Ngoại truyện 5: Những ngày vụn vặt của tuổi già
1
[Trần Thư Ninh]
Tôi lấy được bằng lái vào năm bốn mươi tuổi, bừng bừng phấn chấn muốn đưa Đường Phong Hành đi chơi đón sinh nhật lần thứ bốn mươi. Sinh nhật của anh vào mùa xuân tháng tư, tính theo năm thì anh ấy lớn hơn tôi tám tháng, ngày ngày ấm áp cỏ dài oanh bay, gọi anh ấy là anh trai thì cũng đúng thôi. Hẹn hò sinh nhật sau khi tan làm là việc tự nhiên như nước chảy mây trôi, ăn tối rồi xem phim, sau khi ra khỏi rạp chiếu phim, tôi muốn cùng Đường Phong Hành làm một điều gì đó khác biệt.
"Chúng mình đi biển đi, chỗ này chỉ cách biển một giờ đi đường thôi, đến đó uống bia ăn bánh ngọt, anh thấy thế nào?"
Đường Phong Hành đi ra sau gõ đầu tôi một cái: "Nghĩ đi là đi luôn được đấy, em không mang áo khoác, ra biển rồi bị ốm thì sao?"
Người vừa khỏi sau ba ngày cảm cúm là tôi nói dõng dạc: "Hệ miễn dịch mạnh hơn sau mỗi lần ốm vì càng ngày càng có nhiều tế bào định vị được virus hơn mà, sẽ không dễ ốm vậy nữa đâu."
Anh nhéo nhéo má tôi: "Đã bốn mươi rồi mà vẫn còn tin mấy bài báo rởm về sức khỏe trên wechat, sao em không coi cái gì tốt đi hả."
"Này, anh nói vậy không có hay đâu nhá, lời này nghe phiến diện ghê ấy. Anh không cảm thấy một ngày sinh nhật như thế này là quá bình thường à, chẳng có kỷ niệm đặc biệt nào hết."
"Đi biển rồi ốm là có thể khắc sâu kỷ niệm hả? Mà cũng có thể lắm, lo lắng đến mức để lại ấn tượng sâu sắc luôn."
"Không phải," Tôi ghé sát anh rồi cố ý liếm lên vành tai, "Em cảm thấy đêm khuya làm tình bên bờ biển sẽ để lại ấn tượng sâu sắc đó. Trong xe có máy sưởi, anh ôm em thì chắc chắn sẽ không bị cảm đâu."
Vành tai của Đường Phong Hành lập tức đỏ ửng lên, tôi nắm tay anh đong đưa đong đưa: "Được không, tặng anh một món quà đặc biệt?"
Đường Phong Hành nghe xong thì cần cổ cũng đỏ, do dự gật đầu rồi dẫn tôi đi mua mấy chai bia SNOW, một cái bánh ngọt và ba mươi xiên thịt nướng. Kết quả là đến khi đi qua một biển hiệu trên đường lần thứ hai, Đường Phong Hành vừa cười vừa hỏi tôi: "Xe đỗ ở đâu thế, A Ninh?"
"Ờm... Hình như là ở bên kia."
"Chúng mình vừa mới đi từ bên kia qua đây đấy."
Tôi xách túi nilon, mấy chai bia đụng vào nhau lách cách, tay còn lại để trong túi áo nắm chặt, cố chấp nói: "Em nhớ là đỗ ở đây mà."
Đường Phong Hành đứng cười khúc khích ở giữa ngã tư phố đi bộ: "Hiểu rồi hiểu rồi, em không tìm được chỗ đỗ xe."
Khi nãy tôi đỗ xe xong mới đi đón Đường Phong Hành. Tôi nhìn quanh bốn phía rồi đối diện với ánh mắt của anh, giả vờ đứng đắn nói: "Đúng đó, không tìm thấy."
