Khoa Kỹ Vấn Đạo (Đế Chế Kinh Tế Mới Tại Nước Việt)

Chương 69: Bàn bạc




Lý Đông từ đầu đứng một góc chứng kiến tất cả những chuyện vừa rồi xảy ra với Thiều Đại. Nhìn người này có thể trước nguy cơ mà vẫn giữ được bình tĩnh, không bị cảm xúc chi phối làm mờ lý trí, trong hoàn cảnh bất lợi lại lật ngược được tình thế giải quyết gọn gàng tình huống nguy hiểm trước mắt, quả là một nhân tài. Cho tới khi Lý Đông bám theo và thấy Thiều Đại rất biết phân biệt nặng nhẹ mà không ra tay với Lê Côn, Lý Đông đã quyết định sẽ dùng tới người này. Thiều Đại hội tụ đủ cả sự lỳ lợm và khôn ngoan, đồng thời khả năng khống chế bản thân lại rất mạnh là một nhân tuyển thích hợp mà Lý Đông vẫn luôn tìm kiếm cho một nhiệm vụ đặc biệt. Điều cần làm bây giờ là cần phải tìm một cơ hội thích hợp để đưa Thiều Đại vào vị trí này.
Thấy mọi chuyện đã tạm yên ổn, Lý Đông cũng âm thầm quay trở lại chỗ để xe rồi nổ máy quay trở về nhà, hắn biết hôm nay mình vẫn còn một chuyện quan trọng hơn cần làm.
. *******************************
2h chiều, Khu chung cư Tân Mai, trong một căn phòng cũ.
Trịnh Hoành lẳng lặng ngồi nhìn chàng trai trẻ trước mặt. Ông ta đến đây là theo một cuộc hẹn khẩn cấp của Lý Đông. Dù hiện tại Trịnh Hoành khá bận nhưng khi nhận được điện của Lý Đông, ông ta liền hủy toàn bộ các kế hoạch đã sắp xếp từ trước để đến gặp hắn. Phải biết, thời gian gần đây sự nghiệp chính trị của ông ta lên như diều gặp gió là có công lao rất lớn của Lý Đông đứng đằng sau hỗ trợ. Qua vụ việc của Phùng Bân, Trịnh Hoành đã chứng thực năng lực khủng khiếp của con người này, có thể nói là hô phong hoán vũ, trở tay tạo gió, lật tay làm mưa. Bản thân Trịnh Hoành khi hợp tác cùng Lý Đông cũng không thể tin hắn đủ khả năng lật đổ một nhân vật cỡ bự như vậy. Trịnh Hoành khá yên tâm nhận sự hỗ trợ từ Lý Đông bởi hắn hoàn toàn là đứng trên giác độ lợi ích chung làm việc, không có tâm tư quá lớn, rất phù hợp với quan điểm chính trị của Trịnh Hoành.
Lúc này, không khí trong phòng khá là trầm lắng, nhận ra vẻ trầm tư của người trước mặt, Trịnh Hoành dựng thẳng lưng sau đó chủ động nói:
- Lý Đông, anh hẹn gặp tôi hẳn là có chuyện quan trọng.
Lý Đông ngẩng đầu nhìn Trịnh Hoành rồi gật đầu:
- Uhm… Đúng vậy! …
Lại trầm ngâm giây lát Lý Đông mới tiếp tục nói:
- Bí thư Trịnh Hoành, vụ việc hôm qua trên biển hẳn anh đã biết. Anh có cái nhìn gì về việc này?
