[Khoái Xuyên] Lưu Ly

Chương 12: Số mệnh




Tết đã qua, sắp tới rằm tháng Giêng.
Xuân vừa mới chớm, thời tiết đã chuyển ấm dần lên, ngửa cổ nhìn trời có thể thấy chim bay, vểnh tai lên có thể nghe tiếng hót.
Từ ngay sau Tết Ngọc Thiên Minh đã bắt đầu tiếp quản Thủy Nguyệt Đường. Trước đó trong mấy ngày Tết cậu rảnh rỗi không có việc làm, đều cùng Sở Vân Chính ngồi xem xét sổ sách cả. Có hắn chỉ điểm, một đống tài liệu cổ tự lằng nhằng cậu cũng tạm gọi là thông hiểu hết, đến lúc nhập việc không mấy khó khăn.
Mới qua nửa tháng mùa xuân người mua sức trang hay khách vãn lai không nhiều nên đây là thời điểm Thủy Nguyệt Đường đang tập trung chế tác các mẫu hàng mới. Xưởng kim hoàn phía sau Thủy Nguyệt Đường ngày ngày đều vang lên tiếng búa tạ đập chan chát, khói lửa nung bạc cháy liên hồi.
Ngọc Thiên Minh thi thoảng sẽ ghé qua xưởng, xem xét mức độ hoàn thiện của sản phẩm. Cậu tuy chỉ là một họa sĩ thiết kế, nhưng kiến thức chế tác vẫn có đủ, đặc tính nguyên liệu ra sao phải hiểu rõ, chỉ có như thế thì mới làm ra được bản vẽ vừa tinh tế mà thợ kim hoàn cũng không bị làm khó.
Công việc nhìn chung cũng ổn áp, chưa có vấn đề gì.
Trái lại với sự nhàn tản của Thủy Nguyệt Đường thì tiệm vải Sơ Tranh bận rộn hơn cả. Vải vóc cho mùa hạ bắt đầu được chuyển về, phu nhân trong thành đã đến đặt y phục mới. Thành Lưu Ly đến nửa thành là dân buôn, toàn gia đình trung lưu khá giả, thời nào thức ấy, các thiếu nữ thiếu phụ đều không muốn trở thành kẻ đi sau thời đại, vừa nghe ngóng năm nay có kiểu phục trang mới là tức tốc đặt may ngay một vài bộ, sợ mình kém miếng thiếu phần với thiên hạ. Thành ra thợ may của Sơ Tranh các nhận đơn mỏi tay, mỗi ngày đều có thêm đến chục bộ đồ, nhân công thiếu hụt nghiêm trọng.
"Giờ bên ấy đang bận rộn lắm." Không hiểu cơn gió lạ nào lại đưa đẩy chủ của Sơ Tranh đến Thủy Nguyệt Đường. Ngọc Nhu Nhi ngồi trên ghế bàn trà trong phòng tiếp khách, thở than đã nãy giờ:"Giá như mà có thêm mấy người chạy vặt, đỡ cho thợ may thì tốt biết mấy."
"Nếu đường tỷ cần thì ta có thể để vài người bên này sang giúp, dù sao bọn họ cũng rảnh rỗi cả." Ngọc Thiên Minh nhiệt tình đề xuất.
Nhưng đối phương lại từ chối ngay, lí do có hơi kì lạ, nhưng cũng thuyết phục:"Thủy Nguyệt Đường của đệ to lớn như vậy nhưng chỉ được mấy đại thúc tiếp khách là tinh tế nhã nhẵn, nhưng bọn họ quen hiểu sức trang, không thể sánh được với những cô nương dẻo miệng nịnh khách được. Số còn lại là vệ sĩ và thợ thủ công, toàn những người mặt hằm mũi hổ, ta lo khách nhà ta mà thấy, sợ bỏ về mất."
Nói đoạn nàng chêm thêm một câu, không biết ý thật hay đùa:"Có chăng đệ cho ta mượn đứa nhóc này, mặt mũi sáng sủa, tay chán nhanh nhẹn, sang đấy chạy vặt một tý hộ chúng ta. Dù sao nó ở đây cũng chẳng làm được gì."