Đứng nửa ngày, rốt cuộc chúng tôi cũng không nhịn được mà cười ngặt nghẽo, vừa cười vừa mắng mình ngốc nghếch, mới có bốn mươi tuổi mà trí nhớ đã không tốt nữa rồi. Tôi nắm tay anh, anh giơ tay lau đi giọt nước mắt chảy ra vì mải cười của tôi. Cuối cùng thì bia hết lạnh, bánh bị chảy, xiên nướng nguội ngắt, chúng tôi phải đi thêm vài vòng thì mới tìm được xe, không đủ thời gian ra biển nữa. Chúng tôi dừng xe bên hồ nước trong công viên thành phố, mở cốp xe lên và ngồi vào đó.
Tôi sờ sờ gáy ngượng ngùng nói: "Anh coi như chỗ này là biển đi, lần sau em sẽ bù cho anh."
Anh hôn tôi một cái: "Một lời đã định."
Có lẽ uống bia và ăn thịt xiên nướng không đủ lãng mạng như tôi đã tưởng tượng, thế nhưng Đường Phong Hành ăn cực kỳ vui vẻ, uống bia làm cho mặt anh hơi đỏ lên. Khi chúng tôi thắp nến ăn bánh ngọt, ánh nến nho nhỏ lung linh, anh chắp tay cầu mong tôi sẽ khỏi hết bệnh, ước rằng mỗi ngày tâm trạng tôi đều tốt.
Trong phút chốc cổ tôi như nghẹn lại, cố nín nước mắt sắp trào ra: "Đừng ước cho em, ngày nào tâm trạng em cũng tốt mà, nguyện vọng này của anh đã được thực hiện rồi."
Anh gật gật đầu, ước thêm một điều nữa là những người xung quanh mình đều khỏe mạnh bình an.
Điều ước đơn giản nhưng lại khó thực hiện, anh nhìn tôi rồi vươn tay xoa nhẹ lên má, hóa ra nước mắt của tôi vẫn vô thức chảy xuống làm ướt ngón tay anh.
"Nguyện vọng cuối cùng cho em ước."
"Sao lại cho em được, là sinh nhật anh mà."
"Nhưng anh không còn mong muốn nào nữa, cho em thì sẽ không lãng phí."
Tôi để bánh ngọt lên trên đùi rồi nhìn anh, đôi mắt sáng trong ấy giờ đây đã thêm phần thành thục, ánh nến mang sinh mệnh nhảy múa, chúng tôi đã đi tới ngưỡng tuổi bốn mươi rồi, mọi chuyện đều tốt đẹp đến không tưởng, hạnh phúc đến mức đôi khi khiến tôi thấy lo lắng. Ngả người nằm trong vòng tay anh, thỉnh thoảng tôi lại nghĩ liệu rằng chúng tôi còn mấy chục năm nữa?
Tôi ngẩng đầu nhìn lên bầu trời không ánh sao, hầu kết vẫn cảm thấy nghẹn vướng khó chịu, sống mũi chua xót, tôi uống thêm một ngụm bia để lấy thêm can đảm, run run nói ra điều mình muốn: "Em mong rằng..."
"Em mong rằng... kiếp sau anh vẫn còn nhớ em, có thể lại đụng vào em đang đi xe đạp, lại nhặt được vở ghi chép của em, lại thích em lần nữa. Em mong rằng kiếp sau em có thể thích anh trước, chúng ta lại được ở bên nhau cả đời."
Nói xong những lời này thì tôi đã khóc không thành tiếng, nước mắt chảy dài vương dưới cằm, anh lấy khăn tay giúp tôi lau đi, đôi mắt cũng đỏ ửng. Chúng tôi lau cho nhau, anh vừa khóc vừa cười nói: "Nói sến súa như vậy làm gì chứ."
"Đường Phong Hành, sinh nhật bốn mươi tuổi vui vẻ."
Tại sao không ai ước bản thân hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc mỗi ngày thì khó lắm, hai chúng tôi đều đem rất nhiều kỳ vọng gửi gắm vào từ này. Trăng sáng sao thưa, chúng tôi ngồi trong xe trao nhau một nụ hôn thật dài tựa như thời gian đã ngưng đọng.
Không ăn bánh ngọt, nói đúng hơn thì là tôi không ăn, anh ăn.
Anh nói, không có tiết mục ngắm biển đêm khuya thì vẫn có thể hoàn thành tiết mục tặng quà phía sau.
