo tập kích Hoắc gia bảo, tâm muốn nuốt lấy kỳ công thiên hạ quá rõ ràng, cũng vì muốn tiến thêm một tầng____tiếc rằng, có thể nghĩ ra chủ ý tệ hại và thủ đoạn dơ bẩn này thì ta thấy vẫn nên dẹp ông ta đi.
Tay hắn buông ra, mặc cho cán bút rạn nứt ngã trên bàn, “cạch” một tiếng.
Tâm Chu Phỉ nhảy theo.
Tạ Doãn nhỏ giọng nói:
- Đạo tặc cướp nước, Kim Lăng thất thủ. Núi cao đổ nát, trải qua vận hạn quốc gia tồn vong, xuân thu thay đổi, ắt có nỗi bi ai xa xứ (1)... Cô nói xem, là thiên ý hay do người làm?
(2) Trích “Ai Giang Nam phú” của Dữu Tín.
Lúc này, tiếng đàn của người mù vừa vặn ngừng chốc lát, giọng Tạ Doãn cũng ngừng lại theo, ánh mắt hắn xoay chuyển, dường như trong khoảnh khắc đã bước khỏi những lướt qua cổ kim ban nãy, hắn lấy trong ngực ra một đồng tiền lẻ đưa cho Chu Phỉ, nói:
- Ta thấy hai vị kia sắp dọn nghỉ rồi, giúp ta tiễn họ một đoạn đi.
Chu Phỉ khó khăn lắm mới hoàn hồn, buồn bực nói:
- Không phải ngươi than mình bần cùng nghèo khó phải viết tiểu khúc sao? Còn trọng nghĩa khinh tài cơ à?
Tạ Doãn khoát tay nói:
- Vật ngoài thân, kế tạm thời, không thể không có nhưng không quan trọng đến vậy, không quý như duyên phận hồng trần tương ngộ, cầm đi.
Chu Phỉ bị giọng nói thê lương dính vào mặt, ý thức được Tạ Doãn đích xác là tác giả thoại bản tiểu khúc xứng chức, nàng cầm tiền lẻ, lại rót một ly trà bưng qua cho ca nữ hát khàn giọng, nói:
- Tỷ tỷ, nghỉ một lát đi.
Ca nữ vội đứng dậy đa tạ, rất câu nệ nhận lấy đồng tiền nàng đưa tới, nhỏ giọng nói:
- Nếu cô nương thưởng thì hãy gọi một khúc.
Chu Phỉ không ngờ cho tiền vẫn chưa xong, lập tức sầu não.
Đừng nói là khúc, ngay cả sơn ca nàng còn chưa nghe được mấy bài, ca nữ bị hủy dung kia vẻ mặt sầu khổ, hát gì cũng thê lương quằn quại, thực không phải thú tiêu khiển tốt vào đêm khuya, nàng đang cân nhắc xem nói thế nào mới không khiến người ta nhận ra mình không thích nghe thì Tạ Doãn đã thu bút mực đi tới, chõ mồm vào:
- Tiểu hài tử không nghe ra hay dở đâu, phu nhân không cần phí giọng với cô ấy, kể một câu chuyện náo nhiệt dỗ cô ấy ngủ sớm là được.
Chu Phỉ:
- ...
Nàng nhận ra hình như chẳng biết từ lúc nào nàng lại đắc tội Tạ Doãn thêm lần nữa rồi, bởi vì câu này nghe rất châm biếm.
Ca nữ kia thấy họ khách sao như vậy, hơi được chiều mà sợ, nghĩ nghĩ rồi ép giọng, nói:
- Nếu vậy, tôi xin kể chư vị nghe một chuyện thời sự, là lời đồn đãi, chưa chắc là thật, mong thu được nụ cười cho chư vị___gần đây nghe nói tại chỗ giao giới Nam Bắc đã xảy ra mấy chuyện lớn, xuất hiện một nhân vật rất lợi hại.
Bọn Chu Phỉ chính là từ chỗ giao giới Nam Bắc đi tới, nghe lời mở đầu này thì vô cùng có cảm giác, tức khắc nổi lên hứng thú, nàng bưng một chén rượu, từ từ uống, chăm chú nghe.
- Nghe nói nhân vật này là một nữ hiệp, ẩn cư nơi thâm sơn, đã luyện được thần công tại thế, vừa lộ diện là vô cùng lợi hại.
Chu Phỉ vừa nghe vừa nghĩ: “Nữ hiệp, lợi hại, còn ở gần giao giới Nam Bắc... không phải nói Đoàn Cửu Nương chứ?”
Giọng ca nữ kia tuy nhỏ nhưng khiến người nghe mê mẩn, tiếp tục nói:
- ...Cô ấy vừa xuất quan đã gặp phải bảy con chó Bắc Đẩu tấn công Hoắc gia bảo, bao vây thành Hoa Dung, lúc đó dân chúng trong thành bàng hoàng hoảng hốt, vị nữ hiệp đó dựa vào sức của một mình mình chống lại Bắc Đẩu, giết Lộc Tồn, mở ra một con đường máu mà không mất một sợi lông, nhẹ nhàng rời đi, sau đó ngàn dặm độc hành chạy tới Hành Sơn, bênh vực kẻ yếu trong khách điếm, trùng hợp dẫn ra đại ma đầu Thanh Long chúa, chặn giết hắn ta dưới chân Hành Sơn, người người thống khoái___mọi người nói xem cô ấy là hậu nhân của ai?
Chu Phỉ bị sặc rượu vào khí quản, ho chết đi sống lại.
Ca nữ còn tưởng là Chu Phỉ nghe kể chuyện quá nhập tâm, bèn cười nói:
- Nghe nói vị nữ hiệp này là hậu nhân của Nam đao, hai mươi năm, Phá Tuyết Đao lại tái hiện giang hồ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.