Người mà Ngọc Nhu Nhi đang nhắc tới chính là Đình Phong đang đứng sau cậu. Nó thường ngày vẫn theo chân Thiên Minh đến Thủy Nguyệt Đường, cốt là làm công việc pha trà rót nước, mài mực xếp giấy thôi, tính ra cũng không có được việc gì to tát lắm.
"Chuyện này..." Nói đến Đình Phong cậu thấy hơi khó xử, nếu là người khác cậu có thể cử đi ngay, nhưng tính tình của nó hơi ngang bướng, sợ nếu có người chọc phải, đứa nhỏ sẽ gặp phiền phức, đành lên tiếng đàm luận với nàng:"Việc này nên để Đình Phong tự quyết thì hơn."
"Ta chỉ đ..."
"Tôi đồng ý!" Chữ 'đùa' còn chưa ra hết khỏi khuôn miệng của Ngọc Nhu Nhi đã bị giọng Đình Phong cắt ngang. Nó thực sự nghĩ, bản thân vốn không giúp được gì cho thiếu chủ, tuy rằng ngài ấy không nói gì, nhưng nó thấy mình rất vô dụng. Nếu có thể sang Sơ Tranh hỗ trợ một chút, nó cũng thấy mình đỡ phiền thiếu chủ hơn.
Khóe miệng Ngọc Nhu Nhi lúc này khẽ nhếch lên thành một đường cong, ánh mắt nàng quét qua người Đình Phong, cất giọng:"Nếu như ngươi đồng ý thì có thể sang làm việc tại Sơ Tranh từ ngày mai. Tiền công ta sẽ trả đầy đủ, đừng lo."
"V- Vâng." Đối diện với ánh mắt của nàng Đình Phong vẫn cảm thấy sợ hãi, không dám nhìn thẳng, đành cúi đầu lặng thinh.
Cứ như vậy Đình Phong trừ việc cần làm ở tiểu viện ra thì ban ngày sẽ đến Sơ Tranh làm việc. Hàng vải bận bịu với số đơn hàng lớn, suốt hai tháng trời vẫn chưa xong việc.
Quãng thời gian này Thủy Nguyệt Đường cũng rục rịch buôn bán trở lại, nhất là dịp mừng lễ thần Tài. Đây là thời điểm các thương gia bắt đầu lên đường đi du doanh tứ phương nên cửa hàng tập nập hơn hẳn. Ngọc Thiên Minh vì công việc như guồng xoay mà bận bịu suốt, có những hôm còn nghỉ qua đêm tại cửa hàng.
Bỏ lơ thời gian một chút, lúc nhận ra không biết đã sắp hết mùa xuân từ bao giờ.
Nắng tháng ba dịu dàng trải trên những mái nhà, đem sự ấm áp nhảy múa cùng gió xuân cuối mùa. Trời chỉ còn hơi se se, không cần phải mặc đến áo lông dày khi ra ngoài nữa.
Ngày hôm nay Ngọc Thiên Minh cần làm chút việc mới có thể đến Thủy Nguyệt Đường. Đình Phong vẫn làm việc ở Sơ Tranh, đã rời đi từ sớm rồi.
Đương lúc cậu đang sửa lại bản thiết kế đặt riêng của một khách hàng nọ thì ngoài cửa có tiếng bước chân, ngẩng lên liền thấy Sở Vân Chính vào phòng. Hắn quen cửa quen nẻo với tiểu viện này mấy tháng, ra vào tùy tiện như nhà mình, có lắm khi còn nghỉ qua đêm.
"Ta có qua Thủy Nguyệt Đường trước nhưng không thấy ngươi, hôm nay bận việc gì sao?" Hắn ngồi xuống bàn thật khẽ, tránh động chạm khi cậu đang vẽ.
Bàn tay gầy mảnh của Thiên Minh cầm cán bút lông, khéo léo họa vài đường cuối cùng rồi mới đặt xuống vật gác bút, vừa làm cậu vừa đáp:"Sửa xong bản vẽ này là ta đến đó. Mấy hôm nay không gặp, huynh có thêm được tin tức gì chưa?"