Vậy nên anh ăn sạch bách miếng "bánh ngọt" là tôi rồi.
2
[Đường Phong Hành]
"Alo, cho hỏi anh Đường phải không ạ?"
"Là tôi đây, cậu gọi cho tôi có việc gì thế?" Tôi nhận được một cuộc gọi lạ khi ngồi ở văn phòng, trong lòng không khỏi thấy căng thẳng.
"Chào anh ạ, anh Trần có hẹn chụp ảnh cưới nhưng không nghe điện thoại, xin hỏi bao giờ hai người có thời gian đến chụp ạ?"
Tôi cầm di động sửng sốt hồi lâu. Trần Thư Ninh hẹn làm gì cơ? Chụp ảnh cưới? Là chụp ảnh cưới mà tôi nghĩ đến ư? Trần Thư Ninh của tôi đi chụp ảnh cưới cùng tôi ư?! Sao em lại không nói gì với tôi hết?
"Alo, anh Đường, anh đã nghĩ xong chưa ạ?"
Tôi bình tĩnh lại, nhớ ra cả hai đều có thời gian rảnh liền hẹn sẽ tới chụp ảnh vào cuối tuần. Nhân viên cảm ơn rồi cúp máy, tôi gửi cho Thư Ninh một tin nhắn, không ngờ giờ nghỉ trưa em lại tới văn phòng tìm tôi.
"Gọi điện cho anh hả?"
"Chuyện lớn vậy sao em không nói trước với anh?"
"Cho anh ngạc nhiên."
"Thật sự là ngạc nhiên lắm luôn, sao em lại nghĩ đến chuyện này thế?" Tôi ôm eo rồi tựa vào người em.
Mặc dù hiện nay người đồng tính còn chưa thể kết hôn và lĩnh giấy chứng nhận nhưng vẫn có thể đến studio để chụp ảnh cưới.
Trần Thư Ninh cười cười sờ sờ tóc tôi: "Không phải chúng mình vẫn thiếu một khung ảnh để treo trước sofa à, ở nhà Ngô Hóa Văn còn có một tấm ảnh chụp cả nhà ba người kìa. Chúng mình đã bên nhau ba mươi năm rồi, cả hôn lễ và ảnh cưới đều không có, đối với anh không công bằng."
"Ừm, được, A Ninh chính trực công bằng nhất, chúng mình cũng phải có."
Cuối tuần đi chụp ảnh, Trần Thư Ninh dùng thuốc nhuộm để che đi vài chỗ tóc đã bạc, đến khi đã ở ngoài phòng chụp mà em vẫn còn hỏi: "Còn tóc bạc không anh? Gần đây khóe mắt có nhiều nếp nhăn quá, già rồi, có phải xấu xí lắm không?"
"Không đâu, rất ưa nhìn, già đi nhìn rất giống một nửa kia siêu đẹp trai của anh."
"Anh còn có nửa nào nữa hả?" Trần Thư Ninh cho tôi một cái hôn nồng cháy ngay trước cửa studio.
Tôi ngại ngùng nóng mặt, kề tai em thì thầm: "Còn không phải là em à."
Đằng sau là bức tường màu đỏ, chúng tôi mặc áo sơ mi trắng ngồi ngay ngắn nghe thợ ảnh hướng dẫn, nhìn thẳng vào chiếc máy ảnh Canon ở trước mặt. Ở phút cuối chúng tôi trao nhau một nụ hôn, ánh đèn flash lóe sáng chụp lại tấm ảnh cưới đẹp đẽ tại ngưỡng tuổi năm mươi.