Trịnh Hoành hơi khó hiểu tại sao Lý Đông lại quan tâm tới về vấn đề này, phải biết nó không liên quan quá lớn tới hoạt động của Kỷ nguyên mới. Có điều ông ta biết Lý Đông người này không phải thường nhân, hẳn là có lý do riêng của hắn do vậy sau ít phút suy nghĩ, ông ta trả lời:
- Về chuyện anh hỏi, theo tôi biết phía trên cũng đang đặt ra rất nhiều nghi vấn. Ai cũng thấy đây rõ ràng không phải là một sự việc phát sinh đột ngột mà là có tính toán từ trước. Phía kia đã chủ động đưa tàu vào vùng lãnh hải của nước ta để tấn công ngư dân, vi phạm trắng trợn Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ đã ký năm 2000. Thật có chút khó hiểu.! Tôi đang có ý nghĩ có lẽ nào phía họ lại muốn tái khơi mào tranh chấp lãnh hải tại vùng này?
Lý Đông chú ý lắng nghe đánh giá của Trịnh Hoành, quả nhiên là phía trên cũng đã nhận ra được điều gì đó, có điều bọn họ vẫn chưa đánh giá hết được tham vọng thực sự của Phương Bắc. Hắn lắc đầu trả lời:
- Bí thư Trịnh Hoành, việc này không thể xem nhẹ đâu. Nếu tôi nói rằng tham vọng của họ còn muốn lớn hơn thì sao?
Trịnh Hoành nghi hoặc, chưa hiểu lời Lý Đông muốn nói:
- Lớn hơn? Ý anh là sao?
- Uhm… cái tôi muốn nói chính là toàn bộ Đông Hải. Họ muốn độc chiếm nó. Và đó là nguyên nhân họ sẽ phải tiến hành gây ra tranh chấp từng bước.
Trịnh Hoành nghe đến đây cảm thấy không quá thích hợp, ông ta lập tức phản đối:
- Lý Đông, anh có đang hơi nghiêm trọng quá vấn đề này không? Đông Hải bây giờ đã được phân chia theo Luật pháp quốc tế mà nước bọn họ cũng đã ký vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS năm 1982 rồi? Sao bọn họ có thể làm điều này mà không sợ sự phản đối của thế giới được.
Lý Đông lại lắc đầu:
- Anh Trịnh Hoành, tôi biết nói việc này thật có chút vượt ngoài suy đoán của anh. Có điều nếu nhìn rộng hơn một chút điều này cũng không có gì khó hiểu. Nhìn lại lịch sử, khi cách mạng nước họ thành công vào năm 1949 thì các khu vực địa - chính trị quan trọng của thế giới đã được phân chia xong giữa các nước lớn. Nước bọn họ ra đời thì bị rơi vào thế khó xử, tiến thoái lưỡng nan. Ở phía Tây, Ấn Độ cũng mới giành được độc lập từ tay thực dân Anh và khi đó toàn vùng Nam Á hầu như còn đang gắn kết chặt với nhau chưa bị các nước lớn khác chia rẽ như hiện nay. Ở phía Đông, phát - xít Nhật tuy bị bại trận nhưng lại được Mỹ chống lưng và nằm trong khối liên minh của Mỹ cùng với Đài Loan là nơi Tưởng Giới Thạch phải chạy từ đại lục ra để náu mình chờ thời. Có thể nói, đất nước bị bao vây từ nhiều phía, chỉ còn một cửa ra Đông Hải là lối thoát duy nhất. Nhưng biên giới của nước họ lúc đó được các nhà địa lý vẽ thành bản đồ cũng giới hạn cửa ngõ phía Nam cuối cùng cũng chỉ nằm ở đảo Hải Khấu mà thôi. Cũng vì lẽ đó mà ngay từ khi còn cầm quyền, Tưởng Giới Thạch cũng đã mưu tính vạch ra tới 11 đoạn xuống Đông Hải để hòng bành trướng xuống phía nam sau này. Bọn họ coi Đông Hải là một cửa ngõ thuận lợi để mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam với ý đồ biến đất nước của họ vốn là một đại lục trở thành một quốc gia có cả biển đảo. Tiến xuống Đông Hải, bọn họ có nhiều ý đồ cả về cả kinh tế, thương mại, hàng hải, tài nguyên, nhiên liệu, nhất là dầu mỏ, khí đốt vốn là nguồn máu nuôi sống nền kinh tế đang phát triển như vũ bão của họ. Bọn họ muốn chiếm hai quần đảo của chúng ta và các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của nhiều nước Đông Nam Á, nhằm đạt được các mưu đồ về an ninh, quốc phòng, đối ngoại và chính trị..., nhất là vào đúng lúc Mỹ đang có chủ trương xoay trục sang khu vực châu Á- Thái Bình Dương nhằm kiểm soát sự trỗi dậy của nước họ. Do vậy việc cấp thiết của Bắc Phương bây giờ chính là phải mau chóng định hình lại hải phận ở khu vực này. Anh hiểu ý tôi chứ?