"Vẫn chưa." Sở Vân Chính lắc đầu. Việc tìm kiếm đệ đệ của Ngọc Thiên Minh đã diễn ra suốt hai tháng trời. Hắn quen biết nhân sĩ giang hồ rộng rãi, có dựa vào họ để nhờ vả nhưng không có một chút thông tin nào. Ngay cả tại thành Nam San là điểm xuất phát của câu chuyện cũng chưa ai từng thấy qua đứa trẻ nào có vết bớt đỏ và nốt ruồi son cả.
Câu trả lời quen thuộc đến mức Ngọc Thiên Minh nghe xong chẳng buồn thở dài nữa. Cậu gập lại bản vẽ trên bàn, thu dọn một chút rồi nói:"Cách biệt mười mấy năm muốn tìm thấy cũng không dễ dàng. Đại sư tuy rằng có ý nhắc nhở nhưng lại chẳng biết đứa trẻ ở đâu. Chúng ta chỉ có thể tin tưởng vào số mệnh, hi vọng nó sớm xuất hiện. Dù sao kẻ có thể động đến nó chỉ có thể là Ngọc Kiến Bình, nếu ông ta có hành động gì, chúng ta giám sát chặt chẽ một chút, may ra sẽ ngăn được điềm xấu."
"Chỉ mong như thế." Sở Vân Chính đáp, hắn nhìn vào đôi mắt đen đạm mạc của cậu. Mấy ngày nay hình như công việc hơi nhiều, quầng thâm dưới mắt càng đậm hơn, khiến hắn có chút thương xót:"Gần đây nghỉ ngơi có tốt không?"
"Cũng tạm. Ở Thủy Nguyệt Đường đang trong lúc buôn may bán đắt, làm chủ không thể lơ là, tuy rằng cực nhọc một tý, nhưng ta vẫn ăn ngủ đầy đủ mà." Cậu cười với hắn, đồ đạc cũng bỏ hết vào hộp gỗ xách trên tay:"Huynh có đến Thủy Nguyệt Đường không, chúng ta cùng đi."
"Ừm" Hắn gật đầu, cùng cậu đóng cửa tiểu viện xuống phố.
Trời xanh xanh rực rỡ nắng ấm, xuân hạ chuyển giao, cũng sắp đến độ lưu ly nở hoa.
Mà trong lúc hai người họ đang thong dong dạo phố thì ở tiệm vải Sơ Tranh người làm vẫn luôn tay luôn chân. Mấy đơn hàng đặt y phục cho mùa hè đã làm gần xong hết, nhiều bộ đã được gấp cất cẩn thận chờ khách đến lấy. Nhưng xong đợt đồ này thợ may vẫn chưa thể nghỉ ngơi được vì quãng thời gian này nhiều nhà lại đưa trẻ đến đặt đồ, chuẩn bị đi học.
Ngọc Trường An đã lên tám tuổi, năm nay bắt đầu theo học thầy đồ. Đứa nhỏ lần đầu đến lớp háo hức vô cùng, hôm nay theo chân mẫu thân đến Sơ Tranh chọn vải may đồ.
Hai người họ đã đến đây từ sớm, tứ thẩm ở gian hàng chính theo chân một tiểu nữ đi chọn vải. Xung quanh rất nhiều người, có khách nhân có người làm, Ngọc Trường An bị dòng người xô vào góc tường, giữa bạt ngàn vải vóc của phòng trưng mẫu, nó không thể nhìn thấy mẫu thân của mình đâu nữa.
Mà nó thấy người ai cũng bận rộn, không dám làm phiền đành tự mò mẫm đi tìm, chẳng biết thế nào lại lạc ra đến sân phơi. Trên giá treo đầy những tấm vải nhuộm đã khô, nhẹ nhàng đung đưa theo cơn gió thoang thoảng. Lần đầu tiên thấy khung cảnh lạ lẫm này, đứa nhỏ quên mất chuyện tìm mẹ, thích thú chạy vào giữa những giàn phơi, bàn tay bé con vươn lên chạm vào vải. Có tấm lụa tơ bóng mượt, có tấm lanh mảnh mềm mại, mỗi loại chạm tới đều khác nhau, đem tới xúc giác đặc biệt.