3
[Trần Thư Ninh]
Cà Chua qua đời cũng đã lâu, nó già lắm rồi, bị bệnh dạ dày thì chữa trị sẽ rất đau, bác sĩ đề nghị ở tuổi ấy nên để nó ra đi thay vì chữa xong lại sống trong đau đớn. Nhìn nó nằm ở bệnh viện thú y kêu từng tiếng meo meo khó nhọc làm lòng tôi quặn lại, nó là thú cưng đầu tiên mà tôi nuôi trong đời, luôn luôn quấn quýt liếm tay tôi an ủi mỗi khi tôi cảm thấy khó chịu. Cuối cùng nó liếm liếm tay tôi, khóe mắt có giọt nước, dường như đang nói lời tạm biệt. Trên thảm nhung không còn nghe tiếng mèo kêu nữa, cả hơi thở mỏng manh cũng không còn. Đây là lần đầu tiên tôi đối diện với chuyện này mà không để những cảm xúc tiêu cực bị đè nén, dù đau buồn nhưng sẽ không chìm sâu. Lúc tiêm thuốc trợ tử tôi không dám nhìn, Đường Phong Hành nâng tay giúp tôi che mắt lại, nước mắt chảy làm ướt cả tay anh. Chấp nhận sự ra đi của Cà Chua, tôi chôn nó ở khu đất trước nhà rồi trồng một vườn cây, mê tín hy vọng rằng sinh mệnh của Cà Chua có thể chuyển dời sang những cây cỏ này.
Từ sau khi Cà Chua qua đời, thỉnh thoảng trong lòng tôi cảm thấy hơi lo lắng, cuộc sống suôn sẻ và hạnh phúc quá. Tôi thường xuyên để ý đến những dấu hiệu không đâu, ví như hai ngày nay tình trạng vườn cây không tốt lắm, nhìn như sắp héo vậy, rõ ràng một tháng trước cả vườn vẫn đang tươi tốt mà.
Tôi giấu Đường Phong Hành đi đến chùa để cầu bùa bình an rồi bí mật nhét nó vào cặp của anh ấy.
Tôi cảm thấy an lòng hơn, xét cho cùng thì chúng tôi đã có một cuộc sống đắm say trong hạnh phúc, như thể cả đời này cũng không cầu mong gì thêm nữa.
Thế nhưng không bao lâu sau, tôi nhận được cuộc gọi từ bệnh viện, bởi vì một vụ án hình sự mà Đường Phong Hành dính tới bọn côn đồ rồi bị chúng trả thù, bọn chúng cho người lái xe tông vào anh và nghiền lên cả chân. Lần đầu tiên tôi cảm thấy cái chết lại gần mình như vậy, không thể ngăn bản thân run rẩy rồi nôn mửa, hai bên tai đều là tiếng ù ù. Anh ấy làm phẫu thuật cả đêm, trên hồ sơ viết kín cả một trang, tôi ngồi bên ngoài khắp đầu đều là mồ hôi lạnh, phải uống thuốc để giữ mình bình tĩnh. Cuối cùng bùa bình an cũng có tác dụng, anh đi một vòng ở quỷ môn quan rồi quay về, thế nhưng lại không thể rời khỏi ICU và hai chân đều bị cố định bằng đinh thép.
Khi tỉnh lại, gương mặt anh trắng bệch nhưng vẫn cố tươi cười. Anh bị thương nên tôi không dám nổi giận, cả người anh cắm đầy ống dẫn, ở ngực ở bụng đều có, ống dẫn chỗ dạ dày vẫn còn đang đầy máu. Tôi cố gắng làm cho phòng bệnh trở nên ấm cúng hơn, sau khi tôi mang chậu hoa cúc họa mi đến thì trông anh có khá hơn, thế nhưng ngày nào những ống thông kia cũng đều có máu. Anh nói ở bệnh viện rất buồn, muốn tôi nhảy cho anh xem, là điệu nhảy của bộ phim 《Xuân quang xạ tiết》 mà chúng tôi đã từng thử trước kia.
Tôi nói không được, tôi phải đợi anh khỏe lại rồi cùng nhau khiêu vũ.
Anh cứng đầu hơn bình thường, thậm chí còn nâng đầu giường cao lên bảo nhất định phải xem, tôi biết tại sao anh lại cố chấp thế, người bệnh lớn nhất, người bệnh lớn nhất. Tôi cởi áo khóa ra rồi ném về phía anh, anh bật cười, còn tỏ vẻ lưu manh đưa áo lên mũi ngửi. Theo mỗi bước nhảy dường như tôi thấy anh lại già đi một chút, trên mặt có thêm nhiều vết nhăn, mái tóc dày rậm cứ bạc hơn. Tôi ôm lấy không khí, đôi chân di chuyển theo từng bước quen thuộc, mỉm cười ngân nga cả giai điệu khúc nhạc.