Trịnh Hoành suy tư một chút sau đó nói:
- Anh lý luận rất hợp lý có điều tôi thấy nếu chỉ căn cứ vào một xung đột như vậy để kết luận bọn họ đã bắt đầu triển khai mạnh việc này thì tín hiệu vẫn thực sự không rõ ràng lắm.
Lý Đông mỉm cười rồi trả lời:
- Tham vọng của họ với Đông Hải nếu chiếu theo lịch sử thì có thể nhận ra được. Trong thời gian tham dự Hội nghị Geneve năm 1954, thủ tướng nước họ đã cố đòi bằng được thế giới phải công nhận vai trò và vị trí đại cường quốc của mình, họ phải có vai trò quan trọng trong việc giải quyết mọi vấn đề hòa bình của thế giới. Thế nhưng đến năm 1956, khi Pháp phải trả lại chủ quyền của hai quần đảo cho nước ta, bọn họ đã đánh và chiếm phần phía Đông của Hoàng Sa. Đến năm 1974, sau khi Hiệp định Pari về được ký kết, khi quân đội Mỹ rời khỏi miền nam nước ta, bọn họ đã đưa tàu chiến và quân đội đến đánh chiếm nốt phần còn lại của Hoàng Sa. Sau khi tiến hành bốn hiện đại hóa, nước họ tăng cường được sức mạnh về nhiều mặt, lãnh đạo đã ra mặt khẳng định chủ quyền của mình trên nhiều lĩnh vực ở Đông Hải. Những tính toán đó của họ được thúc đẩy bởi nhiều nhân tố, cả từ bên trong và bên ngoài như tôi đã nói ở trên. Chúng ta cần nhận thức và có cái nhìn chiến lược về vấn đề này để kịp thời có biện pháp ứng phó.
Nghe xong những lời này của Lý Đông, Trịnh Hoành không có ý phản đối thêm. Ông ta lặng người suy nghĩ một hồi sau đó quay sang hỏi:
- Lý Đông, vậy anh hẳn là có đề xuất với chính phủ về việc này?
Lý Đông cũng không dài dòng mà gật đầu:
- Đúng vậy. Tôi đề cập với anh chuyện này là đánh giá tham vọng này của phương Bắc là rất mạnh mẽ, mức độ quyết tâm chính trị rất cao. Tôi cho rằng bọn họ sẽ bằng mọi phương tiện và thủ đoạn để đạt được mục đích của mình. Chúng ta cần lập tức chuẩn bị các nguồn lực để ứng phó với các tình huống tranh chấp có thể xảy ra. Cách hữu hiệu nhất vẫn là nước ta phải tự cường cả về kinh tế và quân sự, kết hợp với các biện pháp đấu tranh ngoại giao có như vậy mới có thể kiềm chế và đẩy lui bọn họ.
- Uhm, nhưng như anh nói, tình huống đã là rất cấp bách, trong một thời gian ngắn thực lực kinh tế, quân sự cũng như vị thế và tiếng nói của chúng ta không thể mau chóng mạnh lên, như vậy sao có thể chống lại bọn họ?