Ngọc Trường An thích thú vui chơi một lúc, đến khi nhớ tới việc cần làm thì đã không còn tìm được đường ra giữa sân phơi rộng lớn chắn hết tầm nhìn bằng vải vóc. Nó đành đánh liều chạy ra khỏi phạm vi của những giá phơi đồ, nhìn ngang nhìn dọc một hồi, thấy một cánh cửa đang mở.
Kỳ thực Ngọc Trường An không có nhớ mình ra ngoài đây từ nơi như thế nào, vậy nên dựa vào niềm tin và khao khát tìm ra mẫu thân mãnh liệt, nó mạnh dạn bước vào bên trong.
Tiếc rằng nơi này không phải chỗ mà nó cần tìm. Đây là một căn phòng lớn, có đến mấy hàng kệ gỗ nhiều ô, mỗi ô sẽ đặt thêm một giỏ mây hoặc một hộp gỗ có thẻ tên bên ngoài. Những kệ gỗ ấy kê sát nhau ở nửa phòng cách xa Ngọc Trường An, còn nửa phòng trước mặt nó là những giá treo đầy ắp phục trang đã hoàn thiện.
Biết đây không phải chỗ nó tìm, Ngọc Trường An bĩu mỗi hờn dỗi định quay lại thì từ bên ngoài có tiếng bước chân dọa nó tái mặt. Đứa trẻ sợ bị bắt quả tang liền chạy vào một góc trốn sau hàng y phục màu mè.
Quả nhiên một lúc sau có người bước vào phòng, tiếng cửa gỗ kẽo kẹt mở ra rồi lại đóng vào. Bóng người cao lớn theo ánh sáng chiếu vào từ lớp cửa sổ dán giấy gió hắt vào đổ xuống sàn nhà. Trong phòng chật kín vải, ở một lúc là nóng, nhưng Ngọc Trường An vì cơn sợ mà toát mồ hôi lạnh.
Đôi mắt nhỏ của nó tò mò ló ra sau lớp vải, thấy có hai tráng hán đang đứng, khuôn mặt không được che chắn hiện rõ mồn một dưới cái nhìn của Ngọc Trường An. Truyện Phương Tây
Một trong hai người họ vác trên lưng thứ gì đó đang ngọ nguậy, vừa đóng cửa xong họ liền ném bịch xuống sàn. Ngọc Trường An đưa mắt nhìn xuống, thấy gia nhân thường hay đi theo Thiên Minh ca ca ở đó.
Đình Phong bị trói hai tay hai chân, miệng bít kín bằng vải thô, trên mặt còn có mấy vết bầm. Nó giương đôi mắt căm phẫn lên nhìn hai người khuân vác kia, tròng mắt giãn đầy tơ máu.
Hôm nay Sơ Tranh có một đợt chuyển hàng, theo lời quản lí nó ra trông chừng hai người này đem vải vào kho, ngờ đâu trong lúc sơ ý bị bọn chúng ám hại, đấm cho mấy cú rồi trói lại đem vào kho hàng như bây giờ.
"Nhìn cái gì mà nhìn." Một gã bắt được ánh mắt của Đình Phong, tức tối đạp một cước vào bụng nó. Đứa trẻ mười mấy tuổi không chịu được đau đớn, hốc mắt ứa ra nước, người gập cuộn lại.
Ngọc Trường An trong góc cũng nín thít, hai tay nhỏ bụm miệng, sợ đến run rẩy mà không dám phát ra tiếng.
"Mẹ kiếp thằng chó này vừa nãy đá vào bi bố, giờ vẫn còn đau." Gã còn lại ngồi xuống cạnh Đình Phong, cầm túm tóc ngắn của nó kéo ngược lên, nhìn khuôn mặt bết nhếch của nó mà hả hê nói với tên kia:"Ngươi tính xem nên xử trí thằng chó này thế nào, có nên cắt bi nó đi không?"
"Làm việc nhanh nhanh thôi còn ra ngoài." Tên kia hối thúc, rút từ bên hông ra con dao bén nhọn, dưới góc độ chiếu sáng ánh kim loại lóe lên trong phòng.