Anh rất hài lòng, sau khi tôi nhảy xong còn để tôi lên giường dựa vào người anh nghỉ ngơi, yếu ớt nói tôi nhảy đẹp hơn cả lần trước.
Tôi nói bởi vì không cần phải phối hợp với anh nên tránh được việc bị giẫm lên chân nhau.
Anh nói lần sau anh cũng sẽ chăm chỉ luyện tập, cố gắng không giẫm phải chân to của tôi nữa.
Tôi nói ừ, đã nói phải giữ lời.
Anh nói anh rút lại.
Tôi nói không được.
Sau đó anh hỏi tôi, nếu anh mất tôi sẽ đi nơi nào?
Tôi nói mình muốn tới Hải Nam, đi đến nơi mà trời không có tuyết.
Anh hỏi tôi vì sao.
Tôi nói nơi ấy một năm bốn mùa đều ngập ánh mặt trời, giống như anh vẫn luôn bên tôi, tôi vẫn luôn nhớ anh.
Giọng anh càng lúc càng yếu đi, nói tốt, chỗ đó không lạnh, không dễ bị ốm nữa.
Tôi nói tôi không đi nữa, tôi phải ở lại đây để cảm cúm, để buồn rầu, để anh phải lo lắng cho tôi.
Anh nói cũng được.
Chúng tôi nghiêng đầu hôn nhau, giữa nụ hôn còn vướng một ống dẫn, dù khó chịu nhưng tôi vẫn không muốn tách ra. Tôi không ngừng xoa nhẹ mái tóc đã bạc màu của anh, nói: "Em yêu anh, em yêu anh Đường Phong Hành, hãy yêu em thêm vài ngày nữa đi, được không?"
Anh không trả lời mà chỉ tiếp tục hôn. Lần đầu tiên anh không nói đồng ý mà chỉ có sự im lặng ngập tràn.
Tôi hôn anh, tôi biết nhịp tim anh đang giảm từ 60 xuống 50, rồi lại xuống 30, máy đo vang lên tiếng "tích tích" đều đặn, anh dần dần không còn sức lực đáp lại nụ hôn của tôi nữa.
Anh hôn lên chiếc nhẫn nằm trên ngón tay tôi: "Những năm qua ở bên anh em có hạnh phúc không?"
"Hạnh phúc... Em chưa từng hạnh phúc như vậy, hạnh phúc đến mức em nghĩ không phải thật, hạnh phúc đến mức làm em thấy lo sợ."
"Vậy thì tốt rồi, anh cũng thế, ở... ở bên cạnh em thật sự rất hạnh phúc, vô cùng hạnh phúc. Có thể ở bên người mà anh thầm yêu suốt những năm tháng qua, anh thật quá may mắn."
"Chẳng lẽ anh không ngại lúc ban đầu em không biết là anh thích em sao?"
"Ừ, anh không để ý chuyện người em thích không phải là anh đâu. Anh muốn em được vui vẻ cho dù em có xa anh đi chăng nữa."
"Sao anh lại ngốc như vậy chứ."
Chỉ biết nghĩ cho tôi, ước cũng ước cho tôi, cả khỏe mạnh bình an mà anh cũng ước cho người khác. Thật khờ đến hết cách.
Anh mỉm cười, nói nhưng bây giờ tôi là của anh mà, được ở cạnh tôi, cuộc sống thì hạnh phúc êm ấm. Anh gắng hết sức lại gần tôi để tiếp tục môi hôn, mút vào như luyến tiếc rời xa, tôi nhiệt tình đáp lại anh, hy vọng rằng có thể truyền cho anh thật nhiều sinh lực của bản thân. Cuối cùng đường nhịp tim trên máy đo trở thành một vạch xanh thẳng tắp, giữa những tiếng âm báo vang dội chỉ còn lại nụ hôn và mình tôi cô đơn.