- Anh Trịnh Hoành, đương nhiên là tôi hiểu điều này, vì vậy tôi muốn đề xuất với anh một kế hoạch đặc biệt. Anh xem cái này đi!
Nói đoạn, Lý Đông rút từ trong túi bên cạnh một bản giấy chép tay đưa cho Trịnh Hoành. Trịnh Hoành lập tức đưa tay đón nhận rồi lập tức chăm chú đọc.
Sau chừng mười lăm phút đồng hồ, Trịnh Hoành ngẩng đầu lên nhìn Lý Đông:
- Lý Đông, đề án này của anh mang kỳ vọng quả thật là quá lớn. Về các giải pháp phát triển kinh tế, tăng cường đối ngoại hội nhập thì không nói, nhưng về vấn đề nâng cấp khí tài quân sự, tôi thấy hơi vượt quá năng lực cho phép của chúng ta. Anh cũng biết ngân sách hiện tại khá hạn hẹp chưa kể chúng ta còn đang bị Mỹ cấm vận vũ khí, ngoài Nga thì gần như không tìm được nhà cung cấp vũ khí hiện đại do đó rất hạn chế về chủng loại và số lượng. Khí tài của chúng ta về cơ bản là lạc hậu so với đối thủ.
Lý Đông mỉm cười nói:
- Bí thư Trịnh Hoành, điều này tôi đã nghĩ tới như một điểm mấu chốt nhất trong kế hoạch của mình. Như anh biết, Kỷ nguyên mới nghiên cứu chính là công nghệ năng lượng mới. Gần đây chúng tôi đã có những bước tiến rất đáng kể liên quan đến công nghệ phản trọng lực và công nghệ năng lượng điểm không. Chúng tôi nhìn ra tiềm năng cực lớn của chúng đặc biệt là đối với quân sự. Tôi tin tưởng nếu áp dụng chúng vào trong quốc phòng có thể tạo ra những vũ khí siêu cấp, tạo ra thay đổi căn bản trong cán cân sức mạnh công nghệ quân sự của đất nước chúng ta so với đối thủ.
- Công nghệ đó thật lợi hại như vậy?
- Rất lợi hại!
- Các anh tin mình có thể thành công?
- Sẽ phải thành công bằng mọi giá, ngay cả chấp nhận hi sinh toàn bộ tài lực của chúng tôi hiện giờ.
Trịnh Hoành nhìn ra sự quyết tâm trên mặt Lý Đông, ông ta bỗng cảm thấy có vẻ con người này sinh ra là để làm nên những điều phi thường, không phải những kẻ tầm thường có thể hiểu được. Trong lòng Trịnh Hoành dâng lên một sự cảm phục từ trong nội tâm, ông ta gật đầu nói:
- Được… tôi sẽ báo cáo lại cấp trên toàn bộ những phân tích cũng như đề án xây dựng lực lượng quân sự của anh. Có lẽ rất nhanh mấy vị kia sẽ mong muốn được tiếp kiến anh đấy!
- Bí thư, chuyện này anh cần tập trung giải quyết sớm. Thời gian cho chúng ta không nhiều! Tôi thật sự có nhiều lo ngại về vấn đề này!
- Tôi hiểu! Vậy nếu không còn chuyện gì khác, tôi xin về trước để bố trí
- Uhm… chào anh!
Trịnh Hoành lập tức đứng lên cáo từ. Sau khi ông ta đi ra và khuất sau cánh cửa, trong phòng chỉ còn lại một mình Lý Đông đang ngồi suy nghĩ. Lý Đông tin tưởng rằng đề xuất của mình sẽ nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, thậm chí ngay cả khi bên trên không có cùng cách nhìn với hắn về những nguy cơ tương lai thì việc phát triển quốc phòng cũng là rất cần thiết, việc hợp tác cùng Kỷ nguyên mới chắc chắn sẽ phải được tiến hành.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.