"Sợ cái đếch gì. Cả cái khu này không có ma nào qua đâu, chủ nhân nói cứ thong thả mà giải quyết thằng oắt này. Đằng nào nó chả chết." Gã cười khằng khặc, khoái trí nhận lấy con dao từ tay tên kia:"Ngươi xem ta chơi với nó mà học tập đây này. Nhìn cho kĩ mà lấy kinh nghiệm."
Nói rồi gã xoay dao một vòng trong tay, lấy thế mổ lợn cắm phập một phát vào lưng Đình Phong. Một cú này khiến nó đau đơn đến phát điên, toàn thân giãy giụa dữ dội. Nước dãi thấm đẫm vải nhét trong miệng, theo khóe môi chảy ra. Tiếng hét bị ứa đọng trong cổ họng, phát ra chỉ có những âm thanh rên rỉ đầy tuyệt vọng.
Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, con dao chưa kề được rút ra, gã tráng hán man rợ kia kéo dao, dọc theo sống lưng rạch một đường thật dài đến tận khe mông Đình Phong. Máu theo đường cắt trào ra ồ ạt, một thoáng đã thấm đẫm lớp y phục tơi tả trên người nó, tấm lưng gầy trắng phủ đầy màu đỏ.
"Mẹ kiếp, tao cứ tưởng thằng này làm người ở gầy gộc lắm, nếu biết bên trong trắng trẻo ngon ăn thế này đã phải chơi nó một trận trước khi giết rồi." Gã cầm con dao dính nhơ nhớp máu trên lưỡi, khẩy khẩy mấy tà áo ra, chép miệng tiếc rẻ.
Đình Phong đã chẳng còn hơi sức đâu mà giãy giụa, lí trí của nó thời khắc này vô cùng mơ hồ, cơn đau sau lưng truyền tới cũng không có cảm giác gì, bên tai chỉ còn tiếng ong ong khó chịu.
"Giờ nó cũng sắp thành lợn quay rồi, thôi đi, đừng để máu dính vào người." Tên kia xem bộ lần đầu nhìn thấy cảnh tượng này, thấy lớp thịt bị khứa sâu thế kia chân tay cũng nổi da gà da vịt đầy mình, không dán nhìn thẳng mà giục giã gã tráng hán.
"Lải nhải lắm, đi." Gã bực tức ném con dao xuống sàn, xoay người đứng dậy. Hai kẻ bọn họ ra ngoài đóng cửa lại.
Con dao xoay vài vòng trên đất rồi dừng lại tại vị trí trốn của Trường An. Trên mặt đứa nhỏ giờ đã giàn giụa nước mắt nước mũi, nhưng hai tay vẫn bịt kín miệng, run rẩy đến cực điểm.
Chờ một lúc thấy hai gã kia không có quay lại, cơn lo lắng vượt qua nỗi sợ hãi, nó vội rời ra khỏi chỗ trốn chạy đến cạnh Đình Phong lay người.
"Ca ca, tỉnh lại! Ca ca!" Tiếng khóc của Ngọc Trường An nức nở, đau lòng vô cùng. Nó cố nén run rẩy không nhìn vào vũng máu đáng sợ kia, một lòng muốn cởi trói cho Đình Phong. Nhưng dây vải quá chặt, không thể gỡ ra được khiến nó hoảng loạn vô cùng.
Nghĩ thế nào Ngọc Trường An lại đứng dậy, hấp tấp chạy đến cầm con dao dính đỏ máu vừa rồi, hậu đậu cứa đứt sợi dây. Nó vừa gỡ vừa gọi tỉnh Đình Phong, lay người kịch liệt. Mà hình như dưới những tác động vụng về này mà Đình Phong tỉnh táo hơn chút ít, cơn đau đè nén trên lưng khiến nó nhăn nhó.
Trường An vội rút vải nhét trong miệng nó ra, liên miệng hỏi thăm:"Ca ca có đau không, ca ca chờ một chút ta sẽ đi tìm người cứu ca ca. Ca ca chờ..."
Nó vừa khóc vừa lo, biết rằng bản thân cần phải đi tìm người ngay nhưng cũng không dám rời mắt khỏi Đình Phong. Cuối cùng vì sợ Đình Phong sẽ chết mất, nó mới vội mở cửa muốn chạy đi.
Nhưng trước mắt nó không phải sân phơi vải phấp phới gió mà là biển lửa rừng rực cháy. Lửa to lấp kín tầm mắt nhỏ bé của Ngọc Trường An, nó sợ hãi đóng sập cửa vào, đến cạnh Đình Phong khóc không ngớt.
Lửa bên ngoài lan rất nhanh khắp khi vải, lại thêm gió thổi nên thoáng chốc cả sân phơi đã chìm trong biển lửa mịt mùng. Rất nhanh căn phòng mà Đình Phong và Ngọc Trường An ở trong cũng bắt lửa. Những thanh cửa gỗ tý tách cháy, sau đó lan rộng ra khắp phòng.
Ngọc Trường An hoảng loạn kéo vai Đình Phong, muốn lôi nó đến chỗ cháy chưa lan tới. Nhưng sức nặng cơ thể Đình Phong lớn hơn nhiều so với cơ thể nhỏ bé của Trường An.
"Ca ca, tỉnh đi, tỉnh đi mà! Cháy rồi, có ai không cứu với! Cứu ca ca với!" Tiếng gào khóc tê tâm phế liệt của đứa trẻ vang lên không ngớt nhưng tất cả đều bị lửa dữ nuốt trọn.
Đám cháy đã lan đến gần hết căn phòng, xà nhà bên trên bắt đầu rung lắc.
"Rầm!"
Âm thanh cực đại vang lên dọa Ngọc Trường An sợ điếng người, dưới con mắt tèm nhèm nước, nó nhìn thấy một thanh gỗ lớn cán ngang hai chân của Đình Phong.
Mà dường như dưới tác động của vật nặng dưới chân, Đình Phong tỉnh táo lại một chút, cơn đau toàn thân ập đến dằn vặt cơ thể nó. Nhưng nó không quan tâm đến những điều ấy mà chỉ thấy đứa nhỏ trước mắt đang gặp nguy hiểm.
Trong khoảng khắc sinh tử mong manh, Đình Phong dùng chút sức lực cuối cùng kéo Ngọc Trường An vào trong lòng mình, che chắn cơ thể nhỏ bé của đứa trẻ lại.
"Rầm!"
Lại thêm một thanh gỗ lớn nữa rơi xuống, nhà kho bắt đầu sụp dần. Ngọc Trường An ở trong lòng Đình Phong run rẩy khóc đến nấc nghẹn. Trong con mắt nó chỉ còn lại bóng tối vô hạn mà người kia che chắn cho nó. Bên tai là những âm thanh đổ vỡ liên miên, tiếng lửa gào rống điên loạn, mùi cháy khét khó chịu...
Cực hạn chịu đựng của một đứa trẻ tám tuổi làm sao có thể giữ được lâu hơn nữa. Sợ hãi, bất lực đã nuốt trọn lấy Ngọc Trường An. Chẳng biết từ bao giờ tâm trí nó không còn nhận thức nữa, mọi thứ như guồng xoay đẩy nó vào cơn hôn mê.
Mà lúc này đây, hai người Sở Vân Chính và Ngọc Thiên Minh cũng vừa mới đến đầu phố Nam.
Con phố bình thường náo nhiệt nhưng hôm nay lại xôn xao kì lạ, mọi người hò hét kéo nhau đi đâu.
Theo dòng người vội vã, Ngọc Thiên Minh và Sở Vân Chính cũng thấy lo lắng, vội chạy đi cùng.
Càng đến gần Thủy Nguyệt Đường, người túm lại ngày càng đông, thậm chí còn có thể thấy khói đen rừng rực bốc lên trời và mùi khét lẹt lan khắp không khí.
Trong một khắc ngỡ ngàng, Ngọc Thiên Minh nghe thấy bên tai có người nói.
"Sơ Tranh cháy rồi!"
...----------------...
...[Hết chương 12- Thế giới thứ hai]...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.